Thứ bảy, 21/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

Con gái không thua kém con trai

Tổ chức được một cuộc hành quân của hơn 7 vạn TNXP với tinh thần khẩn trương, đảm bảo thời gian quy định trên chặng đường dài 400 – 500 cây số, dưới bom đạn đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, quả là việc làm không đơn giản.

Đây là một hành động anh hùng, một thử thách đầu tiên mà tuổi trẻ “ba sẵn sàng” đã vượt qua được, tuy chỉ là một bước đi trong vạn dặm, nhưng bước đi đó đã ghi sâu vào ký ức của mỗi cuộc đời. Anh chị em thường nói với nhau: Ai chiến thắng được bước đi đầu tiên này, sẽ chiến thắng tất cả.

Cũng như TNXP các thế hệ trước, ai mà biết được mỗi TNXP trong một nhiệm kỳ 3 năm, đã đảm nhận bao nhiêu công việc cụ thể và vượt qua bao nhiêu gian khổ, hy sinh?

phan 6 TNXP  anh 1
Đội trưởng TNXP Nguyễn Hồng Ly - nụ cười sau khi phá
thành công một quả bom nổ chậm Ảnh: T.L

Và cũng có ai ngờ, những cô gái nông thôn tuổi 17-20, vốn được coi là “phái yếu”, chỉ quen cầm cuốc, cầm liềm, cấy lúa, cắt cỏ, chăn trâu; các em học sinh thành thị mới rời ghế nhà trường, chỉ biết cầm bút, hoặc tham gia công việc đơn giản ở gia đình, có khi còn nũng mẹ, tỵ em, đi đêm còn sợ ma, thế mà nay, tất cả mọi công tác cụ thể từ chiến đấu, lao động sản xuất đến xây dựng cuộc sống, họ phải tự mình làm tất cả.

Vào rừng chặt nứa, chặt tre, đẵn gỗ, cũng cưa, đục, cũng trèo lên mái nhà, buộc rui, mè, tự làm lấy lán trại, làm lấy nhà ở, giường nằm v.v...

Ra mặt đường, từ việc nhẹ như đào đất, san lấp hố bom, cắt bổi, lát rong đanh chống lầy... đến công việc nặng như phá đá, nổ mìn, bạt ta luy... treo mình trên dốc núi cao, ngâm mình dưới dòng suối... tất tật, con trai, con gái đều phải làm như nhau; không thể phân chia việc này của con trai, việc kia của con gái... Và trong thực tế sức lực con gái, khả năng lao động, chịu đựng gian khổ, khó khăn con gái còn khá hơn con trai, vì một lẽ đơn giản con trai loại A1, A2, A3, B1 đều ưu tiên đi bộ đội hết rồi.

... Có đơn vị như Đội TN XP 75 trên đường 12 Quảng Bình, một số chị em có sáng kiến vào rừng lấy củi, gánh về xuôi bán lấy tiền, ra chợ mua lưỡi cưa, mua dao, mua đục, cuốc xẻng về làm.

Đường 20 mệnh danh là đường Quyết thắng, đây là con đường đầy gian lao, thử thách, ác liệt. Ta quyết tâm mở đường, Mỹ quyết tâm đánh phá ngăn chặn. Một cuộc đọ sức ác liệt và cuộc chiến đấu diễn ra ở từng trọng điểm, từng tấc đất, quãng đường.

Một con đường dài 124 cây số, mà phải xuyên qua 43 cây số đá vôi, đá tai mèo. Đường đi vòng vèo gấp khúc, bên núi, bên khe, vực sâu thăm thẳm, phải qua 500 cửa vọng, 970 cua, có cua dài trên 5 cây số, gấp khúc chữ chi, hình thành 2 chữ A mẹ và A con.

Công việc lao động phá đá, mở đường đã gian khổ khó khăn, thời tiết ở núi rừng Trường Sơn lại vô cùng khắc nghiệt, mùa mưa lũ thì mưa suốt mấy tháng liền, mùa nắng thì nóng như lửa đốt, gió Lào phần phật,... Nhưng gian khổ, khó khăn ác liệt vẫn không lay chuyển được quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của thanh niên ta.

Lực lượng TNXP làm nhiệm vụ mở đường và đảm bảo giao thông trên tuyến đường Quyết thắng lịch sử này là Đội TNXP 25, Đội TNXP 23 và sau được tăng cường thêm Đội TNXP 81... gồm con em các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Tây (cũ), Thái Bình... mà phần đông lại là con gái. Trên 2.000 cán bộ, đội viên TNXP... đa số là nữ, đã dũng cảm, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, ai ai cũng hăm hở muốn được giao nhiệm vụ ở nơi địch đánh phá ác liệt nhất.

C5 hầu hết là nữ, được giao nhiệm vụ trấn giữ trọng điểm quan trọng nhất, địch đánh phá ác liệt nhất là cua chữ A. Địch đánh phá suốt cả đêm và ngày, có ngày chúng đánh liên tục 20 trận, kể cả máy bay rải thảm B52. Ban đêm chúng thả pháo sáng khống chế người và xe ta qua lại. Một số cán bộ, đội viên đã hy sinh hoặc bị thương... Sợ C5 chịu đựng quá sức, Ban chỉ huy đội TNXP quyết định thay thế. C5 rút ra khỏi trọng điểm. Được tin, toàn thể cán bộ, đội viên C5 làm đơn tình nguyện ở lại. Có người cắn ngón tay lấy máu ký vào đơn thề “quyết tử cho cua chữ A quyết thắng”, không một ai chịu rời vị trí.

Sau một năm chiến đấu, C5 đã nổi lên thành ngọn cờ đầu của toàn tuyến đường Quyết Thắng... Họ vinh dự được nhận lá cờ luân lưu của Ban chấp hành TW Đảng. Họ luôn luôn giữ vững lá cờ đầu toàn diện trong lao động sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng nếp sống quân sự hóa của cả Binh trạm 14 thuộc Đoàn 559 và của tất cả lực lượng TNXP hoạt động trên tuyến đường 20. C5 đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

... Thành tích của C5 trở thành truyền thống của toàn đội TNXP trên tuyến đường Quyết thắng. Ngày 7/6/1972 Quốc hội và Chính phủ tuyên dương Đội TNXP 25 trên đường Quyết thắng danh hiệu Anh hùng. Đây là vinh dự to lớn không riêng đối với cán bộ, đội viên TNXP Đội 25, mà là vinh dự chung của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc. Cả ba nhiệm kỳ với trên 13.800 TNXP của hàng trăm đội TNXP chống Mỹ cứu nước, chỉ có một Đội TNXP 25 với đại đa số là đội viên nữ là được phong tặng danh hiệu Anh hùng vẻ vang. Điều đó khẳng định công lao thành tích của con em các tỉnh hoạt động trên Đường 20 lịch sử.

Tuy nhiên ở nhiều đội TNXP của các địa phương khác, vai trò xung kích dẫn đầu của nữ TNXP cũng rất nổi bật. Không phải chỉ ở hai lĩnh vực sản xuất, chiến đấu mà trong học tập, rèn luyện, xây dựng nếp sống văn hóa, nữ TNXP thời kỳ chống Mỹ cũng xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân rất tiêu biểu.

... Chúng ta cứ nghĩ rằng, những cô gái mười tám, đôi mươi, chưa bao giờ biết cầm đục, cầm tràng, cầm rìu, cầm búa... nhưng thực tế họ đã vào rừng chặt gỗ, cưa xẻ, đục đẽo, sản xuất được 8 xe cải tiến, tăng năng suất từ 20% đến 193%, trở thành lá cờ đầu của C112 (thuộc Công trường núi Thành).

Một hình ảnh tiêu biểu khác là tại A5 và A7 của C107 thuộc công trường Ba Gia, cô Lực A trưởng A5, người yêu của anh Bảo, A trưởng A7 cùng nhập ngũ một ngày, cùng hoạt động trong một đơn vị. Cả hai người cùng quyết tâm phấn đấu; thi đua với nhau và trở thành 2 A đạt năng suất cao nhất của toàn đội, thường xuyên đạt năng suất 180-190%.

Những đội viên TNXP gái của Thủ đô Hà Nội, mới rời ghế nhà trường, quen sống trong gia đình thành phố với nhiều điều kiện thuận lợi, nay đã tình nguyện hăng hái xin gia nhập Đội TNXP 51 của Thủ đô. Đội có trên 400 nam nữ, trong đó nữ chiếm 72%.

Riêng Đại đội 512 toàn nữ được phân công hoạt động trên địa bàn rộng với nhiều trọng điểm địch đánh phá ác liệt của Thủ đô. Đại đội vừa san lấp hố bom, đảm bảo mạch máu giao thông luôn thông suốt, vừa vận chuyển hàng hóa vừa làm nhiệm vụ ứng cứu các trọng điểm địch đánh phá ác liệt. Hai bến phà qua sông Hồng, sông Đuống, ga xe lửa Yên Viên, ga xe lửa Văn Điển, đường 6 đi Hòa Bình là địa bàn thường xuyên Đại đội có mặt.

Tháng 12/1967, đơn vị đang đóng quân ở ga Văn Điển thì được lệnh cấp tốc về ứng cứu, giải phóng nhanh hàng hóa trên bãi sông Hồng. Mặc dù ban đêm, trời tối như mực, giá rét cắt ruột, nhiệt độ xuống 100C nhưng cán bộ, đội viên phải ngâm mình dưới nước suốt đêm để cứu vớt 23m3 gỗ, các bè tre nứa và gạo để tránh bom đạn địch.

Trong trận đánh ngày 19/5/1967, một đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô bị trúng bom, toàn đại đội đã lao vào cứu chữa, kẻ vác đạn, người cứu thương ngay tại trận địa mà không hề nao núng. Đội viên Nguyễn Thị Vầng, tuy vóc người nhỏ bé nhưng tinh thần rất đáng khâm phục, chị đã vác mỗi lần hai hòm đạn 57 ly.

Ở đường 12A trên đất Quảng Bình, Đại đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Thành C759 anh hùng chỉ huy đơn vị chiến đấu với địch hàng trăm trận. Nhiều lần để giải phóng xe nhanh, động viên, cổ vũ tinh thần của đơn vị, chị đã đứng trên quả bom nổ chậm để chỉ huy đơn vị. Hành động anh hùng của chị đã làm yên lòng đồng đội, động viên cổ vũ mọi người không sợ hy sinh, quyết tâm làm nhiệm vụ sửa đường.

Lê Thị Nguyệt - Chính trị viên phó Đại đội Đội TNXP 23 được biệt phái làm công tác vận tải phục vụ chiến đấu của chiến trường X thuộc Đoàn 559 trên đỉnh Trường Sơn. Được phân công phụ trách một cung đường rừng dài 20 cây số, là đoạn đường hiểm trở với nhiều đèo dốc, đá tai mèo, lúc lên dốc đá dựng đứng, lúc tụt xuống vực sâu thăm thẳm, phải dắt tay nhau, dìu nhau mới trèo lên, tụt xuống được, có những đoạn đường phải lách qua bụi rậm, đi lại vừa chậm, vừa mệt mỏi, không đảm bảo định mức trên giao. Anh chị em trong đại đội thấy vậy thiếu phấn khởi, tư tưởng diễn biến không thuận lợi. Trước tình hình đó đồng chí Nguyệt đã đi sâu giúp đỡ, động viên từng người, dần dần cảm hóa được chị em. Thấy quang gánh lủng củng khó đi, nhất là lúc lên dốc xuống dốc, lúc chui vào bụi rậm, đường hẹp, đồng chí có sáng kiến lấy tải bọc chặt gạo như một khúc gỗ rồi vác lên vai mà đi, mỏi vai này, thay vai khác. Mọi người làm thử thấy dễ đi hơn, không bị vướng, không lủng lẳng, khi lên xuống dốc lại đầm chân. Năng suất trước đây 1 gánh chỉ được 24 cân, nay vác được 38 cân, riêng chị Nguyệt thường xuyên vác 50 cân.

Kinh nghiệm vận chuyển gạo của chị Nguyệt được báo cáo điển hình tại Hội nghị tổng kết TNXP toàn miền Bắc và được phổ biến áp dụng cho các binh trạm.

Đại đội 459 TNXP toàn con gái được chuyển toàn bộ sang quân đội, thành một đại đội công binh thuộc Đoàn 559 ở núi rừng Trường Sơn làm nhiệm vụ vận chuyển súng đạn về tây Quảng Bình. Tuyến đường bị địch đánh phá vô cùng ác liệt, tổn thất khá lớn, có trận hy sinh trên 10 chị em, nhưng tất cả chị em vẫn kiên cường, dũng cảm, bám đường quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong một trận đánh, chị em đang vận chuyển súng đạn, bị địch đánh trúng đội hình, nhiều anh chị em đã kịp lao vào hầm, nhưng còn một số chị em lúng túng, không phát hiện được hầm nên một số bị thương vong. Chị Nhãn (quê xã Thanh Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) từ trong hầm lao ra cứu đồng đội, dưới làn bom đạn và máy bay địch gầm rú. Chị bình tĩnh đưa hết người này đến người khác vào hầm. Cứu đến người cuối cùng thì chị bị trúng bom. Đồng đội được cứu sống, nhưng chị đã anh dũng hy sinh.

Chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sự xuất hiện các tập thể, cá nhân nữ TNXP tiêu biểu rất phổ biến, ở các đội và các địa phương... Ngay chị em dân tộc ít người, lần đầu tiên được sống, làm việc trong một đơn vị tập thể TNXP cũng thể hiện rõ những ưu điểm và bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Họ cố gắng phấn đấu vươn lên, không chịu thua em, kém chị, con gái không chịu thua kém con trai, việc gì con trai làm được con gái cũng làm được.

Các đội viên Đội TNXP 233 thuộc tỉnh Lai Châu - bao gồm đủ 15 dân tộc: Thái, Mèo, Kinh, Hà Nhì, Mán, Lao, Xá, Nhắng, Puốc, Công Xi, La Lủ, Hoa, Dao… Anh chị em dù gặp nhiều khó khăn vì không quen người, quen việc... nhưng mọi người rất tự hào, phấn khởi khi được tham gia phong trào “ba sẵn sàng”. Và chính ở đây, điển hình của đơn vị luôn luôn được “tôn vinh” là ngọn cờ đầu vẫn thuộc về nữ TNXP. Tiểu đội 3 thuộc Đại đội 3 là đơn vị toàn con gái do cô Ha Nu - dân tộc Hà Nhì làm tiểu đội trưởng.

Tiểu đội luôn thể hiện tinh thần yên tâm phấn khởi, từ khi bắt đầu ra quân không có người nghỉ không có lý do, không có ốm vờ, không ai bỏ trốn. Đại đội giao bất cứ việc gì, dù khó khăn, mới mẻ, toàn tiểu đội đều hăng hái thực hiện nghiêm chỉnh.

Những con số tổng kết khái quát sau đây giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá đúng hơn vai trò xuất sắc và đáng khâm phục của nữ TNXP:

+ Trong số trên 13 vạn 8.000 TNXP của cả 3 nhiệm kỳ, có trên 7 vạn là nữ. Nhà nước ta phong tặng 3 anh hùng, có 2 là nữ và truy tặng 10 anh hùng thì cả 10 là nữ TNXP.

+ Bác Hồ đặc biệt gửi thư khen một đại đội TNXP có thành tích xuất sắc toàn diện C333, đơn vị này cũng hầu hết là nữ.

+ Trong 3 tập thể TNXP hy sinh, ở ba trọng điểm địch đánh phá ác liệt nhất của ba tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận là địa danh lịch sử quốc gia thì hầu hết những liệt sỹ hy sinh đó là nữ TNXP

- 10 cô gái TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

- 13 TNXP hy sinh tại Truông Bồn (Nghệ An) có 11 nữ và 2 nam.

- 13 TNXP hy sinh tại Núi Nhồi (Thanh Hóa) và 4 thanh niên công nhân trong đó có 2 nữ.

Cùng với lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước miền Bắc, ở Liên khu 5 (cũ), TNXP giải phóng miền Nam cũng có vai trò rất quan trọng và đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những tập thể và cá nhân tiêu biểu lập công xuất sắc và hy sinh dũng cảm mà lịch sử và nhân dân đời đời ghi nhớ thuộc về những người con gái miền Nam.

Vì chưa có sự sưu tầm tổng kết đầy đủ nên ở đây chỉ nêu một vài điển hình tiêu biểu của nữ TNXP:

Ở miền Nam, lực lượng TNXP được tổ chức và giao nhiệm vụ phục vụ quân giải phóng chiến đấu như: Đào hầm, xây kho, vận chuyển vũ khí, lương thực, cáng tải chăm sóc thương binh, thu dọn chiến trường và tham gia chiến đấu khi cần thiết.

Tổ chức TN XP được thành lập theo biên chế tiểu đoàn và giao cho các sư đoàn, các quân khu trực tiếp quản lý sử dụng và chăm lo cả về đời sống, trang cấp như quân đội.

Họ thường xuyên bám sát quân đội, phục vụ chiến đấu.

Trận chiến đấu tháng 6/1966 ở mặt trận Lộc Ninh diễn ra vô cùng ác liệt, nhiều chiến sỹ ta hy sinh và bị thương. Đội TNXP phục vụ chiến đấu ở đây vô cùng căm thù giặc Mỹ và thương tiếc đồng đội. Trong tình thế bức bách của cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt, phải nhanh chóng cứu chữa thương binh, Ban chỉ huy Đội TNXP ra lời kêu gọi: Tất cả đảng viên, đoàn viên, đội viên TNXP hãy dũng cảm xông lên cướp chiến trường... Liên tục 4 đợt liền, hết tổ này đến tổ khác xông lên cứu được 13 chiến sỹ bị thương chuyển ra tuyến sau cứu chữa.

Ở một vị trí cách địch 50m, một cô TNXP mật danh Bé Nga thuộc đơn vị TNXP 2136 đã dùng tấm thân nhỏ bé của mình làm điểm tựa che chắn đạn cho thương binh, vừa băng bó, cấp cứu được hàng chục thương binh qua khỏi hiểm nghèo trước lúc chuyển về tuyến sau.

phan 6 TNXP  anh 2
Bà Bùi Thị Mè - Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ CMLTCHMNVN tặng Bằng khen của TW Đoàn cho các nữ chiến sĩ thi đua TNXP giải phóng miền Nam Ảnh: T.L

Chị Võ Thị Rậm đơn vị TNXP 2311, thương đồng đội mình hy sinh, đã xông lên cõng chiến thương ra ngoài và cuối cùng chị đã bị thương nặng. Trước lúc nhắm mắt, chị còn trăng trối: “Hãy bắn thật nhiều Mỹ để trả thù cho đồng bào, đồng chí”.

Hoặc tấm gương tiêu biểu Đoàn Thị Liên, Đội TNXP 112, bình thường là một cô gái dịu dàng, luôn vui cười, ca hát, khi vào việc thì luôn xung phong nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn. Trong 18 tháng đi TNXP chị đã phục vụ 12 trận chiến đấu của quân đội giải phóng miền Nam và trận nào cũng diễn ra vô cùng ác liệt.

Nhiệm vụ của chị là vừa cáng tải, vừa chăm sóc thương binh. Với tình thương yêu ruột thịt, chị chăm sóc tận tình như một mẹ hiền, chị nấu cháo, bón từng thìa cho thương binh ăn, rửa mặt, băng bó vết thương như một hộ lý giỏi. Nhiều lần chị ngồi hàng giờ cho thương binh dựa để các anh đỡ phần đau đớn.

Trong một trận đánh ở cầu Lé trên đường 13, Đoàn Thị Liên cùng đồng đội bám sát trận địa, phục vụ chiến đấu. Trận đánh diễn ra ngày càng ác liệt; chị bám sát một mũi tiến quân, xông xáo tiến lên, cứu được hai thương binh đưa về tuyến sau... Chị lại tiếp tục xông lên cứu tiếp... Kẻ địch phản công, Liên tiếp tục cõng thương binh vào hầm trú ẩn. Vì hầm chật Liên nhường cho thương binh ẩn nấp, chị lao ra nấp sau một gò mối, quan sát, chuẩn bị tiến lên làm tiếp nhiệm vụ cứu thương... Bất ngờ Liên bị một mảnh đạn văng trúng người, chị khuỵu xuống. Pháo địch vẫn liên tiếp nổ tới tấp vào trận địa của quân ta, nhiều quả nổ ngay trước cửa hầm có thương binh ẩn nấp.

Liên không yên tâm, cố gượng dậy, lao ngay đến cửa hầm, lấy thân mình che cửa hầm để anh em thương binh ở trong được an toàn. Một quả đạn nổ tiếp ngay trước cửa hầm, Đoàn Thị Liên hy sinh anh dũng. Đồng đội nằm trong hầm đã được cứu sống.

Tấm gương hy sinh anh dũng lấy thân mình che hầm bảo vệ thương binh được coi như một Phan Đình Giót của nữ TNXP ở miền Nam.

Còn một tấm gương tiêu biểu khác xuất hiện trong trận đánh quyết tử của một đơn vị TNXP do chị Nguyễn Thị Hoàng Anh phụ trách.

Ngày 8/2/1970, trong một chuyến đi công tác, đơn vị TNXP của chị (đơn vị 14/8 thuộc liên đội 9 TNXP) bị địch phản kích, chặn đường. Bọn địch bao vây chặt đơn vị, cho máy bay đến quần đảo trên đầu để uy hiếp, kết hợp dùng pháo bắn phá vào đội hình, cho xe tăng xông thẳng vào trận địa hòng bắt sống gọn cả đơn vị. Được lệnh rút về tuyến sau nhưng cả đơn vị của Hoàng Anh xin quyết tâm ở lại chiến đấu cùng đồng đội.

Cuối cùng trong tay chị chỉ còn một quả lựu đạn do một đồng chí bộ đội bị thương trao cho, Hoàng Anh rút chốt, cầm chắc trong tay chờ địch tiến đến... Vì ở giữa bãi trống, không thể ngụy trang, nên bọn địch phát hiện được nơi chị nấp... Sau khi bắt sống được chị Lê Vân - người đồng đội của chị, hai tên Mỹ hầm hầm xông đến định bắt sống chị... Chị cố sức chống lại quyết liệt. Thấy vậy hai tên Mỹ nữa xông vào tiếp sức để quyết bắt sống chị. Chỉ chờ cơ hội ấy, Hoàng Anh bật dậy, giơ tay buông quả lựu đạn... Lựu đạn nổ, cả bốn tên Mỹ chết ngay tại chỗ và chị cũng anh dũng hy sinh.

Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã kịp thời biểu dương hành động anh dũng, bất khuất của chị và truy tặng chị Huân chương Chiến công hạng II.

Ở Liên khu 5 lực lượng TNXP nói chung và nữ TNXP nói riêng cũng thể hiện rõ bản chất anh hùng, thông minh, sáng tạo của người phụ nữ Việt Nam ta.

Cũng giống như lực lượng TNXP giải phóng khác, TNXP Liên khu 5 được thành lập gắn với các đơn vị vũ trang chiến đấu và làm nhiệm vụ chủ yếu là vận tải lương thực, súng đạn, cáng tải, chăm sóc thương binh, phục vụ các chiến dịch.

Tiểu đoàn 2 TNXP hầu hết là con em quê hương Quảng Nam, Quảng Ngãi, tuổi đời còn rất trẻ. Tiểu đoàn có 522 đội viên, nữ chiếm 98% nên thường gọi là “Tiểu đoàn 2 vận tải nữ” do đồng chí Phạm Thị Thao làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Võ Thị Kim Thanh làm chính trị viên trưởng. Đặng Thị Mãi làm chính trị viên phó, Nguyễn Thị Thu làm tham mưu trưởng.

Trong các đợt thi đua, nhiều kiện tướng đã xuất hiện. Chị Nguyễn Thị Huấn, chính trị viên phó C3 đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua 3 năm liền, bình quân một năm chị vận tải được 17 tấn; riêng năm 1971 chị đạt 265 ngày công. Chị đã vận chuyển được 19.590kg, có chuyến chị gùi l05kg, có lần chị gùi cả nòng pháo ĐK 25 cao 2m, kèm theo cả phụ tùng cồng kềnh.

phan 6 TNXP  anh 3
Ảnh: T.L đơn vị bám theo dây lần từng bước vượt

Trần Thị Lâu, chính trị viên phó đại đội, cũng đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua bốn năm liền. Năm 1972 chị đạt 274 ngày công, vận chuyển được 19.760kg. Có những lần, vận tải trên những con đường hiểm trở, mưa to, lũ lớn, phải vượt qua sông suối, nước chảy xiết người khó lội qua, chị có sáng kiến kiếm dây rừng buộc chặt hai bên bờ để Gánh đạn cối phục vụ bộ đội chiến đấu qua. Nhưng đến lượt chị, vì nước lũ ngày càng lên cao, dòng nước chảy xiết, nên đến giữa dòng dây bị đứt, chị bị nước lũ cuốn đi... Chị hy sinh để lại sự thương nhớ, cảm phục của đồng đội.

Địch đánh phá ngày càng ác liệt, phương tiện thám thính của chúng ngày càng hiện đại. Tiểu đoàn 2 nữ TNXP phải thường xuyên chiến đấu với cả giặc Mỹ tàn ác với đủ loại bom đạn và “giặc trời” vì mưa nắng, lũ lụt bất thường. Điển hình như trận đánh ở Quế Sơn, 13 nữ chiến sỹ TNXP gùi hàng từ chiến khu về Quế Sơn, khi trở về bị địch phát hiện, chúng sử dụng một lực lượng lớn phục kích bao vây từ 16 giờ chiều đến sáng hôm sau. Các nữ TNXP dũng cảm đánh trả quyết liệt. Trong trận chiến đó có 6 chị hy sinh, 6 chị bị thương, chỉ một người sống sót.

Đây là sự hy sinh rất oanh liệt của một tập thể nữ TNXP.

Để ghi lại sự tích anh hùng và công lao to lớn của Tiểu đoàn 2 vận tải nữ, Mặt trận dân tộc giải phóng đã tặng thưởng tiểu đoàn vận tải Huân chương Giải phóng hạng Ba... Các chị Trần Thị Thao, Nguyễn Thị Huấn, Trần Thị Lâu, cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ khác đều được tặng thưởng huân chương các loại.

Bác Hồ đã xúc động, gửi tặng huy hiệu của Người. Cục Hậu cần Quân khu 5 tặng Tiểu đoàn 2 nữ làm công tác vận tải danh hiệu: “Kiện tướng hành lang, gương mẫu đảm đang, chân đồng vai sắt”.

... Thực tế nữ TNXP đã trở thành một lực lượng chủ yếu góp phần quan trọng trong chiến công chung của toàn bộ lực lượng TNXP thời chống Mỹ.

Vì vậy chúng ta cần nhìn nhận đánh giá thật khách quan, đúng mức vai trò lịch sử và sự hy sinh, cống hiến của nữ TNXP thời chống Mỹ. Và chúng ta coi công lao, thành tích của nữ TNXP thời chống Mỹ là một trong những biểu tượng rực rỡ nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của phụ nữ Việt Nam ta trong thời kỳ chống Mỹ. Họ đã đóng góp thành tích xứng đáng trong sự nghiệp cách mạng và tô đậm trang sử vẻ vang của dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ trên mặt trận Giao thông vận tải.

(Theo “Nữ TNXP một thời oanh liệt”)

Thanh niên xung phong làm nghĩa vụ Quốc tế

Từ năm 1972 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia bước vào giai đoạn quyết liệt. Thực hiện thỏa thuận giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng nhân dân Cách mạng Lào, 2-5-1972 Tổng đội TNXP 572 được thành lập, tăng cường lực lượng lao động cho Ban 64 thuộc Bộ GTVT đang làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào.

Tổng đội TNXP 572 được thành lập với 5 Đội TNXP N269, N261, N255, N257, N253 gồm 24 đại đội với 4.000 cán bộ thanh niên con em nhân dân 3 tỉnh Thanh Hóa, Nam Hà, Vĩnh Phú. Đây là “Lần đầu tiên trong lịch sử con gái Việt Nam xuất dương đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào”.

Sau những thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu mở rộng chiến tranh sang cả hai nước Lào và Campuchia.

Ta quyết định giúp bạn Lào mở rộng, nâng cấp tuyến đường chiến lược 64km từ căn cứ địa cách mạng Viêng-xây đến biên giới Việt Nam, đặt tên là 217B. Đây là con đường chiến lược hết sức quan trọng đi qua núi rừng, khe suối hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.

Sống, lao động, chiến đấu trên đất bạn, mọi khó khăn anh chị em đều phải tự lực tìm cách giải quyết. Càng xa quê hương, Tổ quốc họ càng đoàn kết, thương yêu gắn bó với nhau.

Nét nổi bật của Tổng đội TNXP 572 là toàn tuyến đường do lực lượng TNXP thi công, ngành quản lý sử dụng chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế công trình và chăm lo đời sống. Suốt thời gian thi công con đường 217B, phong trào thi đua được phát động liên tục và sôi nổi, từng đợt, từng đợt.Nhiều tiểu đội, đại đội, thường xuyên hoàn thành vượt mức kế hoạch, như Đại đội 9 thuộc Đội TNXP 259 thi công một đoạn đường dài 6km, suốt 60 ngày thi đua liên tục, toàn đội hoàn thành trước thời hạn 10 ngày.

Hoàn thành xong con đường dài 64km, theo nguyện vọng của bạn, Tổng đội làm thêm con đường nội thị Viêng-xây dài 10km. Đây là Thủ đô kháng chiến của TƯ Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Mặt trận Neo lào Hắc Xạt, sau đó còn làm thêm một số công trình khác như xây dựng trường học, nơi ở, nơi làm việc của cơ quan lãnh đạo TƯ bạn.

Vì bạn, vì mình, vì tình hữu nghị và tình đồng chí, Tổng đội 572 đã phấn đấu không mệt mỏi, xây dựng con đường hữu nghị lịch sử này vừa đẹp, vừa chất lượng cao, như một cán bộ cao cấp của bạn đã nói: “Một ước mơ ngàn đời đã trở thành sự thật”.

Hoàn thành nghĩa vụ 3 năm, gần 300 TNXP được tuyển chọn đi học tại các trường đào tạo. Còn đa số tình nguyện tiếp tục ở lại đất bạn để tham gia xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch như quốc lộ 6, quốc lộ 1 (đoạn Nậm Nơn, Mường Hiềm), quốc lộ 8…

Xét công lao thành tích to lớn của đơn vị, hai Nhà nước Việt Nam và Lào đã tặng thưởng cho đơn vị 7 Huân chương các loại và hàng trăm Huân, Huy chương khác cho cá nhân có thành tích xuất sắc.

Ngày 24-3-1985 tại Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Quốc hội và Chính phủ đã tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lao động vẻ vang cho Xí nghiệp Xây dựng đường 572.

(Theo “Lịch sử truyền thống TNXP” NXB Giao thông vận tải - 2002)

Thành tích phục vụ chiến đấu và chiến đấu của Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước

… Tính chung cả 3 nhiệm kỳ, lực lượng TNXP đã thành lập 200 đội và đại đội độc lập, gồm trên 14 vạn TNXP (>50% là nữ); Đã làm mới 2.195km đường chiến lược, đường vòng, đường tránh, đảm bảo giao thông trên 3.000 cây số; trấn giữ 2.526 trọng điểm của 53 con đường; tham gia xây dựng 6 sân bay…

* Trong cuộc chiến cam go đó, lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã bắn rơi 15 máy bay, bắt sống 13 giặc lái Mỹ và 6 tên biệt kích.

- Thành tích học tập văn hóa: Xóa mù chữ cho 998 thanh niên. Nâng trình độ cấp I từ 50% lên 98%; Nâng trình độ cấp II từ 4% lên 57%; Nâng trình độ cấp III từ 5% lên 37%.

- Xây dựng Đảng: Số đảng viên chiếm tỷ lệ từ 3,1% lúc đầu, sau 3 năm đã đạt 23%.

- Xây dựng Đoàn: Tỷ lệ đoàn viên từ 50,3% lúc đầu, sau 3 năm đạt 99%.

- Cung cấp cho quân đội: 15.722 người.

- Cử đi học: 14.888 người.

- Chuyển vào các cơ quan TƯ: 8.043 người.

* Khen thưởng:

- Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho TNXP các thời kỳ.

- Huân chương Hồ Chí Minh cho TNXP chống Pháp, chống Mỹ.

- Huân chương Độc lập hạng Nhất cho TNXP chống Mỹ nhiệm kỳ I.

- Danh hiệu Anh hùng cho 3 tập thể: Đội TNXP 25 trên Đường 20 Quyết thắng: Đại đội TNXP 759 (Quảng Bình) và đại đội TNXP 551 (Hà Tĩnh).

- Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 27 cá nhân. Trong đó, truy tặng 10 cô gái hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc, 13 TNXP hy sinh ở Truông Bồn và 4 cá nhân khác là Nguyễn Thị Kim Huế, Đinh Thị Thu Hiệp, Nguyễn Trí Ân và Đoàn Thị Liên (TNXP giải phóng miền Nam).

* Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam đã được ủy ban TƯ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cờ truyền thống thêu 12 chữ vàng: “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang”. Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam còn được thưởng: - 1 Huân chương Thành đồng hạng Nhất; 1 Huân chương Quân công hạng Ba; 3 Huân chương Thành đồng hạng Ba; 18 Huân chương Giải phóng hạng Nhất; 62 Huân chương Giải phóng hạng Hai; 217 Huân chương Giải phóng hạng Ba…

(Theo “Bác Hồ với TNXP” NXB Giao thông Vận tải - 1998)

Ngã ba Cò Nòi và những con người bất tử

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tuy chỉ hoạt động trong vòng 4 năm (1950 – 1954), nhưng lực lượng TNXP đã chứng tỏ vai trò xung kích của mình và đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

phan 6 TNXP  anh 4

Một trong những địa danh gắn liền với trang vàng truyền thống của TNXP thời kỳ chống Pháp là ngã ba Cò Nòi. Đó là một thung lũng hẹp và sâu thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, nơi tiếp giáp giữa quốc lộ 6 (đoạn từ Hòa Bình đi Sơn La) và đường 13 (đoạn từ Yên Bái sang). Ngã ba Cò Nòi là một điểm nút nằm trên con đường độc đạo đi từ đồng bằng Bắc bộ lên Điện Biên. Mọi vận chuyển, tiếp tế từ miền xuôi phục vụ cho Điện Biên Phủ đều phải qua đây. Chính vì vậy trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngã ba Cò Nòi trở thành một trọng điểm ác liệt, địch cho máy bay ném bom bắn phá suốt ngày đêm nhằm ngăn chặn đường vận chuyển của ta tiếp tế quân lương cho bộ đội ở Điện Biên Phủ. Về phía ta cũng bằng mọi giá phải đảm bảo giao thông ở ngã ba quan trọng này được thông suốt để các đoàn xe và các đoàn dân công vận chuyển hàng ra tiền tuyến. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà lực lượng TNXP là nòng cốt, phải hoàn thành.

Trong những ngày tháng ác liệt đó, liên tục bám trụ ở ngã ba Cò Nòi có 4 đại đội TNXP là C300, C301, C303 và C403 với tổng số gần 1.000 đội viên. Các chiến sĩ TNXP đã dũng cảm bám đường, kiên quyết không để xe bị tắc.

Cường độ đánh phá của địch ngày càng ác liệt, nhất là từ sau ngày 13-3-1954 khi đợt tiến công thứ nhất vào cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Hầu như không có ngày nào, đêm nào, giờ nào mà máy bay địch không ném bom, bắn phá từ ngã ba trở lên. Bom đạn cày nát mặt đường, hố bom chồng chéo lên nhau. Lúc mưa xuống thì mặt đường thành một bãi lầy, TNXP phải chuyển đá, rải cây cho xe qua… Có ngày địch ném xuống cái ngã ba nhỏ hẹp này tới 300 quả bom các loại; Cả khu vực không còn cái gì nguyên vẹn, chỉ là màu đỏ quạch của đất đá liên tục bị cày xới vì bom.

Nhưng tất cả đều không ngăn được quyết tâm của các chiến sĩ TNXP: Không thể để đường bị tắc! Chiến trường Điện Biên Phủ đang kêu gọi; Tất cả cho chiến thắng! Đó là mệnh lệnh, là ý chí không gì lay chuyển nổi của các chiến sĩ TNXP tại đây. Đêm cũng như ngày, họ san lấp mặt đường, phá bom nổ chậm, cứu người, cứu xe… dưới làn bom đạn của giặc. Công việc của họ không chỉ là vất vả mà còn có cả sự hy sinh xương máu. Hàng trăm đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh ở ngã ba lịch sử này. Nhưng sự hy sinh ấy đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ. Cho nên họ là những con người bất tử: Ngã ba Cò Nòi trong mấy chục ngày đêm quyết chiến ấy đã đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh, lịch sử của lực lượng TNXP anh hùng.

Ngày nay, tại Ngã ba Cò Nòi một khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP đã được xây dựng khang trang, gồm nhà tưởng niệm và tượng đài, phù điêu. Đó là một công trình văn hóa, mỹ thuật, kết hợp giữa kiến trúc hiện đại với bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện sự tôn nghiêm, hoành tráng với sự tôn kính và lòng biết ơn các liệt sĩ TNXP đã hy sinh anh dũng vì Tổ quốc. Nơi đây đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Ngọc Hà

Kim Yến (st)
Còn nữa

Bài viết khác: