Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

* Tháng 7- 1905.

Nguyễn Tất Thành theo cha đến huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình trong dịp ông Nguyễn Sinh Huy đi gặp các sĩ phu ở vùng đó. Chính trong thời gian này, ông Nguyễn Thức Canh đến Kim Liên tìm Nguyễn Tất Thành để rủ đi xuất dương du học (phong trào Đông Du) nhưng không gặp. 

* Từ tháng 7-1906

Nguyễn Tất Thành cùng cha và anh ở tại căn buồng trong dãy “Thuộc viên”, cấp cho ông Nguyễn Sinh Sắc gần cửa thành Đông Ba (Huế). Dãy nhà này nguyên là trại lính “phòng thành”, được sửa chữa lại làm nơi ở cho các quan nhỏ làm việc trong sáu bộ của Hoàng triều. Anh em Nguyễn Tất Thành ngoài thì giờ học phải thay nhau lo việc nội trợ giúp cha.

*Tháng7- 1911

- Ngày 6:Sau một tháng vượt biển, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin đến Mácxây, một hải cảng quan trọng của nước Pháp. Lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đặt chân lên đất Pháp.

- Sau ngày 6:Nguyễn Tất Thành sống những ngày đầu tiên trên đất Pháp, trong thời gian chờ tàu dỡ hàng. Anh đã được chứng kiến ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở xứ sở của mình, nhận thấy người Pháp trên đất Pháp tốt và lịch sự hơn những tên thực dân Pháp ở Đông Dương. Anh nói với người bạn điều anh nghĩ:“Tại sao người Pháp không “khai hoá” đồng bào của nước họ trước khi đi “khai hoá” chúng ta”.

- Ngày 15:Nguyễn Tất Thành tới Lơ Havơrơ (Le Havre), một hải cảng ở miền Bắc nước Pháp, theo hành trình của tàu.

* Trong năm 1918

Nguyễn Tất Thành đến đảo Rêuyniông (Réunion) thăm cựu hoàng đế Thành Thái đang bị an trí tại đây. Tất Thành đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho vua Thành Thái. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, vua Thành Thái đã nói:“Tôi già rồi, tôi không có ý định trở lại cuộc đời chính trị. Vả lại cụ Hồ Chí Minh đã là người tiêu biểu của phong trào cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, cụ Hồ Chí Minh không phải là người xa lạ. Ngay từ năm 1918 khi trốn ra ngoại quốc, cụ Hồ Chí Minh đã đến gặp tôi ở đảo Rêuyniông. Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”.

* Tháng 7- 1919

Nguyễn Ái Quốc chuyển đến nhà số 6 phố Vila đê Gôbơlanh (Villa des Gobelins), Quận 13, Pari, ở chung với Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh.

Trong tháng, Nguyễn Ái Quốc viết bài Tâm địa thực dân nhân đọc trên tờ Thông tin thuộc địa, một bài báo khá dài của “một chàng thực dân đã muốn dùng bản Yêu sách của nhân dân An Nam để mở một cuộc tấn công gián tiếp vào chính sách của ông Anbe Xarô, Toàn quyền Đông Dương”.

Bằng giọng văn châm biếm sắc sảo, cách lập luận chặt chẽ, đanh thép, tác giả đi sâu phân tích một số đoạn trong bài báo của “chàng thực dân” đó để vạch trần cái tâm địa của bọn thực dân cho dù nó đã được che đậy một cách khéo léo và “chỉ cho ông thấy rằng cái chân lý theo tâm địa của ông, cái chân lý theo quan niệm của bọn thực dân thù ghét dân bản xứ, không có gì là giống với chân lý của chúng tôi…, cũng như không có gì là giống với chân lý theo quan niệm của những người Pháp tốt ở nước Pháp cả”.

* Tháng 7-1920

- Trước ngày 17:Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của một nhóm người Việt Nam tổ chức tại 59 TER phố Bônapác (Bonaparte), nơi ở của Đốc Phủ Bảy. Dự họp có Đốc Phủ Bảy, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Trần Xuân Hồ. Nguyễn Ái Quốc không phát biểu gì, chỉ chăm chú nghe tranh luận về vấn đề định ngày Quốc khánh tương lai của Việt Nam.

- Sau ngày 17:Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm của V.I. Lênin: Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, đăng trên báoL'Humanité, số ra ngày 16 và 17-7-1920. Trong văn kiện này, Lênin phê phán mọi luận điểm sai lầm của những người cầm đầu Quốc tế II, về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các Đảng Cộng sản là phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, nhấn mạnh sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến.

Tác phẩm của Lê-nin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người đã nói:"Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III".

* Tháng 7-1921

- Ngày 4:Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của một người Ấn Độ là Amitaba Gôsơ (Amitabha Ghose), báo rằng không thể tiếp theo ngày giờ đã yêu cầu. Bức thư đề nghị sẽ gặp vào tối thứ bảy ngày 9-7-1921 và yêu cầu Nguyễn Ái Quốc báo trước qua điện thoại vào sáng thứ bảy.

- Ngày 9:Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp Ban Nghiên cứu thuộc địa, tổ chức tại nhà số 37 phố Xanh Croa Đờ la Brơtonnơri (Saint Croix de la Bretonnerie).

- Ngày 10: Nguyễn Ái Quốc ở Phôngtennơblô (Fontainebleau) cả ngày với các đảng viên Chi bộ Quận 17.

- Ngày 11:Buổi tối Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường đã tranh luận ồn ào bằng tiếng Việt trong phòng ăn nhà số 6 Vila đê Gôbơlanh từ 5 giờ chiều đến 1 giờ sáng hôm sau. Sau cuộc tranh luận ồn ào đó, Nguyễn Ái Quốc đã rời nhà số 6 Vila đê Gôbơlanh, đến nhà của Võ Văn Toàn, số 12 phố Buyô.

- Ngày 14:Buổi tối, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến chỗ ở mới: nhà số 12, phố Buyô, ở cùng với một người bạn Việt kiều.

- Sau ngày 14: Nguyễn Ái Quốc chuyển đến ở nhà số 9, ngõ Côngpoanh (Compoint) thuộc Quận 17. Đó là một ngôi nhà cũ kỹ với những gian phòng nhỏ nằm trong ngõ cụt thuộc một khu phố nghèo ở Pari, trong những năm này vẫn phải thắp sáng bằng đèn dầu. Gian phòng của Nguyễn Ái Quốc với giá thuê 40 phrăng một tháng trả tiền trước nằm ở tầng 2, chỉ rộng 9m2, vừa kê đủ một giường cá nhân, một bàn nhỏ và một chiếc ghế.

- Ngày 20: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Môngnécvin (Monnerville) thông báo họp vào 20 giờ cùng ngày tại tiệm cà phê Ađônphơ (Adolphe) ở số 5 phố Gây Luytxắc, để thông báo lần cuối Điều lệ của Hội liên hiệp thuộc địa.

* Tháng 7-1922

- Ngày 1:Hai bài viết của Nguyễn Ái Quốc: Những kẻ đi khai hoá  Thù ghét chủng tộc, đăng trên báo Le Paria, số 4.

Đưa ra những sự việc có thật: Một viên quan cai trị thuộc địa nọ đã đổ nhựa cao su vào bộ phận sinh dục một phụ nữ da đen, rồi bắt chị phải đội đá phơi nắng cho đến chết; một nhân viên nhà đoan Bà Rịa (Nam Kỳ) đã đánh gần chết một phụ nữ Việt Nam chỉ vì đã làm ồn ào ngoài hiên nhà hắn, làm hắn mất giấc ngủ trưa; v.v.. Những kẻ đi khai hoá tố cáo những hành vi bỉ ổi, những sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi của "những nhà khai hoá" ở cái nơi mà giới báo chí tử tế gọi là"nước Pháp hải ngoại".

Bài Thù ghét chủng tộc cho biết: Chỉ vì nói đến đấu tranh giai cấp và sự bình đẳng giữa con người mà đồng chí Luydông (Luson), đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, bị kết án là"thù ghét chủng tộc".Trong khi đó"tình thương yêu giữa các chủng tộc"đã được những tên thực dân, những nhà truyền giáo như Đáclơ (Darles), Béc (Bert), Bơrét (Bret), Dêpphi (Zeffi)..."thể hiện"bằng những tội ác dã man đối với dân bản xứ Đông Dương thì chẳng có tên nào bị kết tội, cũng chẳng có ai dám đụng đến chúng. Đó là chưa nói đến tội ác của chính quyền thực dân đã dùng rượu cồn và thuốc phiện để đầu độc và làm ngu muội quần chúng nhân dân.

- Ngày 5:Lúc 15 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc tới trụ sở của Đảng Cộng sản Pháp ở số 120 đường Laphayét. Sau đó tới toà soạn báo Journal du Peuple và L'Humanité.

- Từ ngày 1 đến ngày 7:Trong bảy ngày, Nguyễn Ái Quốc đã tham dự:

+ Hai lần hội họp trong Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp tại số 120 đường Laphayét.

+ Một cuộc mít tinh nhỏ do Đảng Cộng sản tổ chức công khai để ủng hộ những người cách mạng Nga.

+ Hai lần họp ở Câu lạc bộ Phôbua tại phòng Pơranhtania ở đường Cơlisi.

+ Một cuộc họp buổi tối tại trụ sở Hội Tam điểm ở số 94 đường Xuypphơrăng.

- Ngày 10:Nguyễn Ái Quốc cùng với Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền đến thăm Nguyễn Văn Vĩnh ở số 15 đường Béctôlê (Bertholet).

- Ngày 20:Bài ký của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Con người biết mùi hun khói, đăng trên báo L'Humanité. Bằng câu chuyện viễn tưởng về quang cảnh dân chúng tưng bừng chào đón lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cộng hoà Liên hiệp Phi tổ chức tại Hauxa (Haoussas) tháng 1-1998, tác giả tiên đoán về thắng lợi tất yếu của sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa và hướng đi tới của loài người tiến bộ.

- Ngày 24:Nguyễn Ái Quốc họp Chi bộ Quận 17 Đảng Cộng sản Pháp tại số 100 phố Cácđinê.

- Ngày 25: Bức thư ngỏ của Nguyễn Ái Quốc gửi Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, đăng trên báo L'Humanité. Sau những lời "ca tụng" Xarô rằng"đối với dân bản xứ ở thuộc địa nói chung và đối với dân An Nam nói riêng, lòng thương yêu của Ngài thật là bao la rộng rãi",rằng "Dưới quyền cai trị của Ngài, dân An Nam đã được hưởng phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự, hạnh phúc được thấy nhan nhản khắp trong nước, những ty rượu và ty thuốc phiện, những thứ đó song song với những sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ và tất cả bộ máy tinh vi của nền văn minh hiện đại, đã làm cho người An Nam tiến bộ nhất châu Á và sung sướng nhất trần đời", rằng"Hành động nhân ái ấy đủ để chúng tôi không cần nhắc lại tất cả những hành động khác như: bắt lính và bắt mua công trái, đàn áp đẫm máu, truất ngôi và đầy biệt xứ một ông vua, xâm phạm và làm ô uế những nơi linh thiêng, v.v.". Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần việc Anbe Xarô đã cho thiết lập ở Pari một cơ quan đặc trách để theo dõi những người bản xứ cư trú trên đất Pháp, đặc biệt là theo dõi những người Đông Dương.

Theo Nguyễn Ái Quốc, đó là một việc làm"hơi thừa" và với nước Pháp thì lại"quá lãng phí"trong khi Pháp đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính."Nếu Ngài nhất thiết cần biết hằng ngày chúng tôi làm gì thì rất dễ thôi: cứ mỗi buổi sáng chúng tôi sẽ phát hành một bản tin về sự đi lại của chúng tôi và Ngài chỉ việc đọc là biết..." .

- Ngày 27:Nguyễn Ái Quốc dự một buổi họp do Câu lạc bộ Phôbua tổ chức tại số 61 đường Satô Đô. Khoảng nửa đêm Nguyễn Ái Quốc mới về nhà tại số 9, ngõ Côngpoanh.

- Ngày 28:Buổi chiều, Nguyễn Ái Quốc họp Uỷ ban Liên hiệp công đoàn Quận 17 tại 172 phố Lơgiăngđrơ.

- Ngày 29 và ngày 30:Nguyễn Ái Quốc dự một buổi họp do Câu lạc bộ Phôbua tổ chức vào hồi 14 giờ tại số 61 đường Satô Đô. Đến 20 giờ, Nguyễn Ái Quốc đến dự buổi mít tinh do Chi bộ Cộng sản vùng Xen tổ chức tại Rạp xiếc Mùa Đông ở đường Phiơ đuy Canverơ (Filles du Calvaire).

Ngày chủ nhật 30, Nguyễn Ái Quốc đi từ 9 giờ sáng đến đường Xanhgiê (Singer) ở Padi (Pasy) để dự đám tang ông Giuyn Ghétxđơ (Jules Guesde) . Nguyễn Ái Quốc đưa đám tới nghĩa trang Perơ Lasedơ. Buổi chiều, Nguyễn Ái Quốc tham gia cuộc biểu tình tại Xanh Giecve (Saint Gervais).

- Trong tháng 7:Nguyễn Ái Quốc gặp Bùi Lâm, thuỷ thủ trên một chiếc tàu biển Pháp chạy đường Sài Gòn - Mácxây. Nguyễn Ái Quốc hỏi thăm tình hình. Khi tiễn bạn ra về, Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn rất nhiều điều, nhưng Bùi Lâm thấm thía nhất là những câu:"Cần luôn luôn nhớ làm nhiệm vụ của người dân mất nước. Anh em nên thương yêu nhau, vui vẻ, đoàn kết với nhau. Đoàn kết cả với công nhân Pháp, nhân dân Pháp và các nước thuộc địa. Chúng ta đều là người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột  như nhau...".

* Tháng 7-1923:

- Đầu tháng:Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva sau một thời gian rất ngắn lưu lại Pêtơrôgrát.

- Trong tháng: Từ Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện những Nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Quốc tế về vấn đề thuộc địa, vì theo nhận xét của Người:“cho đến nay, những Nghị quyết ấy chỉ được dùng để tô điểm mặt giấy! Phân bộ Pháp, Phân bộ Anh và những phân bộ các nước thực dân khác đã làm gì cho các thuộc địa của chủ nghĩa tư bản nước họ? Những phân bộ ấy đã có một chính sách thuộc địa và một cương lĩnh rõ rệt về thuộc địa, chính xác và liên tục chưa? Những chiến sĩ của các bộ phận ấy có hiểu thuộc địa là gì và tầm quan trọng của thuộc địa là như thế nào không? Người ta có thể trả lời là không”.

Người phê bình báo L'Humanité đã bỏ mục Diễn đàn của các thuộc địa, và báo chí của đảng thì đưa tin rất chậm chạp về tình hình các nước thuộc địa.

Cuối thư, Người nêu cụ thể tám yêu cầu đối với Đảng Cộng sản Pháp.

Trong tháng, bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Tệ độc đoán ở Đông Dương - Người được bảo hộ và người đi bảo hộ, đăng trên báo Le Paria, số 16.

Tác giả thuật lại việc một “ông cẩm” (cảnh sát) ở Đà Lạt (Trung Kỳ) cậy quyền thế, bắt một nhà buôn gỗ phải nộp gỗ ván cho hắn. Nhà buôn này không nghe, đòi phải trả tiền. Viên cẩm bèn sai lính đến bắt nhà buôn. Nhà buôn sợ quá, mặc dù đang ốm cũng phải chạy trốn sang tỉnh khác. Một thầy thuốc người Âu thấy thế can thiệp, liền bị đuổi đi, bị đày lên Kon Tum, một nơi nước độc mà người Âu rất sợ.“Viên thầy thuốc đó đang đền cái đại tội thân người bản xứ của ông”. Còn nhà buôn người Việt Nam kia thì“bị ghi tên vào sổ những người bị tình nghi, liệt vào hạng “ghét Tây”, vào số những kẻ còn cần theo dõi”.

* Tháng 7-1924

- Ngày 1:Nguyễn Ái Quốc dự phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Người phát biểu tham luận sau Xenliê (Sellier), Rốtxi (Rossi), Man (Mann) và Brao (Brown).

Sau khi nêu bật tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa, Người đã phê bình Đảng Pháp, Đảng Anh, Đảng Hà Lan, Đảng Bỉ và các Đảng Cộng sản ở các nước có thuộc địa chưa thi hành một chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa, trong khi giai cấp tư sản các nước đó đã làm tất cả để kìm giữ các dân tộc bị chúng nô dịch trong vòng áp bức.

Tiếp đó, Người nhấn mạnh đến vai trò của báo chí và kiến nghị năm biện pháp cụ thể để Đảng Cộng sản Pháp thực sự đóng góp vào sự nghiệp cao cả này.

Cuối cùng, Người kết luận: "Thưa các đồng chí, vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác".

- Ngày 3:Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản họp phiên thứ 25. Nguyễn Ái Quốc phát biểu ý kiến sau Đugla (Douglas) và Xmêran (Sméran).

Bằng những số liệu cụ thể, Người tố cáo thực dân Pháp cướp đoạt ruộng đất của nông dân ở Đông Dương và ở các thuộc địa khác như Angiêri, Marốc, một số nước miền Tây châu Phi và miền xích đạo châu Phi thuộc Pháp. Những người dân thuộc địa đang chết dần chết mòn vì đói rét, bệnh tật, nơi ở tồi tàn, vì những cuộc hành binh càn quét.

Kết luận, Người nói:"Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng".

- Ngày 4:Lời phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại phiên họp thứ 8, Đại hội V Quốc tế Cộng sản được đăng trên Tập san Inprekorr, số 41, ngày 4-7-1924, có đoạn như sau:"Ở đây tôi xin phát biểu để các đoàn đại biểu các thuộc địa lưu ý. Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới tuỳ thuộc phần lớn vào các thuộc địa. Đây là nơi cung cấp lương thực và binh lính cho các nước đế quốc chủ nghĩa. Nếu chúng ta muốn đánh bại các nước đế quốc, chúng ta phải bắt đầu bằng việc tước thuộc địa của chúng đi".

- Ngày 6:Nguyễn Ái Quốc tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh vì hoà bình được tổ chức tại Mátxcơva. Trên lễ đài, Người đứng cạnh các đồng chí K.E. Vôrôsilốp, Kalinin, Dinôviép, Phơrunde.

- Ngày 14 và ngày 15:Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ nhất tổ chức Quốc tế cứu trợ các chiến sĩ cách mạng (còn gọi là Quốc tế Cứu tế Đỏ) họp từ ngày 14 đến ngày 15-7-1924 tại Mátxcơva.

- Ngày 21:Nguyễn Ái Quốc được mời tham dự Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội Đỏ họp từ ngày 7-7 đến ngày 22-7-1924 tại Mátxcơva với tư cách là đại biểu Đông Dương.

Trong phiên họp thứ 15, ngày 21-7, Nguyễn Ái Quốc đã đọc tham luận về sản xuất công nghiệp ở Đông Dương, và tình hình công nhân tại một số xí nghiệp lớn.

Tố cáo chế độ bóc lột thuộc địa nặng nề và sự áp bức tàn bạo của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc nói:"Với sự giúp đỡ hào hiệp của chủ nghĩa đế quốc Pháp, ở Đông Dương thật ra là đã phục hồi chế độ nô lệ".

Người cho biết "Giai cấp công nhân Việt Nam chưa có một tổ chức công nhân nào cả" và đề nghị Quốc tế Công hội Đỏ, các tổ chức công nhân các nước, trước hết là công nhân cách mạng Pháp cần phải tích cực giúp đỡ phong trào công nhân Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống đế quốc. Người tin rằng với sự giúp đỡ của các tổ chức cách mạng gần gũi với Quốc tế Công hội Đỏ, giai cấp công nhân Việt Nam nhất định đập tan ách áp bức của đế quốc châu Âu.

- Trong tháng 7: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc: Lênin và các dân tộc phương Đông, đăng trên báo Le Paria, số 27. Nói về vai trò của Lênin đối với các dân tộc phương Đông, tác giả viết:"Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc Châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi"... "Lênin là hiện thân của tình anh em bốn bể".

* Tháng 7-1925

- Ngày 9:Sau một thời gian chuẩn bị, Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức do Nguyễn Ái Quốc cùng với một số đồng chí Trung Quốc chủ trương tổ chức được chính thức thành lập. Đây là một đoàn thể có tính chất quốc tế bao gồm người Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Inđônêxia, Miến Điện, v.v..

Đại hội thành lập đã thông qua tôn chỉ của hội là"liên lạc với các dân tộc đó, cùng làm cách mạng nhằm đánh đổ đế quốc". Tuyên ngôn của Hội khẳng định:"Con đường thoát duy nhất để xoá bỏ sự áp bức chỉ có thể là liên hiệp các dân tộc nhỏ yếu bị áp bức và giai cấp vô sản toàn thế giới, áp dụng những phương pháp cách mạng để lật đổ về căn bản chủ nghĩa tư bản đế quốc cực kỳ hung ác".

Nguyễn Ái Quốc mang tên Lý Thụy là một trong những người lãnh đạo của hội, được bầu làm Bí thư kiêm phụ trách công việc tài chính của hội, đồng thời cũng là người trực tiếp phụ trách chi bộ Việt Nam của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức.

- Ngày 13:Nguyễn Ái Quốc đến Uỷ ban bãi công Cảng Tỉnh đề nghị được tham gia vào đội diễn thuyết với danh nghĩa là hội viên Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức.

Ngày 9-7, Uỷ ban bãi công Cảng Tỉnh quyết định tổ chức đội diễn thuyết để ngày đêm đi tuyên truyền cổ vũ công nhân kiên trì đấu tranh. Ngày 10-7, tờ Công nhân chi lộ đặc hiệu đăng thông cáo về quyết định trên của Uỷ ban bãi công.

Biết được tin này, Nguyễn Ái Quốc đã đến ghi tên vào đội diễn thuyết. Trong danh sách ghi tên là Lý Thụy Nguyễn Ái Quốc còn đăng ký đề mục của bài diễn thuyết Quan hệ giữa công nhân Trung Quốc với các dân tộc bị áp bức và sự cần thiết phải liên hiệp lại đánh đổ đế quốc.

Ủy ban bãi công đã hoan nghênh, chấp nhận yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc và giới thiệu Người đi báo cáo ở một số cơ sở.

Về việc này, báo Công nhân chi lộ đặc hiệu, số 20, ra ngày 14-7-1925 đã đưa tin Một người Việt Nam gia nhập đội diễn thuyết và để giữ bí mật cho Nguyễn Ái Quốc, tờ báo dùng tên gọi Lý Mỗ (chữ Mỗ như cách gọi ông X. của Việt Nam).

- Ngày 19:Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức do Nguyễn Ái Quốc tham gia khởi thảo, đăng trên báo Thanh niên, số 5. Sau khi tố cáo bọn đế quốc thực dân đang tăng cường áp bức bóc lột, đầu độc và tìm cách tận diệt nòi giống các dân tộc nhược tiểu, nhất là các dân tộc ở Châu Á, biến đất nước của họ thành thuộc địa và nửa thuộc địa, Tuyên ngôn kêu gọi"cần phải đoàn kết các dân tộc bị áp bức và toàn thể công nhân trên thế giới lại để làm cách mạng". Lời kêu gọi có đoạn:"Hỡi hết thảy những người bị áp bức, anh em! Nếu bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết! Nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ trở nên đáng gờm... Chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta.

Hỡi các bạn thợ thuyền! Tất cả các bạn đều biết rằng những kẻ áp bức chúng tôi và những kẻ ngược đãi các bạn chỉ là một... Nếu các bạn muốn thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ đang hành hạ các bạn thì các bạn hãy kết đoàn với chúng tôi! Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Chúng ta cùng có chung lợi ích, nên khi đấu tranh cho chúng tôi là các bạn cũng chiến đấu cho các bạn. Khi giúp đỡ chúng tôi các bạn cũng tự cứu mình.

Các bạn thân yêu! Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc. Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng ta chỉ có thể cậy vào sức của mình mà thôi. Toàn thể các dân tộc bị áp bức, toàn thể thợ thuyền trên trái đất đang bị cướp công, hãy đoàn kết với chúng tôi làm cuộc cách mạng tối thượng".

- Ngày 31:Nguyễn Ái Quốc được Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân quyết định phân công phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc và ở thuộc địa Đông Dương, Miến Điện, Xiêm, Đài Loan và quần đảo Philíppin. Nhiệm vụ trước mắt của Nguyễn Ái Quốc là liên hệ với các thuộc địa đó, tiếp xúc với các tổ chức nông dân địa phương nếu đã có, tổ chức những liên đoàn nông dân hoặc hạt nhân nông dân ở những nơi chưa có các tổ chức nông dân, chuẩn bị để những tổ chức này chính thức tham gia Quốc tế Nông dân.

* Tháng 7-1926

- Ngày 22:Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc viết thư Gửi Uỷ ban Trung ương thiếu nhi (tức Uỷ ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin - Liên Xô) về việc đề nghị cho gửi"một nhóm thiếu nhi Việt Nam" sang học ở Mátxcơva.

Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc còn viết thư Gửi đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên Cộng sản, nói là "đã viết thư cho Uỷ ban Trung ương Thiếu nhi Mátxcơva" "đề nghị đồng chí ủng hộ yêu cầu của tôi và tiến hành mọi hoạt động cần thiết để người ta trả lời tôi được mau chóng và thuận lợi"về nội dung trên. 

* Tháng 7-1928

- Khoảng đầu tháng:Nguyễn Ái Quốc với hộ chiếu mang tên một Hoa kiều là Nguyễn Lai đến bến cảng Khoong Tơi, hải cảng quốc tế tại Thủ đô Băng Cốc.

Những ngày ở Băng Cốc, Nguyễn Ái Quốc thường ở trong một số chùa như chùa Hội Khánh, người Thái gọi là chùa Mongkhol Sunrankhol; chùa ông Năm, người Thái gọi là chùa Somsanam Boriharn, chùa Tư Tế Tự, chùa Sư Ba, người Thái gọi là chùa Lacumkho.

Sau một thời gian ngắn, Nguyễn Ái Quốc xuất hiện ở Bản Đông, thuộc huyện Phìchịt, tỉnh Phítxanulốc miền Trung nước Xiêm. Đây là một làng Việt kiều với chừng hai chục gia đình, từ năm 1926 đã có những tổ chức cách mạng như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Hội hợp tác, Hội Việt kiều thân ái.

Trong buổi họp mặt đầu tiên với kiều bào, Nguyễn Ái Quốc tự giới thiệu là Thọ, biệt hiệu Nam Sơn. Những ngày sau đó, Người đã nhanh chóng sống hoà mình với kiều bào, cũng đi chân đất, cũng quần áo nâu sồng, làm đủ thứ việc như mọi người.

Ban ngày, Người tranh thủ lần lượt đi thăm các gia đình, hỏi han công việc làm ăn và giúp đỡ ý kiến. Tối đến, Người tổ chức nói chuyện cho kiều bào nghe về tình hình thế giới, tình hình trong nước. Thỉnh thoảng, Người lấy báo Trung Quốc, Anh, Pháp ra đọc một bài rồi phân tích giảng giải cặn kẽ cho mọi người.

Người lưu lại ở Bản Đông khoảng hai tuần.

- Khoảng giữa tháng:Nguyễn Ái Quốc rời Bản Đông đi Uđon (tức tỉnh Uđon Thani). Trong suốt cuộc hành trình ròng rã 15 ngày, Người đi bộ theo dọc đường rừng, vừa để đảm bảo bí mật, vừa để tìm hiểu thực tế tình hình kiều bào. Cũng như mọi người, Người đeo bên mình một con dao, một ống đựng sườn băm rang muối mặn, vai gánh đôi thùng có nắp đậy, trong đựng quần áo, ít gạo, muối, tài liệu, vài thứ đồ dùng cần thiết. Tuy xưa nay chưa quen gồng gánh, cũng chưa quen đi bộ đường dài nên mấy ngày đầu hai bàn chân bị phồng rộp, rớm máu, Người vẫn cố theo kịp mọi người. Người nói:“Thiên hạ vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên” (Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền).

* Khoảng cuối tháng 7 đến cuối tháng 10- 1929

Rời tỉnh Sacôn Nakhôn, Nguyễn Ái Quốc đến tỉnh Nakhôn Phanom nằm kề sát bờ sông Mê Kông cách Thủ đô Băng Cốc 735km theo đường ôtô.

Tại tỉnh Nakhôn Phanom, Nguyễn Ái Quốc đã đi tuyên truyền vận động Việt kiều ở trung tâm huyện Thà U Then, trung tâm huyện Thạt Phanom và ở thị xã Nakhôn Phanom. Nơi hoạt động lâu nhất trong thời gian Người ở Nakhôn Phanom là làng Bản Mạy, còn có tên gọi là Nà Thoọc. Người đã xây dựng phong trào Việt kiều ở Bản Mạy trở thành một trong những địa điểm quan trọng của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Sau một thời gian ở Nakhôn Phanom, Nguyễn Ái Quốc đến huyện Amnạt Charơn, còn có tên gọi là Bùng, huyện Bùng, tỉnh Ubon Ratchathani(từ năm 1993, được nâng lên cấp tỉnh gọi là tỉnh Amnạt Charơn).

Tại tỉnh Amnạt Charơn, Người hoạt động chủ yếu ở huyện Bùng.

Rời Amnạt Charơn, Nguyễn Ái Quốc đến tỉnh Ubon Ratchathani, phía đông giáp sông Mê Kông, phía nam giáp Campuchia, cách Thủ đô Băng Cốc 575km theo đường xe lửa. Người hoạt động chủ yếu ở Bản Thà thuộc tỉnh Ubon Ratchathani. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã sáng tác một bài thơ, giao cho đồng chí Nguyễn Tài ghi lại, sau đó đăng báo Thân ái:

            Hợp tác nề có anh thợ Vượng

            Tay nghề hay tính bướng cũng hay

            Những khi đi họp hàng ngày,

            Khi thì nói đổng, khi thì đòi ra.

            Chị khuyên bảo thiết tha khuyên bảo,

            Không nghe, coi táo bạo hung hăng.

            Rằng em chỉ muốn anh bằng người ta.

            Chị kiên nhẫn bẩy ba kiên nhẫn

            Làm cho anh đổi giận sang hiền

            Anh nghe lời vợ anh khuyên,

            Hội giao công việc anh chuyên cần làm

            Làm đúng đắn không ham lợi vặt,

            Nói như làm thẳng thắn phân minh.

            Một người trước bướng nay lành,

            Cả Hội hợp tác khen anh vô cùng.

            Tiếng chị Vượng khuyên chồng kết quả.

            Chị em đều hỉ hả mừng vui.

            Đăng lên mặt báo để rồi,

            Để rồi học tập, để rồi làm gương.

Nguyễn Ái Quốc còn đến tìm hiểu phong trào của Việt kiều ở thị xã Phi Mun, thuộc tỉnh Amnạt Charơn.

Tiếp đó Nguyễn Ái Quốc đến Mục Đa Hản, là một huyện của Nakhôn Phanom(từ năm 1982 được nâng lên thành tỉnh Mục Đa Hản) giao cho cán bộ tổ chức cơ sở xây dựng một địa điểm liên lạc và chuyển tài liệu báo chí về nước.

Từ Mục Đa Hản, Nguyễn Ái Quốc có ý định đi xuyên qua đất Lào để tiếp cận với phong trào trong nước nhưng không thực hiện được. Trong báo cáo ngày 18-2-1930, gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có nhắc lại việc này:“Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân Đảng”.

Địa điểm cuối cùng trên đất Thái Lan mà Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến là tỉnh Noọng Khai, nằm sát bờ sông Mê Kông đối diện với Thủ đô Viêng Chăn của nước Lào, cách Thủ đô Băng Cốc 616km. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc thường ở và làm việc tại chùa Xỉ Xum Xưn. Đây là nơi Nguyễn Ái Quốc hẹn các đồng chí đang sinh hoạt trong chi bộ Viêng Chăn, vượt sông Mê Kông sang làm việc.

            Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: