Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

 Phần 2. Giai đoạn 1930 - 1945

* Khoảng tháng 7, tháng 8- 1930

Tại Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc tham dự một cuộc họp có mặt các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu), Lưu Quốc Long để góp ý về công tác vận động binh lính. Người căn dặn:“Không nên chỉ hô hào thợ thuyền, dân cày chung chung. Không nên nói vô sản một cách cứng nhắc. Trước mắt chúng ta là phải đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Cho nên, phải khơi lòng yêu nước của mọi người. Đối với anh em binh lính, ta nên khêu gợi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, rồi chuyển sang khêu gợi lòng yêu nước, thương nòi. Như thế, mới đi vào lòng người ta được”.

Xem những số báo Kèn gọi lính, Nguyễn Ái Quốc nhắc nhở các đồng chí tại cuộc họp: Không nên dùng chữ khó hiểu, phải viết ngắn, gọn, rõ ràng. Sau đó, Người viết mấy bài cho báo với nội dung yêu nước, ghét thống trị Pháp dưới hình thức văn vần, văn xuôi rất ngắn gọn và dễ hiểu.

*Tháng 7- 1931

- Ngày 2:Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông ra lệnh bắt giam (Lệnh thứ ba).

- Ngày 10:Nguyễn Ái Quốc bị Thư ký Trung Hoa vụ thẩm vấn lần thứ nhất.

- Ngày 14:Nguyễn Ái Quốc bị Thư ký Trung Hoa vụ thẩm vấn lần thứ hai.

 - Ngày 20: Nguyễn Ái Quốc bị Thư ký Trung Hoa vụ thẩm vấn lần thứ ba.

- Ngày 30: Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông ra lệnh bắt giam (Lệnh thứ tư).

- Ngày 31:Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử -Phiên toà thứ nhất. Tại toà, luật sư Ph. C. Gienkin (F.C. Jenkin) theo sự uỷ nhiệm của luật sư Lôdơbi (F.H. Loseby), thuộc "Văn phòng luật sư Rớtxơ" (Russ & Co) thay mặt Nguyễn Ái Quốc (Tống Văn Sơ) và Lý Phương Thuận (Lý Sâm) nêu rõ: Việc bắt Nguyễn Ái Quốc và Lý Phương Thuận ngày 6 tháng 6 mà không có lệnh bắt là bất hợp pháp và việc thẩm vấn họ sau 1 tháng (ngày 10 tháng 7) mới tiến hành là phạm luật. Nội dung thẩm vấn vượt ra ngoài những quy định của Luật là không hợp lệ. Thêm nữa, sự vắng mặt của Nguyễn Ái Quốc và Lý Phương Thuận tại phiên toà là vi phạm Luật Bảo thân (Habeas Corpus).

* Tháng 7-1932

- Ngày 13:Nguyễn Ái Quốc biết tin về nội dung các thoả thuận trên do các luật sư đại diện cho Tống Văn Sơ ở Luân Đôn gửi điện thông báo cho các luật sư đại diện của Tống Văn Sơ ở Hồng Kông.

- Ngày 21:Đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc và bản thoả thuận của luật sư cả bên nguyên và bên bị đã được Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh chấp thuận cho Nguyễn Ái Quốc rút đơn kháng án và chỉ thị cho Thống đốc Hồng Kông cùng các bên có liên quan phải thực hiện nghiêm chỉnh.

* Khoảng tháng 7-1933

Nguyễn Ái Quốc từ Hạ Môn đáp tàu thuỷ lên Thượng Hải.

Đến hôm trước, hôm sau xem báo được biết: “Hôm qua, những tàu biển cập bến tô giới Pháp đều bị các nhà chức trách lục soát rất kỹ”. Người tiếp tục đóng vai một thân sĩ, quần áo sang trọng, ở khách sạn, nhưng đêm đêm khoá phòng lại ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy quần áo.

* Khoảng giữa năm1937

Nguyễn Ái Quốc (Lin) dự kỳ thi học kỳ I năm học 1937-1938 của lớp nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Các môn duy vật biện chứng, lịch sử cổ đại và lịch sử trung đại đạt trung bình, môn lịch sử hiện đại đạt điểm xuất sắc.

* Tháng 7-1939

- Ngày 7:Bài viết Thư từ Trung Quốc - Hoạt động của bọn tờrốtxkít Trung Quốc, ký tên P.C. Lin, của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Notre Voix.

Nguyễn Ái Quốc đã vạch mặt một số tên đại biểu tờrốtxkít và những hành động phản bội Tổ quốc của chúng - để nhận của Sở mật thám Nhật, mỗi tháng 30 đôla, “cùng những khoản tiền trả thêm cho cân xứng với những “công việc đã làm được có kết quả”. Đó là việc xuất bản những tạp chí và những tập trào phúng để truyền bá tư tưởng đầu hàng, bào chữa cho ý đồ xâm lược của Nhật ở Trung Quốc; tìm cách phá hoại phong trào kháng Nhật, bắt “những người cầm đầu giỏi nhất của cuộc bãi công”.

- Ngày 14:Bài viết Thư từ Trung Quốc - Tổng kết sau hai năm đấu tranh, ký tên P. C. Lin, của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Notre Voix. Người nêu rõ, tuy Nhật đã chiếm 12 tỉnh của Trung Quốc với số dân 200 triệu người, nhưng chúng đã thất bại trên các mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự.

Về phía nhân dân Trung Quốc, tác giả trình bày cuộc kháng chiến anh dũng chống Nhật và khẳng định: “Chúng tôi có “thiên thời, địa lợi và nhân hoà” là ba yếu tố cần thiết cho chiến thắng”.

Kết thúc bài viết là một trích đoạn bài hát:

“Ai có tiền thì góp tiền.

Ai có sức thì góp sức.

Mỗi chúng ta là một chiến sĩ anh dũng.

Tiến lên! Quân thù sắp phải nhả ra thôi.

Hãy cống hiến tất cả! Hãy cống hiến tất cả!

Cho chiến thắng đang đến với chúng ta!”.

- Ngày 28:Nguyễn Ái Quốc viết bài Thư từ Trung Quốc - Hoạt động của bọn tờrốtxkít ở Trung Quốc, trong đó, Người trình bày thêm về những tội ác của bọn tờrốtxkít. Chúng khơi dậy chủ nghĩa địa phương trong dân chúng để chống lại Chính phủ kháng Nhật và tìm cách làm cho Hồng quân suy yếu, chúng phá hoại Mặt trận đoàn kết, âm mưu diệt trừ cộng sản, gây rối loạn ở hậu phương.

- Cuối tháng 7-1939:

+Nguyễn Ái Quốc viết tám điểm xác định đường lối, chủ trương cho cách mạng Đông Dương, trong thời kỳ 1936-1939. Đó là “Những chỉ thị mà tôi nhớ và truyền đạt”. Tám điểm này được gửi kèm theo với báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản để xin ý kiến. Đó là:

1. Khẩu hiệu đấu tranh: “Lúc này, Đảng không nên đưa ra những đòi hỏi quá cao (độc lập dân tộc, nghị viện, v.v.). Như thế sẽ rơi vào cạm bẫy của phát xít Nhật”...

2. Phải ra sức tổ chức Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi.

3. Phải có thái độ khéo léo, mềm dẻo, lôi kéo tư sản dân tộc về phía Mặt trận.

4. Không được thoả hiệp, nhượng bộ với bọn tờrốtxkít.

5. Liên hệ chặt chẽ với Mặt trận nhân dân Pháp.

6. Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất.

7. Kiên quyết chống tư tưởng bè phái, phải tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin.

8. Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị.

+Ký tên P. C. Lin, Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị ở Đông Dương từ năm 1936 đến năm 1938.

Báo cáo mở đầu: “Các bạn thân mến, Tôi ra đi đã 9 tháng nay và đã tới nơi được 7 tháng. Nhưng tôi lấy làm khổ tâm mà báo cáo rằng tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đúng là tôi đã rơi vào cơn lốc lớn đang làm biến đổi số mệnh của hàng trăm triệu con người và trên con đường di chuyển của nó, nó đã ngẫu nhiên làm đảo lộn tất cả kế hoạch của tôi. Tuy nhiên điều đó cũng không thể bào chữa cho sự bất lực của tôi...”.

Nguyễn Ái Quốc trình bày một số việc mà Người đã tiến hành trong thời gian 7 tháng qua (đối với cách mạng Đông Dương và đối với công tác tuyên truyền quốc tế). Người cũng gửi kèm theo báo cáo này bản sao tám điểm có tính chất phương hướng cho cách mạng Đông Dương trong tình hình mới để xin ý kiến. Nội dung báo cáo có những phần sau:

Tình hình chính trị trong người bản xứ: một số đảng viên xã hội người bản xứ hoạt động trong các Hội đồng quản hạt của Pháp và đám tang Phan Thanh - một đám tang lớn chưa bao giờ thấy “như thế ở Hà Nội”.

- Tổ chức chính trị của Pháp ở Bắc Kỳ với các hoạt động của Chi nhánh Đảng Xã hội Bắc Đông Dương, Hội nhân quyền.

- Cuộc đấu tranh của công nhân: nhiều cuộc bãi công, biểu tình nổ ra trong khắp nước, có tổ chức, kỷ luật hơn và được sự ủng hộ tinh thần, vật chất của công nhân nhiều ngành.

Hoạt động của báo chí, xuất bản sách báo cách mạng.

- Tình cảnh của tù chính trị với khoảng 1500 người ở trong các nhà lao, bị đàn áp, o ép.

- Sự ủng hộ lẫn nhau giữa cách mạng Đông Dương và Trung Quốc, cũng như sự cấu kết giữa bọn Pháp và Tưởng.

Hoạt động của Nhật ở Đông Dương nhằm xâm chiếm xứ này.

* Tháng 7-1940

- Ngày 12:Trong Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nêu những thông tin về địa lý, dân tộc, chế độ chính trị, tài nguyên của Việt Nam, chế độ thống trị của thực dân Pháp và về“Phong trào giải phóng”của Nhân dân Việt Nam từ các cuộc khởi nghĩa Cần Vương đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Phân tích tình hình từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) ra đời, Người khẳng định:“Ở Đông Dương chỉ có Đảng Cộng sản là một chính đảng chân chính, có tính chất toàn quốc và có quần chúng”. Người trình bày về “Tình hình Việt Nam sau khi chiến tranh châu Âu bùng nổ” và “Tình hình sau khi Pháp đầu hàng Đức”, để từ đó xác định “Động cơ hành động của chúng tôi” - củng cố sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng căn cứ địa, mở rộng Mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp bức... trong Quốc tế Cộng sản giúp đỡ.

- Cuối tháng 7:Nguyễn Ái Quốc từ Trùng Khánh trở lại Côn Minh.

* Tháng 7 -1941

Nguyễn Ái Quốc viết bài Hoan nghênh thanh niên học quân sự theo thể lục bát gồm 44 câu. Mở đầu, Người phân tích nguyên nhân nỗi khổ cực của đồng bào ta:

Nước ta mất đã lâu rồi,

Đồng bào cực khổ, suốt đời gian nan!

Suốt đời chịu kiếp lầm than,

Sưu cao thuế nặng, cơ hàn xót xa!

Vì ai tan cửa nát nhà,

Chồng lìa vợ, con lìa cha tơi bời?

Vì ai non nước rã rời

Giống nòi sỉ nhục chơi vơi thế này?

Vì giặc Nhật, vì giặc Tây!

...

Người chỉ rõ:

Muốn đánh Nhật, muốn đánh Tây,

Thanh niên ta phải ra đây học hành.

Một là học việc nhà binh.

Hai là học biết tình hình người ta.

Thanh niên là chủ nước nhà

Phải cho oanh liệt mới là thanh niên.

*Tháng 7- 1942

- Ngày 1:Bài thơ Con cáo và tổ ong của Nguyễn Ái Quốc, gồm 14 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập. Bài thơ nói về chuyện con cáo định lấy tổ ong ăn, song bầy ong đã túm lại đốt, “Cáo già đau quá phải sa xuống rồi”. Trong đoạn kết bài thơ, Người kêu gọi:

"Bây giờ ta thử so bì,

Ong còn đoàn kết, huống chi là người!

Nhật, Tây áp bức giống nòi,

Ta nên đoàn kết để đòi tự do".

- Ngày 11:Bài thơ Tặng thống chế Pêtanh  của Nguyễn Ái Quốc gồm 8 câu thơ Đường luật, đăng trên báo Việt Nam độc lập, lên án Pêtanh phản bội đất nước, đầu hàng phát xít Đức:

... Bán nước lại còn khoe cứu nước,

Ô danh mà muốn được thơm danh.

- Cuối tháng:Trong thời gian chờ liên lạc để đi công tác Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã dạy cho một cán bộ ở Pác Bó biết chữ trong vòng 20 ngày. Người nói:“Ta đi làm cách mạng thì phải làm cho đến thành công, sau đó còn phải bắt tay vào xây dựng đất nước. Muốn thế phải biết chữ, phải học văn hoá”.

- Khoảng tháng 7:Nguyễn Ái Quốc chủ trương “Nam tiến” mở thêm đường liên lạc tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn và tuyến Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên để liên lạc thuận tiện với Thường vụ Trung ương Đảng và tạo điều kiện phát triển cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang.

- Ngày 27- 8 -1942: Sáng sớm, Hồ Chí Minh lên đường đi Bình Mã, có Dương Đào cùng đi để dẫn đường (Lê Quảng Ba ở lại nhà Từ Vĩ Tam). Hai người đến phố Túc Vinh (huyện Thiên Bảo, Quảng Tây, Trung Quốc) thì bị quân tuần cảnh ở trụ sở của Quốc dân Đảng bắt giữ.

* Năm 1943

Cuối tháng 1, đầu tháng 2 -1943, Hồ Chí Minh bị giải đến Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu Quốc dân Đảng Trung Quốc (ở Liễu Châu) và bị giam tại nhà giam của Cục này. Ở đây, Người được đối xử tử tế hơn, theo chế độ “quản lý chính trị”: Có đủ cơm ăn, không bị gông, không bị xích, buổi sáng và buổi chiều đều có mười lăm phút đi ra nhà vệ sinh có lính gác và thỉnh thoảng được đọc báo hoặc đọc sách.

Khoảng từ giữa tháng 7 đến tháng 8 -1943:Tại nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu Quốc dân Đảng Trung Quốc, Trong lần đón Hồ Mộ La (13 tuổi), con gái của ông Hồ Học Lãm đến thăm tại Văn phòng Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh tặng cô bé một món tiền dành dụm được đủ may một bộ đồng phục học sinh. Người từ chối không nhận các thứ quà bà Lãm mang đến biếu Người.

*Khoảng tháng 7- 1944

Hồ Chí Minh tới Nam Ninh nói chuyện thời sự cho một số học viên do Việt Minh gửi sang học Trường Quân chính Liễu Châu( Đồng chí Hoàng Văn Thái, người lãnh đạo nhóm học sinh quân cách mạng Việt Nam trong trường bố trí cuộc họp mặt này ). Người phân tích tình hình chiến tranh thế giới, những thuận lợi của phong trào giải phóng dân tộc đang tới và kêu gọi họ cố gắng học tập thành tài để về nước phục vụ cách mạng.

* Năm 1945

- Khoảng tháng 6, tháng 7:Ở gần Khu giải phóng, Hồ Chí Minh được báo cáo về những bức thư dụ dỗ và doạ nạt của phát xít Nhật gửi cán bộ Việt Minh. Người chỉ thị cho các cấp Việt Minh “chỉ trả lời bọn Nhật bằng tiếng súng chứ không phải bằng lời nói”.

Các bức thư của địch đều được đốt ngay sau khi đọc.

- Tháng 7, đầu tháng:Hồ Chí Minh chỉ thị cho một số anh em trong cơ quan tạm lánh đi một nơi khác vì có tin một toán thổ phỉ, đặc vụ Tưởng đang tiến vào đèo Gie, dò la căn cứ của ta.

Trước khi lên đường, Người kiểm tra việc gói buộc tài liệu, bố trí hành quân, chuẩn bị vũ khí... và dặn dò mọi người phải hết sức giữ bí mật, không được để lại dấu vết gì.

- Ngày 17:Sau 20 giờ, Hồ Chí Minh có cuộc thảo luận dài với Thiếu tá E. Tômát và H. Pruyniê (H. Prunier) - sĩ quan OSS. Người khẳng định Mặt trận Việt Minh là tập hợp các đảng phái chính trị được tổ chức với mục đích duy nhất là đánh đổ tất cả các chính quyền nước ngoài và đấu tranh cho tự do và độc lập hoàn toàn của Đông Dương. Người cũng nhấn mạnh sự bất bình của nhân dân Việt Nam đối với người Pháp. Vì vậy, không thể để cho Trung uý Môngpho - một sĩ quan người Pháp cũng như những người Pháp khác vào hoạt động ở đây...

- Ngày 19:Hồ Chí Minh có cuộc thảo luận dài với Thiếu tá E. Tômát về khu vực hoạt động của Đội “Con Nai”. Theo Người, “Con Nai” nên tập trung hoạt động trên tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng (đường thuộc địa số 3), sau khi “thông đồng bén giọt” có thể di chuyển tiếp và hoạt động trên đường Lạng Sơn - Hà Nội. Người còn khẳng định, Việt Minh có thể nhận một số đội hoạt động của SO (Đội công tác chiến lược “Con Nai”)...

- Khoảng ngoài 20:Hồ Chí Minh gửi thư cho Thiếu tá E.Tômát. Nguyên văn bức thư như sau:

Gửi Thiếu tá Tômát,

Ngài thân mến,

Tôi gửi Ngài một chai rượu để uống cho ấm người. Tôi tin rằng Ngài sẽ thích thú.

Nếu Ngài viết thư về Côn Minh, hãy chuyển qua người chiến sĩ này.

Kế hoạch của Ngài về sự đầu hàng của Nhật (tối hậu thư, tấn công...) thật tuyệt vời. Tôi tin rằng nó sẽ đem lại kết quả rất tốt.

Sẽ rất tốt nếu Ngài chuyển kế hoạch đó bằng điện tín cho Đại uý Holland.

Trong thời gian tôi đi vắng, nếu cần gì xin Ngài nói với ông Văn hoặc ông Lã.

Chào thân ái

C. M. Hoo”

- Ngày 21:Hồ Chí Minh tiễn Ph. Tam trở lại Trung Quốc và nhờ Ph. Tam chuyển cho Sáclơ một bức thư. Toàn văn bức thư như sau:

Ông Phen thân mến!

Tôi muốn viết cho ông thư dài để cảm ơn tình cảm của ông đối với tôi. Tiếc thay không thể viết dài được vì sức khoẻ tôi hiện giờ chưa được tốt lắm (nhưng không đến nỗi nguy kịch, ông an tâm).

Điều tôi muốn nói với ông thì ông Tam sẽ nói thay tôi. Nếu ông gặp các ông Bécna, Vinca Reit và Cácten (của cơ quan thông tấn) và những người bạn khác của chúng ta, nhờ ông chuyển tới họ lời chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi.

Ông Tam nói là ông sẽ đến đây. Chúng tôi luôn sẵn sàng nồng nhiệt đón ông.

Hãy đến nhanh ông nhé.

Tôi chúc ông mạnh khoẻ và may mắn.

21-7-1945

Thân mến

CM HỒ”

- Ngày 25:Hồ Chí Minh một lần nữa yêu cầu E. Tômát, nhờ phía Mỹ báo cho người Pháp biết Người có thể nói chuyện với đại diện Pháp ở Côn Minh hoặc ở Bắc Kỳ. Người còn gửi Chính phủ Pháp một bản đề nghị gồm năm điểm.

1. Thực hiện phổ thông đầu phiếu để bầu ra một nghị viện quản lý đất nước do một toàn quyền người Pháp làm chủ tịch cho đến khi Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Toàn quyền sẽ lập một nội các hay đoàn cố vấn được nghị viện chấp nhận. Quyền hạn chính xác của các quan chức nói trên sẽ được thảo luận sau.

2. Độc lập phải được ban bố cho đất nước trong vòng ít nhất là 5 năm nhưng không được quá 10 năm.

3. Các nguồn lợi thiên nhiên của đất nước phải được trả lại cho nhân dân trong nước với một sự đền bù thích đáng.

4. Mọi quyền tự do do Liên hợp quốc đề ra được bảo đảm thi hành cho người Đông Dương.

5. Cấm chỉ việc bán thuốc phiện.

- Cuối tháng:Tại lán Nà Lừa, Hồ Chí Minh ốm nặng. Người đã uống ký ninh và thuốc cảm, nhưng vẫn sốt cao và luôn mê sảng.

Một hôm, lên lán báo cáo công việc, thấy Người sốt, đồng chí Võ Nguyên Giáp xin ở lại lán với Người. Người mở mắt, khẽ gật đầu. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Một lần khác, Người nói:“Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”.

- Cuối tháng:Hồ Chí Minh uống thuốc của một cụ lang già người Tày. Thuốc là một thứ củ vừa đào trong rừng về, đem đốt cháy rồi hoà vào trong cháo loãng. Cơn sốt lui dần. Người lại gượng dậy và tiếp tục làm việc.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: