Thứ bảy, 21/12/2024

Chỉ mục bài viết

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thanh niên xung phong

“- Thưa các anh, các chị thanh niên xung phong năm xưa, là các cụ ông, cụ bà hôm nay! Hiện có mấy đoàn bà con từ Nam Bộ ra đang đợi tôi. Nhưng trên đường đi tôi nghĩ, không đến được với các anh các chị, tức là các cụ ông cụ bà ở đây thì thật rất không hay. Vậy, tôi xin phép nói ít câu vắn thôi, từ tận đáy lòng, rồi tôi còn đi thăm bà con đồng bào đang chờ…

TNXP p4  anh 1
Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam
mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 95 tuổi (8-2006) Ảnh: T.L

Cách nay 50 năm, Đoàn Thanh niên xung phong tập hợp, củng cố lại theo chỉ thị của Bác Hồ, do đồng chí Vũ Kỳ đứng đầu. Đoàn đã thực sự xung phong, xung phong ra mặt trận, cùng nhân dân, quân đội cả nước lập nên những chiến công hiển hách trên các mặt trận, đặc biệt là ở Điện Biên Phủ vĩ đại.

50 năm sau, hôm nay, không ai ngờ, các cụ ông cụ bà là các anh chị năm xưa – tuổi cao, chí khí càng cao, càng xung phong mạnh mẽ và chắc chắn còn mạnh mẽ hơn nữa – dù là lão, vẫn trẻ trung. Chúng ta mong các cụ tiếp tục gương mẫu, tiếp tục xung phong, quý mến nhau, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, đùm bọc nhau, đoàn kết đồng bào, cùng nhân dân và quân đội cả nước tiếp tục xung phong sáng tạo, đổi mới, lập nên những chiến tích mới trên mặt trận kinh tế văn hóa và các mặt trận khác không kém trước kia.

Hôm nay chúng ta nhớ Bác Hồ quá!

Từ tấm lòng, tôi gửi tất cả các anh các chị – nay là các cụ ông cụ bà, những lời chúc tốt đẹp nhất, tâm huyết nhất. Mong rằng các anh, các chị tiếp tục là những người lính xung phong, tuổi cao chí khí càng cao, noi gương Bác Hồ.

Năm nay cả nước kỷ niệm 113 năm Ngày sinh của Người, đặc biệt ở thành phố Vinh, nơi đây đã xây dựng tượng đài cao nhất. Hàng chục vạn nhân dân đã vào Nam Đàn viếng Bác.

Chúc các anh các chị – cụ ông cụ bà có mặt ở đây và không có mặt ở đây, các con em, các cháu (không biết có chắt chưa nhỉ?) – tất cả đều mạnh khỏe, vui vẻ, gương mẫu, tiếp tục học tập, lao động, xung phong, xung phong mãi mãi, làm cho nước Việt Nam ta đã làm nên trận Điện Biên Phủ lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ – sẽ làm nên trận Điện Biên Phủ mới trên mặt trận kinh tế, văn hóa… để tiến kịp các nước trên thế giới…”.

(Trích bài nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các cựu TNXP tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm lần thứ 113 Ngày sinh Bác Hồ kính yêu và kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đoàn TNXP (1953-2003)

Tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là một trọng điểm vô cùng ác liệt - Nơi đây, trong một thời gian dài, đặc biệt là từ sau chiến dịch tết Mậu Thân 1968, địch đã huy động tổng lực đánh phá hủy diệt nhằm ngăn cản sự chi viện của miền Bắc…

Một lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động kể lại: “Tôi nhớ mãi một lần đi qua Ngã ba Đồng Lộc gặp chị em TNXP đang hăng say làm việc trong đêm. Khi biết được tôi, chị em ôm chầm lấy tôi khóc nức nở:

- Bác ơi! Mời bác đi nhanh lên, kẻo máy bay địch đến thả bom, ở đây nguy hiểm lắm. Chia tay các cô, lòng tôi ngậm ngùi. Và không ngờ ít ngày sau tôi nhận được tin chính thức, các cháu gái hôm đó đã hy sinh trong trận đánh ngày 24/7/1968. Tấm gương nghĩa liệt của 10 nữ TNXP làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ đời đời được Tổ quốc ghi công”.

Lời ghi tặng của Đại tướng vào bảng vàng gửi Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc viết rằng: “Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là một trọng điểm địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt hòng cắt đứt tuyến đường huyết mạch nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Quân và dân ta nhất là lực lượng TNXP trên trận tuyến Ngã ba Đồng Lộc đã nêu cao tinh thần chiến đấu anh hùng quyết tâm đánh thắng Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ; dưới mưa bom bão đạn ngày đêm ác liệt vẫn thường xuyên bảo đảm thông đường thông xe ra tiền tuyến, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Nhiều anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để lại tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam. Ngã ba Đồng Lộc trở thành một mốc son chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác.

Việc xây dựng Ngã ba Đồng Lộc thành Khu Di tích Thanh niên xung phong cả nước có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân ta, đặc biệt là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Mỗi khi có dịp đến thăm khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, ai cũng đều cảm  kích trước tấm lòng của vị Tổng Tư lệnh tối cao quân đội đã làm nên những kỳ tích trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Nhân dịp 60 năm ngày Bác Hồ phong quân hàm Đại tướng cho vị Tổng Chỉ huy lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam (28/5/1948 - 28/5/2008), Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại nhớ về một địa danh lịch sử chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng, đó là Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2008); nhớ về sự hy sinh của 10 cô gái TNXP sau chuyến công tác của Đại tướng năm ấy và công lao của thế hệ trẻ. Đại tướng đã chuẩn bị một cây đa và một cây ngọc lan gửi vào trồng ở địa danh lịch sử này.

Chiều 29/5/2008, đoàn cán bộ Hà Tĩnh do ông Hà Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên là Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, dẫn đầu đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và để tiếp nhận cây đa và cây ngọc lan Đại tướng gửi tặng.

Có điều thật kỳ lạ, từ sáng đến khoảng 15 giờ ngày 29/5 trời Hà Nội nắng nóng. Vậy mà khi cây đa và cây ngọc lan được chuyển ra để tặng cho Ngã ba Đồng Lộc là trời bắt đầu mưa.

Trước khi trao tặng quà quý, Đại tướng bước đến cầm lên một cành đa và cành ngọc lan nói: “Tôi và chị Hà cùng gia đình tặng Ngã ba Đồng Lộc cây đa và cây ngọc lan này mong các đồng chí đem về trồng và chăm sóc cây đa, cây ngọc lan mãi mãi xanh tươi nảy lộc ở Ngã ba di tích Lịch sử để tỏ lòng của bản thân và gia đình đối với các liệt sỹ Ngã ba Đồng Lộc.

Một lần nữa tôi gửi tất cả tấm lòng thương yêu đối với các anh chị em đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, mong mãi mãi trường tồn với non sông đất nước”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn trao cho đoàn cán bộ Hà Tĩnh lời khắc ghi để lưu niệm tại Ngã ba Đồng Lộc:

“Ngã ba Đồng Lộc một chiến công chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng, trên đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Bác mãi trường tồn với non sông đất nước”.

Cây đa và cây ngọc lan ấy đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng một số bà con Hà Tĩnh trồng tại Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Thêm một điều kỳ diệu, cả đợt nắng nóng đang kéo dài, chiều ngày 30/5/2008 ấy lại có gió mùa đông bắc bổ sung, nhiều cơn mưa trong đêm rải rác kéo dài đến sáng. Giữa mùa hè nơi gió Lào nắng lửa vậy mà suốt cả tuần, sau khi 2 cây tặng phẩm của Đại tướng được trồng ở Ngã ba Đồng Lộc, thời tiết Hà Tĩnh luôn dịu mát, buổi chiều nào cũng có một trận mưa.

(Biên soạn từ Tiền Phong số 158 ra ngày 6/6/2008)

Thanh niên xung phong những năm tháng hào hùng làm nên huyền thoại

TNXP p4  anh 2
Ảnh tư liệu

Trong hai cuộc kháng chiến - chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng TNXP luôn có mặt ở những nơi địch đánh phá ác liệt nhất. Bom đạn của giặc có thể băm nát những con đường, làm cháy trụi cả rừng cây, hủy hoại những cây cầu qua sông suối..., nhưng sự khốc liệt ấy không lay chuyển được ý chí kiên cường bám trụ, bám đường của những TNXP giàu lòng yêu nước. Trong công cuộc lao động và chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh ấy, TNXP đã làm nên bao “huyền thoại”, ghi bao chiến công xuất sắc, để lại sự cảm phục cho bao thế hệ người Việt Nam và tô thắm truyền thống của TNXP Việt Nam anh hùng.

Thanh niên xung phong Việt Nam Truyền thống đáng tự hào

“Thanh niên xung phong” - chỉ nghe cái tên thôi cũng đã hiểu được rằng, đó là lực lượng thanh niên xung kích, là những người sẵn sàng đi đầu và dấn thân vào nơi khó khăn, gian khổ nhất để lao động, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Điều đó là rất đúng. Nhưng, so với thực tiễn diễn ra trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt mà lực lượng TNXP gánh vác thì quả thật nói như vậy có vẻ chưa xứng tầm. Sự dấn thân của họ, sự hy sinh của họ thật lớn lao, thật anh hùng!

Hơn nửa thế kỷ trước, ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo thành lập tổ chức lực lượng TNXP phục vụ cho các chiến dịch lớn của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng đất nước. Thực tiễn đã chứng tỏ vai trò quan trọng và tác dụng thiết thực, ý nghĩa to lớn của lực lượng TNXP đối với công cuộc kháng chiến. Bất chấp bom đạn dày đặc của giặc, đêm cũng như ngày, mùa mưa cũng như mùa khô, lực lượng TNXP đã vượt qua vô vàn gian khổ hy sinh, chuyển tải hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng cho chiến trường phục vụ kịp thời cho bộ đội chiến đấu. TNXP cũng là lực lượng quan trọng mở đường, san lấp hố bom, thông xe thông tuyến, vận chuyển thương binh…, góp phần đáng kể vào chiến công chung.

Trong các chiến dịch lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP luôn nêu cao ý chí tiên phong, đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, kể cả dưới làn bom đạn ác liệt của giặc, luôn bám đường, bám chắc địa bàn để thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi thì lặn lội ở các mặt trận Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Liêu, Bến Tàu…; khi lại làm đường, vận chuyển vũ khí, đạn dược… phục vụ cho Điện Biên Phủ… Riêng ở Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có trên 15.000 đội viên TNXP phục vụ chiến đấu và có hơn 8.000 TNXP được tuyển vào các đơn vị bộ đội trực tiếp chiến đấu. Trong khi đó, ở chiến trường liên khu V vào cuối năm 1952, có khoảng hơn 4.000 TNXP phục vụ mặt trận Bắc Tây Nguyên và hàng nghìn đội viên TNXP khác được tuyển chọn vào bộ đội.

TNXP p4  anh 3
Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
 của TNXP tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 7 (1997) Ảnh: T.L

Vai trò và chiến công của TNXP trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Việc đảm bảo giao thông vận tải, cung cấp lương thực, đạn dược cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém tình hình chiến đấu từng ngày, từng giờ. Vì vậy nên kẻ địch không thể tưởng tượng chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn ấy. Bọn đế quốc và phản động đã không đánh giá được sức mạnh vĩ đại của một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Trong chiến dịch nếu không có TNXP thì bộ đội cũng sẽ gặp khó khăn. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên, xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi TNXP như bộ đội”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ hy sinh, lực lượng TNXP càng tỏ rõ vai trò to lớn, sức mạnh và ý chí ngoan cường, dũng cảm của mình trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu, cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng vẻ vang.

Chính vì vậy, các đơn vị TNXP trở thành một lực lượng quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân vĩ đại.

Thực tiễn đã cho thấy việc huy động kịp thời lực lượng lớn TNXP tập trung trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một quyết sách rất hiệu quả nhằm chống lại sức mạnh vũ khí tối tân và tàn bạo cũng như mưu ma chước quỉ thâm độc của kẻ thù. Sự ra đời và tác dụng to lớn của lực lượng TNXP cũng là một sáng tạo của cách mạng Việt Nam.

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào trực tiếp xâm lược miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Nhiệm vụ chiến đấu Lễ đón nhận danh hiệu chống lại không quân Mỹ và công tác chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam ngày càng đặt ra với những yêu cầu to lớn và cấp bách. Đảng, Bác Hồ và chính phủ, một lần nữa lại quyết định tổ chức lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung.

TNXP chống Mỹ, cứu nước tập trung có 3 nhiệm vụ: Lao động sản xuất, chiến đấu và học tập. Nhiệm vụ chủ yếu là lao động phục vụ công tác GTVT như: Sửa chữa cầu đường, rà phá bom mìn, làm đường mới, sửa đường cũ, trấn giữ trọng điểm địch đánh phá ác liệt phục vụ công tác vận tải…

Đợt tuyển đầu tiên là 5 vạn TNXP ở 12 tỉnh thành. Chỉ sau 2 tháng vừa tuyển dụng vừa tổ chức hành quân (gần là 20, 30 cây số; xa là 300 – 400 cây số), 5 vạn thanh niên đã có mặt trên các tuyến đường chiến lược: đường sắt, đường goòng, đường bộ 1A, đường 15A xuyên suốt từ miền Bắc vào đến Quảng Bình. Một số tuyến đường chiến lược ở địa phương như đường 7 Nghệ An, đường 8 Hà Tĩnh, đường 12A, 15B Quảng Bình đều có mặt TNXP.

Tiếp theo, đợt 2 của nhiệm kỳ I, tuyển thêm 2 vạn TNXP để có đủ lực lượng tiến vào Quảng Bình sát cánh với lực lượng công binh, bộ đội Đoàn 559, mở thêm nhiều đường mới như Đường 20 Quyết Thắng, đường 21, 22A, 22B, đường 10, đường 16 v.v… tạo thành mạng lưới đường giao thông từ Hà Tĩnh, Quảng Bình vào Quảng Trị, vào miền Nam.

Có thể nói: Với hơn 7 vạn TNXP trong nhiệm kỳ I (1965 - 1968) đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường chiến lược, đường vòng, đường tránh; ở đâu có bom đạn, có đường sá, ở đó có lực lượng TNXP.

Tại tất cả các trọng điểm địch đánh phá ác liệt, đều có lực lượng TNXP cắm chốt. TNXP đã cùng các lực lượng công binh và cán bộ công nhân ngành GTVT trong một thời gian ngắn đã thực hiện được khẩu hiệu:

TNXP p4  anh 4
Đại đội TNXP 304 san lấp hố bom Cầu Om - Đô Lương - Nghệ An (1968) Ảnh: TL

TNXP p4  anh 5
Tất cả vì những chuyến xe ra tiền tuyến Ảnh: T.L

Địch phá, ta sửa ta đi

Địch lại phá, ta lại sửa, ta đi.

Và, Địch phá ta cứ đi

Tính chung cả 3 nhiệm kỳ (1965 - 1975) ta đã huy động trên 14 vạn TNXP chống Mỹ, cứu nước tập trung (trên 50% là nữ). Tỉnh thành nào cũng làm nhiệm vụ tuyển TNXP cung cấp cho TƯ. Tỉnh tuyển đông nhất trên 4 vạn như Thanh Hóa. Địa bàn có TN XP hoạt động đông nhất là Thanh Hóa, Quảng Bình.

Tính chung cả 3 nhiệm kỳ, chúng ta đã thành lập gần 200 đội và đại đội độc lập; lúc cao điểm số TNXP có mặt trên mọi tuyến đường là 7 vạn, đã làm mới 2195 cây số đường chiến lược, đường vòng, đường tránh, đảm bảo giao thông trên 3000 cây số, trấn giữ trên 2526 trọng điểm của 53 con đường; tham gia xây dựng 6 sân bay…

Cùng với lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước ở miền Bắc, lực lượng TNXP giải phóng miền Nam cũng được thành lập. Một tổng đội TNXP giải phóng miền Nam gồm 9 đội được phân công bám sát phục vụ chiến đấu ở các quân khu, quân đoàn (khoảng 2500 cán bộ, đội viên).

Ở quân khu 9 cũng thành lập 6 đại đội với gần 2000 đội viên làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, súng đạn trên tuyến đường 1C.

Ở quân khu 5, khu Đoàn thanh niên cũng thành lập tổng đội TNXP quân khu 5. Ngoài ra một số tỉnh cũng thành lập các đơn vị TNXP của tỉnh.

Nhiệm vụ chủ yếu của TNXP giải phóng miền Nam là làm công tác vận tải lương thực, vũ khí, xây dựng kho tàng, đào hầm tránh bom đạn, tiếp tế súng đạn, cáng tải, chăm sóc thương binh, thu dọn chiến trường và trực tiếp chiến đấu khi cần thiết.

Trong 10 năm (1965-1975), cả ở 2 miền, đã có gần 30 vạn nam nữ gia nhập lực lượng TNXP và họ đã có mặt ở hầu hết những nơi gian khổ, ác liệt nhất, ngày đêm phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Đặc biệt tiêu biểu cho hoạt động của lực lượng TNXP chống Mỹ là trên tuyến đường Trường Sơn – con đường chiến lược thực hiện sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Tại đây, bom đạn của giặc Mỹ tập trung đánh phá suốt ngày đêm, hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác với đủ loại vũ khí tối tân, kể cả chất độc hóa học. Nhưng cũng chính trên mặt trận ác liệt này, bất chấp bom đạn, hàng vạn TNXP đã ngày đêm bám đường, bám phà đảm bảo giao thông. Họ đã làm mới hơn 2000 km đường chiến lược, đảm bảo giao thông trên 50 con đường huyết mạch với chiều dài 3000 km; chốt giữ trên 2500 trọng điểm địch đánh phá ác liệt; vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, lương thực và hàng hóa khác ra tiền tuyến… Những địa danh như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Cua chữ A, Hang Tám Cô… đã gắn với lịch sử hào hùng của lực lượng TNXP, là biểu tượng của sự hy sinh và ý chí “quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Từ những năm tháng hào hùng ấy, TNXP đã xây dựng và không ngừng tô thắm truyền thống “phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công xuất sắc”. ở miền Nam, Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam với hàng chục ngàn đội viên, đã dũng cảm phục vụ chiến đấu và chiến đấu, cùng tham gia với quân giải phóng chiến đấu 641 trận, trực tiếp độc lập chiến đấu 40 trận, tiêu diệt 296 tên lính Mỹ, 556 tên lính ngụy, phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và bắn rơi 8 máy bay… Lực lượng TNXP cũng đã vận chuyển 20.000 tấn hàng, chuyển hơn 9000 thương binh, chăm sóc điều trị 2500 thương binh, đưa đón bảo vệ 18000 lượt bộ đội, cán bộ qua sông, qua trọng điểm, xây dựng và phục vụ hàng chục bệnh viện dã chiến; Xây dựng nhiều kho, hầm chứa vũ khí, quân trang, quân dụng… TNXP phục vụ ở tuyến đường 1C vùng Kiên Giang - An Giang miền Tây Nam Bộ trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã đi vào lịch sử hào hùng như một huyền thoại. Hoạt động của TNXP đã góp phần quan trọng làm nên chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

TNXP p4  anh 6
Hố bom chồng lên hố bom - Địch đã thả hàng chục ngàn tấn bom nổ chậm trên các tuyến đường ra tiền tuyến, tất cả đã được TNXP tháo gỡ hoặc phá hủy Ảnh: T.L

TNXP p4  anh 7
Theo lời dạy của Bác Hồ, lực lượng TNXP không
 quản ngại gian khổ hy sinh, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến” Ảnh: T.L

Có thể nói, càng trong gian khổ và những thử thách khốc liệt của chiến tranh, ý chí can trường, lòng dũng cảm của TN XP Việt Nam càng được thể hiện rõ nét. “Tiếng hát át tiếng bom” không phải là một khẩu hiệu cổ vũ động viên đơn thuần mà là một hiện thực sinh động diễn ra nơi cuộc chiến đấu ác liệt, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần phục vụ chiến đấu và chiến đấu, sẵn sàng xả thân để những con đường ra mặt trận được thông suốt. Lực lượng TNXP xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn, ác liệt suốt hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong cuộc chiến đấu vô cùng gian nan ấy, hàng nghìn chiến sĩ TNXP đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng con đường, từng chuyến phà đưa hàng ra trận. Biết bao người khác mang thương tích trên mình, rồi cả nhiễm chất độc da cam... Đó là sự hy sinh to lớn vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiều cá nhân và tập thể TNXP đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng. Nhiều tượng đài đã được xây dựng để tưởng niệm các liệt sĩ TNXP. Đó là thể hiện sự ghi nhớ công lao của lực lượng TNXP, của những chàng trai, cô gái đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, dẫu rằng bao nhiêu ấy vẫn là chưa đủ!

Truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP Việt Nam trong 25 năm đồng hành cùng dân tộc chống giặc ngoại xâm (1950 - 1975) đã và mãi mãi là niềm tự hào của tuổi trẻ, của nhân dân ta và là hành trang tinh thần quí giá để thế hệ trẻ Việt Nam vươn tới, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh và giàu mạnh.

Thu Phong

Chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công xuất sắc

Ngày 15/7/1950, theo Chỉ thị của Bác Hồ kính yêu, lực lượng TNXP Việt Nam được thành lập. Từ một đội đầu tiên với 225 đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng, ủy viên BCH Trung ương Đoàn làm đội trưởng, trải qua hơn nửa thế kỷ lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu: 3 thế hệ TNXP chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đã có những đóng góp xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc và của thế hệ trẻ Việt Nam.

Thế hệ TNXP trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Ra đời ngày 15/7/1950, đến tháng 9/1950 đội nhận lệnh đi phục vụ chiến dịch Biên giới. Tại chiến dịch, các đội viên TNXP đã bám sát bộ đội, tiếp đạn, tiếp lương, tải thương… và Đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngay từ lần ra quân đầu tiên.

TNXP p4  anh 8
Đ/c Vương Bích Vượn,g Đội trưởng Đội TNXP đầu tiên Ảnh: T.L

Phát huy kết quả đạt được, tháng 10/1950, Trung ương Đoàn thành lập Đội TNXP công tác thứ 2 với 1.737 đội viên, ngày 22/12/1950 đội đi phục vụ chiến dịch Trung Du và cũng như đội TNXP công tác đầu tiên, Đội đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Sau chiến dịch Trung Du, lực lượng TNXP được tăng cường thêm quân số để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng. Liên tiếp trong các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Tây Bắc, Hòa Bình… các đơn vị, đội viên TNXP đều hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để ghi nhận, biểu dương ý chí và sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của TNXP, nhân chuyến đi thị sát chiến dịch, Bác Hồ đã đến thăm đơn vị TNXP 312 đang làm nhiệm vụ ở Nà Cù, Bắc Kạn; vào dịp đó Bác đã tặng TNXP bốn câu thơ nổi tiếng:

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền.

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên”.

Bốn câu thơ đó, đã và mãi mãi trở thành phương châm hành động của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới, lực lượng TNXP cũng phát triển và lớn mạnh không ngừng để đáp ứng nhu cầu của kháng chiến. Theo chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn TNXP Trung ương được thành lập (trên cơ sở hợp nhất các đội TNXP) do đồng chí Vũ Kỳ làm Đoàn trưởng và đồng chí Vũ Song làm Đoàn phó. Chỉ trong vòng 1 năm, Đoàn TNXP đã phát triển lên trên 1 vạn đội viên, có mặt hoạt động ở khắp các khu Việt Bắc, Tây Bắc và khu 4.

Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và đại thắng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân ta, có vai trò lịch sử là làm đường, phá bom nổ chậm, giữ vững mạch máu giao thông quan trọng của mặt trận. Những địa danh lịch sử gắn liền với chiến công hiển hách của lực lượng TNXP trong việc giữ vững mạch máu giao thông như: Đèo Pha Đin, Ngã ba Cò Nòi, Cầu Tà Vài là những điểm xung yếu nhất trên tuyến đường vận chuyển của ta đến mặt trận. Tại đây, địch tập trung máy bay ném bom, bắn phá suốt ngày đêm: Bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom na pan… Có ngày địch ném 300 quả bom các loại như ở Ngã ba Cò Nòi… Bất chấp nguy hiểm, TNXP thường xuyên có mặt với một quyết tâm “TNXP còn thì mạch máu giao thông được trụ vững”. Nhiều đội viên hy sinh, nhiều đội viên bị bom vùi, nhiều người bị thương, ốm đau, bệnh tật… Nhưng vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, anh em TNXP đã có mặt 24/24 giờ trên mặt đường, đảm bảo thông đường, thông xe, không để giao thông bị tắc quá 2 giờ.

Ngoài ra, TNXP còn gánh vác nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực cho bộ đội. Đào hầm hào, làm trận địa pháo, kéo pháo vào trận địa, làm giao thông hỏa tốc… Nhiệm vụ nào TNXP cũng đều hoàn thành xuất sắc.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, TNXP vinh dự được tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trên 4 vạn TNXP tham gia tiếp quản Thủ đô, tiếp quản thành phố Hải Phòng, thu dọn chiến trường Điện Biên Phủ, khôi phục các tuyến đường giao thông như: Tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, Hà Nội - Lào Cai, Thanh Hóa - Vinh; mở đường 12B Hòa Bình, xây dựng các nhà máy, hầm mỏ: Khu gang thép Thái Nguyên, mỏ Apatít Lào Cai; nhà máy cơ khí Trung quy mô…

Cũng như trong phục vụ chiến đấu, lực lượng TNXP với tinh thần xung kích vượt khó, lao động quên mình, luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.

Thế hệ TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam.

Liên tiếp bị thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến.

Đáp lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ “Vì miền Nam ruột thịt”, vì “Thống nhất Tổ quốc” cùng với hàng triệu thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”, đội TNXP chống Mỹ cứu nước được thành lập (21/6/1965) và lên đường làm nhiệm vụ: Vận chuyển lương thực, vũ khí, phục vụ các chiến trường, mở đường, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường quan trọng. Hầu hết các tuyến đường, các trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt mang tính hủy diệt như: Đèo Pu La Nhích, Cua chữ A (Đường 20 Quyết Thắng), Cổng trời (đường10), đèo Đá Đẽo (đường 15), ngầm Hạ Trạch, phà sông Gianh (Quảng Bình); Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An); Cầu Giẽ (Hà Tây cũ)… đều do TNXP chốt giữ mà ngày nay đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, trí thông minh, sự xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam.

Trong 10 năm (1965-1975), lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã động viên 133.157 thanh niên tham gia (7 vạn là nữ), trong đó:

- Trên 2 vạn TNXP phục vụ quân đội với nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông, vận chuyển lương thực, hàng hóa, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Tham gia mở đường chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi” với đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, kịp thời chi viện cho miền Nam.

- Trên 10 vạn TNXP phục vụ ngành giao thông vận tải với khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”; Đã chốt giữ hầu hết các trọng điểm ác liệt ngày đêm địch đánh phá. Mở đường mới, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông, đường goòng trong cả nước.

TNXP p4  anh 9
Các đơn vị TNXP giải phóng miền Nam chiến đấu đánh địch Ảnh: T.L

- Trên 1 vạn TNXP tham gia trồng rừng, làm đường lâm nghiệp, xây dựng kho tàng bến bãi.

- Trên 5.000 TNXP làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào, mở đường nối liền từ biên giới Việt Nam tới Thủ đô Viêng Chăn.

Trong 10 năm, lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã:

+ Đảm nhận 16 loại công việc khác nhau, chủ yếu tập trung vào 3 ngành: Giao thông vận tải, Quốc phòng và Lâm nghiệp.

+ Mở 102 con đường mới với chiều dài 4.130km.

Trong đó có những con đường hết sức quan trọng như Đường 20 (còn gọi là Đường Quyết Thắng); đường 21, 21B, 22B Hà Tĩnh, đường 10 từ miền đông Quảng Bình đi biên giới Việt Lào; đường 12, 16, 18 Quảng Bình… Mặc dù, trong điều kiện địch phá ác liệt ngày đêm và điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, TNXP vừa phải làm đường, vừa phải đảm bảo giao thông và quan trọng là phải giữ bí mật để địch không phát hiện ra đường mới, nhưng với tinh thần sáng tạo, lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình, TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vượt trước thời gian và đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là Đường 20 (con Đường Quyết Thắng) được mở vắt qua đỉnh Trường Sơn với địa hình hiểm trở, xuyên qua các rừng già, nhiều đèo cao thẳng đứng, vách núi cheo leo, đá tai bèo lởm chởm, có 970 cua vòng và hàng trăm trọng điểm. Đội TNXP 25 anh hùng đã bám trụ và đứng vững trong suốt 1.400 ngày đêm bom đạn ác liệt (bình quân mỗi người gánh chịu từ 100-150 quả bom các loại của địch).

+ Đảm bảo giao thông ngày đêm trên 3.000km đường, chốt giữ 2.526 trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Trên tất cả các tuyến đường chính, đường phụ, các trọng điểm… đều vang dội và rực lửa chiến công của TNXP. Địch càng đánh phá ác liệt bao nhiêu thì TNXP càng lập nên những chiến công xuất sắc bấy nhiêu. Tiêu biểu là các đơn vị TNXP anh hùng, các anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Nguyễn Trí Ân, Đinh Thị Thu Hiệp, các liệt sĩ Lê Viết Lân, Nguyễn Thị Nhạ, Nguyễn Thị Vân Liệu, 10 cô gái Đồng Lộc, 13 cô gái Truông Bồn… là những Thiên anh hùng ca bất diệt trên mặt trận giao thông vận tải mà mãi mãi nhân dân và tuổi trẻ chúng ta ghi nhớ.

+ Vận chuyển hàng chục vạn tấn hàng hóa, lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến trường.

+ Tham gia cùng quân đội xây dựng sân bay quân sự dã chiến.

+ Bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bắt sống 13 giặc lái, 6 thám báo, biệt kích.

+ Rà phá trên 1 vạn quả bom, mìn.

+ 16.000 đội viên bổ sung cho quân đội.

+ 1.710 đội viên vào học các trường Đại học, trung học chuyên nghiệp.

+ 833 đội viên được đi học nước ngoài.

+ 8.042 người được đi học tại các trường công nhân kỹ thuật.

+ 15.072 người chuyển sang công tác tại các cơ quan xí nghiệp.

Cùng với TNXP chống Mỹ cứu nước ở miền Bắc, Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam được thành lập ngày 20/4/1965, lúc đầu chỉ có 108 đội viên, sau đó phát triển lên đến 5.000 đội viên với nhiệm vụ: vận chuyển vũ khí, lương thực, cáng tải và chăm sóc thương binh, làm nhà, kho, làm đường, trực tiếp tham gia chiến đấu…

TNXP p4  anh10
TNXP luôn sát cánh với bộ đội trong các trận chiến đấu Ảnh: T.L

Trong 10 năm, Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam đã:

+ Phục vụ 641 trận đánh.

+ Vận chuyển 20.000 tấn lương thực, vũ khí.

+ Xây dựng 8 bệnh viện dã chiến gồm 52 nhà, 272 kho chứa vũ khí, lương thực hàng hóa (mỗi kho từ 10-20 tấn).

+ Mở 214km đường (29km đường ô tô), đào đắp 1.135 hầm để nuôi thương binh, bệnh binh (khoảng 52.913m2).

+ Trực tiếp đánh 40 trận, bắt sống 856 tên địch (trong đó có 286 lính Mỹ, 7 lính Nam Triều Tiên).

+ Bắn cháy và phá hỏng 20 xe bọc thép, xe tăng, 25 súng đại liên, bắn rơi 5 máy bay Mỹ.

+ Có 500 đội viên được kết nạp vào Đảng, 605 đội viên được kết nạp vào  Đoàn.

Thế hệ TNXP xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng ở miền Nam, rất nhiều việc bề bộn sau chiến tranh cần giải quyết và ở Biên giới Tây Nam cuộc chiến tranh mới lại nổ ra.

Trước tình hình đó, hàng chục vạn đội viên mới thuộc thế hệ TNXP thứ 3 tiếp bước cha anh lên đường làm nhiệm vụ.

Mở đầu là cuộc ra quân của hơn 1 vạn TNXP xây dựng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh (28/3/1976) với nhiệm vụ chủ yếu:

+ Xung kích xây dựng vùng kinh tế - xã hội mới;

+ Xung kích góp phần cải tạo và xây dựng thành phố những năm đầu sau giải phóng;

+ Tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

Với khí thế sục sôi cách mạng sau ngày giải phóng, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha, anh, thế hệ TNXP thứ 3 lại tiếp tục lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Sau hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng TNXP xây dựng kinh tế đã phát triển ở 35 tỉnh, thành phố, 120 quận huyện đã huy động trên 20 vạn lượt thanh niên tham gia, có mặt trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.

Để đạt được những thành tích lớn lao trên, lực lượng TNXP có những hy sinh không nhỏ: Trên 3.000 cán bộ, đội viên TNXP hy sinh, trong đó gần 3.700 người đã được công nhận là liệt sĩ. Hàng ngàn cán bộ, đội viên bị thương, bị tai nạn lao động, bị sức ép, bị nhiễm chất độc hóa học… mà đến nay còn để lại nhiều thương tật và di chứng. Hàng ngàn nữ đội viên đã cống hiến tuổi xuân của mình trên những tuyến đường, những trọng điểm… và hiện nay sống đơn côi, không chồng, không con, không nơi nương tựa…

Sự cống hiến, hy sinh mất mát của TNXP trong gần nửa thế kỷ qua là to lớn, không gì bù đắp được. Nhưng hiện tại nhiều anh chị em còn chịu nhiều thiệt thòi, chưa được hưởng hoặc được hưởng chưa đúng với chế độ, chính sách của Nhà nước. Mặc dù vậy, các đội viên vẫn không đòi hỏi, vẫn luôn giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp hào hùng của TNXP, mãi mãi xứng đáng là tấm gương để các thế hệ thanh niên học tập.

Những phần thưởng cao quý

Lực lượng TNXP Việt Nam đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và các phần thưởng cao quý khác: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Thành đồng hạng Ba; 1 Huân chương Độc lập hạng Ba; Cờ thưởng của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

* 6 tập thể được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

- Đội 25 TNXP chống Mỹ, cứu nước.

- Đại đội 759, Đội 75 TNXP chống Mỹ cứu nước Quảng Bình.

- Đại đội 551, Đội 55 TNXP chống Mỹ cứu nước Hà Tĩnh.

- Tiểu đội 2 Đại đội 317 - Đội TNXP 300 (13 TNXP hy sinh ở Truông Bồn).

- Tiểu đội 4, Đại đội 552, Đội 55 TNXP chống Mỹ cứu nước Hà Tĩnh (đơn vị có 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc).

- Tổng đội 572 TNXP chống Mỹ cứu nước phục vụ chiến trường Lào (được tuyên dương sau khi chuyển thành xí nghiệp 572).

- TN XP xây dựng kinh tế thành phố Hồ Chí Minh 2 lần được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lao động.

* 6 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Nguyễn Thị Kim Huế (TNXP chống Mỹ cứu nước Quảng Bình); Nguyễn Trí Ân (TNXP chống Mỹ cứu nước Hà Tĩnh); Đinh Thị Thu Hiệp (TNXP chống Mỹ cứu nước Quảng Bình); Nguyễn Thị Vân Liệu (TN XP đội 25); Nguyễn Thị Nhạ (TN XP đội 25); Đoàn Thị Liên (TNXP giải phóng miền Nam).

Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc và dịp kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tặng lực lượng TNXP bức trướng mang dòng chữ:

“Chiến đấu dũng cảm

Lao động sáng tạo

Lập công xuất sắc”.

Theo đề nghị của Ban thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định lấy ngày 15 tháng 7 hàng năm là ngày truyền thống của lực lượng TNXP Việt Nam.

(T.H)

TNXP với Chiến dịch Điện Biên Phủ và đường chiến lược Lai Châu - Biên giới

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để phục vụ chiến dịch Biên giới, ngày 15-7-1950 Bác Hồ chỉ thị cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc (nay là Đoàn TNC S Hồ Chí Minh) tổ chức Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương (TNXPCTTW) để “giúp việc làm đường, để làm lực lượng căn bản”, lúc đầu Đội chỉ có 225 cán bộ, đội viên. Đến các chiến dịch Trung du, đường 18, Hà Nam Ninh, Tây Bắc, Thượng Lào (năm 1951-1952), Đội được phát triển thêm với 2.750 cán bộ, đội viên (kể cả nữ).

Tháng 5 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định hướng Chiến dịch là Tây Bắc, Đoàn thanh niên xung phong được tuyển thêm 10.000 quân với bộ khung Ban chỉ huy đội và đại đội là các Huyện ủy viên, Bí thư các huyện Đoàn thanh niên, cán bộ tỉnh Đoàn thanh niên và các đảng viên.

...Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”, hàng vạn nam thanh niên vùng tự do Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... và các tỉnh vùng mới giải phóng ở Khu III đã tình nguyện gia nhập Thanh niên xung phong. Có thể nói chưa bao giờ lại có phong trào tòng quân sôi nổi và vượt mức như vậy và ngày tiễn anh em lên đường vui như ngày hội.

Tuyển chọn đến đâu tổ chức thành đơn vị đại đội đồng thời với việc lập chi bộ Đảng, chi đoàn Thanh niên cùng cấp và cứ 10 đại đội trở lên lập thành một Đội cùng với việc lập Liên chi ủy và Liên chi đoàn thanh niên. Sau khi học Nội quy, Điều lệ Đoàn thanh niên xung phong, các đại đội tiếp nối nhau hành quân, ngày nghỉ, đêm đi (vì ban ngày máy bay địch lùng sục ném bom, bắn phá khi phát hiện có mục tiêu) theo hướng Tây Bắc.

Ở Liên khu V, để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Liên khu ủy quyết định mở mặt trận Bắc Tây Nguyên và Liên khu Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã huy động 4.000 nam nữ thanh niên trong đó có 2.000 đội viên thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến dịch Đường 19 và An Khê.

Nhiệm vụ chính của thanh niên xung phong được Hội đồng cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ (có tên mật là T.100) giao là bảo đảm giao thông thông suốt cho chiến dịch, làm kho tàng, lán trại, canh gác bảo vệ, tải thương, tải đạn và hàng chục công việc khác... Cho đến khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng thanh niên xung phong Trung ương có khoảng 15.000 cán bộ, đội viên được bố trí trên các địa bàn. Đội 36 phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước ở An toàn khu (ATK); Đội 38 làm đường 1B từ biên giới lực lượng - Trung Quốc tới Thái Nguyên để tiếp nhận hàng viện trợ của các nước, làm đường 13 từ Yên Bái sang Sơn La; Đội 34 và Đội 40 trực tiếp bảo đảm giao thông từ Mộc Châu đến gần Điện Biên Phủ, dài trên 200km. Trừ các đại đội 401, 404 phục vụ hỏa tuyến, các đại đội 298, 409, 410 phục vụ Hội đồng cung cấp mặt trận (T. 100), đại đội 291 phục vụ ở Thượng Lào, các đại đội còn lại được đóng rải rác trên tuyến đường 41 (nay là đường số 6) nhưng tập trung nhất là ngã ba Cò Nòi, đèo Chiềng Đông, đèo  Chiềng Pắc, đèo Sơn La, đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo, cầu Tà Vài và Yên Châu v.v...

Đến tháng 12 năm 1953, mặt trận chính là Điện Biên Phủ đã hình thành. Cả ta và địch đều tập trung lực lượng, tập trung mọi cố gắng cao nhất để giành thắng lợi trong cuộc đọ sức quyết liệt này.

Đáp lại lời kêu gọi của Trung ương và của Bác Hồ, các lực lượng công binh, Thanh niên xung phong, chủ lực cầu đường và dân công đã sửa chữa, mở rộng, làm mới hàng nghìn km đường, cầu (đường 1B, 13, 41, Mộc Châu - Pa Hang); các thác trên sông Đà, sông Nậm Na, sông Mã đã được phá, các đoàn vận tải bằng ô tô, xe đạp thồ, ngựa thồ, gánh bộ, thuyền gỗ, thuyền nan từ các miền đều tập trung về hướng Điện Biên Phủ.

Địch cho rằng mặt trận cách hậu phương tới 500 - 600km, ta không tài nào cung cấp cho bộ đội đủ súng đạn, lương thực, thực phẩm với việc tổ chức vận chuyển bằng thủ công (một dân công chuyển được 20kg lương thực thì ăn đã gần hết còn đâu đưa vào kho). Trên cơ sở tính toán đó địch cho máy bay đánh phá khắp mọi nơi, cả trên bộ và trên sông để triệt đường vận chuyển của ta ra tiền tuyến và chúng đinh ninh sẽ chắc thắng. Lúc đầu chúng đánh phá từ xa, đường 1B, đường 13, đường 15 từ Thanh Hóa sang Hoà Bình, về sau chúng đánh phá những nơi gần mặt trận, nhất là từ Ngã ba Cò Nòi đến Ngã ba Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.

TNXP p4  anh11
Hành quân lên Tây Bắc Ảnh: T.L

Ngã ba Cò Nòi là giao điểm giữa đường 13 (từ Việt Bắc sang) và đường 41 (từ Khu III, Khu IV lên) là đoạn đường xung yếu nhất trong tuyến đường của chiến dịch nên đã trở thành “cửa tử”, thành “túi bom”. ở ngã ba này địch đánh phá ác liệt ngày cũng như đêm, có ngày chúng ném đến 300 quả bom các loại. Hàng ngày máy bay “bà già” của địch bay rất thấp, rà soát quần đảo phát hiện mục tiêu là báo cho các máy bay phản lực Hen Cát, B26, B29 đến bắn phá, ném bom. Gay gắt nhất là khi chúng ném bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bươm bướm cùng lúc. Song bất chấp hiểm nguy, cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các Đại đội 293, 300, 403, 408... đã kiên cường bám trụ ngày đêm. Được sự huấn luyện của bộ đội công binh, các tổ phá bom đã dũng cảm lăn bom (gần mép đường) xuống vực sâu, phá những quả nằm sâu trên mặt đường. Lúc đầu công tác rà phá bom còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng qua thực tế càng ngày càng có kinh nghiệm. Các tổ phá bom tổ chức đài quan sát bom rơi và đánh dấu vào sơ đồ không để sai sót, kịp thời phổ biến kinh nghiệm và phát huy sáng kiến như ngồi trong hố cá nhân dùng sào nứa dài gạt bom bươm bướm gây nổ… Sau các trận đánh chỉ 3 – 4 tiếng đồng hồ là đường lại thông. Tuy nhiên đã có hàng trăm thanh niên xung phong hy sinh anh dũng tại nơi đây. Tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm rà phá bom là các đồng chí

Nguyễn Tiến Thụ, Cao Xuân Thọ, Trần Cam... những người mà trước khi đi làm nhiệm vụ được đồng đội “tế sống”, sau này trở thành chiến sĩ thi đua của Đoàn thanh niên xung phong.

Đèo Pha Đin dài 32km, cao 1.600m (so với mặt biển) rừng cây rậm rạp, nhiều đoạn “cua” gấp khúc, dốc đứng, vực sâu, đường như chồng lên nhau, ô tô phải vượt nhiều “đỏ” mới qua được, lại chỉ cách mặt trận khoảng 40km đường chim bay. Địch chọn nơi đây để ném bom bởi chúng tính đánh một thì phá được giao thông từ hai đến ba lần nên chúng càng đánh phá thường xuyên và ác liệt hơn. Những ngày mưa đường trơn như đổ mỡ, xe trườn lên trượt xuống, có khi bánh quay tít mà xe không chuyển chút nào. Tất cả những vất vả và hy sinh đã không khuất phục được tinh thần của thanh niên xung phong. Các Đại đội 264, 292, 293, 294, 295, 403, 405... được phân công phụ trách từng đoạn đường, anh em phải chia ca kíp làm cả ngày cả đêm phá bom, chống lầy, san lấp mặt đường và nhờ có sự chuẩn bị sẵn nhiều đá, nhiều cây gỗ nên công việc khôi phục đường được nhanh chóng.

TNXP p4  anh12
Vận tải vũ khí, thuốc men, lương thực cho chiến trường Ảnh: T.L

Một lần có 10 chiếc xe chở đạn pháo của bộ đội vượt đèo Pha Đin, chiếc đi đầu bị trúng bom, bốc khói, lái xe Trịnh Văn Huyền đã nhảy lên xe dũng cảm dập lửa và hô hào đồng đội đến cứu xe. Anh em các đại đội ở gần đó đã xông đến cứu hàng, cứu xe bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Đoàn xe được an toàn và tiếp tục ra mặt trận. Trịnh Văn Huyền được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, được kết nạp Đảng, được bầu là Chiến sĩ thi đua và được cử vào Đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam đi dự Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới ở Vácsava (Ba Lan) năm 1955. Vùng Pha Đin, Tuần Giáo có nhiều thanh niên xung phong hy sinh, riêng Đại đội 293 có 17 người. Cầu Tà Vài dài khoảng 60m, cách đó không xa là cầu Yên Châu nằm trên cùng một dòng suối lớn, về mùa cạn thì nơi nào cũng lội qua được nhưng mùa mưa lại rất nguy hiểm. Đại đội 407, nổi tiếng về phá bom được phân công chốt ở hai vị trí này cùng 2 đơn vị bạn, 292, 297. Sau khi cầu bị đánh sập, anh em phải làm đường ngầm nhưng vùng này lại ít đá tảng nên phải đan rọ bằng giang hoặc lấy cây gỗ nhỏ làm khung để bỏ đá “đầu trọc” làm nền đường. Sau đó, chặt tre, gỗ làm rong đanh, lát mặt đường, hai bên thì đóng cọc giữ chặt các cây buộc giằng để cho ô tô qua lại không trơn, không lầy. Địch ném bom hỏng đoạn nào thì làm lại đoạn ấy. Rút kinh nghiệm ở các đơn vị khác, ở đây cũng  chuẩn bị thật nhiều đá, thật nhiều tre, cây gỗ nên khắc phục hậu quả được nhanh hơn.

T.100 - “cái dạ dày” của Chiến dịch Điện Biên Phủ cứ ngày càng “to ra”. ở đây Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ xây dựng hệ thống kho tàng, trạm trại, bốc vác, vận chuyển và bảo vệ kho, hàng ngày phải vào rừng chặt cây ngụy trang các con đường vào kho, anh em làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và ý thức kỷ luật thật nghiêm vì chỉ sơ suất một chút là có thể ảnh hưởng đến chiến dịch.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, mặc dù điều kiện liên lạc, đi lại hết sức khó khăn, các đội và đại đội ở phân tán trên tuyến đường hàng mấy trăm ki lô mét, xa sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy Đoàn, Đội nhưng các chi bộ đã phát huy tinh thần tự chủ công tác, liên hệ chặt chẽ với các đơn vị bộ đội, với Hội đồng cung cấp mặt trận, với địa phương nơi đóng quân nắm chủ trương của Đảng và cấp trên, giữ vững sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, đoàn kết giúp đỡ nhau, bảo đảm đời sống, bảo đảm tốt quan hệ với các cơ quan sử dụng và nhân dân địa phương. Từ đó mà nhiệm vụ được giao anh em đều hoàn thành.

Tuy thanh niên xung phong chỉ là một lực lượng nhỏ nhưng lại là lớp người tuổi trẻ, hăng hái, được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật cao, tình nguyện phục vụ đến kháng chiến thành công. Với quyết tâm “Thanh niên xung phong còn thì mạch giao thông luôn được giữ vững” nên được giao nhiệm vụ ở các trọng điểm của chiến dịch. Thanh niên xung phong không chỉ làm đường, phục vụ chiến đấu anh dũng và đầy sáng tạo mà trong chiến dịch còn chuyển sang bộ đội 8000 quân (kể cả 2.000 quân của Đội 38) trực tiếp cầm súng chiến đấu góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7 tháng 5 năm 1954) chấn động địa cầu.

Trong thư ngày 8 tháng 5 năm 1954, Bác Hồ khen: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi lớn nhưng là bước đầu, chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Việc bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật từng ngày, từng giờ... không kém tình hình chiến đấu. Vì vậy kẻ địch không thể tưởng tượng được chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn ấy. Bọn đế quốc và phản động đã không đánh giá được sức mạnh vĩ đại của một dân tộc, sức mạnh của nhân dân.

Trong chiến dịch nếu không có thanh niên xung phong thì bộ đội cũng sẽ gặp khó khăn. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc, góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội”.

Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận nhận xét: “Việc vận chuyển từ hậu phương ra tiền phương biết bao hy sinh. Phải nói rằng thanh niên xung phong là lực lượng nòng cốt không những vận tải mà còn đảm bảo giao thông trên bộ, trên sông. ở các điểm nóng của chiến dịch đều có mặt thanh niên xung phong”.

TNXP p4  anh13
Đại hội chiến sĩ thi đua Đoàn TNXP (1954) tại Việt Bắc Ảnh: T.L

Trong không khí vui mừng phấn khởi sau chiến thắng, các đơn vị bộ đội lần lượt hành quân về xuôi nhận nhiệm vụ mới còn các đơn vị thanh niên xung phong của hai Đội 34, 40 gồm 8.000 cán bộ, đội viên (kể cả số mới được bổ sung sau chiến dịch) lại nhận được chỉ thị của Ban chỉ huy Đoàn thanh niên xung phong Trung ương truyền đạt lệnh của Bác Hồ, hành quân ngược lên biên giới (Lai Châu) làm đường chiến lược, chuẩn bị cho kế hoạch mới.

Đây là bước ngoặt lớn đối với thanh niên xung phong, tư tưởng cán bộ, đội viên diễn biến khá phức tạp bởi ai cũng tưởng rằng sau thắng lợi sẽ được về thăm gia đình, quê hương, tiếp tục đi học hoặc tham gia công tác ở địa phương. Để làm thông suốt tư tưởng cán bộ, đội viên, trước hết là đảng viên, một đợt sinh hoạt học tập được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc và chu đáo mà tài liệu là chỉ thị của Bác về ý nghĩa quan trọng của con đường, là những bài báo của Bác về thanh niên xung phong, có liên hệ kiểm điểm, biểu dương những ưu điểm, phê phán những tư tưởng thỏa mãn, tự kiêu, nghỉ ngơi... Sau khi học tập, tất cả cán bộ, đội viên đều hạ quyết tâm nhận nhiệm vụ bất kể việc gì, ở đâu.

Trừ 4 đại đội ở lại thu dọn chiến trường, sau đó trở lại sửa chữa đường Mộc Châu - Pa Hang, chuẩn bị cho kế hoạch mới, còn tất cả hành quân lên biên giới đúng thời gian quy định, mặc núi cao, vực sâu, đường dài, vác nặng. Công việc đầu tiên là làm lán trại, kho tàng cho Ban Chỉ huy công trường 111 (ngoài việc làm lán trại cho bản thân), khảo sát đường công vụ, đóng bè mảng bằng nứa sang Trung Quốc nhận và chuyển về lương thực thực phẩm (đồ khô), dụng cụ làm đường (xẻng, cuốc chim, xà beng, choòng, búa tạ, thuốc mìn, nụ xoè, dây cháy chậm...). Địa bàn đóng quân của 2 đội thuộc vùng mới giải phóng, bọn phỉ còn hoạt động chống phá nên các đơn vị phải sẵn sàng đối phó với chúng.

Thời chiến tranh, việc bảo đảm giao thông cốt làm nhanh và an toàn cho xe, pháo qua lại (cố nhiên có một số được học kỹ thuật rà phá bom các loại), còn trong thời bình lại đòi hỏi sự hiểu biết về kỹ thuật làm đường, cầu, như việc tìm tuyến đường, độ cong, độ nghiêng mặt đường, độ dốc cho phép, ta luy, rãnh thoát nước... Do vậy, giai đoạn này tất cả kỹ thuật thi công đều mới và đây thực sự là một thách thức lớn đối với thanh niên xung phong.

...Cùng với việc làm đường, thanh niên xung phong còn được Ban chỉ huy công trường giao nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na, đóng thuyền gỗ để vận chuyển trên sông, đóng phà để qua lại tại 2 bến Pa Tần và Lai Châu. Hơn ba năm làm đường, thanh niên xung phong đã vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ: Khí hậu quá khắc nghiệt, ngày nắng nóng, đêm giá buốt thấu xương, lại còn nạn ruồi vàng, bọ chét cắn đốt sinh ghẻ lở, ốm đau, bệnh phù thũng (do thiếu vitamin), bệnh sốt rét rừng, phải chia nhau từng viên thuốc ký ninh, có khi phải ăn cháo, ăn ngô vì kho thiếu gạo... Hơn một trăm thanh niên xung phong bị tái phát bệnh do hậu quả của chiến tranh, do tai nạn lao động... đã vĩnh viễn nằm lại tại nghĩa trang Chiềng Chăn (xã Chăn Nưa). Cũng như anh em đã hy sinh ở Ngã ba Cò Nòi, Pha Đin, Tuần Giáo... anh em ở đây cũng được đồng đội chôn cất chu đáo trong hoàn cảnh có nhiều thiếu thốn. Bằng tinh thần đồng tâm hiệp lực, lao động cần cù, bền bỉ, dũng cảm và sáng tạo, chiến sĩ, đội viên thanh niên xung phong đã “kéo” các đoạn đường ngày càng dài, rộng và nối kết với nhau làm cho bà con các dân tộc thêm tin tưởng (trước khi làm đường bà con không tin vì cho rằng Pháp ở đây gần 100 năm mà đã không làm được). Các ngày Tết, ngày lễ, bà con các dân tộc với quần áo sặc sỡ, đi hàng ngày đường cùng với những gùi bánh đến tặng anh em. Thật là cảm động trước tấm lòng của những bà mẹ, những cô gái, những chàng trai các dân tộc làm ấm lòng những người xa quê vì việc nước, việc dân.

Con đường dài gần 100km từ biên giới Ma Lù Thàng (Bản Lẻng) đến thị xã Lai Châu được hoàn thành về cơ bản, trước sự vui mừng của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương, cán bộ và đồng bào các dân tộc. Một cuộc mít tinh được tổ chức ở Lai Châu, hàng chục xe ô tô (từ biên giới Trung Quốc) chở bà con trong những bộ quần áo đẹp, tay cầm cờ hoa về dự hội. Con đường sau này được nâng cấp góp phần vào việc cải thiện dân sinh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh và quốc phòng.

… “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều công trình đã được xây dựng để “Đền ơn, đáp nghĩa”. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài tưởng niệm thanh niên xung phong ở Ngã ba Cò Nòi (thời chống Pháp), Đài tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, Đài tưởng niệm thanh niên xung phong ở Tây Ninh (thời chống Mỹ)... mãi mãi là niềm kiêu hãnh, lòng tự hào của tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.

Thanh niên xung phong Việt Nam trong đó có Đoàn thanh niên xung phong Trung ương, thật xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ, với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”./.

Nguyễn Tiến Năng

Kim Yến (st)

Còn nữa

Bài viết khác: