Chỉ mục bài viết

30. Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học Nhân dân Việt Nam

Hôm nay tôi muốn nói một câu chuyện rất giản đơn, nông cạn, câu chuyện về Tam tự kinh. Câu đầu tiên Tam tự kinh là "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Chúng ta mượn câu ấy làm đầu đề nói chuyện.

Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.

Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Trong xã hội có thiện và cũng có ác.

Theo nghĩa rộng thì cả thế giới và trong một nước có thiện và có ác. Theo nghĩa hẹp thì trong bản thân và tư tưởng của mỗi một người cũng có thiện và có ác.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân chỉ lo làm lợi cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, ngày càng tiến bộ về vật chất và tinh thần, làm cho trong xã hội không có người bóc lột người. Thế là thiện.

Tư bản, đế quốc và phong kiến chỉ lo bóc lột nhân dân, thậm chí gây chiến tranh giết hại nhân dân, để làm lợi cho một nhóm ít người. Thế là ác.

Ở nước ta hiện nay, chế độ dân chủ cộng hoà của ta dù có những sai lầm thiếu sót vì chúng ta còn thiếu kinh nghiệm và còn có nhiều khó khăn, Đảng và Chính phủ chỉ lo phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là của nhân dân lao động chân tay và lao động trí óc. Thế là thiện.

Chế độ độc tài của Mỹ - Diệm ở miền Nam chỉ lo cho lợi ích của một nhóm đế quốc, phong kiến và tư sản mại bản. Thế là ác.

Nói về mỗi một người chúng ta, nếu hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thế là thiện. Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không lo đến lợi ích chung của nước nhà, của dân tộc. Thế là ác. Thực hành chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Thế là thiện. Nếu phạm phải quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lười biếng. Thế là ác.

Thiện và ác là hai cái mâu thuẫn, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh ấy phải trường kỳ và gian khổ, nhưng cuối cùng thì ác nhất định bại, thiện nhất định thắng.

Bản thân mọi người chúng ta đều chịu ảnh hưởng của xã hội cũ hoặc nhiều, hoặc ít. Cho nên trong người chúng ta hoặc nhiều hoặc ít không tránh khỏi có cái áC, như tự đại, tự kiêu, tự tư, tự lợi. Nhưng với sự giúp đỡ giáo dục của Đảng và Chính phủ, sự cố gắng học tập và cải tạo của mọi người, thì cái ác trong mình chúng ta ngày càng bớt, cái thiện ngày càng tăng.

*

* *

Nhân đây tôi nói tóm tắt vài vấn đề mà tôi vừa nghe thảo luận ở một lớp nghiên cứu khác, chắc ở đây cũng có thảo luận những vấn đề ấy.

Đảng đã có những thành tích lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi như đã nói trên. Nhưng Đảng cũng đã có những sai lầm khuyết điểm trong cải cách ruộng đất. Là một đảng chân chính cách mạng, Đảng thật thà nhận sai lầm khuyết điểm của mình, quyết tâm sửa chữa và nhất định sửa chữa được.

Trong cải cách ruộng đất, cán bộ đã phạm những sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng, cần phải kiên quyết sửa chữa. Nhưng không nên vì sai lầm khuyết điểm mà phủ nhận thành tích của cải cách ruộng đất tức là giai cấp phong kiến địa chủ đã bị đánh đổ, độ 8 triệu nông dân đã có ruộng cày. Đó là một thành tích không ai có thể chối cãi được. Cần nhận rõ như thế để không vì sai lầm khuyết điểm mà bi quan. Trái lại vẫn giữ vững lòng tin tưởng vào Đảng và Chính phủ.

Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng là do nhiều người cách mạng họp lại, cho nên dù với sự rèn luyện theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng có nhiều ưu điểm, nhưng cũng không tránh khỏi khuyết điểm. Khi có khuyết điểm, Đảng hoan nghênh phê bình, thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy Đảng ngày càng tiến bộ, càng mạnh mẽ.

Trong nội bộ Đảng có dân chủ rộng rãi, đồng thời có kỷ luật nghiêm khắc. Người đảng viên phải khiêm tốn, thành khẩn. Không có đảng viên nào có thể đứng trên Đảng, tự cho mình là hơn Đảng.

*

* *

Về chuyên chính dân chủ nhân dân: Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai? Dưới chế độ phong kiến, tư bản, chuyên chính là số ít người chuyên chính với đại đa số nhân dân. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, chuyên chính là đại đa số nhân dân chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ dân chủ của nhân dân.

Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khoá và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khóa, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ.

Kết luận: Cần hữu công, hý vô ích, giới chi tai, nghi miễn lực, nghĩa là:

Lười thì không tiến bộ, siêng thì chắc thành công.

Các bạn cố gắng mãi, như vậy là anh hùng!

(Trích trong sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t. IV, tr. 25-29).

31. Lời phát biểu tại Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I, Kỳ họp thứ sáu

Thưa Chủ tịch đoàn,

Thưa các vị đại biểu,

Nhân dịp Quốc hội ta khai mạc khóa họp lần thứ sáu, tôi trân trọng thay mặt Đảng và Chính phủ nhiệt liệt chào mừng Quốc hội, chào mừng các vị đại biểu.

Tôi cũng nhân dịp này gửi lời chào thân ái đến đồng bào miền Nam. Mặc dầu hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ta ở miền Nam luôn luôn hướng về Quốc hội, về Chính phủ, về Trung ương Đảng, một lòng một dạ cùng đồng bào miền Bắc ra sức đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ.

Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ: Tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín, mặc dầu hoàn cảnh nước ta lúc đó cách mạng mới thành công, nạn ngoại xâm đang đe dọa. Vì vậy, Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam.

Trải qua mấy năm nay, Quốc hội ta đã có những cống hiến to lớn và vẻ vang vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc: Khi đứng trước sự đe dọa của thực dân xâm lược, Quốc hội ta đã cương quyết kêu gọi đồng bào cả nước nổi dậy kháng chiến chống nạn ngoại xâm. Quốc hội đã cùng với Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân ta kháng chiến thắng lợi.

Giữa lúc kháng chiến đang rất gay go, trong khoá họp thứ ba, Quốc hội đã thông qua Luật Cải cách ruộng đất, đưa ruộng đất cho nông dân, thực hiện người cày có ruộng. Nhờ đó, mà ngày nay nhiệm vụ cách mạng phản phong kiến ở miền Bắc chúng ta căn bản đã hoàn thành.

Trong khóa họp thứ bốn, Quốc hội ta đã thông qua chủ trương của Chính phủ ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Quốc hội ta đã nêu rõ con đường đấu tranh chính trị để giữ gìn hoà bình, thống nhất đất nước.

Quốc hội ta trong khóa họp thứ năm, đã thông qua chủ trương của Chính phủ về khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa ở miền Bắc. Chủ trương đó đã thu được nhiều kết quả sau hai năm cố gắng của đồng bào ta.

*

* *

Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội phát triển dân chủ của Nhà nước, dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Ngày nay, trong điều kiện đế quốc đã bị đánh đổ, phong kiến đã bị tiêu diệt, sinh hoạt dân chủ đã được xây dựng từ Cách mạng Tháng Tám thành công phải được phát triển thêm. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường chuyên chính để làm cho chính quyền ta ngày càng thật sự là chính quyền của nhân dân, phục vụ nhân dân, chống lại kẻ thù của nhân dân.

Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết. Ở đây, có đại biểu của tất cả các giai cấp yêu nước, của tất cả các dân tộc anh em, các tôn giáo, các đảng phái, của đồng bào Bắc, Trung, Nam.

Tất cả chúng ta đều phải tăng cường đoàn kết. Đoàn kết để xây dựng miền Bắc vững mạnh, đoàn kết để đấu tranh thống nhất nước nhà. Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí, thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta.

Tôi xin chúc khóa họp thứ sáu của Quốc hội nước Việt Nam

Dân chủ Cộng hòa thành công. Chúc các vị đại biểu mạnh khoẻ.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1030, ngày 30-12-1956).

32. Báo cáo trước Hội nghị đại biểu nhân dân Thủ đô về thành công của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa I

Chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân; chúng ta cần mở rộng dân chủ với nhân dân, đồng thời cần phải tăng cường chuyên chính với kẻ địch của nhân dân. Có tăng cường chuyên chính với kẻ địch thì mới bảo vệ được tự do và dân chủ của nhân dân ta.

Để phát triển thêm sinh hoạt dân chủ của Nhà nước và chuẩn bị điều kiện để ngày càng tăng cường dân chủ đó, Quốc hội đã có nghị quyết về việc kiện toàn tổ chức Quốc hội, nói rõ quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội; quyết định việc tuyển cử bổ sung ở những nơi khuyết đại biểu ở miền Bắc; và quyết định thành lập một ban để nghiên cứu việc sửa đổi Hiến pháp, phản ánh được những thắng lợi của cách mạng và kháng chiến, và thích hợp với sự phát triển của chế độ ta ngày nay. Tôi xin báo cáo đồng bào biết rằng tôi được cử làm Trưởng ban sửa đổi Hiến pháp. Đó không phải là vinh dự riêng của cá nhân tôi, mà là vinh dự chung của cả đồng bào Thủ đô. Tôi yêu cầu toàn thể đồng bào, trước hết là đồng bào Hà Nội, tích cực tham gia công việc sửa đổi Hiến pháp. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ có một bản Hiến pháp mới xứng đáng với nhân dân ta.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t10, tr.501)

33. Diễn văn khai mạc phiên họp đầu tiên của Ban Sửa đổi Hiến pháp

 Quốc hội giao cho chúng ta nhiệm vụ thảo đề án sửa đổi Hiến pháp. Đó là một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang.

Bản Hiến pháp chúng ta sẽ thảo ra phải là một bản Hiến pháp phát huy cái tinh thần tiến bộ của Hiến pháp năm 1946, đồng thời phải phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản đế, phản phong thắng lợi đã mang lại; phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc ta. Nó sẽ là bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.

Nó phải là một bản Hiến pháp đảm bảo được quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở công nông liên minh và do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nó phải thật sự bảo đảm nam nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng, v.v..

Nước ta hiện nay còn tạm thời bị chia cắt, non một nửa nhân dân ta còn phải sống trong cảnh khổ cực lầm than. Bản Hiến pháp của chúng ta sẽ thảo ra chẳng những phải tiêu biểu được các nguyện vọng của nhân dân miền Bắc, mà còn phải là một mục tiêu phấn đấu cho đồng bào miền Nam.

Muốn như thế, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ tình hình của nước ta, nghiên cứu lại bản Hiến pháp 194645, phải tham khảo Hiến pháp của các nước bạn và của một số nước tư bản có tính chất điển hình.

Đó là một công tác đòi hỏi khá nhiều ngày giờ và đòi hỏi một sự cố gắng đặc biệt của toàn ban và của mỗi một ủy viên. Sau khi thảo xong, chúng ta cần phải trưng cầu ý kiến của nhân dân cả nước một cách thật rộng rãi. Có như thế bản Hiến pháp của chúng ta mới thật sự là một bản Hiến pháp của nhân dân, của chế độ dân chủ.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1089, ngày 1-3-1957).

34. Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

MẤY ĐIỂM LỚN TRONG NỘI DUNG DỰ THẢO HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI

Sau đây tôi xin trình bày tóm tắt mấy điểm lớn trong nội dung bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi

1. Tính chất Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Tính chất Nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp.

Nhà nước của ta thành lập sau Cách mạng Tháng Tám đã là Nhà nước dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nay "Lời nói đầu" của dự thảo Hiến pháp sửa đổi lại ghi rõ: "Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo".

Để xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, chúng ta cần phải tăng cường không ngừng sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với Nhà nước dân chủ nhân dân. Liên minh công nông là nền tảng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nông dân ta là một lực lượng sản xuất rất to lớn, đồng thời là một lực lượng cách mạng rất to lớn. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nông dân ta đã hăng hái theo

Đảng đứng lên cùng giai cấp công nhân đánh đổ đế quốc và phong kiến. Hiện nay, nông dân ta hăng hái đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp. Đó là do tinh thần tích cực cách mạng của nông dân ta, do sự giáo dục kiên trì và liên tục của Đảng và của giai cấp công nhân. Cho nên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nhà nước ta ra sức giúp đỡ nông dân, củng cố liên minh công nông.

Giai cấp công nhân đoàn kết với những người thủ công và những người buôn bán nhỏ vì họ là người lao động và họ vui lòng đi vào con đường hợp tác hoá, họ tán thành và ủng hộ cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển văn hoá của nhân dân. Những người trí thức của chúng ta đã góp một phần xứng đáng trong kháng chiến. Họ đã được Đảng luôn luôn giúp đỡ để tiến bộ. Cho nên họ đi theo chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân đoàn kết chặt chẽ với giới trí thức để giúp họ phục vụ cách mạng, phục vụ chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam đã ủng hộ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Từ ngày hòa bình lập lại, họ có đóng góp một phần trong công cuộc khôi phục kinh tế. Hiện nay, chúng ta có điều kiện để cải tạo họ theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trên miền Bắc nước ta, lực lượng kinh tế xã hội chủ nghĩa đã hơn hẳn lực lượng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Chúng ta có chính quyền nhân dân. Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng lao động ngày càng mạnh mẽ. Giai cấp tư sản dân tộc sẵn sàng tiếp thu cải tạo để góp phần vào công cuộc xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

...

3. Tổ chức Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng, Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Chính quyền cách mạng của chúng ta được xây dựng gần 15 năm nay. Hiến pháp năm 1946 đã thành lập "Nghị viện nhân dân" và "Hội đồng nhân dân" các cấp. Quốc hội là Hội đồng nhân dân toàn quốc. Ở địa phương thì có Hội đồng nhân dân địa phương. Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu do nhân dân bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Quốc hội quyết định những công việc quan trọng nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân quyết định những công việc quan trọng nhất ở địa phương.

Trong thời kỳ kháng chiến, Quốc hội ta đã cùng với Chính phủ, đoàn kết và dìu dắt nhân dân ta đưa cuộc chiến tranh yêu nước và chống đế quốc đến thắng lợi vẻ vang. Quốc hội ta đã thông qua Luật Cải cách ruộng đất nhằm hoàn thành cuộc cách mạng chống phong kiến. ở địa phương, Hội đồng nhân dân đã có công động viên nhân dân tích cực tham gia cuộc cách mạng chống đế quốc và chống phong kiến.

Từ ngày hoà bình lập lại, Quốc hội đã thông qua chương trình ba năm khôi phục kinh tế, kế hoạch 3 năm bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa và các chính sách phát triển và cải tạo kinh tế theo chủ nghĩa xã hội, các đạo luật về tự do dân chủ, v.v.; đó là những vấn đề rất quan trọng về quốc kế dân sinh.

Theo điều 4 dự thảo Hiến pháp sửa đổi, tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Chế độ tuyển cử của chúng ta thực hiện dân chủ đồng thời thực hiện sự đoàn kết toàn dân. Mọi người công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử.

Việc tuyển cử tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình.

Điều 6 dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định nhiệm vụ cho tất cả các cơ quan Nhà nước là phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương. Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Chính phủ. Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành pháp luật và nghị quyết của Quốc hội, là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Trong thời gian Quốc hội không họp thì Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định. Hội đồng nhân dân bầu ra Ủy ban Hành chính các cấp. Ủy ban hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân, đồng thời chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Hội đồng Chính phủ.

Những việc quan trọng nhất ở địa phương do Hội đồng nhân dân quyết định.

Chế độ kinh tế và xã hội của chúng ta nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, trên cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản được xoá bỏ dần, đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ngày càng được cải thiện. Do đó, nhân dân ta có đủ điều kiện thật sự tham gia quản lý Nhà nước.

Điều 4 dự thảo Hiến pháp sửa đổi định rõ nguyên tắc tổ chức của Nhà nước ta là dân chủ tập trung. Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ trung ương và các cơ quan khác của Nhà nước đều theo nguyên tắc dân chủ tập trung.

Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời phải tập trung đến cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t12, tr.370-376)

Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: