Phần 6. Giai đoạn 1955 - 1969
* Tháng 7- 1961
- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm. Người không nhất trí về một số điểm trong cách đánh giá thắng lợi việc thực hiện kế hoạch nêu trong báo cáo và cho rằng sản xuất nông nghiệp chưa toàn diện, có tiến bộ nhưng chưa đều, chất lượng chưa cao,"kinh tế không phát triển nhịp nhàng, không đúng phương hướng lấy ngắn nuôi dài, lấy nhanh nuôi chậm".
Về những khó khăn, Người nhận định đó là điều tất yếu,"như đứa trẻ lớn mau, áo của nó mau chật", nhưng điều quan trọng là phải nêu ra được phương hướng giải quyết khó khăn một cách cụ thể trên cơ sở thi đua"tiết kiệm nhưng không để thiếu thốn".
- Ngày 11: Nói chuyện với Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quân, Người căn dặn toàn thể cán bộ và chiến sĩ cần luôn luôn nâng cao trình độ chính trị, văn hoá cùng khoa học kỹ thuật; nghiêm túc giữ gìn kỷ luật; nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch. Đồng thời, phải thấm nhuần tinh thần làm chủ, phải cần kiệm xây dựng quân đội, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để tự cải thiện và giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân, kiên quyết chống tham ô, lãng phí. Người tặng Đại hội mấy câu thơ:
"Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải,
Nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong,
Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ "Ba nhất",
Công, nông, binh đại thi đua, đại đoàn kết,
Chủ nghĩa xã hội nhất định đại thành công,
Bắc-Nam nhất định sẽ thống nhất non sông một nhà!".
- Ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị nghe báo cáo tóm tắt Hội nghị Giơnevơ về Lào và bàn chủ trương giúp đỡ Lào trong tình hình mới.
- Ngày 15: Bài viếtQuyết tâm phấn đấu cho một vụ mùa thắng lợicủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báoNhân Dânsố 2672, nêu ra bốn yêu cầu cần phải thực hiện ngay để giành một vụ mùa thắng lợi hơn nữa. Người cũng nhắc nhở Bộ Nông nghiệp cần cử cán bộ xuống tận địa phương để giúp và giải quyết khó khăn về kỹ thuật, cán bộ tỉnh và huyện phải đến tận các hợp tác xã để chỉ đạo, các đảng viên và đoàn viên cần phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc.
- Ngày 19: Dự Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III), bàn về vấn đề phát triển nông nghiệp 1961-1965. Về tình hình thu mua lương thực, Người nhận xét:Việc mua lương thực còn ì ạch. Nút ở đâu? Đời xưa Khổng Tử nói: "Dân không tin, không làm được". Bây giờ xã nói huyện ép, huyện nói tỉnh ép, tỉnh nói trung ương ép! Vì vậy, để làm kế hoạch này, vấn đề rất quan trọng có lẽ là vấn đề dưới chưa tin trên và trên chưa tin dưới.
- Ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phóng viên Thông tấn xã Cộng hoà Dân chủ Đức Áctua Manba về một số câu hỏi liên quan tới công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đường lối thống nhất nước Việt Nam.... Người nêu rõ: "Mục đích việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân miền Bắc Việt Nam và đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam để hoà bình thống nhất đất nước của mình". "Chúng tôi kiên quyết đấu tranh thống nhất Tổ quốc bằng đường lối hoà bình và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ".
Trả lời câu hỏi về lời vu cáo của Ngô Đình Diệm về cái gọi là"hoạt động khuynh đảo"của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền Nam Việt Nam, Người tố cáo luận điệu hèn hạ đó "nhằm che lấp việc phá hoại Hiệp định Giơnevơ và việc biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ", "nhằm tăng cường khủng bố nhân dân miền Nam Việt Nam đang đấu tranh chống chế độ độc tài phát xít của bè lũ Mỹ - Diệm",và khẳng định: "Cuộc đấu tranh chống chế độ dã man ấy là quyền thiêng liêng của đồng bào chúng tôi ở miền Nam Việt Nam. Không có bạo lực hay vu cáo nào có thể làm cản trở mục đích đó đi tới thắng lợi".
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiếp Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá III). Trong bài phát biểu, Người đặc biệt nhấn mạnh về vị trí, vai trò của nông nghiệp đối với công nghiệp cũng như đối với nền kinh tế nước ta và về mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp. Người khẳng định thành tích đồng thời cũng chỉ ra những khuyết điểm của phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường lãnh đạo của chi bộ Đảng ở nông thôn, việc bồi dưỡng, củng cố ban quản trị hợp tác xã, nhất là việc xây dựng và phát huy tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, nhằm đẩy tới một cao trào thi đua sản xuất và tiết kiệm để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
- Ngày 23: Tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự cuộc mít tinh của trên 25 vạn nhân dân Thủ đô kỷ niệm 7 năm Ngày ký Hiệp nghị Giơnevơ lập lại hoà bình ở Đông Dương (20-7). Trước lúc kết thúc buổi mít tinh, Người căn dặn đồng bào:"Đoàn kết là sức mạnh, đồng bào cả nước đoàn kết, chúng ta đoàn kết với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, với nhân dân châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, nhất định chúng ta sẽ thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai".Sau đó, Người đề nghị mọi người cùng hát bài "Kết đoàn".
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại đội 1 thuộc Trung đoàn 230 phòng không, đóng tại trận địa Quảng Bá (Hà Nội).
Sau khi thăm nơi ăn, ở của đơn vị, nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ tại sân của Đại đội, Người căn dặn:"Các chú phải ra sức học tập kỹ thuật, chiến thuật hơn nữa thì mới đảm bảo làm tròn được nhiệm vụ. Nhất là phải tránh chủ quan thoả mãn. Trình độ văn hoá của các chú còn thấp, nên càng phải cố gắng mà học để làm cơ sở tốt cho huấn luyện quân sự".
* Tháng 7- 1962
- Ngày 2: 16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các bác sĩ Trung Quốc đến kiểm tra sức khoẻ của Người. Sau đó, các ông Chu Ân Lai, Trần Nghị đến thăm và nói chuyện với Người về tình hình Lào.
- Ngày 10: 7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh về nước. 14 giờ (giờ Việt Nam), chiếc máy bay chở Người hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm.
- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Đại hội thế giới đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hoà bình họp tại Mátxcơva. Bức điện nhấn mạnh:"Chỉ có sự đoàn kết chặt chẽ của các lực lượng hoà bình trên toàn thế giới với những hành động cương quyết đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hoà bình mới có thể đập tan âm mưu thâm độc và đầy tội ác của những kẻ gây chiến".
- Ngày 19: Bài viếtChớ để "nước đến chân mới nhảy"của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báoNhân Dânsố 3038. Dẫn chứng tình hình thiệt hại nặng nề ở nhiều nước trên thế giới do lũ lụt lớn gây ra, tác giả nêu rõ:"Ở nước ta, mùa này cũng là mùa lụt. Vì vậy đắp đê, giữ đê, phòng lụt, chống lụt là công việc quan trọng và cấp bách nhất hiện nay", và nhắc nhở các cấp uỷ đảng, chính quyền phải lo chuẩn bị sẵn sàng, "Quyết chớ để nước đến chân mới nhảy!".
- Sau ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi tinh thần cảnh giác và hành động dũng cảm của đồng bào, bộ đội, công an nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An trong việc phòng và chống bọn gián điệp, biệt kích do Mỹ - Diệm tung ra miền Bắc. Đối với những tên bị bắt còn ít tuổi, Người nói:"Nếu họ quyết tâm cải tạo, vì lòng nhân từ với tuổi trẻ, nhân dân và Chính phủ sẽ giảm ngắn hạn phạt tù, giúp đỡ họ trở nên những người làm ăn lương thiện"
- Trước ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phóng viên báoTin tức vàSự thật thanh niên (Liên Xô) về một số vấn đề liên quan đến lập trường của Việt Nam đối với việc giải trừ quân bị; ý nghĩa của việc giải quyết vấn đề Lào trong hiện tình Đông Nam Á... Trả lời câu hỏi vềđường lối, biện pháp giành thống nhất đất nướccủa nhân dân Việt Nam, Người tuyên bố:"Chúng tôi luôn luôn chủ trương thống nhất Tổ quốc bằng đường lối hoà bình, luôn luôn đòi phải thực hiện đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam".
- Ngày 24: Thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước về Cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Trong bài nói, Người nêu rõ ý nghĩa, nội dung, phương châm của cuộc vận động, phân tích những biểu hiện, nguyên nhân và tác hại của các bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong cán bộ hiện nay, đồng thời phê phán những thái độ không đúng. Người nhấn mạnh: "Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu... Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ, chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình".
- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hải Dương. Sau khi tham gia chống úng cùng nông dân xã Hiệp Lực, xã Ứng Hoè, Ninh Giang, Người gặp gỡ và nói chuyện với đại biểu nhân dân và cán bộ trong Tỉnh. Chủ tịch khen Hải Dương"có tiến bộ về mọi mặt"so với lần đầu Người về thăm (1957), song "những tiến bộ đó chưa làm thoả mãn được những nhu cầu của nhân dân". Nhắc nhở nhân dân Hải Dương cần làm tốt một số việc cụ thể, Người nhấn mạnh:"Để làm tốt những công việc đó, mọi người công dân-già trẻ gái trai-đều phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà. Mọi người phải nâng cao tinh thần trách nhiệm cần kiệm xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là công tác tư tưởng cực kỳ quan trọng mà mỗi đảng viên, đoàn viên thanh niên và các cấp uỷ Đảng, trước hết là chi bộ phải làm cho tốt".
- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn về công tác kiểm tra kế hoạch Nhà nước năm 1962. Tại Hội nghị, Người nói:"Từ ngày hoà bình lập lại năm nào cũng thấy có thuận lợi, có khó khăn, và năm nào cũng không đạt kế hoạch. Tình hình mỗi ngày một căng thẳng. Ta phải tìm cách nào, nếu cần có thể giảm bớt một phần xây dựng để giải quyết vấn đề ăn và mặc cho nhân dân được tốt hơn nữa, đừng để cho tình hình đời sống căng thẳng quá. Vấn đề con người là hết sức quan trọng. Nhà máy cũng rất cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người. Người thì phải do Đảng lãnh đạo, do đó phải chỉnh đốn chi bộ, phải làm cho chi bộ vững mạnh. Phải làm cho quần chúng hiểu chủ nghĩa xã hội đúng hơn. Phải quan tâm đến đời sống quần chúng và giáo dục quần chúng".
* Tháng 7- 1963
- Ngày 5: Tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các đội bóng đá các nước xã hội chủ nghĩa (SKDA) sang thi đấu ở Việt Nam. Trong câu chuyện kể với các bạn quốc tế, Người nói bằng tiếng Nga:"Hằng ngày tôi vẫn tập thể dục...".
- Ngày 9: Bài viết"Sư hinh" ( Có nghĩa:Tiếng thơm của người thày giáo) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báoNhân Dânsố 3390. Sau khi tỏ lời khen ngợi những việc làm tốt đẹp của nhiều thày giáo, tác giả đã phê phán một số việc làm thiếu gương mẫu, kém đạo đức của các thày giáo Trường cấp II xã Đại Thạch và Liên Châu ở Hà Đông. Việc làm của họ vừa ảnh hưởng không tốt đến vinh dự cao quý của người thày giáo, vừa ảnh hưởng xấu đến các em học sinh, những thày giáo này không tiêu biểu cho "Sư hinh" mà họ đã "sinh hư".
- Ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Người nhắc nhở Vĩnh Phúc cần làm tốt ba cuộc vận động, nhất là phải làm tốt cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, vì Vĩnh Phúc là tỉnh nông nghiệp. Người lưu ý đại hội cần bàn bạc, thảo luận những vấn đề thiết thực, nêu được những biện pháp thiết thực, tránh đưa ra nhiều nghị quyết, khẩu hiệu chung chung. "Phải làm được những điều mà Trung ương Đảng đã nêu. Làm được bao nhiêu thành công bấy nhiêu. Làm được nhiều thành công nhiều, làm được vừa thành công vừa, làm được ít thành công ít".
- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động "Ba xây, ba chống"(Tên gọi tắt của cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu").Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Người nêu rõ ý nghĩa của cuộc vận động và tập trung phân tích nội dung của"ba xây, ba chống". Nói về mối quan hệ giữa hai vấn đề đó, Người chỉ rõ:"Làm "ba chống" triệt để nhằm bảo đảm cho công việc "ba xây" thành công. "Ba xây" phát triển mạnh mẽ thì đối tượng "ba chống" sẽ được xoá bỏ tận gốc".Người nhấn mạnh phương châm của cuộc vận động này làlấy giáo dục làm chính: Khen ngợi những người tốt, việc tốt; khuyến khích những người có khuyết điểm tự giác, cố gắng sửa chữa để trở thành người tốt.
* Tháng 7- 1964
- Từ 26-6 đến 3-7: Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá III, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đại biểu các dân tộc thiểu số, đại biểu các tôn giáo trong Quốc hội khoá III.
- Ngày 3: Tiếp tục tham dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá III. 10 giờ 30, Người được Quốc hội bầu lại làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với tư cách là Chủ tịch nước, Người giới thiệu ông Phạm Văn Đồng để Quốc hội bầu lại làm Thủ tướng Chính phủ.
Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III. Thay mặt các vị vừa được Quốc hội bầu giữ các chức vụ lãnh đạo Nhà nước, Người cám ơn Quốc hội đã tín nhiệm và đọc mấy câu thơ:
"Bảy mươi tư tuổi vẫn không già,
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta.
Bao giờ Nam Bắc một nhà,
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng".
Biểu thị sự nhất trí với báo cáo của Chính phủ trình bày tại kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu Quốc hội động viên mạnh mẽ tinh thần quyết tâm và bền bỉ của nhân dân, phấn đấu thi đua hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1964 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Người đề nghị Quốc hội"nhiệt liệt hoan hô đồng bào miền Nam anh hùng, nhiệt liệt hoan hô các chiến sĩ miền Nam anh dũng".
Sau khi nêu rõ đế quốc Mỹ là kẻ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, can thiệp và xâm lược miền Nam, khiêu khích miền Bắc, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, Người khẳng địnhnhững lời đe doạ của đế quốc Mỹ càng làm nhân dân ta thêm căm thù và quyết tâm chiến đấu tới thắng lợi cuối cùng. Mỹ phải rút hết quân đội và vũ khí khỏi miền Nam Việt Nam để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình, "đó là cách giải quyết "lịch sự" không làm cho Mỹ mất thể diện".
Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cám ơn các nước anh em và bạn bè đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta; bày tỏ sự đồng tình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp và hội đàm với Thủ tướng và Phó Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai, Trần Nghị; Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Mặt trận Neo Lào Hắcxạt Xuphanuvông.
- Ngày 19: Tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh của hơn 40 vạn quần chúng Thủ đô kỷ niệm lần thứ 10 Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương. Phát biểu tại cuộc mít tinh, một lần nữa Người kêu gọi:"Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam".
- Trước ngày 20: Trả lời phỏng vấn của phóng viên báoL'Humanité(Pháp) tại Hà Nội, Người lên án việc đế quốc Mỹ thúc giục chính quyền tay sai ở miền Nam khước từ tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đưa vũ khí quân đội và đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, khiêu khích và phá hoại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phá hoại đường lối hòa bình trung lập của Vương quốc Campuchia, phá hoại Hiệp định Giơnevơ năm 1962 về Lào và tung dư luận dối trá để che đậy tội ác. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương sau 10 năm ký kết vẫn chưa được thực hiện. Người khẳng định nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, có quan hệ hữu nghị và bình đẳng với tất cả các nước. Chính phủ Mỹ cũng như Chính phủ các nước đã tham gia Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương phải tôn trọng và thi hành đúng Hiệp định; Mỹ phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược, rút quân đội và vũ khí khỏi miền Nam. Đó là cách đúng đắn nhất để giải quyết tình hình miền Nam Việt Nam. Người cảm ơn nhân dân các nước anh em, bạn bè, nhân dân Pháp đã đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
- Ngày 20: Bài viếtTay lo rồi chân cũng locủa Người, bút danh Chiến Sĩ, đăng báoNhân Dân,số 3764. Bài báo dẫn chứng về sự thất bại của Đại tướng Mỹ Mácsan, Đại tướng Pháp Đờlát đờ Tátxinhi và nhận định:"Kinh nghiệm chứng tỏ rằng, mỗi khi một nước đế quốc phái đại tướng làm đại sứ, đó là triệu chứng của một cuộc đại bại".Đế quốc Mỹ ngày càng sa lầy ở miền Nam thì Taylo sẽ không tránh khỏi số phận đó và "chân cũng lo để chuồn". Bài báo khẳng định:"Đế quốc Mỹ chỉ có một lối thoát bằng cách tôn trọng Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược, rút ngay quân đội và vũ khí khỏi miền Nam, để nhân dân miền Nam tự giải quyết lấy công việc của họ".
- Ngày 26: Bài viếtĐế quốc Mỹ rúc xuống hầmcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báoNhân Dân,số 3770. Bài báo điểm lại một loạt trận đánh của quân và dân nhiều địa phương ở miền Nam từ ngày 1-7 để kỷ niệm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Dẫn lời Tổng thống Mỹ Gi.Kennơđi trước đây về việc đế quốc Mỹ đang "ở trong đường hầm không thấy lối ra" và lời của hãng tin Mỹ ở chiến trường Trung Bộ, lính Mỹ phải rúc xuống hầm vào ban đêm, bài báo khẳng định lực lượng vũ trang cách mạng đang ở thế chủ động, còn lực lượng Mỹ lâm vào thế bị động. Bài báo kết luận:
"Lại thêm chứng cứ rõ ràng,
Đồng bào miền Nam càng đánh càng mạnh và càng thắng to".
- Ngày 29: Thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, tổ chức tại Hà Nội, Người nêu rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, phê bình một số cấp ủy Đảng coi nhẹ và không chú ý lãnh đạo công tác kiểm tra như cònbị động, việc xử lý kỷ luật, đơn thư khiếu nại còn chậm. Người yêu cầu:"Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy Đảng phải luôn luôn tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, bảo đảm chặt chẽ kỷ luật và tổ chức của Đảng". Các ban kiểm tra phải góp phần xứng đáng vào công tác đó.
* Tháng 7- 1965
- Ngày 4: Bài viết... Xơn và ... Xơncủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báoNhân Dân,số 4109. Bài báo phê phán chính sách của Chính phủ Anh đối với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam và cho biết: bị thất bại cả về chính trị, quân sự ở Việt Nam, Tổng thống Mỹ Giônxơn một mặt tăng cường chiến tranh, mặt khác lại đưa ra cái gọi là "đàm phán không điều kiện"để lừa bịp dư luận. Phụ họa với giới cầm quyền nước Mỹ, Thủ tướng Anh Uynxơn đã thành lập "Phái đoàn hoà bình Liên Hiệp Anh"nhằm vận động cho chính sách lừa bịp của Mỹ. Bài báo kết luận:"Là một trong hai Chủ tịch của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, ông Uynxơn đã không làm trọn nghĩa vụ của mình, lại còn hết sức ủng hộ Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ và tiến hành chiến tranh xâm lược".
- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về công tác đối ngoại. Phát biểu ý kiến về việc tiếp xúc và làm việc với các chuyên gia nước ngoài, Người nhắc các cán bộ phụ trách phải thận trọng, cảnh giác. Cảnh giác vẫn cần thiết nhưng phải có thái độ chân thành.
- Ngày 14: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về tình hình miền Nam, về công tác Đảng và ngoại giao. Phát biểu ý kiến về cuộc đấu tranh chống luận điệu tuyên truyền của địch cho rằng miền Bắc xâm lược miền Nam, Người chỉ rõ:Đ
ồng bào và chiến sĩ miền Bắc có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhân dân miền Nam, vì sự nghiệp chung giải phóng đất nước; vì việc ta đưa quân vào, đồng bào miền Nam đã biết rồi. Người nhận định,việc Mỹ thủ tiêu Diệm, Taylo phải từ chức, Mỹ phải kêu gọi quân chư hầu giúp đỡ... chứng tỏ chúng thất bại. Rõ ràng Mỹ đã thất bại về quân sự và phải nói là tìm giải pháp chính trị để giải quyết cuộc chiến tranh. Người khẳng định:Mỹ sẽ tiếp tục leo thang. Vì vậy nhiệm vụ của miền Bắc là đồng thời với việc tăng cường tiềm lực quân sự, phải đẩy mạnh sản xuất, ổn định về kinh tế; miền Nam phải duy trì và phát triển chiến tranh du kích, chú ý đến lực lượng đặc công. Người nói rõ: "Ta cố tranh thủ thời gian, nhưng phải giáo dục trong nhân dân tư tưởng kháng chiến trường kỳ; phải đề phòng chúng đốt rừng bằng B.52, do vậy các căn cứ phải thay đổi luôn luôn. ở miền Nam: dân nuôi binh, binh phải giúp dân". Miền Bắc phải có kế hoạch phòng chống và khắc phục ngay nếu địch âm mưu phá hoại đê điều. Người nêu cao quyết tâm: "Tất cả để chiến thắng ở miền Nam".
- Ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác của trường Nguyễn Ái Quốc. Sau khi nghe các báo cáo của một số ủy viên, Người phát biểu ý kiến về nhiệm vụ và công tác của cán bộ, học viên trường Nguyễn ái Quốc: Phải tăng gia sản xuất kết hợp với học tập những nội dung thiết thực phục vụ công tác sản xuất và chiến đấu. Phải xác định cho cán bộ và học viên hiểu rõ nhiệm vụ cơ bản trong giai đoạn hiện tại là chiến đấu và phục vụ chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người phê bình một số mặt của trường chưa được thực hiện tốt như vệ sinh, công tác bầu cử vừa qua, v.v.. Người nhắc nhở cán bộ tổ chức của nhà trường cần chú ý chiêu sinh đào tạo những đối tượng thuộc thành phần công nông và yêu cầu cán bộ giảng dạy phải luôn có ý thức trau dồi kiến thức, lý luận để nâng cao chất lượng đào tạo. Người khẳng định: Bí quyết của thành công là "đoàn kết và quyết tâm".
- Ngày 19: 5 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo phòng không 234. Người đến từng khẩu đội pháo cao xạ, nơi ăn, ở của đơn vị, khen ngợi bộ đội phòng không - không quân đã lập chiến công vẻ vang. Người căn dặn:
1- Phải luôn cảnh giác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
2- Phải có tinh thần dũng cảm; bắn rơi máy bay địch ngay từ loạt đạn đầu nhưng tiết kiệm đạn. Muốn vậy cần tập luyện thật công phu và sau mỗi trận đánh phải chú ý rút kinh nghiệm.
3- Phải tổ chức hiệp đồng binh chủng cho tốt; lập công tập thể, tránh tư tưởng "tranh công, đổ lỗi".
4- Phải hết sức chú ý đến vấn đề dân chủ và kỷ luật, cán bộ phải gương mẫu phê bình và tự phê bình. Phải đoàn kết chặt chẽ. "Phải tin tưởng vững chắc là ta nhất định thắng, Mỹ nhất định phải thua".
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của hai phóng viên báoHôm nayvàCách mạngcủa Cuba Gabrien Môlian và Luitxơ Baetxơ. Người nêu rõ:Quyết tâm chiến đấu và sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam, sự ủng hộ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ là những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Người khẳng định "Miền Nam Việt Nam nhất định sẽ được giải phóng", "Hai miền Bắc và Nam sẽ tiến từng bước thống nhất đất nước của mình".Những hành động leo thang chiến tranh ở cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đã phơi trần luận điệu"hòa bình thương lượng" giả dối của giới cầm quyền Mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên quan hệ hữu nghị, hợp tác; sự ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Cuba đang không ngừng củng cố và phát triển. Người nhờ các nhà báo chuyển lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Cuba về sự ủng hộ nhiệt tình và quý báu đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
- Ngày 20: Người raLời kêu gọi nhân ngày 20-7,kỷ niệm lần thứ 11 Ngày ký Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương. Người khẳng định: Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, độc lập tự do; Hiệp định Giơnevơ 1954 đã trịnh trọng công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nhưng hơn 10 năm qua đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. Nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành cuộc chiến đấu nhằm chống lại hành động xâm lược đó để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc và góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Lập trường của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là:"Chính phủ Mỹ phải thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954, thực hiện bốn điểm do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu ra và năm điều do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã nói rõ". ý chí của cả dân tộc ta là"Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn".
Người kêu gọi đồng bào và chiến sĩ miền Bắc hăng hái thi đua sản xuất và chiến đấu, nhất là trong các phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên, "Ba đảm đang" của phụ nữ, giành nhiều thắng lợi hơn nữa để đánh tan cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đồng bào và chiến sĩ miền Nam hãy giương cao ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến lên giành nhiều thắng lợi hơn nữa, quyết đánh bại mọi âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và tay sai. Binh sĩ và nhân viên trong chính quyền Sài Gòn hãy mau tỉnh ngộ trở về con đường chính nghĩa.
Khẳng định tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn và hoan nghênh nhân dân tiến bộ Mỹ đã dũng cảm đấu tranh chống chính sách xâm lược của Chính phủ Mỹ. Người kêu gọi binh sĩ Mỹ và các nước chư hầu hãy tỉnh ngộ, đấu tranh để khỏi phải "làm bia đỡ đạn" chết thay giới cầm quyền Mỹ.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự cảm ơn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự ủng hộ, giúp đỡ của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ toàn thế giới đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng thảo luận về tình hình miền Nam và công tác đấu tranh ngoại giao. Sau khi nghe báo cáo về tình hình chiến sự và các cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam, Người rất lo lắng về sự đàn áp dã man của địch và đề nghị các đồng chí trong Bộ Chính trị hỏi về trường hợp chị Trần Thị Vân, một nữ cán bộ bị địch bắt giam hiện giờ ra sao?
Về nội dung và các biện pháp của cuộc đấu tranh chính trị ở miền Nam, Người nêu ý kiến: Phải vạch trần âm mưu Mỹ dùng tín phiếu ở miền Nam để đồng bào thấy rõ thủ đoạn lừa bịp của chúng; nên vận động báo chí các nước anh em cùng lên án bộ mặt giả dối của Mỹ trong việc tuyên truyền luận điệu "hòa bình".
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ miền Nam tập kết tại Câu lạc bộ Thống nhất (Hà Nội).
- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe báo cáo về bộ đội tên lửa ra quân trận đầu đánh thắng, bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 400 trên miền Bắc. Người rất phấn khởi và viết thư khen bộ đội tên lửa.
- Ngày 30: Bài viếtTống Taylocủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danhChiến Sĩ,đăng báoNhân Dân,số 4135.
Bài báo dẫn lời bình luận của một số báo chí Mỹ về việc Tổng thống Mỹ triệu hồi M.Taylo, Đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam về nước. Bài báo nhận định:Việc thay thế đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam chỉ là sự luẩn quẩn, không lối thoát trong chính sách của Mỹ. Chỉ có một cách giải quyết để đưa lại hòa bình là Chính phủ Mỹ phải thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam.
- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về kế hoạch đấu tranh với đế quốc Mỹ. Nhận định tình hình miền Nam và ý đồ tăng quân của Mỹ, Người đề nghị nên tuyên bố rõ với giới cầm quyền Mỹ và trước toàn thế giới về quyết tâm của ta là Mỹ đưa 5 vạn quân chứ 50 vạn ta cũng quyết đánh. Nói về âm mưu của Mỹ, Người cho rằng: Mỹ muốn thương thuyết với ta trên thế mạnh, vì thế cố gắng bổ sung quân số, nhưng đó là thất bại của Mỹ. Chúng ta phải giải thích cho nhân dân cả miền Nam và miền Bắc thấy được điều đó. Mỹ to xác, trang bị tốt, nhưng không dai đâu. Người đề nghị phải nghiên cứu cách đánh xem có phải thay đổi gì không.
* Tháng 7- 1966
- Ngày 4: Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự tiệc do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh chiêu đãi phái viên của Tổng thống Pháp Gi. Xanhtơny. Người hỏi thăm gia đình và nhờ chuyển đến các con Gi. Xanhtơny những cái hôn thắm thiết.
Về việc Pháp sẽ làm trung gian trong cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, Người nói: "Nếu ông có gặp người Mỹ, ông hãy nói cho họ biết rằng chúng tôi không sợ Mỹ, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng dù phải hy sinh tất cả. Mỹ rút đi thì mọi việc sẽ được giải quyết. Nhưng chừng nào còn một tên Mỹ trên đất nước chúng tôi, chúng tôi còn tiếp tục chiến đấu".
- Ngày 5: Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phái viên của Tổng thống Pháp Gi. Xanhtơny và nhận thư của Tổng thống Pháp S. Đờ Gôn. Người nói với Gi.Xanhtơny về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và khẳng định cuộc chiến đấu đó sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn: "Chúng tôi biết rõ sức mạnh của kẻ thù. Chúng tôi hiểu rằng bọn Mỹ, nếu chúng muốn, chúng có thể hủy diệt thành phố này, như chúng đã làm đối với các thành phố lớn ở Bắc Bộ như Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh và nhiều thành phố khác. Chúng tôi đang đợi chúng đến và chúng tôi sẵn sàng. Nhưng cái đó không làm nhụt ý chí đấu tranh của chúng tôi. Ông hiểu rằng chúng tôi đã có kinh nghiệm và chiến tranh đã được kết thúc như thế nào rồi".
Người nêu lên nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và khả năng đi tới một giải pháp thương lượng:"Chỉ có một cách đi tới một giải pháp đó là Mỹ rút đi.Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích; nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông: "qu'ils foutent camp!" (Thì họ hãy cút đi!).
- Sau ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư qua Gi.Xanhtơny trả lời Tổng thống Pháp S.Đờ Gôn. Người vui lòng về việc Chính phủ Cộng hòa Pháp công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Ngày 10: Bài viếtChúng ta phải làm thật tốt việc sơ táncủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báoNhân Dân,số 4477. Bài báo nêu rõ, việc đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng là một hành động "leo thang" chiến tranh rất điên cuồng và chúng đã bị trừng trị đích đáng. Người chỉ rõ chúng đang "lăm le"tiếp tục ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác. Vì vậy, chúng ta phải làm tốt công tác phòng không, trong đó sơ tán là một việc làm cần thiết. Người nhắc nhở phải có những hình thức thích hợp như sơ tán riêng lẻ, sơ tán tập thể. Tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng phải quan tâm chặt chẽ đến việc sơ tán. Đồng bào sơ tán và đồng bào địa phương phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, phải thực hiện câu:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng!"
- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Lời kêu gọi nêu rõ Mỹ đang đưa quân ồ ạt vào miền Nam, tăng cường đánh phá miền Bắc trên quy mô lớn. Nhưng chúng đang thất bại nặng nề. Trước những thử thách ác liệt của chiến tranh, nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Người khẳng định: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần thủ đoạn thâm độc của đế quốc Mỹ, một mặt tăng cường và mở rộng chiến tranh trên cả hai miền Nam Bắc, một mặt rêu rao lừa bịp về "đàm phán hòa bình". Người khẳng định Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam thì hòa bình sẽ trở lại ngay lập tức. Người tin tưởng cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta nhất định sẽ giành thắng lợi cuối cùng.
Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người cảm ơn sự giúp đỡ của các nước anh em, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước nêu cao ý chí chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
- Ngày 18, 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về quyết tâm thực hiện chiến lược giành thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng nghe báo cáo tình hình và nhận định âm mưu của địch đối với miền Bắc.
- Trước ngày 27: Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7), Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho ba thương binh đã phát huy truyền thống quân đội, lập nhiều thành tích trong sản xuất và công tác.
* Tháng 7- 1967
- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai chúc mừng kỷ niệm lần thứ 46 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và chúc tình hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước đời đời bền vững.
- Đầu tháng 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh cử một cán bộ giúp việc lên xem xét điều kiện trực chiến của trung đội súng máy phòng không ở nóc Hội trường Ba Đình. Được biết điều kiện trực chiến vất vả do nắng nóng, Người quyết định rút hết số tiền nhuận bút tiết kiệm trong nhiều năm tặng bộ đội phòng không để góp phần mua thêm nước giải khát cho các chiến sĩ trực chiến trên toàn miền Bắc.
- Ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Người cũng gửi tặng mỗi dân quân gái một huy hiệu của Người.
- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 75- LCT, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Câu lạc bộ Quân đội đặt vòng hoa viếng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Vòng hoa của Người mang dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Chí Thanh”.
- Ngày 11: Lúc 17 giờ, tại Nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gia đình cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thăm và cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng tổ chức chu đáo lễ tang đồng chí Nguyễn Chí Thanh.
20 giờ, y tá đến đưa thuốc cho Người.
Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giặc hạn và giặc lụt, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 4840, nêu ra các nhiệm vụ cụ thể mà các ngành, các giới, các địa phương phải quyết tâm thực hiện tốt sản xuất vụ mùa thắng lợi và góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.
- Ngày 22: 5 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với đồng chí Lê Văn Lương và bác sĩ Nhữ Thế Bảo. Hai người cùng đi với Người trong chuyến nghỉ và chữa bệnh tại Quảng Đông Trung Quốc từ 14 tháng 4 đến 30 tháng 6 năm 1967.
- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Thủ tướng Phiđen Catxtơrô và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nước Cộng hòa Cu ba, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 14, ngày Khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Cu ba.
- Ngày 28: 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị trao đổi ý kiến về vấn đề tù binh Mỹ. Người cho rằng: “Có thể thả một số vào dịp Noel hoặc 2-9”, nhưng không nên nghĩ vì thế mà “Mỹ không đánh đê”.
- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen cán bộ và nhân viên quân y đã có nhiều cố gắng trong việc cứu, chữa thương binh, bệnh binh và giữ gìn sức khỏe bộ đội, Người nhắc nhở cán bộ nhân viên ngành quân y phải:“Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng và chuyên môn kỹ thuật. Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh”.
* Tháng 7- 1968
- Ngày 4: Bài viếtPhải làm tốt công tác phòng và chống lụt, bão năm 1968,ký bút danh T.L., đăng báoNhân Dân, số 5196, nhắc nhở các ngành các địa phương cần chú trọng hơn nữa việc phòng và chống lụt, bão, chống địch đánh phá đê điều, kè, chuẩn bị lực lượng và nguyên vật liệu sẵn sàng ứng phó với các tình huống bão lụt....
- Ngày 9: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình đàm phán ở Hội nghị Pari, Người nhắc:“Cần nghiên cứu kỹ xem ở Hội nghị Pari địch được cái gì, mất cái gì? Ta được gì, thiệt gì”?
- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, các vị trong ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam, khen ngợi quân và dân Trị - Thiên - Huế đã đánh đuổi hàng vạn quân tinh nhuệ nhất của Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh.
Cuối bức điện, Người viết:
“Nam Bắc một nhà, ra sức đánh giặc
Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.
Người nhờ Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị chuyển đến đồng bào, chiến sĩ và cán bộ toàn miền Nam, đặc biệt là cán bộ chiến sĩ và cán bộ mặt trận Khe Sanh lời khen ngợi nhiệt liệt nhất.
- Ngày 20: BáoNhân Dân đăngLời kêu gọi nhân ngày 20 tháng 7 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 14 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ. Sau khi lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ trên đất nước ta là một cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người, điểm lại những thắng lợi của nhân dân hai miền, Người nêu rõ lập trường của nhân dân ta:“Nhân dân ta rất yêu chuộng hoà bình nhưng phải có độc lập, tự do thật sự thì mới có hoà bình chân chính. Lập trường của ta rất chính đáng, rõ ràng: ngày nào đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược nước ta, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, để dân ta tự do giải quyết công việc nội bộ của mình, thì ngày đó hoà bình sẽ lập lại ngay... Cách duy nhất để lập lại hoà bình là quân Mỹ và quân chư hầu phải rút hết về nước! Nước Việt Nam của người Việt Nam!”. Lời kêu gọi có đoạn: “Trên đất nước ta đang diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa văn minh và bạo tàn. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ toàn thế giới đang hàng ngày nhìn về Việt Nam ta, nhiệt liệt khen ngợi đồng bào và chiến sĩ ta”.Nhân dịp này, thay mặt nhân dân Việt Nam, Người cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân toàn thế giới đối với sự nghiệp của dân tộc ta.
- Trước ngày 26: Nhân Ngày Thương binh liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người cho một số thương binh, gia đình liệt sĩ đã hăng hái tham gia sản xuất, công tác, chiến đấu, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
* Tháng 7-1969
- Ngày 1: Chiều tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời Đại sứ và Tham tán của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vào Phủ Chủ tịch dùng cơm thân mật mừng Ngày kỷ niệm 48 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Hoàng thân Xuphanuvông.
- Ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phóng viên báoGranma (Cuba) Mácta Rôhát. Về tình cảm của Người đối với miền Nam, Người nói:“Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào. ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.
Trả lời câu hỏi về sức mạnh của nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào, Người khẳng định:“Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới”.
Sau khi trả lời những câu hỏi về ý nghĩa của sự đoàn kết quốc tế, mà đặc biệt là của nhân dân Cuba, về những tiến bộ của Việt Nam trên các lĩnh vực trong điều kiện chiến tranh ác liệt... Người nói: “Tôi muốn đồng chí chuyển về Cuba những lời sau đây: Tôi vô cùng yêu mến nhân dân Cuba. Tôi xin gửi lời chào đến toàn thể nhân dân Cuba, từ các đồng chí lãnh đạo đến các cháu thiếu nhi. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe và thu được những thắng lợi ngày càng to lớn. Chúc các bạn thu được nhiều thành tựu trong mùa mía mười triệu tấn. Cho tôi gửi những cái hôn nồng nhiệt đến các cháu thiếu nhi và thanh niên. Đồng thời, tôi cũng chúc nhân dân các nước khác ở châu Mỹ Latinh tự giải phóng khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc Yăngki. Về phần mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và quyết chiến thắng. Chúng tôi đã nói như vậy và chúng tôi khẳng định lại như vậy”.
- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn phóng viên báoNhân Đạo(Pháp) Sáclơ Phuốcniô. Sau khi nói về con đường của Người đi đến tư tưởng Lênin, tán thành Quốc tế thứ ba, việc rời nước Pháp và tới hoạt động ở nước Nga như thế nào, Người trả lời về vai trò của Lênin và chủ nghĩa Lênin đối với Người: “Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin. Rồi, từng bước một, tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới. Và Lênin đã vạch con đường cho chúng tôi một cách cụ thể: Năm 1919, tại Đại hội những người cộng sản Phương Đông”, Người nói:“Những kinh nghiệm của chúng tôi chứng tỏ rằng muốn đưa cuộc cách mạng dân chủ đến thắng lợi và mở ra những giai đoạn nối tiếp nhau cho sự phát triển của một nhà nước dân tộc dân chủ, giai cấp công nhân và đảng của nó phải lãnh đạo cuộc cách mạng”.
Người kết luận:“Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”.
- Ngày 18: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam. Sau khi nói đến nhiệm vụ của công đoàn trong sự nghiệp xây dựng kinh tế và đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, phê bình những việc biểu hiện chưa tốt trong công đoàn, Người chỉ rõ:“Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa. Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống...”.
Người còn nhấn mạnh đến vai trò tổ chức của công đoàn, những yêu cầu đối với cán bộ công đoàn. “Chẳng những phải giỏi về chính trị, mà còn phải thạo về kinh tế, không thể lãnh đạo chung chung”và phải hiểu được việc công nhân làm; nếu không, không thể lãnh đạo được. Người cũng nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết vì: “Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn...” và “phải phát huy dân chủ nội bộ”.
- Ngày 20: Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ, báoNhân Dân, số 5575, đăng toàn vănLời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày 20-7-1969. TrongLời kêu gọi,Người tố cáo đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, xâm lược nước ta, gây ra cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng những thủ đoạn chiến tranh tinh vi và dã man của chúng không khuất phục được ý chí kiên cường của nhân dân ta. Các kế hoạch xâm lược của đế quốc Mỹ đã lần lượt bị phá sản. Người vạch rõ mưu đồ lừa bịp và hiểm độc của Mỹ trong chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh. Và khẳng định một lần nữa lập trường của nhân dân ta là: Kiên quyết đòi Mỹ rút toàn bộ quân đội và quân chư hầu ra khỏi miền Nam, để nhân dân Việt Nam tự quyết định vận mạng của mình.
Người kêu gọi quân và dân cả nước hãy nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, triệu người như một quyết chiến quyết thắng:“Đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”. Nhân dịp này, thay mặt nhân dân Việt Nam, Người chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới và bầu bạn khắp năm châu.
- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà toán học Hoàng Tụy nghe báo cáo dự án vận trù học phân phối hàng hóa để góp phần giải quyết tình trạng xếp hàng rồng rắn trước các cửa hàng. Người nói:Nên tìm chữ gì dễ hiểu hơn, chữ "vận trù học" thì Chủ tịch nước cũng không hiểu nổi. "Vận trù” là câu của Trương Lương "Vận trù ư duy ác chi trung, quyết thắng ư thiên lý chi ngoại". Vận trù cũng là tham mưu. Bộ đội ta có nhiều người không học tính toán được nhiều mà làm "vận trù" cũng khá là nhờ cái này...
Rồi Người chỉ vào trái tim mình.
Huyền Trang (tổng hợp)