Ngày 11-8
“Không để lỡ cơ hội”.
Ngày 11-8-1942, trên báo Việt Nam Độc lập, Nguyễn Ái Quốc đăng bài thơ “Tặng Toàn quyền Đờcu” đả kích viên Toàn quyền thực dân Pháp Giăng Đờcu (Jaan Decoux) theo quan điểm đầu hàng của Chính phủ Pêtanh (Petain):
“Non nước Rồng Tiên rõ mịt mù,
Lợi quyền phó mặc bố thằng Cu.
Đối dân Nam Việt thì lên mặt,
Gặp bọn Phù Tang chỉ đội khô!
Về Pháp, không cơm e chết đói,
Ở đây, hút máu béo ni-cu.
Cũng như thống chế Pêtanh vậy,
Chỉ có cu cù được mãi ru!”56.
Tháng 8-1945, để chuẩn bị triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng, Bác đề nghị: Nên họp ngay và càng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng. Không để lỡ cơ hội, và thúc giục các đại biểu trên toàn quốc sớm về dự.
Ngày 11-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia chủ là ông bà Ôbơrắc thăm Cung điện Săngtili (Chantilly) sau đó tiếp G.Xanhtơni một chính khách thông hiểu tình hình Việt Nam và có khuynh hướng hòa hoãn.
Ngày 11-8-1961, Bác đi kiểm tra các đoạn đê xung yếu thuộc các xã Đông Mỹ, Sở Thượng, huyện Thanh Trì, Hà Nội, căn dặn lực lượng bảo vệ đê: “Dù nước to đến đâu, cũng phải giữ đê cho chắc. Phải đề phòng mực nước cao nhất, chớ chủ quan khi nước chưa rút hẳn. Phải bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và của cải của Nhà nước ở hai vệ sông”57.
Ngày 11-8-1963, báo Nhân Dân đăng bài “Kinh nghiệm “3 xây, 3 chống” của Bác dưới bút danh “Chiến Sĩ”. Bài báo viết: “... Muốn xây dựng một lâu đài mới thì phải phá cái lều cũ ọp ẹp đi. Muốn xây dựng những tiến bộ mới trong nền kinh tế ta thì phải chống những cái cũ kỹ và lạc hậu”58 ví như chống lãng phí sức người, thời giờ và máy móc...
Tháng 8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của nhà báo Ôxtrâylia nổi tiếng U.Bớcsét (W.Burchett) về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và đưa ra thông điệp: “... Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hòa bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ. Nhân dân chúng tôi được giáo dục theo tinh thần quốc tế chân chính. Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp và nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn đang nâng đỡ chúng”59.
Cũng trong tháng 8-1963, đến thăm Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm, Bác góp ý: Cần chú trọng hơn nữa về đức dục; phải thực hiện tốt phương châm giáo dục kết hợp với lao động sản xuất trong giảng dạy và học tập; tránh lối dạy nhồi sọ, lối học như vẹt; cần kiệm xây dựng nhà trường và căn dặn: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”60.
Ngày 11-8-1965, Bác ra sắc lệnh truy tặng Huân chương Chiến công cho liệt sĩ Nguyễn Bá Ngọc, 13 tuổi ở xã Quang Trung, Quảng Xương, Thanh Hóa đã dũng cảm cứu bạn khi máy bay Mỹ bắn phá và anh dũng hy sinh, một tấm gương tiêu biểu của thế hệ thiếu nhi thời “Chống Mỹ, cứu nước”.
Ngày 12-8
“Kiên quyết đấu tranh đòi giải trừ quân bị”.
Ngày 12-8-1945, đang ốm nặng, tại căn cứ địa Tân Trào, qua chiếc máy thu, Hồ Chí Minh nghe tin Nhật Bản đã trao công hàm cho phía Đồng Minh để thăm dò khả năng ngừng bắn. Tuy Nhật chưa đầu hàng, nhưng quan sát động thái đó, Bác nhận định “Có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật”61.
Ngày 12-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đoàn Việt Nam đang dự Hội nghị Phôngtennơblô và bà con Việt kiều. Bình luận về cuộc đụng độ vũ trang Việt - Pháp tại Bắc Ninh khi trả lời tờ “Le Combat” (Chiến đấu), người đứng đầu nhà nước Việt Nam nói: “… Ý kiến của tôi là mặc dầu trách nhiệm về bên nào, vụ xung đột ấy cũng rất đáng tiếc... Hội nghị chỉ có thể gián đoạn chứ không thể tan vỡ được. Tôi sẽ không khởi hành trước khi chúng ta có thể đi tới một sự thỏa thuận”62.
Nhằm cứu vãn tình hình, trong ngày 12-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mariút Mutờ bày tỏ quan điểm: “Điều trước tiên là chúng ta cần làm dịu đầu óc những người Pháp và những người Việt Nam... cần làm cho cả hai bên hiểu rõ những cái mà họ có thể giành được. Những vấn đề mà người Pháp cũng như người Việt Nam tha thiết nhất, đó là vấn đề độc lập dân tộc và vấn đề Nam Bộ... Tôi chắc chắn rằng, với thiện ý chung và sự tin cậy lẫn nhau, chúng ta sẽ rất nhanh chóng đi đến một sự thoả thuận có lợi cho cả hai dân tộc chúng ta”6 .
Cũng với mối quan tâm này, Chủ tịch còn gửi thư cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Môrixơ Tôrê yêu cầu các bộ trưởng cộng sản trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ Pháp khi thảo luận hãy ủng hộ quan điểm của Việt Nam và xác định số phận Việt Nam tuỳ thuộc nhiều vào cuộc thảo luận đó.
Ngày 12-8-1952, báo Cứu Quốc đăng bài của Bác “Một làng tiến đến kiểu mẫu” ký tên là Đ.X, giới thiệu gương làng Thọ Xuân (Thanh Hóa) quán triệt quan điểm của Chính phủ về kế hoạch sản xuất và tiết kiệm nên đã tiến hành tổ chức “làm việc tập đoàn”64, tổ chức phân công lao động... do vậy mà: “Phân công hợp lý cả làng/ Sản xuất tiết kiệm rõ ràng thi đua/ Một mùa gặt bằng hai mùa/ Dân no, nước mạnh tha hồ đánh Tây”65 .
Ngày 12-8-1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, các thành viên Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam (gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canađa) đến Thái Nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự lễ đón tiếp và phát biểu: “Tôi tin chắc rằng Ủy ban Quốc tế sẽ nắm vững tinh thần hiệp định và tuyên ngôn cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ, kết hợp nó với tình hình thực tế và đứng trên lập trường công bằng chính trực mà làm tròn chức trách của Ủy ban”66.
Ngày 12-8-1961, trong bức điện gửi Hội nghị Quốc tế chống bom nguyên tử họp tại Tôkiô (Nhật Bản), Bác viết: “Để cho những tội ác kinh khủng do đế quốc Mỹ gây ra ở Hirôsima và Nagadaki không bao giờ còn diễn lại, chúng ta kiên quyết đấu tranh chống việc thử bom nguyên tử và bom khinh khí, kiên quyết đấu tranh đòi giải trừ quân bị toàn bộ và triệt để”67.
Ngày 12-8-1969, Bác lên khu nhà nghỉ ở Hồ Tây để thăm lãnh đạo đoàn đàm phán tại Pari mới trở về nước. Thời tiết xấu khiến Bác bị nhiễm lạnh và kể từ đó lâm bệnh, nặng dần cho đến lúc qua đời.
Ngày 13-8
“Cần có công đoàn mạnh, cán bộ công đoàn tốt”.
Ngày 13-8-1921, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đến thăm và lưu lại tại ngôi nhà của Luật sư Phan Văn Trường, số 6 “Vila đê Gôbơlanh” (Villa des Gobelins) ở Pari, sau đó đi họp Chi bộ Đảng Xã hội quận 13.
Ngày 13-8-1942, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi mới là Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng chính trị của người Việt Nam ở ngòai nước và vận động quốc tế cho công cuộc giải phóng dân tộc68.
Ngày 13-8-1945, nhận được tin Nhật Bản đã đầu hàng Đồng Minh, từ chiến khu Tân Trào, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng hạ lệnh khởi nghĩa, nhanh chóng truyền tin đi cả nước và triệu tập các cuộc họp khẩn cấp của Trung ương và Đại hội Quốc dân. Lệnh khởi nghĩa chỉ rõ: Phải tập trung vào các đô thị, chặn đánh quân Nhật rút lui..., chuẩn bị kháng chiến một khi quân Pháp trở lại.
Ngày 13-8-1946, đứng trước nguy cơ đổ vỡ của Hội nghị Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cố gắng cứu vãn để tránh một cuộc đổ máu xảy ra, Bác tuyên bố với tờ “Franc-tireur” (“Quân Du kích”): “Tôi không muốn trở về Hà Nội tay không. Tôi muốn khi trở về nước sẽ đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể với sự cộng tác chắc chắn mà chúng tôi mong đợi ở nước Pháp.
Nước Việt Nam không chịu trách nhiệm về các cuộc xung đột đã xảy ra. Cần phải tạo nên bầu không khí thuận lợi cần thiết cho cuộc cộng tác Việt - Pháp... Về phần chúng tôi, chúng tôi quyết định bảo đảm cho nước Pháp những quyền lợi tinh thần, văn hóa và vật chất, nhưng trái lại nước Pháp phải bảo đảm nền độc lập của chúng tôi”69.
Ngày 13-8-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng ngày thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, trong đó khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân Lào cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi chung của khối liên minh Lào - Miên - Việt đoàn kết chiến đấu đánh đuổi kẻ thù chung...”70.
Ngày 13-8-1954, báo Nhân Dân đăng bài viết của Bác (dưới bút danh C.B) “Kinh nghiệm phát động quần chúng” phê phán những khuyết điểm nghiêm trọng trong đợt 5 Cải cách ruộng đất tại ngót 200 xã. Bài báo viết: “Khuyết điểm chính là không biết tuyên truyền chính sách, không biết chấp hành chính sách”71 do đó mà có hiện tượng nghi ngờ tất cả cán bộ địa phương, không phân biệt người tốt kẻ xấu, bắt bớ lung tung, có nơi vạch thành phần lung tung từ 11 địa chủ tăng lên thành 65 địa chủ và nhiều hiện tượng khác... Bài báo kết luận: “Để giành lấy kết quả tốt, tất cả các đội cần phải thật thà kiểm thảo từng bước công tác, để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”72.
Ngày 13-8-1962, nói chuyện với Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc, Bác khẳng định: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp cụng nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt... Lênin có nói: Công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản. Muốn thực hiện lời dạy đó, cán bộ công đoàn phải thấm nhuần và giáo dục cho công nhân thấm nhuần: Ý thức làm chủ tập thể và cần kiệm xây dựng nước nhà. Nâng cao nhiệt tình lao động và tôn trọng kỷ luật lao động. Đẩy mạnh thi đua yêu nước. Ra sức giúp đỡ nông dân cải tiến kỹ thuật canh tác, củng cố hơn nữa khối công nông liên minh. Chống tệ quan liêu, lãng phí, tham ô”73.
Ngày 14-8
“Cơ hội tốt cho ta giành độc lập đã tới”.
Ngày 14-8-1921, mật thám Pháp ghi nhận một cuộc gặp gỡ kéo dài hai ngày, tại nhà của Luật sư Phan Văn Trường với nhiều nhân vật trong giới hoạt động xã hội của người Việt tại Pháp như Phan Chu Trinh, Phan Cao Đoan... và Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm này đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Ngày 14-8-1926, bài viết Phong trào Cách mạng ở Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc được đăng trên Tập san “Inprekorr” (bản tiếng Pháp) của Quốc tế Cộng sản. Đây là một bức tranh toàn cảnh những biến đổi chính trị trong phong trào giải phóng dân tộc đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và đi tới một nhận định: “Tình hình chính trị ở Đông Dương có thể tóm tắt trong lời than vãn sau đây của một tờ báo tiếng Pháp ở Bắc Kỳ: "Vụ biến động này... đã làm cho nước ta xưa nay yên ổn biết bao, đã trở thành trung tâm của những cuộc biến động và hỗn loạn”74.
Ngày 14-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bị đưa ra phiên tòa xét xử vắng mặt lần thứ hai. Bất chấp sự phản đối của luật sư, phía công tố vẫn tuyên bố trục xuất Tống Văn Sơ khỏi Hồng Kông và đọc lệnh của Thống đốc Anh chỉ định bị cáo phải rời khỏi Hồng Kông trên tàu “Alger” vào ngày 18-8-1931. Viên Công tố cũng đọc lời kháng án của Tống Văn Sơ chỉ rõ việc vi phạm quá trình tố tụng trong khi thẩm vấn và nhiều hành vi sai trái khác và nói trước rằng: Nếu tôi bị trục xuất đến Đông Dương, tôi sẽ bị giết, dù có xét xử hay không xét xử. Từ tháng 11-1929, Tòa án Nam Triều ở Vinh đã tuyên án tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc. Đây chính là những lập luận cơ bản mà các luật sư đang vận dụng để kháng án lên các cấp xét xử cao hơn.
Ngày 14-8-1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang) theo đề nghị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã đưa ra nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”75. Hội nghị đã quyết định mục tiêu giành quyền độc lập cho dân tộc và thành lập chính quyền nhân dân, thi hành “Mười chính sách của Việt Minh”, định ra chính sách ngoại giao với Đồng Minh và những nguyên tắc hành động để đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công.
Ngày 14-8-1952, báo Nhân Dân đăng bài “Anh hùng và trí thức” của Bác (C.B) khẳng định: “Dưới chế độ dân chủ mới, những người lao động trí óc, cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình, nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, họ được đồng bào kính trọng, được Chính phủ và Đoàn thể nêu cao”76. Bài báo nêu tên những trí thức được tuyên dương Anh hùng như Trần Đại Nghĩa; nhiều người được bầu làm Chiến sĩ thi đua như các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Đình Cầu, thi sĩ Tú Mỡ... “Điều đó chứng tỏ: Chính phủ kháng chiến rất quý trọng những người trí thức chân chính. Những người trí thức chân chính đều hăng hái tham gia kháng chiến. Chỉ một việc đó cũng đủ thấy: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”77.
Ngày 14-8-1953, báo Cứu Quốc đăng bài “Chế độ dân chủ tập trung của Đảng” (ký tên Đ.X) của Bác với kết luận: “Muốn cho Đảng mạnh, phải mở rộng dân chủ, đồng thời thực hiện sự lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và kỷ luật”78.
Ngày 15-8
“Một dân tộc tự đứng trên chính đôi chân của mình”.
Ngày 15-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, tại phiên tòa thứ ba của Tòa án Tối cao Hồng Kông xét xử, lời khai của Tống Văn Sơ đã tố cáo những vi phạm của cơ quan tố tụng và xác nhận: ... Tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc, theo tất cả những gì mà chúng tôi biết, có nghĩa là chiến đấu vì nhà vua và vì đất nước... Chúng tôi là một dân tộc đang chiến đấu và có khả năng tự đứng vững trên chính đôi chân của mình, nhưng cũng cần phải tìm sự viện trợ từ bên ngoài... Vì tổ chức của tôi và tôi trông cậy vào sự giúp đỡ của nước Anh nên tôi không hiểu vì sao tôi lại bị bắt?...
Ngày 15-8-1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang) theo chỉ đạo của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã ra nghị quyết nhanh chóng phát động khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam và yêu cầu các đại biểu nhanh chóng về cơ sở để khẩn trương hành động.
Ngày 15-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thủ tướng Ấn Độ G.Nêru (J.Nerhu): “Nhân ngày tuyên bố độc lập của Ấn Độ, một ngày long trọng không riêng gì cho quý quốc, mà cho cả đại gia đình Á châu chúng ta, thay mặt dân tộc Việt Nam và riêng tôi nữa, tôi trân trọng yêu cầu Ngài nhận và chuyển cho đại dân tộc Ấn Độ lời chúc tụng nhiệt liệt và lời chào mừng thân ái của chúng tôi.
Tin tưởng vào mối cảm tình và tình đoàn kết giữa các dân tộc Ấn Độ và Á châu, dân tộc Việt Nam cương quyết tranh đấu cho được thống nhất và độc lập”79. Cùng với nội dung tương tự, một bức điện khác được gửi tới Toàn quyền Pakixtan chúc mừng Ngày tuyên bố Độc lập của quốc gia Hồi giáo vừa được tách khỏi Ấn Độ thuộc Anh.
Ngày 15-8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn nhân việc nhà bác học Giôliu Quyri từ trần. Điện viết: “… Giáo sư đã hiến tất cả cuộc đời quang vinh của mình cho khoa học, cho sự nghiệp hòa bình và cho hạnh phúc nhân loại. Giáo sư mất đi là tổn thất rất lớn không những cho nhân dân Pháp, mà còn cho cả nhân dân toàn thế giới”80. Vợ chồng Giôliu và Mari Quyri đều nhận Giải Nôben, nhiệt tâm ủng hộ nền độc lập Việt Nam và từng gặp Bác trong thời gian có mặt tại Pari 1946.
Tháng 8-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi họa sĩ Picátxô (Picasso) nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của danh họa: “Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái thiện, cái mỹ, với hòa bình và nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa cộng sản và vì thế họa sĩ mãi mãi giữ được tuổi xuân. Con chim bồ câu hòa bình do Picátxô vẽ, rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp trên thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngăn cản nổi của nhân dân các dân tộc”81. Năm 1946, khi sang thăm nước Pháp, Bác đã thăm Picátxô và được họa sĩ vẽ tặng một bức chân dung.
Khánh Linh (tổng hợp)
Chú thích:
56. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 240.
57. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 117.
58, 59, 60. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 119, 117, 616.
61. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 270.
62. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 302.
63. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 303.
64, 65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 540.
66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 329.
67. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 117.
68. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 172.
69. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 279.
70. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 541.
71, 72. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 331, 332.
73 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 586-587.
74. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 233.
75. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 271.
76, 77. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 542-543.
78. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 354.
79. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 183.
80. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 216.
81. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 388.