Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

Phần 4. Giai đoạn 1946 - 1954

- Trong tháng 7-1951

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen cán bộ, chiến sĩ, bộ đội địa phương Hà Đông đã cùng bộ đội chủ lực dũng cảm đánh thắng địch ở Chợ Cháy, Trầm Lộng (nam Hà Đông) và “khuyên các chú học tập kinh nghiệm trong trận vừa qua, ra sức củng cố lực lượng của mình, để tranh lấy thắng lợi mới to hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Chính ủy Văn Tiến Dũng để chuyển đến các cán bộ và chiến sĩ trong Đại đoàn 320. Người cảm ơn các chiến sĩ đã biếu Người một lá cờ của ngụy quyền do đơn vị lấy được trong chiến dịch vừa qua và căn dặn các chiến sĩ cố gắng chỉnh huấn đến nơi đến chốn, thông suốt tư tưởng, đoàn kết chặt chẽ, đồng cam cộng khổ từ trên xuống dưới, kiên quyết vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội giáo dục toàn quốc, góp một số ý kiến vào việc thảo luận của Đại hội. Người nhắc nhở “Đại hội nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân...”.

* Tháng 7- 1952

- Ngày 2: Dự họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo của Phó Tổng thanh tra về tình hình quản lý tài chính trong quân đội; tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu của một số cán bộ. Sau khi nghe các thành viên Hội đồng Chính phủ thảo luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tổng kết phiên họp:

+ Phải nêu gương những cán bộ trong sạch, cần kiệm, liêm chính phụ trách quản lý tài chính trong quân đội cho các cán bộ khác noi theo.

+ Bệnh quan liêu, nạn tham ô, lãng phí nguồn gốc ở trong xã hội cũ mà ra. Chúng ta không lấy làm lạ. Nhưng mấy năm sau cách mạng mà tham ô, lãng phí còn khá phổ biến trong cán bộ ta, là vì giáo dục thiếu sót. Nay ta đã nhận thấy được bệnh đó là một điều hay, tiến bộ - chúng ta phải sửa dần, một cách có kế hoạch, chuẩn bị. Việc chống quan liêu, tham ô, lãng phí sẽ tiến hành theo Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ đã ra đầu tháng 5.

+ Cần tăng cường công tác bảo vệ chính trị, tỉnh táo đề phòng mọi âm mưu phá hoại của địch.

- Ngày 3: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một anh mẹ thương binh” và Hoan hô hoàn Hồ, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 64:

+ Bài Một anh mẹ thương binh”, kể về gương anh Đoàn Văn Hoạch, y tá, 21 tuổi, một mình làm công việc của hai người mà vẫn làm đến nơi đến chốn, xứng đáng là gương sáng cho cán bộ và nhân viên quân y noi theo. Tuy là “anh” nhưng được vinh dự mang tên “mẹ thương binh”.

+ Bài Hoan hô hoàn Hồ, kể lại câu chuyện: Trong một cuộc mít tinh ở vùng bị tạm chiếm, giặc bắt đồng bào hoan hô chúng, đồng bào không chịu, đã bị chúng đánh đập hành hạ. Cụ L ở Nam Định đã nảy ra sáng kiến, hô “Hoan hô hoàn Hồ” tức “hoan hô trở về với Hồ Chủ tịch”. Tác giả nhận xét: “Việc tuy nhỏ, chỉ thêm một dấu huyền, cũng đủ tỏ lòng đồng bào nồng nàn yêu nước, căm thù giặc Pháp và bè lũ Việt gian bù nhìn”.

- Ngày 8: Bài viết Ấp úng, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2116. Bài báo đưa tin: Trong phiên họp của ủy ban tài giảm binh bị của Liên hợp quốc, đại biểu Liên Xô đề nghị ba nước Mỹ, Anh, Pháp cùng cam kết giảm vũ khí, quân số, cấm dùng bom nguyên tử, vũ khí vi trùng, hơi ngạt và công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là thành viên của ủy ban này. Trước những lý lẽ sắc bén của đại biểu Liên Xô, đại biểu Mỹ, Anh, Pháp đã:

“Ấp úng như thúng đứt vành,

Trả lời không được phải đành ngậm câm”.

- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị chiến tranh du kích.

Trong bài nói tại Hội nghị, Người nêu rõ mục đích của chiến tranh du kích không phải là ăn to đánh lớn mà phải tỉa dần, đánh làm sao cho giặc ăn không ngon, ngủ không yên, bị hao mòn về tinh thần và vật chất rồi đi đến chỗ bị tiêu diệt và nhiệm vụ của du kích hiện nay là phá tan âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch. “Phá được âm mưu đó là góp một phần lớn vào công việc chuẩn bị tổng phản công”.

Sau khi chỉ ra những khuyết điểm chính của phong trào chiến tranh du kích như coi nhẹ công tác chính trị, kinh tế, tuyên truyền giáo dục nhân dân, muốn đánh to ăn to, công tác ngụy vận, phòng gian làm chưa đều, chưa chu đáo..., Người nêu những công tác trước mắt của phong trào trong đó nhấn mạnh điều quan trọng nhất là du kích phải bám sát lấy dân. “Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu... Muốn thế phải bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục nhân dân”.

- Ngày 18: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân diện cẩu tâm, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2123. Bài báo kể lại số phận của những tên tay sai làm chó săn cho Pháp, từ bù nhìn Thinh, Thảo thắt cổ chết; rồi đến Xuân, Hoạch, Long, Hữu bị đá đít, nay Pháp lại dùng đến Tâm - con chó săn đắc lực nhất, nhưng như câu tục ngữ đã nói “hết săn thì ăn thịt chó” số phận của Tâm cũng giống đàn anh đi trước mà thôi. Mới hay:

“Những loài cõng rắn cắn gà

Buôn dân bán nước ắt là diệt vong”.

- Ngày 21: Bài Nhân dân Pháp thắng một trận to, ký bút danh Đ.X, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Cứu quốc, số 2125, viết về phong trào đấu tranh chống Mỹ và chống chiến tranh của nhân dân lao động Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh thắng lợi buộc Chính phủ Pháp phải trả tự do cho ông Giắc Đuyclô - Bí thư Đảng Cộng sản Pháp.

- Ngày 24: Ba bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mười điều ghi nhớ và thực hành, Có công mài sắt có ngày nên kim và Tướng tá Mỹ chết toi, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 67:

+ Bài Mười điều ghi nhớ và thực hành, tóm tắt chương trình hoạt động của Mặt trận Liên Việt thành 10 điều để nhân dân ghi nhớ và thực hiện. Theo tác giả, đây là “công ước yêu nước” của người dân Việt Nam.

+ Bài Có công mài sắt có ngày nên kim, viết về gương anh Trần Nghệ (Hà Tĩnh) nhà nghèo phải đi làm thuê. Anh đã xin chủ cho mỗi ngày hai giờ để học chữ, rồi dạy được bình dân học vụ, tổ chức lớp học, trường học. Tinh thần trách nhiệm và ý chí vượt khó đã giúp anh thành cán bộ gương mẫu.

+ Bài Tướng tá Mỹ chết toi, kể về một số trường hợp tướng tá Mỹ chết, có tên chết vì điên khi thấy Liên Xô có bom nguyên tử, có tên tự sát khi thấy bất lực trước thất bại trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

- Ngày 25: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chiến tranh nhồi sọ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2128, tố cáo Mỹ đang tiến hành một cuộc “chiến tranh nhồi sọ” trên quy mô thế giới dưới rất nhiều hình thức. Tại những vùng tạm chiếm ở nước ta, Mỹ đang ra sức xâm lược văn hóa, tuyên truyền và gieo rắc bệnh phục Mỹ, thân Mỹ, sợ Mỹ trong nhân dân, nhất là trong thanh niên. Bài báo nhắc nhở: “Đó là một điều mà cán bộ giáo dục và tuyên truyền ta phải đặc biệt chú ý và phải ra sức chống lại”.

- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhân Ngày Thương binh tử sĩ 27-7-1952. Trong thư, Người nhờ cụ Bộ trưởng chuyển một tháng lương cùng lời thăm hỏi ân cần đến thương, bệnh binh, và tỏ ý hoan nghênh chủ trương giúp đỡ thương, bệnh binh bằng cách đón về xã, giúp gây cơ sở làm ăn như bà con Thanh Hóa, Phú Thọ đã làm.

Về việc này, Người nhắc nhở đồng bào “nên coi đó là một nghĩa vụ”, chứ không phải là một việc “làm phúc”. Còn anh em thương, bệnh binh phải hòa mình với dân, tránh tâm lý “công thần” coi thường lao động, coi thường kỷ luật; chớ bi quan chán nản. Phải luôn luôn cố gắng.

Cùng ngày, Người gửi tặng anh em thương, bệnh binh hai phiếu công trái quốc gia, mỗi phiếu trị giá một tấn thóc.

Với bút danh C.B, báo Nhân Dân, số 69, đăng bài thơ của Người: Mừng kênh Vônga - Đông hoàn thành. Bài thơ ca ngợi nhân dân Liên Xô đã nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, xây dựng thành công kênh đào Vônga - Đông.

- Ngày 31: Ba bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 68:

+ Bài Anh hùng chế mìn và anh hùng đánh mìn, kể về gương anh Nguyễn Văn Kim, mặc dù là cán bộ chính trị nhưng khi được giao quản lý một nhà máy quân giới đã ra sức học hỏi chuyên môn, sáng chế ra cách làm mìn vừa đơn giản, tiết kiệm, công dụng cao. Và anh Nguyễn Văn Dũng, bộ đội giỏi đánh mìn, lấy mìn của địch để diệt địch.

+ Bài Chống quan liêu, tham ô, lãng phí, nêu lên sự cần thiết phải chống quan liêu, tham ô, lãng phí, vì: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người chúng ta”.

+ Bài Mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp, trích dẫn tuyên bố của tướng Gioanh và báo chí phản động Pháp phản đối Mỹ can thiệp chính trị vào Pháp và thái độ ươn hèn của Chính phủ phản động Pháp, để thấy rằng: Mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp ngày càng sâu sắc, ngay trong nội bộ chính giới Pháp mâu thuẫn đang xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là Pháp thất bại ở Việt Nam. Đồng thời tác giả cũng nhắc nhở: Chúng ta cần khoét sâu những mặt yếu của địch, để tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

* Tháng 7- 1953

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, Người tuyên bố: Mục đích của Việt Nam từ nay là: Làm thất bại chính sách can thiệp của đế quốc Mỹ.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bộ đội sau chiến dịch mùa Xuân năm 1953, khen ngợi những đơn vị đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, bí mật dũng cảm, biết làm công tác dân vận. Người phê bình một số đơn vị quyết tâm chưa vững chắc, chỉ huy còn máy móc, chưa linh hoạt, vì vậy mà đã bỏ lỡ nhiều dịp tiêu diệt địch và nhắc nhở các chiến sĩ phải sửa chữa ngay khuyết điểm, phát huy ưu điểm, chớ tự kiêu, tự mãn, chủ quan khinh địch. Cuối thư, Người hứa sẽ gửi giải thưởng cho những chiến sĩ và đơn vị nào xuất sắc nhất.

Cùng ngày, hai bài viết của Người: Sẽ được mấy lâu? ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 122, viết về Chính phủ mới ở Pháp do Lanien (Laniel) thuộc Đảng Cộng hòa làm Thủ tướng. Người cho rằng chính phủ này tồn tại cũng chẳng được bao lâu vì những khó khăn đã khiến các Chính phủ Pháp trước đây "đổ như sung rụng" vẫn còn đó và kết luận: Chính phủ Pháp không đứng vững được vì dân không tin và phản đối.

Bài Tỉnh táo đề phòng bọn gián điệp, ký bút danh C.B đăng trên báo Nhân Dân, số 122. Bài báo nêu rõ những âm mưu thủ đoạn của Pháp dùng người Việt đánh người Việt, nên đã cài bọn Việt gian để phá hoại cách mạng, vậy “muốn phòng gian trừ gian phải dựa vào nhân dân, phát động nhân dân đấu tranh chống lại chúng. Nếu nơi nào biết dựa vào dân thì dù địch ngoan cố xảo quyệt đến mấy cũng bị thất bại”, và phải coi công tác này cũng quan trọng như tác chiến.

- Ngày 10: Bài viết Đảng Lao động Việt Nam, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2375, Người nêu rõ: Đảng là một tổ chức tiên tiến nhất của nhân dân lao động; mọi đảng viên phải giữ vững kỷ luật của Đảng, phục tùng sự lãnh đạo của Đảng; Đảng phải lãnh đạo tất cả các tổ chức khác của nhân dân lao động; Đảng phải liên lạc chặt chẽ với quần chúng; Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung; trong Đảng bất kỳ cấp nào, đảng viên nào đều phải giữ kỷ luật của giai cấp vô sản. Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, mỗi đảng viên đều phải thật thà phê và tự phê để tiến bộ mãi.

- Ngày 11: Bài viết Liên khu V anh dũng, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 123, viết về Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua công - nông - binh cuối tháng 4-1953 ở Liên khu V. Người đặc biệt nhấn mạnh ba điểm chính mà Đại hội đã nêu lên để chiến sĩ học tập là: Thi đua diệt giặc lập công, quyết tâm bảo vệ nhân dân, kiên quyết chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ.

- Ngày 13: Bài viết Tính chất của Đảng Lao động Việt Nam, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2377. Trong bài viết, Người nêu rõ: "Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích cả dân tộc. Vì những điều sau này mà quyết định tính chất ấy.

1. ... Đảng giác ngộ giai cấp công nhân lành mạnh, lập trường giai cấp dứt khoát, tác phong giai cấp đúng đắn.

Tư tưởng của Đảng là tư tưởng của giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân. Vì vậy, trong Đảng không thể có những tư tưởng, lập trường và tác phong trái với tư tưởng, lập trường và tác phong của giai cấp công nhân.

2. Đảng có chính cương rõ rệt: hiện nay thì giai cấp công nhân lãnh đạo toàn dân chống đế quốc và phong kiến, để giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ mới. Ngày sau thì tính đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

3. Đảng có kỷ luật rất nghiêm khắc, tất cả đảng viên đều phải tuân theo. Tư tưởng chính trị và tổ chức của Đảng đều phải thống nhất. Trong Đảng không thể có những phần tử lạc hậu và đầu cơ.

4. Tất cả đảng viên phải kiên quyết phục tùng sự lãnh đạo tập trung của Đảng. Trong Đảng không thể có những phần tử hèn nhát lung lay.

5. Đảng phải luôn giáo dục đảng viên về lý luận cách mạng. Đối với những đảng viên xuất thân là trí thức, tiểu nông dân, thì Đảng phải ra sức cải tạo tư tưởng khiến cho những đồng chí đó thành những chiến sĩ của giai cấp công nhân...".

- Ngày 17: Bài viết Đảng Lao động lãnh đạo kháng chiến kiến quốc (A), ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2380. Người nêu rõ: Để lãnh đạo kháng chiến kiến quốc, Đảng phải truyền bá lý luận Mác - Lênin trong nhân dân. Bởi vì, nhờ lý luận mà quần chúng hiểu rõ nguyên nhân, đường lối, phương pháp đấu tranh; mặt khác, nhờ kết hợp lý luận với kinh nghiệm và thực tiễn cách mạng Việt Nam mà Đảng sẽ phân tích được tình hình, đề ra được những chủ trương và chính sách đúng đắn, hợp với lòng dân, nhờ vậy mà động viên được sức mạnh của toàn dân.

- Ngày 20: Bài viết Đảng Lao động lãnh đạo kháng chiến kiến quốc (B), ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2382. Người phân tích vai trò của Đảng trong việc đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh đúng đắn trong mỗi giai đoạn cách mạng để động viên và lãnh đạo nhân dân đấu tranh cho nên đã tranh được nhiều thắng lợi. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa Đảng với quần chúng thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, "Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu".

- Ngày 24: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng Đảng Lao động Việt Nam, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2385. Người nêu rõ: Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Cần phải xây dựng Đảng trên ba mặt: Tư tưởng, chính trị và tổ chức. Về tư tưởng, Đảng phải học tập lý luận Mác - Lênin. Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống thói xem nhẹ tư tưởng. Đảng phải tăng cường tư tưởng giai cấp công nhân và gột rửa những tư tưởng trái với nó, chống thói xem nhẹ học tập lý luận. Về đường lối chính trị, Đảng chống khuynh hướng "tả" và "hữu".

- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), nhờ cụ Bộ trưởng chuyển tới anh em thương binh một tháng lương của Người và 30 chiếc khăn tay do phụ nữ dân tộc Thái gửi biếu Người.

- Ngày 27: Bài viết Tự phê bình và phê bình, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2387. Người chỉ rõ: Để nâng cao trình độ lý luận và chính trị, mỗi đảng viên cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng thì dùng cách chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục đảng viên. Về mặt tổ chức, Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Phải tiến hành xây dựng Đảng trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó không chỉ là công việc của Đảng, của đảng viên mà là của toàn dân. Đảng viên phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Người kết luận: "Một đảng có chủ nghĩa Mác - Lênin, có kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; một đảng đúng đắn về tư tưởng, chính trị và tổ chức như Đảng Lao động Việt Nam, đảm bảo chắc chắn cho kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công".

- Ngày  31: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2390, nhấn mạnh vấn đề lựa chọn đảng viên, coi đó là nền tảng của tổ chức Đảng. Người định nghĩa thế nào là một người đảng viên, nghĩa vụ và quyền lợi của người đảng viên.

- Trong tháng 7 -1953: Nhân dịp ông Nguyễn Chí Thanh đi công tác ở Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn pháo cao xạ 367 đang tập huấn tại Trung Quốc: "... Không quân là chỗ mạnh của giặc. Muốn thắng giặc ta phải có bộ đội pháo cao xạ mạnh để trị máy bay của chúng...".

Với bút danh Din, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: Chúng tôi vững tin vào thắng lợi cuối cùng của mình, gửi cho tạp chí Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân, giới thiệu với bạn bè quốc tế những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân ta giành được trên các mặt quân sự, chính trị, cải cách ruộng đất, công tác xây dựng Đảng. Kết luận bài báo, Người viết: "Còn chúng tôi, chúng tôi không say sưa với thắng lợi và không đánh giá quá thấp kẻ địch, nhưng chúng tôi tự cảm thấy ngày càng mạnh lên, ngày càng thêm vững tin vào thắng lợi cuối cùng của chúng tôi, ngày càng quyết tâm đuổi ra khỏi Tổ quốc mình bọn thực dân Pháp và quan thầy của chúng là bọn can thiệp Mỹ, mặc dù chúng tôi vẫn không từ bỏ thái độ bè bạn và hữu nghị đối với nhân dân Pháp".

* Tháng 7- 1954

- Ngày 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng mới giải phóng ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong thư, cùng với việc căn dặn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, Người đã nêu lên bốn nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện là:

1. Đoàn kết nhất trí, yêu mến và giúp đỡ lẫn nhau.

2. Hăng hái tăng gia sản xuất, làm ăn, buôn bán, để cải thiện sinh hoạt.

3. Hăng hái tham gia và ủng hộ kháng chiến.

4. Luôn luôn tỉnh táo, không nên chủ quan khinh địch.

Đối với đồng bào công giáo, Người khuyên nhủ phải "tin tưởng ở chính sách tự do tín ngưỡng của Chính phủ", "chớ để địch lợi dụng". Đối với cán bộ và chiến sĩ, Người căn dặn phải "nhã nhặn đối với dân, gần gũi và giúp đỡ dân, thi hành đúng chính sách của Chính phủ và giữ vững nền nếp liêm khiết, giản dị". Đối với những người lầm đường lạc lối, Người nói rõ chính sách của Chính phủ ta là "ai cải tà quy chính đều được Chính phủ và nhân dân ta đối đãi khoan hồng".

- Từ ngày 3 đến ngày 5: Tại Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và những vấn đề có liên quan trong cuộc đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ. Cùng tham dự có Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và tướng Trần Văn Quang.

Trong thời gian này, Người đã thăm lại sông Liễu Giang và núi Ngư Phong, nơi 10 năm trước Người đã rèn luyện sức khỏe sau khi ra khỏi nhà tù của Quốc dân Đảng Trung quốc.

- Ngày 4: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ngư mục hỗn châu", ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 201. Bài báo cho biết, Mỹ và Pháp đang rêu rao về nền "độc lập" và "dân chủ" của chính quyền bù nhìn Bảo Đại. Người cho rằng đây là thủ đoạn "mắt cá dễ lộn ngọc trai" hòng lừa bịp những ai cả tin. Dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói về tổng tuyển cử, về nền độc lập và dân chủ ở Việt Nam mà Hội nghị Giơnevơ đang bàn bạc và uy tín của chính quyền Bảo Đại đối với những vấn đề đó, Người khẳng định những thủ đoạn đó sẽ không lừa bịp được nhân dân ta.

- Ngày 5: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đội du kích công giáo, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2633, ca ngợi đội du kích vùng đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở thôn Q.N, tỉnh Nam Định. Bài báo cho biết, với tinh thần dũng cảm, mưu trí và khôn khéo, đội du kích đã diệt khá nhiều địch, lôi kéo được một số ngụy binh bỏ ngũ trở về với kháng chiến.

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Việt Nam thông tấn xã. Trả lời câu hỏi về sự tiến triển của Hội nghị Giơnevơ, Người nhận xét: Hội nghị tuy tiến triển chậm "nhưng với những vấn đề đã thỏa thuận, Hội nghị cũng đã mở đường cho việc lập lại hòa bình ở Đông Dương" và nêu rõ: nhân dân ta sẽ cố gắng đấu tranh cho hòa bình, đồng thời phải có tinh thần cảnh giác cao đối với âm mưu của đối phương.

Trả lời câu hỏi về ý nghĩa bản Tuyên bố chung giữa Thủ tướng các nước Trung Quốc, ấn Độ và Miến Điện, Người khẳng định: "Hai bản tuyên bố chung đó phù hợp với nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới""thích hợp cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương", "Nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh hai bản tuyên bố chung đó".

Chủ tịch rất hoan nghênh nguyện vọng của Thủ tướng Pháp Măngđét Phơrăngxơ, khi ông nói việc ngừng bắn ở Đông Dương phải thực hiện mau chóng, và chỉ rõ: "Chúng ta hoan nghênh nguyện vọng của ông Măngđét Phrăngxơ, nhưng phải bài trừ chính sách của đế quốc Mỹ ngăn cản và phá hoại Hội nghị Giơnevơ, mới có thể thực hiện nhanh chóng ngừng bắn ở Đông Dương được".

- Ngày 7: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Công giáo Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, ký bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 202. Bài báo ca ngợi cuộc đấu tranh của những người Pháp theo đạo Thiên Chúa, trong đó có cả các vị linh mục chống chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. Họ đòi hai bên cần trực tiếp thương lượng để chấm dứt chiến tranh. Họ kiên quyết chống bất kỳ ai lợi dụng việc bảo vệ tôn giáo vào cuộc xung đột ở Đông Nam á, chống việc sử dụng những vũ khí giết người dã man trong cuộc chiến tranh. Người chỉ rõ: Thái độ của những người theo đạo Thiên Chúa ở Pháp như vậy là rất đúng đắn và kêu gọi "những người công giáo Việt Nam, ai đã lầm đường theo giặc, phản nước phản Chúa, cần phải mau hối cải, mau mau quay về với chính nghĩa, với Tổ quốc yêu mến của chúng ta".

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những người trung thành với đạo Chúa, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2635. Bài báo phê phán hành động tuyên truyền chiến tranh, khủng bố những người có tư tưởng hòa bình và khẳng định rằng đó là những hành động phản lại những tư tưởng của Chúa. Những người trung thành với Chúa là những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp hòa bình thế giới.

- Ngày 10: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Gửi báo cáo và xin chỉ thị, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 203, nêu rõ tầm quan trọng của việc gửi báo cáo xin chỉ thị của cấp trên, những nguyên tắc của việc báo cáo, v.v.. Người cũng phê phán một số cấp ủy và chính quyền địa phương không thực hiện nghiêm túc chế độ gửi báo cáo, xin chỉ thị và chỉ rõ: "Mỗi cán bộ phụ trách phải kiên quyết làm đúng chế độ ấy".

- Ngày 13 và ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ. Người đã đọc báo cáo về tình hình và nhiệm vụ mới. Phát biểu kết thúc phiên họp, sau khi nhận định kết quả làm việc của Hội đồng Chính phủ trong lần họp này, Người chỉ rõ: Công tác mới nhiều, phức tạp, khó khăn. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, về mặt nhận thức phải toàn diện đồng thời lại phải có sự nghiên cứu tỉ mỉ từng bộ phận. Trong khi tiến hành công tác phải có sự "phân công rành mạch" nhưng lại phải có "phối hợp ăn khớp, chỉ đạo chặt chẽ và khéo léo", "mỗi bộ, mỗi ngành phải chuẩn bị kế hoạch hoạt động và cán bộ để thực hiện kế hoạch đó", phải "đả thông tư tưởng cán bộ", "Tình hình có những biến chuyển mới, nói chung là công của dân ta, nói riêng là của bộ đội ta đã cố gắng, quyết tâm và chịu đựng gian khổ. Các ngành, các bộ sẽ cố gắng thi đua với bộ đội, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, chuẩn bị mọi mặt cho đầy đủ, nắm quyền chủ động, chủ động thì nhất định chúng ta thắng lợi".

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị lần thứ sáu (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II). Tại Hội nghị, Người đã đọc bản báo cáo quan trọng gồm hai phần: Tình hình mới và Nhiệm vụ mới.

Ở phần Tình hình mới, sau khi giới thiệu những thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thái độ của Mỹ đối với Hội nghị Giơnevơ, Người khẳng định: "Mỹ là kẻ thù chính của hòa bình thế giới, ta phải tập trung lực lượng chống đế quốc Mỹ.

Về Tình hình trong nước, Người đã phân tích những chuyển biến của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những thắng lợi về quân sự và ngoại giao của Nhà nước và nhân dân ta, âm mưu của Mỹ đối với Đông Dương và khẳng định: "Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào".

Ở phần Nhiệm vụ mới, Người chỉ rõ để tiến tới thực hiện hòa bình, "ta vẫn tiếp tục đánh Pháp. Nhưng mũi nhọn của ta cũng như mũi nhọn của thế giới đều chĩa vào Mỹ";... "Chính sách của ta là tranh thủ hòa bình để chống lại chính sách chiến tranh của Mỹ" và nhấn mạnh: "trước tình hình mới hiện nay, ta không thể giữ cương lĩnh cũ. Trước kia khẩu hiệu của ta là "Kháng chiến đến cùng". Nay vì tình hình mới, ta cần nêu khẩu hiệu mới là "hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ". Để chống đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp, kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, ta phải nắm vững lá cờ hòa bình, chính sách của ta có thay đổi: trước ta tịch thu tài sản của đế quốc Pháp, nay đã đàm phán thì có thể theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, mà giữ lợi ích kinh tế và văn hóa của Pháp ở Đông Dương. Dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức...

Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước".

Trong báo cáo, Người cũng đề ra ba nhiệm vụ, 10 công tác và vấn đề "điều chỉnh khu vực Pháp rút quân, đề phòng tư tưởng "tả" hoặc "hữu khuynh" có thể nảy sinh.

Phần cuối báo cáo, Người khẳng định lại: Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Các công tác phải liên hệ và phối hợp với nhau, bộ phận phối hợp với toàn cục,... Mỗi công tác phải hợp với từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh.

- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ toàn quốc sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công.

Người chỉ rõ những nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và nêu ra quyết tâm củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Về việc thực hiện Hiệp nghị Giơnevơ, Người nhấn mạnh việc điều chỉnh khu vực chỉ là "tạm thời" và khẳng định: "Chúng ta quyết làm đúng những điều đã ký kết với Chính phủ Pháp, đồng thời chúng ta đòi Chính phủ Pháp phải làm đúng những điều họ đã ký kết với ta". Người kêu gọi đồng bào hãy "tỉnh táo đề phòng âm mưu của những kẻ phá hoại hòa bình",... "ra sức khôi phục và xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng" để thực hiện "quyền độc lập hoàn toàn của nước ta"; củng cố và phát triển tình hữu nghị với nhân dân hai nước Miên, Lào, và các nước khác, kể cả nước Pháp.

Cuối cùng, Người kêu gọi "toàn thể đồng bào, quân đội và cán bộ hãy theo đúng đường lối, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc".

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Báo chí tư sản Pháp bình luận tên Việt gian Ngô Đình Diệm, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 207. Bài báo vạch rõ những hành động của Ngô Đình Diệm câu kết với Đảng Bêdô (một đảng phản động nhất ở Pháp), với giám mục phản động Spenman ở Mỹ, kẻ chủ trương kéo dài cuộc chiến tranh ở Đông Dương và ủng hộ trực tiếp sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương. Bài báo kết luận: Diệm chủ trương kéo dài chiến tranh mà cả nước thì muốn hòa bình. Vì vậy, ngoài vài người ở Trung Bộ và Bắc Bộ ủng hộ Diệm thì Diệm hoàn toàn trơ trọi một mình...

- Ngày 28: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh nhân ngày thương binh liệt sĩ (27-7), đăng báo Nhân Dân, số 209. Trong thư, Người bày tỏ sự biết ơn đối với đồng bào ở những nơi đã đón thương binh về địa phương chăm sóc và căn dặn các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ "cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào, cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng ra vẻ "công thần".

Nhân dịp này, Người nhờ cụ Bộ trưởng chuyển số tiền 30.600 đồng do một kiều bào ở Trung Quốc gửi tặng và một tháng lương của Người là 45.000 đồng để làm quà cho các thương, bệnh binh.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hội nghị Giơnevơ đã thắng lợi lớn, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 209. Bài báo khẳng định ý nghĩa của Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương và chỉ rõ đó là thắng lợi của nhân dân các nước Đông Dương, của các lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới.

Người nhắc nhở toàn dân: "Phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng thống nhất, hành động nhất trí, ra sức đấu tranh để hoàn thành độc lập, xây dựng dân tộc thực sự. Chúng ta đã thắng lợi trong kháng chiến, chúng ta sẽ thắng lợi trong hòa bình".

- Cuối tháng 7 -1954: Tại An toàn khu (Việt Bắc), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Liên Xô Rôman Cácmen. Câu chuyện được trao đổi bằng tiếng Nga. Thấy nhà báo tỏ vẻ ngạc nhiên trước cuộc sống giản dị, quá khiêm tốn của Người, Người giải thích: "Tôi đã quen với cuộc sống như thế này, những năm tháng đấu tranh cách mạng đã tập cho tôi quen như thế, chỉ sau năm phút tôi đã sẵn sàng lên đường". Trả lời câu hỏi: "Chủ tịch học tiếng Nga có khó lắm không? ", Người nói: "Người chiến sĩ cách mạng cần phải biết tiếng nói của Lênin". Khi nhà báo hỏi: "Chủ tịch làm việc bao nhiêu tiếng trong một ngày?" , Người nói: "Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao".

Trong thời gian được làm việc gần Chủ tịch, Rôman Cácmen đã thấy không hoàn toàn như vậy: Nhiều đêm, Chủ tịch chống gậy, quần và tay áo xắn cao, đi theo ánh đuốc của đồng chí cận vệ trên con đường hẻm trong rừng. Chủ tịch đến một bản xa nào đó trong núi hoặc đi họp Hội đồng Chính phủ về muộn.


1) Hội hữu nghị Pháp-Việt do những người Pháp có danh tiếng đứng ra tổ chức để ủng hộ Việt Nam độc lập. Các hội viên không chia đảng phái, tôn giáo, giai cấp. Ai đồng tình với Việt Nam là được vào Hội.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: