Chỉ mục bài viết

 14Mấy điều kinh nghiệm

1. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong

Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định. Sau đây là những kinh nghiệm rõ ràng:

Chính phủ muốn giúp đồng bào làng X ở thượng du mở mang văn hóa, đã lập ra trường và phái giáo viên đến mấy lần, nhưng không ai đến học. Các giáo viên đều lắc đầu trở về.

2. Chính sách thì đúng, cách làm thì sai

Chúng ta thường kêu gọi làm làng kiểu mẫu, trại kiểu mẫu, bộ đội kiểu mẫu, nhà máy kiểu mẫu, v.v., khẩu hiệu đó rất đúng. Nhưng đến nay, hoặc chưa làm được, hoặc làm được nửa chừng rồi lại nguội. Vì lẽ gì? Vì chúng ta quên một lẽ rất giản đơn dễ hiểu: Tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả.

Muốn lập làng kiểu mẫu, đội kiểu mẫu, v.v., thì trước phải đào tạo ra những người kiểu mẫu, để làm cán bộ cho làng đó, đội đó.

Làm được một làng, một đội rồi lấy đó làm kiểu mẫu, để khuyến khích và cổ động nơi khác.

Từ trước đến nay, chúng ta làm trái ngược lại. Chúng ta nghĩ ra một làng, một đội kiểu mẫu trong tư tưởng, mà không bắt đầu từ một làng, một đội sẵn có, cho nên kế hoạch không ăn khớp với những hoàn cảnh thiết thực (khách quan).

Đó cũng là vì bệnh chủ quan của chúng ta. Cho nên khẩu hiệu tuy đúng, nhưng thực hành không có kết quả mỹ mãn.

Một lẽ nữa, cũng vì cách lãnh đạo và cách làm không đúng. Khi chúng ta muốn lập một làng hoặc một đội kiểu mẫu, chúng ta đem cán bộ ngoài đến, để xung phong, mà không đào tạo cán bộ ngay ở đó. Khi cán bộ xung phong phải điều động đi nơi khác, thì làng kia hoặc đội kia lại xếp. Như cái bong bóng, thổi hơi vào, thì phùng lên, hơi ra hết, thì xẹp xuống. Vả lại, chúng ta tham lam làm nhiều trong một lúc.

Thí dụ: muốn lập một tỉnh kiểu mẫu thì thường hay dàn lực lượng ra làm cả tỉnh, không biết định cho mỗi huyện chọn một tổng làm kiểu mẫu, mỗi tổng chọn một làng làm kiểu mẫu. Thành thử, "ăn nhiều, nuốt không xuống". Chúng ta không biết tập trung lực lượng, làm xong một nơi, lấy đủ kinh nghiệm, rồi làm nơi khác.

Vì vậy, từ nay bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc.

3. Không biết nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc

Trong các cuộc vận động, như tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, mùa Đông binh sĩ, v.v., chúng ta đã được nhiều thành tích rất khá. Nhưng chúng ta không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn, vì sao mà có thành tích khá? Nơi nào thành tích tốt nhất? Ai là những người làm được thành tích đó? v.v., để mà học kinh nghiệm, để mà đặt ra khuôn phép cho công việc khác. Thành thử những cái tốt, cái hay đều không phát triển được. Và công việc xong rồi là thôi, cán bộ không học được kinh nghiệm gì, mà cũng không tiến bộ được mấy.

Đồng thời, chúng ta không ra sức nghiên cứu những sự khó khăn, những chỗ sai lầm, để giải quyết và sửa chữa cho kịp thời.

4. Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái

Chúng ta thường nêu vấn đề đó. Nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó là vì lẽ gì?

Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực.

Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế.

Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình.

Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra.

Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị "trù" là khác.

Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói "không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng", "trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm", sinh ra thói "thậm thà thậm thụt" và những thói xấu khác.

Kinh nghiệm là: Cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh "thì thầm thì thào" cũng hết.

Một người mà trong óc đã có uất ức, bất mãn, thì lời hay lẽ phải khó lọt vào bộ óc đó. Để cho họ tháo cái uất ức, bất mãn đó ra, thì lời hay lẽ phải dễ lọt vào óc họ. Đó là một lẽ rất giản đơn. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Có như thế thì cũng khác nào như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không cần ai khuyên bảo, cũng tự vội vàng đi rửa mặt.

Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa.

Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều.

Một vấn đề nữa: Chúng ta thường nói đến hai chữ sáng kiến một cách mênh mông, không thiết thực. Như là phải có tài giỏi đặc biệt mới có sáng kiến. Nếu ta thử hỏi: Sng kiến là gì? thì chắc nhiều người trả lời không xuôi. Như thế mà mong cán bộ và đảng viên có sáng kiến thì sao mà có được!

Chúng ta phải nhận rõ: bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến.

Cách dạy học của đồng chí A nói trên cũng là sáng kiến. Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực.

Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người.

Chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái. Như thế, thì những tính lười, tính "gặp chăng hay chớ" ngày càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm.

5. Vì ai mà làm? Đối ai phụ trách?

Nếu chúng ta hỏi cán bộ: "Việc đó, làm cho ai? Đối với ai phụ trách?", chắc số đông cán bộ sẽ trả lời: "Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên".

Câu trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: "Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?" thì e nhiều cán bộ không trả lời được.

Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Đó là một lẽ rất giản đơn, rõ ràng. Nhưng nhiều cán bộ chưa hiểu, cho nên trong lúc làm việc, thường sai lầm; đến nỗi chia cán bộ Chính phủ và Đảng ra làm một phía, quần chúng ra một phía.

Chính phủ và Đảng chẳng những làm những việc trực tiếp lợi cho dân, mà cũng có khi làm những việc mới xem qua như là hại đến dân. Thí dụ: quyên tiền, thu thuế, công tác phá hoại, v.v.. Vì cán bộ và đảng viên không hiểu rõ hai lẽ: vì ai mà làm, đối ai phụ trách, khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu. Cho nên những việc trực tiếp lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, v.v., cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức. Kết quả dân không hiểu, dân oán. Thì có gì lạ đâu? Một thí dụ rất tầm thường, dễ hiểu: Bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán!

Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm.

Có khi vì cán bộ không hiểu lẽ đó, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt. Đối với những bọn vu vơ, đầu cơ, thì phạt rất đáng. Nhưng với những cán bộ trung thành mà bị phạt, thì Chính phủ và Đảng cũng khổ tâm, mà người bị phạt cũng khổ tâm!

Chẳng những lúc thi hành các mệnh lệnh, cán bộ ta có cái thái độ xa quần chúng như thế, mà đối với cách làm việc, cách tổ chức, cũng có thái độ sai lầm đó.

Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc.

Đằng này cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới. Đó là vì thói không phụ trách "quá hữu", gặp sao hay vậy.

Song lại có thái độ xa quần chúng, thói không phụ trách "quá tả" là không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang. Như tỉnh nọ, bắt đầu kháng chiến, thì bỏ hết Việt Minh các huyện, các xã. Thật là một hành động khờ dại.

6. Sát quần chúng, hợp quần chúng

Cán bộ ta có hai chứng bệnh nữa là:

a) Bệnh khai hội.

Khai hội không có kế hoạch, không sắp sửa kỹ lưỡng, không thiết thực. Khai hội lâu, khai hội nhiều quá.

Cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng, thì khệnh khạng như "ông quan". Lúc khai hội thì trăm ngàn lần như một: "Tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, thảo luận, phê bình, giải tán".

"Ông cán" làm cho một "tua" hai, ba giờ đồng hồ. Nói gì đâu đâu. Còn công việc thiết thực trong khu, trong tỉnh, trong huyện, trong xã đó, thì không động đến. Lúc "ông cán" nói, người ngáp, kẻ ngủ gục, mọi người mong ông thôi đi, để về nhà cho mau. Có ai hiểu gì đâu mà thảo luận!

Vì vậy, mà quần chúng sợ khai hội. Mỗi lần họ đi khai hội, chẳng khác gì "đi phu". Đó cũng vì bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, khai hội lấy lệ, khai hội để mà khai hội, chớ nào phải vì lợi ích của quần chúng mà khai hội!

Về việc đặt khẩu hiệu, đặt chương trình làm việc, chương trình tranh đấu, tuyên truyền, làm báo tường, viết báo, cũng như thế.

Không chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là "đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia", không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả.

Một việc nữa cần nhắc đến là các ban huấn luyện. Huấn luyện là một việc rất cần. Tục ngữ có câu: "Không thầy đố mày làm nên", và câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở".  Những việc rất dễ dàng còn phải học. Huống chi công việc cách mạng, công việc kháng chiến, không có huấn luyện, thì làm sao xuôi? Song những tài liệu huấn luyện phải nhằm vào sự cần dùng, cần thiết của quần chúng. Phải hỏi: Người đến chịu huấn luyện rồi, có áp dụng được ngay không? Có thực hành được ngay không? Nếu không thiết thực như thế, thì huấn luyện mấy năm cũng vô ích.

Tiếc thay, nhiều cán bộ huấn luyện của ta chưa hiểu cái lẽ giản đơn đó. Vì vậy mà có cán bộ đem "kinh tế học" huấn luyện cho chị em phụ nữ thôn quê ở thượng du!

Nói tóm lại, cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v. của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép:

"Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng". Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng.

Nếu không vậy, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào "khoét chân cho vừa giầy". Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy.

b) Bệnh nể nang.

Vì họ hàng quen biết, bầu bạn, thân thích, anh em, cho nên lúc họ có sai lầm cũng cứ nể nang không thiết thực phê bình, thiết thực sửa đổi, sợ mất lòng.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.284-286)

15. Cách làm tập thể lãnh đạo, cá nhân hụ trách

Chính quyền thì có những Hội đồng. Các đoàn thể thì có những Ủy ban. Đó là tập thể lãnh đạo.

Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo?

Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề.

Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó.

Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm. Ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất giản đơn, chân lý của nó rất rõ rệt. Tục ngữ có câu: "Khôn bầy hơn khôn độc" là nghĩa đó. Vì sao cần phải cá nhân phụ trách? Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho 1 người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy. Nếu không có cá nhân phụ trách, thì sẽ sinh ra cái tệ người  này uỷ cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong. Tục ngữ có câu: "Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa" là như thế. Vì lẽ đó, cho nên lãnh đạo cần phải tập thể, mà phụ trách cần phải cá nhân.

Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc.

Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc.

Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau.

Nhưng không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cũng đưa ra bàn - mới là tập thể lãnh đạo. Nếu làm như vậy, là hiểu tập thể lãnh đạo một cách quá máy móc. Kết quả là cứ khai hội mà hết ngày giờ.

Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng, mới cần tập thể quyết định.

Tập thể lãnh đạo là dân chủ.

Cá nhân phụ trách là tập trung.

Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung.

Người nào có chân trong một uỷ ban nào mà làm biếng không đến dự mọi cuộc hội nghị của ban ấy, hoặc không cân nhắc suy nghĩ kỹ lưỡng những vấn đề cần phải bàn bạc và giải quyết hoặc không phát biểu hết ý kiến của mình đối với vấn đề ấy, là trái vớinhiệm vụ của mình, và không xứng đáng là một người lãnh đạo.

Người nào phụ trách thi hành, mà không làm đúng kế hoạch do đa số đã quyết định, là làm trái với nhiệm vụ của mình, và cũng không xứng đáng là một người lãnh đạo.

Vì vậy những người cán bộ phải thực hành cho kỳ đúng cái chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

(Đăng trên Báo Sự thật, số 100, ngày 23-9-1948).

16. Dân vận

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr.232)

17. Phải tẩy sạch bệnh quan liêu

Nhiệm vụ của Chính quyền ta và Đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đày tớ cho dân.

Hồ Chủ tịch luôn luôn nhắc nhủ chúng ta về điểm đó. Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh.

Lại phải hiểu và làm cho dân hiểu: Lợi ích tạm thời và lợi ích riêng, phải phục tòng lợi ích lâu dài và lợi ích chung. Lợi ích địa phương phải phục tòng lợi ích toàn quốc, toàn dân tộc. Muốn làm được như vậy, thì mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải:

- Luôn luôn gần gũi nhân dân.

- Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân.

- Học hỏi nhân dân.

- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bốn điều ấy cần phải đi song song với nhau. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân.

Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân. Nhiều cán bộ ta đã hiểu và đã thực hành như thế.  Nhưng còn nhiều cán bộ chưa hiểu và không thực hành như thế, vì họ mắc phải bệnh quan liêu quá nặng.

Bệnh quan liêu là thế nào?

Nguyên nhân của nó vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình.

Đối với người: Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với nhân dân, quân quan đối với binh sĩ, bộ đội đối với dân chúng - chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động.

Đối với việc: Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.

Đối với mình: Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đường làm một nẻo. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí.

Một vẻ quan liêu nữa là: chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình.

Tham ô, hủ hóa. Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”.

Đó là mấy vẻ chính của bệnh quan liêu.

Nếu không lo chữa, thì bệnh quan liêu sẽ đưa bệnh nhân đến chỗ hoàn toàn bị đào thải.

Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:

- Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.

- Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.

- Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.

- Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.

Mong rằng toàn thể cán bộ ta, ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải.

(Đăng trên Báo Sự thật, số 140, ngày 2-9-1950).

18. Bài nói trong Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất

Muốn chống tham ô lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ, gây tự phê bình và phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người. Tất nhiên không phải nói lu bù nhưng phải để cho người phụ trách thấy, để quần chúng thấy, thì tham ô lãng phí không thể nảy nở được.

Bác cũng có nhận được nhiều thư của các cán bộ gửi đến cho Bác, nói trước thì thắc mắc, không yên tâm nhưng nay đã sửa chữa. Cố nhiên phải tin lời nói của cán bộ, nhưng trong các chú ở đây và các chú ở nhà, cũng còn có những chú chưa yên tâm làm việc. Đó là bệnh cá nhân, là còn tham địa vị, nói chung là không hiểu sâu sắc cách mạng phải có phân công. Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân.

Đó là vinh dự cao nhất. Nếu có thành tích gì thì Chủ tịch và người nấu cơm phải chia nhau cái vinh dự ấy. Tóm lại không có việc sang, hèn. Công việc gì làm tròn, bổ ích cho kháng chiến, cho nhân dân đều là công việc sang, công việc gì bên ngoài có vẻ lòe loẹt mà không làm tròn là công việc xấu.

(Trích sách Hồ Chí Minh: Những bài viết và nói về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987, t.2, tr.143-148).

Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: