Chỉ mục bài viết

 

Phần 2. Giai đoạn 1925 - 1940

* Tháng 12-1925

- Ngày 3: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân thông báo rằng đã tham khảo ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề Người trực tiếp liên hệ với Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng với tư cách đại diện chính thức của Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, nhưng theo ý kiến của các đồng chí Trung Quốc, việc ấy không cần thiết, vì vẫn có thể thu thập được mọi thông tin về vấn đề nông dân qua các đồng chí của chúng ta.

Thư còn báo cho biết: bắt đầu từ tháng này, Quốc dân Đảng sẽ phát hành một bán nguyệt san về nông dân. Số đầu tiên sắp ra mắt trong vài ngày tới. Và nhắc Đoàn Chủ tịch gửi cho tài liệu về phong trào nông dân quốc tế để dịch và in trong tạp chí của Quốc dân Đảng.

Cuối thư ký tên: Nilốpxki (NAQ.)

- Trong năm.

+ Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, cũng với nhan đề Lênin và các dân tộc thuộc địa, đăng trên báo Bakinxki Rabôtri (Liên Xô), số 16. Bài báo nêu rõ: Mặc dù Lênin đã mất, nhưng còn có Đảng Cộng sản và Quốc tế Cộng sản tiếp tục sự nghiệp của Người. Nhân dân các dân tộc bị áp bức hiểu rằng, sự nghiệp của Lênin không bao giờ mất, và họ vẫn hy vọng được giải phóng vì vẫn còn Đảng của Lênin. Họ đặt hy vọng vào đảng này, cũng như trước đây đã đặt hy vọng vào Lênin.

Kết luận, bài báo nhắc lại điều mà tác giả đã khẳng định trong bài Lênin và các dân tộc thuộc địa, đăng trên báo Pravđa, ngày 27-1-1924. "Khi còn sống, Lênin là người thầy, người cha của nhân dân bị áp bức. Sau khi mất, người là ngôi sao sáng chỉ đường tiến tới sự nghiệp giải phóng vĩ đại của nhân dân bị áp bức. Lênin sống mãi trong lòng mọi người dân nô lệ ở các nước thuộc địa!". 

+Nguyễn Ái Quốc viết bài Văn minh tư bản chủ nghĩa và phụ nữ ở các thuộc địa, nói về số phận thảm thương của phụ nữ và trẻ em người bản xứ phải đi làm thuê trong các hầm mỏ của các ông chủ thực dân.

Lấy việc bóc lột trong các hầm mỏ ở Ấn Độ thuộc Anh, tác giả muốn để mọi người "thấy thứ nhân đạo và văn minh của bọn con buôn của đế quốc Anh". Trong số 252 hầm mỏ ở Ấn Độ được khai thác (tính đến năm 1921), thực dân Anh đã dùng tới 42.000 phụ nữ và 1.171 trẻ em.

Bài viết có đoạn:"Thật là một sự nhục nhã cho thế kỷ XX khi phải thấy những phụ nữ bước run run, đầu đội thúng than nặng, mà vẫn phải bước vì đói; và những trẻ em từ 12 đến 13 tuổi bò trong những đường hầm chật hẹp vừa đi bằng bốn chân, vừa dùng răng kéo một thúng đầy!".

Trong năm, Người còn viết câu chuyện ngụ ngôn Loài vật tranh nhau công trạng.

Nhân vật trong truyện là Rồng, Tôm, Cừu, Bò, Cua, Rắn, Voi, Lươn, Chuột, Gà trống, Cá chép, Ếch. Ngoài con Rồng mày râu óng ánh, mào và vảy rực rỡ lên tiếng trước tiên và nói rằng: "Ta là thuỷ tổ của giống nòi An Nam từng chứng kiến sinh ra biết bao vị anh hùng lừng lẫy", những con vật còn lại đều phát biểu thương hại cho người An Nam, những kẻ nô lệ tội nghiệp mà số phận không được bằng mình. Cuối cùng đến lượt Ếch, Ếch nói:"- Hỡi anh em, suy đi tính lại, nếu thực sự chúng ta thương xót người An Nam thì hãy cùng nhau đi cứu họ. Loài Ếch hèn mọn chúng tôi nhờ có kêu ca mà làm trời phải mủi lòng, và lẽ nào vô cớ trời lại bỏ ngoài tai lời cầu khẩn mà để loài Ếch vĩnh viễn bị tận diệt? Nếu họ đồng tâm và đồng sức, nếu họ liên kết trong ngoài, thì người Pháp sẽ mất tinh thần, kinh hãi và phải trả lại cho họ những quyền tự do của họ. Ôi, những người An Nam, các anh phải luôn nhớ rằng đoàn kết làm nên sức mạnh!". 

- Cuối năm: Tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp nhan đề Le procès de la colonisation française (Bản án chế độ thực dân Pháp) được xuất bản tại Pari, do Thư quán Lao động (Librairie du Travail) ấn hành.

Nội dung cuốn sách dựa trên cơ sở các bài viết của Người trong thời gian từ 1921 - 1924, chia thành 12 chương:

Cuốn sách in năm 1925 tại Pháp mở đầu có Lời giới thiệu của Nguyễn Thế Truyền, tiếp đó là 12 chương:Chương I. Thuế máu;Chương II. Việc đầu độc người bản xứ;Chương III. Các quan thống đốc;Chương IV. Các quan cai trị;Chương V. Những nhà khai hoá;Chương VI. Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị;Chương VII. Bóc lột người bản xứ;Chương VIII. Công lý;Chương IX. Chính sách ngu dân;Chương X. Chủ nghĩa giáo hội;Chương XI. Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ;Chương XII. Nô lệ thức tỉnh.

Cuốn sách đã thu thập những tài liệu người thực việc thực xảy ra ở các thuộc địa của Pháp nhằm vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với người dân thuộc địa. Cuốn sách còn giới thiệu Lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân gửi nông dân lao động các thuộc địa, giới thiệu Tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa, trong đó có đoạn viết:

"Anh em phải làm thế nào để được giải phóng?

Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em.

Hội liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy!".

Cuối sách là phần Phụ lục: Gửi thanh niên Việt Nam. Bức thư đã cảnh tỉnh thanh niên Việt Nam đang an phận làm nô lệ. Bức thư nêu gương thanh niên một số nước đang đấu tranh cho nền độc lập ngày mai của họ.

Kết luận, bức thư viết: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh".

* Tháng 12-1926

- Ngày 10: Trong bài thứ ba viết về Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi, về tình hình ngoại giao, Nguyễn Ái Quốc cho biết các cường quốc nước ngoài vẫn "tiếp tục quan hệ với một chính phủ mà quyền hạn không vượt quá các tường thành của Bắc Kinh, một chính phủ chỉ có cái tên, mà lý do duy nhất tồn tại là sự công nhận ngoại giao của các cường quốc". Tuy nhiên, lập trường nào của họ đã có sự thay đổi, họ "có thể ký với Chính phủ Quốc dân một thứ tạm ước, chẳng hạn thừa nhận nó bình đẳng với Chính phủ Bắc Kinh".

Nguyễn Ái Quốc còn cho biết, theo dư luận của báo chí, trước sức tiến công của Quân Quốc dân, nhiều nơi như ở Hán Khẩu và Thượng Hải đã lấy cớ "cứu tính mạng và của cải người nước ngoài bị đe doạ"để yêu cầu các cường quốc can thiệp.

Mặc dù vậy, Nguyễn Ái Quốc vẫn nhận định:"Cho đến nay, các sự kiện đã diễn ra theo kế hoạch Chính phủ định ra và kế hoạch ấy được thực hiện dễ dàng là do dân chúng nông thôn tận tình, do có sự đồng lòng giữa những nhà chức trách dân sự và quân sự, do lòng mong muốn chung góp phần cải tổ lại nước Trung Hoa. Cho đến nay, chưa bao giờ dân chúng Trung Quốc lại nêu một tấm gương về sự đoàn kết dân tộc, về chính trị, tốt đẹp đến như thế...".

- Ngày 12: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Bà Trưng Trắc, ký bút danh H.T., đăng trên báo Thanh niên, số 73. Sau khi thuật lại cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, tác giả bình luận: "Can đảm thay! Phận thuyền quyên vì nước quên mình! Tuy chỉ trong 3-4 năm nhưng cũng đủ làm cho bọn tu mi quân giặc mất vía". Và kêu gọi:"Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết K. m . Huống chi bây giờ hai chữ "nữ quyền" đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!". 

- Ngày 24: Nguyễn Ái Quốc viết bài thứ tư về Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi. Ngoài việc phản ánh một số nét về tình hình ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Quảng Đông, bài viết tập trung nói về chính sách ngoại giao của Anh ở Trung Quốc.

Theo tác giả, nước Anh đang thi hành chính sách ngoại giao hai mặt ở Trung Quốc. Một mặt, trong khi tiếp tục duy trì quan hệ với Bắc Kinh, Anh đã cử đại diện tiếp xúc và hội đàm với Chính phủ Quốc dân nhằm mục đích lôi kéo Trung Hoa Dân quốc tham gia vào sự phòng thủ và duy trì những hiệp ước bất bình đẳng cần phải được xoá bỏ. Mặt khác, tăng cường lực lượng hải quân ở các cửa biển, hòng gây áp lực với Chính phủ Quốc dân.

Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc nhận xét, "dư luận nhân dân tố cáo kịch liệt mưu toan ngoại giao nhằm cung cấp cho kẻ thù của Chính phủ Quốc dân những phương tiện để có tiền của chống lại Chính phủ ấy", "báo chí của phái dân tộc chủ nghĩa không che giấu sự bất bình lớn của mình, và đã có những lời bình luận không có lợi cho nước Anh". 

- Ngày 31:Chính phủ Quốc dân sau một năm là nội dung chính bài viết thứ năm Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi của Nguyễn Ái Quốc. Tác giả điểm lại cách nhìn nhận của các nước Viễn Đông, của giới ngoại giao nước ngoài về Chính phủ Quốc dân một năm trước đây, họ cho rằng chính phủ đó chỉ là "một nhúm gây rối làm tay sai cho Quốc tế III, nếu không phải là cho nước Nga Xôviết", rằng "Tất cả các cuộc biểu tình của thợ thuyền ở miền Nam cũng như ở miền Bắc và miền Trung, của Trung Quốc được tổ chức dường như là do những người bônsêvích lãnh đạo",rằng"Những người dân tộc chủ nghĩa đòi hỏi huỷ bỏ những hiệp ước giữa Trung Quốc với nước ngoài không có lợi cho quyền lợi của dân tộc Trung Hoa, đều là những nhân viên "đỏ" tay sai của Mátxcơva", v.v..

Nhận định về tình hình của Chính phủ Quốc dân sau một năm, tác giả viết: "Dư luận nước ngoài, tuy còn chống đối những người dân tộc chủ nghĩa, bây giờ không còn cố chấp như đầu năm trước", "các giới chính trị của phần lớn các nước cũng xem xét những khả năng ấy", "các cường quốc nước ngoài công nhận Chính phủ", "Chính đảng mạnh, Quốc dân Đảng, chính đảng duy nhất có một tổ chức cho phép tiếp xúc thường xuyên với các giai cấp khác nhau trong nhân dân Trung Quốc, được thừa nhận như là người đại diện của những khát vọng dân tộc Trung Hoa, và Chính phủ Quốc dân, chính phủ duy nhất xứng đáng với cái tên ấy tồn tại ở Trung Quốc, được xem như là chính quyền duy nhất có thể nói chuyện được".

Nguyễn Ái Quốc cũng nêu một trong những lý do khiến dư luận nước ngoài đã có sự đánh giá khác về Chính phủ Quốc dân chỉ sau một năm:"Dư luận nước ngoài nhận thấy rằng Quốc dân Đảng thực sự mong muốn lợi ích cho Trung Quốc và Chính phủ Quốc dân thành thực mong muốn đạt điều đó.

Người nước ngoài nhận thấy rằng sau một năm thành lập Chính phủ Quốc dân ở Quảng Châu và ở các tỉnh, sự kiểm soát của những người dân tộc chủ nghĩa lan ra dần dần, những biện pháp về chính trị và hành chính thực sự nhằm mục đích thiết lập ở Trung Quốc một chính phủ của dân, do dân và vì dân, theo ba nguyên tắc lớn của người sáng lập Quốc dân Đảng". 

* Trong năm 1928

Nguyễn Ái Quốc viết bài  Đông Dương khổ nhục, ký bút danh NGUYỄN.

Tác giả tố cáo chính quyền thuộc địa, từ kẻ đại diện tối cao của Nhà nước chính quốc đến những tên thực dân bình thường, đều tự ý và đua nhau giết hại, bóc lột đến tận xương tuỷ xứ Đông Dương đã bị chinh phục và dân tộc Đông Dương đang bị đày đọa này. Tội ác của bọn côn đồ đó diễn ra hằng ngày và không đủ thì giờ để kể cho xiết. Đông Dương khổ nhục. Nhưng giờ đây, khi ách áp bức càng đè nặng lên vai dân chúng bao nhiêu thì dân chúng chống lại càng nhiều bấy nhiêu. Điều này chứng tỏ rằng, bây giờ căm hờn đã sôi sục trong lòng những người nô lệ và từ đây chủ nghĩa đế quốc Pháp không còn có thể bóc lột dân chúng Đông Dương mà không gặp phải những cuộc đấu tranh sinh tử để giành lại tự do và quyền sống. Bức màn mà chính phủ thuộc địa dựng lên để giấu giếm tội ác của chúng, bưng bít những tiếng thét căm hờn của người bản xứ và che đậy những cuộc khởi nghĩa bùng nổ liên tiếp, đã bị xé toang. Tội ác của chúng đã phơi bày trước giai cấp vô sản thế giới, đặc biệt là trước thợ thuyền Pháp.

Nhân danh Đông Dương khổ nhục, tác giả kêu gọi những ai đang đấu tranh ở khắp nơi, kêu gọi những người bạn Nga đã tự giải phóng mình khỏi tay bọn cường quyền: “Những người bạn bất hạnh của các bạn hiện đang giãy giụa ở Đông Dương. Họ đang trải qua những giờ phút khó khăn để tự giải phóng. Đế quốc Pháp đang giết hại họ, đang tước đoạt của cải của họ. Mong các bạn nghĩ tới họ; tiếng thét căm thù của họ phải được hoà lẫn với tiếng thét của các bạn để chặn bàn tay giết người của bọn đế quốc Pháp ăn cướp. Mong rằng sự quan tâm của các bạn đối với phong trào đấu tranh sẽ cổ vũ họ trong tương lai lật đổ được bọn đế quốc áp bức bóc lột”. 

* Tháng 12-1929, ngày 23:Nguyễn Ái Quốc đến Trung Quốc chuẩn bị cho Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam. 

* Ngày 31- 12-1930.

Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông báo tin“Một đại biểu Đảng Mã Lai đã đến đây hôm qua, 30-12-1930”,và cho biết“Hai đồng chí Việt Nam phụ trách liên lạc đã bị bắt ngày 11-12-1930, 11 đồng chí bị trục xuất khỏi Xiêm mới đến”, “hai đại biểu và một học sinh đã về đây ngày 31-12-1930, một người đã trở lại làm việc cũ”, “liên lạc của chúng ta đã bắt đầu tổ chức lại”...

Cuối thư, Người viết: “Tôi gửi cho các đồng chí một bài báo viết về Việt Nam”... và “rất nhiều bài khác nhưng không thấy một bài nào đăng ở Inprekorr...”

* Tháng 12- 1931

Ngày 6- 6, Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hồng Kông bất ngờ vây bắt tại ngôi nhà số 168, đường Tam Lung, Cửu Long.

- Ngày 1: Đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc gửi lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh được Toà án tối cao Hồng Kông chấp thuận.

- Ngày 17: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư kèm theo 300 yên và thuốc men của Thái tử Cường Để từ Nhật Bản gửi khi biết Người bị ốm nặng trong nhà ngục ở Hồng Kông.

* Ngày 28- 12-1932:Nguyễn Ái Quốc được đưa ra khỏi bệnh viện và được tự do.

* Khoảng mùa thu đến cuối năm1933

Ở Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng và đồng chí của mình. Nhờ đọc báo, Người được biết một đoàn đại biểu từ châu Âu đến Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc đang có mặt ở đây, trong đoàn có Pôn Vayăng Cutuyariê. Người liền viết thư gửi cho Pôn, thuê một chiếc xe du lịch đến tự tay bỏ vào thùng thư trước nhà bà Tống Khánh Linh để nhờ bà chuyển giúp tới Pôn Vayăng Cutuyariê.

Vài hôm sau, Nguyễn Ái Quốc gặp Pôn Vayăng Cutuyariê. Người kể cho Pôn Vayăng Cutuyariê biết hoàn cảnh khó khăn của mình. Còn Vayăng Cutuyariê nói cho Nguyễn Ái Quốc rõ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương và phong trào cách mạng thế giới thời gian qua. Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ này, Nguyễn Ái Quốc đã chắp được liên lạc với đoàn thể. Sau này, Người có dịp kể lại nỗi vui mừng của Người lúc ấy:

“Ba năm lưu lạc linh đinh,

Nay đà trở lại trong đại gia đình công nông”.

* Tháng 10 đến tháng 12-1934:Ở Trường Quốc tế Lênin, lúc đầu Nguyễn Ái Quốc sinh hoạt trong nhóm tiếng Trung Quốc. Vài ngày sau, thấy không thích hợp, Người được chuyển sang sinh hoạt ở những nhóm tiếng Pháp. Người thường gặp gỡ nhóm học sinh Việt Nam học ở Trường đại học Cộng sản Phương Đông để giúp đỡ họ trong học tập lý luận cũng như trong sinh hoạt.

* Khoảng cuối năm1936:Sau khi nhận công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc (Lin) chuyển chỗ ở về phố Bansaia Brônnaia, nhà số 6a, phòng 417.

* Khoảng cuối năm 1937:Được sự giúp đỡ của các giáo sư, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị tư liệu để bắt tay vào viết bản luận án với đề tài do Người tự chọn: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á.

* Tháng 12-1938:Nguyễn Ái Quốc viết bài Người Nhật Bản muốn khai hoá Trung Quốc như thế nào, ký tên P.C. Lin .

Dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc, bằng cách trích những đoạn trong một cuốn sách của một tác giả phương Tây và một số tài liệu sưu tầm khác, Người đã công bố nhiều con số, nhiều việc làm mà phát xít Nhật đã gây ra ở trại tị nạn Nam Kinh từ giữa tháng 12-1937 đến giữa tháng 12-1938. Bài viết tập trung vào chủ đề “Người Nhật Bản và trại những người tị nạn ở Nam Kinh” với các vấn đề “Hãm hiếpNhững vụ tàn sát”. Qua đó, Người tố cáo những vụ tàn sát dã man, như hàng chục nghìn đàn bà, con gái Trung Quốc ở nhiều lứa tuổi (kể cả những em gái dưới 10 tuổi và cả những bà già 60 tuổi) bị giặc Nhật bắt cóc và hãm hiếp.

Theo Người, những vụ việc, những con số khách quan ấy tuy chưa phản ánh đầy đủ tội ác của phát xít Nhật, nhưng “cũng đã đủ cho người ta một ý niệm về những gì mà bọn Nhật đã và đang tiến hành ở Trung Quốc. Và cũng như những gì mà chúng nhất định sẽ tiến hành tại các nước khác ở châu Á, nếu một khi chúng đã thắng được nhân dân Trung Quốc”.

Tác giả kết luận:“Bọn phát xít dã man tưởng rằng chúng có thể dùng khủng bố để làm bại hoại tinh thần của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Nhưng chưa bao giờ nhân dân và quân đội Trung Quốc lại đoàn kết và kiên quyết như ngày nay để đánh tan giặc ngoại xâm! Những sự tàn bạo của bọn Nhật sẽ được đáp lại một cách đích đáng bằng chủ nghĩa anh hùng vô song của những người Trung Hoa đang chiến đấu cho nền độc lập và sinh mệnh của mình”.

* Khoảng cuối năm 1939

Nguyễn Ái Quốc bí mật gặp ông Hồ Học Lãm, bấy giờ đã theo Bộ Tổng tham mưu quân Quốc dân Đảng rút về Trùng Khánh từ năm 1937.

Ông Lãm đã báo cho Người biết một số tình hình của Chính phủ Tưởng Giới Thạch, về hoạt động của Lê Thiết Hùng giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm lần quân Tưởng vây quét khu Xôviết.

Nguyễn Ái Quốc đã nhờ ông Lãm báo tin cho Lê Thiết Hùng tìm cách ra khỏi quân đội Tưởng, trở về Quế Lâm.

* Tháng 12-1940

- Đầu tháng: Từ Nam Ninh, Nguyễn Ái Quốc trong vai một nhà báo Trung Hoa, Phạm Văn Đồng trong vai phiên dịch cùng Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp... đi thuyền về Điền Đông. Đến Điền Đông, Nguyễn Ái Quốc lưu lại đó, cử Phạm Văn Đồng cùng một số đồng chí về Tĩnh Tây trước để nắm tình hình và tìm Vũ Anh lên gặp Người.

Sáng hôm sau, Nguyễn Ái Quốc được các đồng chí Vũ Anh, Hoàng Sâm, từ Tĩnh Tây đến đón.

- Một buổi sáng, Nguyễn Ái Quốc đến Tĩnh Tây. Người được bố trí ở nhà một cơ sở vốn là một gia đình Trung Quốc nghèo. Người bảo Vũ Anh về nước tìm một địa điểm bí mật, có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui.

- Tại Tĩnh Tây, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp bàn việc mở lớp huấn luyện để chuẩn bị về nước.

- Ngày 1: Bài Bịa đặt của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Vạch trần mánh khoé bịa đặt của Nhật và một số nước phương Tây, mà “Bịa đặt là một tội ác”,bài báo viết: “Ấy vậy mà, từ khi Chiến tranh đế quốc lần thứ hai bùng nổ đến nay, thói bịa đặt đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách ngoại giao của một số nước, không những các phóng viên thời sự, các chuyên gia tuyên truyền của họ bịa đặt, thậm chí cả nhà cầm quyền của đường đường một nước lớn cũng bịa đặt". Nhưng“giải quán quân thế giới về bịa đặt, rốt cuộc giặc lùn đã giành được”.Sau khi nêu lên những điều bịa đặt “lớn nhất” do nhà đương cục Nhật Bản dựng lên“trong hai tuần lễ vừa qua”, bài báo chỉ rõ: “Dù bịa đặt về phương diện nào thì cũng không ngoài mục đích gây chia rẽ. Kết luận của chúng ta là: Điều bịa đặt còn độc hại hơn cả hơi độc. Chúng ta phải đề cao cảnh giác, chỗ nào cũng phải đề phòng, đừng bị mê hoặc bởi những lời bịa đặt”.

- Ngày 2: Bài Nhân dân Việt Nam và báo chí Trung Quốc của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Bài báo kể qua các cuộc đấu tranh chống Pháp trong lịch sử cận đại Việt Nam và phê bình một số cơ quan thông tấn báo chí Trung Quốc (ám chỉ "Trung ương xã", cơ quan thông tấn của Quốc dân Đảng lúc bấy giờ) "dường như đã không bày tỏ sự đồng tình đối với cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân Việt Nam, trái lại còn đăng tải không có sự phê phán những lời xằng bậy của người Pháp (hoặc kẻ thù), nào là "Bạo động của dân bản xứ", nào là "Dân bản xứ Việt Nam nghe giặc lùn xúi giục, gây phiến loạn".

Bài báo chỉ rõ:"Phong trào giải phóng của Việt Nam là đội quân đồng minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. Về tinh thần cũng như về vật chất, chúng ta đều cần phải cổ vũ và giúp đỡ. Quốc phụ (chỉ Tôn Trung Sơn) từng dạy chúng ta: Giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu, cùng nhau phấn đấu giành lấy tự do độc lập. Cơ hội để thực hiện lời di huấn đó đã đến”.

- Ngày 4: Bài Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Dưới danh nghĩa một phóng viên Trung Quốc đưa tin nhân dân Việt Nam chi viện mọi mặt cuộc kháng chiến của Trung Quốc, tác giả bài báo viết: “đại đa số nhân dân Việt Nam đều hết sức đồng tình với cuộc kháng chiến của Trung Quốc. Họ cầu chúc chúng ta đánh thắng”. Việc giúp đỡ rất khảng khái, không sợ tù đày:“Có khi họ bí mật quyên góp, giấu giếm gửi cho các đoàn thể cứu quốc của kiều bào, vì vậy đã bị Chính phủ Pháp bắt giam hàng mấy chục vạn người”. Tuy vậy họ không chùn bước “Để đẩy mạnh tuyên truyền giúp Trung Quốc chống Nhật, đồng thời tránh sự can thiệp rắc rối của người Pháp", "Việt Nam độc lập đồng minh hội - một đoàn thể hoạt động rất hăng nhưng cũng rất bí mật - đã nghĩ ra được một cách rất tài tình: Họ đặt ra những bài hát theo những làn điệu quen thuộc và dạy cho trẻ con hát. Thế là tự nhiên các em bé Việt Nam trở thành những tuyên truyền viên rất đắc lực. Những bài hát đó chẳng mấy chốc đã truyền khắp cả nước”. Cuối cùng, bài báo đã chép lại một bài ca dao lưu hành ở Việt Nam, có nhan đề Cứu Trung Quốc là tự cứu mình. Nội dung như sau:

“Nhật Bản, phát xít ở phương Đông,

Dã man, cuồng bạo lại tàn hung.

Vào Trung Hoa, gây chiến xâm lược,

Nhân dân Trung Quốc khổ vô cùng.

Người thì bị giết, nhà bị đốt,

Núi đầy xương, đất đầy máu đỏ.

Tàu bay, bom đạn tránh làm sao?

Đói rét, ốm đau sống thật khó.

Họ đang đấu tranh rất gian khổ,

Giữ gìn dân chủ và hoà bình.

Họ đang cần có người viện trợ,

Họ đang cần được sự đồng tình.

Giặc Nhật tấn công cả thế giới,

Là kẻ thù chung toàn nhân loại.

Mau đứng lên giúp đỡ Trung Hoa.

Anh chị em Việt Nam ta hỡi!

Ra sức giúp cho người Trung Quốc,

Trung - Việt, khác nào môi với răng.

Nhớ rằng môi hở thì răng buốt,

Cứu Trung Quốc là tự cứu mình”.

- Ngày 5: Bài Mắt cá giả ngọc trai của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Việc quân Nhật cho tay chân đóng giả nhân dân Trung Quốc bỏ vùng bị chiếm“trở về trong lòng Tổ quốc”, để tung tin đồn nhảm, dò la tin tức, được tác giả bài báo gọi là “trò mắt cá giả ngọc trai”. Điều này cũng diễn ra tương tự ở Việt Nam, quân Nhật lập ra “đảng cách mệnh”Việt Nam giả để chia rẽ lực lượng nhân dân Việt Nam đấu tranh cho giải phóng dân tộc. Thế mà, một số tờ báo Trung Quốc lại đăng cái gọi là tuyên ngôn của "Đảng thống nhất cách mạng Việt Nam",tuyên truyền chocái tổ chức Việt gian được đế quốc Nhật nuôi nấng này thành ra một “đảngcách mạng”. Bài báo chỉ rõ những điều xảo trá, lừa gạt của “Tuyên ngôn”này và kết luận: “Đối với nhân dân Việt Nam, đối với phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, chúng ta phải giúp đỡ bằng mọi khả năng có thể. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải cẩn thận, phải vạch trần cái trò mắt cá giả ngọc trai đó”.

- Ngày 16: Bài Ý đại lợi thực bất đại lợi của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Mở đầu bài viết, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ:“Đánh bạc với chiến tranh là thủ đoạn quen dùng của giai cấp thống trị Ý”.Người đã vạch rõ sự tính toán hơn thiệt của Ý khi cùng Anh - Pháp - Nga đánh Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, rồi trong Chiến tranh thế giới thứ hai lại đứng về phía Đức chống Đồng minh. Song quân Ý đã thất bại nặng nề trong chiến tranh xâm lược và gặp“những chuyện bất lợi...". “Tất cả những sự việc đó cho chúng ta thấy rõ rằng giấc mộng của Mútxôlini muốn khôi phục lại Impiris Romano đã thành bong bóng xà phòng, và cái ngày mà nhân dân Ý thoát khỏi gông xiềng phát xít đã sắp đến rồi”.

- Ngày 18: Bài Việt Nam phục quốc quân” hay là “mại quốc quân” của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Mở đầu bài viết, tác giả vạch rõ âm mưu của Chính phủ Nhật “đối xử rất tốt với những thanh niên Việt Nam sang Nhật, và lợi dụng phong trào chống Pháp để hù doạ đế quốc Pháp”. Song, sau đó lại cấu kết với Pháp, trục xuất số thanh niên này, chỉ giữ lại một số người, trong đó có Trần Mỗ, tức Trần Văn An, trên thực tế là một tên bán rẻ dân tộc, lập ra tổ chức phục quốc quân để lừa bịp nhân dân, phục vụ ý đồ của Nhật. Bài báo phê bình sai lầm của một số tờ báo Trung Quốc coi Việt Nam phục quốc quân” là“đội tiên phong cách mạng dân tộc”và chỉ rõ: “chúng ta cần phân biệt rõ các đoàn thể chính trị và vũ trang của Việt Nam, không nên nhầm các tổ chức Việt gian thành “phong trào dân tộc”, càng không nên nhầm phong trào dân tộc chân chính của Việt Nam là “bọn thổ phỉ” hoặc "bị kẻ địch xúi giục"".

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: