Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, biết bao sự tích anh hùng, bao điều kỳ tích trở thành huyền thoại, đã được sử sách khắc ghi. Và, trong thời đại Hồ Chí Minh, những sự tích, những huyền thoại ấy càng được thể hiện rõ nét và sâu đậm hơn bao giờ hết; làm nên những bản anh hùng ca bất hủ, khiến mỗi chúng ta mãi mãi tự hào; còn kẻ thù thì khiếp sợ, kinh hoàng.
Cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược suốt 3 thập kỷ trong thế kỷ XX là một trong những trang sử chói ngời nhất về chủ nghĩa anh hùng, về ý chí và tinh thần bất khuất, ngoan cường của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đã làm nên những chiến công mang tầm thời đại… Đóng góp xứng đáng vào chiến công vĩ đại ấy của dân tộc có lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam – lực lượng xung kích của các thế hệ thanh niên với phẩm chất cao đẹp, không ngại gian khổ sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Lực lượng Thanh niên xung phong luôn có mặt ở những nơi chiến tranh ác liệt nhất, gian khổ nhất để phục vụ chiến đấu và đảm bảo cho mạch máu giao thông không ngừng chảy bất chấp bom đạn vô cùng ác liệt của kẻ thù. Từ chiến dịch Biên giới Cao – Bắc Lạng (1950) khi lực lượng Thanh niên xung phong vừa mới ra đời, cho tới Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và sau này là các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước… Dù ở đâu, trên bất cứ mặt trận nào Thanh niên xung phong cũng tỏ rõ tính xung kích và ý chí kiên cường chủ động, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược mãi mãi ghi dấu về lực lượng Thanh niên xung phong anh hùng, về những đơn vị, những con người, những cung đường, những trọng điểm… thấm đẫm máu đào của họ. Biết bao cô gái, chàng trai đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp vĩ đại: Sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc; lập nên những kỳ tích anh hùng, dệt nên những huyền thoại, tô đậm trang sử vẻ vang và xứng đáng là biểu tượng rực rỡ về Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng của phong trào thanh niên yêu nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Chính từ những ý nghĩa cao đẹp ấy và nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay, Ban biên tập Dự án xuất bản Uống nước nhớ nguồn – Trung tâm Thông tin Truyền thông Vì môi trường phát triển phối hợp với Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam xuât bản cuốn sách Huyền thoại Thanh niên Xung phong Việt Nam.
Đây là một công trình xuất bản lớn, một tượng đài bằng chữ về lực lượng Thanh niên xung phong; cuốn sách tái hiện sinh động những năm tháng phục vụ chiến đấu và chiến đấu đầy gian khổ hy sinh nhưng cũng vô cùng anh dũng với những chiến công đã trở thành huyền thoại của Thanh niên xung phong. Qua đó, thêm một lần nữa ghi nhận công lao to lớn của những con người đã một thời cống hiến, hy sinh cho dân tộc. Dù hôm nay họ là ai, làm gì, ở đâu, còn hay mất… thì cùng với lực lượng Thanh niên xung phong anh hùng, họ vẫn mãi mãi là những chứng nhân lịch sử, xứng đáng được tôn vinh và ghi nhớ
Cuốn sách Huyền thoại Thanh niên Xung phong Việt Nam được xuất bản như một bó hoa tươi thắm dâng lên các Anh hùng, liệt sĩ và những con người trung dũng của lực lượng Thanh niên xung phong - Bó hoa Đền ơn đáp nghĩa ấy mãi mãi ngát hương trong sự nghiệp dựng xây đất nước.
Sau đây Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xin giới thiệu cùng bạn đọc Cuốn sách Huyền thoại Thanh niên Xung phong Việt Nam (Theo Tạp chí Trí thức và Phát triển - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Bộ Sách điện tử Huyền thoại Đường 9 - Khe Sanh Anh hùng – Trang http://uongnuocnhonguon.vn).
Thanh niên xung phong những dấu mốc quan trọng
Lực lượng Thanh niên Xung phong siết chặt đội ngũ sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Ảnh: T.L
Sinh ra trong khói lửa chiến tranh với những nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang do Đảng và Bác Hồ giao phó, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) luôn tỏ rõ vai trò xung kích và khí phách anh hùng trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Những dấu mốc quan trọng và những thành tích xuất sắc của lực lượng TNXP đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng hào hùng của cả dân tộc. Đó cũng chính là hành trình lịch sử vẻ vang rất đỗi tự hào của lực lượng TNXP Việt Nam.
Thanh niên xung phong những chặng đường lịch sử
Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương
Năm 1950, cục diện chiến tranh trên chiến trường Đông Dương có những thay đổi cơ bản. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ đầu năm 1950, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Liên khu ủy Việt – Bắc “chuẩn bị chiến trường Đông Bắc cho thật đầy đủ để khi có điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn, quét địch ra khỏi đường số 4, đánh bại quân địch trong vùng Đông Bắc”.
Tháng 5-1950, Trung ương lại chỉ thị cho Liên khu ủy Việt Bắc “về việc sửa đường và vận tải” và nhắc “các cấp Đảng bộ phải cử một số cán bộ có năng lực phụ trách các công trường, chọn những đoàn viên hăng hái, khỏe mạnh, tổ chức thành “những đội xung phong công tác làm động cơ thúc đẩy nhân dân”.
Ngày 15-7-1950, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Đảng Đoàn thanh vận Trung ương quyết định thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên để phục vụ Chiến dịch Biên Giới. Ban Chỉ huy lâm thời của Đội gồm 5 đồng chí, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm Đội trưởng và Bí thư chi bộ.
Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên gồm 225 đội viên, được tổ chức thành ba liên phân đội, dưới liên phân đội có các phân đội. Toàn đội có 73 đảng viên trẻ và hầu hết là đoàn viên thanh niên Cứu quốc, tuổi từ 18 đến 25. Thời gian phục vụ của đội viên là 6 tháng và được hưởng chế độ cung cấp như bộ đội địa phương.
Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên hoạt động cho tới tháng 01/1952 thì giải thể sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hết thời gian phục vụ. Phần lớn đội viên trở về địa phương công tác và sản xuất. Một số cán bộ, đội viên tình nguyện về nhận nhiệm vụ ở Đội TN XP công tác thứ hai.
Đội TNXP công tác thứ hai được thành lập tháng 10/1950 để đáp ứng yêu cầu mở các chiến dịch. Đội gồm 1.737 đội viên, tổ chức thành 8 liên phân đội. Ngày 22-12-1950 Đội được lệnh đi phục vụ chiến dịch Trung du. Các liên phân đội đã bám sát từng bước tiến của bộ đội để tiếp tế đạn dược, kịp thời phục vụ chiến đấu và đưa thương binh về tuyến sau an toàn. Trên các mặt trận Vĩnh Yên, Núi Danh, Tam Nông (Vĩnh Phú), Bình Liêu, Bến Tam (Quảng Ninh), các đội viên TN XP đã nêu những tấm gương dũng cảm và tận tụy chăm sóc thương binh. Với những thành tích phục vụ chiến dịch, Liên phân đội I được tặng Huân chương Chiến sỹ hạng Ba.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Đội TNXP công tác phát triển lên 3.000 đội viên và bắt đầu nhận nữ thanh niên.
Tháng 3-1951, Đội TNXP công tác Trung ương được bổ sung thêm 9 liên phân đội mới. Đó là các liên phân đội: Hoàng Hoa Thám, Hoàng Hữu Nam, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Tô Hiệu, Hà Huy Tập, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong…
Đội Thanh niên xung phong
Đầu năm 1953, sau khi nhận xét về một số nhược điểm của các Đội TNXP công tác Trung ương, Bác Hồ đã giao cho đồng chí Vũ Kỳ tổ chức thí nghiệm một Đội TNXP khác để làm kiểu mẫu. Phương châm tổ chức Đội TNXP mới này là:
Tổ chức 1 đội 1.000 thanh niên chỉ có 5% là cán bộ để gọn, nhẹ, ít người chỉ huy. Điều kiện gia nhập: Lấy tự nguyện, đi đến kháng chiến thành công, xung phong bất cứ công tác gì… Thành phần là bần, cố nông, không có phụ nữ.
Phải học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn và luyện tập quân sự.
Sinh hoạt: Ưu đãi như bộ đội chủ lực, do Tổng cục cung cấp cấp phát và trang bị dụng cụ, vũ khí.
Ngày 26-3-1953, Đại đội 261, đơn vị đầu tiên của Đội thanh niên xung phong được thành lập. Đến tháng 7-1953, Đội có 850 đội viên do đồng chí Vũ Kỳ làm Đội trưởng. Đội chia làm 4 trung đội, mỗi trung đội có 5 tiểu đội. Đội làm công tác phục vụ giao thông và xây dựng kho tàng ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang và một trung đội phục vụ an toàn khu (ATK).
Đoàn TNXP Trung ương
Ngày 19 và 20-9-1953 đồng chí Vũ Kỳ báo cáo với Bác về việc mở rộng đội ngũ TNXP, Bác chỉ thị phải tuyển thêm 9.000 đội viên để phát triển Đoàn TNXP lên đủ 1 vạn người.
Theo Bác, cần xuống thẳng xã để tuyển. Tổ chức cho thanh niên học tập điều kiện đi TN XP. Xã bình nghị những người được đi làm nhằm cho thanh niên thấy vinh dự khi được đi TNXP. Mặt khác thông qua đoàn ủy, phái đoàn phát động quần chúng báo cáo rõ mục đích, xin chỉ thị, để được sự giúp đỡ.
Đoàn TNXP Trung ương cần có cán bộ, thầy thuốc, quân sự, chính trị, văn hóa, cung cấp, kỹ thuật (chưa cần kỹ sư, nhưng cần có những người am hiểu công việc), đảm bảo đủ cho 1 vạn TNXP hoạt động có hiệu quả.
- Về nội quy, không cần nêu rõ làm công việc gì. Hướng là làm bất kỳ mọi việc khó dễ.
Đ/c Vũ Kỳ báo cáo với Bác về công tác của đoàn TNXP (1953) Ảnh: T.L
- Nghiên cứu việc cho chi bộ Đảng ra công khai.
- Về công việc chuyên môn, kê khai số dụng cụ cần thiết, Bác sẽ chỉ thị cung cấp.
- Cho một số đi học y tá.
Nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn TNXP là: Xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó việc dễ, phục vụ kháng chiến cho đến ngày kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên chúng ta.
Điều lệ của Đoàn TNXP có 6 phần. Điều lệ quy định rõ tên gọi và nhiệm vụ của Đoàn, nhiệm vụ của mỗi đội viên, quy định về công tác tổ chức, công tác lãnh đạo và giáo dục của Đoàn.
Đội TNXP xây dựng CNXH
Miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Nhưng hậu quả hơn 80 năm thống trị của thực dân Pháp và 9 năm kháng chiến trường kỳ thật nặng nề.
Trước tình hình đó Đoàn TNXP được giao làm các nhiệm vụ:
- Tham gia tiếp quản các thành phố Hà Nội, Hải Phòng.
- Thu dọn chiến trường ở Điện Biên Phủ.
- Tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội.
Đoàn TNXP tiếp tục chuyển một số cán bộ, đội viên sang làm nhiệm vụ trong ngành giao thông công chính, bưu điện, công an, thương nghiệp… đồng thời Đoàn TNXP được bổ sung:
- Một số đội TNXP ở Liên khu V tập kết ra Bắc và những thanh niên ở Nam Bộ vượt tuyến ra tham gia xây dựng đất nước.
- 1.000 sinh viên đại học ở các thành phố tình nguyện gia nhập TNXP.
- Các tỉnh tiến hành tuyển bổ sung, chủ yếu để tham gia xây dựng đường sắt theo chủ trương của Trung ương Đoàn.
Đến tháng 1-1954 quân số Đoàn TNXP lên tới 10.970 người. Bước sang năm 1958, miền Bắc nước ta đi vào thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế xã hội. Nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư lớn, tăng gấp 2,2 lần so với thời kỳ 1955-1957.
Nhiều công trình trọng điểm được khởi công xây dựng. Đất nước cần nhiều lực lượng lao động trẻ, khỏe, có tinh thần năng động, sáng tạo, dám đương đầu với mọi gian khổ, thử thách.
Tháng 2-1959, Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam được giao nhiệm vụ tổ chức Đội TNXP xây dựng XHCN. “Đội có nhiệm vụ động viên, tổ chức, giáo dục đoàn viên và thanh niên trong đội phát huy truyền thống của Đoàn TNXP trong kháng chiến, khắc phục vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Trung ương giao cho về số lượng, chất lượng và thời gian. Qua thực tế đấu tranh và tôi luyện trong lao động, đội có nhiệm vụ tổ chức giáo dục, nâng cao trình độ tư tưởng chính trị, văn hóa, nghiệp vụ cho mỗi đoàn viên, thanh niên, chuẩn bị cho những nhiệm vụ về sau.
Đội lại có nhiệm vụ tổ chức, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho anh chị em”.
Đội TNXP chống Mỹ cứu nước
Ngày 5-8-1964, sau khi dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, Mỹ đưa không quân ra đánh phá miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân chống phá miền Bắc XHCN với qui mô ngày càng lớn.
Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (ngày nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trong hội nghị lần thứ 11 (họp tháng 3- 1965) và lần thứ 12 (họp tháng 12-1965) thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân, đã nêu cao quyết tâm động viên mọi lực lượng kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, nhằm hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trong nước, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
TNXP hành quân vào Trường Sơn Ảnh: T.L
Đ/c Tố Hữu - Bí thư Trung ương Đảng (Người thứ nhất, bên phải) và đ/c Nguyễn Văn Đệ -
Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên (người thứ hai, từ trái sang) đến thăm một đơn vị TNXP chống Mỹ cứu nước ở Hà Tĩnh (1968) Ảnh: T.L
Để đáp ứng kịp thời những yêu cầu lớn phục vụ tiền tuyến của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 21-6-1965 Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị thành lập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước (tập trung).
Theo đó, “Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước là một lực lượng lao động đặc biệt quân sự hóa của thanh niên, có vũ trang, được tổ chức và xây dựng trên ba mặt: Sản xuất, chiến đấu, học tập”.
Đối tượng tuyển TNXP chống Mỹ, cứu nước là các nam, nữ thanh niên thành thị và nông thôn tuổi từ 17 đến 30 có tinh thần yêu nước, có sức khỏe và tự nguyện gia nhập Đội.
Thành phần của Đội phải có từ 5-10 người là đảng viên, từ 30%-35% là đoàn viên thanh niên lao động, từ 30%-40% là nữ.
Đội có huy hiệu và phù hiệu riêng.
Thời gian phục vụ của đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước là ba năm.
Đội TN XP chống Mỹ, cứu nước đầu tiên được thành lập ngày 25-5-1965 gồm l.200 đội viên của tỉnh Thanh Hóa, về sau được mang phiên hiệu Đội 21.
Trong 3 nhiệm kỳ từ 1965-1975 đã có 133.157 đoàn viên thanh niên gia nhập lực lượng TN XP chống Mỹ, cứu nước, trong đó 51,8% là nữ.
TN XP đảm nhận nhiều loại công việc khác nhau, nhưng chủ yếu ở 3 ngành: Giao thông vận tải, Lâm nghiệp và Quốc phòng.
Cũng trong 3 nhiệm kỳ, TN XP đã làm 2.195 km đường mới trên 53 tuyến đường.
Đảm bảo giao thông ngày đêm trên 3.000 km đường, trong đó có 2.526 trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt. TN XP cùng quân đội tham gia xây dựng 6 sân bay quân sự dã chiến; Rà phá trên một vạn quả bom, mìn; Bắn rơi 15 máy bay, bắt sống 13 giặc lái, 6 biệt kích, thám báo.
Đã có 1710 đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ 3 năm được vào học các trường đại học; 833 người được đi học ở nước ngoài; 12.345 người được vào học các trường trung học chuyên nghiệp; 8.042 người đi học ở các trường đào tạo công nhân kỹ thuật; 15.072 người chuyển sang công tác ở các cơ quan, xí nghiệp...; 15.722 người chuyển vào quân đội.
* Các nhiệm kỳ TN XP chống Mỹ, cứu nước:
- Nhiệm kỳ I: 5/1965 - giữa năm 1968: Đã huy động 54.122 người (nữ chiếm tỷ lệ 44%) ở 18 tỉnh, thành phố miền Bắc. Lúc cao điểm lên tới 7 vạn người.
- Nhiệm kỳ II: Từ giữa 1968 đến đầu năm 1972: Huy động 17.377 người (nữ chiếm 64%) ở 15 tỉnh, thành miền Bắc.
- Nhiệm kỳ III: Từ 1972 - 1975: Huy động 34.058 người (nữ chiếm tỷ lệ 52,9%) ở 18 tỉnh, thành miền Bắc.
Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam
Năm 1965, sau khi bị thất bại trong chiến tranh đặc biệt, chính quyền Mỹ liều lĩnh tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam. Hội nghị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI (khóa III ) tháng 3-1965 đã quyết định chuẩn bị mọi mặt để đối phó với tình hình cả nước có chiến tranh với hình thức mới và mức độ cao hơn.
Hội nghị lần thứ ba của TƯ cục miền Nam đề ra nhiệm vụ lợi dụng tình thế thất bại, lúng túng và suy yếu nhanh chóng của địch để tập trung lực lượng, tranh thủ thời gian, kiên quyết đánh địch, gấp rút xây dựng lực lượng cách mạng để nhanh chóng thay đổi tương quan lực lượng có lợi hẳn cho ta, làm cơ sở để xốc tới giành thắng lợi to lớn hơn. Tháng ba năm 1965, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, đội tiên phong chiến đấu của tuổi trẻ miền Nam trong những năm đánh Mỹ họp Đại hội lần thứ nhất nêu quyết tâm động viên rộng rãi tuổi trẻ miền Nam đoàn kết một lòng “đánh giặc, sản xuất, xây dựng đời sống mới ở vùng giải phóng. Đoàn kết và tổ chức lực lượng thanh niên học tập, rèn luyện phấn đấu trở thành lực lượng hậu bị của Đảng”. Để đẩy tới cao trào hành động cách mạng rộng khắp, Đại hội quyết định phát động phong trào “Năm xung phong” trong toàn thể đoàn viên, thanh niên miền Nam.
1. Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh.
3. Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính.
4. Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong, phục vụ tiền tuyến.
5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông thôn.
Và Đại hội quyết định thành lập lực lượng TNXP ở miền Nam. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “... để đảm bảo phục vụ đắc lực các đợt hoạt động quân sự, các trận đánh lớn: Để giáo dục đoàn viên và thanh niên trong thực tế chiến đấu với giặc, Đoàn trực tiếp tổ chức các đội TNXP công tác phục vụ chiến trường trước hết là ở xã và tổ chức các Đội TNXP thoát ly có thời hạn và không có thời hạn từ quận trở lên khi có yêu cầu của Hội đồng cung cấp tiền tuyến cấp đó...”.
Giặc phá ta lại sửa ta đi” - TNXP chống Mỹ cứu nước đang làm nhiệm vụ thông đường Ảnh: T.L
- Các hình thức tổ chức
Lực lượng TN XP giải phóng có 3 hình thức tổ chức:
- Lực lượng TN XP giải phóng tập trung của miền không qui định thời gian nghĩa vụ.
- Lực lượng TN XP giải phóng của địa phương chỉ tập trung theo thời hạn 3 tháng, 6 tháng... khi cần thiết.
- Lực lượng TN XP ở cơ sở.
Đối với lực lượng TNXP giải phóng của miền, đơn vị bộ đội nào sử dụng, đơn vị đó trang cấp và lo hậu cần cho TNXP như quân giải phóng.
Đoàn TNNDCM thành lập một cơ quan Tổng đội, để lo chung công tác tuyển chọn cán bộ, đội viên, kiểm tra, theo dõi, tổng kết đánh giá.
- Nhiệm vụ của TN XP giải phóng miền Nam:
Vận chuyển vũ khí lương thực phục vụ bộ đội chiến đấu
Cáng tải và chăm sóc thương binh.
Đào hầm, làm nhà, làm kho, làm đường sá.
Trực tiếp tham gia chiến đấu.
(Theo tư liệu của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam cung cấp)
Chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ
đối với lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Bí thư TƯ Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã chủ trương thành lập lực lượng TN XP chống Mỹ cứu nước (tập trung) để đối phó có hiệu quả với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Chỉ thị 105 CT /TW ngày 29-7-1965 của Ban Bí thư TƯ Đảng về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động thanh niên trong tình hình mới có đoạn nói về TNXP:
“Để phát huy truyền thống của các Đội TNXP trong thời kỳ kháng chiến và để kịp thời đáp ứng với nhiệt tình của thanh niên đang sôi nổi thực hiện “Ba sẵn sàng”, cần tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước nhằm phục vụ cho chiến đấu và xây dựng. Mỗi Đội TNXP phải là một đơn vị sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết và đồng thời là một trường học văn hóa kỹ thuật, nơi đào tạo và rèn luyện thanh niên về mọi mặt. Các đội viên TNXP sẽ hưởng chế độ cung cấp trong thời gian phục vụ (thoát ly khỏi địa phương), Chính phủ sẽ ban hành những quy định và chế độ cần thiết cho các Đội TNXP”.
Ngày 21-6-1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 71/TTg về việc “Tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước phục vụ công tác GTVT”.
Chỉ thị có đoạn: “Trước những thất bại liên tiếp trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đế quốc Mỹ đang tăng cường và mở rộng từng bước cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, trước hết là phá hoại đường giao thông, các doanh trại bộ đội, các khu vực kinh tế nhằm gây cho ta những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng. Trong tình hình đó, việc đảm bảo công tác GTVT không bị gián đoạn là một nhiệm vụ vô cùng trọng yếu đối với hoạt động sản xuất của các ngành, các địa phương và việc tăng cường khả năng quốc phòng. Thực hiện nhiệm vụ này cần phải có một đội ngũ lao động trẻ, có giác ngộ chính trị, có tổ chức kỷ luật chặt chẽ và có tinh thần dũng cảm trong sản xuất, trong chiến đấu với địch, bảo vệ giao thông, phục vụ cho được các nhu cầu cấp bách về vận chuyển tiếp tế.
Bác Hồ tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (22 - 25/3/1961) Ảnh: T.L
Để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của thanh niên trong việc đảm đương các nhiệm vụ khó khăn nhưng vẻ vang đó, TƯ Đảng và Hội đồng Chính phủ đã quyết định giao cho TƯ Đoàn TNLĐ tổ chức các Đội “TNXP chống Mỹ cứu nước” làm nhiệm vụ đảm bảo các công việc về GTVT trên các tuyến đường trọng yếu”.
Chỉ thị 71 cũng chỉ rõ 6 nhiệm vụ của các “Đội TN XP chống Mỹ cứu nước (tập trung)” là:
- Xây dựng các công trình cấp thiết về quốc phòng và kinh tế.
- Xây dựng và sửa chữa các cầu đường bị địch phá hoại, bằng mọi cách khôi phục nhanh chóng giao thông, bảo đảm cho việc vận chuyển thông suốt liên tục.
- Bốc xếp, chuyển tải và vận chuyển hàng hóa ở các đường khó khăn.
- Cứu chữa hàng hóa và các phương tiện vận tải trong các trường hợp bị địch bắn phá.
- Chiến đấu chống sự phá hoại của địch để bảo vệ đường, phà, cầu và các phương tiện GTVT khi cần thiết.
- Bổ sung cho quân đội trong trường hợp cần thiết.
Chỉ thị 71 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rất rõ những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác vận động thanh niên là:
1- Xuất phát từ yêu cầu khẩn trương của sự nghiệp cách mạng chống Mỹ cứu nước, nhằm đối phó với âm mưu, hành động thâm độc dã man của đế quốc Mỹ, Đảng và Chính phủ ta đã có quan điểm đúng đắn trong việc đánh giá vai trò của lực lượng thanh niên, nên đã giao cho Đoàn TNLĐ Việt Nam tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước, đảm nhận các yêu cầu nhiệm vụ khó khăn gian khổ cấp bách, đảm bảo công tác GTVT trên các tuyến đường chiến lược trọng yếu.
2- Qua chế độ chung và chính sách toàn diện như đã trích dẫn, thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ là sử dụng khả năng vai trò xung kích cách mạng của thanh niên đi đôi với nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo thanh niên; sử dụng khả năng phục vụ nhiệm vụ cách mạng trước mắt gắn với việc chuẩn bị, bồi dưỡng, đào tạo gánh vác nhiệm vụ cách mạng trong tương lai.Sau khi Chỉ thị 71 ban hành, tất cả các Bộ, các ngành có chức năng nhiệm vụ liên quan đến TNXP đều lần lượt ban hành các chỉ thị, thông tư, công văn hướng dẫn cụ thể.
Sự lãnh đạo kiểm tra và quản lý của Chính phủ đối với lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước (tập trung) còn thể hiện ở chỗ:
Thủ tướng Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách về tổ chức, chế độ đối với TNXP chống Mỹ cứu nước.
Kiểm tra các ngành, các cấp có trách nhiệm đối với TNXP, phát hiện kịp thời các khuyết, nhược điểm để ra chủ trương bổ khuyết.
Sau một năm thực hiện Chỉ thị 71, ngày 4-5-1966 Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã họp, nghe đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Bí thư TƯ Đoàn kiêm Trưởng ban Chỉ đạo TNXP TƯ và đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT báo cáo tình hình hoạt động của TNXP chống Mỹ cứu nước(1). Hội nghị đánh giá cao tinh thần hy sinh dũng cảm, khắc phục khó khăn của TNXP trong lao động, chiến đấu, học tập, bảo vệ mạch máu GTVT , góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Đồng thời Hội nghị cũng nêu bật các khuyết nhược điểm cần khắc phục trong tổ chức, chỉ đạo cũng như việc tổ chức thực hiện chế độ chính sách đối với TNXP.
Ngày 6-7-1966, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 121/TT nêu bật một số vấn đề quan trọng về tổ chức hoạt động và chế độ chính sách cần kịp thời bổ khuyết, thực hiện đối với tổ chức TNXP.
Cuộc họp kiểm tra của Thường vụ Hội đồng Chính phủ và Quyết định 121 ngày 6-7-1966 của Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo bước ngoặt và có ý nghĩa lịch sử quan trọng.
Nội dung chủ yếu của Quyết định 121 gồm 5 vấn đề cơ bản sau đây:
* Sau khi lực lượng TNXP được thành lập và đi vào thực hiện các nhiệm vụ lao động sản xuất, tổ chức học tập bổ túc văn hóa và luyện tập quân sự, xây dựng nếp sống mới, nhiều đơn vị TNXP nhất là các đơn vị ở những địa bàn chiến đấu ác liệt đã xuất hiện mâu thuẫn giữa nhiệm vụ lao động sản xuất với nhiệm vụ học tập văn hóa.
Thông thường ở những vùng địch đánh phá ác liệt, khi địch đánh xong, cầu đường hỏng là lực lượng TNXP phải ra ngay hiện trường ứng cứu nhằm đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, vận tải liên tục. TNXP đang lên lớp học tập mà phải dừng lại để ra hiện trường, cán bộ lãnh đạo và giáo viên lo không đảm bảo chương trình, nên chủ trương học xong mới cho đi, do đó đã gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ đảm bảo giao thông.
Từ đó mâu thuẫn giữa cán bộ TNXP với Ban chỉ huy công trường xuất hiện. Để chấm dứt tình trạng đó, Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Đội TNXP chống Mỹ cứu nước là một tổ chức lao động đặc biệt, có 3 nhiệm vụ: Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa học tập. Trong 3 nhiệm vụ ấy thì “sản xuất là nhiệm vụ trung tâm” phải được ưu tiên số một, nhất là ở những nơi địch đánh phá ác liệt. Hỏng cầu, hỏng đường, bất kể ngày đêm, giờ giấc, TN XP phải tổ chức lực lượng ra ngay hiện trường ứng cứu. Còn học tập sẽ được bố trí học bù sau.
* Về quản lý và sử dụng TNXP cũng xuất hiện những nhận thức lệch lạc. Đoàn và Đội TN XP thì coi các Đội TNXP do Đoàn thành lập ra là của Đoàn, do Đoàn chỉ đạo. Còn cán bộ của ngành chủ quản (bao gồm cả ngành GTVT , Quốc phòng và Lâm nghiệp) lại coi TNXP là lực lượng lao động của mình, do mình quản lý nên có quyền điều động phân công sử dụng, kể cả điều động, sử dụng làm những công việc phục vụ cơ quan không đúng với vai trò của TNXP.
Quyết định 121 đã nói rõ: Lực lượng TNXP giao cho ngành nào sử dụng thì thuộc chỉ tiêu lao động của ngành đó. Ngành chủ quản được sử dụng TNXP nhưng phải cùng với TƯ Đoàn TNLĐ Việt Nam chịu trách nhiệm về mặt tổ chức, quản lý theo đúng chính sách Nhà nước quy định.
* Về tổ chức lãnh đạo lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước phải theo đúng nguyên tắc quản lý xí nghiệp XHCN . Thủ trưởng phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể của Đảng ủy, công nhân tham gia quản lý. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và phức tạp, đòi hỏi phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc quản lý.
Sau Quyết định 121, TƯ Đoàn đã cử một tổ cán bộ đại diện biệt phái công tác bên cạnh Bộ Tư lệnh Đoàn 559 để giúp cán bộ quân đội, các binh trạm sử dụng TNXP quán triệt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, mặt khác phổ biến giáo dục để cán bộ Đoàn, cán bộ Đội TNXP và đội viên chấp hành quyết định của Thủ tướng và hướng dẫn của TƯ Đoàn.
* Để phát huy vai trò chủ động sáng tạo của thanh niên và giải quyết dần những mâu thuẫn nói trên, Quyết định 121 phân tích đặc điểm của công tác GTVT có 2 nhiệm vụ song song: Vừa xây dựng cơ bản làm đường mới, vừa đảm bảo giao thông các tuyến đường chiến lược bị địch đánh phá.
Về việc thực hiện các chế độ chính sách và chăm lo đời sống của TNXP, các Bộ, các ngành, các địa phương đã cố gắng làm tốt các chế độ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các Đội TNXP lập được những thành tích to lớn, góp phần bảo đảm GTVT thời chiến và phục vụ nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu. Nhưng về mặt quản lý sử dụng thì các Bộ, các ngành chủ quản, các cấp và các cơ quan có liên quan còn có nhiều thiết sót như: Việc tổ chức sử dụng TNXP, chưa thật hợp lý; Việc cung cấp dụng cụ sản xuất và chuẩn bị kế hoạch sản xuất không kịp thời đã gây nhiều lãng phí.
Đ/c Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành TƯ Đảng, đ/c Phan Trọng Tuệ - Bộ trưởng
Bộ GTVT, Bí thư Đảng bộ ngành GTVT tại Đại hội Ba sẵn sàng của TN và TNXP đạt danh hiệu Dũng sĩ GTVT thắng Mỹ (19/5/1968) Ảnh: T.L
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên bộ đội và TNXP tại tuyến lửa Trường Sơn
Ảnh: T.L
Từ những nhược điểm trên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Cần thực hiện nghiêm chỉnh mọi chế độ chính sách của Nhà nước đối với TNXP, mọi tiêu chuẩn định mức cung cấp cho TNXP phải tính theo giá cung cấp, phải quan tâm đến đặc điểm sức khỏe, bệnh tật của nữ TNXP, phân công sử dụng hợp lý sức lao động của chị em.
- Khuyến khích mở rộng phong trào tăng gia chăn nuôi, trồng trọt tự cải thiện đời sống. Động viên giáo dục tư tưởng, đi đôi với khuyến khích khen thưởng TNXP có sáng kiến tăng năng suất lao động.
Có thể nói Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo bổ khuyết và hướng dẫn, tạo bước phát triển mới trong việc phát huy vai trò xung kích của TNXP chống Mỹ cứu nước. Quyết định đó còn có tác dụng chỉ đạo hướng dẫn cho lực lượng TNXP trong suốt cả 3 nhiệm kỳ 10 năm (1965 – 1975). Đây cũng là một thể hiện rõ nét nhất trong sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với TNXP trong kháng chiến chống Mỹ.
Cùng với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên và Bộ Giao thông Vận tải… cũng thường xuyên có sự chỉ đạo sâu sát và cụ thể đối với TN XP nhằm không ngừng nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và chiến đấu./.
(Theo “Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước” - NX B Giao thông Vận tải - 2002)
Kim Yến (st)