Ngày 16-8
“Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân”.
Ngày 16-8-1935, Nguyễn Ái Quốc đăng ký bản khai đại biểu tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản trong đó nêu một số chi tiết: “... Họ, tên, bí danh trong Đại hội: Lin... Thành phần xuất thân: Gia đình trí thức. Trình độ học vấn: Tự học... Từ năm 1928, tổ chức phong trào công nhân và nông dân ở Xiêm. Năm 1930-1931, tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương... Năm 1931, bị bắt, bị tù 2 năm... Đã tham gia Đại hội V Quốc tế Cộng sản… và Đại hội Quốc tế Công đoàn...”82.
Ngày 16-8-1945, tại ngôi đình ở Tân Trào, Đại hội Quốc dân gồm 60 đại biểu thuộc nhiều tầng lớp xã hội tiêu biểu, từ nhiều địa phương trong cả nước dự, đã bầu Ủy ban Giải phóng Dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngay sau ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh (15-8-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư gửi Trung úy Giôn trong cơ quan tình báo của Mỹ (OSS) để chuyển thông điệp: “Ủy ban dân tộc giải phóng của Mặt trận Việt Minh yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc rằng: Chúng tôi đã đứng về phía Liên hợp quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hợp quốc nuốt lời hứa long trọng này và không thực hiện cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập thì chúng tôi sẽ cương quyết chiến đấu cho đến khi giành được nền độc lập hoàn toàn”83.
Ngày 16-8-1951, Bác ra “Lời kêu gọi nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập”, nêu rõ: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với tầm vông và súng hỏa mai ban đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch... Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta sẽ đuổi sạch thực dân Pháp ra khỏi đất nước ta, và lấy lại thống nhất và độc lập thật sự...”84.
Ngày 16-8-1958, Bác gửi thư tới Đại hội Nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình họp tại Hà Nội, đưa ra quan điểm: “Cho nên phong trào hòa bình phải gắn liền với phong trào độc lập dân tộc... Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ hăng hái đấu tranh cho hòa bình”85.
Ngày 16-8-1965, báo Nhân Dân đăng bài Bác trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp nổi tiếng Philíp Đơvile (Philippe Devilers) về giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, với thông điệp: “Chính phủ Mỹ phải chấm dứt ngay những cuộc tiến công bằng không quân vào lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước chúng tôi, rút quân đội và các loại vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đó là “hòa bình trong danh dự”, ngoài ra không có con đường nào khác”86.
Ngày 17- 8
“Nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ”.
Ngày 17-8-1921, ghi nhận trong hồ sơ của Cơ quan mật thám Pháp bài viết “Vụ âm mưu ở Đông Dương” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Toàn văn sau này được tập hợp trong tác phẩm nổi tiếng: “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Bài báo tố cáo những tội ác được giới thực dân dựng lên để đàn áp và dễ bề cai trị. Bài báo viết: “Nhưng, người An Nam chúng tôi ở khắp mọi nơi, chúng tôi sẽ kiên quyết đưa sự bất công ghê tởm và phi lý ấy ra phản đối trước tất cả mọi người Pháp chân chính. Chúng tôi mong rằng dư luận nước Pháp thông cảm với những nỗi đau khổ của các anh em và sẽ đấu tranh đòi cho Công lý được thực hiện”87.
Ngày 17-8-1945, sau khi kết thúc Đại hội Quốc dân Tân Trào và bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân danh người đứng đầu Ủy ban đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”88.
Ngày 17-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa tại Đài liệt sỹ kỷ niệm Ngày Kháng chiến của Pháp, và từ Pari, gửi điện mừng Ngày Độc lập của Inđônêxia. Điện có đoạn viết: “Chúng tôi rất mong rằng vì hai dân tộc chúng ta cùng chịu đựng một thống khổ, cùng chiến đấu để giành độc lập, có thể cộng tác với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết để thực hiện hòa bình và dân chủ ở miền Đông Nam Châu Á”89.
Ngày 17-8-1947, trong lá thư gửi Hội nghị Thanh niên Việt Nam, Bác khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó…”90 và động viên: “Có chí làm thì quyết tâm ra việc và quyết làm được việc. Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mang, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được. Đó là những kinh nghiệm của một người bạn có lịch duyệt thật thà đem bày tỏ với các bạn. Mong các bạn gắng sức và thành công”91.
Ngày 17-8-1952, trao đổi với các học viên đang tham gia Lớp Chỉnh Đảng Trung ương về cách viết, Bác nói: “Viết cũng như mọi công việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ. Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được”92.
Ngày 17-8-1962, đến thăm và nói chuyện với học viên Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa tỉnh Hòa Bình, Bác đưa ra quan niệm: “... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”93.
Ngày 18-8
“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”
Ngày 18-8-1945, thông qua Cơ quan tình báo Chiến lược của Mỹ (OSS), Chủ tịch Ủy ban Giải phóng Dân tộc Hồ Chí Minh gửi thông điệp đến Chính phủ Pháp với đề nghị năm điểm: “1. Chính phủ Pháp công nhận Chính phủ Việt Minh. 2. Việt Minh công nhận quyền của Pháp trong vòng từ 5 đến 10 năm, sau đó Chính phủ Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam. 3. Trong 5-10 năm sau đó, Việt Nam hưởng quyền tự trị đối nội. 4. Chính phủ Pháp hưởng quyền ưu đãi trong kỹ nghệ và thương mại ở Việt Nam. 5. Người Pháp có thể làm cố vấn về ngoại giao”94. Cũng với phương thức này, thông điệp còn được gửi tới các nước Đồng Minh.
Cũng trong ngày 18-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” với những lời tha thiết: “Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO... Vừa đây Việt Minh lại triệu tập “Việt Nam Quốc dân đại biểu Đại hội” cử ra ỦY BAN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG VIỆT NAM để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập...
Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ Lâm thời của ta lúc này. Hãy đoàn kết chung quanh nó, làm cho chính sách và mệnh lệnh của nó được thi hành khắp nước. Như vậy thì Tổ quốc ta nhất định mau được độc lập, dân tộc ta nhất định mau được tự do.
Hỡi đồng bào yêu quý!
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”95.
Cũng vào thời điểm này, Bác viết thư cho Sáclơ Phennơ (Charles Fenn), sĩ quan OSS ở Côn Minh (Trung Quốc), người đã chắp nối quan hệ với người đứng đầu quân Đồng Minh ở vùng Hoa Nam, trong thư viết: “Chiến tranh đã kết thúc. Đây là điều tốt cho mọi người… Chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Nhưng chúng tôi, những nước nhỏ và phụ thuộc, không có phần đóng góp hoặc đóng góp rất ít vào thắng lợi của tự do, của dân chủ. Nếu muốn đóng góp một phần xứng đáng chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn ủng hộ chúng tôi. Tôi cũng tin rằng sớm hay muộn chúng tôi cũng sẽ đạt được mục đích của mình, bởi vì mục đích đó là chính nghĩa. Và đất nước chúng tôi sẽ độc lập. Tôi trông chờ ngày hạnh phúc được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ”96.
Ngày 18-8-1962, thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ, Bác nhắc nhở: “Đảng ta là đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu. Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân. Như thế là xây dựng chủ nghĩa xã hội....”97.
Ngày 18-8-1969, mặc dù sức khoẻ không tốt, những Bác vẫn dành thời gian làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh bàn về việc trả lời thư của Tổng thống Mỹ R.Níchxơn (R.Nixon) gửi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 19-8
“Việt Bắc đã có một lịch sử cách mạng rất vẻ vang”.
Ngày 19-8-1922, báo “L’Humanité” (Nhân Đạo) đăng bài “Chủ nghĩa cộng sản và thanh niên Trung Quốc” của Nguyễn Ái Quốc giới thiệu tiến trình và những cái mốc phát triển của phong trào thanh niên ở Trung Quốc nhân Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản toàn Trung Quốc vừa họp thành công 3 tháng trước (5-1922).
Ngày 19-8-1947, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc” và “Thư gửi đồng bào Việt Bắc”. Với đồng bào cả nước, Bác phân tích: “Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân... đã xây dựng cho nhân dân ta cái nền tảng Dân chủ Cộng hòa và thống nhất độc lập. Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng Tháng Tám tranh tự chủ chống ngoại xâm. Cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng Tháng Tám thực hành lý tưởng: Bình đẳng, Tự do, Bác ái. Theo gót Cách mạng 1911 của Tàu, Cách mạng Tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh”98.
Lá thư cổ vũ: “Nay cuộc trường kỳ kháng chiến phải tiếp tục cái nhiệm vụ vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám: Phải làm cho nền Dân chủ Cộng hòa chắc chắn, phải làm cho quyền thống nhất độc lập vững vàng... Chúng ta có cái chí quật cường không nao núng của dân tộc, chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân. Chúng ta có cái lòng hy sinh cảm tử của chiến sĩ ở tiền tuyến. Chúng ta có cái sức kiên quyết nhẫn nại của đồng bào ở hậu phương. Đó là những vũ khí luôn luôn chiến thắng quân thù, chứ không lực lượng nào chiến thắng được những vũ khí đó... Chúng ta dám trả cái giá cho thắng lợi, thì chúng ta nhất định thắng lợi”99.
Còn trong thư gửi đồng bào của căn cứ địa cách mạng, Bác viết: “Đồng bào Việt Bắc đã có một lịch sử cách mạng rất vẻ vang. Xưa kia cụ Hoàng Hoa Thám và những vị anh hùng khác đã dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp suốt mấy mươi năm. Gần đây Việt Bắc là căn cứ địa oai hùng của Quân giải phóng để chống Nhật, kháng Pháp… Có sự vẻ vang đó là vì toàn thể đồng bào Việt Bắc: Kinh, Thổ, Mán, Nùng, Mèo, v.v. ai cũng yêu nước, ai cũng không chịu làm nô lệ, ai cũng đoàn kết, ai cũng hăng hái ủng hộ cách mạng”100.
Cũng trong thời gian này, Bác Hồ còn viết “Thư gửi Nhi đồng toàn quốc” căn dặn: “… Việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Làm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tuổi các cháu còn nhỏ, thì các cháu làm những công việc nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to. Bác mong các cháu làm việc và học hành, cho xứng đáng là nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thống nhất và độc lập”101.
Ngày 19-8-1950, trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập 2-9”, Bác viết: Nước ta vừa độc lập được 5 năm, đã 5 năm nhân dân ta kháng chiến. Chúng ta quyết hy sinh cực khổ để cho nước nhà độc lập, thống nhất và con cháu ta được hưởng tự do, hạnh phúc muôn nghìn đời về sau”, và nêu tấm gương: Đồng chí Tôn Đức Thắng là một con người rất ưu tú của Tổ quốc... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân...
Ngày 20-8
“Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng”.
Ngày 20-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ tư thừa nhận thủ tục trục xuất Tống Văn Sơ tại phiên tòa lần thứ nhất là sai nhưng vẫn tiếp tục ra lệnh trục xuất tiếp. Luật sư Lôdơbi tiếp tục kháng án vì cho rằng nếu việc bắt giam là trái phép thì việc trục xuất cũng không có cơ sở pháp lý.
Ngày 20-8-1935, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, dự bữa cơm thân mật với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Môrixơ Tôrê dẫn đầu và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do Vương Minh dẫn đầu.
Ngày 20-8-1945, trước lúc rời Tân Trào về Thủ đô, Bác mời một số nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái... căn dặn: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, một số các cụ, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa…”102. Thực tiễn lịch sử đã diễn ra đúng như những tiên liệu của Bác.
Ngày 20-8-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhiều nhà tư bản đang đầu tư tại Mỏ than Hòn Gai, giám đốc Công ty Điện và Nước Đông Dương; đồng thời, cũng tiếp tục thuyết phục Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Mariuýt Mutờ cần phải tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý, trên nguyên tắc cơ bản là nước Pháp phải công nhận nền độc lập của Việt Nam và Việt Nam bảo đảm những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp.
Ngày 20-8-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một loạt các sắc lệnh trong đó có việc ban hành: “Huân chương Kháng chiến” các hạng để thưởng cho những người có công với quân đội và các hoạt động quốc phòng; sắc lệnh thành lập “Trường Y sĩ Việt Nam” để đào tạo cán bộ y tế dân y và quân y.
Tháng 8-1962, Bác đến nói chuyện với lớp bồi duỡng cán bộ về công tác mặt trận và căn dặn: “Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng… phải làm sao đoàn kết chặt chẽ được mọi tầng lớp nhân dân… đoàn kết được các dân tộc anh em, giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo nhằm… cùng nhau xây dựng Tổ quốc… thực hiện đúng khẩu hiệu:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, thành công, đại thành công!”103.
Ngày 20-8-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ mừng thọ 80 tuổi Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và tặng người đồng chí lão thành hai câu thơ:
“Càng già, chí khí càng dai.
Chống Mỹ, cứu nước ít ai hơn già”104.
Ngày 21-8
“Chi bộ là sợi dây liên hệ giữa Đảng và quần chúng”.
Ngày 21-8-1920, báo cáo mật thám Pháp ghi nhận Nguyễn Ái Quốc bị ốm phải vào bệnh viện Côsanh (Cochin) ở Pari điều trị.
Tháng 8-1923, báo “Le Paria”(Người Cùng khổ) đăng bài “Ách áp bức không từ một chủng tộc nào” nhân sự kiện một phái viên của nước Nga Xôviết bị bọn phát xít ám sát tại Thụy Sĩ, và việc một công nhân gốc Tuynidi ở Pháp bị cảnh sát giết, tác giả bài báo lên án: “Tất cả những liệt sĩ của giai cấp công nhân... đều là những nạn nhân của một kẻ giết người: Chủ nghĩa tư bản quốc tế. Và hương hồn của những người bị hy sinh này luôn tìm thấy nguồn an ủi cao cả nhất ở lòng tin vào sự nghiệp giải phóng những anh em của họ bị áp bức - không phân biệt chủng tộc hay xứ sở. Sau những bài học đau đớn này, những người bị áp bức ở tất cả các nước hẳn phải hiểu đâu là những người anh em thật sự và đâu là kẻ thù của họ”105.
Ngày 21-8-1941, trên báo Việt Nam Độc lập, Nguyễn Ái Quốc vẽ và viết lời cổ động cho tờ báo:
“Việt Nam độc lập thổi kèn loa
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già
Đoàn kết vững bền như khối sắt
Để cùng nhau cứu nước Nam ta!”106.
Ngày 21-8-1942, trên báo Việt Nam Độc lập đăng bài thơ tuyên truyền đường lối cách mạng của Việt Minh nhằm mục tiêu đoàn kết lực lượng toàn dân, bài thơ có tên “Chơi Giăng”: “... Nước nhà giành lại nhờ tài sắt/ Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng/ Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi/ Tức là cách mệnh chúng thành công”107.
Ngày 21-8-1946, trước nguy cơ tan vỡ của Hội nghị Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm cho Chính phủ Pháp đề nghị hai bên cần trở lại tiếp tục cuộc đàm phán, nhưng phía Pháp trả lời: “… Những sự khác nhau quá sâu xa giữa hai quan điểm về những vấn đề cơ bản làm cho Hội nghị không họp được, vì có họp cũng không đi đến kết quả nào”108. Tuy vậy, cùng ngày, Bác vẫn tiếp tục gặp gỡ các chính khách như Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mariuýt Mutờ, cựu Toàn quyền Đông Dương Alécxăngđrơ Varen (Alexandre Varenne), ông Giăng Xanhtơni và trả lời báo “Libộration”(Giải phóng)... nhằm cứu vãn tình hình.
Ngày 21-8-1952, trong bài báo “Kế hoạch gia đình” đăng trên báo Nhân Dân, Bác đề cập đến phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm đang được phát động, trong đó có việc hướng dẫn nhân dân xây dựng “kế hoạch gia đình”. Bài báo phê phán cách làm quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, để đi đến kết luận: “Nói tóm lại: Kế hoạch gia đình là một điều rất hay, rất tốt, ích nước lợi dân. Nhưng cán bộ phải biết chuẩn bị, giải thích, đánh thông tư tưởng giúp đồng bào tự giác tự động làm, tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh, biết theo dõi, đôn đốc, thì mới chắc chắn thành công”109.
Ngày 21-8-1953, trong bài báo có nhan đề “Chi bộ” đăng trên báo Cứu Quốc, Bác nêu rõ vai trò chi bộ “là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng... luôn luôn tuyên truyền cho nhân dân và tổ chức cho nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng. Luôn luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân… Luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của nhân dân...”110.
Ngày 21-8-1969, Bác ký sắc lệnh số 12/LCT ân xá và giảm án cho những phạm nhân thật thà hối cải, tích cực cải tạo, nhân kỷ niệm lần thứ 24 Quốc khánh. Đây là văn bản pháp quy cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thanh Huyền (tổng hợp)
Chú thích:
82. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 60-61.
83. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 273.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 281-282.
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 218-219.
86. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 489.
87. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 39.
88. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 274-275.
89 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280.
90, 91. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 185, 186.
92. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 235.
93 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, 2009, t. 10, tr. 591.
94. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 276.
95, 96. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 553-554, 550.
97. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 268-269.
98. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 187.
99, 100, 101. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 187-188, 190, 193.
102. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 2, tr. 280.
103. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2008, t. 8, tr. 276-277.
104. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 10, tr. 245.
105. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 1, tr. 200.
106. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 2, tr. 146.
107. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 3, tr. 241.
108. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 3, tr. 309.
109. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 6, tr. 547.
110. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 7, tr. 243.