Ngày 22-8
“Đoàn kết là sức mạnh của Đảng”.
Ngày 22-8-1945, Bác Hồ rời Căn cứ địa Tân Trào về Hà Nội, lúc này, tổng khởi nghĩa đã thành công và đêm hôm đó tới Thái Nguyên, nơi chính quyền nhân dân cũng đã được thiết lập trước đó hai ngày.
Ngày 22-8-1946, trong bối cảnh các hoạt động ngoại giao đang diễn ra khẩn trương để cứu vãn sự đổ vỡ của cuộc thương lượng Việt - Pháp tại Hội nghị Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với Ê.Misơlê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp.
Tháng 8-1947, Bác làm hai bài thơ khen tặng hai nhi đồng làm liên lạc trong bộ đội Chiến khu II. Thơ “Gửi cháu Phạm Đỗ Hải” - em bị giặc bắt trong khi đang làm nhiệm vụ, đã tìm cách trốn thoát, lại lôi kéo được hai lính địch về theo cách mạng - viết:
“Bác được tin rằng:
Cháu làm liên lạc,
Bị giặc bắt được,
Lại trốn thoát ngay.
Mang hai lính Tây
Theo về bộ đội.
Thế là cháu giỏi.
Biết cách tuyên truyền.
Bác gửi lời khen.
Khuyên cháu gắng sức,
Học hành, công tác,
Tiến bộ luôn luôn.
Gửi cháu cái hôn,
Và lòng thân ái”111.
Còn thư “Gửi cháu Lê Văn Thức“ - em dùng súng dọa Tây, bắt nó phải hàng, lấy được súng mang về - viết:
“Cháu có can đảm
Giơ súng dọa Tây.
Bắt nó hàng ngay,
Lấy được súng nó.
Vì thành công đó,
Bác gửi lời khen.
Khuyên cháu tập rèn
Ngày càng tiến bộ.
Bác lại gửi cháu
Mấy chục cái hôn”112.
Tháng 8-1948, Bác viết thư cảm ơn Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính và anh chị em ngành bưu điện đã chế tạo một cái máy chuyển điện tín và tặng cho Bác. Thư có đoạn: “Việc đó tỏ rằng: Nếu ta cố gắng, thì ta sẽ có nhiều thành công tốt đẹp”113 và “mong rằng toàn thể anh em trong Bộ Giao thông Công chính sẽ hăng hái xung phong thi đua ái quốc làm cho mọi người và mọi việc đều tiến bộ, và làm cho Bộ mình trở nên một Bộ kiểu mẫu, cả về công việc và về tinh thần”114.
Ngày 22-8-1951, trong thư khen bộ đội Thừa Thiên về thành tích chiến đấu và chiến thắng trong trận đánh ở Phú Vang (26-7-1951), Bác căn dặn: “Phải luôn luôn nhớ: Du kích chiến tranh là chính. Vậy các chú phải giúp đỡ du kích chiến tranh phát triển và củng cố khắp các nơi”115.
Ngày 22-8-1954, báo Nhân Dân đăng bài “Phải theo đúng kỷ luật của Đảng”, với bút danh C.B, Bác phân tích: “Đoàn kết là sức mạnh của Đảng. Đoàn kết chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, hai điều đó không thể rời nhau. Kỷ luật nghiêm, để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân. Chủ trương của Đảng ta là: Trong nội bộ thì mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc tổ chức thì cực kỳ nghiêm... Thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và cực kỳ quan trọng. Nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác...”116.
Ngày 22-8-1969, Bác gửi điện chào mừng các đại biểu tham dự “Cuộc gặp gỡ thế giới của thanh niên và sinh viên vì thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam” tổ chức tại Henxinki, thủ đô Phần Lan. Thư viết: “Cuộc họp mặt của các bạn là một biểu hiện rực rỡ của nhiệt tình và quyết tâm của thế hệ trẻ muốn thực hiện những lý tưởng cao đẹp là tự do, độc lập dân tộc và hòa bình. Giữa lúc chính quyền Níchxơn đang ngoan cố tăng cường chiến tranh xâm lược, cố giữ ngụy quyền Sài Gòn và gây thêm nhiều tội ác đối với nhân dân chúng tôi, cuộc họp mặt đã càng cổ vũ mạnh mẽ nhân dân chúng tôi ra sức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng”117.
Ngày 23-8
“Học tập lý luận cốt là để áp dụng thực tế”.
Ngày 23-8-1925, Nguyễn Ái Quốc làm bài thơ “Hãy thương yêu nhau và cùng nhau đoàn kết” đăng trên báo Thanh Niên, kêu gọi mọi giới đồng bào đoàn kết vì sự nghiệp chung. Bài thơ có những đoạn (dịch lại từ bản tiếng Pháp):
“Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn
Chóng hoặc chày rồi sẽ trúng tên
Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm họa
Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi.
…
Hãy liên kết như thể thân mình
Ngũ quan cùng với tay chân dính liền
Tách rời nhau thời không thể sống
Chỉ cùng với nhau sức lực mới sinh sôi”118.
Ngày 23-8-1945, từ chiến khu Tân Trào, Bác đặt chân lên Thủ đô Hà Nội, lúc này Tổng khởi nghĩa đã thành công. Từ huyện Đa Phúc (khi đó thuộc Phúc Yên), Bác vượt sông Hồng tại bến đò Phú Xá và tạm trú tại gia đình một cơ sở cách mạng ở làng Ga (Phú Thượng, Từ Liêm).
Ngày 23-8-1953, đến thăm và nói chuyện với Lớp Chỉnh huấn Quân khu I, Bác đề cập vấn đề gia đình: “Cố nhiên gia đình ai cũng có, không có không được. Nhưng mình là người cách mạng, người kháng chiến được Đảng giáo dục phải trông xa thấy rộng hơn. Mình có gia đình, gia đình to nhất là giai cấp... nếu giai cấp chưa được giải phóng hoàn toàn thì mình chưa được giải phóng hoàn toàn... Phải cân nhắc kỹ: Hy sinh lợi ích gia đình nhỏ cho gia đình to, hay hy sinh gia đình to cho gia đình nhỏ của mình. Các cô các chú tự cân nhắc đúng thì sẽ ít thắc mắc về tiểu gia đình của mình. Phải hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung... Người ta ai chẳng có gia đình và thương gia đình. Nhưng cũng có người hy sinh gia đình nhỏ cho đại gia đình. Thí dụ các liệt sĩ nước ta. Cũng có người biết như thế không muốn có tiểu gia đình để toàn tâm toàn ý cho đại gia đình”119.
Tháng 8-1953, sau một phiên họp của Hội đồng Chính phủ trên chiến khu Việt Bắc, Bác làm một bài thơ chữ Hán và đưa cho luật sư Phan Anh xem và được luật sư dịch ra quốc ngữ:
“Ngoài sân trăng sáng lồng cây,
Trăng đua bóng ngả, bóng cài bên song.
Việc quân, việc nước bàn xong.
Bên song ôm gối, gối cùng trăng mơ”120.
Ngày 23-8-1958, Bác đến thăm Trường Đảng Lê Hồng Phong của Đảng bộ Hà Nội, căn dặn cán bộ và học viên nhà trường: “Học tập lý luận cốt là để áp dụng vào thực tế. Học đi đôi với hành, có học mới làm được việc”121.
Ngày 23-8-1965, báo Nhân Dân đăng bài “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” của Bác (với bút danh là “Chiến Sĩ”). Bài báo lên án việc Tổng thống Mỹ L.B. Giônxơn (L.B.Johnson) vừa tăng cường chiến tranh vừa đưa ra chiêu bài thương lượng hòa bình. Bài báo đưa ra thông điệp: Bao nhiêu lính Mỹ vào Việt Nam sẽ trở thành bấy nhiêu cục chì đè nặng lên cổ đế quốc Mỹ và làm nó sa lầy càng sâu thêm... “Chúng thêm 5 vạn hay là 50 vạn lính Mỹ, chúng cũng sẽ thua, ta cũng sẽ thắng”. Cách giải quyết “hòa bình trong danh dự” là Mỹ phải thực hiện đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, như bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và năm điều của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nêu rõ”122.
Ngày 24-8
“Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được”.
Ngày 24-8-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đến ngôi nhà số 6 phố Buye ở Pari để tìm người chủ gian hàng mà Phan Chu Trinh đã thuê làm xưởng ảnh. Đây là thời kỳ nhà cách mạng trẻ đang theo học và hành nghề rửa ảnh với Cụ Phan.
Ngày 24-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, tại phiên tòa thứ năm, luật sư Ph.Gienkin (F.Genkin) vạch trần thủ đoạn giả dối và phi pháp của chính quyền Hồng Kông trong quyết định trục xuất Tống Văn Sơ, thực chất là đẩy thân chủ của mình vào nanh vuốt của thực dân Pháp ở Đông Dương. Cũng tại phiên tòa này bản khai của Tống Văn Sơ được công bố, trong đó bóc trần sự việc: Tôi 36 tuổi... Tôi đã gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương nói chung, phong trào có mục đích cao nhất là lật đổ toàn bộ quyền lực của Chính phủ Pháp ở đó và thay thế bằng một chính phủ dân tộc dưới sự lãnh đạo của người bản xứ. Tôi đã tham gia tích cực vào phong trào này trong một thời gian trước ngày tôi bị bắt ở Hồng Kông, ngày 06-6-1931. Theo những người cầm quyền của Chính phủ Pháp thì tham gia vào một phong trào như vậy là phạm tội và kẻ phạm tội phải nhận án tử hình... Mục đích thực sự của chính quyền Hồng Kông khi tiến hành các thủ tục trục xuất tôi là nhằm khẳng định việc giao tôi cho Pháp ở Đông Dương để Chính phủ Pháp xử lý tôi theo tội trạng đã nói trên.
Ngày 24-8-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minhh gửi thư khen ngợi ông Tôn Thất Phong, một nhân viên hoả xa đã chế được một loại thuốc chống căn bệnh sốt rét. Thư biểu dương: “Thế là ông đã lập được công trong thi đua ái quốc”123. Thư còn biểu dương chung đội ngũ công nhân hoả xa với lời căn dặn: “Trong lúc đồng bào không quản lao khổ, anh dũng kháng chiến để tranh độc lập thống nhất cho Tổ quốc, mỗi người cán bộ của ta phải thực hành khẩu hiệu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thì kháng chiến nhất định mau thắng lợi”124.
Tháng 8-1948, Bác cũng viết thư gửi bác sĩ Trần Hữu Tước động viên một trí thức lớn tận tụy và chịu đựng gian khổ đi theo kháng chiến. Thư viết: “Gửi bác sĩ Tước, Tôi gửi biếu chú một cái áo. Áo này là do đồng bào biếu tôi. Chú phải cẩn thận giữ sức khoẻ. Tôi đã dặn anh em địa phương, chú cần gì cứ hỏi họ. Chớ nên câu nệ. Tôi mạnh khoẻ như thường. Chào thân ái và quyết thắng”125.
Ngày 24-8-1953, trên báo Cứu Quốc của Mặt trận Liên Việt, Bác viết bài “Chủ nghĩa xã hội” nêu lên những đặc điểm cơ bản của “chủ nghĩa xã hội”. Đó là: “Mọi tư liệu sản xuất đều là của chung; lực lượng sản xuất chủ yếu là công nhân và nông dân; thực hiện khẩu hiệu “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”; sản xuất có kế hoạch; không có sự phân biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa thành thị và nông thôn”126.
Cũng trong tháng 8-1953, Bác giảng bài tại Lớp chỉnh Đảng Trung ương với chủ đề: “Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn. Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy. Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói gì. Thế là vô ích”127.
Bài giảng giải đáp các câu hỏi: Vì ai mình viết? Mục đích viết làm gì? Thế thì viết cái gì? Lấy tài liệu đâu mà viết? Cách viết thế nào? và những kinh nghiệm viết của Bác để rồi đi đến kết luận: “Nói tóm lại viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ. Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được”128.
Ngày 24-8-1958, Bác dự lễ khánh thành sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) và xem trận giao hữu quốc tế giữa hai đội bóng Tuyển Hải Phòng và Tuyển thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia.
Ngày 24-8-1969, giữa lúc bệnh tình đang diễn biến phức tạp, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát “Diễn ca về Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp”, Bác căn dặn những người có mặt nhắc nhở cơ quan tuyên huấn phổ biến rộng rãi hình thức diễn ca để bà con nông dân dễ hiểu, dễ nhớ.
Ngày 25-8
“Giáo dục nhi đồng là một khoa học”.
Ngày 25-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ 6 được đưa ra xét xử, luật sư bảo vệ cho bị cáo Tống Văn Sơ tiếp tục tranh biện buộc Tòa phải nhận những sai sót trong quá trình tố tụng nhằm ngăn chặn âm mưu trục xuất để mật thám Pháp bắt.
Ngày 25-8-1942, với bí danh mới là Hồ Chí Minh, Bác đến Ba Mông thuộc tỉnh Tĩnh Tây trú chân và ăn Tết Trung Nguyên (14-7 âm lịch) rồi lên đường đến Trùng Khánh. Chính trên hành trình này, Hồ Chí Minh đã bị các thế lực quân phiệt địa phương bắt giam.
Ngày 25-8-1945, tại làng Ga (Từ Liêm, Hà Nội), Bác nghe 2 đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình Thủ đô. Tiếp đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đón Bác vào nội thành và trú tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang của gia đình thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô.
Ngày 25-8-1950, Bác Hồ viết “Thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng Toàn quốc” nhấn mạnh: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh). Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trong trường, ở xã hội, chúng đều vui đều học... Ngày nay chúng là nhi đồng. 11 năm sau chúng sẽ là công dân... Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi. Nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc”129.
Trong bài nói chuyện ngày 25-8-1953 với Lớp chỉnh huấn cho cán bộ, công nhân, viên chức các cơ quan Khu I, Bác khẳng định: “Vậy bất kỳ làm việc gì, cố mà thi đua, giúp anh em thi đua đều là anh hùng của dân tộc, không nên nghĩ chỗ này thì tiến bộ, chỗ khác không tiến bộ. Bất kỳ làm việc gì cũng phải cố gắng, kiên quyết an tâm công tác, sẽ vẻ vang và có thể trở nên anh hùng được”130.
Ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời Tổng thống Mỹ Risát Níchxơn (Richard Nixon) đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình… Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Với thiện chí của phía Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”131. Đây cũng là văn kiện cuối cùng của Bác viết chỉ một tuần lễ trước khi qua đời.
Ngày 26-8
“Số phận Châu Á sẽ thay đổi và thay đổi nhiều”.
Ngày 26-8-1911, Nguyễn Tất Thành với cái tên Văn Ba đang làm thủy thủ trên tàu “Đô đốc Latusơ Tơrêvin”, cập bến Đoongkéc, một hải cảng của Pháp nằm trên bờ biển Măngsơ.
Tháng 8-1914, từ Luân Đôn, thủ đô nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Phan Chu Trinh đang sống ở Pháp. Thư viết: “Kính gửi Nghi Bá đại nhân, tiếng súng đang rền vang và thây người đang phủ trên đất. Năm cường quốc đã vào vùng chiến và chín nước đang đánh nhau. Cháu chợt nhớ đến thư cách đây mấy tháng đã viết về cơn giông bão này. Định mệnh sẽ dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ là người thắng... Cháu nghĩ trong vòng ba, bốn tháng nữa, số phận Châu Á sẽ thay đổi và thay đổi nhiều”132. Có thể coi đây là văn kiện đầu tiên chúng ta ghi nhận được những bình luận thời cuộc mang tính chính trị đầu tiên của con người sau này trở thành nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Ngày 26-8-1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, giữa lòng Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng để bàn thảo những vấn đề trọng đại trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam độc lập, trong đó có chủ trương mở rộng thành phần chính phủ lâm thời, soạn thảo “Tuyên ngôn Độc lập” và khẩn trương chuẩn bị ngày tuyên bố độc lập.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp người đứng đầu Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS) của Mỹ từ Côn Minh vừa tới Hà Nội. Trong cuốn sách “Why Vietnam?” do Trường Đại học Caliphoócnia xuất bản, A.Pátti (A. Patty) thuật lại buổi gặp gỡ diễn ra tại số nhà 48 Hàng Ngang: Tôi rất vui gặp lại ông ta, nhưng sửng sốt khi nhận ra: Thân hình xương xẩu trái ngược với cái trán khá rộng, với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Trang phục của ông, một tấm áo nâu sẫm và quần rộng... Còn trong câu chuyện: Ông tỏ ra rất khó chịu về việc người Việt Nam phải đón quân đội Trung Quốc và cho rằng việc một số lượng lớn người Trung Quốc tràn vào Việt Nam cộng với số quân Nhật ở đây sẽ làm cho tài nguyên đất nước khánh kiệt một cách ghê gớm. Một cách tinh vi, ông đó liên tưởng đến những sự rối loạn mà quân đội chiếm đóng Tưởng có thể gây ra nếu họ cướp bóc lan tràn và lộng hành đối với dân chúng. Ông yêu cầu tôi báo trước cho Đồng Minh về những khả năng này và tôi hứa sẽ làm đầy đủ... Với nụ cười quen thuộc, ông báo cho tôi biết rằng đúng vào lúc đó, một phái đoàn Chính phủ đã lên đường đi Huế để tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại... Điều quan trọng đối với ông Hồ là Mỹ tiếp tục chính sách chống thực dân của Mỹ đối với Đông Dương... Ông tự nhận là một người “quốc gia - xã hội - tiến bộ” có một sự mong muốn mãnh liệt muốn giải thoát đất nước khỏi ách đô hộ của nước ngòai. Ông nói một cách lưu loát, không điệu bộ, nhưng với một vẻ thành thật, quyết tâm và lạc quan...
Ngày 26-8-1965, Bác đi thăm Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 23 Bộ đội tên lửa, Đoàn Sông Đà đang tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô, đặt bản doanh tại Phùng, ngoại vi Hà Nội.
Ngày 26-8-1969, sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp. Bác đang điều trị tại Viện Quân y 108 của quân đội. Một lần, Bác tỉnh dậy và tỏ ý muốn nghe một khúc dân ca. Cô y tá chăm sóc sức khoẻ đã hát một bài dân ca quan họ và được Bác tặng một bông hồng.
Khánh Linh (tổng hợp)
111. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 198.
112, 113, 114. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 199, 482.
115. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 6, tr. 285.
116. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 7, tr. 335.
117. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 12, tr. 486.
118. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 1, tr. 330.
119, 120. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2007, t. 5, tr. 358, 361.
121. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 7, tr. 128.
122. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2008, t. 9, tr. 287.
123, 124. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 473.
125. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 4, tr. 241.
126. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2007, t. 5, tr. 358-359.
127, 128. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 7, tr. 117, 124.
129. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 712-713.
130. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 7, tr. 131.
131. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 12, tr. 488-489.