Phần 3. Giai đoạn 1946 - 1954
* Tháng 7- 1946
- Ngày 1: Lúc 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số chị em Việt kiều. Khi được biết họ chuẩn bị may tặng Người một bộ quần áo, vì thấy bao giờ Người cũng chỉ mặc một bộ quần áo vải vàng, Người không đồng ý. Hoạ sĩ Vũ Cao Đàm đến xin được vẽ và nặn tượng Người.
- Ngày 2: Ngày đầu tiên trong Chương trình chính thức đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh của Chính phủ Pháp, vào hồi 11 giờ 50, Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê cùng các quan chức cao cấp trong Chính phủ Pháp tới Khách sạn Roayan Môngxô đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp Thủ tướng Gioócgiơ Biđôn tại Dinh Thủ tướng, 14 phố Xanh Đôminic. Lễ đón tại khách sạn diễn ra rất long trọng, có lính bồng gươm trần đứng hai bên làm hàng rào danh dự. Từ khách sạn đến Dinh Thủ tướng, xe của Người đi giữa đội môtô bảo vệ, dẫn đầu là xe của Cảnh sát trưởng Pari. Hai bên hè đường, nhiều quãng dân chúng tụ tập rất đông vẫy tay chào.
Đến Dinh Thủ tướng, nghi lễ đón tiếp càng trọng thể hơn. Quốc ca hai nước Việt và Pháp nổi lên hùng tráng để đón chào. Sau khi duyệt binh xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh theo sự hướng dẫn của Bộ trưởng Mutê vào phòng khách gặp Thủ tướng Biđôn. Thủ tướng Biđôn xuống tận chân cầu thang đón tiếp. Hai vị Quốc trưởng chào mừng, chúc tụng lẫn nhau, rồi vào phòng khách gặp gỡ riêng. Cuộc tiếp xúc diễn ra chừng mươi phút, sau đó hai người từ biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra về, nghi lễ vẫn như lúc đi cho tới khách sạn.
13 giờ 30, ông J. Xanhtơny tới khách sạn đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Pháp mời. Nghi lễ vẫn long trọng như buổi sáng. Trước khi vào phòng tiệc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc tiếp xúc riêng với Thủ tướng Pháp trong ít phút. Tới dự buổi tiệc có đủ mặt tân cựu Thủ tướng và các vị Bộ trưởng. Trong buổi tiệc, sau diễn văn chào mừng của Thủ tướng Biđôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc đáp từ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp đã đón tiếp Người rất ân cần, nồng nhiệt. Khi nói đến hội nghị giữa hai nước sắp tới, Người tin tưởng hội nghị có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, song "sự thành thật và lòng tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại". Người nhắc lại một nguyên tắc đạo đức mà triết lý phương Đông và phương Tây đều tán dương: "Điều mà mình không muốn thì đừng làm với người khác".
Sau bữa tiệc, Thủ tướng Biđôn tiễn Người ra tận cửa Dinh Thủ tướng và chụp một bức ảnh chung.
15 giờ 50, Người tiếp Thủ tướng Pháp Gioócgiơ Biđôn đến đáp lễ tại Khách sạn R. Môngxô. Hai bên nói chuyện chừng mươi phút. Sau khi Thủ tướng ra về, một số quan chức Pháp còn ở lại uống trà và đàm đạo.
Cùng ngày, sau khi trao đổi với đại diện Chính phủ Pháp về binh sĩ Việt Nam ở Pháp muốn trở về Tổ quốc, được sự nhất trí của hai bên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các binh sĩ Việt Nam ở Pháp thông báo chín điều đã thoả thuận với Chính phủ Pháp và khuyên anh em: Phải giữ kỷ luật tử tế; phải đoàn kết, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; về đến nhà phải giúp ích Tổ quốc, phải ủng hộ Chính phủ; phải ăn ở cho xứng đáng với một người công dân của nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam.
- Ngày 3: 11 giờ, Người đi đặt vòng hoa trước mộ binh sĩ Đông Dương chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất tại nghĩa trang Nôgiăng xuya Mácnơ, ngoại ô Pari. Đón Người tại đây có Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê. Vòng hoa của Người mang dòng chữ: “Hồ Chí Minh ai điếu các chiến sĩ Việt Nam”. Người nói với kiều bào có mặt tại đó, đại ý: Người Việt Nam phải đoàn kết làm cho nước nhà hoàn toàn vinh quang, sánh vai với các nước trên thế giới, xây dựng hạnh phúc cho Tổ quốc, cho nhân loại để khỏi phụ lòng những người đã vì nước thiệt mạng. Người chết đã vậy, còn các kiều bào ở Pháp nên xử sự thế nào để người Pháp hiểu biết và quý mến mình.
- Ngày 4: 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông J.Xanhtơny viếng mộ liệt sĩ bị phát xít Đức bắn trên đồi Valêriêng. Người xúc động nói: “Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập và tự do mà bị người Đức tàn sát, lại nghĩ đến nghĩa sĩ Việt cũng vì độc lập, tự do mà cũng bị người khác tàn sát, khiến cho người ta thêm nỗi cảm động, ngậm ngùi. Quyền độc lập, tự do ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của các nghĩa sĩ và sự đoàn kết của toàn quốc dân mà xây nên. Vậy nên, những người chân chính yêu chuộng độc lập, tự do của nước mình, thì cũng phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác”.
17 giờ, Người dự cuộc đón tiếp chính thức do Hội đồng thành phố Pari tổ chức tại Toà Thị chính. Đô đốc Đácgiăngliơ chủ toạ buổi lễ. Cùng dự có các ông Mariuýt Mutê, A.Varen, J.Xanhtơny và nhân dân Pari. Đáp lại lời chào mừng của ông Thị trưởng Pari Vécnhon, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn nhân dân Pari và ông Thị trưởng đã dành cho Người sự đón tiếp trọng thể và thân mật. Người nói đại ý: Người bao giờ cũng yêu mến Thủ đô nước Pháp, nơi thâu góp những tinh hoa trí thức và văn hoá mà hiện nay vẫn đang có sức hấp dẫn đối với Việt Nam. Người kính trọng nhân dân Pari, những người luôn luôn phấn đấu cho những tư tưởng độ lượng bao dung và cấp tiến. Dân tộc Việt Nam cũng đang ra sức phấn đấu để bảo vệ và thực hiện những lý tưởng nhân dân Pari hằng theo đuổi...
- Ngày 5: 12 giờ 15, Người dự bữa cơm trưa do ông bà Rôxenphen (Roxenphen là nhà báo nổi tiếng, chỉ đạo 20 tờ báo ở các tỉnh của Pháp. Vợ ông là luật sư, cả hai người đều nhiệt tình ủng hộ phong trào đòi độc lập của Việt Nam) mời. Cùng dự có cựu Thủ tướng Lêông Blum và nghị sĩ Quốc hội Luyxi.
20 giờ, Người tiếp các đại biểu Tổng Liên đoàn lao động Pháp và Tổng thư ký Liên đoàn lao động thế giới. Các đại biểu thông báo Liên đoàn lao động thế giới đã công nhận Công đoàn Việt Nam là hội viên.
- Ngày 6: Hội nghị Pháp - Việt khai mạc tại Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh là thượng khách của Chính phủ Pháp nên không tham dự Hội nghị.
- Ngày 7: 13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và mời cơm Tướng Raun Xalăng cùng em trai và con trai. Người nói về nạn đói, nạn dốt ở Việt Nam, đồng thời cũng nói về lòng hăng hái, hy sinh của nhân dân ta trong việc tiễu trừ hai nạn đó và những tệ nạn xã hội khác như rượu chè, thuốc phiện, thói xa hoa lãng phí.
- Ngày 10: 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Clôđơ Bécna (ông nguyên là Đại tá quân đội Pháp ở Việt Nam từ lâu, lúc đó đã gần 80 tuổi nhưng vẫn mạnh khoẻ. Ông là người hiểu rõ Việt Nam và rất ủng hộ phong trào độc lập của Việt Nam) đến chào.
20 giờ 30, Người tiếp và mời cơm 12 nhà tư bản, trong đó có các ông Tumiarơ, Tơrivơ và một số chuyên gia Pháp về kinh tế Việt Nam. Hai bên nói chuyện về phương thức hợp tác Pháp - Việt trong tương lai.
- Ngày 11: 18 giờ, Người dự buổi đón tiếp do Hội hữu nghị Pháp - Việt1 tổ chức tại dinh Tơrôcađêrô. Sau lời chào mừng của ông Giuýtxtanh Gôđa, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt và Nhà bác học - bà J.Quyri, Người đã phát biểu:“Tôi không tìm cách giấu nỗi cảm động của tôi trong lúc này. Tôi thật sự sung sướng quá chừng, nhận được dấu hiệu cụ thể của tình thân thiện của nước Pháp. Nỗi sung sướng này không gì mạnh bằng, có lẽ trừ nỗi vui sướng khi tôi được chào mừng một ngày gần đây, sự thực hiện chính thức tinh thần thân thiện giữa hai dân tộc chúng ta (...). Các ngài cũng nhận thấy rằng lòng mong ước mạnh nhất của tôi, sự quan tâm nhất của nước Cộng hoà Việt Nam, nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam là thực hiện được tình thân thiện Pháp-Việt. (...) Nước Pháp của cuộc Đại cách mạng 1789, nước Pháp của cuộc kháng Đức, của cuộc giải phóng, đã tượng trưng hơn bao giờ hết lý tưởng tự do, dân chủ. Và nước Việt Nam chiến đấu giành độc lập chỉ là theo những lý tưởng dân chủ mà dân tộc Pháp là người tiên phong".
Cùng dự buổi gặp mặt, phía Pháp có đại biểu Chính phủ như Bộ trưởng Gay, Bộ trưởng Tôrê, Bộ trưởng Tilông, các đại biểu trí thức như Ph.Giuốcđanh, Aragông, bà V.Vayăng Cutuyariê, ông bà Quyri (Curie)..., ngoài ra còn có đại biểu giới báo chí, các nghị sĩ thuộc địa trong Quốc hội Pháp. Phía Việt Nam có Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng cùng các thành viên trong đoàn đàm phán tại Hội nghị Phôngtennơblô.
- Ngày 12: 9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các trí thức Việt kiều đến chào, trong đó có các ông Trần Hữu Tước, Trần Bá Huy... Các bác sĩ, dược sĩ Việt kiều bày tỏ ý định mở xưởng bào chế thuốc để giúp anh em trong nước sang du học tại Pháp. Người khen ngợi và căn dặn, đại ý: Bây giờ Chính phủ còn nghèo, các cán bộ cao cấp còn làm việc không hưởng lương nên không giúp gì được về tài chính. Vậy dù to hay nhỏ cũng nên lập xưởng nhưng phải tính toán chu đáo. Sau đó, Người cùng anh em chụp ảnh kỷ niệm.
18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các báo Pháp và báo nước ngoài. Người tuyên bố lập trường của Việt Nam tại Hội nghị Phôngtennơblô là:
1- Việt Nam đòi quyền độc lập. Độc lập nhưng không phải là tuyệt giao với Pháp, mà ở trong Liên hiệp Pháp, vì như thế lợi cho cả hai nước. Về mặt kinh tế và văn hoá, Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp.
2- Việt Nam tán thành Liên bang Đông Dương, với Cao Miên (Campuchia) và Ai Lao (Lào) nhưng quyết không chịu có Chính phủ Liên bang.
3- Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam. Không ai có quyền chia rẽ, không lực lượng nào có thể chia rẽ.
4- Việt Nam sẽ bảo hộ tài sản của người Pháp. Nhưng người Pháp phải tuân theo luật lao động của Việt Nam và Việt Nam giữ quyền mua lại những sản nghiệp có quan hệ đến quốc phòng.
5- Nếu cần đến cố vấn thì Việt Nam sẽ dùng người Pháp trước.
6- Việt Nam có quyền phái đại sứ và lãnh sự đi các nước.
Người khẳng định lại một lần nữa quan điểm của Chính phủ Việt Nam về vấn đề Nam Kỳ: "Nam Kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam" và nói tiếp: "Tôi tin nước Pháp mới. Tôi có gặp nhiều người Pháp hữu trách, họ đều hiểu chúng tôi. Về phần chúng tôi, chúng tôi rất thực thà. Chúng tôi mong rằng người khác cũng thật thà với chúng tôi. Chúng tôi quyết không chịu hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi nói với họ: Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi.
Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam. Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác thật thà bình đẳng, thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa hai nước".
Trong cuộc họp báo này, Người đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo.
Một nhà báo hỏi: Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm như thế nào? Người nói: "Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ, người Brơtôn không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?".
Cùng ngày, Người gửi thư cho Chính phủ Pháp phản kháng việc quân đội Pháp chiếm đóng Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội và chiếm đóng Tây Nguyên.
- Ngày 13: 15 giờ 15, Người tiếp và trả lời phỏng vấn của bà Rôxenphen, đại diện báo Phụ nữ. Người nêu lên truyền thống anh hùng, đảm đang của phụ nữ Việt Nam và quyền lợi cho họ: Bình đẳng như nam giới, có quyền ứng cử và bầu cử vào cơ quan chính quyền.
- Ngày 20: Người gửi điện về Chính phủ Việt Nam: “Uỷ ban Chính trị họp, vấn đề ngoại giao là đầu đề của bản thuyết trình của ông Banhđê (Bindet). Thái độ của Pháp tiến bộ hơn ở Hội nghị Đà Lạt. Vấn đề ngoại giao đã giao cho một tiểu ban xét rồi sẽ đem ra thảo luận tại Uỷ ban Chính trị hôm thứ ba, 23. Đã nhận được điện văn và các điện văn trước. Ở đây mấy hôm nay không có tin tức gì ở bên nước nhà”.
- Ngày 22: Người gửi thư cho Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê, thông báo sẽ về nước vào thượng tuần tháng 8 - 1946. Người tỏ ý tiếc rằng: “Nếu nước Pháp không thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, đó sẽ là một thiệt hại cho nước Pháp và cho cả nước Việt Nam nữa. Song đối với nước Pháp, sự thiệt thòi sẽ là vĩnh viễn, còn đối với Việt Nam, thất bại đau đớn của sự hợp tác mà Việt Nam mong muốn sẽ buộc chúng tôi chỉ còn biết trông vào sức của mình mà thôi, để tìm cách thoả mãn những nguyện vọng của nhân dân mình...”.
Ngày 24: Nhiều báo Pháp đã đăng trả lời phỏng vấn của Hồ Chí Minh về mối quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự và văn hoá giữa Việt Nam và Pháp. Người nói: “Nước Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập, và cùng chúng tôi gây mối quan hệ mới trên cái nền tin cậy và tự do, thì nước Pháp sẽ thấy danh dự của mình, tinh thần của mình và áp lực của mình ở Việt Nam thêm nhiều lắm. Mà như thế thì vững vàng, chắc chắn hơn là lấy chiến tranh hoặc sức mạnh hoặc tham mưu, để ép chúng tôi ký điều ước này, điều ước nọ”.
- Ngày 25: 19 giờ 40, Người lên đường về Pari.
Cùng ngày, báo La Liberté đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn phóng viên báo này. Người nêu nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam là diệt giặc đói và giặc dốt; mong muốn xây dựng mối quan hệ Việt - Pháp thật thà bình đẳng, bởi vì, “Nước Pháp cần đến chúng tôi. Chúng tôi cũng cần đến nước Pháp. Vấn đề chính là nước Pháp làm thế nào mua được tấm lòng của 20 triệu dân Việt Nam tự do. Muốn như vậy thì không nên tìm cách “lừa gạt” chúng tôi, không nên sinh chuyện lôi thôi vô ích”.
Cũng cùng ngày, báo Cứu quốc, số 302 đưa tin: Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa gửi điện về cho Chính phủ, báo tin đã nhận được 1,5 triệu phrăng của đồng bào ta ở Numêa (thuộc Tân Đảo) gửi về giúp Tổ quốc.
- Ngày 27: 7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm anh em lính thợ Việt Nam ở Tốccơvilơ và Đigalơ. Người đến mà không báo trước. Sau khi đi thăm phòng ăn, phòng ngủ, Người nói chuyện với mọi người, khuyên anh em phải thương yêu, đùm bọc, đoàn kết và luôn luôn hướng về Tổ quốc.
- Ngày 28: 10 giờ 30, nhận lời mời của ông bà Raymông Ôbrắc, cựu Uỷ viên Cộng hoà ở Mácxây, nghị sĩ Quốc hội Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về ở tại gia đình ông bà ở 190 đường Pari, Xoadi xu Môngmôrăngxi, quận Xen ê Oarơ cách Pari 10 km.
- Ngày 29: 16 giờ, Người nhận lời mời của Chính phủ Pháp, dự khai mạc Hội nghị Hoà bình của 21 nước Đồng minh, họp tại Điện Luýchxămbua (trụ sở của Thượng nghị viện).
- Ngày 31: 11 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đô đốc Muydơliê. 16 giờ, Người tới thăm bà Ăngđrê Viôlít (Nhà báo nổi tiếng, đã sang Việt Nam điều tra về tội ác của thực dân Pháp. Sau khi về nước bà đã viết cuốn Đông Dương).
* Tháng 7- 1947
- Ngày 1:Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi thi sĩ Huyền Kiêu sau khi nhận được bản trường ca "Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc" dài 300 câu của nhà thơ gửi tặng Người. Toàn văn bức thư như sau: "Tôi đã nhận được bản trường ca của chú với nội dung cổ vũ đồng bào và chiến sĩ ta hăng hái kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn bù nhìn tay sai. Thế là rất tốt. Tôi mong chú và anh chị em văn nghệ sĩ trong Hội Văn hoá cứu quốc đi sâu hơn nữa vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sáng tác được nhiều tác phẩm phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của nhân dân ta".
- Ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn ông Lê Ngọc Tiến trong Ban Chấp hành Đảng Xã hội Việt Nam đã gửi thư cho Người. Trong thư, Người góp một số ý kiến về phương hướng công tác để xây dựng Đảng Xã hội Việt Nam phát triển mau chóng và vững chắc.
- Ngày 16:Người viết thư gửi đồng bào vùng địch tạm chiếm bày tỏ sự thông cảm với những nỗi khổ mà đồng bào đang phải chịu đựng. Bức thư có đoạn: "Trong lúc viết thư này, một mặt tôi rất đau lòng vì tôi tài hèn đức mọn, chưa đuổi được giặc ngay để đồng bào chịu khổ cực. Song một mặt tôi rất phấn phát, vì tôi chắc rằng trải qua bước cực khổ, thì chúng ta nhất định thành công, cũng như qua khỏi mùa Đông, thì chắc chắn mùa Xuân sẽ đến".
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời một nhà báo nước ngoài. Người đã giải thích về tính chất của Quốc hội Việt Nam; nói rõ thành phần của Chính phủ cùng với chính sách đối nội, đối ngoại của nó; ý nghĩa của Quốc kỳ Việt Nam; vai trò của giai cấp tư sản và trí thức Việt Nam trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc; thái độ đối với những người lỡ đi lầm đường, v.v..
Về phần cá nhân, Người nói: "Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp lại một cách thực thà: Tôi không có nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó, tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thuỷ, đọc sách làm vườn".
- Ngày 17: Nhân Ngày Thương binh liệt sỹ đầu tiên trong cả nước (27-7-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh.
Nhân ngày này, Người gửi tặng một chiếc áo lụa của chị em phụ nữ biếu Người, một tháng lương của Người, tiền một bữa ăn của Người và của các nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch.
- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về quân sự, ngoại giao, tình hình nội bộ và giải quyết một số vấn đề khẩn cấp ở các bộ. Người đã trình bày lý do cải tổ và mở rộng Chính phủ, nêu các nguyên tắc để Hội đồng Chính phủ cho ý kiến.
- Ngày 30: Nhân dịp Đảng Xã hội họp Đại hội toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chào mừng đại hội, bày tỏ niềm phấn khởi "thấy các đồng chí trong Đảng Xã hội Việt Nam đều hăng hái tham gia kháng chiến cứu quốc và ra sức thực hiện đại đoàn kết", và "trân trọng chúc quý Đảng càng ngày càng phát triển".
* Tháng 7- 1948
- Ngày 6: Lúc 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ để đánh giá tình hình thế giới và trong nước, kiểm điểm hoạt động của các bộ trong 1.000 ngày kháng chiến; vấn đề nội chính, ngoại giao, kinh tế; việc thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao; việc hợp nhất hai Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy thành Bộ Quốc phòng, cử Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng... Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.
- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hội nghị giáo dục toàn quốc (họp từ ngày 10 đến ngày 15-7-1948 tại Việt Bắc ). Người nhấn mạnh đến yêu cầu phải xây dựng một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc. Muốn vậy, cần phải "sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc". "Phải có sách kháng chiến và kiến quốc cho các trường", "Phải sửa đổi cách dạy cho hợp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc", "Phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ theo tôn chỉ kháng chiến và kiến quốc", "Phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hoá phổ thông của đồng bào".
- Ngày 15: Nhân dịp 27-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi biểu dương những hy sinh to lớn vì Tổ quốc và đồng bào của các thương binh, tử sĩ và kêu gọi nhân dân cả nước hãy sẵn lòng giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ cả về vật chất và tinh thần để đền đáp lại công ơn đó.
Cùng ngày, Người viết Thư gửi Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai (họp từ ngày 16 đến ngày 20-7-1948 tại Phú Thọ ), nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của văn hoá trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và căn dặn: "Chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hoá kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, tôi thiết tưởng, các nhà văn hoá ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng". "Các nhà văn hoá ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế".
- Ngày 30: Bài viết Giữ bí mật, ký bút danh A.G., đăng trên báo Sự Thật, số 97. Người nhấn mạnh: "Chiến tranh thắng hay bại, một phần lớn do biết giữ bí mật hay không biết giữ bí mật, mà quyết định" và khẳng định: "Biết giữ bí mật tức là đã nắm chắc một phần lớn thắng lợi trong tay ta".
- Trong tháng 7-1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho thương, bệnh binh. Người động viên và khuyên nhủ anh em yên tâm điều trị cho hồi phục sức khoẻ, đồng thời nên tranh thủ học tập để sau này có thể tiếp tục tham gia công tác giúp ích cho Tổ quốc, "trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận".
* Tháng 7-1949
- Ngày 8: Bài viết Trở lại vấn đề thi đua ái quốc, ký bút danh H.G., đăng trên báo Cứu quốc - Chi nhánh Thủ đô, số 14. Người nêu câu hỏi: "Đồng bào Thủ đô chúng ta có thể thi đua được không, và phải thi đua thế nào?". Trong lời giải đáp, Người nhấn mạnh: Đồng bào Thủ đô cần "Thi đua giết giặc, trừ gian, phá tề. Thi đua phá hoại giặc, phá từ cái nhỏ đến cái to, phá nhà máy, công sở, các cơ quan quân sự, kinh tế, chính trị của địch và bù nhìn... thi đua gia nhập các tổ chức kháng chiến, giúp đỡ chiến sĩ"...
- Trước ngày 21: Viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh Cựu binh Vũ Đình Tụng nhân Ngày Thương binh 27-7. Người nhờ Bộ trưởng chuyển lời thăm hỏi tới anh em thương binh, và gửi tặng anh em một số khăn mặt, quần áo của đồng bào các nơi gửi biếu Người, cùng một tháng lương là 1.000 đồng.
- Từ ngày 25 đến ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp tháng 7 của Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về tình hình thế giới và trong nước, kiểm điểm sự thi hành các nghị quyết của Hội đồng Chính phủ lần trước, nghe báo cáo quyết định của Hội đồng Quốc phòng tối cao, và thảo luận các vấn đề về quân sự, nội chính, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Người đã báo cáo về diễn biến tình hình kinh tế và chính trị của một số nước tư bản lớn như Anh, Pháp, Mỹ; việc Quân giải phóng Trung Quốc đang chuẩn bị đánh xuống Hoa Nam và Hội nghị Hiệp thương chính trị Trung Quốc sắp khai mạc.
Về tình hình trong nước, Người nhận định: "Cũng như chim muốn bay cần phải có hai cánh, một cuộc chiến tranh muốn thắng lợi cần phải có hai lực lượng chính: quân sự và chính trị. Ông Tôn Tử là một người thao lược giỏi nhất trong lịch sử và trong thế giới, có nói: "Biết địch, biết ta, trăm trận, trăm thắng"... Vậy ta cần phải biết Pháp, biết ta".
Sau khi dẫn lời của các chính khách Pháp và vài tờ báo thân Pháp viết về tình hình Pháp, Người kết luận: "Giặc Pháp mù quáng về chính trị, thoái bộ về quân sự. Cả hai cái cánh của họ đã yếu và chỉ có thể đưa nó đến thất bại. Bên ta: chính trị rõ ràng, quân sự tiến bộ mãi. Hai cái cánh của ta rất mạnh, ngày càng mạnh thêm, cho nên ta nhất định thắng lợi. Thêm vào đó, tình hình thế giới rất có lợi cho ta. Cánh ta đã vững, gió lại thuận chiều, quân và dân ta hãy cố gắng lên. Thắng lợi vẻ vang đã gần trước mắt".
- Trong tháng 7- 1949
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hội nghị cán bộ kinh tế. Người dặn dò: Cán bộ kinh tế cần nắm thế chủ động để thắng địch, cần phát huy tinh thần xung phong, cách làm việc thi đua, cần chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch thiết thực để tăng cường lực lượng kinh tế kháng chiến và mở mang nền kinh tế kiến quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho anh chị em học viên lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng sắp kết thúc. Bức thư có đoạn: "Có thể thí dụ rằng: Ba tháng này các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính thì phải học nữa, phải học mãi. Học ở đâu, học với ai?. Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng. Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công".
* Tháng 7- 1950
- Từ ngày 8 đến ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ để xem xét tình hình thế giới, kiểm điểm công tác Chính phủ sáu tháng đầu năm, thông qua những công tác chính trong sáu tháng cuối năm và giải quyết một số vấn đề quan trọng khác.
Kết thúc phiên họp, Người nhắc lại các Bộ phải hết sức chú ý vấn đề giữ bí mật Nhà nước, triệt để quân sự hoá, đề phòng địch có thể mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc, vấn đề đoàn kết nội bộ và kỷ luật chính quyền.
- Khoảng đầu tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào Liên khu IV, nhờ Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu chuyển.
Thư cho biết: Người rất đau lòng khi được biết ở một vài nơi, cán bộ đã làm sai chỉ thị của Chính phủ và đường lối của Đoàn thể, xa rời nhân dân, quen thói mệnh lệnh, thậm chí ép uổng, cưỡng bức, bắt bớ dân. Người thành thật xin lỗi những đồng bào bị oan ức và tự phê bình là đã giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo. Người khẳng định với đồng bào: "Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm... Khi ai có điều gì oan ức, thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng quyền ấy".
- Ngày 15: Bài viết Phải chữa cái bệnh cấp bậc, ký bút danh X.Y.Z., đăng trên báo Sự Thật, số 136. Người phân tích các biểu hiện, nguyên nhân, tác hại của bệnh cấp bậc và nhấn mạnh: "Trong công việc cách mạng, công việc kháng chiến kiến quốc, không có việc sang, việc hèn, mọi việc đều quan trọng. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của mình". Người còn giúp một "thang thuốc hay nhất" để trị căn bệnh đó, ấy là:
"1. Dùng cách phê bình và tự phê bình để rửa sạch đầu óc ngôi thứ, địa vị và chủ nghĩa cá nhân.
2. Đặt công việc chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết".
- Trước ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo về vấn đề đế quốc Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Người nêu rõ: "Lâu nay đế quốc Mỹ đã công khai can thiệp vào Đông Dương. Lâu nay thực dân Pháp làm chiến tranh ở Việt Nam, Miên và Ai Lao là nhờ tiền bạc, súng đạn Mỹ, và theo chỉ thị của Mỹ. Nhưng đế quốc Mỹ càng ngày càng mưu gạt thực dân Pháp để độc chiếm lấy Đông Dương. Vì lẽ đó mà Mỹ càng ngày càng trực tiếp và tích cực can thiệp về mọi mặt: quân sự, chính trị, kinh tế. Và cũng vì lẽ đó mà mâu thuẫn giữa đế quốc Mỹ với thực dân Pháp ngày càng nhiều".
Sau khi phân tích ảnh hưởng chính sách can thiệp của Mỹ đối với nhân dân Đông Dương, Người chỉ rõ: Các dân tộc Đông Dương muốn độc lập thì phải đánh tan thực dân Pháp là kẻ thù số một. Đồng thời phải chống bọn can thiệp Mỹ, phải vạch rõ âm mưu của chúng, phải lột mặt nạ bọn tay sai, phải đoàn kết chặt chẽ với nhau. "Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với dân tộc anh em Miên, Lào thì sức mạnh đó đủ đánh tan thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ".
- Trước ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Ban Tổ chức Trung ương nhân Ngày Thương binh tử sĩ, nhắc nhở ý nghĩa ngày kỷ niệm này và mong các đoàn thể, các giới đồng bào có nhiều hình thức để tỏ lòng thương mến thương binh và gia đình các tử sĩ. Nhân dịp này, Người gửi biếu một tháng lương để góp vào quỹ tổ chức.
- Ngày 30: Bài viết Xin chỉ thị, gửi báo cáo, ký bút danh X.Y.Z., đăng trên báo Sự Thật, số 137. Người chỉ rõ: Trước khi làm không xin chỉ thị, khi làm rồi không gửi báo cáo, như thế là vô kỷ luật, vô chính phủ, địa phương chủ nghĩa, trái nguyên tắc "tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí".
Sau khi phân tích Vì sao phải xin chỉ thị Trung ương và Vì sao phải báo cáo lên Trung ương, Người nhấn mạnh: "Xin chỉ thị trước khi làm, gửi báo cáo khi làm xong - là một điều rất cần thiết, để làm cho chính sách của Chính phủ và Đoàn thể thấu suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, để tránh bệnh "bán thân bất toại trong công việc, để tránh thất bại và để lượm được nhiều thành công". Vì vậy các cấp phải coi việc đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình.
Người còn hướng dẫn tỉ mỉ công việc nào thì xin chỉ thị ở cấp nào, cách làm báo cáo thường, báo cáo định kỳ, báo cáo phải đạt những yêu cầu gì, do ai viết, v.v..
* Tháng 7- 1951
- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại lễ kỷ niệm, Người tuyên bố mình là “người sung sướng nhất thế giới vì tự mình đã được chứng kiến ba cuộc cách mạng thành công: Lần thứ nhất là cách mạng Liên Xô, lần thứ hai là cách mạng Trung Quốc và lần thứ ba là cách mạng Việt Nam”.
- Ngày 3: Buổi sáng, Người làm việc với Bộ trưởng Lê Văn Hiến về dự thảo Điều lệ thuế nông nghiệp. Sau khi nghe Bộ trưởng Lê Văn Hiến trình bày dự thảo, Người hỏi han, cân nhắc từng ly từng tý về nội dung cũng như danh từ. Người nhắc: “Đối với vấn đề thuế nông nghiệp phải thận trọng nghiên cứu, điều tra, cho người đi thực tập, thăm dò dư luận, cân nhắc kỹ càng rồi mới nên ban bố”.
- Ngày 5: Hai bài viết của Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 15.
+ Bài Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta, chỉ rõ mục đích và kết quả tiêu biểu của phong trào thi đua ái quốc là đã góp phần làm cho “công việc tiêu diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm sẽ mau đến ngày hoàn toàn thắng lợi”. Đồng thời, bài báo cũng nêu lên những khuyết điểm, nguyên nhân và sự cần thiết phải sửa chữa ngay những khuyết điểm này để phong trào thi đua phát triển rộng khắp và có kết quả hơn.
+ Bài Dân chủ cũ và dân chủ mới, giải thích sự khác biệt giữa hai nền dân chủ cũ và mới và khẳng định: “Dân chủ mới là dân chủ cho toàn dân, trừ bọn phản quốc ra ngoài”, còn “dân chủ cũ là một thủ đoạn ích kỷ của bọn phản động”.
- Ngày 11: Bài viết Công trái, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1859, Người nêu lên hai cách tuyên truyền mua công trái của Liên Xô và của ta. Từ đó, tác giả chỉ rõ: Những khuyết điểm mà cán bộ ta mắc phải khi tuyên truyền là "còn dùng cách quan liêu, mệnh lệnh" và kết luận cán bộ ta phải "tẩy cho sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh, nếu không sẽ bị dân tẩy".
- Ngày 12: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 16:
+ Bài Phê bình, nêu lên ý nghĩa, mục đích và nguyên tắc trong phê bình.
+ Bài Điên rồ nhất thế giới, chỉ trích sự khoe khoang của Mỹ về sự viện trợ cho các nước, nhưng kết quả “vừa mất tiền, vừa bị thua thâm”.
- Ngày 14: Bài viết Quân đội thực dân Pháp, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1861. Sau khi nêu lên những thất bại của thực dân Pháp ở chiến trường Việt Nam đã làm gia tăng phong trào chống chiến tranh và phản chiến trong nhân dân và thanh niên Pháp, vì họ thấy “chiến tranh ở Việt Nam là không có mục đích, không có nghĩa lý, không có hy vọng”, tác giả kết luận: “Thực dân Pháp thất bại là vì binh lính Pháp biết rằng chiến tranh ở Việt Nam là vô lý... Vì vậy ta nhất định thắng”.
- Ngày 14 và ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng bàn về chính sách thuế nông nghiệp. Tại cuộc họp, Người nói: “Vấn đề thuế nông nghiệp là vấn đề chính trị, vấn đề Đảng. Nhân việc thuế nông nghiệp cần chỉnh đốn Đảng, giáo dục cán bộ”.
- Ngày 17: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1863.
+ Bài Người vô sản và người cộng sản, chỉ rõ phẩm chất, tư cách của người cộng sản xứng đáng là người lãnh đạo những người vô sản và cũng vì mục đích của họ là mục đích của tất cả những người vô sản.
+ Bài Cộng sản, thông qua trích dẫn tiếng nói chống chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, đòi hòa bình của một lãnh tụ công giáo người Canađa, tác giả tố cáo sự đàn áp trắng trợn của giai cấp tư sản và chủ nghĩa đế quốc đối với những người yêu chuộng hòa bình và công lý ở các nước tư bản chủ nghĩa bằng cách vu cho họ là cộng sản.
- Ngày 18: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ để xem xét tình hình thế giới và trong nước trong tháng 6-1951; nghe báo cáo về hoạt động của các ngành tài chính, ngân hàng và tình hình quân sự trong sáu tháng đầu năm, định phương hướng hoạt động cho từng ngành trong sáu tháng cuối năm.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng chí Tố Hữu hỏi về việc đặt tên tờ báo Kim Đồng và đề nghị góp ý kiến với Người để viết thư gửi các cháu nhân ngày Trung Thu sắp tới.
Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 17:
+ Bài Dân Mỹ chống chiến tranh, bằng cách dẫn chứng cụ thể trong xã hội Mỹ, tác giả chứng minh rằng: “Đế quốc Mỹ ra sức gây chiến. Song nhân dân Mỹ thì muốn hòa bình”. Và kết luận: “Ý dân là ý trời, đế quốc Mỹ làm trái ý dân, ý trời, cho nên chúng sẽ thất bại”.
+ Bài Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành. Bằng cách viết giản dị, tác giả bàn thêm về mối quan hệ giữa “lý luận và thực hành, biết và làm”.
- Ngày 20: Bài viết Chuyện phụ nữ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1865. Tác giả viết về vai trò của người phụ nữ trong xã hội, đồng thời nêu gương thành tích của chị em phụ nữ Trung Quốc hăng hái tham gia vào phong trào chống Mỹ giúp Triều Tiên và khuyên chị em phụ nữ Việt Nam nên học tập những gương tốt đó.
- Ngày 23: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân Đức phản đối Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1867, tố cáo đế quốc Mỹ âm mưu tái vũ trang ở Đức, Nhật và chỉ rõ phong trào phản đối âm mưu của Mỹ của nhân dân hai nước này thể hiện qua kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Đức. Kết luận bài báo, tác giả khẳng định: "Ý dân là ý trời. Dù Mỹ có nhiều đôla, nhiều bom nguyên tử" nhưng không thể làm lay chuyển được lòng dân.
- Ngày 26: Nhân Ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh, nhờ cụ Bộ trưởng chuyển cho anh em thương binh kiểu mẫu mấy bộ quần áo mà đồng bào đã biếu Người. Người nhắc nhở chính quyền các cấp, các đoàn thể và đồng bào phải có những biện pháp lâu dài, thiết thực để đền đáp lại cho xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của anh em thương binh, đó là: Mỗi xã trích một phần ruộng công, hoặc mượn ruộng của người có hằng tâm, hằng sản hay vỡ hoang để tổ chức cày cấy, chăm nom, gặt hái, thu mượn hoặc khai thác được mà đón nhiều hoặc ít anh em thương binh.
Cùng ngày, bài viết Phụ nữ kiểu mẫu, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 18 nêu lên một số “mẩu chuyện rất bình thường, mà rất vĩ đại” của các mẹ, các chị trong việc chăm sóc thương binh, giúp đỡ bộ đội... và cho rằng “đó là lòng chí công vô tư mà chúng ta đều phải học theo”.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)