Ngày 05-8
“Yêu xe như con, quý xăng như máu”.
Ngày 05-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục những nỗ lực để cứu vãn sự bế tắc của Hội nghị Phôngtennơblô bàn về quan hệ Việt - Pháp bằng các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội, lãnh tụ Đảng Xã hội Vanhxăng Ôriôn (Vincent Auriol), Chủ tịch Hội Nhân quyền Pháp, Giáo sư Êmin Can (Emile Kalm) cùng một số nghị sĩ... Tài liệu “Nhật ký Hành trình” thuật lại công việc vị Chủ tịch nước Việt Nam đã làm: “Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo, báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần và báo ngoại quốc. Báo có tin tức gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem.
Hôm nào nhiều khách thì Cụ thường thức xem báo đến hai giờ sáng. Anh em tuỳ tùng và các bác sĩ, cho đến cả vợ chồng ông Ôubrắc, thấy Cụ thức khuya dậy sớm quá, ra sức khuyên Cụ đi nghỉ sớm. Nhưng không có kết quả mấy!”22.
Ngày 05-8-1947, nhân dịp Đại hội Báo giới họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng và khích lệ: “Từ ngày kháng chiến, tuy hoàn cảnh khó khăn, các bạn đã cố gắng làm trọn nhiệm vụ. Thế là tốt lắm, nhưng các bạn cần phải cố gắng thêm”23 và nhắc nhở: “… Lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem báo có thú vị mà lại có bổ ích. Chiến sĩ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch. Kháng chiến nhất định thắng lợi và thành công!”24.
Cùng ngày, Bác ký sắc lệnh quy định chức Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia (lúc này là Võ Nguyên Giáp) có quyền hạn và chức vụ như Bộ trưởng và là thành viên Hội đồng Liên bộ trong Hội đồng Chính phủ25.
Tháng 8-1948, Bác viết thư gửi ông Trưởng ty Bình dân học vụ Hà Tĩnh khen việc “tỉnh Hà Tĩnh đã có mấy làng thanh toán nạn mù chữ”26 và thư gửi đồng bào Quỳnh Côi (Thái Bình) là huyện đầu tiên trong cả nước đã thanh toán nạn mù chữ, trong đó, Bác khẳng định: “Đó là một thắng lợi vẻ vang… Thắng lợi đó là: Do sự săn sóc của các vị phụ lão và thân hào, thân sĩ; do sự giúp đỡ của các cơ quan và đoàn thể; do sự tận tụy của nam nữ giáo viên; do lòng hăng hái của toàn thể đồng bào trong huyện. Chúng ta cũng phải nhắc đến sự đôn đốc của Nha và Ty Bình dân học vụ”27.
Ngày 05-8-1965, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Bác viết thư bày tỏ: “Bác rất vui lòng khen ngợi thành tích vẻ vang về xây dựng và chiến đấu của các chú. Tuy còn non trẻ... Hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta...”28.
Ngày 05-8-1968, nhân dịp ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội nghị lái xe giỏi và thợ sửa chữa xe giỏi toàn quân, Bác gửi tặng lá cờ đỏ thêu mấy dòng đề từ tặng:
“Yêu xe như con,
Quý xăng như máu,
Vượt mọi khó khăn,
Hoàn thành nhiệm vụ”29.
Ngày 05-8-1969, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm ông bà Trịnh Đình Thảo và Đoàn cán bộ của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam vừa ra thăm miền Bắc.
Ngày 06-8
“Dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải”.
Ngày 06-8-1945, qua điện đài liên lạc với cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ đóng ở Côn Minh (Trung Quốc), Thiếu tá Thômát, người chỉ huy toán “Con Nai” đang tham gia Đại đội Việt - Mỹ ở chiến khu Tân Trào đã thông báo tới người đứng đầu Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh biết tin Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống thành phố Hirôsima của Nhật Bản, sự kiện đó sẽ tác động mạnh mẽ vào tình hình Đông Dương, nơi phát xít Nhật đang chiếm đóng.
Ngày 06-8-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn nhà báo Sácbonniờ của tờ “L‘Ordre”. “Nhật ký Hành trình” thuật lại: “Báo này thuộc phe hữu. Thường công kích ta. Nhưng sau khi nói chuyện với Cụ, ông Charbonnier viết một bài thật thà và êm dịu. 7 giờ tối, Cụ đi thăm ông Vương Thế Kiệt, Ngoại giao Bộ trưởng và mấy vị đại sứ Trung Quốc tới dự Hội nghị hòa bình ở Pari. Tuy mới gặp nhau lần đầu, nhưng vì mối quan hệ thân thiện đã lâu đời giữa hai dân tộc Hoa - Việt, vả lại hai bên đều ở đất khách quê người, cho nên thái độ rất thân mật và chuyện trò rất vui vẻ”30.
Ngày 06-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới Hội nghị Bình dân Học vụ khu XII (gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh, Hòn Gai và Quảng Yên) khẳng định: “Từ ngày kháng chiến, tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng bình dân học vụ vẫn hăng hái tiến hành, thế là tốt lắm... Như thế thì về mặt trận văn hóa, chúng ta cũng sẽ thắng lợi như về các mặt trận khác trong cuộc trường kỳ kháng chiến”31.
Ngày 06-8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mệnh lệnh gửi Liên khu ủy Việt Bắc chuyển các tỉnh trong Liên khu ủy yêu cầu “các tỉnh phải chỉnh đốn phát triển và củng cố du kích các xã một cách thiết thực để: Ở vùng tự do thì chuẩn bị đánh địch trong thu đông này; ở vùng tạm chiếm thì tích cực khuấy rối và đánh tỉa làm cho địch tiêu hao. Lệnh này phải phối hợp với lệnh chuẩn bị một tuần lễ thi đua diệt địch lập công”32.
Ngày 06-8-1952, báo Cứu Quốc đăng bài "Nhân dân Châu Á thắng lợi" của Bác (dưới bút danh Đ.X) trong đó phân tích nhận định của một tờ báo lớn ở phương Tây (tờ “Life”- Đời sống) rằng “Hầu khắp Châu Á có những người nhằm theo một mục đích chung: Đấu tranh chống những người da trắng để lấy lại những vùng có dầu lửa và những đồng ruộng đầy lúa khoai của họ. Họ đấu tranh và họ thắng lợi”33.
Tháng 8-1959, Bác có bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên đề cập nhiều lĩnh vực của giáo dục nước nhà. Bác nhấn mạnh: “Các cô, các chú đều biết, giáo viên ngày nay không phải là “gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang. Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em... Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội...”34.
Ngày 07-8
“Việc gì dù khó mấy, quyết chí ắt làm thành”.
Ngày 07-8-1922, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự họp Chi bộ Đảng Cộng sản Pháp quận 17 và đi bán báo Le Paria (Người Cùng Khổ).
Ngày 07-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Nhóm Văn hóa mácxit và mời cơm cựu Bộ trưởng Nội vụ Pháp Đaxchiê đờla Vinhơri (D’Astier dela Vigneri) nay là một nghị sĩ Quốc hội và là chủ bút một tờ báo có quan điểm ủng hộ Việt Nam.
Ngày 07-8-1952, trên báo Nhân Dân Bác đăng bài thơ nhan đề “Mừng kênh Vônga - Đông hoàn thành” để chào mừng thành quả lao động của nhân dân Xôviết, từ đó rút ra bài học:
“Đào núi và đắp bể,
Luyện đá vá trời xanh,
Việc gì, dù khó mấy,
Quyết chí, ắt làm thành...
Nước ta đang kháng chiến
Để diệt lũ thực dân.
Khi kháng chiến thắng lợi,
Ta xây dựng dần dần.
Liên Xô đã bước trước,
Việt Nam sẽ tiến sau.
Ta ra sức thi đua,
Thành công ắt cũng mau.
Ta mừng Vônga - Đông,
Ta phất ngọn cờ hồng.
Và hô to:
Kháng chiến nhất định thắng lợi!
Kiến quốc nhất định thành công!”35.
Ngày 07-8-1953, Bác đến nói chuyện với lớp chỉnh huấn của các nhân sĩ, trí thức đang công tác tại các cơ quan của Trung ương. Sau khi giải đáp những thắc mắc về tiền đồ kháng chiến, Bác kết luận: “Trong lúc khó khăn của dân tộc, khí tiết của người cán bộ là không sợ gì hết, không sợ kẻ địch, không sợ khó khăn gian khổ. Cái gì khó khăn, cực khổ, cán bộ phải xung phong làm trước. Muốn cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, mong các cô, các chú phải có khí tiết ấy"36.
Ngày 07-8-1954, báo Nhân Dân đăng bài “Tinh thần quốc tế của giai cấp lao động” biểu dương lao động các nước ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam, mà mới đây nhất là tháng 5-1954, công nhân cảng Angiê (Angiờri) đã bãi công không chuyển chở binh sĩ và vũ khí thực dân sang Việt Nam. Bài báo kết luận:
“Tinh thần quốc tế của công nhân,
Quý giá, nghìn vàng há dễ còn.
Giai cấp cần lao trong bốn bể
Một lòng tương trợ với tương thân”37.
Ngày 07-8-1959, tiếp tục chuyến đi thăm Trung Quốc, Bác đến thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, là nơi có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, vãn cảnh chùa Đại Tứ Ân và leo lên đỉnh tháp Đại Nhạn.
Ngày 07-8-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Liên Xô nhân phóng thành công tàu vũ trụ “Phương Đông 2” do Anh hùng vũ trụ G.Titốp điều khiển, người sau này được Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt.
Ngày 07-8-1964, Bác dự lễ tuyên dương công trạng của các đơn vị không quân và hải quân đã lập chiến công đánh thắng trận đầu vào các ngày 03-8 và 05-8 khi đế quốc Mỹ phát động cuộc Chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Trong bài phát biểu, Bác đưa ra thông điệp: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng nếu đế quốc Mỹ và tay sai xâm phạm đến miền Bắc nước ta, thì toàn dân ta nhất định sẽ đánh bại chúng”38.
Ngày 07-8-1965, Bác dự khai mạc Đại hội thi đua “Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” của các lực lượng vũ trang nhân dân. Trong bài nói, Bác khẳng định: “Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng”39, mọi âm mưu của địch “nhất định sẽ bị lực lượng “chống Mỹ, cứu nước” của đồng bào ta và sức mạnh đoàn kết của toàn dân ta đánh tan, bị ngọn lửa cách mạng của nhân dân ta thiêu cháy”40.
Ngày 08-8
“Muốn thành công... nhân hòa là quan trọng hơn hết”.
Ngày 08-8-1946, tiếp tục không mệt mỏi vận động hành lang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bộ trưởng Mariuýt Muté và Tướng Pelé (Pellet) của Bộ Pháp quốc hải ngoại. Ngoài ra, Bác còn tiếp nhà báo Pháp Cuatađơ (Courtade) ký giả của tờ Nhân loại.
Tháng 8-1948, trong bài nói chuyện với Hội nghị Quân sự lần thứ 5, Bác phân tích: “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa... Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí. Nhân hòa là quan trọng hơn hết.
Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung.
Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng. Tín là phải làm cho người ta tin mình... Tin cũng có nghĩa là phải tin vào sức mình nữa, nhưng không phải tự mãn tự cao.
Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.
Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.
Liêm là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống.
Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng.
Công tác của người tướng là:
1. Đối với kỷ luật: Trong quân đội, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng. Báo cáo từ dưới lên phải cho thật thà, nhanh chóng, thiết thực... phải thưởng phạt cho công minh...
2. Đối với binh sĩ… có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh...
3. Đối với dân… bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi.
4. Đối với địch, thì tuyệt đối chớ khinh địch. Tục ngữ có câu: “Sư tử muốn bắt con chuột cũng phải dùng hết sức mới bắt được”. Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại... Địch vận là tìm cách làm sao phá được địch mà không phải đánh. Cái đó là việc chính trị...”41.
Ngày 08-8-1958, Bác tham dự cuộc họp và thảo luận của Bộ Chính trị về Cải cách ruộng đất và phát biểu quan điểm của mình: “Cương lĩnh đưa ra đúng nhưng không biết cụ thể hóa, Đảng có chủ quan, giáo điều máy móc... Cải cách ruộng đất tuy có sai lầm nhưng cũng có thắng lợi và phải thấy được những thắng lợi này”42 và tự phê bình: “Quan liêu, không sát quần chúng, không sát thực tế, chỉ xem báo cáo, tin vào người báo cáo”43.
Cùng ngày, Bác viết bài “Vũ khí hóa học (thuốc độc quân dụng)” đăng trên báo “Quân đội Nhân dân” cảnh báo địch sẽ sử dụng loại vũ khí này trên chiến trường Việt Nam và nhận định “Thuốc độc quân dụng là một thứ vũ khí rất nguy hiểm, nhưng không phải là không chống lại được”44.
Ngày 08-8-1959, trong chuyến thăm Trung Quốc, Bác Hồ đến núi Ly San và thăm lăng Tần Thủy Hoàng và đến huyện Trường An, viếng đền thờ nhà thơ Đỗ Phủ là những nhân vật lớn trong chính trường và thi ca Trung Quốc.
Ngày 08-8-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng Huân chương Độc lập và viết thư khen quân và dân tỉnh Quảng Bình lập chiến công vẻ vang bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 500 trên địa phận tỉnh nhà.
Ngày 09-8
“Tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch”.
Ngày 09-8-1922, tờ báo Journal du Peuple (Nhật báo Nhân dân) đăng “Thư gửi Khải Định” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là thời điểm vua Khải Định được thực dân Pháp đưa sang Pháp để tham dự Hội chợ quốc tế tổ chức tại Mácxây. Với một lối hành văn hài hước nhưng sắc sảo, lá thư của Nguyễn Ái Quốc cảnh báo ông vua bù nhìn: “Hòa lẫn với tiếng súng gầm vang, những tiếng thét dữ dội của nhân dân bị áp bức ở các nước này, cũng như của nhân dân nước Ngài, sẽ xé tan bầu không khí yên tĩnh bên tai Ngài. Và nếu như Ngài có đôi chút óc tưởng tượng, Ngài sẽ thấy rằng ý chí của nhân dân - một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực - một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bề ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi"45.
Ngày 09-8-1941, trong xã luận báo Việt Nam Độc lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh phân tích: “Tây có hai cách làm cho ta ngu hèn, một là cách bưng mắt..., hai là cách lừa gạt”46 và vạch rõ: “Tây cốt làm cho ta ngu hèn, Báo Việt Nam Độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”47.
Ngày 09-8-1944, sau một thời gian dài bị giam giữ và giải đi nhiều nhà tù, vì nhiều lý do, chính quyền Trung Hoa Quốc dân đảng ở Quảng Tây phải thả Hồ Chí Minh, cấp đầy đủ giấy thông hành, bản đồ quân sự, tài liệu tuyên truyền và lộ phí. Trước lúc chia tay, Hồ Chí Minh nói với tướng Trương Phát Khuê: “Tôi là một người cộng sản, nhưng điều mà tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do của nước Việt Nam, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản. Tôi có một lời bảo đảm đặc biệt đối với ông rằng: Chủ nghĩa cộng sản sẽ chưa được thực hiện ở Việt Nam trong vòng 50 năm tới”48.
Ngày 09-8-1946, trong thời gian lưu lại nước Pháp hỗ trợ cuộc đấu tranh ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bảo tàng Ghimờ (Guimet), nơi lưu giữ bộ sưu tập nổi tiếng về văn hóa phương Đông ở Pari; thăm Tổng thư ký Đảng Bình dân và tiếp phóng viên tờ Liberation (Giải phóng).
Ngày 09-8-1949, quân Pháp rút khỏi Bắc Kạn, nhân thị xã đầu tiên được giải phóng, Bác gửi thư cho nhân dân tỉnh Bắc Kạn biểu dương và nhắc nhở: “Càng thất bại thì giặc Pháp càng liều mạng, càng dã man. Ta càng gần thắng lợi to, thì càng phải đề phòng gặp khó khăn nhiều. Vì vậy chúng ta tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch, chớ sơ suất kiêu ngạo”49.
Ngày 09-8-1958, phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác khẳng định nhiệm vụ miền Nam là lâu dài, gian khổ, nói như vậy không phải là tiêu cực mà có ý nghĩa tích cực, phải chờ thời cơ.
Ngày 09-8-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới nhà bác học Béctơrăng Rútxen (Bertrand Russel) cám ơn bức điện của nhà triết học Anh lên án những hành động mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam của Mỹ và khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng Hiệp định Giơnevơ nhưng cũng sẵn sàng tiến hành cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 10- 8
“Phải chú trọng thực hiện đúng chính sách dân tộc”.
Ngày 10-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ban Trung ương Đảng Cộng hòa Bình Dân, Trung ương Đảng Xã hội và đến trụ sở Đảng Cộng sản Pháp ở Pari thăm các nhà lãnh đạo như Môrixơ Tôrê lúc này là Phó Chủ tịch nước và Giắc Đuyclô, Phó Chủ tịch Quốc hội.“Nhật ký Hành trình” đánh giá: Thế là Hồ Chủ tịch đã thăm đủ các lãnh tụ ba đảng to nhất nước Pháp.
Tháng 8-1950, cùng Thường vụ Trung ương Đảng chuẩn y phương án tác chiến Chiến dịch Biên giới, Bác phân tích: “Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê, địch buộc phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động”50.
Tháng 8-1952, sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch tác chiến chiến dịch Tây Bắc, Bác đã chỉ đạo: “Đây là lần đầu tiên ta mở chiến dịch lớn, địa hình hiểm trở, cần nắm chắc địa hình và chú trọng thực hiện đúng chính sách dân tộc, giúp đỡ đồng bào dân tộc, bộ đội phải giữ kỷ luật dân vận”51.
Ngày 10-8-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng những danh hiệu Anh hùng đầu tiên gồm 4 Anh hùng Quân đội là: Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, La Văn Cầu và Cù Chính Lan (liệt sĩ) và 3 Anh hùng Lao động là Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa và Hoàng Hanh.
Ngày 10-8-1954, báo Nhân Dân đăng bài viết của Bác:
“Quê đâu cho bằng quê nhà,
Nhà ta ta ở, việc ta ta làm”.
Nhằm tố cáo âm mưu của chính quyền Sài Gòn và thực dân dụ dỗ đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Phân tích bản chất sự việc, bài báo khuyên nhủ bà con ở lại để khỏi rơi vào thảm cảnh:
“Trông về trời bể mênh mang
Bà con đã cách, xóm làng đã xa
Lưu ly không cửa không nhà
Chân trời góc bể, biết là về đâu!”52.
Ngày 10-8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi đồng bào Khu tự trị Việt Bắc” nhân ngày thành lập đơn vị hành chính đặc biệt này, trong đó xác định: “Mục đích lập Khu tự trị là để làm cho các dân tộc anh em toàn Khu cùng nhau tự quản lý công việc của mình, phát huy khả năng của mình, tiến bộ mau chóng về mọi mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Với truyền thống cách mạng anh dũng và lòng nồng nàn yêu nước của đồng bào Việt Bắc, Khu tự trị của chúng ta nhất định sẽ ngày càng tiến bộ...”53.
Ngày 10-8-1968, Bác ký lệnh thưởng Huân chương và gửi thư khen ngợi quân và dân Vĩnh Linh đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 trên bầu trời tỉnh nhà và bắn cháy 33 tàu chiến Mỹ, thư kết bằng hai câu thơ:
“Đánh cho giặc Mỹ tan tành,
Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”54.
Cùng ngày, Bác còn viết “Điện gửi đồng bào xứ Đoài” Nghệ An thăm hỏi địa phương vừa bị máy bay Mỹ ném bom tàn sát nhiều người dân, làm chết hai vị giám mục và ba vị linh mục, phá huỷ nhà thờ và nhà cửa của dân. Bức điện viết: “Tôi rất động lòng khi được tin ngày 21 tháng 7 vừa qua, máy bay giặc Mỹ lại ném bom, bắn phá xứ Đoài... Đồng bào lương và giáo hãy đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau và chính quyền địa phương tìm cách giúp đỡ đồng bào giải quyết những khó khăn trước mắt để khôi phục lại đời sống bình thường và cùng nhau ra sức chống Mỹ, cứu nước”55.
Thanh Huyền (tổng hợp)
Chú thích:
21. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 248.
22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 399.
23, 24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 180, 180-181.
25, 26, 27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 738, 475, 477.
28. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 486.
29. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 241.
30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 400.
31 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 182.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 79.
33. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 230.
34 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 489.
35 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 538-539.
36,37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 116, 327.
38, 39, 40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 304, 485.
41. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 479-480.
42, 43, 44. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 118, 119.
45. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 102.
46, 47. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 145.
48. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 218.
49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 662.
50. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 455.
51. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 238.
52. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 485-486.
53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 230.
54, 55. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 380, 379.