Chỉ mục bài viết

23. Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn

Bệnh cá nhân chủ nghĩa đẻ ra bệnh kiêu ngạo.

Kiêu ngạo là: Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình.

Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực nói thẳng... Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: Thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa.

Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn Đảng, của nhân dân lao động, chứ không phải của anh hùng cá nhân. Công việc kháng chiến kiến quốc ngày càng nhiều, càng to, càng mới. Đại đa số chúng ta thì trình độ còn thấp, kinh nghiệm còn ít. Chúng ta phải cố gắng làm, cố gắng học, cố gắng tiến bộ mãi. Có như thế mới làm trọn nhiệm vụ mà nhân dân giao phó cho chúng ta. Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra. Trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên. Có như vậy mới tiến bộ chung, tiến bộ mãi.

Thế là khiêm tốn. Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 194, từ ngày 13 đến ngày 15-6-1954)

24. Lời kêu gọi nhân Ngày Thủ đô giải phóng

Cùng đồng bào Hà Nội thân mến! Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!

Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ tỏ lời thân ái chào thăm đồng bào và bày tỏ với đồng bào mấy điều cần thiết:

Nếu kể từ ngày Thế giới chiến tranh lần thứ hai thì Thủ đô ta đã trải qua 15 năm binh lửa. Thời gian khá dài tổn thương không ít! Sở dĩ Thủ đô giữ gìn được tình trạng như ngày nay là do đồng bào ta hăng hái phấn đấu.

Tuy vậy từ nay Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta.

- Chính phủ và nhân dân phải cùng nhau ra sức giữ gìn trật tự, an ninh. Trật tự, an ninh tốt thì mọi người mới an cư, lạc nghiệp. Chúng ta phải cùng nhau gây nên một phong trào cần, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong.

- Chúng ta phải thực hiện chính sách công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi. Các bạn công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công, thương hăng hái kinh doanh. Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta.

- Chính phủ và các vị cha mẹ học trò phải cùng cố gắng để cho con cháu ta được tiếp tục học hành. Các nhà văn hóa, giáo dục phải hăng hái phục vụ nhân dân. Chúng ta phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hoá.

- Về chính trị, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ. Mọi người đều đưa hết tài đức của mình để khôi phục Thủ đô và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.

Nói tóm lại, nhân dân, bộ đội và cán bộ phải thi hành đúng chính sách và tuân theo kỷ luật mà ủy ban quân chính đã ban bố.

Nhân dịp này tôi có vài lời ngỏ cùng các bạn ngoại kiều. Các bạn, người buôn bán, kinh doanh, tiểu thương, tiểu chủ, công nhân và trí thức, đã chung sống với nhân dân Việt Nam. Các bạn đã khai cơ lập nghiệp ở Việt Nam. Những hoạt động chính đáng về kinh tế và văn hóa của các bạn cũng có lợi cho Việt Nam. Vì vậy tôi khuyên các bạn: Các bạn cứ yên lòng làm ăn như thường. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam sẽ giúp đỡ và bảo hộ các bạn.

*

* *

Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh.

Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: Người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân.

Tôi xin chúc toàn thể đồng bào Hà Nội đoàn kết, phấn đấu và thắng lợi.

Tôi riêng chúc các cụ phụ lão sống lâu và mạnh khoẻ để đôn đốc con cháu tiến tới. Tôi thân ái khuyên các cháu thanh niên và nhi đồng chăm chỉ học tập, hăng hái tham gia công việc khôi phục và xây dựng Thủ đô yêu quý của chúng ta, mà mai sau các cháu sẽ là chủ nhân.

Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm! Nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ muôn năm!

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 236, từ ngày 9 đến ngày 10-10-1954)

25. Đạo đức công dân

Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là:

- Tuân theo pháp luật Nhà nước.

- Tuân theo kỷ luật lao động.

- Giữ gìn trật tự chung.

- Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung.

- Hăng hái tham gia công việc chung.

- Bảo vệ tài sản công cộng.

- Bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm kháng chiến, bộ đội ta anh dũng hy sinh xương máu, đồng bào ta hăng hái góp sức của, sức người. Điều đó tỏ rằng đại đa số nhân dân ta đã tự giác, tự động làm trọn nghĩa vụ của người chủ nước nhà.

Cho nên chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ: Lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí; quyền lợi của công dân và nghĩa vụ của công dân là nhất trí; đã là người chủ của nước nhà thì phải phụ trách đối với Tổ quốc. Giáo dục có nhiều cách: giúp quần chúng giáo dục quần chúng bằng cách tự phê bình và phê bình để dạy dỗ lẫn nhau. Cán bộ giáo dục quần chúng bằng cách vạch rõ âm mưu của địch, lấy sự thật mà giải thích cho quần chúng rõ địa vị cao quý của người chủ nước nhà, lực lượng xây dựng to lớn của ta, tương lai vẻ vang của dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước của mọi người. Giáo dục là chính, nhưng đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 320, ngày 15-1-1955).

26. Lời phát biểu tại phiên họp bế mạc Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, Kỳ họp thứ tư

Thưa các vị đại biểu thân mến,

Suốt trong khóa họp này, các vị đã làm việc khẩn trương và bàn bạc rất kỹ mọi vấn đề quan hệ đến quốc kế dân sinh, như:

Thi hành Hiệp định Giơnevơ,

Cải cách ruộng đất,

Khôi phục kinh tế,

Củng cố quốc phòng,

Nội chính, ngoại giao,

Tự do tín ngưỡng, v.v..

Quốc hội đã thông qua những chính sách và công việc Chính phủ đã làm và sẽ làm. Quốc hội đã chỉ thị thêm cho Chính phủ những điều cần bổ sung vào các chính sách. Quốc hội đã tỏ lời hoàn toàn tín nhiệm Chính phủ.

Tôi xin thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Thưa các vị,

Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chúng ta có thể nói tóm tắt rằng:

Chính sách đối nội trước mắt của ta là: Đoàn kết toàn dân, thi đua sản xuất, làm cho nhân dân ta ấm no, nước ta giàu mạnh, đồng thời đấu tranh vì hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ.

Chính sách ngoại giao của ta là: Đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn, nhân dân hai nước Cao Miên, Lào, nhân dân Châu Á, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới; và thực hiện 5 nguyên tắc lớn chung sống hòa bình.

Với sự giúp đỡ của Quốc hội và sự ủng hộ của toàn thể đồng bào, Chính phủ xin hứa quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm trọn nhiệm vụ thiêng liêng mà Quốc hội và đồng bào đã giao cho: củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước; đồng thời cố gắng góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình châu Á và thế giới.

Chính phủ rất mong Quốc hội lãnh đạo nhân dân đoàn kết từ Nam đến Bắc, cùng Chính phủ đấu tranh để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang ấy.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 391, ngày 28-3-1955).

27. Nói chuyện tại Lớp nghiên cứu chính trị Khóa I trường Đại học Nhân dân Việt Nam

Tôi rất vui lòng thấy các bạn tuổi tác khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, trình độ khác nhau, nhưng ý nguyện thì đều nhất trí - ai cũng muốn tiến bộ để phụng sự Tổ quốc, và phục vụ nhân dân có hiệu quả hơn. Do sự nhất trí ấy mà đi đến đoàn kết cả ở trường này. Đoàn kết là lực lượng đưa chúng ta đến mọi thắng lợi.

Sau đây tôi có vài ý kiến nêu lên để các bạn suy xét:

Lực lượng cách mạng. - Lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân. Vì họ là người trực tiếp sản xuất tất cả mọi tài phú làm cho xã hội sống. Vì họ đông hơn hết, mà cũng bị áp bức bóc lột nặng nề hơn hết. Vì chí khí cách mạng của họ chắc chắn, bền bỉ hơn của mọi tầng lớp khác. Nhưng cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức (chúng ta quen gọi là lao động trí óc). Vì lẽ đó, trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí, cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối.

Đảng và Chính phủ đối với trí thức. Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, trí thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, Đảng và Chính phủ ta rất quý trọng những người trí thức của nhân dân, vì nhân dân.

Để xây dựng nước nhà, chúng ta cần càng ngày càng nhiều trí thức tốt. Đảng và Chính phủ vừa phải giúp cho thế hệ trí thức ngày nay càng ngày càng tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới.

Đảng và Chính phủ phải giúp bằng cách giáo dục, để trí thức có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt, tác phong dân chủ. Nói tóm lại: Giúp đỡ các bạn trí thức chính tâm và thân dân.

Phương pháp giáo dục thì theo nguyên tắc tự nguyện tự giác, giải thích, bàn bạc, thuyết phục, chứ không gò bó. Giúp trí thức thi đua trong học tập và công tác. Hướng dẫn trí thức sử dụng cách thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình để cùng nhau tiến bộ không ngừng, đoàn kết chặt chẽ, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

(Trích trong sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1956, t.III, tr.301-305).

28. Tự phê bình, phê bình, sửa chữa

Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm.

Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ. Mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ.

Từ xưa đến nay, có bao giờ bọn phong kiến, tư bản, đế quốc, thực dân tự phê bình và để người khác phê bình chúng không?

Không! Bởi vì chúng không muốn mà cũng không thể sửa chữa khuyết điểm căn bản của chúng là chế độ người bóc lột người. Hơn nữa, ai phê bình thì bị chúng khủng bố. Chỉ có nhân dân dám phê bình chúng bằng cách mạng đánh đổ chúng.

Dưới chế độ dân chủ, thì mọi người, trước hết là mọi cán bộ, mọi cơ quan và đoàn thể cần phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; có như vậy mới tiến bộ được.

Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa. Thí dụ: Nhân dân ta mạnh dạn phê bình. Đó là một điều rất tốt. Thế là dân chủ thật sự. Nhưng khi phê bình, chúng ta cần phải:

- Xét rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, những khó khăn - Như: Nước ta bị phong kiến thống trị hàng nghìn năm, bị thực dân  áp bức bóc lột gần 100 năm, chiến tranh tàn phá suốt 15 năm, miền Bắc giải phóng chưa đầy hai năm, hạn lụt liên tiếp, v.v..

- Kiểm điểm thành tích - Cải cách ruộng đất căn bản thắng lợi, gần 8 triệu nông dân có ruộng cày, hơn 386 vạn nông dân đã vào nông hội, 14 nông giang lớn và 3.600 cây số đê đã được xây đắp, tu bổ. Chúng ta đã khôi phục nhiều xí nghiệp cũ và xây dựng một số nhà máy mới, đã đắp lại hơn 500 cây số đường xe lửa. Nhiều trường học được mở thêm, chỉ trong mấy tháng đã hơn 2 triệu đồng bào thanh toán nạn mù chữ...

- So với thời gian non hai năm, thì những thắng lợi căn bản ấy không phải là ít; nhưng khuyết điểm chắc cũng có nhiều (Có khi khuyết điểm là cái bóng của thành tích).

Đảng và Chính phủ ta rất sẵn sàng nhận những lời phê bình của nhân dân và có quyết tâm sửa chữa. Cho nên khi phê bình, chúng ta cần phê bình một cách thiết thực và đề nghị phương pháp sửa chữa hợp lý. Phê bình và giúp đỡ sửa chữa, đó là quyền lợi và nghĩa vụ dân chủ của nhân dân ta.

Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên - mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc chắn thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 874, ngày 26-7-1956).

29. Phải xem trọng ý kiến của quần chúng

Nhân dân ta đã tiến bộ nhiều. Không những trong các cuộc hội họp, quần chúng đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình, mà nhiều khi còn gửi thư cho các báo, cơ quan và đoàn thể, hoặc thành khẩn phê bình và tự phê bình hoặc nêu những đề nghị thiết thực.

Đó là một điều rất tốt: Nó làm cho nhân dân càng gần gũi và càng tin tưởng đoàn thể và chính quyền. Nó làm cho đoàn thể và chính quyền càng hiểu thấu nguyện vọng của quần chúng, càng thấy rõ những thiếu sót của mình để sửa chữa. Nó làm cho chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ. Nó càng chứng tỏ chế độ của ta là thật sự dân chủ.

Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng. Những cán bộ (hoặc cơ quan, đoàn thể) được phê bình cần phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa. Nếu lời phê bình có chỗ không thật đúng, thì phải giải thích rõ ràng cho quần chúng hiểu.

Nhưng dù phê bình đúng cả hay là chỉ đúng một phần nào, chúng ta cũng cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình. Chúng ta phải nhớ rằng cán bộ đoàn thể cũng như chính quyền, từ trên đến dưới, đều là đày tớ của nhân dân, phải xem trọng ý kiến của nhân dân. Nhiều cán bộ ta cố gắng làm đúng như thế.

Một điểm nữa cần nói: Phê bình và đề nghị là quyền dân chủ của mọi công dân. Khi gửi thư cần suy xét kỹ lưỡng, bày tỏ thật thà, viết tên họ và địa điểm rõ ràng, thì cơ quan nhận được thư mới có thể điều tra, nghiên cứu. Thưa mà không có tên họ và địa điểm là không có giá trị gì.

Nói tóm lại, cán bộ, cơ quan và đoàn thể cần thật sự xem trọng ý kiến của quần chúng nhân dân.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 900, ngày 21-8-1956).

Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: