Chỉ mục bài viết

39. Bài nói chuyện tại Đại hội thi đua lực lượng công an nhân dân

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chào hỏi các đại biểu. Trong Đại hội này có cả đại biểu gái và trai, miền xuôi và miền ngược, như thế là rất tốt. Sau đây là mấy điều Bác nói tóm tắt với các cô, các chú.

Để phá tan mọi âm mưu chiến tranh phá hoại của địch, chúng ta phải: Quyết tâm đánh bại mọi hoạt động gián điệp và chiến tranh tâm lý của địch; ngăn chặn và trấn áp kịp thời mọi âm mưu của bọn phản động; bảo vệ tốt các cơ quan đầu não, các lực lượng vũ trang, các mối giao thông vận tải, tài sản của Nhà nước và của nhân dân, giữ vững trật tự an ninh của miền Bắc.

Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó lực lượng Công an nhân dân giữ một vai trò rất quan trọng.

Những thành tích của Công an nhân dân trong thời gian qua:

Trong hai năm qua, Công an nhân dân đã có những thành tích đáng khen như sau:

- Trật tự an ninh ở miền Bắc được giữ vững. Trong những lúc có chiến tranh ác liệt, phong trào bảo vệ trị an được đẩy lên ở nhiều nơi.

- Những vụ gián điệp, biệt kích đã bị bắt gọn.

- Những phần tử phản động đã bị phát hiện và xử trí.

Tuy vậy còn phải đẩy mạnh hơn nữa:

- Công tác điều tra nắm tình hình để đánh địch kịp thời hơn, nhạy bén hơn.

- Phải tăng cường hơn nữa việc phòng gian, bảo mật.

- Việc ngụy trang các công trình và kho tàng, việc tổ chức bảo vệ tài sản Nhà nước phải làm tốt hơn, cẩn thận hơn.

- Duy trì trật tự an ninh xã hội, nhất là ở các thành phố, phải làm thật tốt.

Cán bộ và chiến sĩ Công an nhân dân nói chung là tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân:

- Nhiều gương chiến đấu dũng cảm, quên mình chiến đấu với địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ tài sản Nhà nước.

- Số đơn vị tiên tiến, đơn vị quyết thắng ngày càng tăng; số chiến sĩ giỏi, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua đều tăng nhiều.

Tuy vậy,

- Ở các đơn vị và cơ quan, nội bộ phải thật thà đoàn kết, phải xóa sạch chủ nghĩa cá nhân.

- Phải triệt để sửa đổi tác phong mệnh lệnh, quan liêu, hống hách; phải gây quan hệ thật tốt giữa công an và nhân dân.

Trước tình hình và nhiệm vụ mới, cán bộ và chiến sĩ Công an nhân dân phải làm gì?

- Trước hết là phải khắc sâu lòng căm thù giặc Mỹ, phải nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, luôn luôn cảnh giác, dũng cảm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân.

- Phải thật sự đoàn kết, đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa công an với nhân dân.

- Phải kịp thời kiện toàn tổ chức và chỉnh đốn lề lối làm việc của các bộ phận công an để làm trọn nhiệm vụ mới.

- Các cán bộ và chiến sĩ Công an nhân dân phải ra sức trau dồi: Đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân.

Tác phong phải thật khách quan, thiết thực, phải tăng cường công tác điều tra nghiên cứu tổng kết và trao đổi kinh nghiệm giữa các ngành công an.

Đối với những người có thành tích, phải khen thưởng, đối với những người mắc sai lầm thì phải phê bình, kiểm thảo giúp họ sửa chữa. Khi cần thiết thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, đúng mức.

- Các cấp đảng bộ trong lực lượng Công an nhân dân phải rất coi trọng xây dựng đảng bộ và chi bộ “bốn tốt”, phải coi trọng công tác xây dựng Đoàn Thanh niên.

- Trong các cơ quan, phải thực hành dân chủ, thường xuyên phê bình nghiêm chỉnh và thật thà tự phê bình để giúp nhau tiến bộ.

Các cô, các chú thi đua thực hiện những điểm nói trên, thì Công an nhân dân của ta sẽ là một lực lượng cách mạng vô địch.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4580, ngày 22-10-1966).

40. Đáng khen

Cán bộ xung trước,

Làng nước theo sau,

Việc khó đến đâu,

Cũng làm được hết.

Thật vậy, việc sau đây lại một lần nữa chứng tỏ điều đó:

Bỏ nấu rượu trái phép.

Trước đây, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) “nổi tiếng” về nấu rượu lậu, nhất là thôn Bá Giang. Cứ đi qua đó vào chập tối, là thấy ngay mùi cơm bã nấu rượu. Hầu như mọi nhà đều nấu, cả cán bộ, đảng viên cũng nấu. Ước tính trong một năm, tệ nấu rượu lậu ở thôn Bá Giang làm tiêu hao tới trên dưới 200 tấn gạo nếp.

Thực hiện cần, kiệm chống Mỹ, cứu nước, từ trung tuần tháng 6-1966, Đảng ủy xã Hồng Hà đã mở cuộc vận động quần chúng xóa bỏ tệ nấu rượu lậu; cán bộ, đảng viên ai mắc khuyết điểm này phải sửa chữa trước cho nhân dân theo.

Kết quả, đến nay xã Hồng Hà không còn một nhà nào nấu rượu trái phép nữa. Một đồng chí trong Ban Đảng ủy xã đã nói với tôi: “Chỉ riêng thôn Bá Giang, do bỏ nấu rượu lậu, đã có thể tiết kiệm được 200 tấn gạo một năm, tương đương với khối lượng gạo đủ nuôi 2.000 nhân khẩu trong năm tháng”.

(Trích báo Hà Tây, ngày 04-01-1967)

41. Cái “chìa KHÓA VẠN NĂNG”

- Hợp tác xã Đ.P. (Quảng Bình) cần phải làm độ 700 cái hầm trú ẩn cho gia đình xã viên, cho trụ sở xã, cho trường học, v.v.. Mỗi hầm phải tốn 10 công đào và nửa mét khối gỗ lót. Cộng tất cả là 7.000 công và 350 mét khối gỗ. Đối với một hợp tác xã nhỏ chỉ có 50 hộ, thì đó quả là một công việc to lớn và khó giải quyết. Những cán bộ có sáng kiến đưa việc đó trình bày rõ ràng trước toàn thể xã viên và khuyến khích mọi người bàn bạc một cách dân chủ.

Sau khi tư tưởng đã nhất trí, bà con đều hăng hái thi đua và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Họ làm cả ngày cả đêm, nhà đông người giúp nhà neo đơn. Có những xã viên lấy cả cột nhà và ván nằm để lót hầm và giúp những bà con thiếu gỗ.

Kết quả là chỉ trong hai ngày, hơn 700 cái hầm đã làm xong và cái nào cũng hợp tiêu chuẩn. Thế là nhờ cách dân chủ mà việc khó hóa ra dễ.

- Văn Khê (Hà Tây) là một xã ưu điểm nhiều. Nhưng khuyết điểm cũng không ít: Như tệ giết lợn liên hoan lu bù, cán bộ thiếu gương mẫu trong lao động, v.v.. Khuyết điểm nặng nhất là thiếu dân chủ. Vì vậy mà việc làm thủy lợi đã gây ra lãng phí; có vụ đã cày cấy chậm và làm dối, thu hoạch kém.

Từ đầu năm nay, tình trạng đã bước đầu chuyển biến khá: Các cán bộ từ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã đến cán bộ các hợp tác xã đã thật thà tự phê bình và từ đó mọi việc sản xuất, học văn hoá, chấp hành các chính sách... đều bàn bạc dân chủ với xã viên.

Kết quả là các xã viên đều phấn khởi ra đồng sản xuất, trồng cây, sửa sang hầm hố trú ẩn. Cán bộ và xã viên đã cùng nhau bàn cách tiết kiệm lương thực để bảo đảm đời sống của mình và đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước (Tài liệu của báo Hà Tây).

- Xí nghiệp Đống Đa tìm biện pháp thực hiện kế hoạch quý I bằng một phần ba kế hoạch cả năm, lúc đầu tính ra thì thấy thiếu đến 12.000 giờ máy. Giải quyết thế nào đây?

Khi các cán bộ lãnh đạo bàn đủ mọi cách, như cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, v.v., thì cũng chỉ giải quyết được 4.000 giờ máy thiếu.

Khi các chi bộ bàn về việc cải tiến quản lý lao động, tăng cường giờ máy có ích, v.v., thì giải quyết thêm được 6.000 giờ, nhưng chưa giải quyết được tất cả vấn đề.

Khi họp bàn dân chủ với toàn thể công nhân, thì anh chị em mỗi người nêu một sáng kiến, chẳng mấy chốc đã giải quyết nốt cả 2.000 giờ thiếu một cách dễ dàng.

Cũng xí nghiệp ấy, trong một cuộc đại hội bàn bạc dân chủ (18-3-1967), công nhân đã góp 1.400 ý kiến, thẳng thắn phê bình những thiếu sót về chỉ đạo sản xuất, hợp lý hoá lề lối làm việc và cải tiến kỹ thuật, v.v..

Một ví dụ nữa: Xí nghiệp cao su tái sinh ghi nhận kế hoạch 1967 chỉ ghi tăng 6% về giá trị sản lượng và 8% về năng suất lao động. Nhưng do bàn bạc dân chủ, công nhân đã nhận tăng thêm 31% về giá trị sản lượng và 15% về năng suất lao động.

*

* *

Vài ví dụ trên đây chứng tỏ rằng thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Trong mọi công việc, ngay từ khi lập kế hoạch và suốt cả thời gian thực hiện, phải mạnh dạn phát động quần chúng, làm cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể. Quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được những tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô và cuộc vận động quần chúng quyết tâm thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1967 cũng nhất định sẽ thắng lợi.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4733, ngày 25-3-1967).

42. Nói chuyện với Đoàn cán bộ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Cán bộ phải đi sát sản xuất, đi sát quần chúng và phải dân chủ với dân.

Cán bộ đi về hợp tác xã không phải chỉ vào nhà chủ nhiệm để có chỗ ở sạch sẽ và có cơm nước đàng hoàng mà phải đi vào nhân dân.

Không biết bây giờ nhân dân có chào chủ tịch, chào cán bộ bằng “cụ” nữa không? Như thế vẫn là còn thói “quan trên về làng”. Phải làm sao cho cán bộ mỗi khi về làng, nhân dân niềm nở vỗ vai, mời “anh” uống nước mới tốt. Nếu cán bộ về mà dân trải chiếu hoa, bắt gà làm cơm là không được. Bao giờ dân coi cán bộ là người của dân, đối với cán bộ không còn “lạy cụ ạ” thì dân mới dám nói, mới dám phê bình. Để phát triển ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói.

Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay. Phải làm tốt công tác báo công, bình công ngoài nhân dân. Rõ ràng nơi nào đã làm tốt công tác này thì nhân dân làm ăn vui vẻ, phong trào tiến bộ. Từ trước tới nay, cán bộ vì quan liêu mà sinh ra mệnh lệnh.

Ta đã cầm quyền trên 23 năm, mà bây giờ Thanh Hóa mới bắt đầu sửa chữa bệnh quan liêu, mệnh lệnh là chậm. Sắp tới phải tích cực hơn trong việc này để phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân.

Đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để tiến bộ.

Thanh Hóa có 8 vạn đảng viên, 15 vạn đoàn viên mà cách mạng trong tỉnh không được trôi chảy vì lãnh đạo chưa sát, cán bộ  còn thiếu dân chủ và cán bộ, đảng viên chưa thật gương mẫu. Các chú cần tự phê bình và phê bình thường xuyên để tiến bộ. Người vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm quan, làm giàu, mà là để phục vụ nhân dân, làm đày tớ trung thành của nhân dân. Cần tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm nhằm phục vụ tốt nhân dân hơn nữa. Nhân dân rất thương yêu và quý trọng cán bộ, đảng viên. Nhưng nếu cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, tham ô thiếu gương mẫu thì dân không tin, do đó làm nguy hại đến công tác của Đảng. Thanh Hóa không biết còn có nhiều rượu lậu và cán bộ, đảng viên còn có ai nấu rượu lậu nữa không? Đảng ta không phải là đảng nấu rượu lậu. Ai là đảng viên mà còn nấu rượu lậu thì phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng. Chủ tịch ủy ban hành chính xã, chủ nhiệm hợp tác xã, và các cán bộ khác mà nấu rượu lậu là có tội với dân, có tội với Đảng. Nếu các chú không trị thì quần chúng nhân dân sẽ trị.

Hiện nay, Thanh Hóa có còn tệ đánh vợ nữa không? Nếu còn, cần phải kiên quyết sửa chữa.

Việc “liên hoan, chè chén” tuy có giảm bớt so với trước nhưng vẫn còn phổ biến. Dân phải đóng tiền để cho cán bộ ăn mà mình không được ăn; như vậy tức là không giúp cho cán bộ “vạn thọ vô cương”. Có nơi Bác tới thăm, cán bộ làm thịt cả một con bò và bảo rằng để “chiêu đãi Hồ Chủ tịch”; thế là họ “ăn” cả Hồ Chủ tịch.

Phải tích cực sửa chữa.

Tóm lại, cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu. Mặt khác, thế hệ thanh niên hiện nay, gái cũng như trai rất tốt và gan dạ; cần tích cực giáo dục họ và kết nạp những người có đủ tiêu chuẩn vào Đảng để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Còn đối với những người có tư tưởng vào Đảng, vào Đoàn để làm quan, làm giàu, thì phải đóng cửa lại, không cho họ vào.

43. Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”

Hôm nay Bác mời các chú đến để bàn cách thực hiện điều mà Bác đã đề nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cũng cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa.

Lâu nay, các chú tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin như thế nào? Kết quả ra sao? Một đồng chí báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về những việc đang làm:

Các chú làm khá nhiều việc đấy. Nhưng có mấy điều Bác muốn biết rõ hơn. Các chú dạy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho mọi người hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là thế nào không?

Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác. Đó là điều thứ nhất cần rõ.

Các chú có biết nhân dân ta sống với nhau như thế nào không?

Một đồng chí trả lời: Thưa Bác, nhân dân ta có câu “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Đúng là như vậy! Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được. Đó là điều thứ hai cần phải rõ.

Mấy chục năm nay, nhân dân ta thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng và sống với nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất.

Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được.

Mấy chục năm nay, nhân dân ta phải tập trung sức lực để đánh giặc cho nên về xây dựng đời sống ta chưa làm được nhiều.

Nhưng đánh thắng giặc Mỹ rồi thì những việc chính của cách mạng là làm thế nào giải quyết ngày càng tốt hơn những vấn đề: Ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, phòng và chữa bệnh..., tóm lại là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Những điều lớp người này chưa làm xong thì lớp người sau phải tiếp tục làm. Các chú không nên nói cao xa mà phải nói rất cụ thể cho các cháu hiểu. Ví dụ: Cc cháu học ngành xây dựng thì phải hiểu rằng nhân dân ta còn thiếu nhiều nhà ở. Đi học ở nước ngoài thì phải học những cái hay cái tốt của bạn, để làm sao xây dựng được nhiều và nhanh những ngôi nhà thoáng mát, thuận tiện, hợp khí hậu và rẻ tiền cho nhân dân. Nếu các cháu tốt nghiệp rồi, việc trước tiên lại chỉ lo sao cho mình có quần áo đẹp, có căn nhà riêng sang trọng làm tổ ấm, thì công tác giáo dục của các chú không thể coi là có kết quả được!

Bác nghe nói có cháu trước khi vào đại học đã có người yêu hoặc đã có vợ, nhưng khi “thành tài” rồi lại chê người cũ. Như thế là không có đạo đức, làm sao trở thành cán bộ tốt được!

Tuy vậy, những cái hư hỏng chỉ là số ít. Nhà trường, đoàn thể và gia đình hằng ngày phải biết phòng ngừa và đẩy lùi những cái không tốt đó cho các cháu. Phải thấy phần đông các cháu là tốt.

Cần lấy ngay những gương tốt đó của các cháu và những gương người tốt việc tốt trong nhân dân để giáo dục các cháu. Không nên nói lý luận suông.

Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày. Người xưa còn biết tu thân, mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai cái lọ đỗ đen, đỗ trắng để ghi việc tốt việc xấu. Đảng viên, cán bộ ta từ nhân dân anh hùng mà ra, phải sống cho xứng với nhân dân và Đảng anh hùng.

Bác rất vui mừng thấy phần đông đảng viên, cán bộ ta đã tỏ ra xứng đáng với danh hiệu của mình. Nhưng cũng có một số trường hợp khiến Bác không vui.

Trước đây, khi cách mạng còn trong bóng tối, hoặc khi còn ở chiến khu, chúng ta chỉ có hai bộ quần áo nâu, đi công tác thì ba lô lên vai mà đi bộ.

Khó khăn, thiếu thốn, ốm đau ta đều dựa vào nhân dân. Nay tình hình đã khác trước. Đời sống nhân dân khá hơn xưa, cán bộ ta ăn ở cũng khá hơn, đi công tác có xe đạp, có ôtô nữa. Nhưng có một số người không nhớ lúc hàn vi, lại để cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở.

Đã có xe rồi, lại “phấn đấu” để có chiếc xe đẹp hơn, chiếm mất phần của người khác. Đã có nhà ở rồi, lại “phấn đấu” theo kiểu như thế để có nhà đẹp hơn. Làm như vậy là trái với đạo đức cách mạng. Các chú có biết rằng dân tộc ta vĩ đại, Đảng ta vĩ đại, ta được anh em bầu bạn khắp năm châu yêu mến và ca ngợi là vì cái gì không?

Vì cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta do Đảng ta lãnh đạo là chí công vô tư, mình vì mọi người.

Từ nay về sau, nhân dân ta và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy. Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Cho nên trong khi ta kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, làm cho văn minh chiến thắng bạo tàn thì đồng thời phải loại trừ những cái xấu xa do chế độ cũ để lại trong xã hội và trong mỗi con người.

Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.

(Trích trong sách Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.78-93).

Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: