9. Binh pháp tôn tử
Theo các nhà nghiên cứu "binh pháp" của Tôn Tử ở Nhật Bản thì Tôn Tử đã dựa vào 10 nguyên lý chính để sáng tạo ra binh pháp của ông.
Nguyên lý thứ nhất - Phải biết xét đoán trước.
Trước khi khai chiến, phải biết mình, biết người, biết tình hình thiên thời, địa lợi để định kế hoạch hành động, mới có thể thắng trận được.
Tôn Tử nói: "Biết mình, biết người, đánh trăm trận được trăm trận. Chỉ biết mình mà không biết người, đánh trận có khi được khi thua. Không biết mình, không biết người, đánh trận chỉ thua hoài".
Ông lại nói: "Biết mình, biết người, thắng trận mà không gặp nguy hiểm. Lại biết thiên thời địa lợi nữa, cầm chắc được toàn thắng".
Nhưng làm thế nào có thể biết mình được?
Vậy trước khi chưa khai chiến, nghĩa là lúc đương định kế hoạch chiến tranh, phải tự xét mình xem đã đủ 5 điều kiện chính sau này chưa:
1- Đạo nghĩa, là chính sách của chính phủ đối với dân chúng - chính sách này phải hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng. Đối với dân, chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, v.v.. Có như thế, dân chúng mới đoàn kết chung quanh chính phủ, mới vì quyền lợi thiết thân của mình mà hy sinh sống chết giết giặc. Có như thế thì dù tình thế nguy khốn đến bực nào, dân chúng không sợ hãi gì hết mà cố sức quyết chiến, quyết thắng.
2- Thiên thời, nghĩa là lợi dụng ngày, đêm, sớm, tối, mưa, nắng, nóng, rét ...
Về thời cổ, tối kỵ là đánh trận vào lúc rét quá hay nóng quá, vì sợ binh sĩ chết rét hay chết dịch nhiều hơn là chết vì chiến tranh.
Ngay trong thời đại khoa học ngày nay, sự phòng nóng rét đã tiến bộ nhưng chưa thể chinh phục hẳn được thời tiết. Trong trận chiến tranh vừa qua, ở mặt trận Nga Đức, rét đến nỗi dầu xăng trong ô tô hay xe tăng đông lại và bùn lầy cao ngập gối làm cho xe cộ không đi lại được nên hành quân rất khó khăn.
Vậy khoa nghiên cứu thời tiết, nóng rét, mưa gió rất cần cho quân sự. Như lúc pháo binh bắn đại bác, lúc phóng hơi ngạt, lúc phi cơ ném bom, hay lúc chiến hạm hoạt động phải biết trước thời tiết mới có thể định đoạt được. Lại như lúc đặt phòng thuốc cho binh sĩ, lúc bố trí những nơi chứa quân nhu, lúc đặt kế hoạch vận tải binh lương, khí giới, và lúc thiết lập cửa bể hay trường tàu bay, không thể không biết rõ khí hậu ở những nơi định lập.
3- Địa lợi, là từ nơi căn cứ ra đến chiến trường xa hay gần, chiến địa hiểm trở hay bằng phẳng, chiến tuyến rộng hay hẹp, địa điểm lui quân có an toàn hay không an toàn. Đó là khoa địa hình học ngày nay cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trong khi đánh trận.
4- Tướng nghĩa, là người làm tướng chỉ huy phải có đủ trí, tín, nhân, dũng, nghiêm. Trí là mưu trí. Nếu có đủ mưu trí có thể quyết định được thua từ ngoài nghìn dặm. Tín là không lừa dối, thưởng phạt công bình, tài chính phân minh. Nhân là yêu binh sĩ, yêu nhân dân. Dũng là không sợ hãi, trầm tĩnh để chiến đấu và gặp nguy nan phải tiến trước binh sĩ. Nghiêm là không dung thứ, phải nghiêm trang và trọng kỷ luật.
5- Pháp gồm có 3 mục là:
a- Cách tổ chức quân đội lúc bình thời thế nào, lúc thời loạn thế nào.
b- Quy luật làm việc của các quan trưởng, nghĩa là lúc làm việc, các quan trưởng phải làm đúng quy luật đã định.
c- Quân phí, quân nhu phải lo tính cho đầy đủ.
Năm điều nói trên, người làm tướng tất phải biết rõ. Thế tức là biết mình. Nhưng biết phải có làm. Làm được thời sẽ có đủ nhân hòa, địa lợi, thiên thời, tướng giỏi, quân nhu đầy đủ để nắm chắc được phần thắng trong lúc chiến tranh.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 242, ngày 17-5-1946)
10. Lời phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Hơn 10 ngày nay, các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã làm thành được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử, Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp.
Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc.
Chúng ta không mong gì hơn nhưng chúng ta không chịu gì kém. Quốc hội đã thông qua bản Luật lao động. Kiến thiết phải sản xuất. Sản xuất phải cần có sức lao động. Chính phủ cám ơn các đại biểu về những công tác đã qua. Và nhờ các đại biểu giúp những công tác sắp tới.
Chính phủ nhờ các đại biểu làm cho sự liên hiệp quốc dân mỗi ngày một thêm vững, một lan rộng hơn nữa. Các đại biểu thực hiện đời sống mới khắp các nơi. Và khuyên nhân dân tăng gia sản xuất, đi học các lớp bình dân học vụ.
Toàn cả nhân dân và Chính phủ nhất trí, chúng ta thế nào cũng đạt được độc lập, thống nhất, nước mạnh, dân giàu.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 401, ngày 10-11-1946).
11. Thư chúc Tết đồng bào và chiến sỹ Nam bộ
Nhân dịp Nguyên đán âm lịch, tôi thay mặt Chính phủ đặc biệt chúc đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ năm mới.
Vì quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc, đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh chiến đấu hơn một năm nay, mà từ nay vẫn kiên quyết hy sinh phấn đấu nữa. Sự trung thành dũng cảm đó sẽ đem Tổ quốc đến thắng lợi, và sẽ ghi những trang vẻ vang trong lịch sử nước nhà.
Vì yêu chuộng hòa bình, vì thật tâm muốn cộng tác với nhân dân Pháp, Chính phủ ta đã tìm hết cách dàn xếp với Pháp. Nhưng bọn thực dân phản động bội tín bất nhân, hòng dùng vũ lực để cướp nước ta một lần nữa. Chúng gây ra cuộc chiến tranh toàn quốc đã hơn một tháng nay.
Vì chủ quyền, vì Tổ quốc, toàn dân Việt Nam đã thề kiên quyết kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến lúc lấy lại được thống nhất độc lập mới thôi. Chúng ta đã thề thà chết chứ không làm nô lệ.
Chúng ta đã phải trải qua những bước gay go cực khổ trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng chúng ta chắc rằng thắng lợi cuối cùng sẽ về ta.
Nhân vì ở Nam Bộ còn có một số ít người bị thực dân Pháp tuyên truyền lừa gạt mà nghĩ lầm, cho nên nhân dịp này tôi muốn thêm mấy lời giải thích:
1. Bọn thực dân nói: Nếu ba kỳ thống nhất thì những người ái quốc sẽ khủng bố những người hiện nay sai lầm đi theo Pháp.
Tôi cả quyết cam đoan rằng Chính phủ và đồng bào ta sẽ hết sức khoan hồng đại độ. Chẳng những để cho những người đó cải quá tu tâm, quay về với Tổ quốc, mà lại sẵn sàng trọng dụng họ, nếu những người đó có tài nghệ. Một dân tộc đã tự cường, tự lập, dân chủ cộng hòa thì không làm những việc nhỏ nhen, báo thù báo oán.
2. Bọn thực dân nói: Nếu Việt Nam thống nhất thì người Nam sẽ bị người Bắc cai trị.
Đó là cái mưu của chúng hòng chia rẽ đồng bào ta. Ai cũng biết rằng: Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ làng xã đến toàn quốc những người chức trách đều do dân cử ra. Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đày tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài. Như thế thì đồng bào Nam có lo gì là bị đồng bào Bắc cai trị.
3. Bọn thực dân lại nói: Chính phủ ta là Chính phủ Việt Minh. Đó lại là một câu nói nhầm. Trong Chính phủ có đủ những người các đảng phái, như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Đảng Quốc dân, Đồng minh hội, lại có những người không thuộc đảng phái nào. 5 vị Bộ trưởng và Thứ trưởng là những người quê quán ở NamBộ. Thế thì sao lại nói là Chính phủ Việt Minh?
4. Sau hết chương trình nội chính của Chính phủ và quân dân ta chỉ có ba điều mà thôi:
a) Tăng gia sản xuất để làm cho dân ai cũng đủ mặc, đủ ăn.
b) Mở mang giáo dục, để cho ai nấy cũng biết đọc biết viết.
c) Thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ tự do.
Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình.
Sự thật là rất giản đơn như thế, mong đồng bào hiểu rõ, chớ mắc lừa bọn thực dân.
(In trong sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr.34-35)
12. Bài nói chuyện với các đại biểu thân sỹ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa
Lần này là lần đầu tiên tôi đến thăm Thanh Hoá, được các ngài tới dự đông đúc, tôi lấy làm hân hạnh. Trước tôi tới thăm đồng bào, sau là tôi có nhiệm vụ báo cáo công việc kháng chiến.
…
Hành chính: Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi.
Từ ngày thành lập Chính phủ, trong nhân viên còn có nhiều khuyết điểm.
Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân, phì gia. Từ một năm nay, nội hoạn, ngoại xâm không lúc nào không có, nên còn nhiều việc đáng làm mà Chính phủ trung ương không làm được. Có nhiều cái biết là hay, nhưng còn việc gấp phải làm gấp cái đã.
Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng. Vì nếu có nấu cơm cũng 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm nô lệ, người tốt có, người xấu có, một đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ thì cũng vài ba giờ mới xong.
Tóm lại chính trị là:
1. Đoàn kết.
2. Thanh khiết từ to đến nhỏ.
Kinh tế: Thực dân Pháp phá kinh tế của ta, phong toả cả trong và ngoài. Ta phải làm tự cấp tự túc, dù nó có phong toả 10 năm, 15 năm ta cũng không sợ. Muốn tăng gia sản xuất phải làm thế nào?
Không phải Chính phủ bỏ 10 - 15 triệu để mở lò máy, làm cái này cái khác. Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân. Trước kia, sức dân, của dân làm lợi cho đế quốc, nay đem làm lợi cho dân.
Ban tăng gia sản xuất phải giúp đỡ cho đồng bào, bày kế hoạch cho đồng bào làm thế nào cho đỡ tốn mà lợi nhiều. Thí dụ: một làng dệt vải 10 khung, 10 nhà, tốn dầu, tốn công đánh suốt, nay tổ chức lại làm một nhà đỡ đèn dầu, v. v..
Về tăng gia sản xuất không phải đại điền chủ, đại thương gia, ai cũng có thể làm được. Thí dụ: một em chăn bò mà chăn cho bò ăn, tìm chỗ có cỏ cho bò ăn; một em bé đi học, trước nó vẽ nhảm vào vở nay nó biết tiết kiệm giấy, trước viết bút chì sau sẽ viết bút mực, đó cũng là tăng gia sản xuất. Một bên cần, một bên kiệm, ở ta nó là mới nhưng thực ra nó rất xưa, ở sách Đại học có câu “Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm, tức là đầy đủ”. Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm. Nay phải đem ra mà làm ở nhà mình, tỉnh mình, nước mình.
Làm cho mình khỏi đói rét, đồng bào mình khỏi đói rét tức là kháng chiến. Thêm một điều nữa: Hiện nước ta đang kháng chiến, từ đây ra Bắc có những nơi, thành thị thành chiến tuyến, có nhiều đồng bào tản cư không chịu ở lại với Pháp mà đi rất cực khổ, phần đông tay không chân rời. ở Hà Nội có nhiều người tay mình đốt nhà mình, phá nhà mình mà đi. Nay đồng bào hậu phương có ăn mà để họ đói, có áo mà để họ rét, có đúng không? Mong đồng bào ủng hộ đồng bào đó, giúp đỡ đồng bào tản cư tức là giúp đỡ kháng chiến, giúp cho kẻ có vốn để có thể tự lực được, kẻ không vốn thì giúp họ có công ăn việc làm, chỗ ở. Theo ý tôi, Thanh Hóa có 1 triệu dân, mỗi gia đình có 10 người tức là có 10 vạn gia đình.
Mỗi gia đình giúp một người tản cư tức là có thể được 10 vạn người hay bớt đi một nửa là 5 vạn hay ít nữa đi là 2 vạn rưỡi. Tôi mong đồng bào hết sức giúp đỡ đồng bào tản cư.
(Trích Tài liệu của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thanh Hóa).
13. Đời sống mới
Hỏi: Đời sống mới trong các công sở nên thế nào?
Đáp: Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước.
Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.
1. Cần - Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân.
2. Kiệm - Giấy bút, vật liệu, đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần.
Mỗi ngày, công sở cả nước dùng hàng mấy vạn tờ giấy và phong bì.
Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Các vật liệu khác cũng vậy. Nhờ các công sở tiết kiệm, mà lợi cho dân rất nhiều.
3. Liêm - Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu.
4. Chính - Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh.
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.123)
Quốc Thành (tổng hợp)