Chỉ mục bài viết

 

Phần 1. Giai đoạn 1890 - 1924

* Cuối năm 1901

Nguyễn Tất Thành được phụ thân gửi học chữ Hán với thầy Vương Thúc Quý ở trong làng Kim Liên. Thầy Vương Thúc Quý là người con độc nhất của tú tài Vương Thúc Mậu, lãnh tụ Cần Vương của huyện Nam Đàn, người đã hy sinh trong cuộc càn quét của giặc Pháp tại Kim Liên. Mang nặng nợ nước thù nhà, thầy Quý tuy đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học và cùng các sĩ phu yêu nước trong vùng âm mưu chống Pháp. Nhà thầy Quý là nơi các sĩ phu yêu nước thường lui tới, trong đó có các ông Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân… Những hôm nhà có khách, Nguyễn Tất Thành thường được thầy Quý lưu lại giúp đun nước, pha trà… Nhờ đó Nguyễn Tất Thành được nghe nhiều chuyện qua các buổi luận bàn thời cuộc của các sĩ phu yêu nước.

* Cuối năm 1909

Để tiếp tục việc học tập, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại trường Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng (cours supérieur).

* Từ nửa sau tháng 9-1910 đến trước tháng 2-1911

Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại một căn nhà có tên gọi là nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông.

Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy thường phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước, chẳng hạn bài Á tế á ca, bài Ca hớt tóc, v.v.. Thầy phụ trách thể dục buổi sáng của nhà trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh thăm phong cảnh trong vùng, như động Thiềng Đức, bãi biển Thương Chánh.

* Tháng 12-1912

- Trước ngày 15: Nguyễn Tất Thành đến nước Mỹ.                 

- Ngày 15: Từ Niu Oóc (New York), Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha là Nguyễn Sinh Huy. Thư cho biết đã gửi cho ông Nguyễn Sinh Huy ba ngân phiếu nhưng mới chỉ nhận được một lần trả lời. Thư ký tên Paul Tất Thành, kèm theo địa chỉ hòm thư lưu: Số 1, đường Đô đốc Cuốcbê (Courbet), Lơ Havơrơ, Pháp.

Sau khi đến Niu Oóc, Nguyễn Tất Thành vừa đi làm thuê để kiếm sống vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ. Năm 1966, trong một lần tiếp nhà báo Mỹ Đêvít Đenlingiơ (David Delingher), Bác Hồ có nói:“Khi trở về Mỹ ông có thể nói rằng tôi đã đi ở cho người ta ở Brúclin (Brooklin) với lương tháng 40 đôla, còn bây giờ làm Chủ tịch nước Việt Nam tôi được lĩnh 44 đôla”,"... Tôi làm việc không đến nỗi vất vả lắm và dùng một số thời gian rảnh để học tập và đi thăm những khu vực trong thành phố”. Người còn nhắc đến chuyện đi xe điện ngầm tới thăm khu Háclem và rất xúc động trước điều kiện sống của người da đen.

- Trong tháng 12: Cùng với bức thư gửi cho phụ thân, Nguyễn Tất Thành còn gửi một bức thư cho ông Nguyễn Sinh Khiêm thời kỳ này đang giúp việc vặt ở Toà Khâm sứ Trung Kỳ. Nguyễn Tất Thành nhờ anh trai vận động xin cho Thành vào học Trường Thuộc địa tại Pari. Ông Khiêm đã gửi bức thư cho Toàn quyền Anbe Xarô (Albert Sarraut) và lá thư đã được chuyển tới Khâm sứ Trung Kỳ .

* Khoảng cuối năm 1917:Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp 

* Tháng 12-1919

- Ngày 17: Nguyễn Ái Quốc còn đến văn phòng của hai tờ báo L'Humanité  Le Populaire hỏi xin việc làm nhiếp ảnh cho Phan Châu Trinh.

- Ngày 18: Nguyễn Ái Quốc gặp Khánh Ký cho biết đã gặp toà soạn báo L'Humanité và báo Le Populaire để tìm cho Phan Châu Trinh một chỗ làm thợ ảnh ở Pari.

- Ngày 19: Buổi tối, Nguyễn Ái Quốc tranh luận với các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Khánh Ký tại nhà số 6 phố Vila đê Gôbơlanh.   

- Ngày 20: 17 giờ 30, đến Acađêmi Luyđô chơi bi-a với cụ Phan Châu Trinh.

- Ngày 22: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc mít tinh do Công đoàn C.G.T tổ chức và phân phát tại đấy một số bản Yêu sách của nhân dân An Nam.

- Trước ngày 26: Nguyễn Ái Quốc nói chuyện với Êđua tại số 6 Vila đê Gôbơlanh về ý muốn lập Hội tương tế Đông Dương, gồm những người dân Đông Dương đã ở ít lâu trên đất Pháp nhằm giữ gìn và phát triển những ý kiến tốt và những kiến thức đã thu lượm được tại Pháp.

Khi Êđua nêu vấn đề do anh ta đang làm việc trong cơ quan nhà nước nên nếu tham gia phải được cấp trên cho phép, Nguyễn Ái Quốc nói:“Dù sao thì tôi tin là Chính phủ không có lý do nào để không cho phép lập một hội không có mục đích chính trị nào cả như vậy. Nếu anh chịu lo thì chắc chắn Nhà nước sẽ cho phép”.

Khi nói đến vấn đề tư pháp, Nguyễn Ái Quốc đả kích mạnh mẽ việc lập toà đại hình ở Bắc Kỳ. Nguyễn Ái Quốc khẳng định đã tận mắt trông thấy những người dân Trung Kỳ chỉ đến Toà Khâm với tay không để phản đối sưu thuế quá nặng, thế mà người ta đã nổ súng để giải tán họ. Nguyễn Ái Quốc cho rằng biện pháp đó là tàn bạo và vô nhân đạo, cho rằng các quan lại An Nam là nguyên nhân của cuộc nổi loạn và bắn giết đó, sau đó lại xử tội chém hoặc đi đày nhiều người vô tội.

- Vào những tháng cuối năm 1919, Uỷ ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp được thành lập. Mục đích của Uỷ ban này là vận động Đảng gia nhập Quốc tế III và bảo vệ cách mạng Nga đang bị các chính phủ tư sản kể cả Chính phủ Clêmăngxô (Clémanceau) của Pháp, tiến công dữ dội.

Nguyễn Ái Quốc tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức này.

Anh thường lui tới phòng họp Hội phổ biến kiến thức ở khu Latinh, phòng họp Muyliê ở gần lâu đài Luýchxămbua, rạp chiếu bóng phố Satô dô (Château d’eau) ở Quận 10, v.v. để dự các cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế III tại Pari. Trong các cuộc họp, Nguyễn Ái Quốc thường thông báo cho các bạn Pháp về tình hình Việt Nam và những tội ác của thực dân Pháp ở đó.

Nguyễn Ái Quốc cùng một số đảng viên Đảng Xã hội Pháp đi quyên góp tiền trong các phố Pari để giúp cách mạng Nga vượt qua nạn đói, hậu quả của việc Chính phủ Pháp và chính phủ các nước Đồng minh bao vây nước Nga Xôviết. Cùng với việc quyên tiền, Nguyễn Ái Quốc tham gia phân phát các truyền đơn của Đảng Xã hội Pháp kêu gọi lao động Pháp lên án sự can thiệp vũ trang của Chính phủ Pháp vào nước Nga, hoan nghênh Cách mạng Tháng Mười Nga. 

-Nguyễn Ái Quốc tổ chức in bản Yêu sách của nhân dân An Nam thành truyền đơn để tuyên truyền rộng rãi trong công nhân Pháp, binh lính người Việt và Việt kiều ở Pháp. Với số tiền ít ỏi dành dụm được, Nguyễn Ái Quốc đến nhà in Sácpăngchiê ở 70 phố Gôbơlanh thuê in 6.000 bản truyền đơn nói trên, và đã phân phát trong các cuộc mít tinh ở Pari và một số thành phố khác. Nguyễn Ái Quốc còn tổ chức những cuộc nói chuyện giới thiệu bảnYêu sách và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam đòi độc lập, tự do.

* Tháng 12- 1920

- Ngày 25: Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp với tư cách là đại biểu Đông Dương.

Đại hội khai mạc lúc 10 giờ 35 phút ngày 25-12-1920 tại phòng họp lớn của nhà Mane ở thành phố Tua (Tours), cách Pari 237km.

Khi Đoàn Chủ tịch giới thiệu Nguyễn Ái Quốc là đại biểu Đông Dương, cả Đại hội đứng dậy vỗ tay. Lần đầu tiên có một người Việt Nam tham gia một đại hội đại biểu của một chính đảng Pháp. Nguyễn Ái Quốc cũng là người bản xứ duy nhất trong số đại biểu các thuộc địa có mặt trong đại hội.

Trong hội trường Đại hội, các đại biểu ngồi theo khuynh hướng chính trị. Những người cùng quan điểm ngồi cạnh nhau. Nguyễn Ái Quốc ngồi dãy ghế thứ hai phía trái (nhìn từ Đoàn Chủ tịch xuống), cạnh Pôn Vayăng Cutuyriê và những người thuộc phe tả.

Một nhà báo đã chụp ảnh Nguyễn Ái Quốc và in trên tờ Le Matin. Ngày hôm sau cảnh sát tìm đến Nguyễn Ái Quốc. Những nghị viên Đảng Xã hội can thiệp, mật thám không dám vào phòng họp và Nguyễn Ái Quốc vẫn đàng hoàng dự đại hội.

- Ngày 26: Tại phiên họp buổi chiều của Đại hội, sau lời mời của Chủ tịch Đại hội Gútđơ (Goude), Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại biểu Đông Dương đã phát biểu ý kiến.

Trong lời phát biểu, Nguyễn Ái Quốc lên án chủ nghĩa đế quốc Pháp, vì lợi ích của nó, đã dùng lưỡi lê chinh phục Đông Dương và trong suốt nửa thế kỷ qua, nhân dân Đông Dương không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm. Bằng những sự thật, Nguyễn Ái Quốc tố cáo những sự tàn bạo mà bọn thực dân Pháp đã gây ra ở Đông Dương, và cho rằng "Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức",rằng"Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa... đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa...".

Nguyễn Ái Quốc đã kết thúc bài phát biểu được Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh bằng lời kêu gọi thống thiết:"Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!".

- Ngày 29: Lúc 22 giờ, Đại hội Tua tiến hành bỏ phiếu quyết định việc Đảng ở lại Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế III. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản).

Sau cuộc bỏ phiếu, nữ đồng chí Rôdơ (Rose), người ghi biên bản tốc ký đại hội, hỏi Nguyễn Ái Quốc:

+ Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế III?

+ Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa...Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.

- Ngày 30: Hồi 2 giờ, Nguyễn Ái Quốc cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản (Section Française de L'Internationale Communiste, viết tắt là SFIC).

Từ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản. Là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

- Từ ngày 25 đến ngày 30: Trong những ngày dự Đại hội Tua, Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ đồng chí Clara Détkin (Clara Zetkin), nữ chiến sĩ cách mạng nổi tiếng của Đức, Uỷ viên Ban Thường vụ  Quốc tế Cộng sản, được Quốc tế Cộng sản cử đến dự đại hội.

* Tháng 12- 1921

- Ngày 12: Hồi 20 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp Uỷ ban liên công đoàn quốc tế Quận 17 tại 176 phố Lơgiăng.

- Ngày 15: Hồi 20 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc họp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Quận 13.

- Ngày 17: Tại cuộc họp của Chi bộ Quận 17 Đảng Cộng sản Pháp ở số nhà 100 phố Cácđinê, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu ý kiến về nguồn gốc chiến tranh, phê phán ông Poanhcarê (Poincaré) đã chuồn về Boócđô khi quân Đức đến Pari và khẳng định ông ta phải chịu trách nhiệm về chiến tranh.

- Ngày 25: Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng Cộng sản Pháp họp ở Mácxây, một thành phố cảng ở miền Nam nước Pháp. Người được Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng bầu là đại biểu chính thức của đại hội.

Đại hội họp ở Hội trường Bôvi phố Xáctơrơ (Sartre). Cảnh sát Mácxây đã bố trí 500 tên vây quanh khu vực họp đại hội. Chúng muốn vây bắt Nguyễn Ái Quốc. Khi Người vừa tới cửa, sắp sửa bước vào sân thì cảnh sát ập tới, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã chạy nhanh vào hội trường thoát hiểm.

- Ngày 29: Nguyễn Ái Quốc tiếp tục dự đại hội.

Buổi sáng, phiên họp thứ 9 bắt đầu vào lúc 8 giờ 45 phút dưới sự chủ tọa của Giuylơ Blăng (Jules Blanc) và hai trợ lý: Nguyễn Ái Quốc và Oócliănggiơ (Orliange).

Được mời phát biểu trước tiên, Nguyễn Ái Quốc nói:"Thông thường thì người trợ lý không phát biểu; nhưng tôi phải cảm ơn các đồng chí vì đã dành cho tôi mối thiện cảm cá nhân, và để nói với các đồng chí rằng tôi vui sướng biết chừng nào khi được dự đại hội đầu tiên của những người cộng sản. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa xã hội Pháp, một đồng chí người bản xứ thực sự tham gia vào những công việc của đại hội. Tôi cũng phải nói đó là dấu hiệu tốt, bởi vì điều đó xác nhận rằng, chỉ có trong chủ nghĩa cộng sản người ta mới thấy tình hữu ái thực sự và quyền bình đẳng, và cũng chỉ có nó chúng ta mới có thể thực hiện sự hoà hợp và hạnh phúc ở chính quốc và ở các thuộc địa".

Buổi chiều, phiên họp thứ 10 bắt đầu vào lúc 14 giờ, do Barabăng (Barabant) chủ tọa. Mở đầu phiên họp, sau lời giới thiệu của Phrốtxa, Nguyễn Ái Quốc đã đọc Dự thảo Nghị quyết về chủ nghĩa cộng sản và các thuộc địa mà Người đã tham gia dự thảo.

Bản dự thảo đã tố cáo tội ác của những kẻ thực dân thống trị đối với người dân thuộc địa: Hàng chục nghìn người đã chết trong cuộc chiến tranh ở châu Âu, hàng chục nghìn người đang làm nô lệ cho chủ nghĩa quân phiệt Pháp, đang làm vật hy sinh khi làm người lính bản xứ.

Sau khi nêu lên những khó khăn trong việc thực hiện những nhiệm vụ đối với thuộc địa, Bản dự thảo viết: "Bằng bất cứ cách nào những khó khăn đó cũng không thể biện minh cho việc Đảng Cộng sản từ bỏ một chính sách thuộc địa thực tế và có kết quả".

Bản dự thảo đã đề nghị Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Pháp họp ở Mácxây, thông qua một nghị quyết với những nội dung sau:

+ Chỉ ra sự cần thiết trong một thời gian ngắn nhất tạo ra một phong trào đối kháng mang tinh thần cộng sản để chống lại chủ nghĩa tư bản.

+ Chuẩn y nguyên tắc lập thành một cơ quan đặc biệt chuyên nghiên cứu và sưu tập tư liệu về thuộc địa, là cơ quan tư vấn đặt dưới quyền kiểm tra của Ban lãnh đạo.

+ Giao cho ban này bằng mọi phương sách cần thiết nhằm tích cực tuyên truyền ngay từ bây giờ về thuộc địa.

+ Dành một mục để nghiên cứu vấn đề thuộc địa trên báo L'Humanité và trong các sách, báo và ấn phẩm của Đảng.

+ Các ban nói chung cũng như những người cộng sản biệt lập thuộc mọi chủng tộc, hợp tác ngay từ bây giờ với Ban Nghiên cứu thuộc địa.

Nguyễn Ái Quốc còn tham gia dự thảo Lời kêu gọi những người dân thuộc địa sống trên đất Pháp gia nhập Hội liên hiệp thuộc địa.Lời kêu gọi viết:

"Đồng bào thân mến,

Nếu câu phương ngôn "Đoàn kết làm ra sức mạnh" không phải là một câu nói suông,

Nếu đồng bào muốn giúp đỡ lẫn nhau,

Nếu đồng bào muốn bênh vực cho quyền lợi của bản thân mình, cũng như quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa,

Hãy gia nhập Hội liên hiệp thuộc địa".

Lời kêu gọi còn trích yếu Điều lệ của Hội, trong đó:

"Điều 2: Mục đích của hội là tập hợp và hướng dẫn cho mọi người dân các xứ thuộc địa hiện sống trên đất Pháp để: soi sáng cho những người dân ở thuộc địa về tình hình mọi mặt ở nước Pháp nhằm mục đích đoàn kết họ; thảo luận và nghiên cứu tất cả những vấn đề chính trị và kinh tế của thuộc địa".......

"Điều 13. Hội sẵn sàng giúp đỡ và cứu trợ cho mọi hội viên của các nhóm đã gia nhập hội"...

Cuối lời thư kêu gọi viết: "Đồng bào hãy gửi đơn xin vào hội cho Môngnécvin, 9, phố Valéttơ (Vallete), Quận 5, Pari; hoặc cho Nguyễn Ái Quốc, 9, ngõ Côngpoanh Quận 17 Pari".

Trong năm: Hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân Pháp, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Phôbua.

Dự những buổi sinh hoạt này, có tất cả các hạng người: Bác học, cựu bộ trưởng, nghị viên, nhà thơ, thợ thuyền, người đi buôn, người già và người trẻ. Ở đây có một không khí thân mật và dân chủ, giống như ở các câu lạc bộ Giacôbanh thời Đại cách mạng Pháp. Người ta thảo luận về mọi vấn đề, từ thiên văn, địa lý, chính trị, văn học cho đến cách trồng cải xoong và nuôi ốc sên, cả những vấn đề thôi miên, bản năng, siêu hình, phụ đồng, mộng mị, về sự chết, thuyết luân hồi... Nguyễn Ái Quốc khi phát biểu đã khéo lái những vấn đề đang thảo luận sang vấn đề thuộc địa, đặc biệt là vấn đề Việt Nam. Thí dụ, có lần thảo luận về phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên, Nguyễn Ái Quốc kịch liệt phản đối thôi miên, và nói"Thực dân Pháp đã thôi miên chúng tôi để đàn áp và bóc lột chúng tôi".

Một lần khác, ở Câu lạc bộ Phôbua có cuộc thảo luận về vấn đề Ái Nhĩ Lan và Triều Tiên, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ý kiến:"Cũng là một dân tộc bị áp bức, tôi hoàn toàn đồng tình với những người bạn Ái Nhĩ Lan và Triều Tiên, và đồng tình với hội nghị kết án bọn thực dân Anh, Nhật. Nhưng tôi hỏi các ngài có nên kết án cả những bọn thực dân khác không?". Tất nhiên mọi người đều trả lời: Có. Thế là được dịp. Nguyễn Ái Quốc lại trình bày vấn đề Việt Nam.

Nhận xét về những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong Câu lạc bộ, ông Lêô Pônđét (Léo Poldès) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phôbua, đã viết như sau:"Chỉ là người thợ ảnh giản dị ở ngõ hẻm Côngpoanh, ông đã từng tham dự với chúng tôi trong những cuộc thảo luận náo nhiệt. Ngay những người cừu địch với ông không ai không thán phục trí thông minh, tài năng và lòng thành thực của ông".

* Tháng 12-1922

- Ngày 1: Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp của Ban Thư ký Hội Liên hiệp thuộc địa, tại số 3, đường Mácsê đê Patơriácsơ. Dự cuộc họp còn có Bơlôngcua, Môngnécvin, Hátgiali, Xtêphani, Uyliêm, Nguyễn Văn Ái.

Buổi họp bắt đầu lúc 21 giờ.

Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị nên có một tổ chức ở trong hội để tìm công ăn việc làm cho những người dân thuộc địa đang sống trên đất Pháp và đề nghị Bơlôngcua, Môngnécvin chịu trách nhiệm về tổ chức trên.

Buổi họp nhận thấy thời gian vừa qua do công việc nhiều, buổi họp tối thứ tư hằng tuần không thực hiện đều. Mọi người nhất trí họp thường kỳ sẽ họp vào 20 giờ tối thứ sáu và 10 giờ sáng chủ nhật.

Cùng ngày, bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Về câu chuyện Xiki, đăng trên báo Le Paria, số 9. Bài báo thuật lại vụ Xiki (Siki), đấu thủ da đen người xứ Xênêgan - một thuộc địa của Pháp ở châu Phi, đã đánh thắng đấu thủ người Pháp tên là Sácpăngchiê đoạt giải vô địch quyền Anh. Nhưng sau đó Xiki bị phạt treo giò chín tháng không được dự tất cả các võ đài Pháp với lý do đã lăng mạ một người Pháp khác tên là Cuyni (Cuni). Qua đó, bài báo bình luận và châm biếm chủ nghĩa vị chủng hẹp hòi, bất bình đẳng của thực dân Pháp. 

- Ngày 4: Bài Những quan toà thuộc địa tốt bụng của chúng ta của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo L'Humanité. Tác giả dẫn chứng "sơ lược lai lịch" của hai trong số những nhân vật được Chính phủ Pháp bổ nhiệm vào chức quan toà thuộc địa, một là ông Luycaxơ - cựu chưởng lý ở Tây Phi thuộc Pháp, người mà Bộ trưởng Bộ Thuộc địa trong thông cáo báo chí đã buộc phải tuyên bố là "cuộc điều tra đã xác định có tham dự vào vụ bê bối vừa qua ở Tôgô",và một nữa là ông Oabrăng - công tố viên ở Đắcca, một người rất vô trách nhiệm khi thừa hành công vụ, vậy mà người này thì được bổ nhiệm làm Chủ tọa toà thượng thẩm ở châu Phi xích đạo thuộc Pháp, còn người kia thì được bổ nhiệm vào cương vị Tổng công tố viên của nước cộng hoà ở Đắcca!

Bài báo mỉa mai: "Với sự có mặt của những Đáclơ, những Bôđoanh, những Oabrăng và những Luycaxơ, có thể nói rằng vận mệnh của nền văn minh tối cao, cũng như số phận của dân bản xứ ở các thuộc địa đều được nằm trong những bàn tay đáng tin cậy".

- Ngày 22: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Sự thịnh vượng của Đông Dương dưới triều đại M. Lông, đăng trên báo La Vie Ouviève. Tác giả trích dẫn một đoạn trong bức thư của đại tá Bécna (Bernard) gửi cho báo République Française, ngày 6-12-1922, nêu lên vài nét về tình hình kinh tế Đông Dương từ năm 1914 đến năm 1922 chẳng những không phát triển mà còn giảm sút nhiều hơn trước, do chính quyền thuộc địa không quan tâm xây dựng cho Đông Dương những công trình hữu ích mà chỉ chú ý bóp nặn nhân dân Đông Dương để phục vụ cho cuộc sống xa hoa của chúng.

* Tháng 12-1923:Khoảng cuối năm, Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông (gọi tắt là Trường Đại học Phương Đông) tại Mátxcơva. Người đến Liên Xô để tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, nhưng vì V.I.Lênin đang ốm nặng, đại hội phải hoãn họp, nên đã tranh thủ vào học lớp ngắn hạn của trường.

- Ngày 4: Bài viết nhan đề Tình hình ở Trung Quốc, đăng trên báo L'Humanité. Sau khi nêu những nguyên nhân đã dẫn đến tình hình tồi tệ ở Trung Quốc lúc bấy giờ, tác giả viết:“rất may mắn là tiếng vang của cách mạng Nga hình như đã thức tỉnh thế hệ mới của Trung Quốc. Lực lượng trẻ mới ra đời có đầy nhiệt tình và sức sống. Điều này thể hiện đặc biệt rõ rệt nhất là Hội sinh viên cách mạng".

Bài báo cũng giới thiệu hoạt động của tổ chức đó, đặc biệt là những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh chính trị được thông qua tại Đại hội IV toàn Trung Quốc của Liên đoàn.

- Trước ngày 23: Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Xôviết Ôxíp Manđenxtam. Thuật lại cuộc gặp gỡ đó, nhà thơ đã viết một bài báo nhan đề Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc, đăng trên Tạp chíOgoniok số 39, ghi lại những lời của Nguyễn Ái Quốc nói về nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của đế quốc Pháp. Khi nêu lên tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống chính sách thực dân của Pháp, Nguyễn Ái Quốc nói: “Thật thú vị là chính quyền Pháp đã dạy cho những người nông dân chúng tôi biết những từ "bônsêvích" và "Lênin". Chúng lùng bắt những người cộng sản trong dân chúng, trong khi chẳng có người cộng sản nào, hoàn toàn không có ngay cả trong ý niệm; và như vậy chính chúng đã tuyên truyền cho chủ nghĩa bônsơvích và Lênin”.

Nhà thơ cũng nói lên cảm tưởng của mình về Nguyễn Ái Quốc và dân tộc Việt Nam như sau: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”, “Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới".

-Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Tình cảnh nông dân An Nam đăng trên báo Le Paria, số 21. Mở đầu, bài báo viết: "Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản".

Tác giả vạch trần những thủ đoạn đê tiện của bọn thống trị để bóc lột nông dân, như phân loại ruộng đất để đánh thuế, tăng diện tích ruộng đất bằng cách thay đổi đơn vị đo đạc, cướp đoạt ruộng đất của làng này để cấp cho làng khác, lấy cớ khai khẩn thuộc địa để miễn thuế cho các chủ đồn điền, v.v..

Tác giả viết:"Phác qua như thế, chúng ta thấy rằng dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa...".

*Tháng 12-1924

- Ngày 18: Từ Quảng Châu ( Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản báo tin đã đến Quảng Châu vào giữa tháng 12 và những công việc bước đầu đã làm được.

Báo cáo đề nghị Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản giúp đỡ thêm về tài chính, chỉ thị cho các đại diện ở Quảng Châu phải chăm lo đến Đông Dương, quan tâm vấn đề tuyên truyền trong phụ nữ và thiếu nhi.

Cuối cùng, Người lưu ý các đồng chí: "Trong lúc này, tôi là một người Trung Quốc chứ không phải là một người An Nam, và tên tôi là Lý Thuỵ chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc". 

- Ngày 19: Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo về Tình hình Đông Dương tháng 11 và tháng 12-1924.

Báo cáo gồm hai phần: Tình hình kinh tế và Tình hình chính trị.

Phần Tình hình kinh tế, Người thông báo về việc phê chuẩn ngân sách của toàn Đông Dương, trong đó một phần năm là do tiền lời bán thuốc phiện; về tình hình dân chết đói ở nhiều nơi (trừ Nam Kỳ) do nạn lụt và bão tàn phá; tình hình nhà băng công nghiệp Trung Hoa bị phá sản, các chủ nợ người Pháp và người Việt Nam đang liên kết với nhau để đòi nợ; về dự định của nhà cầm quyền Đông Dương cho thương nghiệp Nhật Bản được hưởng thuế quan tối thiểu.

Phần Tình hình chính trị, Người thông báo về việc Chính phủ thuộc địa hết sức ngăn cản thanh niên An Nam sang học ở Pháp, do sợ bị tuyên truyền cộng sản. Các báo ở An Nam nói về việc thành lập một Uỷ ban ở Pari để nghiên cứu khả năng bán Đông Dương cho một nước khác; chính quyền thuộc địa đang quảng cáo cho một Hội đồng tư vấn của Chính phủ gồm 27 người Pháp và 17 người An Nam.

Nguyễn Ái Quốc còn báo cáo tỷ mỷ về Đảng Lập hiến ở An Nam, chương trình hành động của đảng đó, thái độ trở mặt của chúng đối với triều đình An Nam, công kích chủ nghĩa cộng sản, hô hào sự hợp tác với Pháp.

Cuối bản báo cáo, Người viết: "Hai trăm học sinh trẻ tuổi của tỉnh ở Nam Kỳ đã biểu tình trước đồn cảnh sát đòi thả hai người bạn của họ bị bắt giữ. Đồng thời, họ doạ bãi khoá nếu bạn của họ không được thả ngay. Họ đã thắng lợi. Đấy là lần đầu tiên, ở Đông Dương xảy ra một việc như vậy. Đó là một dấu hiệu của thời đại".

- Ngày 22: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho một cán bộ phụ trách Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, thông báo "đã tìm thấy ở đây một vài người Đông Dương mà với họ, tôi hy vọng làm được việc gì đó"và đề nghị "chỉ thị cho những đồng chí người Nga ở đây cũng nhận trách nhiệm về các công việc của Đông Dương, bởi vì một mình tôi không thể làm nhiều được". Thư còn cho biết Nguyễn Ái Quốc đã gặp một đồng chí người Malaca, nhưng mới được một lần vì có thể người đó đã về nước. 

- Trong năm

+ Nguyễn Ái Quốc hoàn thành bản thảo tác phẩm Đông Dương (1923 - 1924), gồm  các phần sau: Những tội ác của chủ nghĩa quân phiệt; Những thảm hoạ của nền văn minh; Đời sống kinh tế Đông Dương; Tâm địa thực dân; Các quan cai trị; Ăn bám và hỗn độn; Tập đoàn kẻ cướp; Sự nhượng quyền và những kẻ được nhượng quyền; Công chính; Tạp dịch hay là khổ sai; Chính sách ngu dân;  Báo chí; Thuế khoá; Cuộc kháng chiến; Giáo hội; Công lý; Nước An Nam dưới con mắt người Pháp.

Với cách viết rất mới mẻ, giọng văn châm biếm sâu sắc pha chút dí dỏm hài hước song đầy tính chiến đấu, dẫn chứng bằng những sự việc có thật, những số liệu cụ thể trên báo chí, bằng những lời thú nhận từ quan toàn quyền, thống đốc, công sứ đến những viên chức thực dân bình thường và của cả các nghị sĩ chính quốc, tác phẩm là một bản tố cáo đanh thép tội ác và tâm địa của thực dân Pháp, những thủ đoạn ghê tởm mà chúng tiến hành ở xứ Đông Dương và thảm hoạ mà dân bản xứ đang phải chịu đựng.

+Tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.

Mở đầu, Người viết: "Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây". Người đã phân tích những nét riêng của các giai cấpnhư "đại địa chủ thì chỉ là những tên lùn tịt bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ", "Không có tỉ phú người An Nam", "nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơrớt. Người thì nhẫn nhục chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình".

Người nhận định rằng xã hội Ấn Độ, Trung Quốc đều không giống xã hội phương Tây về cấu trúc kinh tế.

Bản báo cáo viết: "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử Châu Âu. Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại".

Người nhận định: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước", "Giờ đây người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ".Báo cáo nêu lên một số kiến nghị như bằng con đường hợp pháp lập các lãnh sự quán Nga ở một số nơi như Sài Gòn, Hà Nội, Vân Nam để nó trở thành trung tâm tuyên truyền; một số việc Đảng Cộng sản Pháp phải làm, ở Nga phải làm.

Cuối báo cáo, Người nêu lên những điều kiện để cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương thắng lợi./.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: