Đội 36 đoàn “XP” TNXP thời chống Pháp
Nằm trong khuôn khổ của Đoàn Thanh niên xung phong mới, ký hiệu là “XP”, đội Thanh niên xung phong 36 được thành lập vào mùa Xuân năm 1953 tại Hồng Thái, Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, giữa lúc cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn quyết định mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Lịch sử ra đời và trưởng thành của Đội 36 đoàn “XP” đã ghi những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử chung của lực lượng TNXP thời kỳ chống Pháp. Đặc biệt, Đoàn “XP” và Đội 36 TNXP đã vinh dự được Bác Hồ quan tâm chỉ đạo trực tiếp về nhiều mặt cơ bản.
Đại đội 407 đón nhận cờ thi đua khá nhất của Bác Hồ (2/1955) Ảnh: T.L
Theo đó, năm 1953, rút kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Đội TNXP công tác Trung ương, Bác đã chỉ ra mục đích, nhiệm vụ, phương thức công tác của TNXP theo một quy chế dân chủ, rõ ràng; TNXP được biên chế thành các đơn vị bán vũ trang, được hưởng chế độ cung cấp như quân đội. Bác cũng nhấn mạnh rằng: TNXP phải có quyết tâm lớn trong việc xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó việc dễ và phục vụ kháng chiến đến thành công, sẵn sàng đi tới những nơi khó khăn gian khổ nhất. TNXP phải thông qua thực tiễn chiến đấu và phục vụ chiến đấu để rèn luyện con người, tạo tiền đề vững chắc để sau này trở thành những cán bộ phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước.
Cũng nhờ có sự chỉ đạo sáng suốt của Bác mà Đoàn “XP” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý.
Mặt khác, chính sự ra đời và có mặt của TNXP Đội 36 Đoàn “XP” vào thời điểm quan trọng mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, đã giúp cho lực lượng quân đội có điều kiện chiến đấu thắng lợi trên chiến trường ác liệt. Hầu hết các trọng điểm đều có mặt các TNXP Đoàn “XP”, như: Tuyến Sơn La, Lai Châu có Đội 34, 40; ở ATK - Thủ đô kháng chiến có Đội 36, tại tuyến giao thông chiến lược từ Thái Nguyên đến biên giới phía Bắc có Đội 38… ở đâu Đoàn cũng phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt qua muôn vàn gian khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc. Xương máu của TNXP, cùng với những hy sinh của bộ đội đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.
Trong quá trình đó, Đội 36 Đoàn “XP” bao gồm những thanh niên ưu tú được lựa chọn từ các tỉnh miền núi phía Bắc, trung du, khu III , Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã tỏ rõ khí phách anh hùng ngay tại ATK – Thủ đô kháng chiến trong những ngày tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến. Quân số của đội lúc cao nhất là 2.500 người, gồm 17 đại đội (từ C261 đến C277); Địa bàn hoạt động chủ yếu của Đội 36 trong thời gian này là ở chân Đèo Muồng thuộc chợ Chu huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và ở Kim Quan, Yên Sơn (Tuyên Quang).
Tới khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn quyết định thì C269 và C274 được chuyển thẳng sang bộ đội chủ lực trực tiếp tham gia chiến đấu. Nhưng đồng thời, vinh dự đặc biệt của Đội 36 là được trực tiếp phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước tại ATK; cùng với lực lượng công an, quân đội, tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: Tuần tra canh gác, bảo vệ ATK – Thủ đô kháng chiến; mở rộng, khôi phục tuyến đường bộ liên tỉnh Thái Nguyên – Tuyên Quang qua Đèo Muồng (Thái Nguyên) sang Thành Cóc, Kim Quan (Tuyên Quang) nằm ở trung tâm ATK trung ương và đường nội bộ liên cơ quan ở ATK; Đội còn tham gia đào hầm kiên cố xuyên núi phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhằm phòng tránh sự đánh phá ác liệt của địch, bảo vệ cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến; xây dựng nhà ở, hội trường, kho bãi, vận chuyển cung cấp lương thực, vũ khí…
Từ các nhiệm vụ quan trọng được giao, các C đều có phương án tác chiến và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ ATK một cách tốt nhất. Đội 36 đã nhiều lần vinh dự được Bác đến thăm và động viên, căn dặn. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, các đại đội C266, C272 và C275 đã được giao nhiệm vụ làm nhà ở cho Bác, cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương và khu vực ngoại giao Đoàn tại Vai Cày… Tới khi về Hà Nội, Đội 36 còn được giao nhiệm vụ chuẩn bị chỗ ở và nơi làm việc cho Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị, tham gia xây dựng lễ đài Quảng trường Ba Đình chuẩn bị lễ đón Bác và Trung ương Đảng, chính phủ về Thủ đô…
Kể từ khi được thành lập cho tới khi kết thúc kháng chiến thắng lợi, quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ, đội viên Đội 36 TNXP luôn phát huy phẩm chất của TN XP, phấn đấu hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng đất nước và xây dựng tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Trung Hà
Đội 38 đoàn “XP ” - Những dấu ấn tự hào
Một lớp học bổ túc văn hóa của TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp Ảnh: T.L
Tháng 3 năm 1953, trước yêu cầu nhiệm vụ khẩn trương của công cuộc kháng chiến, Đoàn TNXP mới (ký hiệu là XP) được thành lập với nhiệm vụ “Xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó, việc dễ và phục vụ cho đến kháng chiến thành công”; gồm 4 Đại đội (C): 261, 263, 264, 266. Đoàn có nhiệm vụ đảm bảo giao thông, xây dựng kho tàng, phục vụ chiến đấu ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang và ở ATK…
Tiền thân của Đội 38 chính là Đại đội 261 của Đoàn TNXP mới (XP). Cuối năm 1953, toàn đội có 2.000 người, được tổ chức thành các Đại đội: 276, 277, 278, 279, 280, 281, 282, 283, 284. Trụ sở BCH Đội đóng ở Kéo Coong (Thái Nguyên).
Sau khi ra đời, Đội 38 được giao nhiệm vụ làm nòng cốt, cùng với dân công mở đường 1B Thái Nguyên - Đồng Đăng để tiếp nhận hàng hóa viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác. Công việc được thực hiện trong điều kiện địch đánh phá thường xuyên, thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn nhiều thứ nên rất gian khổ. Nhưng toàn Đội vẫn luôn quyết tâm vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Đó là hoàn thành tuyến đường chạy dài từ biên giới Việt Trung đến Thái Nguyên nối với quốc lộ số 3, kịp thời phục vụ cho mặt trận Điên Biên Phủ và trở thành con đường lịch sử. Với cán bộ, đội viên Đội 38, những địa danh, những trọng điểm như: Đồng Bẩm, Kéo Coong, Vũ Lề, Bình Gia, Bắc Sơn, đèo Kéo Sỉnh, đèo Tam Canh, cầu Khánh Khê… mãi mãi là kỷ niệm không bao giờ phai mờ.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang, sau ngày hòa bình, Đội 38 tiếp tục tham gia xây dựng và góp phần hoàn thành nhiều công trình lớn phục vụ công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước sau chiến tranh, như đường sắt Mục Nam Quan – Kép (Bắc Giang); khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội – Nam Định, Hà Nội – Việt Trì, Yên Bái, Lào Cai… Công việc nặng nhọc, điều kiện khó khăn thiếu thốn, nhưng không gì ngăn được ý chí và quyết tâm sắt đá của toàn Đội. Cũng chính vì vậy, cùng với lực lượng TNXP nói chung, cán bộ đội viên của Đội 38 luôn tự hào về Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.
Ngọc Anh
Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam
Niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam Lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (tập trung) được thành lập khi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành chuyển từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”. Hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu ồ ạt kéo vào miền Nam nước ta.
Chiến trường chính, nơi đọ sức quyết liệt giữa lực lượng chủ lực hai bên là miền Đông Nam Bộ. Nơi đây, địch gom dân, kềm kẹp gắt gao, thực hiện triệt để chính sách cướp sạch, đốt sạch, giết sạch tàn bạo. Trong bối cảnh đó, vấn đề phục vụ bộ đội chủ lực chiến đấu, trở nên cực kỳ khó khăn, cấp bách. Không thể sử dụng dân công thông thường, chiến trường chính của lực lượng chủ lực bấy giờ, đòi hỏi một lực lượng phục vụ thật đặc biệt, rất cơ động, linh hoạt sát cánh với bộ đội như bóng với hình trong mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh.
Trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới, được sự lãnh đạo của Trung ương Cục, Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ nhất, tháng 3 năm 1965 - đã phát động phong trào “5 xung phong” trong đó có xung phong đi dân công phục vụ chiến đấu. Lúc bấy giờ ở các tỉnh, thành đều có tổ chức Thanh niên xung phong đi phục vụ chiến trường tại địa phương.
Ngày 20-4-1965, Đội Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam đầu tiên làm lễ xuất quân với 108 nam, nữ cán bộ, đoàn viên, thanh niên rút từ các cơ quan trực thuộc Trung ương Cục, nòng cốt là cơ quan Trung ương Đoàn. Tiếp theo đó, từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, từ đồng bằng sông Cửu Long từng đoàn thanh niên xung phong đã vượt sông suối núi rừng, vừa hành quân vừa đánh địch, lần lượt tập trung về R. Mười một đội, mỗi đội có quân số tương đương một đại đội, nhanh chóng được thành lập. Về sau, từ các đội đã hình thành 3 Liên đội 5, 7, 9 sát cánh phục vụ ba sư đoàn chủ lực 5, 7, 9 của quân giải phóng.
Vừa xuất quân, thanh niên xung phong đã phục vụ ngay có hiệu quả các trận đánh Mỹ nổi tiếng đầu tiên: Phước Long, Đồng Xoài, Bông Trang - Nhà Đỏ... Ngay từ buổi đầu, thanh niên xung phong đã rất được bộ đội yêu mến, tin cậy. Trước các trận đánh, thanh niên xung phong đi chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết về hậu cần. Trong các trận đánh thanh niên xung phong sát cánh với bộ đội, cùng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, khiêng chuyển chiến thương ra tuyến sau. Sau trận đánh, thanh niên xung phong vẫn ở lại thu dọn chiến trường, không để sót thương binh. Trên đường về hậu cứ, trong mưa bom lửa đạn, có biết bao trường hợp thanh niên xung phong đã lấy thân mình che chở cho thương binh quyết không để anh em bị thương lần thứ hai.
Chỉ trong thời gian từ tháng 4/1965 đến tháng 4/1968, quân số từ 108 người lên 5000 người (2/3 là nữ), một Đội lên 11 Đội, 03 Liên đội, trường huấn luyện và các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần được tăng cường, đảm bảo cho chỉ đạo, chỉ huy của Tổng đội.
Nhằm giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng cho cán bộ, đội viên, từng đơn vị lấy danh, phiên hiệu theo ngày, tháng thành lập, tên anh hùng liệt sĩ hoặc trận đánh, địa danh nổi tiếng của địa phương v.v… Những tên Đội, nhiều năm gắn bó, máu xương không thể quên như: Đội 198 Thành Đồng; 29 Hiệp Hòa anh dũng (LA); 2311 Hoàng Lê Kha (TN ); 112 Phú Lợi căm thù (TDM); 1265 Bình Giã chiến thắng (BH, BR, BT); 2012 Nguyễn Văn Tư (BT); 2163 ấp Bắc 2 (MT); 32 Tây Đô (CT ); 239 Nguyễn Việt Khái (CM); 1167 Đông Xuân quyết thắng (TV ). Phiên hiệu của các Liên đội gắn với phiên hiệu của các sư đoàn chủ lực (9, 5, 7).
Từ năm 1969 – 1972, sau tổng tấn công Mậu Thân 1968, để giành lại thế chủ động trên chiến trường, địch bung ra đánh phá rất quyết liệt. Tổng đội nhận nhiệm vụ chuyển các Liên đội sang đảm trách các tuyến đường vận chuyển trọng điểm phục vụ cho bộ đội, bám trụ đánh địch phản kích… Thực hiện nhiệm vụ này trong thời điểm cực kỳ khó khăn, lực lượng bị tổn thất Mậu Thân 1968 chưa kịp bổ sung, địch phản công chiếm lại nhiều vùng quan trọng, cắt đứt nhiều tuyến vận chuyển huyết mạch của ta… Nhiệm vụ lúc này không còn phối thuộc mà phối hợp với 1 số Đoàn hậu cần để thực hiện nhiệm vụ, nên việc tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy của Tổng đội phải thay đổi cho phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Liên đội 9 phối hợp với Đoàn 82 xây dựng và đảm trách tuyến vận chuyển Tây Ninh – Dầu Tiếng.
Liên đội 5 phối hợp với Đoàn 84 (T7) Bà Rịa – Long Khánh nối với Bình Long, Phước Long.
Liên đội 7 phối hợp với các đoàn 70, 83 địa bàn Dầu Tiếng – Chơn Thành – Bến Cát (khu tam giác sắt) và chuyển lên phối hợp Đoàn 85 nối tuyến Nam Trường Sơn (Nam Bắc sông Măng, Bình Long).
Đầu năm 1971 theo cấp trên chỉ đạo, Tổng đội vận động tuyển quân (TN Việt Kiều CPC) nhận quân của liên đội TNXP phân khu II (Long An), rút cán bộ, đội viên của Tổng đội xây dựng một tiểu đoàn 600 quân, trang bị mạnh, phiên hiệu D 601 phối hợp với bộ đội, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Campuchia (Lon-nôn đảo chính Xi-ha-núc).
Năm 1969 – 1972 là giai đoạn lực lượng TNXP chịu đựng nhiều gian khổ, khó khăn ác liệt và hy sinh nhiều nhất để bám trụ địa bàn, tuyến đường trọng điểm mà Mỹ tăng cường đánh phá rất ác liệt và góp phần giải phóng một số vùng rộng lớn của Campuchia.
Đầu năm 1973, nhận chỉ thị của Trung ương Cục, Thường vụ Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ cho Tổng đội tổ chức 01 tiểu đoàn, quân số 450 người, trang bị đầy đủ chuyển sang công an vũ trang miền Đông Nam Bộ, phiên hiệu D579. Thành lập Đoàn 1 (Thiên Ngôn) tiếp đón, nuôi dưỡng 3.500 cán bộ, chiến sĩ được trao trả và tuyển chọn 160 cán bộ, đảng viên tăng cường cho các khu, tỉnh, thành. Lập trường văn hóa thanh niên trực thuộc Thường vụ Trung ương Đoàn, đào tạo cán bộ và tham gia tiếp quản Sài Gòn – Gia Định 30/4/1975.
TNXP tập trung không thời hạn của các khu, tỉnh… Nam Bộ (B2) cùng thời điểm đưa quân xây dựng lực lượng TNXP của miền (R), các tỉnh phát triển xây dựng lực lượng phục vụ cho bộ đội chủ lực tại địa phương.
Tháng 4/1967, Khu ủy Khu 6 (T6) cực nam Trung Bộ thành lập Đoàn vận tải H50, nòng cốt là C2 TNXP Bình Thuận, phát triển thành 7 đại đội (Đội) gồm các đơn vị TNXP Hàm Thuận, Phan Thiết, Hàm Tân, Hoài Đức, Thuận Phong, Hòa Đa và Tuy Phong, mở tuyến đường từ Phước Long đến Bình Thuận, chuyển vũ khí, lương thực phục vụ cho chiến trường cực Nam Trung Bộ (số quân mỗi Đại đội 100 – 150 người).
Đầu năm 1967 đến Mậu Thân 1968, các tỉnh miền Trung Nam Bộ (T2), mỗi tỉnh thành lập một Đội, các tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho, Long An thành lập 2 đội, mỗi đội quân số 150 – 200 người, Phân khu II (Long An) thành lập 1 Liên đội phối hợp với Liên đội 9 TNXP miền phục vụ Tổng tấn công Mậu Thân (1968).
Tháng 8/1967, miền Tây Nam Bộ (T3) thành lập liên đội 1 (500 người), thành lập Liên đội 2 phục vụ tổng tấn công Mậu Thân (473 người) và sau Mậu Thân 1968 xây dựng tuyến đường 1C từ biên giới Campuchia (Hà Tiên) đến Cà Mau, phục vụ cho chiến trường miền Tây Nam Bộ, được mệnh danh là “con đường lửa – máu”.
Ngoài lực lượng TNXP tận trung không thời hạn, các tỉnh còn tổ chức TNXP cơ sở có thời hạn 3 tháng, 6 tháng làm nòng cốt cho huy động dân công hỏa tuyến, xây dựng vùng nông thôn giải phóng v.v… Bến Tre có hơn 10.000, Mỹ Tho, Long An có 5.000 và các tỉnh có từ 500 đến 1000 đội viên. Hình thức, nội dung hoạt động của TNXP cơ sở đa dạng, phong phú và cũng chịu nhiều gian khổ, hy sinh.
TNXP thồ vũ khí phục vụ mặt trận Ảnh: T. L
Trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu, lao động, học tập, rèn luyện, tổng đội TNXP GPMN của miền (R) lập được những thành tích rất đáng tự hào (số liệu 6 năm):
- Phục vụ 641 tận đánh cấp trung đoàn trở lên, vận chuyển 20.513 tấn vũ khí, lương thực… (chủ yếu bằng đôi vai); ra trận địa nhận 9.062 thương binh đưa về tuyến sau; trực tiếp chăm sóc, bảo vệ 2.077 thương binh và tiếp đón, nuôi dưỡng 3.500 cán bộ, chiến sĩ được trao trả; đào 1.535 hầm phẫu thuật (52.913m3 đất); xây dựng 8 bệnh viện dã chiến; 272 kho chứa hàng (10 – 20 tấn); mở 284 km đường thồ (29 km đường ô tô) và bắc 21 cây cầu cho xe thồ…
- Trực tiếp chiến đấu trên 40 trận từ cấp trung đội đến cấp tiểu đoàn. Diệt và bắt sống 1.119 tên địch (556 lính ngụy, 286 Mỹ, 7 Pắc chung hy, 270 lính Lon-nôn Campuchia), bắn cháy, phá hủy 10 xe tăng M. 113 và 5 máy bay… thu nhiều vũ khí.
- Chuyển sang công an vũ trang 1 tiểu đoàn và quân đội 1 đại đội tổng số 600 người; đào tạo và chuyển 242 cán bộ về tăng cường cho các địa phương; đào tạo 642 cán bộ nghiệp vụ, chuyên môn và xóa mù chữ (hết lớp 4) cho 732 người.
Với chân đồng, vai sắt, thanh niên xung phong khiêng thương, tải lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược, đi trên nhiều đoạn đường dài hiểm nguy, bất chấp bom đạn, gió mưa, đêm tối, mắt đăm đăm nhìn thẳng về phía trước. Với cái “bụng thần tiên”, thanh niên xung phong dù ăn uống thanh đạm, kham khổ, thiếu thốn, lắm lúc đói cơm lạt muối, vẫn phục vụ hết mình. Nhiều trường hợp, thanh niên xung phong thay cho thương binh cầm súng hoặc cướp vũ khí của địch diệt địch, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, bắt sống tù binh Mỹ và chư hầu, phá hủy xe tăng, bắn rớt trực thăng địch…
Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam là một trong những hình ảnh đẹp đẽ, tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam anh hùng trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc.
Lê Quang Thành (Nguyên Bí thư Trung ương
Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam)
Liên đội 9 Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam
Ngày 20/4/1965, lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam ra đời, khởi đầu bằng đội C100.
Ngày 19/8/1965, Liên đội 9 Thanh niên xung phong thành lập, khởi đầu là Đội 198 (Đội Thành Đồng) theo cơ chế Đại đội. Ngày 23/9/1965 thành lập Đội 239 (Đội Nguyễn Việt Khái) và ngày 20/12/1965 phát triển thêm Đội 2012 (Đội Đồng Khởi).
Như vậy, Liên đội 9 là Liên đội hình thành sớm nhất của Tổng đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam và gắn liền với Sư đoàn 9 quân giải phóng miền Nam trực tiếp đụng đầu với cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ từ những ngày đầu tiên.
Liên đội đã trực tiếp phục vụ các trận đánh lớn của quân chủ lực ở Bầu Bàng (2 và 3), Dầu Tiếng, Căm Xe, Nhà Đỏ - Bông Trang, Cần Đâm, Cần Lê, Sa Cát v.v...
Trực tiếp phục vụ bộ đội qua các chiến dịch lớn đánh quân Mỹ như: At - tơn - bo - rơ (1966), Xê-đa-phôn (1967), Gian-xơn Xi-ty (1967).Thành tích phục vụ của Liên đội:
- 401 trận lớn, nhỏ
- Băng bó, sơ cứu và tải thương 6.415 cáng, trực tiếp chăm sóc 1.240 thương binh.
- Vận tải trên 1 vạn tấn gạo, không kể súng, đạn các loại và nhiều thành tích chiến đấu trực tiếp để bảo toàn lực lượng.
- Sư đoàn 9 tặng Liên đội 9 lá cờ thêu 14 chữ vàng: “Đoàn kết khiêm tốn, phục vụ chí tình, sống anh dũng, chết vinh quang”.
- Liên đội có phong trào thi đua nổi tiếng: “3 rút ngắn” (nhận nhanh, đi nhanh, giao nhanh).
Nhận nhanh: Ràng, cột từ 1 giờ xuống còn 30 phút.
Đi nhanh: Qua cầu người đi trước trở lại rước người đi sau.
Giao nhanh: Giao nhận xong đi về đường khác không để đụng đầu ách tắc giao thông.
Liên đội 9 là đơn vị Thanh niên xung phong có nhiều tấm gương cá nhân, tập thể tiêu biểu xứng đáng là lá cờ đầu của lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam.
(Theo “Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam...”
Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh xuất bản - 2001)
Đội Thanh niên xung phong 198 “Thành Đồng”
Đội Thanh niên xung phong “Thành Đồng” là một trong những đơn vị có nhiều tuổi đội nhất trong các đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam.
Là một đơn vị TNXP có nhiều kinh nghiệm phục vụ chiến trường, được tôi luyện nhiều năm, nên ngoài thành tích vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí đạn dược, bám sát bộ đội dưới làn bom pháo để làm nhiệm vụ, Đội còn có thành tích nổi bật về phát huy sáng kiến trong lao động, dũng cảm xông xáo trong phục vụ chiến đấu, kiên trì và quyết tâm trong công tác xây dựng nội bộ về các mặt.
Trong công tác phục vụ chiến đấu, anh chị em trong đội đã luôn luôn tìm cách cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất vượt chỉ tiêu đề ra. Nơi hỏa tuyến, các anh chị em luôn luôn nâng cao tinh thần phục vụ quên mình. Với tinh thần đó, trong một năm, đội Thanh niên xung phong “Thành Đồng” đã phục vụ 12 trận đánh lớn nhỏ. Có trận phải cùng bộ đội ăn cơm vắt 8 ngày liền, nằm phục kích chờ giặc. Có trận ngoài hành trang của mình, mỗi người phải mang 4,5 trái đạn cối 82 ly. Có nhiều cuộc hành quân hàng trăm cây số, nhưng không một anh chị em nào than vãn. Trong phục vụ chiến đấu, có nhiều yêu cầu đột xuất đề ra, nhưng các anh chị em trong đội Thanh niên xung phong “Thành Đồng” đều xông vào đáp ứng với tinh thần tự giác rất cao.
Cũng chính trong khung cảnh phục vụ chiến đấu rất gian khổ này, tình thương yêu đồng đội được thử thách và luyện rèn. Mặc dù công tác ở chiến trường thiếu kém về vật chất, nhưng anh chị em luôn luôn phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến để cải thiện đời sống vật chất của Đội.
Nhờ tổ chức chỗ ăn, chỗ ở và cải thiện đời sống vật chất được tốt, nên tỷ lệ quân số phục vụ luôn đạt cao; Có lúc lên đến 100%. Thành tích trên đây, đã nói lên sự cố gắng vượt bậc của Đội thanh niên xung phong “Thành Đồng”. Họ xứng đáng là những chiến sĩ “Thành Đồng” của lực lượng TN XP giải phóng miền Nam.
(Theo “TNXP giải phóng miền Nam”
Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh xuất bản - 2001)
Truyền thống hào hùng của Thanh niên xung phong khu V
Phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, cuối năm 1953, Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chủ trương mở mặt trận Bắc Tây Nguyên nhằm đánh bại cuộc càn át-Lăng nằm trong kế hoạch Nava của giặc Pháp. Liên khu ủy Liên khu V chủ trương “Huy động nỗ lực cao độ của Đảng bộ và quân dân toàn khu ra sức chiến đấu giữ vững vùng tự do, đồng thời tập trung sức lực phục vụ đắc lực mặt trận Bắc Tây Nguyên”. Liên khu Đoàn V vận động thanh niên thành lập các chi đội, liên chi đội thanh niên xung phong hỏa tuyến, đợt đầu gần l.000 đội viên phục vụ mặt trận Đường 19, An Khê, Mang Đen, Mang Bút và phục vụ bộ đội tấn công giải phóng thị xã Kon Tum tiêu diệt hơn 2.000 tên địch, buộc Bộ Chỉ huy quân sự Pháp bỏ dở cuộc càn át-Lăng ở Phú Yên. Tháng 4-1954, để thống nhất tổ chức thanh niên xung phong tập trung, các đơn vị thanh niên xung phong hoả tuyến gấp rút bổ sung quân số và hình thành biên chế tiểu đội, trung đội, đại đội, mỗi đại đội có từ 200 đến 250 đội viên. Đúng ngày 20-4-1954, Tổng đội thanh niên xung phong Liên khu V gồm 4.000 cán bộ, đội viên mang phiên hiệu TĐ204 chính thức ra đời do đồng chí Phó Bí thư Đoàn Liên khu Lê Văn Chắt làm Tổng đội trưởng.
Qua một thời gian phục vụ chiến đấu, có gần l.000 đội viên thanh niên xung phong được tuyển chọn bổ sung vào các đơn vị quân đội. Tổng kết thành tích phục vụ chiến dịch Bắc Tây Nguyên có 15 đội viên thanh niên xung phong được bầu là chiến sĩ thi đua, đặc biệt có 3 chiến sĩ thi đua tiêu biểu nhất là các đồng chí vừa là nội dung, vừa là phương thức hoạt động đặc biệt quan trọng của Đoàn và được chú trọng không chỉ ở vùng giải phóng, căn cứ cách mạng mà còn được giáo dục, vận động thanh niên, học sinh, sinh viên trong các đô thị và vùng địch tạm chiếm. Trong thời gian trước và sau cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, hàng trăm học sinh, sinh viên các thành phố Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang đã tìm cách hóa trang, tạo thế hợp pháp thoát ly lên vùng căn cứ kháng chiến tham gia lực lượng Thanh niên xung phong. Một số cấp bộ Đoàn trong vùng địch kiểm soát đã vận động, giác ngộ thanh niên, tổ chức được một số Đội Thanh niên xung phong bí mật hoạt động làm nhiệm vụ phục vụ các đội vũ trang tuyên truyền diệt ác ôn, đào hầm bí mật, bảo vệ cán bộ, chăm sóc, cứu chữa và chuyển thương binh ra vùng giải phóng... Ban Thường vụ Khu Đoàn V lập bộ phận chỉ đạo toàn bộ lực lượng Thanh niên xung phong các địa phương, vừa trực tiếp phụ trách Tổng đội Thanh niên xung phong mang tên Quyết Thắng gồm 2.000 đội viên có nhiệm vụ bám theo phục vụ các sư đoàn bộ đội chủ lực và trực thuộc Cục Hậu cần quân khu V. Ngoài ra còn có một số tiểu đoàn Thanh niên xung phong hoạt động dưới sự chi đạo của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 Quân Giải phóng.
Ở hầu hết 10 tỉnh Khu V, các Tỉnh Đoàn đều tổ chức các Đội Thanh niên xung phong tập trung, tổng quân số toàn khu có trên 15.000 đội viên. Đặc biệt, Tổng đội Thanh niên xung phong Hắc Hải của tỉnh Quảng Ngãi lúc cao nhất có 12.000 đội viên và đã tuyển chọn trên 500 đội viên bổ sung vào quân đội thành lập trung đoàn 240 trực thuộc Quân khu.
Được tôi luyện trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng vạn Thanh niên xung phong Khu V cùng với hàng chục vạn thanh niên xung phong cả nước tuân theo lời dạy của Bác Hồ, thật sự đã trở thành một binh chủng đặc biệt, phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi oanh liệt của dân tộc; Đồng thời đã tôi rèn bản chất cách mạng, trở thành một đội ngũ cán bộ đông đảo thuộc các lĩnh vực, các ngành, các cấp phục vụ tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Nguyễn Thanh Lương
(Cựu thanh niên xung phong Khu V)
Đội TNXP 25 với Đường 20 quyết thắng
Một kỳ tích ở Trường Sơn... Đường 20 Quyết Thắng xuyên qua Trường Sơn hùng vĩ trong những năm đánh Mỹ được coi là con đường huyền thoại. Nhắc đến Đường 20 Quyết Thắng như nhắc đến một bản hùng ca ngân vang trong đại hợp xướng về đường Hồ Chí Minh lịch sử, đảm bảo chi viện kịp thời, hiệu quả cho chiến trường miền Nam. Đường 20 nối từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn được mở, nhằm phá thế độc đạo của đường 12, khắc phục túi nước Xiêng Phan gây ách tắc toàn bộ hoạt động vận chuyển, đi lại vào mùa mưa ở Trường Sơn; đồng thời đáp ứng yêu cầu chi viện sức người, sức của ngày một lớn cho chiến trường trong điều kiện đế quốc Mỹ từ “chiến lược chiến tranh đặc biệt’’ chuyển sang “chiến lược chiến tranh cục bộ” và tăng cường đánh phá hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn vào miền Nam.
Đường 20 Quyết Thắng khởi đầu từ Phong Nha qua Aki - Talê - đèo Phu Lai Nhích, dài 125km, trong đó có 41km xuyên qua vùng núi đá hết sức hiểm trở. Theo chỉ lệnh của Quân ủy Trung ương, thời gian thi công không quá 105 ngày, tức là mỗi ngày phải làm xong trên 1km đường rừng hiểm trở, nhất là đoạn 41km đường xuyên vùng núi đá. Lễ phát lệnh mở đường vào lúc 17h30 ngày 30 tết Bính Ngọ (1966), toàn tuyến nổ đợt bộc phá đầu tiên đón xuân mở màn chiến dịch. Tham gia mở đường cùng với bộ đội và các lực lượng khác có các đội TNXP: Đội 25 Hà Nam, Đội 23 Hà Tĩnh, Đội 4 Ninh Bình, Đội 3 Quảng Bình - Nghệ An, sau này được bổ sung thêm Đội 8 Thái Bình - Hà Tây và TNXP nhiệm kỳ 2 của Thanh Hóa. Trong tổng số trên 4000 người, đội viên nữ chiếm trên 40%. Với phương châm triển khai nhanh, hiệu quả, đảm bảo bí mật, việc mở đường vận hành theo phương thức chia công đoạn cuốn chiếu, tổ chức thi công liên tục. Đường mở tới đâu, được ngụy trang tới đó, bằng việc chăng dây leo và cây rừng để che mắt địch. Trên toàn tuyến đường, các lực lượng đều hừng hực khí thế thi đua lao động; nổ mìn phá đá, tay choòng, tay búa, tay cuốc, tay xẻng ai cũng lao động quên mình, quên ngày, quên đêm. Vượt qua sự soi mói đánh phá của địch, vượt qua gian khổ khó khăn của cuộc sống trong rừng già âm u giữa mùa mưa tầm tã, ẩm ướt, quần áo phơi không khi nào khô, bệnh tật, ghẻ lở... đặc biệt là bệnh sốt rét rừng hoành hành, sau 77 ngày đêm làm việc cật lực với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ngày 27/4/1966 Đường 20 Quyết Thắng đã được thông tuyến, cho vận chuyển nội bộ; tới ngày 31/5/1966 những chuyến hàng chi viện đầu tiên bằng xe cơ giới cho miền Nam qua Đường 20 được thực hiện, phục vụ kịp thời cho chiến trường đánh lớn thắng to.
Trong các đơn vị TNXP tham gia mở đường và đảm bảo giao thông, đơn vị tiêu biểu nhất là đội TNXP 25 – những cô gái, chàng trai của quê hương Hà Nam (đơn vị này có sự lãnh đạo song trùng của Binh trạm 14 đoàn 559, Ban Xây dựng 67 và Trung ương Đoàn). Đội 25 được tuyên dương Anh hùng năm 1972 (năm 1970 Đội 23 và Đội 25 sáp nhập thành đội 25). Đội 25 TNXP là một trong những lực lượng tham gia bổ nhát cuốc đầu tiên mở Đường 20 và là một trong những chủ công tại đây trong những năm tháng đảm bảo thông đường cho xe qua; Đội đã phải chống chọi với sự đánh phá khốc liệt của địch. Chỉ tính riêng năm 1967, đoạn đường do đội 25 phụ trách đã phải chịu đựng 1454 trận đánh phá bằng máy bay phản lực và 32 trận máy bay B52 ném bom rải thảm. Tính bình quân mỗi đội viên phải chịu đựng trên 100 quả bom cỡ lớn, chưa kể hàng vạn quả bom bi, đạn 20 ly, đạn rốc két...
Mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, mức độ oanh kích đánh phá của địch càng tăng lên gấp bội hòng bịt chặt cửa khẩu vượt Trường Sơn, hủy diệt vị trí yết hầu con đường ra trận của ta.
Chỉ tính trong thời gian này, bình quân mỗi đội viên Đội TNXP 25 phải chịu đựng 145 quả bom cỡ lớn. Riêng trọng điểm cua chữ A do C5 thuộc Đội TN XP 25 đảm nhận, phải chịu đựng 969 lần oanh kích của pháo đài bay B52, ngày cao nhất có tới 23 lần chiếc B52 đánh phá với trên 10.000 tấn bom. Bình quân mỗi người trụ ở cua chữ A phải chịu đựng 606 quả bom cỡ lớn, chưa kể trên 2000 trận đánh phá bằng máy bay phản lực với hàng vạn tấn bom đạn các loại. Đêm đêm địch thả 600 - 700 quả pháo sáng trên trọng điểm để phát hiện mục tiêu và uy hiếp tinh thần của những người mở đường, có thời gian địch đánh phá liên tục cả tháng trời, cả đại đội bất chấp hy sinh, gian khổ, lăn lộn không kể ngày đêm, cứu xe, san đường… nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ C5 không lùi bước. Với ý chí quyết tâm sắt đá: “Máu chúng ta có thể đổ nhưng đường chúng ta không thể tắc”, “Quyết tử cho cua chữ A quyết thông”, trong bất kỳ hoàn cảnh địch đánh phá ác liệt đến mức nào C5 vẫn đảm bảo thông đường, thông xe.
Có ngày cao điểm ở cua chữ A, sau 15 giờ chiến đấu liên tục đơn vị đã phá gần 100 quả bom, đắp thêm 3.000m3 đất, nối lại được đoạn đường dài 700m, phục vụ các đoàn xe vận tải cấp tốc ra chiến trường.
Nhiều đội viên TN XP đã dũng cảm vượt qua bom đạn giặc để đảm bảo mạch máu giao thông luôn chảy. Nhiều anh chị em như Nguyễn Thị Liệu, Lê Thị Phương Thảo, Lại Thị Tuyết... đã dùng dù pháo sáng quàng vào người đứng thành hàng cọc tiêu sống trong nhiều giờ liền ở ngầm Ta Lê hướng dẫn đoàn xe hàng trăm chiếc vượt trọng điểm giữa lúc tiếng máy bay, tiếng bom đạn vang rền...
Đường 20 Quyết thắng, con đường được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên” đã đi vào tâm khảm của hàng nghìn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã tham gia mở đường và cả thế hệ trẻ kế tiếp nhớ về con đường 20 huyền thoại, nhớ tới những liệt sĩ, những người anh hùng như: anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Nhạ, anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Vân Liệu, anh hùng Vũ Tiến Đề, anh hùng Nguyễn Phong Lưu…; nhớ về những năm tháng hào hùng của một thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết đã cống hiến cả tuổi xuân cho con đường. Trong cuộc chiến đấu và lao động vô cùng quyết liệt ở Đường 20 Quyết Thắng, Đội TNXP 25 nói chung và C5 nói riêng đã tỏ rõ bản lĩnh kiên cường, dũng cảm của thanh niên Việt Nam thế hệ Hồ Chí Minh. Riêng C5 đã có 52 liệt sỹ (trong số 92 liệt sỹ TNXP của tỉnh Hà Nam hy sinh trên Đường 20 Quyết Thắng và trong tổng số 321 liệt sỹ TN XP của tỉnh Hà Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước) và có 04 người được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng: Nguyễn Thị Vân Liệu (Anh hùng LLVT - 2000), Nguyễn Thị Nhạ (Anh hùng LLVTN D - 1968), Nguyễn Phong Lưu (Anh hùng Lao động - 1968), Vũ Tiến Đề (Anh hùng Lao động - 1968)… Toàn Đội TNXP 25 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và C5 cũng đang được đề nghị Đảng và Nhà nước xét tặng danh hiệu cao quý này.
Trong đạn bom ác liệt cùng bao khó khăn, gian khổ, với chiến công mở đường và đảm bảo thông đường cho những chuyến xe qua, lực lượng TNXP làm nhiệm vụ trên Đường 20 Quyết Thắng vinh dự góp phần thực hiện thắng lợi chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”. Đó là biểu hiện của ý chí kiên cường, của sự thông minh, sáng tạo; biểu hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng TNXP, của tuổi trẻ đội 25. Đứng ở tuyến đầu, TNXP là một trong những lực lượng tiêu biểu góp phần làm nên thắng lợi trong việc khai mở và đảm bảo cho những con đường chiến lược huyết mạch ra chiến trường luôn được thông suốt, góp phần làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để có một mùa xuân đại thắng trọn vẹn của dân tộc - mùa xuân năm 1975 lịch sử trong thế kỷ XX hào hùng.
Lê Phương Thảo
Đội TNXP 303 trên đường Trường Sơn năm xưa
Đó là những tháng mùa khô cuối năm 1972. Trên mặt trận đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, một tuyến đường bộ chủ yếu chi viện Bắc Nam, đã qua hơn 10 năm gồng mình hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ, cuộc chiến của bộ đội Trường Sơn chống cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ đã cơ bản thắng lợi. Hiệp định Paris ngày 27-01-1973 được ký kết. Mỹ và chư hầu buộc phải rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Thời cơ chiến lược mới xuất hiện. Chúng ta dồn sức chuẩn bị cho cuộc chiến cuối cùng, đánh đổ tiếp ngụy quyền, thời cơ có một không hai, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước trong một thời gian ngắn.
Trên tuyến chi viện Bắc Nam, bộ đội Trường Sơn chuẩn bị lại thế trận cầu đường mới sẵn sàng chuyển vận toàn bộ sức mạnh mới của miền Bắc chi viện cho miền Nam.
Đội thanh niên xung phong Hà Tây (cũ) nằm trong kế hoạch động viên quy mô lớn này, được Tỉnh uỷ và Tỉnh đoàn Hà Tây (cũ) lãnh đạo, tổ chức tuyển người vào tuyến và được Bộ Tư lệnh Trường Sơn bố trí về trực thuộc cùng với Trung đoàn công binh E98, một Trung đoàn công binh cơ động, vào tuyến sớm nhất, đã qua các chiến trường Trường Sơn, từ Bắc vào Nam, từ Tây sang Đông, lúc này đang đứng chân trên dải tuyến phía đông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam, với một nhiệm vụ khá nặng nề. Được tin này, mọi người đều vui mừng phấn khởi, như được tăng thêm sức mạnh mới.
Một ngày đầu tháng 1-1973, trong một doanh trại nhỏ của cơ quan E bộ E98 ở Trao, lãnh đạo, chỉ huy E98 và cơ quan đã có cuộc gặp mặt và giao nhiệm vụ đầu tiên cho lãnh đạo Đội 303 thanh niên xung phong.
Đội thanh niên xung phong 303 được tổ chức, bao gồm 500 nam nữ thanh niên, các huyện, thị trong tỉnh, hoàn toàn tình nguyện, rất mong được nhanh chóng vào chiến trường, và rất quyết tâm hoàn thành bất kể nhiệm vụ gì, thực hiện lời hứa với quê hương của chiếc gậy Trường Sơn: “Thanh niên Hà Tây ra đi là chiến thắng”. Công việc biên chế được tổ chức khẩn trương và phù hợp. Có đại đội thanh niên được bố trí giữ nguyên, có đại đội được phân tán bố trí trong các đội hình của đơn vị công binh. Nhưng đều có cán bộ 2 đơn vị phụ trách mà E98 là chủ trì. Các cán bộ kỹ thuật được tăng cường đến từng đại đội. Một thời gian ngắn, nếp sinh hoạt làm việc đã như là trong một đơn vị. Toàn đội đã được ra quân trên một tuyến dài gần 150km do E98 phụ trách từ ASầu-ALưới tỉnh Thừa Thiên Huế, qua Bù Lạch, Xưởng Giấy; biên giới Việt Lào đến Trao - Bung - Bến Giàng thuộc tỉnh Quảng Đà. Bao điều mới lạ, bao khó khăn chồng chất mà đơn vị đã trải qua.
Tuyến đường A Lưới- ASầu nằm gọn trong thung lũng phía Tây dài gần 20km trong một địa hình tương đối bằng phẳng, nơi đây đã từng diễn ra cuộc chiến liên tục của bộ đội Trường Sơn gần chục năm trời. Hàng ngàn lần máy bay của địch đã tiến hành đánh phá huỷ diệt, ở đây cũng từng diễn ra cuộc chiến trên bộ giữa bộ đội Trị Thiên, bộ đội Trường Sơn với lính Mỹ - Ngụy, mà điển hình là chiến thắng Cô Ca Va diệt hàng trăm lính thuỷ đánh bộ Mỹ giữa tuyến đường Trường Sơn. Mỹ đã phải bỏ chạy. Một tuyến đường không còn ra đường, bị bom đạn quần tan nát, lầy lội ẩm ướt. Chính nơi đây, đội thanh niên xung phong đã cùng E98 nhanh chóng rải quân, họ chỉ có trang bị đơn sơ, cây cuốc, cây xẻng, chiếc bừa gỗ, ngày ngày đầm mình trong vùng trống trải, thời tiết khô hanh, vùng biên giới khắc nghiệt, không biết nơi đây đã bị đế quốc Mỹ rải hàng chục nghìn lít chất độc màu da cam. Đội vẫn làm việc miệt mài, san lấp hố bom, rải đá mặt đường và hàng ngày căng ra để chống lầy cho các đoàn xe vằn mình đưa hàng ra phía trước.
Bất chấp bom đạn của kẻ thù, những đoàn xe vẫn nối đuôi nhau ra trận Ảnh: T.L
Một số phân đội đã phải sống cùng với núi cao hiểm trở trên biên giới Việt Lào hàng tháng trời. Bù Lạch - Adớt ngày đêm âm u, chỉ thấy sương mù bao phủ, ít thấy ánh sáng mặt trời, nhưng anh chị em vẫn không quản ngại. Một số chị em rất trẻ, một thời gian ngắn, do điều kiện làm việc và sinh hoạt căng thẳng, đã sinh bệnh, nhưng được điều trị tốt, với tinh thần quyết tâm, vẫn ra mặt đường. Có chị em, khi còn ở nhà, đáng ra còn đang độ tuổi được người thân nuôi dưỡng chăm sóc, nhưng nay đã dám một mình với cây xà beng khá nặng, trên ta luy cheo leo cao hàng chục mét, vẫn miệt mài xả đất đá.
Ngày mỗi ngày, những đợt thi đua liên tiếp mở ra. Bằng tư duy sáng tạo, bằng sức mạnh của tuổi trẻ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa người và máy cùng bộc phá, đỉnh núi Adớt - Atep dần dần được chinh phục. Đường hẹp, cua gấp đã được mở rộng. Mặt đường được rải đá tại chỗ để đón các đoàn xe vươn dài ra phía trước. Đoạn Trao - Bung - Bến Giàng dài trên 50km, qua nhiều sông suối trong đó có 2 sông lớn: sông Bung, sông Cái, 1 số đèo cao khối lượng đất đá lớn, nhưng cũng với tinh thần: “Đâu cần thanh niên có. Việc gì khó có thanh niên”, cả đơn vị đã không kể ngày đêm, tổ chức làm việc tốt, đã hoàn thành, thông xe đúng dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 83 của Bác Hồ. Ngày khánh thành thông xe đoạn đường được tổ chức tại Trao, có sự chứng kiến của đồng chí đại diện tỉnh Quảng Đà. Hàng trăm xe vận tải đã chuyển bánh an toàn qua đường mới mang hàng kịp cho chiến dịch giải phóng Nông Sơn - Thượng Đức tỉnh Quảng Đà. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng: đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Thọ Chân đi kiểm tra mặt trận Nam Bộ, trên đường trở ra, về tới Bến Giàng đã tỏ lời khen ngợi các chiến sỹ. Câu thơ: “Xuôi dòng sông Cái, ngược dòng sông Bung” của đồng chí Tố Hữu nói lên tình cảm này. Còn bao gương dũng cảm, lao động quên mình nữa, hầu như chẳng khó khăn nào mà không có bàn tay khối óc của chiến sỹ 303 và E98.
Cuộc sống lao động nhọc nhằn, thiếu thốn suốt ngày liên tục trên mặt đường cũng không làm nao núng tinh thần chiến sỹ bộ đội và TNXP Đội 303. Trong lán trại đơn sơ lợp lá rừng, dưới ngọn đèn dầu leo lét, vẫn vang lên tiếng hát tuổi xuân. Những câu chuyện quê hương đằm thắm, những ngòi bút miệt mài học văn hóa. Họ đã sống đúng với tuổi thanh xuân của đất nước. Những đoạn đường mới mở ngày càng dài ra, những chiến công liên tiếp, và rồi đến một ngày thật vui, thật đáng nhớ, ngày mà E98 cùng Đội 303 cùng đón nhận phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước trao tặng cho E98: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đó là ngày 3/9/1973, buổi lễ được tổ chức tại thị trấn Trao (Đông Giang).
Phấn khởi với phần thưởng cao quý, E98 và Đội 303 vẫn đi tiếp hăng say lao động bất chấp mọi vất vả, khó khăn để tuyến phía Đông hoàn toàn thông suốt và đảm bảo về kỹ thuật. Ngày ngày, vừa lao động, vừa đảm bảo những chuyến xe hàng hóa, trang bị đầy ắp nối nhau ra chiến trường; tất cả như chung một niềm vui, một niềm tin... Chiến thắngto lớn chắc sẽ đến gần và đúng vậy, những tháng cuối năm 1974, con đường Trường Sơn 80km do E98 và 303 phụ trách đã hoàn thành. Toàn tuyến phía Đông đã vận hành thông suốt. Bây giờ không chỉ những đầu xe vận tải mang ký hiệu T.S (Trường Sơn) mà còn nhiều chủng loại xe khác của các quân binh chủng, các xe Nhà nước lũ lượt kéo vào. Nhìn những cỗ pháo nòng dài ngạo nghễ vút qua, những cỗ xe tăng rầm rập xốc tới, đầy lá nguỵ trang: Các chiến sĩ mới, khỏe, trẻ ngồi trên xe, những ánh mắt tràn đầy niềm tin. Người trên xe cơ giới, người rải dưới mặt đường, tất cả dường như có một cảm nhận chung: Tiền tuyến đang vẫy gọi, tuổi thanh xuân không quản khó khăn. Những câu bông đùa vui vẻ giữa hai lớp lính trẻ trên đỉnh Trường Sơn và 2 nhiệm vụ khác nhau, nhưng cùng một mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tỉnh nào đây? Hà Tây đây! Đồng hương ơi. Em ơi. Đợi anh nhé. Một không khí náo nức ra trận ghi lại ấn tượng thật khó quên...
Tháng 3/1975 chiến dịch Tây Nguyên đã mở, thắng lợi ròn rã. Tiếp đến chiến dịch Huế - Đà Nẵng, rồi chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh mang toàn thắng về cho toàn dân tộc. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất...
Đội thanh niên xung phong 303 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về quê hương đất lụa Hà Tây. E98 đã giữ vững truyền thống anh hùng; đội TNXP 303 đã thực hiện đúng lời hứa “Thanh niên Hà Tây đã ra đi là chiến thắng”.
(Trích bút ký của Thiếu tướng Tô Đa Mạn - Nguyên Trung đoàn
Trưởng Trung đoàn 98; Nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 12
Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu Cần)
“Tiếng hát át tiếng bom” niềm tự hào của TNXP thời chống Mỹ
Ngày ấy vào những năm 60-70, nói đến TNXP chống Mỹ ai cũng biết rõ họ không những có thành tích nổi bật trong nhiệm vụ lao động sản xuất, chiến đấu dũng cảm, học tập văn hóa say sưa, rèn luyện nếp sống lành mạnh mà còn có phong trào văn nghệ sôi nổi: “Tiếng hát át tiếng bom”.
Đến bây giờ cũng chưa ai biết được khẩu hiệu: “Tiếng hát át tiếng bom” được sáng tác từ đơn vị nào, và của ai? Nhưng điều chắc chắn đó là của TNXP thời chống Mỹ. Từ khẩu hiệu lịch sử đó, khắp các đơn vị TNXP còn đề ra khẩu hiệu cụ thể để động viên mỗi cán bộ, đội viên TNXP tham gia phong trào “Biết đi là biết múa, biết nói là biết hát, mỗi cán bộ, đội viên TNXP là một diễn viên”.
Hầu khắp các đơn vị TNXP từ đại đội đến đội đều có phong trào văn nghệ rất sôi nổi và xuất hiện nhiều “cây văn nghệ” xuất sắc. Tiếng hát đã vang lên khắp mọi tuyến đường từ thôn xóm đồng bằng đến núi rừng Trường Sơn, tạo nên trong các đơn vị TNXP một cuộc sống vui tươi lành mạnh, lạc quan yêu đời của tuổi trẻ. Tiếng hát thực sự át hẳn tiếng bom đạn rùng rợn của giặc Mỹ, xua tan những gian khổ, khó khăn và căng thẳng mỏi mệt sau những giờ lao động vất vả, chiến đấu ác liệt.
Đặc biệt, trên các trọng điểm địch đánh phá ác liệt suốt đêm ngày, sự động viên an ủi bằng văn nghệ càng quan trọng. Do vậy ngành đường sắt sớm hình thành một đội văn nghệ lưu động, gồm một số nam nữ TNXP xuất sắc được chọn từ nhiều đơn vị, đi biểu diễn phục vụ các trọng điểm chiến đấu ác liệt như Đò Lèn, Hàm Rồng, phà Ghép - Cầu Cấm - Bến Thủy... Những buổi biểu diễn phục vụ dã chiến như vậy đã đưa lại kết quả hết sức to lớn, cổ vũ động viên cả TNXP, cả cán bộ và công nhân ngành GTVT hăng say lao động, chiến đấu, học tập.
Để phục vụ toàn ngành, Bộ GTVT và Đoàn Thanh niên Giao thông vận tải Trung ương đã chính thức thành lập Đội văn công chuyên nghiệp “Tiếng hát át tiếng bom” trực thuộc Bộ GTVT đi phục vụ khắp các đơn vị TNXP trong toàn ngành.
Trong hơn mười năm hoạt động, lúc đầu chỉ có ca hát sau được bổ sung cán bộ, đội viên và có thêm các hoạt động múa, kịch, nhạc, ảo thuật, được trang bị thêm các nhạc cụ, y phục... Tuy nhiên về chế độ chính sách thì vẫn hưởng chế độ cung cấp chung như cán bộ, đội viên TNXP ở các đơn vị.
Do tinh thần hăng hái xung phong, nhiệt tình phục vụ, họ đã vượt qua mọi gian khổ, lội suối, trèo đèo, hành quân hàng vạn cây số, lăn lộn trên khắp mọi nẻo đường mọi trọng điểm, đem lời hát tiếng ca, khúc nhạc và các trò ảo thuật sinh động đến phục vụ TNXP.
Những ai đã thưởng thức một lần đội văn công “Tiếng hát át tiếng bom” biểu diễn đều không quên được tiếng hát đơn ca nam của Ngọc Tiến, đơn ca nữ của cô Quý, tiếng sáo trúc của anh Thăng Long, trò ảo thuật hấp dẫn tài ba của cô Hòa... Họ đã biểu diễn hàng nghìn lần phục vụ cho hàng chục vạn TN XP, cán bộ, công nhân ngành GTVT và bộ đội Trường Sơn. Họ còn được Bộ GTVT điều về phục vụ các kỳ tổng kết, các đại hội chiến sỹ thanh niên ngành GTVT và đặc biệt được biểu diễn báo cáo với Ban chấp hành Trung ương Đảng và biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô.
Say sưa luyện tập, nhiệt tình phục vụ, biểu diễn sôi nổi, nội dung thiết thực, khả năng tổng hợp... là bản chất, là đặc điểm nổi bật của đội văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom”. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đội văn công TNXP cũng giải thể. Một số đội viên được tuyển dụng về phục vụ đúng ngành nghề ở đội văn công các địa phương, một số chuyển ngành nghề đi học và một số trở về địa phương với cuộc sống đời thường. Từ vài năm nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương giải quyết tồn đọng sau chiến tranh. Các hoạt động truyền thống và giải quyết tồn đọng chế độ chính sách đối với TNXP được đặt ra. Anh chị em cán bộ, đội viên trong đội “Tiếng hát át tiếng bom” lại hăng hái xung phong tình nguyện trở lại hoạt động như một đội văn nghệ nghiệp dư. Có chị em ở tận Hải Phòng, Hà Tây (cũ) cũng tình nguyện tham gia, sẵn sàng tập trung đi phục vụ không điều kiện.
Tốp ca của Đội văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom” phục vụ
ngay tại một trọng điểm ở Nghệ An (2/1969) Ảnh: T.L
Họ đã phục vụ các cuộc họp mặt truyền thống hàng năm của cán bộ Đoàn và TN XP ngành GTVT của tỉnh Thái Bình, của tỉnh Hà Tây (cũ), đi vào Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum phục vụ các đơn vị thuộc ngành GTVT và đặc biệt phục vụ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành GTVT, phục vụ yêu cầu của Công đoàn ngành GTVT và phục vụ Hội nghị tổng kết Nghị định 36 của thành phố Hà Nội...
Mặc dù tuổi đã cao, hầu hết đã nghỉ hưu, đã thành ông, thành bà, đời sống vật chất của một số anh chị em vẫn hết sức khó khăn, họ xung phong tình nguyện đi phục vụ không điều kiện, thường phải tự túc ăn ở, đi lại kể cả nhạc cụ của nhiều cá nhân, trừ một vài thứ đắt tiền do Bộ GTVT tài trợ.
Qua nhiều cuộc biểu diễn phục vụ, với bản chất tốt đẹp, truyền thống của đội văn nghệ tiếng hát át tiếng bom năm xưa họ vẫn tiếp tục phát huy.
Họ say sưa nhiệt tình biểu diễn, tình cảm dạt dào, sôi nổi với nhiều tiết mục, nhạc phẩm, nghệ thuật cũ và mới, với chương trình thiết thực, hấp dẫn thu phục lòng người.
Sau mỗi lần biểu diễn không những khán giả quen thuộc mà nhiều khán giả mới nghe lần đầu đều ngạc nhiên, thán phục. Có lẽ chỉ duy nhất có một đội văn nghệ của TNXP và chỉ có tinh thần TNXP mới có khả năng và có tinh thần xung phong tình nguyện phục vụ vô điều kiện như thế.
Tôi đã gặp nhiều anh chị em thăm hỏi, động viên. Họ đều có chung tâm huyết muốn đem hết nhiệt tình, khả năng còn lại để phục vụ TNXP. Dù khó khăn gian khổ thiếu thốn, cứ mỗi lần được đi phục vụ họ cảm thấy tự hào, vui sướng, như được sống lại những ngày sôi động trong tổ chức TNXP chống Mỹ vẻ vang trước đây. Họ coi đó cũng là hạnh phúc và vinh dự của người cựu TNXP.
Điều mong muốn chính đáng của anh chị em là muốn được sự giúp đỡ thiết thực, trang bị thêm nhạc cụ y phục và được giúp đỡ kinh phí đi lại, chi tiêu trong những đợt đi phục vụ. Đó là yêu cầu thật khiêm tốn và chính đáng của anh chị em.
Nguyễn Văn Đệ
Kim Yến (st)
Còn nữa