Nằm trên trục đường 15A (còn gọi là đường Trường Sơn) thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Ngã ba Đồng Lộc là một trong những trọng điểm máy bay Mỹ tập trung bắn phá vô cùng ác liệt nhằm cắt đứt con đường chi viện của ta cho chiến trường phía Nam.
Ngã ba Đồng Lộc có một vị trí hết sức quan trọng. Phía Nam của ngã ba có một con đường độc đạo mà hai bên đều là đồi núi, mỗi khi địch ném bom xuống, dù ở bên nào thì đất đá cũng lở xuống vùi lấp con đường, làm tắc nghẽn giao thông. Đặc biệt mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải vượt qua ngã ba này đi vào phà Long Đại rồi mới đi tiếp. Chính vì vậy mà ngã ba Đồng Lộc được ví như một cái cổ họng, chỉ khi vượt qua được mới có điều kiện tỏa ra nhiều hướng khác nhau để đi tiếp về phía Nam.
Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc
Như vậy, Ngã ba Đồng Lộc là một vị trí vô cùng quan trọng mà bằng mọi cách ta phải đảm bảo giao thông để các đoàn xe đi qua chuyển hàng ra tiền tuyến, không thể để ách tắc lâu được. Còn với địch, chúng hiểu rõ điều đó nên càng ra sức tập trung lực lượng, bom đạn đánh phá suốt ngày đêm vô cùng ác liệt, quyết ngăn chặn các đoàn xe vận chuyển hàng của ta. Chỉ tính 8 tháng trong năm 1968 (tháng 3 đến tháng 10), địch đã trút xuống địa bàn nhỏ hẹp này tới 48.600 quả bom các loại (bình quân mỗi tháng chúng ném xuống Ngã ba Đồng Lộc 6.075 quả bom). Bom đạn của giặc đã làm cho mặt đất bị biến dạng, hố bom chồng lên hố bom, những tưởng không thể tồn tại một sinh vật sống nào ở trọng điểm này!
Thế nhưng… với lực lượng TNXP và nhiều lực lượng chiến đấu khác, ngã ba Đồng Lộc không thể “mất”. Địch phá, ta lại sửa ta đi - Địch quyết phá, ta quyết bảo vệ… Đó là mệnh lệnh từ trái tim những chàng trai cô gái TNXP đầy nhiệt huyết và lòng dũng cảm.
Các anh, các chị đã ngày đêm bám đường, dứt tiếng bom lại lao ra mặt đường san lấp, đào xúc đất đá, giải phóng xe qua… Tất cả vì tiền tuyến miền Nam.
Đặc biệt thời kỳ 1967 – 1968, địch tập trung đánh phá tuyến vận tải Bắc Nam, trong đó có ngã ba Đồng Lộc vô cùng ác liệt, càng đòi hỏi một quyết tâm cao, ý chí ngoan cường của lực lượng TNXP. Cũng vào giai đoạn này, tiểu đội 4 (TNXP) của C552 đã được điều về tăng cường cho trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. Tiểu đội toàn là nữ - những cô gái mười tám, đôi mươi tràn đầy sức trẻ, nhưng cũng thật dũng cảm, gan dạ, không những không sợ gian khổ hy sinh mà còn vô cùng phấn khởi khi được giao nhiệm vụ mới đầy khó khăn.
Suốt hơn một năm trời đương đầu với thử thách nơi trọng điểm ác liệt, tiểu đội 4 đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo cho những chuyến hàng ra tiền tuyến. Không những vậy, các chị còn tranh thủ sau những giờ lao động, chiến đấu mệt nhọc, học tập văn hóa và giúp đỡ nhân dân trên địa bàn công việc gia đình, tạo mối quan hệ tốt, được bà con thương yêu đùm bọc… Mặc dù công việc vất vả, mối nguy hiểm luôn rình rập, nhưng các chị vẫn luôn tạo cho mình cuộc sống lạc quan, yêu đời, thể hiện đầy đủ tác phong của thanh niên xung phong.
Nhưng rồi, có ai ngờ cái ngày “định mệnh” của 10 cô gái TNXP tiểu đội 4, C552 lại bất ngờ ập đến, cướp đi sinh mạng những người con ưu tú của quê hương. Hôm ấy là ngày 24/7/1968, khoảng 5 giờ chiều, sau bữa cơm chiều ăn vội, cả tiểu đội được lệnh ra ngay trọng điểm ở khu vực địch vừa ném bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường đảm bảo giao thông… Công việc diễn ra ở ngay đoạn đường độc đạo cách Ngã ba Đồng Lộc khoảng 300m về phía Nam. Cùng ra hiện trường còn có tiểu đội 5. Hai tiểu đội đi cách nhau khoảng 500 mét. Đi trước là tiểu đội 4 gồm 10 người.
Khi tiểu đội đang làm việc khẩn trương trong không khí vui vẻ, hăng say thì bỗng có một tốp máy bay phản lực Mỹ bay từ hướng Bắc vào Nam, vượt qua trọng điểm. Chị em trong tiểu đội nhanh chóng tản ra và nằm rạp xuống đường. Chờ hết tiếng máy bay, cả tiểu đội lại bật dậy tiếp tục công việc. Bất ngờ… tốp máy bay phản lực Mỹ quay lại và ném luôn một loạt bom đúng vào đội hình của tiểu đội 4. Tiếng bom nổ chát chúa, khói bom mù mịt trùm lên đội hình 10 cô gái. Thế rồi sau khói bom, nơi ấy chỉ còn lại những hố bom sâu hoắm, không còn thấy một ai. Vậy là cả 10 cô gái TNXP đã anh dũng hy sinh…
Cũng từ đó, Ngã ba Đồng Lộc không chỉ là một trọng điểm ác liệt mà còn là mảnh đất thiêng ghi dấu tội ác dã man của giặc và là một biểu tượng cho ý chí anh hùng của TNXP.
Sau ngày hòa bình, tháng 8-1995 một tượng đài tưởng niệm đã được ngành GTVT xây dựng và khánh thành ngay trên khu đất mười cô gái đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Đặc biệt, mười cô gái đã được Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng và cũng ngay trên mảnh đất Đồng Lộc ấy, một nghĩa trang đã được xây dựng để mười nữ anh hùng liệt sĩ yên nghỉ.
Đồng Lộc hôm nay, cùng với những đổi thay không ngừng về mọi mặt, tại ngã ba lịch sử đã mọc lên một khu tưởng niệm bề thế, thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa của thanh thiếu niên và đồng bào cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đây, được xây dựng trên diện tích rộng 15ha, không chỉ là khu tưởng niệm đơn thuần, còn là một địa danh du lịch thu hút đông đảo khách thập phương.
Ngã ba Đồng Lộc thực sự là một địa danh lịch sử gắn liền với truyền thống hào hùng của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước. Và nhắc tới Ngã ba Đồng Lộc là ta nhớ về sự hy sinh và những chiến công oanh liệt của TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc.
Tiến Cao
Nhà truyền thống TNXP toàn quốc
Nhà trưng bày truyền thống TNXP toàn quốc là nơi mà lịch sử TNXP hiện lên tráng liệt nhất, rõ nét nhất, sống động nhất. Gian chính diện có tượng Bác Hồ, đồng chí Trần Phú và cụm tượng bộ đội, TNXP. Những câu khẩu hiệu đã từng là lý tưởng cháy bỏng của thanh niên được dăng đầy cả 3 gian phòng lớn.
110 hiện vật gốc, 12 ảnh gốc và 145 hiện vật được phục chế cho người xem thấy cuộc sống lao động, chiến đấu của TNXP trên mọi ngả đường với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Địch phá một, ta làm mười”. Một cuộc sống sôi động, đầy chất thép mà cũng đầy lãng mạn. Hiện vật gồm đồ đạc sinh hoạt, dụng cụ chiến đấu của TNXP: Xe bò, xe cút kít, ống nhòm, xắc cốt, bộ đội với nòng pháo cao xạ, công nhân giao thông với máy xúc, máy ủi, những bức ảnh chụp cảnh trong giờ chiến đấu, cảnh đời thường và cảnh ca hát của TNXP…
Nhà truyền thống TNXP toàn quốc ở Ngã ba Đồng Lộc là một công trình lịch sử – văn hóa và là nơi để mọi người được tìm hiểu và “sống lại” những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ hy sinh nhưng cũng vô cùng oanh liệt của lực lượng TNXP trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.
Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc
Tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc, từ dưới đường lên khoảng 50m, qua mấy dãy tam cấp dài là nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc. Nhà bia được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng năm 1998, khắc tên 1950 anh hùng, liệt sĩ TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Mặt chính diện của nhà bia là danh sách các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc gồm họ tên, quê quán, năm sinh. Hai bên là danh sách các liệt sĩ TNXP hy sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Nhà bia tưởng niệm là nơi ghi dấu những trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử, là hiện thân của lực lượng “vai trăm cân, chân ngàn dặm”, không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập tự do của dân tộc trên mọi miền đất nước. Tên tuổi của các anh hùng liệt sỹ TNXP sẽ được lưu danh muôn đời, để lớp lớp con cháu ngưỡng vọng, tôn kính, tự hào.
Chuông niệm hồn thiêng từ Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc
Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh dâng quả hồng chung
AH LĐ. GS Vũ Khiêu viết bài minh
Chuông vang lên
Từ trên đỉnh Trường Sơn
Tại ngã ba Đồng Lộc
Đây mười cô thiếu nữ: Vươn cao nghĩa cả non sông
Giữa ngàn vạn anh hùng: Trải rộng hồn thiêng Tổ quốc
Dạt dào sức trẻ, nắng ban mai chói sáng nụ cười
Phơi phới tuổi xanh, gió đồng nội tung bay mái tóc.
Nước nhà khi ấy
Chiến tranh dội xuống cả hai miền
Ác liệt dồn về riêng một góc
Ngã ba lịch sử, suốt ngày đêm dồn dập đạn bom
Nhi nữ kiên cường, trải năm tháng vững vàng gan óc
Đắp đường mở lối, binh lương không ùn lại đằng sau.
Lội suối bắc cầu, xe pháo vẫn ào lên phía trước
Long trời lở đất, cùng quân thù quyết tử đã bao phen
Vì nước quên thân, cả đồng đội hi sinh trong một lúc.
Cái chết trở thành bất tử
Đau thương thành sức mạnh, cờ bay sấm dậy khắp non sông
Đại nghĩa thắng hung tàn, Mỹ cút ngụy nhào trong phút chốc
Đất trời muôn dặm, chiến thắng vinh quang
Nam Bắc một nhà, khải hoàn ca khúc
Chỉ thương ai: ngã trước bình minh
Chẳng còn được: cùng vui hạnh phúc
Tiếng thông reo bát ngát hồn thiêng
Dòng suối chảy nghẹn ngào lệ khóc.
Ngày hôm nay
Một tượng đài cao vút hướng thanh thiên
Mười ngôi mộ sáng trưng như bạch ngọc
Tiếng chuông rung khí phách Trường Sơn
Tiếng chuông dội tinh thần Đồng Lộc
Ngàn thu thức tỉnh đạo làm người
Muôn dặm bừng soi gương vị nước.
Đồng Lộc, ngày 27 tháng 7 năm 2008
Truông Bồn Địa danh lịch sử, sự tích Anh hùng
Mỗi khi nhắc tới những chiến công oanh liệt và những hy sinh to lớn của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, không thể quên địa danh Truông Bồn. Đó thực sự là một trọng điểm ác liệt, hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của không quân Mỹ trong thời kỳ chúng đánh phá miền Bắc nước ta – Nơi từng được gọi là “túi bom”, là “cửa tử”.
Cách thị trấn Đô Lương 15km, nơi giáp ranh hai huyện Nam Đàn và Đô Lương của tỉnh Nghệ An, có một tuyến đường độc đạo chạy từ Bắc vào Nam. Đoạn đường ấy chạy băng qua một cánh đồng ruộng nước rồi vào Truông – Nơi ấy là Truông Bồn, thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Đoạn đường ở Truông Bồn dài khoảng 5km, hai bên hoặc là sườn đồi cả, hoặc một bên là đồi, một bên là ruộng nước. Giống như một khe sâu, con đường chạy hun hút qua Truông, tạo nên một “cửa ải” rất dễ bị san lấp khi bom ném xuống vạt đồi.
Đài tưởng niệm các liệt sỹ ở Truông Bồn Ảnh: TL
Con đường “độc đạo” Truông Bồn như một miếng mồi kích thích không quân Mỹ tập trung bắn phá ngày đêm nhằm ngăn chặn, cắt đứt tuyến vận tải của ta ngay từ đất Bắc. Có thể nói, Truông Bồn là một trong những trọng điểm hứng chịu nhiều bom đạn nhất ở khu IV cũ trong thời kỳ giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta. Vì thế, những chiến sĩ TNXP ở Truông Bồn cũng là những người phải chịu đựng vô vàn vất vả, hy sinh. Cuộc chiến đấu ở đây luôn đòi hỏi ở con người lòng dũng cảm, sự gan dạ, trí thông minh, sẵn sàng hy sinh vì một con đường thông xe thông tuyến, đảm bảo cho xe chở hàng ra tiền tuyến không ngày nào ngưng nghỉ.
Tham gia đảm bảo mạch máu giao thông ở đây có nhiều đơn vị khác nhau, trong đó tiểu đội 2 thuộc C317 của Đội TNXP 300 được tăng cường tới trọng điểm Truông Bồn giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở vào giai đoạn vô cùng ác liệt. Chúng đánh phá cả ngày lẫn đêm, ngày mưa cũng như ngày nắng. Mặt đất bị bom đạn cày đi xới lại, mưa xuống là nhão nhoét, bùn lầy ngập sâu mấy chục phân, có chỗ sâu cả mét, điều kiện vô cùng khó khăn. Vì vậy, công việc của các chiến sĩ ở đây cũng vất vả vô cùng. Ngày san lấp hố bom, san đường, xẻ đất…; đêm lại hướng dẫn cho những đoàn xe chở hàng ra trận, có đêm anh chị em phải thức trắng vì đảm bảo cho mấy trăm xe vượt qua trọng điểm; nhiều người phải làm “cọc tiêu” hướng dẫn xe đi (vì không được dùng đèn)… Chưa kể nhiều hôm xe bị bom Mỹ bắn cháy, các chiến sĩ phải xả thân cứu người, cứu hàng, cứu xe, giải phóng đường… Có lẽ ở Truông Bồn không có chỗ cho những ai nản chí và thiếu bản lĩnh! Phẩm chất anh hùng đã được thể hiện từ ngay những công việc gian nan, vất vả, nguy hiểm hàng ngày.
Tiểu đội 2 được mệnh danh là “Tiểu đội thép”, gồm 15 đội viên (13 nữ, 2 nam). Cũng như các chiến sĩ của đơn vị bạn, anh chị em TNXP ở tiểu đội 2, bất chấp gian nan, vất vả, luôn hăng hái lao động, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không ai nản lòng, không ai nhụt chí. Anh chị em kiên cường bám trụ, bám đường, “Thà hy sinh chứ không thể để đường bị tắc, xe bị ùn” – Suy nghĩ ấy như một mệnh lệnh của trái tim mỗi người. Tiểu đội 2, vì thế đã lập được nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều người đã được kết nạp vào Đảng ngay tại hiện trường. Tiểu đội còn vinh dự được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa và được Trung ương Đoàn tặng cờ Nguyễn Văn Trỗi, cờ thi đua khá nhất toàn đơn vị. Tiểu đội 2 xứng danh được các đơn vị bạn và cấp trên gọi là “tiểu đội thép”.
Ở Truông Bồn, không ai quên cái ngày mà nỗi đau mất mát quá lớn, mãi hằn sâu trong ký ức - ngày 31-10-1968. Hôm đó, từ 4 giờ sáng, anh chị em tiểu đội 2 đã khẩn trương mang cuốc xẻng ra hiện trường để san lấp các hố bom địch vừa ném trong đêm, ngay ở phía Bắc Truông.
Các chiến sĩ làm việc hăng hái, không ngại khó khăn vất vả, quyết thông đường trước lúc trời sáng rõ. 6 giờ, trời đầu đông ở đây vẫn chưa sáng hẳn. Công việc cũng đã cơ bản hoàn thành, chỉ thêm một chút nữa là xong. Nhưng đúng lúc ấy, khoảng 6 giờ 10 phút, một tốp máy bay phản lực Mỹ ào tới, cả tiểu đội vừa kịp chạy tới cửa hầm trú ẩn thì một loạt bom Mỹ rơi đúng đội hình tiểu đội. Truông Bồn lúc ấy mịt mù khói bom.
Và, sau trận bom tàn ác ấy, 13 anh chị em TNXP của tiểu đội 2 đã hy sinh anh dũng (chỉ còn 3 người sống sót, trong đó có tiểu đội trưởng Trần Thị Thông – Chị bị bom vùi lấp, may còn nòng súng lộ ra nên mọi người lao đến kịp thời đào bới và đưa chị đi cấp cứu).
11 chiến sĩ nữ và 2 chiến sĩ nam đã hy sinh ở Truông Bồn. Tên tuổi và hương hồn của họ đã hòa vào mảnh đất Truông Bồn lịch sử, làm nên những huyền thoại bất tử của TNXP anh hùng.
26 năm sau, vào đúng ngày 31-10-1994, công trình tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Truông Bồn đã được xây dựng và khánh thành, Truông Bồn được công nhận là địa danh lịch sử. Sự ghi nhận đó nói lên tấm lòng của các thế hệ sau chiến tranh luôn ghi nhớ và biết ơn sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ, trong đó có các chiến sĩ TNXP ở Truông Bồn.
Đặc biệt, mới đây nhân kỷ niệm 40 năm sự tích Truông Bồn, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đội 2, Đại đội 317 TNXP đã chiến đấu và hy sinh anh dũng ở Truông Bồn. Tập thể 14 chiến sĩ TNXP được phong tặng danh hiệu Anh hùng đợt này có 13 liệt sĩ; người duy nhất may mắn sống sót là chị Trần Thị Thông, Tiểu Đội trưởng Tiểu đội 2. Tất cả 14 người đều nhập ngũ ngày 18-5- 1965. Đó là sự ghi nhận công lao và thành tích xuất sắc của lực lượng TNXP, đặc biệt là của tiểu đội 2 đã chiến đấu ở địa danh lịch sử đầy khốc liệt này trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Đức Anh
Về 13 liệt sĩ Thanh niên xung phong ở Núi Nhồi
Núi Nhồi thuộc vùng giáp ranh 2 xã Đông Hưng - Đông Văn - huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Những ngày đầu tháng 11/1967, máy bay Mỹ quần đảo, lồng lộn đánh phá điên cuồng, trút không biết bao nhiêu là bom đạn xuống vùng đất này, làm cho ruộng đồng bị cày xới nham nhở, hố bom sâu hoắm, chằng chịt. Vì ở đây có đoạn đường xe lửa đi qua, là chỉ huy sở của Trạm đầu máy xe lửa và trong các hang hẻm của 2 dãy núi Nhồi, núi Nấp là chỗ cất đầu máy, toa xe, ô tô, máy móc và nhiều loại vật tư hàng hóa của ngành giao thông và đường sắt. Nhiệm vụ của TNXP ở đây là bảo vệ, sửa chữa, san lấp hố bom, đắp đường, đảm bảo cho các đoàn tàu luôn thông tuyến để đưa hàng ra trận. Đơn vị TNXP trú quân tại làng Miếu Thôn này hầu hết là nữ, chỉ có một vài nam thanh niên. Các cô đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Lúc nào không lao động, công tác ngoài công trường thì ở nhà học tập văn hóa, sinh hoạt văn nghệ, nói cười nhí nhảnh làm cho xóm làng rộn rã, vui tươi, xua tan bớt không khí căng thẳng bộn bề của cuộc sống thời chiến.
Trong công việc họ không nề hà, bất chấp gian khổ hy sinh, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”.
Thế rồi vào cái đêm 5/11/1967 quái ác ấy, một đoạn đường sắt bị bom Mỹ phá hủy. Lệnh của cấp trên là phải tập trung lực lượng để sửa chữa, đảm bảo thông đường nhanh nhất. Tất cả được huy động ra công trường, vào lúc 7 giờ 30 phút tối đang làm nhiệm vụ san lấp, chuyển đá, kê lót tà vẹt để nối ray thì máy bay Mỹ kéo đến bắn phá. Vì có cảnh giới báo động từ xa nên mọi người kịp phòng tránh an toàn. Sau lệnh báo yên ai nấy lại tiếp tục ra làm, gần 8 giờ 30 phút bọn giặc trời trở lại. Tất cả lại sơ tán và theo kinh nghiệm đều chạy xuống các hố bom cũ để tránh. Nhưng rủi ro thay, trận đánh của chúng ác liệt quá, nhiều bom đạn quá, bom đã rơi trúng nơi trú ẩn của một số chiến sỹ.
Mặc cho máy bay vẫn gầm rú, bắn phá từng đợt tiếp theo nhưng ai nấy đều dồn nén đau thương, căm thù để thi hành nhiệm vụ. 22 người bị thương được sơ cứu và chuyển ngay đi bệnh viện tỉnh, 13 cô gái đã hy sinh. Đồng bào địa phương đã nhanh chóng đem vải, quần áo, hòm ván để lau chùi, khâm liệm và chôn cất các cô trong niềm tiếc thương vô hạn.
Sự hy sinh dũng cảm của các cô gái TNXP ở Núi Nhồi đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của TNXP Việt Nam và góp phần vào những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cũng chính vì có những người con anh hùng này mà địa danh núi Nấp, núi Nhồi, nơi 13 cô gái TNXP vì dân tộc hy sinh, đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cấp bằng di tích lịch sử văn hóa.
Minh Nguyệt
Hang đá thiêng trên Đường 20 - Quyết Thắng
Để thông xe thông đường, tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam, cùng với các lực lượng khác, lực lượng TNXP trên các tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh, đã liên tục bám sát địa bàn, bất chấp bom đạn khốc liệt của máy bay Mỹ, lập nên những kỳ tích. Câu chuyện về “Hang Tám cô” trên Đường 20 - Quyết Thắng là một trong những khúc ca bi tráng của huyền thoại TNXP Việt Nam. Sự hy sinh của 8 TNXP nơi đây không chỉ là nỗi đau khôn cùng mà còn làm nên khí tiết oanh liệt;
Đúng như Nhà văn hoá Vũ Khiêu đã viết:
“Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng
Toả sáng mười phương gương dũng kiệt”
Trên các nẻo đường ra trận giữa đại ngàn Trường Sơn những năm đánh Mỹ, Đường 20 - Quyết Thắng có một vị trí đặc biệt quan trọng và cũng là tuyến đường máy bay Mỹ tập trung đánh phá hết sức khốc liệt. Con đường ấy chính là do những TNXP, bộ đội Trường Sơn ở lứa tuổi 20 tạo dựng nên bất chấp bao gian nan và sự ác liệt của bom đạn.
Vì thế mà tên con đường được đặt là “Con đường của tuổi 20”. Và, đường ấy còn có tên Đường Quyết Thắng để biểu thị quyết tâm chiến thắng của bộ đội và TNXP ở đây. Do đó mà sau này con đường có một cái tên ghép thật hay: Đường 20 - Quyết Thắng.
Đường 20 - Quyết Thắng vốn là con đường vượt qua Trường Sơn, nối với đường số 9 tại Lùm Bùm (Lào), vốn đã là trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ, nhưng đặc biệt khốc liệt là vào năm 1972.
Tháng 6 năm 1971, 8 thanh niên của huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa đã gia nhập lực lượng TNXP và cùng với nhiều TNXP khác, họ được điều vào Quảng Bình theo biên chế của Đội 163 thuộc Ban 67 - Đường 20 Quyết Thắng chính là địa bàn hoạt động của họ.
Suốt năm 1972, nhất là trong mùa mưa, địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt, mang tính huỷ diệt nhiều nơi trên tuyến đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam.
Đường 20 - Quyết Thắng trở thành một cửa khẩu huyết tử, một trọng điểm không lúc nào ngớt tiếng bom với đủ loại vũ khí tối tân nhất của địch. TNXP và bộ đội ở đây phải chịu đựng và vượt qua rất nhiều hy sinh để đảm bảo con đường được thông suốt. Tinh thần dũng cảm cùng những nỗ lực tuyệt vời, đức hy sinh vô bờ bến của lực lượng TNXP dọc cung đường đã tạo nên kỳ tích, làm nên bao huyền thoại của sự hy sinh và chiến thắng.
Trong vô vàn sự ác liệt của chiến tranh, sự hy sinh của những con người ấy - sự hy sinh của 8 TNXP ngày 14 - 11 - 1972 trong hang núi đã để lại những nỗi niềm xúc động đẫm nước mắt cho người đời.
Hôm ấy, buổi chiều, tại km16 của đường 20, máy bay B52 Mỹ rải bom liên hồi, cả không gian như bị nổ tung, vỡ vụn. Con đường bị cày nát, núi rừng chao đảo, khói lửa mịt mù… 8 TNXP tránh bom trong một hang núi, chờ hết từng loạt bom là ra san lấp mặt đường như bao lần khác. Nhưng, trận bom tàn ác quá - Một hòn đá tảng nặng hàng tấn đã rơi từ đỉnh núi xuống bịt kín cửa hang, chôn sống 8 TNXP trong đó.
Suốt hàng chục ngày đồng đội tìm cách cứu, nhưng không có cách nào phá vỡ được khối đá khổng lồ ấy. Tiếng kêu cứu của anh em trong hang cứ lịm dần, thưa dần để rồi tới ngày 23 - 11 - 1972 (ngày thứ 9) thì người ta không còn nghe thấy gì nữa - Có lẽ đó là lúc họ đã hy sinh tất cả!
8 TNXP nằm trong đó đúng 25 năm - Mãi tới tháng 3 - 1996, một Trung đội Công binh phải dùng 80kg thuốc nổ phá đá và đào bới gần 60 ngày đêm mới tìm được tám bộ hài cốt trong hang! Các anh, chị em nằm đó, trải bao năm tháng chiến tranh, rồi những năm tháng đất nước hoà bình, không một lời ca thán, không một chút riêng tư… xúc động đến tận đáy lòng của bao thế hệ người đang sống.
Những người trực tiếp phá cửa hang tìm hài cốt đã không ai cầm được nước mắt khi phát hiện trong hang có hai cụm xương - Một cụm gần cửa hang (được xác định là hài cốt của anh Hoàng Văn Vụ) có xương cánh tay ở tư thế vươn tới cửa hang… Cụm thứ hai ở phía trong có 7 bộ xương của 7 TNXP còn lại - Qua tư thế phát hiện được, người ta cho rằng cả 7 con người đã cùng ôm lấy nhau trước khi đón nhận cái chết. Cũng vì vậy mà huyền tích “Hang tám TNXP” ra đời. Và, người đời có khi còn gọi là “Hang Tám cô” bởi tính linh thiêng của sự tích, của địa danh nơi các anh chị đã hy sinh (Chứ thực ra là có 4 nữ và 4 nam).
Từ mấy chục năm nay, dù là bộ đội, TNXP hay nhân dân, đơn vị nào, cá nhân nào khi có dịp đi qua đây, đều không quên thắp nén hương thơm tưởng niệm 8 TNXP và các liệt sĩ khác nữa đã hy sinh tại nơi này, mặc dù hài cốt của họ đã được đưa về mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ Thọ Lộc (Bố Trạch - Quảng Bình).
Hang đá nơi 8 TNXP hy sinh đã được tôn tạo thành một di tích lịch sử - Một đền thờ nghiêm trang cũng được lập lên tại đó, không lúc nào hết khói hương. Sự hy sinh bi tráng của họ đã góp phần làm nên “huyền thoại” của TNXP anh hùng.
Nhật Minh
Thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C huyền thoại
Năm 1966, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện theo đường Hồ Chí Minh trên bộ - lúc này đã đến miền Đông Nam Bộ - thông suốt đến tận mũi Cà Mau, tuyến đường 1C ra đời. Địch tập trung mọi hỏa lực, mọi lực lượng đánh phá vô cùng ác liệt tuyến đường này. Nhưng chúng không thể cắt đứt sự chi viện của ta cho căn cứ địa U Minh và cả vùng miền Tây Nam Bộ. Chiến công đó có đóng góp to lớn của lực lượng TNXP anh dũng, ngoan cường làm nên bao “huyền thoại”.
Hưởng ứng phong trào “5 xung phong” do Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam phát động, ngày 26-3-1967, Đội Thanh niên xung phong Hòn Đất làm lễ xuất quân, đánh dấu sự ra đời của Liên đội thanh niên xung phong Giải phóng thuộc 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Sau Hòn Đất, các Đội Nguyễn Viết Khái II , Đội Mai Thanh Thế, Nguyễn Viết Khái III , Tây Đô cũng được thành lập và cấp tốc lên đường làm nhiệm vụ vận chuyển hàng chiến lược trên tuyến đường 1C, con đường dài hàng trăm cây số, không dân cư, toàn đồng hoang, rừng vắng, bị chia cắt nhiều tuyến do đồn bốt của địch.
Chúng đổ quân đánh phá hành lang vận chuyển trên tuyến đường này, có tháng chúng đổ quân đánh suốt 30 ngày, có ngày máy bay địch bắn phá tới 15-17 lần. Các tuyến đường bộ, đường sông không có ngày nào không có tàu hoặc bộ binh địch càn quét.
Vậy mà, những cô gái, chàng trai TNXP ở đây đã dũng cảm chiến đấu, lao động, bất chấp gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đội viên thanh niên xung phong hầu hết tuổi đời từ 15-20, trong đó 3/4 là nữ, từ các tỉnh đồng bằng tới, chưa quen cuộc sống khắc nghiệt của núi rừng, mùa mưa ẩm ướt, muỗi, đỉa, vắt... Có đợt các đơn vị đóng quân xung quanh núi Cô Tô, 100% quân số bị sốt rét, không có thuốc điều trị, nhiều đội viên hy sinh...
Mùa mưa, nơi đóng quân nước ngập ngang lưng, không một gò khô, suốt ngày phải ngâm mình dưới nước. Mùa khô, địch tổ chức đốt rừng, làm lộ tuyến đường vận chuyển và nơi đóng quân của đơn vị, rồi chúng bắn phá, ném bom ác liệt.
Địch phong tỏa gắt gao, nhiều đợt hết gạo, đội viên phải ăn cháo, ăn rau bông súng, môn nước, củ nèo thay cơm. Có đợt các đơn vị đóng quân ở Cô Tô 27 ngày liền không có gạo.
Gian khổ, ác liệt như vậy nhưng tuyến đường vận chuyển do đơn vị phụ trách không một ngày ngừng hoạt động.
Cùng với nhiệm vụ vận chuyển hàng, toàn Liên đội đã phối hợp chiến đấu anh dũng, diệt hàng ngàn tên địch, bắn rơi hàng chục máy bay. Riêng Liên đội trực tiếp chiến đấu 45 trận, loại khỏi vòng chiến đấu trên 200 tên địch, bắn rơi 4 máy bay, bắn bị thương 3 chiếc khác.
Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ và vô cùng khốc liệt trên tuyến đường 1C huyền thoại đã xuất hiện biết bao tấm gương sáng chói chủ nghĩa anh hùng và lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nữ đội viên Hồng Láng bị địch bắt đã hy sinh anh dũng để bảo vệ khí tiết, an toàn cho đơn vị.
Trần Thị Kim Thoa, 15 tuổi, ở đội Mai Thanh Thế, trong lúc đơn vị đi làm nhiệm vụ, một mình ở nhà, trực thăng địch đổ quân đánh chiếm doanh trại, đã dũng cảm, mưu trí đánh địch, đẩy lùi cả đại đội địch do 6 trực thăng đổ quân xuống.
Lê Văn Dè một mình chiến đấu với một tiểu đoàn địch trên bờ xáng trống trải, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, diệt 17 tên, trong đó có 2 lính Mỹ.
Tư Hùng, chỉ huy một tiểu đội thanh niên xung phong chiến đấu suốt 4 tiếng đồng hồ với 10 máy bay địch bằng súng bộ binh, bắn rơi một chiếc, bắn bị thương một chiếc khác. Một trung đội của Đội Nguyễn Viết Khái III liên tục 14 ngày đêm truy lùng, đánh nhau với một trung đoàn địch, đẩy chúng ra khỏi hành lang, đảm bảo an toàn cho tuyến đường vận tải.
Một tiểu đội của Đội Nguyễn Viết Khái III suốt 4 tháng nằm rừng, bám địch bảo vệ an toàn cho đoàn vận chuyển hàng về căn cứ...
Chị Tuyết Thu - Một người phụ nữ chân chất, hiền hậu, vậy mà trong những năm tháng ác liệt ấy trên tuyến đường 1C, chị đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Chị kể rằng: Năm 1970, đội TNXP Hòn Đất được phân công trở về Ba Hòn để tiếp nhận hàng từ Mo So (Campuchia) về. Vác nặng, sức yếu lại phải bước lên dốc cao ngày này qua ngày khác, hai đầu gối không co lại được. Vậy mà chị và nhiều chị em khác vẫn hăng hái mang vác suốt ngày đêm, hết vũ khí đến gạo...
Chị còn kể: “Ngày 5-1-1971, địch đổ quân đánh vô Ba Hòn. Mặc địch đánh, tụi tôi vẫn cứ đi. Nắm quy luật cứ bắn xong một loạt pháo là chúng ngưng 5 phút, chúng tôi tranh thủ lúc đó đi hoặc đưa hàng vô hang. Khi tới Mo So thì trời đã sắp sáng, chúng tôi không dám đi thẳng mà phải sắp hàng một, chỉ cần rục rịch một chút là trên núi địch bắn xả xuống ngay. Lúc ấy, ngày nào chúng tôi cũng nghĩ có thể là hôm nay mình chết hoặc bị thương. Cứ thế, ngày tiếp ngày, chúng tôi không còn thấy sợ nữa”.
Có lần, giặc bố trí quân cùng khắp, trong khi các chiến sĩ sư đoàn 21 bị bao vây mà ta không còn đạn để chiến đấu. Chị Tuyết Thu và anh Sáu Chà chờ đêm tối, bò ra khỏi hang Hòn ở phía mé biển, khéo léo kéo chiếc vỏ lãi được giấu sẵn từ trước, đưa xuống biển làm phương tiện vận chuyển công khai. Chất xong vũ khí đã được gói kỹ, chị cho chất đầy dưa hấu lên trên ghe, trên cắm cờ ba sọc. Vậy là 2 chiếc ghe chở đầy vũ khí ung dung lướt qua những tàu tuần tra của địch về Hòn Đất. Bằng sự mạo hiểm và sáng tạo ấy, chị Tuyết Thu và đồng đội đã đưa được về Hòn Đất 3.500 kg vũ khí an toàn. Chị Tuyết Thu nói: “Mỗi chuyến đi năm ấy, tôi sẵn sàng đối mặt với cái chết. Tôi để sẵn khẩu AK dưới lớp lưới, phòng đụng giặc là quyết tử!. TNXP ở đường 1C là vậy đó - đụng giặc là sẵn sàng quyết tử với chúng để bảo vệ khí tiết, bảo vệ đồng đội”. Không chỉ là kiện tướng mang vác, vận chuyển hàng và nữ cứu thương tận tụy, chị Tuyết Thu còn làm nên chiến công lẫy lừng bắn cháy xe tăng. Ngày 7-4-1971, xe tăng địch càn vào Hòn. Đại đội TNXP Hòn Đất toàn nữ, vừa lo chiến đấu, vừa bảo vệ thương binh, cùng Đoàn 60 rút vào hang phòng thủ. Địch tràn vào miệng hang, đang điều khiển khẩu DKZ bắn địch, anh Đúng trúng đạn hy sinh. Lập tức, chị Tuyết Thu lao lên, thay thế vị trí của anh. Chỉ một quả DK75, chị đã phá hủy chiếc xe tăng đi đầu, đẩy lùi trận càn của địch.
Chiến đấu bảo vệ đơn vị và kho hàng còn có những cô gái ngỡ như rất bé nhỏ, nhút nhát; Như chị Thu Nguyệt - đội TNXP Mai Thanh Thế. Khi mới đến chiến trường, nhìn dáng vẻ yểu điệu, đài các của Nguyệt, nhiều người thầm nghĩ chị không trụ nổi ở đây lâu. Có lần phát hiện đỉa cắn vào bắp chân, Nguyệt la hoảng, vội cởi quần quăng đi. Khi cơn sợ đã qua, chị đỏ bừng mặt xấu hổ. Đồng đội thấy chiếc quần của chị vắt vẻo trên cành cây không nhịn được trận cười. May mà lúc đó đơn vị toàn là nữ.
Người con gái nhút nhát ấy không ai ngờ đã cùng chị Ngọc Đẹp dũng cảm dập pháo màu, cứu sống đồng đội. Hôm ấy, các chị vừa xây xong hầm nổi, chưa kịp ngụy trang, đã bị máy bay địch phát hiện, quăng trái pháo màu vào ngay miệng hầm. Nhiều TNXP được ém phía trong, còn Thu Nguyệt và Ngọc Đẹp ở bên ngoài. Kinh nghiệm chiến trường khiến các chị biết đó là ám hiệu máy bay địch đến ném bom, bắn pháo hoặc đổ quân. Sợ lộ mục tiêu, trong tích tắc hai chị nhào ra ôm trái pháo màu rồi cởi áo ém lại, hốt bùn, phân tràm, dùng toàn bộ sức lực ấn sâu xuống sình non. Trái pháo màu hiện đại của địch bị dìm ngộp, không nổ được. Sự dũng cảm của hai chị đã cắt bỏ trận ném bom tọa độ sống của địch, bảo toàn cho đơn vị. Nhưng ảnh hưởng pháo màu khiến hai chị bị tức ngực, mắt bị sưng vù. Các chị không thấy đường, sờ soạng như người mù, ôm mắt vì đau nhức. Nặng nhất là Ngọc Đẹp. Đồng đội đưa chị vào trạm xá điều trị cả tuần lễ. Sau thời gian điều trị, mọi người vui mừng khi thấy mắt các chị hồi phục. Lần đó, Ngọc Đẹp được bình chọn là chiến sĩ thi đua.
Trên tuyến đường 1C còn có những người con gái chân yếu tay mềm bắn hạ được máy bay Mỹ; hay dùng súng cối bắn cháy xe tăng địch như chị Hồ Thanh Hồng, sử dụng được cối 82 và 61 ly. Trong trận bảo vệ kho hàng 500 tấn ở núi Bang Hang chị Thanh Hồng cùng các chị Hai Xuyến, Ba Huệ điều khiển cối 82 ly bắn vào đoàn xe M113 đang càn vào. Từ trên điểm cao, chị Hồng dùng cối 61 ly, lấy khăn rằn lót đế pháo đặt trên đùi bắn thẳng. Khi nòng pháo quá nóng, chị Hồng cởi áo quấn, tiếp tục rót đạn. Chị đã cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt đẩy lùi 5 đợt phản kích dữ dội của địch. Cũng từ đó chị có biệt danh là Hồng Cối.
Sự nhanh nhạy, tinh tế của phụ nữ cũng đã góp phần làm nên những chiến công bất ngờ. Nhờ lanh lẹ, tháo vát, chị Kha Thị Xuyên (Tám Xuyên) được bộ đội cử “cắt đường”. Một hôm, bất ngờ nhìn thấy 3 người lạ, chị hốt hoảng chạy thục mạng trở về đơn vị, báo cáo tình hình. Chị được các anh bộ đội trấn an, giao nhiệm vụ quay lại chỗ cũ. Nhưng khi chị quay lại thì 3 người lạ mặt đã bỏ đi. Các anh bộ đội khám xét, phát hiện đó là gián điệp. ít lâu sau, chị Xuyên phát hiện chiếc khăn trắng treo trên đọt tràm chỗ đầu kinh Hãng, tiếp theo đó là đơn vị Mai Thanh Thế bị ném bom; bên đại đội Hòn Đất, anh Hai Thắng bị bắn ngay tại giường ngủ... Xâu chuỗi những sự kiện ấy lại, chị biết đại đội Mai Thanh Thế có gián điệp. Từ đó, chị báo cho đơn vị bắt đầu cảnh giác, hạn chế được rất nhiều tổn thất.
Trở lại với tuyến đường 1C và những TNXP giàu lòng yêu nước nơi đây: Năm 1966, thời kỳ cao trào cách mạng kháng chiến chống Mỹ của miền Tây Nam Bộ, vùng giải phóng mở rộng nối liền 6 tỉnh Khu 9. Cùng lúc đó, đường Hồ Chí Minh trên biển do Đoàn 962 phụ trách bị địch phát hiện, phong tỏa, đánh gắt gao nên gặp nhiều khó khăn.
Phương tiện chiến tranh từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đã đến miền Đông Nam Bộ. Muốn vận chuyển lượng phương tiện chiến tranh này đến tận mũi Cà Mau, phải cấp tốc tổ chức lực lượng vận chuyển. Đó là lý do khiến các đội TNXP miền Tây Nam Bộ được thành lập và tuyến đường giao thông vận tải 1C ra đời.
Vào tháng 9-1966, Khu ủy miền Tây Nam Bộ (T3) giao nhiệm vụ cho Khu Đoàn Tây Nam Bộ thành lập ngay lực lượng TNXP, bước đầu ít nhất 500 quân, để tiếp nhận vũ khí chuyển về quân khu, chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Sau đó còn tuyển thêm được hơn 800 quân, đa phần là nữ. Tất cả đều ở lứa tuổi 18-20. Nhiều cô gái mới 14-15 đã khai thêm tuổi để tòng quân, có chị trốn gia đình theo đơn vị. Giã từ quê hương cây lành trái ngọt, giã từ mái trường thân yêu, những người con gái trẻ dấn thân vào chiến trường 1C. Lộ trình của đoàn quân đặc biệt ấy từ lộ Cái Sắn đến kênh Vĩnh Tế, bao gồm vùng Bảy Núi - Ba Hòn. Đôi bàn chân con gái bắt đầu bước đến những địa danh nổi tiếng ác liệt.
Chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, tuyến đường 1C như chuyển mình với nhiệm vụ cấp bách: Đưa vũ khí kịp thời vào chiến trường miền Tây. TNXP ở đây đã vận chuyển an toàn 350 tấn súng đạn, phương tiện chiến đấu của Trung ương Cục chi viện cho Khu 9, triển khai hậu cần đủ cho 6 tỉnh vào chiến dịch Mậu Thân. Trong không khí vui nhộn nhịp đón giao thừa, trên vai những chàng trai, cô gái lúc nào cũng trĩu nặng những gùi hàng tải bộ đường xa.
Tuyến 1C sôi động đêm ngày. Từ Bắc lộ Cái Sắn đến kênh Vĩnh Tế, đêm đêm hàng trăm ghe xuồng xuôi ngược. Tất cả đều tin vào một trận dứt điểm, và các anh, các chị đã sống, chết với niềm tin ấy...
Gian khổ, hiểm nguy vậy mà anh, chị em cứ giành nhau vận chuyển. Vào đợt, họ đi 29 ngày liền trong tháng.
Nữ TNXP trên chiến trường miền Tây Nam Bộ cáng chuyển thương binh Ảnh: T.L
Người nào cũng ướt ngoi, bơi mỗi người một xuồng đi đường rừng. Mũi xuồng va chạm vào cây là té xuống nước. Đoàn người đêm đêm cứ nối tiếp, đi hết mùa mưa rồi lại nắng, đi dưới mưa dầm, vai nặng đường trơn, mồ hôi ướt đẫm. Vậy mà có người còn giấu bệnh để được đi công tác. Trên xuồng chở 300 - 400 kg vũ khí, khi kéo, khi đẩy hàng chục kilômét, thân mình, tay chân bị lác, đỉa cắn, cỏ Bắc cắt ngược xuôi thành mủ, sình bám vào châm chích khó chịu, nước uống không có, nói gì đến nước rửa chân. Vậy mà họ vẫn lạc quan yêu đời, làm thơ, ca hát, đùa giỡn, làm rộn ràng, sôi động đoàn vận chuyển vũ khí trong đêm.
Suốt nhiều tháng trời, địch đã dùng mọi biện pháp để ngăn chặn những bàn chân TNXP nối liền mạch tuyến đường 1C. Bộ Chỉ huy Liên quân Việt - Mỹ và vùng 4 chiến thuật biết rõ con đường này là “sinh mệnh” của chiến trường miền Tây, nên đã dốc toàn lực đối phó, với những loại vũ khí mang tính sát thương và hủy diệt cao. Đồng thời, địch huy động hàng sư đoàn với các binh chủng phối thuộc bằng phương tiện hiện đại tràn ngập chiến trường. Chúng quyết hủy diệt con đường 1C bằng mọi giá. Khu lòng chảo tuyến đường Vĩnh Tế - Tám Ngàn - Cái Sắn - Bảy Núi, Ba Hòn, mà trung tâm là những cánh rừng với những địa danh Vĩnh Điều, Tràm Dưỡng, Đồng Cừ, Gộc Xây... đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn. Những TNXP dũng cảm nối tiếp nhau bước vào cuộc chiến đấu diễn ra mỗi ngày, đặc biệt ở lòng chảo Gộc Xây và kênh Vĩnh Tế, vượt lên mọi gian khổ hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Suốt gần 10 năm liền sau khi được thành lập, lực lượng TNXP đường 1C đã cùng chính quyền, du kích địa phương liên kết nhau, bám địa bàn, sẵn sàng hy sinh, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, đưa đường cho cán bộ, bộ đội ngược xuôi qua tuyến đường. Họ đã làm nên huyền thoại con đường 1C lịch sử. Con đường của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, của ý chí bất khuất, ngoan cường của TNXP Việt Nam.
T.H
Kim Yến (st)
Còn nữa