Chỉ mục bài viết

 Ngày 27-8

“Một Chính phủ thống nhất quốc gia”.

Ngày 27-8-1922, mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí cộng sản trong chi bộ Quận 17, Pari đi dạo tại khu rừng Phôngtennơblô.

Ngày 27-8-1942, Hồ Chí Minh trên đường qua Trung Quốc để “vâng lệnh đoàn thể đi cầu ngoại viện” cho cách mạng Việt Nam bị quan tuần cảnh của Trung Hoa Quốc dân đảng bắt giữ tại Túc Vinh thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, nằm trong lãnh địa của Đệ tứ Chiến khu. Theo tướng Trương Phát Khuê là Tư lệnh Chiến khu này thì trong người Hồ Chí Minh mang theo chứng minh thư của “Quốc tế phản xâm lược hiệp hội ở Việt Nam“ và thẻ hội viên đặc biệt của “Quốc tế Tân văn xã” nhưng đều quá thời hạn hiệu lực nên bị nghi là gián điệp.

Sau khi bị bắt, Bác tìm cách bí mật viết thư về báo tin cho tổ chức ở trong nước biết để tiến hành vận động các khả năng buộc chính quyền Tưởng Giới Thạch phải trả tự do. Vì vậy, đã có hàng trăm lá thư của các tầng lớp dân chúng từ chiến khu Cao - Bắc - Lạng và Việt kiều ở Hoa Nam đã gửi tới Chính phủ Trùng Khánh và các sứ quán cũng như các hãng thông tấn Trung Quốc và nước ngoài đề cập yêu cầu này. Đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Trùng Khánh cũng gặp Cơ quan tình báo Chiến lược Mỹ (OSS) yêu cầu gây sức ép với Chính phủ Trung Hoa và nên tranh thủ sự hợp tác với Hồ Chí Minh để chống phát xít Nhật ở Đông Dương.

Tuy nhiên, phải đến tháng 10-1943, sau khi giải nhà cách mạng đi qua nhiều nhà lao ở nhiều địa phương khác nhau, Hồ Chí Minh mới được trả tự do và cũng chính trong thời gian nhiều thử thách này, nhiều bài thơ đã được Bác sáng tác trong tù sau này tập hợp trong tập thơ “Ngục Trung Nhật Ký” (Nhật ký trong tù).

Ngày 27-8-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Ủy ban Dân tộc Giải phóng đưa ra đề nghị cụ thể về chính sách đại đoàn kết dân tộc để thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đại diện các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái, những nhân vật có danh vọng trong xã hội. Hưởng ứng đề nghị trên, nhiều ủy viên Việt Minh xin rút lui để nhường ghế cho những thành phần khác. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Chính phủ có ba ghế cho Đảng Dân chủ, một cho công giáo và nhiều bộ trưởng không đảng phái.

Cùng ngày, Chính phủ lâm thời ra Tuyên cáo: Tuân theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ mà quốc dân giao phó cho. Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Mặt trận Độc lập Đồng minh... Nó là một Chính phủ thống nhất quốc gia giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức. Đánh giá toàn bộ sự kiện trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân.

Ngày 28-8

“Chính sách của Chính phủ trước sau như một vẫn là đại đoàn kết”.

Ngày 28-8-1942, từ Túc Vinh, Hồ Chí Minh bị lính của Trung Hoa Quốc dân đảng áp giải và đưa đến giam trong nhà lao huyện Thiên Bảo.

Ngày 28-8-1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian để soạn thảo văn kiện lịch sử “Tuyên ngôn Độc lập”. Hồi ức của đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: Trong căn nhà nhỏ, thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gỡ, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.

Một buổi sáng, Bác và anh Nhân (Trường Chinh) gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong. Bác đang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người. Hai mươi sáu năm trước (1919), Bác tới Hội nghị hòa bình Vécxây, nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình. Giờ phút này, Người đã thay mặt cho cả dân tộc, hái quả tám mươi năm đấu tranh. Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn vẻ vàng của Người...

Ngày 28-8-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục các cuộc vận động hành lang để cứu vãn sự bế tắc trong quan hệ Việt - Pháp, gặp gỡ nhiều chính khách như Bộ trưởng Tư pháp Tengiăng (Teltgen), Bộ trưởng Canh nông T. Prêgiăng (Prêgent), Bộ trưởng Giao thông Thương mại J. Mos (J.Moch)...

Ngày 28-8-1947, trả lời báo Độc Lập của Đảng Dân chủ về việc mở rộng Chính phủ, Bác nêu rõ quan điểm: “Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài có đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh việc nước. Thí dụ: Ngoài cụ Đặng Văn Hưởng ra, còn nhiều cụ khác nữa như cụ Phạm Gia Thụy, cựu Tổng đốc; cụ Phan Kế Toại, Khâm sai đại thần; cụ Phó bảng Bùi Kỷ, v.v.. đều rất tận tụy giúp việc kháng chiến. Trước sự đại đoàn kết của Chính phủ và quốc dân đồng bào, mưu mô chia rẽ của thực dân phản động Pháp nhất định thất bại”133.

Ngày 28-8-1963, Bác dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo việc thực hiện kế hoạch nhà nước. Bác phát biểu: “Từ trước nay ta nói hay nói giỏi, nhưng làm thì thế nào?... Ta chủ trương thắt lưng buộc bụng, nhưng người thi hành đã có những biện pháp thiết thực thế nào?”134.

Ngày 28-8-1969, tình hình sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu rối loạn trầm trọng. Tuy vậy, mỗi lần tỉnh, Bác vẫn yêu cầu được nghe trả lời câu hỏi: “Miền Nam chiến sự thế nào?”135. Sau đó, động viên mọi người: Hôm nay, Bác khỏe hơn hôm qua.

Ngày 29-8

“Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần phải càng cao”.

Ngày 29-8-1932, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, mặc dầu chưa đủ cơ sở luật pháp để trục xuất Tống Văn Sơ khỏi nhượng địa của Anh nhằm đẩy nhà cách mạng Việt Nam vào tay thực dân Pháp, nhưng Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh cũng không chấp nhận để Tống Văn Sơ được phép sang nước Anh nơi mà Pháp không thể nào bắt được.

Ngày 29-8-1942, ngày đầu tiên Hồ Chí Minh nhập nhà lao huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với thời gian bị giam giữ tại đây kéo dài đến 24-9-1942. Trong khoảng thời gian này, Bác đã làm 22 bài thơ mà bài đầu tiên mang nội dung như một lời tuyên ngôn cho một tinh thần bất khuất và lạc quan:

Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao.

Ngày 29-8-1943, đúng một năm sau khi bị bắt giam vào nhà lao Tĩnh Tây, sau một chặng đường dài đi qua nhiều nhà lao ở nhiều địa phương khác nhau, Hồ Chí Minh bị giải từ Thiên Bảo lại trở về huyện lỵ Tĩnh Tây nhưng bị biệt giam hơn hai tuần, ngày mang gông, đêm cùm chân.

Ngày 29-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời người đứng đầu Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ OSS, Đại tá A.Pátti (A.Patty) đến ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang để trao đổi về dự thảo văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” và dự kiến tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập và việc quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 18 trở lên, về “chương trình quốc hữu hóa” của Chính phủ Việt Nam đối với một số ngành kinh tế quan trọng.

Cùng ngày, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ Pátti chuyển tới Tổng thống Mỹ Hary Truman (Harry S.Truman) một bức điện với nội dung: Để bảo đảm có kết quả cho vấn đề mà Ủy ban Liên tịch các nước Đồng Minh có nhiệm vụ phải giải quyết ở Việt Nam, yêu cầu để cho phái đoàn Mỹ được làm một thành viên của Ủy ban nói trên và đặt quan hệ với Chính phủ chúng tôi... Chúng tôi yêu cầu cho Chính phủ chúng tôi, chính quyền duy nhất hợp pháp ở Việt Nam, và là người duy nhất đã chiến đấu chống Nhật (hoạt động quân sự do Mặt trận Việt Minh và sĩ quan Mỹ tiến hành) có quyền đại diện trong Ủy ban đó.

Ngày 29-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường gặp các chính khách Pháp như Bộ trưởng Giáo dục Nagiơlăng (Nagelen), Bộ trưởng Ph.Gay (F.Gay), Bộ trưởng Xây dựng Phrăngxoa Biu (Francois Billoux) và chủ bút tờ báo châm trích nổi tiếng “Le Canard Enchainộ” (Con vịt bị trói).

Ngày 29-8-1952, báo Cứu Quốc đăng bài: “Sẵn tiền, sẵn lòng, tát biển Đông cũng cạn” với bút danh ĐX, Bác nói lên tinh thần của nhân dân đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc và kết luận bằng hai câu văn vần: “Nhân dân ta sẵn sức, sẵn của, sẵn lòng/ Cán bộ tận tụy và trong sạch thì mười việc thành công cả mười”136.

Ngày 29-8-1958, đóng góp ý kiến về kế hoạch mở rộng Thủ đô tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Bác nhắc nhở: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng...), địa lợi (địa chất, sông, hồ...) và nhân hòa (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí”137.

Ngày 30-8

“Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng”.

Ngày 30-8-1942, từ trong một trại giam của bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Hồ Chí Minh nhờ Vương Tích Cơ, một người Trung Hoa có cảm tình với cách mạng Việt Nam, là người thường đem cơm thăm nuôi, chuyển một bức thư bí mật gửi Lê Quảng Ba, một thành viên Việt Minh đang hoạt động ở vùng biên giới để nối lại liên hệ với phong trào trong nước.

Ngày 30-8-1947 (tức 15 tháng 7 Âm lịch), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam” với nội dung: “Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta, và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử. Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang... Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào, và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất độc lập thành công”138.

Ngày 30-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới thân nhân Bác sĩ Đuyboa (Dubois): “Được tin lão đồng chí Đuyboa vừa qua đời, tôi rất cảm động và thương tiếc. Suốt đời bác sĩ Đuyboa đã nêu tấm gương sáng của một nhà khoa học tiến bộ, một người chiến sĩ đấu tranh bền bỉ chống chủ nghĩa đế quốc, chống chính sách phân biệt chủng tộc, vì lý tưởng cao cả, hòa bình, tự do, bình đẳng và tiến bộ của loài người...”139.

Ngày 30-8-1964, báo Nhân Dân đăng bài “Mỹ đang thất bại” (bút danh Chiến Sĩ) điểm lại dư luận phương Tây nói về sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và bài báo khẳng định: “Nếu đế quốc Mỹ tiếp tục khiêu khích, bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì sẽ chịu số phận như thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ”140.

Ngày 30-8-1965, Bác gửi thư khen quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 500 máy bay Mỹ và nhấn mạnh: “Giặc Mỹ càng thua đau, càng giãy giụa, chúng còn nhiều âm mưu xảo quyệt và độc ác. Đồng bào, cán bộ và bộ đội ta không được vì thắng lợi mà chủ quan... Hãy phát huy truyền thống Cách mạng Tháng Tám vẻ vang, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, hết lòng hết sức ủng hộ cách mạng miền Nam, đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”141.

Ngày 30-8-1969, tình hình sức khoẻ của Bác diễn biến rất xấu. Buổi chiều, khi tỉnh lại, Bác hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về công việc chuẩn bị lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh và căn dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”142. Bác còn hỏi han tình hình nước sông Hồng và nhắc nhở phải chú ý đề phòng lũ lụt...

Ngày 31-8

“Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực”.

Ngày 31-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa lần cuối cùng văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” và làm việc với Ban tổ chức yêu cầu chuẩn bị thật chu đáo để bảo đảm Ngày lễ Độc lập thành công.

Ngày 31-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới ông G.Nêru (J.Nerhu) chúc mừng Chính phủ lâm thời Ấn Độ: “Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên đã thành lập... Tôi tin chắc rằng những dây thân ái giữa hai nước chúng ta sẽ giúp cho việc gây hạnh phúc chung cho hai dân tộc chúng ta. Tôi yêu cầu ông chuyển đạt cho nhân dân nước Ấn Độ mới những cảm tình nồng nàn và lòng đoàn kết cảm thông của nhân dân Việt Nam…”143. Cùng thời gian này, tại nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục các cuộc tiếp xúc tranh thủ sự ủng hộ cho nền độc lập của Việt Nam: Tiếp các vị thư ký của Hội nghị 21 nước Đồng Minh đang họp tại Pari; gặp gỡ Đoàn đại biểu Thanh niên Pháp...

Ngày 31-8-1958, đến thăm Khu tập thể của Thành hội Phụ nữ Hà Nội, gặp các cháu bé trong nhà trẻ, Bác căn dặn người lớn: “Các cháu là mầm non của Tổ quốc, là tương lai của xã hội, các cô phải trông nom, dạy dỗ các cháu chu đáo”144.

Ngày 31-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm cấp tướng cho nhiều nhà lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, các Thượng tướng Văn Tiến Dũng và Chu Văn Tấn, các Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà, Song Hào v.v..

Ngày 31-8-1960, Bác Hồ gửi thư cho cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa nhân vào năm học mới. Thư nêu rõ: “Văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà... Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế...”145. Cùng ngày Bác tiếp các vị lãnh đạo trong nước và các đoàn đại biểu quốc tế sang Việt Nam dự Lễ Quốc khánh và Đại hội Đảng. Bác nói: “Ở đây chúng ta là anh em, chị em một nhà. Chúng tôi mong các đồng chí xem ở đây như ở nhà”146 và tặng hai câu thơ:

“Anh chị em đoàn kết một nhà

Ấy là tình nặng, ấy là nghĩa sâu”147.

Ngày 31-8-1963, Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị Tuyên giáo miền núi. Về công tác tuyên truyền, Bác nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?... Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc… Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được... Đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được”148.

Ngày 31-8-1969, giữa lúc bệnh tình càng trở nên trầm trọng, Bác Hồ vẫn quan tâm theo dõi tình hình chiến sự và gửi lẵng hoa tặng các chiến sỹ tên lửa Sư đoàn Phòng không 361 khi được nghe báo cáo thành tích vừa bắn rơi vào ngày hôm trước chiếc máy bay không người lái của Mỹ. Đây cũng là phần thưởng cuối cùng Bác tặng đồng bào và chiến sỹ trước khi từ trần.

Thanh Huyền (tổng hợp)

132. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 1, tr. 55.
133. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 196.
134. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2008, t. 8, tr. 428.
135. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 10, tr. 400.
136. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2007, t. 5, tr. 238.
137. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 7, tr. 129.
138. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 197.
139. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2008, t. 8, tr. 431-432.
140, 141. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2008, t. 9, tr. 105, 289-290.
142. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 10, tr. 402.
143. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 4, tr. 281.
144. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 7, tr. 131.
145. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 10, tr. 190.
146, 147. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 7, tr. 521.
148. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 11, tr. 128, 137-138.

Bài viết khác: