Thanh niên xung phong với bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên
Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên - Tiền thân của lực lượng TNXP sau này, được thành lập ngày 15 tháng 7 năm 1950 theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Ngay sau khi ra đời, Đội đã được giao nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Biên Giới. Buổi ban đầu còn bao bỡ ngỡ và khó khăn, nhưng Đội đã vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tiếp sau đó, Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường quan trọng: Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên trong lúc địch đánh phá ngày càng ác liệt. Trong Đội có Liên phân đội 312 được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù (thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), trên tuyến đường từ thị xã Bắc Kạn đi Cao Bằng. Đó là một vị trí mà máy bay địch thường xuyên bắn phá và mùa mưa cũng luôn bị đe dọa bởi nước lũ...
Vào đêm 20 tháng 3 năm 1951, thời tiết vẫn còn rét đậm, tại cánh rừng Nà Cù, Liên phân đội 312 của Đội TNXP công tác Trung ương tổ chức lửa trại, khi có một đoàn khách tới thăm, anh chị em cứ ngỡ là Đoàn khách của đồng chí Trần Đăng Ninh (Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp lúc đó) như đã được báo trước. Mọi người đều vỗ tay và “Hoan hô đồng chí Trần Đăng Ninh”. Nhưng sau đó, tất cả đều sững sờ trước niềm hạnh phúc bất ngờ và lớn lao: Bác Hồ đến thăm đơn vị! Nhiều tiếng reo khe khẽ trong hàng ngũ: “Bác Hồ! Bác Hồ”. Thật là một niềm vui quá lớn mà chỉ trước đó ít phút, chưa ai dám nghĩ tới. Bác vẫn giản dị với bộ quần áo bà ba màu nâu, với chiếc khăn quàng cổ che kín cả chòm râu...
Đến thăm anh chị em TNXP, Bác tươi cười, âu yếm nhìn mọi người rồi giơ tay ra hiệu:
- Các cháu ngồi cả xuống.
Những lời đầu, Bác ân cần hỏi thăm về tình hình đời sống của đơn vị. Bác nói:
- Các cháu ăn uống có đủ no không?
- Các cháu có đủ muối ăn không?
- Quần áo, chăn màn, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh có đủ không?
Liên phân đội TNXP 312 thuộc Đội TNXP công tác Trung ương
tại Nà Cù - Bắc Kạn tháng 5/1951 Ảnh: T.L
Sau mỗi câu hỏi của Bác, mọi người đều đáp lại: “Thưa Bác, có ạ”; “Thưa Bác, đủ ạ!”... Nhưng, Bác chỉ cười hiền hậu; Bác biết rõ là những thứ đó còn thiếu thốn nhiều mà anh em TNXP nói chỉ là để cho Bác yên lòng mà thôi!
Sau đó, Bác lại hỏi:
- Các cháu có biết Đảng Lao động Việt Nam không?
- Thưa Bác có ạ! – Mọi người đồng thanh đáp.
Rồi Bác hỏi tiếp:
- Đảng Lao động Việt Nam và Đảng cộng sản Đông Dương khác nhau ở điểm nào?
Có người được Bác trực tiếp “kiểm tra”, trả lời có vẻ lúng túng.
Còn Bác, bằng những lời ngắn gọn, súc tích, Người đã truyền đạt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II mới họp, về việc đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam.
Bác còn ân cần nhắc nhở mọi người:
- Lần sau cái gì không biết, các cháu phải nói không biết. Không biết mà nói biết là giấu dốt. Liền sau đó Bác đột ngột hỏi tiếp:
- Đào núi có khó không?
Người thì trả lời là khó, người lại nói là không khó... với tâm trạng không yên lòng.
Nghe xong, Bác chưa kết luận ngay mà hỏi thêm:
- Có ai dám đào núi không?
Một đội viên nữ được Bác chỉ định, đã mạnh dạn thưa:
- Thưa Bác có ạ... TNXP chúng cháu hàng ngày vẫn đào núi để đảm bảo giao thông đấy ạ!
Bác cười và bảo:
- Đào núi, nói không khó là không đúng. Khó nhưng con người vẫn dám làm và
làm được. Chỉ cần cái gì?
Và mọi người trong đơn vị như đã bình tĩnh hơn, thi nhau giơ tay xin trả lời Bác:
“Cần quyết tâm cao”, “Cần kiên gan bền chí”, “Cần vượt khó vượt khổ”... Nghe xong, Bác động viên: Các cháu trả lời đều đúng cả. Tóm lại việc gì khó mấy cũng làm được, chỉ cần quyết chí. Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Để ghi nhớ buổi nói chuyện của Bác hôm nay, Bác tặng các cháu mấy câu thơ:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Đọc xong câu thơ, Bác còn bảo mọi người nhắc lại...
Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên được ra đời như thế đó – tự nhiên, đầy hứng khởi và cũng thật đằm thắm vô cùng; giản dị mà sâu sắc vô cùng. Bài thơ tâm niệm ấy của Bác, suốt hơn nửa thế kỷ qua, đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với bao thế hệ thanh niên Việt Nam vượt mọi gian khổ, hy sinh, làm nên những chiến công oanh liệt trong các cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược cũng như trong lao động xây dựng non sông đất nước.
Lực lượng TNXP tự hào được đón nhận lời dạy quý giá ấy của Bác ngay từ những ngày đầu thành lập. Vinh dự ấy thật lớn lao; Kỷ niệm ấy mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của lực lượng TNXP Việt Nam.
Ngọc Thúy
Bác Hồ thăm C270 (Đội TNXP 36) Những kỷ niệm còn mãi với thời gian
Đại đội 270 thuộc Đội TNXP 36 có nhiệm vụ mở đường và sửa chữa đường phục vụ cho các chiến dịch, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hôm đó là ngày 7/4/1954, toàn đại đội làm việc trên đoạn đường từ Đèo Muồng (Thái Nguyên) tới gần Keo Náng (sang đất Tuyên Quang). Ở lại lán của đơn vị nằm sâu trong rừng chỉ còn một số người gồm anh nuôi, một tiểu đội và 03 đồng chí nữa bị ốm.
Trong đó có đại đội phó Lê Hùng Ca.
Giữa lúc một số anh em đang sửa chữa lại lán trại thì một bất ngờ lớn đã tới: Bác Hồ đến thăm! Lúc đầu anh em chưa biết. Mãi sau đại đội phó Lê Hùng Ca mới nhận ra.
Anh cố nén cảm xúc, nhưng rồi khi Bác đi tới gần, anh lại bật ra thành tiếng: Bác Hồ đến thăm, các đồng chí ra chào Bác đi!
Mọi người đều cảm thấy ngỡ ngàng, như không còn tin vào mắt, vào tai mình nữa.
Bởi hạnh phúc đến với họ bất ngờ quá!
Giờ thì Bác đã đứng trước mặt anh em TNXP C270 rồi. Bác giản dị quá... Chưa ai kịp trấn tĩnh, Bác đã hỏi mọi người với giọng trầm ấm, thân mật như ông cháu trong nhà trò chuyện với nhau vậy:
- Các cháu ở đâu về đây? Đơn vị đi đâu cả rồi?
- Dạ thưa Bác, anh em ra mặt đường làm rồi ạ. Chúng cháu từ Thanh Hóa ra đây đã gần nửa năm… - C phó Lê Hùng Ca báo cáo với Bác như vậy.
Bác lại nói:
- Các cháu cho Bác biết anh em ăn uống thế nào, có đủ no không, đã quen nếp sống, nếp sinh hoạt tập thể chưa, có bị ốm đau nhiều không?
- Dạ, no đủ lắm ạ! Sinh hoạt văn nghệ cũng vui lắm ạ. Hiện tại chỉ có… ba người ốm thôi ạ.
Nghe xong, Bác nói luôn:
- À cháu giỏi…
Lê Hùng Ca ngạc nhiên quá và không tin vào tai mình nữa. Bác khen ư?
- Bác nói vui thôi! Cháu giỏi là giỏi nói dối…
C phó Lê Hùng Ca trở nên bối rối, anh cảm thấy ân hận đã để Bác phiền lòng.
Nhưng rồi Bác nhìn mọi người một cách trìu mến và nói, đại ý rằng:
- Các cháu có đồng ý với Bác không nào? Các cháu đang sức ăn sức lớn, lao động cực nhọc, chưa thể gọi là “no đủ lắm” được. Đúng không? Nhân dân ta còn nghèo, rất nghèo, lại đang phải dốc sức người sức của cho tiền tuyến. Bác cháu ta được ăn no, ăn đủ là đã tốt lắm rồi. Chứ nói như cháu: Đã no, đủ lại còn “lắm” nữa thì chưa phải. Ai trong lúc dân ăn chưa no mà đã “no đủ lắm rồi” là có tội với dân. Tội càng nặng, nếu do đục khoét của dân mà no đủ…
Lời Bác nhẹ nhàng mà thấm thía tận tâm can. Ai cũng cảm động. Riêng Lê Hùng Ca, anh cứ ân hận vì đã nói quá lên một chút để Bác không vui… Đang lúc tâm lý anh như vậy thì Bác chỉ tay vào anh và hỏi:
- Cháu tên gì? Có phải là chỉ huy không?
- Dạ, cháu tên Ca và làm Đại đội phó ạ.
- Tốt. Cháu nói dối, nhưng vì động cơ muốn có lợi không phải cho riêng mình thì không có lỗi. Cháu nói với ý muốn để Bác vui lòng phải không? Bác biết cuộc sống của các cháu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn…
Nghe Bác nói, Lê Hùng Ca thấy nhẹ lòng hơn. Vậy là Bác đã hiểu tất cả. Anh không còn thấy buồn phiền vì lỡ nói “dối” Bác.
Ngay sau đó, cậu Tiệp cấp dưỡng lại thưa với Bác cả cái chuyện một nửa con lợn đơn vị ướp muối để dành ăn dần, ban đêm đã bị hổ vào “quắp” đi mất (Ai cũng tiếc).
Nghe được chuyện đó, Bác hiền từ nhìn mọi người rồi nói:
- Cháu này nói thế là tốt. Bác sẽ đề nghị trên Đội, trên Đoàn cố gắng bù cho các cháu số thịt “ông ba mươi” đã lẻn vào ăn trộm tiêu chuẩn của anh em…
Mọi người ai cũng hân hoan vì Bác quan tâm chu đáo quá.
Bác còn căn dặn mọi người:
- Đơn vị các cháu phải bám đường theo tiến độ thi công nên di chuyển luôn. Nhưng vẫn phải cố gắng tranh thủ tăng gia, chăn nuôi, nhất là trồng rau ven các suối. Giảm bớt chặt phá măng rừng. Đi chưa kịp thu hái thì để lại cho dân cũng tốt. Tiện hôm nay Bác rẽ qua đây, các cháu có nhiệm vụ truyền đạt lại ý Bác tới toàn đơn vị. Bác mong các cháu ra sức thi đua sao cho không chỉ tăng năng suất trên mặt đường mà luôn nâng cao đời sống tinh thần, văn nghệ; Các cháu có thay mặt đơn vị hứa với Bác không?
Tất cả anh em có mặt đều đồng thanh hứa với Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu xin hứa ạ!
…Sau lần được Bác đến thăm ấy, C phó Lê Hùng Ca và anh em đã báo cáo và kể lại toàn bộ sự việc cho chỉ huy và anh em toàn đơn vị nghe. Ai cũng cảm động và tự hào được Bác quan tâm thăm nom, chỉ dạy nhiều điều.
Đơn vị C270 đã phát động thi đua làm theo lời dạy của Bác lập thành tích kỷ niệm sinh nhật Bác, ngày 19/5 ngay sau đó. Các A, các B trong toàn đại đội đã làm việc hăng hái, sôi nổi, năng suất lao động liên tục được nâng cao, từ 120, rồi 130, 150 lên đến 170%...
Chỉ mấy ngày sau khi Bác ghé thăm, C270 đã nhận được một thùng mỡ Bác gửi - Đó là món quà thật đặc biệt, cũng để thay cho nửa con heo đã mất mà Bác hứa bù lại từ hôm Bác đến thăm.
Với mỗi đội viên C270, kỷ niệm ngày Bác tới thăm đơn vị sống mãi với thời gian, với mỗi cuộc đời.
Ngọc Anh (Biên soạn)
“Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò và tính chất của TNXP là những người trẻ tuổi đi đầu, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân được thể hiện rõ rệt trong mọi nhiệm vụ được giao. Không phải chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải nói đến những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc đã giúp cho TNXP lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện được khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam”. (Trích phát biểu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại cuộc mít tinh kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP - 1995) |
Cán bộ, đội viên Đại đội TNXP 333 của Đường sắt Nghệ An
đơn vị được Bác Hồ gửi thư khen ngày 27/1/1969 Ảnh: T.L
Bác Hồ gửi thư khen Đại đội 333 - Thanh niên xung phong
Đơn vị TNXP mang tên 333 được thành lập cuối năm 1965. Buổi đầu đơn vị có 137 đội viên; trong đó gần 100 chị em gái tuổi đời từ 18 đến 20.
Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại ác liệt của không quân Mỹ, đơn vị đã từng lặn lội mở đường, san lấp hố bom, bắc cầu trên các tuyến đường ác liệt 15A, 34 và mạng đường xương cá nối đường chiến lược 15A và 49…; ở đâu đơn vị 333 cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cuối năm 1966, đơn vị được chuyển sang công tác tại đội 69 đường sắt trên địa bàn trọng điểm đánh phá của địch là Cầu Cấm (Nghi Lộc - Nghệ An). Đây là cây cầu dài gần trăm mét, bắc qua con sông Cấm, nước hàng ngày lên xuống theo thủy triều: Nếu máy bay Mỹ đánh sập được cầu thì chẳng những đường bộ, đường sắt Bắc Nam bị chặt đứt mà đường vận tải thủy từ biển lên, từ kênh nhà Lê vào cũng bị ách tắc. Do vậy cầu Cấm được ví là “xương sống” và cũng là “túi đựng bom đạn” ở khu vực này.
Đại đội 333 thường được trên giao những đoạn đường khó khăn nhất, không chỉ gian khổ mà cái chết luôn rình rập, kề bên. Nhưng anh chị em trong đơn vị vẫn không sợ, họ còn coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Để phá bom nổ chậm, các anh có sáng kiến đào hầm ở hai phía đoạn đường có bom từ trường rồi kéo thùng phuy hoặc thanh sắt qua lại để kích nổ. Nếu làm quá xa thì dây dài, nặng và vướng mắc nên các anh thường lợi dụng hố bom, hố pháo gần nhất. Bom nổ khói đen trùm lên người; tan khói đã thấy tiếng cười nổi lên.
Theo thống kê của đài quan sát, trong năm 1968 địch đã đánh vào trận địa cầu Cấm 881 trận với 27 ngàn quả bom các loại và trên 5000 quả đạn pháo từ Hạm đội bảy bắn vào. Hố bom, hố pháo chồng lên nhau.
Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, Đại đội 333 vẫn kiên cường bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Một vinh dự lớn của đơn vị là đã được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa và viết thư khen ngợi. Thư Bác viết ngày 27/1/1969, có đoạn ghi rõ: “Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng. Và, giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước…”
Lời Bác viết trong thư đã được anh em trong đơn vị đọc đi đọc lại nhiều lần, đã thấm vào tâm can mọi người và cũng từ đó không ai bảo ai, tất cả đơn vị đều có ý thức mình là đơn vị 333, thực hiện thật tốt nhiệm vụ, sao cho xứng đáng với lời khen của Bác. Đơn vị chẳng những hoàn thành chỉ tiêu công việc mà trong cuộc sống cũng ấm áp, chan hòa tình đồng đội. Chị em còn chép vào sổ tay lời thư của Bác, nhiều người học thuộc lòng.
Lá thư Bác gửi đã trở thành tài sản vô giá, thành sức mạnh không chỉ của đại đội 333 mà còn để thanh niên thực hiện lý tưởng của mình - Lý tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội phồn vinh.
Minh Nguyệt
“Đã là Anh hùng thì phải cố gắng tiến lên nữa... Chưa là Anh hùng thì phải cố gắng phấn đấu trở thành Anh hùng”(1) (Trích bài nói của Bác Hồ tại Đại hội Thi đua các đội TNXP chống Mỹ, cứu nước ngày 12-1-1967)
“Bác rất vui lòng với thanh niên Việt Nam anh hùng.
Việt Nam càng ngày càng anh hùng, càng đánh càng anh hùng.
Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ nhất (1952) chúng ta mới có 7 người được tuyên dương là Anh hùng. Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ hai có 95 Anh hùng. Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ ba có ít Anh hùng hơn. Đại hội thứ tư lần này có 111 Anh hùng. Thế là ngày càng nhiều Anh hùng.
Trong số 111 Anh hùng vừa được tuyên dương ở Đại hội, có 44 Anh hùng là thanh niên. Bác càng vui lòng hơn nữa là trong 44 Anh hùng là thanh niên, có 12 Anh hùng là thanh niên gái. Thế là ngày càng có nhiều Anh hùng và ngày càng có nhiều thanh niên gái trở thành Anh hùng.
Bác Hồ nói chuyện tại Đại hội chiến sĩ thi đua của TNXP chống Mỹ, cứu nước (1967) Ả nh: T.L
Bác nhắc các cháu một điều. Điều này Bác đã nói, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng đã nói; nói hai ba lần rồi, bây giờ Bác nhắc lại: Nhờ đâu mà chúng ta trở thành Anh hùng? Nhờ có Đảng giáo dục, có Đoàn giúp đỡ, có nhân dân bồi dưỡng cho nên chúng ta mới có Anh hùng. Anh hùng ấy không phải là Anh hùng của một cá nhân. Vì dân tộc ta Anh hùng, nước ta Anh hùng, nhân dân ta Anh hùng, Đảng ta Anh hùng, cho nên mới nảy sinh nhiều đơn vị và nhiều người Anh hùng. Vì vậy, những đơn vị và người được tặng danh hiệu Anh hùng trước đây đã có cố gắng, nay lại phải khiêm tốn học tập và cố gắng hơn. Các cháu nào đã là Anh hùng thì phải cố gắng tiến lên nữa, các cháu nào chưa là Anh hùng thì cố gắng phấn đấu để trở thành Anh hùng”.
Biên niên sử về Bác Hồ đối với Thanh niên xung phong
Bác Hồ là người sáng lập tổ chức TNXP, Bác đã hết lòng chăm lo tổ chức, giáo dục TNXP, Người coi tổ chức TNXP là đội quân xung kích của Cách mạng, là một trong ba trường học lớn và tốt của thanh niên.
Suốt cả cuộc đời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng bao giờ Bác cũng giành một phần tình cảm của Bác để chăm sóc thế hệ trẻ với tấm lòng của người cha chăm sóc con, người ông chăm sóc cháu.
Qua biên niên sử về Bác Hồ đối với TNXP, chúng ta thấy rất rõ tư tưởng chiến lược nói trên của Bác.
Ngày 15 tháng 7 năm 1950: Thành lập lực lượng TNXP.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, để phát huy vai trò xung kích cách mạng của thanh niên đối với cuộc kháng chiến, Bác chủ trương thành lập Đội TNXP công tác đầu tiên của Việt Nam. Đội gồm 225 đội viên nam nữ, làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, súng đạn, sửa chữa cầu đường, phục vụ chiến dịch Cao Bắc Lạng.
Bác giao cho Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc lúc bấy giờ trực tiếp tổ chức và lãnh đạo Đội TNXP công tác.
Ngày 15/7/1950 là ngày Ban Thanh Vận Trung ương họp ra quyết định thành lập Đội TNXP công tác đầu tiên. Và ngày 15/7 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của TNXP.
Ngày 20 tháng 3 năm 1951
Khi đi kiểm tra công tác cầu đường ở các tỉnh Việt Bắc, Bác đến thăm phân đội TNXP 312 thuộc liên đội 3 đơn vị TNXP đang làm đường tại khu vực cầu Nà Cù (Bắc Cạn).
Tại đây trong khi nói chuyện với TNXP, Bác ứng khẩu tặng TNXP 4 câu thơ nổi tiếng:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Bốn câu thơ trên đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta.
Ngày 28 tháng 3 năm 1953
Sau ba năm hoạt động, các đội TNXP đã phục vụ nhiều chiến dịch, lập nhiều thành tích xuất sắc, nhưng cũng có nhiều khuyết nhược điểm về tổ chức và chỉ đạo nên chưa thực hiện đúng yêu cầu của Bác. Vì vậy Bác chủ trương chấn chỉnh lại. Bác giao cho đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, lập ra một đội TNXP mới, lúc đầu có 261 đội viên, sau phát triển lên 850 đội viên do đồng chí Vũ Kỳ trực tiếp làm đội trưởng.
Ngày 15 tháng 8 năm 1953
Nhận thấy trên một chiến trường lại có hai đội TNXP cùng tồn tại đều làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch: Một đội do TƯ Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam thành lập và trực tiếp lãnh đạo; Một đội do Bác giao cho đồng chí Vũ Kỳ thành lập trực thuộc Chính phủ, Bác chủ trương thống nhất lại và giao cho đồng chí Nguyễn Văn Trân, đại diện Hội đồng cung cấp mặt trận, triệu tập các đồng chí lãnh đạo của hai đội để bàn và đã nhất trí hợp nhất hai đội, lấy tổ chức TNXP do Bác chỉ đạo thành lập làm “mẫu” đặt tên mới là Đoàn TNXP Trung ương, ký hiệu XP, do đồng chí Vũ Kỳ làm đoàn trưởng.
Ngày 15 tháng 11 năm 1953
Bác viết bài báo nhan đề: “Đội TNXP”, đăng báo Nhân Dân số 147 từ ngày 11- 15/11/1953 với bút danh CB.
Trong bài báo Bác khen ngợi “Cán bộ, đội viên đã có thành tích về phục vụ chiến dịch và công tác cầu đường” và Bác nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Đội TNXP là xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó, việc dễ và phục vụ cho đến kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang của TNXP”.
Ngày 30 tháng 4 năm 1954
Bác lại viết bài báo nhan đề: “Những trường học lớn và tốt” (đăng báo Nhân dân số 180 từ ngày 26-30/4/1954, lấy bút danh CB).
Nội dung có đoạn viết: “Để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, cần một số cán bộ thật nhiều và thật tốt, toàn tâm, toàn lực phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.
Đội TNXP là một trong ba trường học lớn và tốt ấy. Bác viết: “Những trường học ấy vừa huấn luyện, vừa thử thách cán bộ. Nếu ai không chịu nổi thử thách trước sự kiểm tra nghiêm khắc và công bằng của quần chúng thì người ấy chỉ tự trách mình. Nếu ai thắng lợi trong cuộc thử thách thì chắc chắn thành người cán bộ tốt, cần cho kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”.
Ngày 8 tháng 5 năm 1954
Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954 Bác gửi thư khen ngợi bộ đội, chiến sỹ dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm trọn nhiệm vụ một cách vẻ vang.
Bác nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ, TNXP, dân công và nhân dân không được vì thắng lợi mà kiêu, chủ quan khinh địch, Bác nhấn mạnh: “Cuộc chiến tranh còn phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 9 tháng 6 năm 1954
Bác lại viết bài “Đoàn TNXP” đăng báo Nhân Dân số 194 từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 6 năm 1954, bút danh CB.
Trong bài này Bác vừa khen ngợi thành tích vừa phê bình khuyết điểm của TNXP, Bác viết:
Bên bờ suối trong rừng sâu Việt Bắc, Bác Hồ kính yêu đang chăm chú
nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo về công tác TNXP Ảnh: T.L
“Nhờ lựa chọn cẩn thận và giáo dục chu đáo, lại được Đảng săn sóc cho nên Đoàn TNXP tuy mới xây dựng, nhưng đã có thành tích khá”. Bác cũng nhắc nhở một số cán bộ, đội viên còn có khuyết điểm: “Thích làm những việc gì oai, còn cho công việc cầu đường, công việc ở cơ quan là tầm thường quá. Thậm chí khi làm những việc ấy thì sợ xấu”.
Ngày 10 tháng 2 năm 1955
Bác viết bài “Đồng bào, dân công và TNXP” đăng báo Nhân Dân số ra ngày 10/2/1955.
Bài báo có đoạn viết: “Các đội TNXP Bắc Giang và Bắc Ninh trên công trường khôi phục đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan đã thực sự xung phong tăng năng suất gấp 5 và gấp 11 lần.
Thế là đồng bào, dân công và TNXP đã dùng cách thiết thực đẩy mạnh công tác hàng ngày để chống âm mưu đế quốc Mỹ phá hoại Hòa Bình.
Dân ta hăng hái thi đua
Âm mưu của Mỹ chắc thua bẽ bàng”.
Ngày 16 tháng 5 năm 1955
Sau ngày Giải phóng Thủ đô, để tham gia công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục các tuyến đường sắt, Đội TNXP thủ đô đầu tiên được thành lập (21/3/1955) gồm 350 Thanh niên lên đường khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Chưa đầy 2 tháng sau do đội lập được nhiều thành tích, Bác Hồ đã viết bài: “Đội TNXP Thủ đô” đăng báo Nhân Dân số ra ngày 16/5/1955 bút danh: CB.
Bài báo có đoạn viết: “Người ta thường nói: Thanh niên các thành thị, nhất là ở Hà Nội chỉ ham trau chuốt, thích chơi bời, ít hoạt động. Có một ít thanh niên như thế thật. Nhưng khi được tổ chức giáo dục và lãnh đạo thì thanh niên rất hăng hái hoạt động”.
Sau khi điểm lại hoạt động của thanh niên Thủ đô trong cách mạng tháng 8, trong kháng chiến bảo vệ Thủ đô, trước và sau tiếp quản Thủ đô, Bác kết luận:
“Ngày nay đội TNXP thủ đô là một tập thể lao động gương mẫu trên công trường đường sắt Vĩnh Phúc trong đợt thi đua từ 8/4 đến 23/4/1955 họ đã thi đua đạt nhiều thành tích. Họ còn giúp đồng bào địa phương gánh nước tưới ruộng, làm vệ sinh.
Thế là đội TNXP đã đưa lại vinh quang cho Thủ đô”.
(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh về GTVT
Nhà xuất bản GTVT Hà Nội 1990, trang 83-85)
Ngày 1 tháng 5 năm 1963
Bác gửi thư cho đoàn viên, thanh niên ở Công trường đường sắt Thanh Hóa, Nghệ An. Trong thư có đoạn viết:
“Trong kế hoạch 5 năm, Đảng và Chính phủ đã quyết định xây dựng lại đường sắt Thanh Hóa - Nghệ An.
Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động đã thay mặt các cháu mà nhận công trường đó và xin đặt tên là “Công trường đường sắt Thanh niên”.
Các cháu đã xung phong tình nguyện làm việc đó, thế là các cháu đã làm đúng khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Như thế là tốt.
Bác tặng các cháu lá cờ làm giải thưởng luân lưu và chúc các cháu:
- Vui vẻ mạnh khỏe
- Hăng hái thi đua
- Giành nhiều thành tích”
Ngày 1 tháng 5 năm 1964
Bác gửi điện cho công nhân, thanh niên, cán bộ làm đường xe lửa Thanh Hóa, Vinh.
Bác viết:
“Các cháu TNXP Thanh Nghệ đã căn bản làm xong con đường xe lửa Thanh Hóa, Vinh.
Các cháu công nhân và cán bộ đã căn bản bắc xong cầu Hàm Rồng, như thế là tốt.
Nhân dịp ngày 1/5, Bác thân ái gửi lời khen ngợi công nhân, cán bộ và các cháu Thanh niên, chúc các cháu tiếp tục thi đua để giành thành tích to lớn và nhiều hơn nữa”.
Ngày 17 tháng 3 năm 1965
Bác viết bài: “Thanh niên kiểu mẫu” đăng báo Nhân Dân, bút danh CB.
Người viết: “Đồng chí Trịnh Minh Huyền một bần nông ở Hà Tĩnh là một người kiểu mẫu của Đoàn TNXP với thành tích: “Từ 1951 đồng chí ấy đi dân công bao giờ năng suất cũng tăng từ 200-400%. Trong chiến dịch Tây Bắc đêm nào đồng chí cũng gánh 50 cân và có nhiều sáng kiến”. Rồi Bác kết luận:
“Đồng chí Huyền thật xứng đáng với vinh dự là Thanh niên xung phong làm kiểu mẫu cho tất cả Thanh niên chúng ta”.
(Hồ Chí Minh về GTVT - NXB GTVT Hà Nội trang 81 - 82).
Ngày 21 tháng 6 năm 1965
Sau khi Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung để phục vụ công tác đảm bảo GTVT góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 71 ngày 21/6/1965 quyết định thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung và quy định rõ các nguyên tắc tổ chức, nhiệm vụ, chế độ chính sách và trách nhiệm các cấp, các ngành đối với TNXP. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng trong việc đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã đóng góp công lao, thành tích to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Ngày 12 tháng 7 năm 1965
Chưa đầy một tháng sau khi có quyết định thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung, Bác đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Bí thư TƯ Đoàn, Trưởng ban chỉ đạo TNXP chống Mỹ cứu nước Trung ương, báo cáo tình hình thanh niên tham gia lực lượng TNXP. Bác nhắc nhở các cấp các ngành và Đoàn thanh niên phải quan tâm giáo dục chăm lo đời sống để thanh niên thực hiện tốt 3 nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và học tập rèn luyện. Bác đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện chính sách đối với TNXP gái, chú ý đặc điểm riêng, có chế độ, chính sách riêng, phân công công tác hợp lý tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tương lai…
(Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Ngày 26 tháng 9 năm 1966
Bác gửi thư khen TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung. Trong thư Bác viết: “Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên gái và trai đang cố gắng vượt mọi khó khăn, gian khổ lập nhiều thành tích.
Bác mong các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ cứu nước để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”.
Bác hôn các cháu
Bác Hồ
(Theo cuốn Tổ chức và chính sách đối với TNXP chống Mỹ, cứu nước - NXB Thanh niên 1970, trang 12)
Ngày 19 tháng 10 năm 1966
Phát biểu ý kiến tại buổi Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội LHTN Việt Nam, Bác nói:
“Trong phong trào TNXP chống Mỹ cứu nước, nhiều cháu thanh niên gái đã nêu gương dũng cảm trong sản xuất và chiến đấu. Nhiều thanh niên gái Vĩnh Linh vừa sản xuất giỏi vừa chiến đấu giỏi. Tổ cầu đường Trần Thị Lý ở Quảng Bình và tiêu biểu là tiểu đội 9 - Đại đội 814 đã đảm bảo giao thông dưới làn bom đạn”.
(Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Sự thật Hà Nội 1989, tập 10 trang 417)
Ngày 1 tháng 1 năm 1967
Tại Đại hội liên hoan Anh hùng và chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 4 tại Hà Nội ngày 1-1-1967, Bác Hồ hết sức phấn khởi, khen ngợi cán bộ, công nhân và TNXP lập nhiều thành tích trong công tác đảm bảo GTVT quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đặc biệt Bác khen ngợi, tặng hoa và chụp ảnh riêng với nữ anh hùng TNXP Nguyễn Thị Kim Huế.
Ngày 12 tháng 1 năm 1967
Bác Hồ đến dự và nói chuyện với Đại hội thi đua của lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước lần thứ nhất do TƯ Đoàn TN LĐ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Trong bài nói chuyện của Bác có đoạn:
“Bác rất vui lòng vì Thanh niên ta đã lập được nhiều thành tích tốt, xứng đáng là thanh niên anh hùng của một dân tộc anh hùng”.
Bác Hồ gặp mặt 10 cô gái xuất sắc nhất C9 - một tập thể nữ Anh hùng
ngày 7/7/1968 tại Phủ Chủ tịch Ảnh: T.L
Sau khi nêu bật thành tích của TNXP chống Mỹ cứu nước, nêu rõ nguyên nhân đạt thành tích, nêu rõ vai trò lãnh đạo giáo dục của Đảng, của Đoàn thanh niên, Bác căn dặn:
“... Các cháu nào đã là anh hùng thì phải cố gắng tiến lên nữa, các cháu nào chưa là anh hùng thì cố gắng phấn đấu để trở thành anh hùng... ”.
Ngày 27 tháng 1 năm 1969
Bác gửi thư khen Đội TNXP số 333
Trong thư Bác viết:
“Suốt bốn năm nay, Đội TNXP số 333 nhận nhiệm vụ làm đường, sửa cầu ở một nơi địch thường đánh phá ác liệt, có nhiều khó khăn gian khổ.
Đội phần lớn là các cháu gái đã dũng cảm chiến đấu, tích cực lao động, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, bảo đảm cầu đường được thông suốt luôn.
Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu.
Bác cũng khen ngợi tất cả các cháu TNXP đang hăng hái thi đua, công tác ở các nơi khác trên đất nước ta. Bác cũng gửi lời khen ngợi và cảm ơn đồng bào và cán bộ các địa phương đã thương yêu giúp đỡ các cháu.
Bác mong các cháu mạnh khỏe, vui vẻ, lập nhiều thành tích mới”.
Bác hôn các cháu
Bác Hồ
Đây cũng là bức thư và lời căn dặn cuối cùng của Bác Hồ đối với TNXP trước lúc Người đi xa. Bác chu đáo, không chỉ khen Đội TNXP 333 là con cháu quê hương Bác hoạt động tại trọng điểm cầu Cấm Nghệ An, mà Bác còn khen ngợi chung lực lượng TNXP cả nước và gửi lời cảm ơn đồng bào, cán bộ nhân dân cả nước đã thương yêu giúp đỡ TNXP.
Nguyễn Văn Đệ (Sưu tầm)
(1) Đầu đề của BBT
Kim Yến (st)
Còn nữa