Phần 1. Giai đoạn 1890 - 1924
* Cuối năm 1901
Nguyễn Tất Thành được phụ thân gửi học chữ Hán với thầy Vương Thúc Quý ở trong làng Kim Liên. Thầy Vương Thúc Quý là người con độc nhất của tú tài Vương Thúc Mậu, lãnh tụ Cần Vương của huyện Nam Đàn, người đã hy sinh trong cuộc càn quét của giặc Pháp tại Kim Liên. Mang nặng nợ nước thù nhà, thầy Quý tuy đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học và cùng các sĩ phu yêu nước trong vùng âm mưu chống Pháp. Nhà thầy Quý là nơi các sĩ phu yêu nước thường lui tới, trong đó có các ông Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân… Những hôm nhà có khách, Nguyễn Tất Thành thường được thầy Quý lưu lại giúp đun nước, pha trà… Nhờ đó Nguyễn Tất Thành được nghe nhiều chuyện qua các buổi luận bàn thời cuộc của các sĩ phu yêu nước.
* Cuối năm 1909
Để tiếp tục việc học tập, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại trường Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng (cours supérieur).
* Từ nửa sau tháng 9-1910 đến trước tháng 2-1911
Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại một căn nhà có tên gọi là nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông.
Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy thường phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước, chẳng hạn bài Á tế á ca, bài Ca hớt tóc, v.v.. Thầy phụ trách thể dục buổi sáng của nhà trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh thăm phong cảnh trong vùng, như động Thiềng Đức, bãi biển Thương Chánh.
* Tháng 12-1912
- Trước ngày 15: Nguyễn Tất Thành đến nước Mỹ.
- Ngày 15: Từ Niu Oóc (New York), Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha là Nguyễn Sinh Huy. Thư cho biết đã gửi cho ông Nguyễn Sinh Huy ba ngân phiếu nhưng mới chỉ nhận được một lần trả lời. Thư ký tên Paul Tất Thành, kèm theo địa chỉ hòm thư lưu: Số 1, đường Đô đốc Cuốcbê (Courbet), Lơ Havơrơ, Pháp.
Sau khi đến Niu Oóc, Nguyễn Tất Thành vừa đi làm thuê để kiếm sống vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ. Năm 1966, trong một lần tiếp nhà báo Mỹ Đêvít Đenlingiơ (David Delingher), Bác Hồ có nói:“Khi trở về Mỹ ông có thể nói rằng tôi đã đi ở cho người ta ở Brúclin (Brooklin) với lương tháng 40 đôla, còn bây giờ làm Chủ tịch nước Việt Nam tôi được lĩnh 44 đôla”,"... Tôi làm việc không đến nỗi vất vả lắm và dùng một số thời gian rảnh để học tập và đi thăm những khu vực trong thành phố”. Người còn nhắc đến chuyện đi xe điện ngầm tới thăm khu Háclem và rất xúc động trước điều kiện sống của người da đen.
- Trong tháng 12: Cùng với bức thư gửi cho phụ thân, Nguyễn Tất Thành còn gửi một bức thư cho ông Nguyễn Sinh Khiêm thời kỳ này đang giúp việc vặt ở Toà Khâm sứ Trung Kỳ. Nguyễn Tất Thành nhờ anh trai vận động xin cho Thành vào học Trường Thuộc địa tại Pari. Ông Khiêm đã gửi bức thư cho Toàn quyền Anbe Xarô (Albert Sarraut) và lá thư đã được chuyển tới Khâm sứ Trung Kỳ .
* Khoảng cuối năm 1917:Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp
* Tháng 12-1919
- Ngày 17: Nguyễn Ái Quốc còn đến văn phòng của hai tờ báo L'Humanité và Le Populaire hỏi xin việc làm nhiếp ảnh cho Phan Châu Trinh.
- Ngày 18: Nguyễn Ái Quốc gặp Khánh Ký cho biết đã gặp toà soạn báo L'Humanité và báo Le Populaire để tìm cho Phan Châu Trinh một chỗ làm thợ ảnh ở Pari.
- Ngày 19: Buổi tối, Nguyễn Ái Quốc tranh luận với các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Khánh Ký tại nhà số 6 phố Vila đê Gôbơlanh.
- Ngày 20: 17 giờ 30, đến Acađêmi Luyđô chơi bi-a với cụ Phan Châu Trinh.
- Ngày 22: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc mít tinh do Công đoàn C.G.T tổ chức và phân phát tại đấy một số bản Yêu sách của nhân dân An Nam.
- Trước ngày 26: Nguyễn Ái Quốc nói chuyện với Êđua tại số 6 Vila đê Gôbơlanh về ý muốn lập Hội tương tế Đông Dương, gồm những người dân Đông Dương đã ở ít lâu trên đất Pháp nhằm giữ gìn và phát triển những ý kiến tốt và những kiến thức đã thu lượm được tại Pháp.
Khi Êđua nêu vấn đề do anh ta đang làm việc trong cơ quan nhà nước nên nếu tham gia phải được cấp trên cho phép, Nguyễn Ái Quốc nói:“Dù sao thì tôi tin là Chính phủ không có lý do nào để không cho phép lập một hội không có mục đích chính trị nào cả như vậy. Nếu anh chịu lo thì chắc chắn Nhà nước sẽ cho phép”.
Khi nói đến vấn đề tư pháp, Nguyễn Ái Quốc đả kích mạnh mẽ việc lập toà đại hình ở Bắc Kỳ. Nguyễn Ái Quốc khẳng định đã tận mắt trông thấy những người dân Trung Kỳ chỉ đến Toà Khâm với tay không để phản đối sưu thuế quá nặng, thế mà người ta đã nổ súng để giải tán họ. Nguyễn Ái Quốc cho rằng biện pháp đó là tàn bạo và vô nhân đạo, cho rằng các quan lại An Nam là nguyên nhân của cuộc nổi loạn và bắn giết đó, sau đó lại xử tội chém hoặc đi đày nhiều người vô tội.
- Vào những tháng cuối năm 1919, Uỷ ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp được thành lập. Mục đích của Uỷ ban này là vận động Đảng gia nhập Quốc tế III và bảo vệ cách mạng Nga đang bị các chính phủ tư sản kể cả Chính phủ Clêmăngxô (Clémanceau) của Pháp, tiến công dữ dội.
Nguyễn Ái Quốc tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức này.
Anh thường lui tới phòng họp Hội phổ biến kiến thức ở khu Latinh, phòng họp Muyliê ở gần lâu đài Luýchxămbua, rạp chiếu bóng phố Satô dô (Château d’eau) ở Quận 10, v.v. để dự các cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế III tại Pari. Trong các cuộc họp, Nguyễn Ái Quốc thường thông báo cho các bạn Pháp về tình hình Việt Nam và những tội ác của thực dân Pháp ở đó.
Nguyễn Ái Quốc cùng một số đảng viên Đảng Xã hội Pháp đi quyên góp tiền trong các phố Pari để giúp cách mạng Nga vượt qua nạn đói, hậu quả của việc Chính phủ Pháp và chính phủ các nước Đồng minh bao vây nước Nga Xôviết. Cùng với việc quyên tiền, Nguyễn Ái Quốc tham gia phân phát các truyền đơn của Đảng Xã hội Pháp kêu gọi lao động Pháp lên án sự can thiệp vũ trang của Chính phủ Pháp vào nước Nga, hoan nghênh Cách mạng Tháng Mười Nga.
-Nguyễn Ái Quốc tổ chức in bản Yêu sách của nhân dân An Nam thành truyền đơn để tuyên truyền rộng rãi trong công nhân Pháp, binh lính người Việt và Việt kiều ở Pháp. Với số tiền ít ỏi dành dụm được, Nguyễn Ái Quốc đến nhà in Sácpăngchiê ở 70 phố Gôbơlanh thuê in 6.000 bản truyền đơn nói trên, và đã phân phát trong các cuộc mít tinh ở Pari và một số thành phố khác. Nguyễn Ái Quốc còn tổ chức những cuộc nói chuyện giới thiệu bảnYêu sách và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam đòi độc lập, tự do.
* Tháng 12- 1920
- Ngày 25: Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp với tư cách là đại biểu Đông Dương.
Đại hội khai mạc lúc 10 giờ 35 phút ngày 25-12-1920 tại phòng họp lớn của nhà Mane ở thành phố Tua (Tours), cách Pari 237km.
Khi Đoàn Chủ tịch giới thiệu Nguyễn Ái Quốc là đại biểu Đông Dương, cả Đại hội đứng dậy vỗ tay. Lần đầu tiên có một người Việt Nam tham gia một đại hội đại biểu của một chính đảng Pháp. Nguyễn Ái Quốc cũng là người bản xứ duy nhất trong số đại biểu các thuộc địa có mặt trong đại hội.
Trong hội trường Đại hội, các đại biểu ngồi theo khuynh hướng chính trị. Những người cùng quan điểm ngồi cạnh nhau. Nguyễn Ái Quốc ngồi dãy ghế thứ hai phía trái (nhìn từ Đoàn Chủ tịch xuống), cạnh Pôn Vayăng Cutuyriê và những người thuộc phe tả.
Một nhà báo đã chụp ảnh Nguyễn Ái Quốc và in trên tờ Le Matin. Ngày hôm sau cảnh sát tìm đến Nguyễn Ái Quốc. Những nghị viên Đảng Xã hội can thiệp, mật thám không dám vào phòng họp và Nguyễn Ái Quốc vẫn đàng hoàng dự đại hội.
- Ngày 26: Tại phiên họp buổi chiều của Đại hội, sau lời mời của Chủ tịch Đại hội Gútđơ (Goude), Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại biểu Đông Dương đã phát biểu ý kiến.
Trong lời phát biểu, Nguyễn Ái Quốc lên án chủ nghĩa đế quốc Pháp, vì lợi ích của nó, đã dùng lưỡi lê chinh phục Đông Dương và trong suốt nửa thế kỷ qua, nhân dân Đông Dương không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm. Bằng những sự thật, Nguyễn Ái Quốc tố cáo những sự tàn bạo mà bọn thực dân Pháp đã gây ra ở Đông Dương, và cho rằng "Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức",rằng"Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa... đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa...".
Nguyễn Ái Quốc đã kết thúc bài phát biểu được Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh bằng lời kêu gọi thống thiết:"Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!".
- Ngày 29: Lúc 22 giờ, Đại hội Tua tiến hành bỏ phiếu quyết định việc Đảng ở lại Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế III. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản).
Sau cuộc bỏ phiếu, nữ đồng chí Rôdơ (Rose), người ghi biên bản tốc ký đại hội, hỏi Nguyễn Ái Quốc:
+ Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế III?
+ Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa...Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.
- Ngày 30: Hồi 2 giờ, Nguyễn Ái Quốc cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản (Section Française de L'Internationale Communiste, viết tắt là SFIC).
Từ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản. Là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
- Từ ngày 25 đến ngày 30: Trong những ngày dự Đại hội Tua, Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ đồng chí Clara Détkin (Clara Zetkin), nữ chiến sĩ cách mạng nổi tiếng của Đức, Uỷ viên Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản, được Quốc tế Cộng sản cử đến dự đại hội.
* Tháng 12- 1921
- Ngày 12: Hồi 20 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp Uỷ ban liên công đoàn quốc tế Quận 17 tại 176 phố Lơgiăng.
- Ngày 15: Hồi 20 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc họp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Quận 13.
- Ngày 17: Tại cuộc họp của Chi bộ Quận 17 Đảng Cộng sản Pháp ở số nhà 100 phố Cácđinê, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu ý kiến về nguồn gốc chiến tranh, phê phán ông Poanhcarê (Poincaré) đã chuồn về Boócđô khi quân Đức đến Pari và khẳng định ông ta phải chịu trách nhiệm về chiến tranh.
- Ngày 25: Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng Cộng sản Pháp họp ở Mácxây, một thành phố cảng ở miền Nam nước Pháp. Người được Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng bầu là đại biểu chính thức của đại hội.
Đại hội họp ở Hội trường Bôvi phố Xáctơrơ (Sartre). Cảnh sát Mácxây đã bố trí 500 tên vây quanh khu vực họp đại hội. Chúng muốn vây bắt Nguyễn Ái Quốc. Khi Người vừa tới cửa, sắp sửa bước vào sân thì cảnh sát ập tới, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã chạy nhanh vào hội trường thoát hiểm.
- Ngày 29: Nguyễn Ái Quốc tiếp tục dự đại hội.
Buổi sáng, phiên họp thứ 9 bắt đầu vào lúc 8 giờ 45 phút dưới sự chủ tọa của Giuylơ Blăng (Jules Blanc) và hai trợ lý: Nguyễn Ái Quốc và Oócliănggiơ (Orliange).
Được mời phát biểu trước tiên, Nguyễn Ái Quốc nói:"Thông thường thì người trợ lý không phát biểu; nhưng tôi phải cảm ơn các đồng chí vì đã dành cho tôi mối thiện cảm cá nhân, và để nói với các đồng chí rằng tôi vui sướng biết chừng nào khi được dự đại hội đầu tiên của những người cộng sản. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa xã hội Pháp, một đồng chí người bản xứ thực sự tham gia vào những công việc của đại hội. Tôi cũng phải nói đó là dấu hiệu tốt, bởi vì điều đó xác nhận rằng, chỉ có trong chủ nghĩa cộng sản người ta mới thấy tình hữu ái thực sự và quyền bình đẳng, và cũng chỉ có nó chúng ta mới có thể thực hiện sự hoà hợp và hạnh phúc ở chính quốc và ở các thuộc địa".
Buổi chiều, phiên họp thứ 10 bắt đầu vào lúc 14 giờ, do Barabăng (Barabant) chủ tọa. Mở đầu phiên họp, sau lời giới thiệu của Phrốtxa, Nguyễn Ái Quốc đã đọc Dự thảo Nghị quyết về chủ nghĩa cộng sản và các thuộc địa mà Người đã tham gia dự thảo.
Bản dự thảo đã tố cáo tội ác của những kẻ thực dân thống trị đối với người dân thuộc địa: Hàng chục nghìn người đã chết trong cuộc chiến tranh ở châu Âu, hàng chục nghìn người đang làm nô lệ cho chủ nghĩa quân phiệt Pháp, đang làm vật hy sinh khi làm người lính bản xứ.
Sau khi nêu lên những khó khăn trong việc thực hiện những nhiệm vụ đối với thuộc địa, Bản dự thảo viết: "Bằng bất cứ cách nào những khó khăn đó cũng không thể biện minh cho việc Đảng Cộng sản từ bỏ một chính sách thuộc địa thực tế và có kết quả".
Bản dự thảo đã đề nghị Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Pháp họp ở Mácxây, thông qua một nghị quyết với những nội dung sau:
+ Chỉ ra sự cần thiết trong một thời gian ngắn nhất tạo ra một phong trào đối kháng mang tinh thần cộng sản để chống lại chủ nghĩa tư bản.
+ Chuẩn y nguyên tắc lập thành một cơ quan đặc biệt chuyên nghiên cứu và sưu tập tư liệu về thuộc địa, là cơ quan tư vấn đặt dưới quyền kiểm tra của Ban lãnh đạo.
+ Giao cho ban này bằng mọi phương sách cần thiết nhằm tích cực tuyên truyền ngay từ bây giờ về thuộc địa.
+ Dành một mục để nghiên cứu vấn đề thuộc địa trên báo L'Humanité và trong các sách, báo và ấn phẩm của Đảng.
+ Các ban nói chung cũng như những người cộng sản biệt lập thuộc mọi chủng tộc, hợp tác ngay từ bây giờ với Ban Nghiên cứu thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc còn tham gia dự thảo Lời kêu gọi những người dân thuộc địa sống trên đất Pháp gia nhập Hội liên hiệp thuộc địa.Lời kêu gọi viết:
"Đồng bào thân mến,
Nếu câu phương ngôn "Đoàn kết làm ra sức mạnh" không phải là một câu nói suông,
Nếu đồng bào muốn giúp đỡ lẫn nhau,
Nếu đồng bào muốn bênh vực cho quyền lợi của bản thân mình, cũng như quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa,
Hãy gia nhập Hội liên hiệp thuộc địa".
Lời kêu gọi còn trích yếu Điều lệ của Hội, trong đó:
"Điều 2: Mục đích của hội là tập hợp và hướng dẫn cho mọi người dân các xứ thuộc địa hiện sống trên đất Pháp để: soi sáng cho những người dân ở thuộc địa về tình hình mọi mặt ở nước Pháp nhằm mục đích đoàn kết họ; thảo luận và nghiên cứu tất cả những vấn đề chính trị và kinh tế của thuộc địa".......
"Điều 13. Hội sẵn sàng giúp đỡ và cứu trợ cho mọi hội viên của các nhóm đã gia nhập hội"...
Cuối lời thư kêu gọi viết: "Đồng bào hãy gửi đơn xin vào hội cho Môngnécvin, 9, phố Valéttơ (Vallete), Quận 5, Pari; hoặc cho Nguyễn Ái Quốc, 9, ngõ Côngpoanh Quận 17 Pari".
Trong năm: Hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân Pháp, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Phôbua.
Dự những buổi sinh hoạt này, có tất cả các hạng người: Bác học, cựu bộ trưởng, nghị viên, nhà thơ, thợ thuyền, người đi buôn, người già và người trẻ. Ở đây có một không khí thân mật và dân chủ, giống như ở các câu lạc bộ Giacôbanh thời Đại cách mạng Pháp. Người ta thảo luận về mọi vấn đề, từ thiên văn, địa lý, chính trị, văn học cho đến cách trồng cải xoong và nuôi ốc sên, cả những vấn đề thôi miên, bản năng, siêu hình, phụ đồng, mộng mị, về sự chết, thuyết luân hồi... Nguyễn Ái Quốc khi phát biểu đã khéo lái những vấn đề đang thảo luận sang vấn đề thuộc địa, đặc biệt là vấn đề Việt Nam. Thí dụ, có lần thảo luận về phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên, Nguyễn Ái Quốc kịch liệt phản đối thôi miên, và nói"Thực dân Pháp đã thôi miên chúng tôi để đàn áp và bóc lột chúng tôi".
Một lần khác, ở Câu lạc bộ Phôbua có cuộc thảo luận về vấn đề Ái Nhĩ Lan và Triều Tiên, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ý kiến:"Cũng là một dân tộc bị áp bức, tôi hoàn toàn đồng tình với những người bạn Ái Nhĩ Lan và Triều Tiên, và đồng tình với hội nghị kết án bọn thực dân Anh, Nhật. Nhưng tôi hỏi các ngài có nên kết án cả những bọn thực dân khác không?". Tất nhiên mọi người đều trả lời: Có. Thế là được dịp. Nguyễn Ái Quốc lại trình bày vấn đề Việt Nam.
Nhận xét về những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong Câu lạc bộ, ông Lêô Pônđét (Léo Poldès) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phôbua, đã viết như sau:"Chỉ là người thợ ảnh giản dị ở ngõ hẻm Côngpoanh, ông đã từng tham dự với chúng tôi trong những cuộc thảo luận náo nhiệt. Ngay những người cừu địch với ông không ai không thán phục trí thông minh, tài năng và lòng thành thực của ông".
* Tháng 12-1922
- Ngày 1: Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp của Ban Thư ký Hội Liên hiệp thuộc địa, tại số 3, đường Mácsê đê Patơriácsơ. Dự cuộc họp còn có Bơlôngcua, Môngnécvin, Hátgiali, Xtêphani, Uyliêm, Nguyễn Văn Ái.
Buổi họp bắt đầu lúc 21 giờ.
Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị nên có một tổ chức ở trong hội để tìm công ăn việc làm cho những người dân thuộc địa đang sống trên đất Pháp và đề nghị Bơlôngcua, Môngnécvin chịu trách nhiệm về tổ chức trên.
Buổi họp nhận thấy thời gian vừa qua do công việc nhiều, buổi họp tối thứ tư hằng tuần không thực hiện đều. Mọi người nhất trí họp thường kỳ sẽ họp vào 20 giờ tối thứ sáu và 10 giờ sáng chủ nhật.
Cùng ngày, bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Về câu chuyện Xiki, đăng trên báo Le Paria, số 9. Bài báo thuật lại vụ Xiki (Siki), đấu thủ da đen người xứ Xênêgan - một thuộc địa của Pháp ở châu Phi, đã đánh thắng đấu thủ người Pháp tên là Sácpăngchiê đoạt giải vô địch quyền Anh. Nhưng sau đó Xiki bị phạt treo giò chín tháng không được dự tất cả các võ đài Pháp với lý do đã lăng mạ một người Pháp khác tên là Cuyni (Cuni). Qua đó, bài báo bình luận và châm biếm chủ nghĩa vị chủng hẹp hòi, bất bình đẳng của thực dân Pháp.
- Ngày 4: Bài Những quan toà thuộc địa tốt bụng của chúng ta của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo L'Humanité. Tác giả dẫn chứng "sơ lược lai lịch" của hai trong số những nhân vật được Chính phủ Pháp bổ nhiệm vào chức quan toà thuộc địa, một là ông Luycaxơ - cựu chưởng lý ở Tây Phi thuộc Pháp, người mà Bộ trưởng Bộ Thuộc địa trong thông cáo báo chí đã buộc phải tuyên bố là "cuộc điều tra đã xác định có tham dự vào vụ bê bối vừa qua ở Tôgô",và một nữa là ông Oabrăng - công tố viên ở Đắcca, một người rất vô trách nhiệm khi thừa hành công vụ, vậy mà người này thì được bổ nhiệm làm Chủ tọa toà thượng thẩm ở châu Phi xích đạo thuộc Pháp, còn người kia thì được bổ nhiệm vào cương vị Tổng công tố viên của nước cộng hoà ở Đắcca!
Bài báo mỉa mai: "Với sự có mặt của những Đáclơ, những Bôđoanh, những Oabrăng và những Luycaxơ, có thể nói rằng vận mệnh của nền văn minh tối cao, cũng như số phận của dân bản xứ ở các thuộc địa đều được nằm trong những bàn tay đáng tin cậy".
- Ngày 22: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Sự thịnh vượng của Đông Dương dưới triều đại M. Lông, đăng trên báo La Vie Ouviève. Tác giả trích dẫn một đoạn trong bức thư của đại tá Bécna (Bernard) gửi cho báo République Française, ngày 6-12-1922, nêu lên vài nét về tình hình kinh tế Đông Dương từ năm 1914 đến năm 1922 chẳng những không phát triển mà còn giảm sút nhiều hơn trước, do chính quyền thuộc địa không quan tâm xây dựng cho Đông Dương những công trình hữu ích mà chỉ chú ý bóp nặn nhân dân Đông Dương để phục vụ cho cuộc sống xa hoa của chúng.
* Tháng 12-1923:Khoảng cuối năm, Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông (gọi tắt là Trường Đại học Phương Đông) tại Mátxcơva. Người đến Liên Xô để tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, nhưng vì V.I.Lênin đang ốm nặng, đại hội phải hoãn họp, nên đã tranh thủ vào học lớp ngắn hạn của trường.
- Ngày 4: Bài viết nhan đề Tình hình ở Trung Quốc, đăng trên báo L'Humanité. Sau khi nêu những nguyên nhân đã dẫn đến tình hình tồi tệ ở Trung Quốc lúc bấy giờ, tác giả viết:“rất may mắn là tiếng vang của cách mạng Nga hình như đã thức tỉnh thế hệ mới của Trung Quốc. Lực lượng trẻ mới ra đời có đầy nhiệt tình và sức sống. Điều này thể hiện đặc biệt rõ rệt nhất là Hội sinh viên cách mạng".
Bài báo cũng giới thiệu hoạt động của tổ chức đó, đặc biệt là những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh chính trị được thông qua tại Đại hội IV toàn Trung Quốc của Liên đoàn.
- Trước ngày 23: Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Xôviết Ôxíp Manđenxtam. Thuật lại cuộc gặp gỡ đó, nhà thơ đã viết một bài báo nhan đề Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc, đăng trên Tạp chíOgoniok số 39, ghi lại những lời của Nguyễn Ái Quốc nói về nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của đế quốc Pháp. Khi nêu lên tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống chính sách thực dân của Pháp, Nguyễn Ái Quốc nói: “Thật thú vị là chính quyền Pháp đã dạy cho những người nông dân chúng tôi biết những từ "bônsêvích" và "Lênin". Chúng lùng bắt những người cộng sản trong dân chúng, trong khi chẳng có người cộng sản nào, hoàn toàn không có ngay cả trong ý niệm; và như vậy chính chúng đã tuyên truyền cho chủ nghĩa bônsơvích và Lênin”.
Nhà thơ cũng nói lên cảm tưởng của mình về Nguyễn Ái Quốc và dân tộc Việt Nam như sau: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”, “Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới".
-Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Tình cảnh nông dân An Nam đăng trên báo Le Paria, số 21. Mở đầu, bài báo viết: "Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản".
Tác giả vạch trần những thủ đoạn đê tiện của bọn thống trị để bóc lột nông dân, như phân loại ruộng đất để đánh thuế, tăng diện tích ruộng đất bằng cách thay đổi đơn vị đo đạc, cướp đoạt ruộng đất của làng này để cấp cho làng khác, lấy cớ khai khẩn thuộc địa để miễn thuế cho các chủ đồn điền, v.v..
Tác giả viết:"Phác qua như thế, chúng ta thấy rằng dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa...".
*Tháng 12-1924
- Ngày 18: Từ Quảng Châu ( Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản báo tin đã đến Quảng Châu vào giữa tháng 12 và những công việc bước đầu đã làm được.
Báo cáo đề nghị Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản giúp đỡ thêm về tài chính, chỉ thị cho các đại diện ở Quảng Châu phải chăm lo đến Đông Dương, quan tâm vấn đề tuyên truyền trong phụ nữ và thiếu nhi.
Cuối cùng, Người lưu ý các đồng chí: "Trong lúc này, tôi là một người Trung Quốc chứ không phải là một người An Nam, và tên tôi là Lý Thuỵ chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc".
- Ngày 19: Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo về Tình hình Đông Dương tháng 11 và tháng 12-1924.
Báo cáo gồm hai phần: Tình hình kinh tế và Tình hình chính trị.
Phần Tình hình kinh tế, Người thông báo về việc phê chuẩn ngân sách của toàn Đông Dương, trong đó một phần năm là do tiền lời bán thuốc phiện; về tình hình dân chết đói ở nhiều nơi (trừ Nam Kỳ) do nạn lụt và bão tàn phá; tình hình nhà băng công nghiệp Trung Hoa bị phá sản, các chủ nợ người Pháp và người Việt Nam đang liên kết với nhau để đòi nợ; về dự định của nhà cầm quyền Đông Dương cho thương nghiệp Nhật Bản được hưởng thuế quan tối thiểu.
Phần Tình hình chính trị, Người thông báo về việc Chính phủ thuộc địa hết sức ngăn cản thanh niên An Nam sang học ở Pháp, do sợ bị tuyên truyền cộng sản. Các báo ở An Nam nói về việc thành lập một Uỷ ban ở Pari để nghiên cứu khả năng bán Đông Dương cho một nước khác; chính quyền thuộc địa đang quảng cáo cho một Hội đồng tư vấn của Chính phủ gồm 27 người Pháp và 17 người An Nam.
Nguyễn Ái Quốc còn báo cáo tỷ mỷ về Đảng Lập hiến ở An Nam, chương trình hành động của đảng đó, thái độ trở mặt của chúng đối với triều đình An Nam, công kích chủ nghĩa cộng sản, hô hào sự hợp tác với Pháp.
Cuối bản báo cáo, Người viết: "Hai trăm học sinh trẻ tuổi của tỉnh ở Nam Kỳ đã biểu tình trước đồn cảnh sát đòi thả hai người bạn của họ bị bắt giữ. Đồng thời, họ doạ bãi khoá nếu bạn của họ không được thả ngay. Họ đã thắng lợi. Đấy là lần đầu tiên, ở Đông Dương xảy ra một việc như vậy. Đó là một dấu hiệu của thời đại".
- Ngày 22: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho một cán bộ phụ trách Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, thông báo "đã tìm thấy ở đây một vài người Đông Dương mà với họ, tôi hy vọng làm được việc gì đó"và đề nghị "chỉ thị cho những đồng chí người Nga ở đây cũng nhận trách nhiệm về các công việc của Đông Dương, bởi vì một mình tôi không thể làm nhiều được". Thư còn cho biết Nguyễn Ái Quốc đã gặp một đồng chí người Malaca, nhưng mới được một lần vì có thể người đó đã về nước.
- Trong năm
+ Nguyễn Ái Quốc hoàn thành bản thảo tác phẩm Đông Dương (1923 - 1924), gồm các phần sau: Những tội ác của chủ nghĩa quân phiệt; Những thảm hoạ của nền văn minh; Đời sống kinh tế Đông Dương; Tâm địa thực dân; Các quan cai trị; Ăn bám và hỗn độn; Tập đoàn kẻ cướp; Sự nhượng quyền và những kẻ được nhượng quyền; Công chính; Tạp dịch hay là khổ sai; Chính sách ngu dân; Báo chí; Thuế khoá; Cuộc kháng chiến; Giáo hội; Công lý; Nước An Nam dưới con mắt người Pháp.
Với cách viết rất mới mẻ, giọng văn châm biếm sâu sắc pha chút dí dỏm hài hước song đầy tính chiến đấu, dẫn chứng bằng những sự việc có thật, những số liệu cụ thể trên báo chí, bằng những lời thú nhận từ quan toàn quyền, thống đốc, công sứ đến những viên chức thực dân bình thường và của cả các nghị sĩ chính quốc, tác phẩm là một bản tố cáo đanh thép tội ác và tâm địa của thực dân Pháp, những thủ đoạn ghê tởm mà chúng tiến hành ở xứ Đông Dương và thảm hoạ mà dân bản xứ đang phải chịu đựng.
+Tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Mở đầu, Người viết: "Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây". Người đã phân tích những nét riêng của các giai cấpnhư "đại địa chủ thì chỉ là những tên lùn tịt bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ", "Không có tỉ phú người An Nam", "nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơrớt. Người thì nhẫn nhục chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình".
Người nhận định rằng xã hội Ấn Độ, Trung Quốc đều không giống xã hội phương Tây về cấu trúc kinh tế.
Bản báo cáo viết: "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử Châu Âu. Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại".
Người nhận định: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước", "Giờ đây người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ".Báo cáo nêu lên một số kiến nghị như bằng con đường hợp pháp lập các lãnh sự quán Nga ở một số nơi như Sài Gòn, Hà Nội, Vân Nam để nó trở thành trung tâm tuyên truyền; một số việc Đảng Cộng sản Pháp phải làm, ở Nga phải làm.
Cuối báo cáo, Người nêu lên những điều kiện để cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương thắng lợi./.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)
Phần 2. Giai đoạn 1925 - 1940
* Tháng 12-1925
- Ngày 3: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân thông báo rằng đã tham khảo ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề Người trực tiếp liên hệ với Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng với tư cách đại diện chính thức của Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, nhưng theo ý kiến của các đồng chí Trung Quốc, việc ấy không cần thiết, vì vẫn có thể thu thập được mọi thông tin về vấn đề nông dân qua các đồng chí của chúng ta.
Thư còn báo cho biết: bắt đầu từ tháng này, Quốc dân Đảng sẽ phát hành một bán nguyệt san về nông dân. Số đầu tiên sắp ra mắt trong vài ngày tới. Và nhắc Đoàn Chủ tịch gửi cho tài liệu về phong trào nông dân quốc tế để dịch và in trong tạp chí của Quốc dân Đảng.
Cuối thư ký tên: Nilốpxki (NAQ.)
- Trong năm.
+ Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, cũng với nhan đề Lênin và các dân tộc thuộc địa, đăng trên báo Bakinxki Rabôtri (Liên Xô), số 16. Bài báo nêu rõ: Mặc dù Lênin đã mất, nhưng còn có Đảng Cộng sản và Quốc tế Cộng sản tiếp tục sự nghiệp của Người. Nhân dân các dân tộc bị áp bức hiểu rằng, sự nghiệp của Lênin không bao giờ mất, và họ vẫn hy vọng được giải phóng vì vẫn còn Đảng của Lênin. Họ đặt hy vọng vào đảng này, cũng như trước đây đã đặt hy vọng vào Lênin.
Kết luận, bài báo nhắc lại điều mà tác giả đã khẳng định trong bài Lênin và các dân tộc thuộc địa, đăng trên báo Pravđa, ngày 27-1-1924. "Khi còn sống, Lênin là người thầy, người cha của nhân dân bị áp bức. Sau khi mất, người là ngôi sao sáng chỉ đường tiến tới sự nghiệp giải phóng vĩ đại của nhân dân bị áp bức. Lênin sống mãi trong lòng mọi người dân nô lệ ở các nước thuộc địa!".
+Nguyễn Ái Quốc viết bài Văn minh tư bản chủ nghĩa và phụ nữ ở các thuộc địa, nói về số phận thảm thương của phụ nữ và trẻ em người bản xứ phải đi làm thuê trong các hầm mỏ của các ông chủ thực dân.
Lấy việc bóc lột trong các hầm mỏ ở Ấn Độ thuộc Anh, tác giả muốn để mọi người "thấy thứ nhân đạo và văn minh của bọn con buôn của đế quốc Anh". Trong số 252 hầm mỏ ở Ấn Độ được khai thác (tính đến năm 1921), thực dân Anh đã dùng tới 42.000 phụ nữ và 1.171 trẻ em.
Bài viết có đoạn:"Thật là một sự nhục nhã cho thế kỷ XX khi phải thấy những phụ nữ bước run run, đầu đội thúng than nặng, mà vẫn phải bước vì đói; và những trẻ em từ 12 đến 13 tuổi bò trong những đường hầm chật hẹp vừa đi bằng bốn chân, vừa dùng răng kéo một thúng đầy!".
Trong năm, Người còn viết câu chuyện ngụ ngôn Loài vật tranh nhau công trạng.
Nhân vật trong truyện là Rồng, Tôm, Cừu, Bò, Cua, Rắn, Voi, Lươn, Chuột, Gà trống, Cá chép, Ếch. Ngoài con Rồng mày râu óng ánh, mào và vảy rực rỡ lên tiếng trước tiên và nói rằng: "Ta là thuỷ tổ của giống nòi An Nam từng chứng kiến sinh ra biết bao vị anh hùng lừng lẫy", những con vật còn lại đều phát biểu thương hại cho người An Nam, những kẻ nô lệ tội nghiệp mà số phận không được bằng mình. Cuối cùng đến lượt Ếch, Ếch nói:"- Hỡi anh em, suy đi tính lại, nếu thực sự chúng ta thương xót người An Nam thì hãy cùng nhau đi cứu họ. Loài Ếch hèn mọn chúng tôi nhờ có kêu ca mà làm trời phải mủi lòng, và lẽ nào vô cớ trời lại bỏ ngoài tai lời cầu khẩn mà để loài Ếch vĩnh viễn bị tận diệt? Nếu họ đồng tâm và đồng sức, nếu họ liên kết trong ngoài, thì người Pháp sẽ mất tinh thần, kinh hãi và phải trả lại cho họ những quyền tự do của họ. Ôi, những người An Nam, các anh phải luôn nhớ rằng đoàn kết làm nên sức mạnh!".
- Cuối năm: Tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp nhan đề Le procès de la colonisation française (Bản án chế độ thực dân Pháp) được xuất bản tại Pari, do Thư quán Lao động (Librairie du Travail) ấn hành.
Nội dung cuốn sách dựa trên cơ sở các bài viết của Người trong thời gian từ 1921 - 1924, chia thành 12 chương:
Cuốn sách in năm 1925 tại Pháp mở đầu có Lời giới thiệu của Nguyễn Thế Truyền, tiếp đó là 12 chương:Chương I. Thuế máu;Chương II. Việc đầu độc người bản xứ;Chương III. Các quan thống đốc;Chương IV. Các quan cai trị;Chương V. Những nhà khai hoá;Chương VI. Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị;Chương VII. Bóc lột người bản xứ;Chương VIII. Công lý;Chương IX. Chính sách ngu dân;Chương X. Chủ nghĩa giáo hội;Chương XI. Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ;Chương XII. Nô lệ thức tỉnh.
Cuốn sách đã thu thập những tài liệu người thực việc thực xảy ra ở các thuộc địa của Pháp nhằm vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với người dân thuộc địa. Cuốn sách còn giới thiệu Lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân gửi nông dân lao động các thuộc địa, giới thiệu Tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa, trong đó có đoạn viết:
"Anh em phải làm thế nào để được giải phóng?
Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em.
Hội liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy!".
Cuối sách là phần Phụ lục: Gửi thanh niên Việt Nam. Bức thư đã cảnh tỉnh thanh niên Việt Nam đang an phận làm nô lệ. Bức thư nêu gương thanh niên một số nước đang đấu tranh cho nền độc lập ngày mai của họ.
Kết luận, bức thư viết: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh".
* Tháng 12-1926
- Ngày 10: Trong bài thứ ba viết về Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi, về tình hình ngoại giao, Nguyễn Ái Quốc cho biết các cường quốc nước ngoài vẫn "tiếp tục quan hệ với một chính phủ mà quyền hạn không vượt quá các tường thành của Bắc Kinh, một chính phủ chỉ có cái tên, mà lý do duy nhất tồn tại là sự công nhận ngoại giao của các cường quốc". Tuy nhiên, lập trường nào của họ đã có sự thay đổi, họ "có thể ký với Chính phủ Quốc dân một thứ tạm ước, chẳng hạn thừa nhận nó bình đẳng với Chính phủ Bắc Kinh".
Nguyễn Ái Quốc còn cho biết, theo dư luận của báo chí, trước sức tiến công của Quân Quốc dân, nhiều nơi như ở Hán Khẩu và Thượng Hải đã lấy cớ "cứu tính mạng và của cải người nước ngoài bị đe doạ"để yêu cầu các cường quốc can thiệp.
Mặc dù vậy, Nguyễn Ái Quốc vẫn nhận định:"Cho đến nay, các sự kiện đã diễn ra theo kế hoạch Chính phủ định ra và kế hoạch ấy được thực hiện dễ dàng là do dân chúng nông thôn tận tình, do có sự đồng lòng giữa những nhà chức trách dân sự và quân sự, do lòng mong muốn chung góp phần cải tổ lại nước Trung Hoa. Cho đến nay, chưa bao giờ dân chúng Trung Quốc lại nêu một tấm gương về sự đoàn kết dân tộc, về chính trị, tốt đẹp đến như thế...".
- Ngày 12: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Bà Trưng Trắc, ký bút danh H.T., đăng trên báo Thanh niên, số 73. Sau khi thuật lại cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, tác giả bình luận: "Can đảm thay! Phận thuyền quyên vì nước quên mình! Tuy chỉ trong 3-4 năm nhưng cũng đủ làm cho bọn tu mi quân giặc mất vía". Và kêu gọi:"Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết K. m . Huống chi bây giờ hai chữ "nữ quyền" đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!".
- Ngày 24: Nguyễn Ái Quốc viết bài thứ tư về Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi. Ngoài việc phản ánh một số nét về tình hình ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Quảng Đông, bài viết tập trung nói về chính sách ngoại giao của Anh ở Trung Quốc.
Theo tác giả, nước Anh đang thi hành chính sách ngoại giao hai mặt ở Trung Quốc. Một mặt, trong khi tiếp tục duy trì quan hệ với Bắc Kinh, Anh đã cử đại diện tiếp xúc và hội đàm với Chính phủ Quốc dân nhằm mục đích lôi kéo Trung Hoa Dân quốc tham gia vào sự phòng thủ và duy trì những hiệp ước bất bình đẳng cần phải được xoá bỏ. Mặt khác, tăng cường lực lượng hải quân ở các cửa biển, hòng gây áp lực với Chính phủ Quốc dân.
Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc nhận xét, "dư luận nhân dân tố cáo kịch liệt mưu toan ngoại giao nhằm cung cấp cho kẻ thù của Chính phủ Quốc dân những phương tiện để có tiền của chống lại Chính phủ ấy", "báo chí của phái dân tộc chủ nghĩa không che giấu sự bất bình lớn của mình, và đã có những lời bình luận không có lợi cho nước Anh".
- Ngày 31:Chính phủ Quốc dân sau một năm là nội dung chính bài viết thứ năm Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi của Nguyễn Ái Quốc. Tác giả điểm lại cách nhìn nhận của các nước Viễn Đông, của giới ngoại giao nước ngoài về Chính phủ Quốc dân một năm trước đây, họ cho rằng chính phủ đó chỉ là "một nhúm gây rối làm tay sai cho Quốc tế III, nếu không phải là cho nước Nga Xôviết", rằng "Tất cả các cuộc biểu tình của thợ thuyền ở miền Nam cũng như ở miền Bắc và miền Trung, của Trung Quốc được tổ chức dường như là do những người bônsêvích lãnh đạo",rằng"Những người dân tộc chủ nghĩa đòi hỏi huỷ bỏ những hiệp ước giữa Trung Quốc với nước ngoài không có lợi cho quyền lợi của dân tộc Trung Hoa, đều là những nhân viên "đỏ" tay sai của Mátxcơva", v.v..
Nhận định về tình hình của Chính phủ Quốc dân sau một năm, tác giả viết: "Dư luận nước ngoài, tuy còn chống đối những người dân tộc chủ nghĩa, bây giờ không còn cố chấp như đầu năm trước", "các giới chính trị của phần lớn các nước cũng xem xét những khả năng ấy", "các cường quốc nước ngoài công nhận Chính phủ", "Chính đảng mạnh, Quốc dân Đảng, chính đảng duy nhất có một tổ chức cho phép tiếp xúc thường xuyên với các giai cấp khác nhau trong nhân dân Trung Quốc, được thừa nhận như là người đại diện của những khát vọng dân tộc Trung Hoa, và Chính phủ Quốc dân, chính phủ duy nhất xứng đáng với cái tên ấy tồn tại ở Trung Quốc, được xem như là chính quyền duy nhất có thể nói chuyện được".
Nguyễn Ái Quốc cũng nêu một trong những lý do khiến dư luận nước ngoài đã có sự đánh giá khác về Chính phủ Quốc dân chỉ sau một năm:"Dư luận nước ngoài nhận thấy rằng Quốc dân Đảng thực sự mong muốn lợi ích cho Trung Quốc và Chính phủ Quốc dân thành thực mong muốn đạt điều đó.
Người nước ngoài nhận thấy rằng sau một năm thành lập Chính phủ Quốc dân ở Quảng Châu và ở các tỉnh, sự kiểm soát của những người dân tộc chủ nghĩa lan ra dần dần, những biện pháp về chính trị và hành chính thực sự nhằm mục đích thiết lập ở Trung Quốc một chính phủ của dân, do dân và vì dân, theo ba nguyên tắc lớn của người sáng lập Quốc dân Đảng".
* Trong năm 1928
Nguyễn Ái Quốc viết bài Đông Dương khổ nhục, ký bút danh NGUYỄN.
Tác giả tố cáo chính quyền thuộc địa, từ kẻ đại diện tối cao của Nhà nước chính quốc đến những tên thực dân bình thường, đều tự ý và đua nhau giết hại, bóc lột đến tận xương tuỷ xứ Đông Dương đã bị chinh phục và dân tộc Đông Dương đang bị đày đọa này. Tội ác của bọn côn đồ đó diễn ra hằng ngày và không đủ thì giờ để kể cho xiết. Đông Dương khổ nhục. Nhưng giờ đây, khi ách áp bức càng đè nặng lên vai dân chúng bao nhiêu thì dân chúng chống lại càng nhiều bấy nhiêu. Điều này chứng tỏ rằng, bây giờ căm hờn đã sôi sục trong lòng những người nô lệ và từ đây chủ nghĩa đế quốc Pháp không còn có thể bóc lột dân chúng Đông Dương mà không gặp phải những cuộc đấu tranh sinh tử để giành lại tự do và quyền sống. Bức màn mà chính phủ thuộc địa dựng lên để giấu giếm tội ác của chúng, bưng bít những tiếng thét căm hờn của người bản xứ và che đậy những cuộc khởi nghĩa bùng nổ liên tiếp, đã bị xé toang. Tội ác của chúng đã phơi bày trước giai cấp vô sản thế giới, đặc biệt là trước thợ thuyền Pháp.
Nhân danh Đông Dương khổ nhục, tác giả kêu gọi những ai đang đấu tranh ở khắp nơi, kêu gọi những người bạn Nga đã tự giải phóng mình khỏi tay bọn cường quyền: “Những người bạn bất hạnh của các bạn hiện đang giãy giụa ở Đông Dương. Họ đang trải qua những giờ phút khó khăn để tự giải phóng. Đế quốc Pháp đang giết hại họ, đang tước đoạt của cải của họ. Mong các bạn nghĩ tới họ; tiếng thét căm thù của họ phải được hoà lẫn với tiếng thét của các bạn để chặn bàn tay giết người của bọn đế quốc Pháp ăn cướp. Mong rằng sự quan tâm của các bạn đối với phong trào đấu tranh sẽ cổ vũ họ trong tương lai lật đổ được bọn đế quốc áp bức bóc lột”.
* Tháng 12-1929, ngày 23:Nguyễn Ái Quốc đến Trung Quốc chuẩn bị cho Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam.
* Ngày 31- 12-1930.
Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông báo tin“Một đại biểu Đảng Mã Lai đã đến đây hôm qua, 30-12-1930”,và cho biết“Hai đồng chí Việt Nam phụ trách liên lạc đã bị bắt ngày 11-12-1930, 11 đồng chí bị trục xuất khỏi Xiêm mới đến”, “hai đại biểu và một học sinh đã về đây ngày 31-12-1930, một người đã trở lại làm việc cũ”, “liên lạc của chúng ta đã bắt đầu tổ chức lại”...
Cuối thư, Người viết: “Tôi gửi cho các đồng chí một bài báo viết về Việt Nam”... và “rất nhiều bài khác nhưng không thấy một bài nào đăng ở Inprekorr...”
* Tháng 12- 1931
Ngày 6- 6, Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hồng Kông bất ngờ vây bắt tại ngôi nhà số 168, đường Tam Lung, Cửu Long.
- Ngày 1: Đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc gửi lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh được Toà án tối cao Hồng Kông chấp thuận.
- Ngày 17: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư kèm theo 300 yên và thuốc men của Thái tử Cường Để từ Nhật Bản gửi khi biết Người bị ốm nặng trong nhà ngục ở Hồng Kông.
* Ngày 28- 12-1932:Nguyễn Ái Quốc được đưa ra khỏi bệnh viện và được tự do.
* Khoảng mùa thu đến cuối năm1933
Ở Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng và đồng chí của mình. Nhờ đọc báo, Người được biết một đoàn đại biểu từ châu Âu đến Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc đang có mặt ở đây, trong đoàn có Pôn Vayăng Cutuyariê. Người liền viết thư gửi cho Pôn, thuê một chiếc xe du lịch đến tự tay bỏ vào thùng thư trước nhà bà Tống Khánh Linh để nhờ bà chuyển giúp tới Pôn Vayăng Cutuyariê.
Vài hôm sau, Nguyễn Ái Quốc gặp Pôn Vayăng Cutuyariê. Người kể cho Pôn Vayăng Cutuyariê biết hoàn cảnh khó khăn của mình. Còn Vayăng Cutuyariê nói cho Nguyễn Ái Quốc rõ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương và phong trào cách mạng thế giới thời gian qua. Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ này, Nguyễn Ái Quốc đã chắp được liên lạc với đoàn thể. Sau này, Người có dịp kể lại nỗi vui mừng của Người lúc ấy:
“Ba năm lưu lạc linh đinh,
Nay đà trở lại trong đại gia đình công nông”.
* Tháng 10 đến tháng 12-1934:Ở Trường Quốc tế Lênin, lúc đầu Nguyễn Ái Quốc sinh hoạt trong nhóm tiếng Trung Quốc. Vài ngày sau, thấy không thích hợp, Người được chuyển sang sinh hoạt ở những nhóm tiếng Pháp. Người thường gặp gỡ nhóm học sinh Việt Nam học ở Trường đại học Cộng sản Phương Đông để giúp đỡ họ trong học tập lý luận cũng như trong sinh hoạt.
* Khoảng cuối năm1936:Sau khi nhận công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc (Lin) chuyển chỗ ở về phố Bansaia Brônnaia, nhà số 6a, phòng 417.
* Khoảng cuối năm 1937:Được sự giúp đỡ của các giáo sư, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị tư liệu để bắt tay vào viết bản luận án với đề tài do Người tự chọn: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á.
* Tháng 12-1938:Nguyễn Ái Quốc viết bài Người Nhật Bản muốn khai hoá Trung Quốc như thế nào, ký tên P.C. Lin .
Dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc, bằng cách trích những đoạn trong một cuốn sách của một tác giả phương Tây và một số tài liệu sưu tầm khác, Người đã công bố nhiều con số, nhiều việc làm mà phát xít Nhật đã gây ra ở trại tị nạn Nam Kinh từ giữa tháng 12-1937 đến giữa tháng 12-1938. Bài viết tập trung vào chủ đề “Người Nhật Bản và trại những người tị nạn ở Nam Kinh” với các vấn đề “Hãm hiếp”, “Những vụ tàn sát”. Qua đó, Người tố cáo những vụ tàn sát dã man, như hàng chục nghìn đàn bà, con gái Trung Quốc ở nhiều lứa tuổi (kể cả những em gái dưới 10 tuổi và cả những bà già 60 tuổi) bị giặc Nhật bắt cóc và hãm hiếp.
Theo Người, những vụ việc, những con số khách quan ấy tuy chưa phản ánh đầy đủ tội ác của phát xít Nhật, nhưng “cũng đã đủ cho người ta một ý niệm về những gì mà bọn Nhật đã và đang tiến hành ở Trung Quốc. Và cũng như những gì mà chúng nhất định sẽ tiến hành tại các nước khác ở châu Á, nếu một khi chúng đã thắng được nhân dân Trung Quốc”.
Tác giả kết luận:“Bọn phát xít dã man tưởng rằng chúng có thể dùng khủng bố để làm bại hoại tinh thần của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Nhưng chưa bao giờ nhân dân và quân đội Trung Quốc lại đoàn kết và kiên quyết như ngày nay để đánh tan giặc ngoại xâm! Những sự tàn bạo của bọn Nhật sẽ được đáp lại một cách đích đáng bằng chủ nghĩa anh hùng vô song của những người Trung Hoa đang chiến đấu cho nền độc lập và sinh mệnh của mình”.
* Khoảng cuối năm 1939
Nguyễn Ái Quốc bí mật gặp ông Hồ Học Lãm, bấy giờ đã theo Bộ Tổng tham mưu quân Quốc dân Đảng rút về Trùng Khánh từ năm 1937.
Ông Lãm đã báo cho Người biết một số tình hình của Chính phủ Tưởng Giới Thạch, về hoạt động của Lê Thiết Hùng giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm lần quân Tưởng vây quét khu Xôviết.
Nguyễn Ái Quốc đã nhờ ông Lãm báo tin cho Lê Thiết Hùng tìm cách ra khỏi quân đội Tưởng, trở về Quế Lâm.
* Tháng 12-1940
- Đầu tháng: Từ Nam Ninh, Nguyễn Ái Quốc trong vai một nhà báo Trung Hoa, Phạm Văn Đồng trong vai phiên dịch cùng Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp... đi thuyền về Điền Đông. Đến Điền Đông, Nguyễn Ái Quốc lưu lại đó, cử Phạm Văn Đồng cùng một số đồng chí về Tĩnh Tây trước để nắm tình hình và tìm Vũ Anh lên gặp Người.
Sáng hôm sau, Nguyễn Ái Quốc được các đồng chí Vũ Anh, Hoàng Sâm, từ Tĩnh Tây đến đón.
- Một buổi sáng, Nguyễn Ái Quốc đến Tĩnh Tây. Người được bố trí ở nhà một cơ sở vốn là một gia đình Trung Quốc nghèo. Người bảo Vũ Anh về nước tìm một địa điểm bí mật, có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui.
- Tại Tĩnh Tây, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp bàn việc mở lớp huấn luyện để chuẩn bị về nước.
- Ngày 1: Bài Bịa đặt của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Vạch trần mánh khoé bịa đặt của Nhật và một số nước phương Tây, mà “Bịa đặt là một tội ác”,bài báo viết: “Ấy vậy mà, từ khi Chiến tranh đế quốc lần thứ hai bùng nổ đến nay, thói bịa đặt đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách ngoại giao của một số nước, không những các phóng viên thời sự, các chuyên gia tuyên truyền của họ bịa đặt, thậm chí cả nhà cầm quyền của đường đường một nước lớn cũng bịa đặt". Nhưng“giải quán quân thế giới về bịa đặt, rốt cuộc giặc lùn đã giành được”.Sau khi nêu lên những điều bịa đặt “lớn nhất” do nhà đương cục Nhật Bản dựng lên“trong hai tuần lễ vừa qua”, bài báo chỉ rõ: “Dù bịa đặt về phương diện nào thì cũng không ngoài mục đích gây chia rẽ. Kết luận của chúng ta là: Điều bịa đặt còn độc hại hơn cả hơi độc. Chúng ta phải đề cao cảnh giác, chỗ nào cũng phải đề phòng, đừng bị mê hoặc bởi những lời bịa đặt”.
- Ngày 2: Bài Nhân dân Việt Nam và báo chí Trung Quốc của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Bài báo kể qua các cuộc đấu tranh chống Pháp trong lịch sử cận đại Việt Nam và phê bình một số cơ quan thông tấn báo chí Trung Quốc (ám chỉ "Trung ương xã", cơ quan thông tấn của Quốc dân Đảng lúc bấy giờ) "dường như đã không bày tỏ sự đồng tình đối với cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân Việt Nam, trái lại còn đăng tải không có sự phê phán những lời xằng bậy của người Pháp (hoặc kẻ thù), nào là "Bạo động của dân bản xứ", nào là "Dân bản xứ Việt Nam nghe giặc lùn xúi giục, gây phiến loạn".
Bài báo chỉ rõ:"Phong trào giải phóng của Việt Nam là đội quân đồng minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. Về tinh thần cũng như về vật chất, chúng ta đều cần phải cổ vũ và giúp đỡ. Quốc phụ (chỉ Tôn Trung Sơn) từng dạy chúng ta: Giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu, cùng nhau phấn đấu giành lấy tự do độc lập. Cơ hội để thực hiện lời di huấn đó đã đến”.
- Ngày 4: Bài Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Dưới danh nghĩa một phóng viên Trung Quốc đưa tin nhân dân Việt Nam chi viện mọi mặt cuộc kháng chiến của Trung Quốc, tác giả bài báo viết: “đại đa số nhân dân Việt Nam đều hết sức đồng tình với cuộc kháng chiến của Trung Quốc. Họ cầu chúc chúng ta đánh thắng”. Việc giúp đỡ rất khảng khái, không sợ tù đày:“Có khi họ bí mật quyên góp, giấu giếm gửi cho các đoàn thể cứu quốc của kiều bào, vì vậy đã bị Chính phủ Pháp bắt giam hàng mấy chục vạn người”. Tuy vậy họ không chùn bước “Để đẩy mạnh tuyên truyền giúp Trung Quốc chống Nhật, đồng thời tránh sự can thiệp rắc rối của người Pháp", "Việt Nam độc lập đồng minh hội - một đoàn thể hoạt động rất hăng nhưng cũng rất bí mật - đã nghĩ ra được một cách rất tài tình: Họ đặt ra những bài hát theo những làn điệu quen thuộc và dạy cho trẻ con hát. Thế là tự nhiên các em bé Việt Nam trở thành những tuyên truyền viên rất đắc lực. Những bài hát đó chẳng mấy chốc đã truyền khắp cả nước”. Cuối cùng, bài báo đã chép lại một bài ca dao lưu hành ở Việt Nam, có nhan đề Cứu Trung Quốc là tự cứu mình. Nội dung như sau:
“Nhật Bản, phát xít ở phương Đông,
Dã man, cuồng bạo lại tàn hung.
Vào Trung Hoa, gây chiến xâm lược,
Nhân dân Trung Quốc khổ vô cùng.
Người thì bị giết, nhà bị đốt,
Núi đầy xương, đất đầy máu đỏ.
Tàu bay, bom đạn tránh làm sao?
Đói rét, ốm đau sống thật khó.
Họ đang đấu tranh rất gian khổ,
Giữ gìn dân chủ và hoà bình.
Họ đang cần có người viện trợ,
Họ đang cần được sự đồng tình.
Giặc Nhật tấn công cả thế giới,
Là kẻ thù chung toàn nhân loại.
Mau đứng lên giúp đỡ Trung Hoa.
Anh chị em Việt Nam ta hỡi!
Ra sức giúp cho người Trung Quốc,
Trung - Việt, khác nào môi với răng.
Nhớ rằng môi hở thì răng buốt,
Cứu Trung Quốc là tự cứu mình”.
- Ngày 5: Bài Mắt cá giả ngọc trai của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Việc quân Nhật cho tay chân đóng giả nhân dân Trung Quốc bỏ vùng bị chiếm“trở về trong lòng Tổ quốc”, để tung tin đồn nhảm, dò la tin tức, được tác giả bài báo gọi là “trò mắt cá giả ngọc trai”. Điều này cũng diễn ra tương tự ở Việt Nam, quân Nhật lập ra “đảng cách mệnh”Việt Nam giả để chia rẽ lực lượng nhân dân Việt Nam đấu tranh cho giải phóng dân tộc. Thế mà, một số tờ báo Trung Quốc lại đăng cái gọi là tuyên ngôn của "Đảng thống nhất cách mạng Việt Nam",tuyên truyền chocái tổ chức Việt gian được đế quốc Nhật nuôi nấng này thành ra một “đảngcách mạng”. Bài báo chỉ rõ những điều xảo trá, lừa gạt của “Tuyên ngôn”này và kết luận: “Đối với nhân dân Việt Nam, đối với phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, chúng ta phải giúp đỡ bằng mọi khả năng có thể. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải cẩn thận, phải vạch trần cái trò mắt cá giả ngọc trai đó”.
- Ngày 16: Bài Ý đại lợi thực bất đại lợi của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Mở đầu bài viết, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ:“Đánh bạc với chiến tranh là thủ đoạn quen dùng của giai cấp thống trị Ý”.Người đã vạch rõ sự tính toán hơn thiệt của Ý khi cùng Anh - Pháp - Nga đánh Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, rồi trong Chiến tranh thế giới thứ hai lại đứng về phía Đức chống Đồng minh. Song quân Ý đã thất bại nặng nề trong chiến tranh xâm lược và gặp“những chuyện bất lợi...". “Tất cả những sự việc đó cho chúng ta thấy rõ rằng giấc mộng của Mútxôlini muốn khôi phục lại Impiris Romano đã thành bong bóng xà phòng, và cái ngày mà nhân dân Ý thoát khỏi gông xiềng phát xít đã sắp đến rồi”.
- Ngày 18: Bài Việt Nam “phục quốc quân” hay là “mại quốc quân” của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Mở đầu bài viết, tác giả vạch rõ âm mưu của Chính phủ Nhật “đối xử rất tốt với những thanh niên Việt Nam sang Nhật, và lợi dụng phong trào chống Pháp để hù doạ đế quốc Pháp”. Song, sau đó lại cấu kết với Pháp, trục xuất số thanh niên này, chỉ giữ lại một số người, trong đó có Trần Mỗ, tức Trần Văn An, trên thực tế là một tên bán rẻ dân tộc, lập ra tổ chức phục quốc quân để lừa bịp nhân dân, phục vụ ý đồ của Nhật. Bài báo phê bình sai lầm của một số tờ báo Trung Quốc coi Việt Nam “phục quốc quân” là“đội tiên phong cách mạng dân tộc”và chỉ rõ: “chúng ta cần phân biệt rõ các đoàn thể chính trị và vũ trang của Việt Nam, không nên nhầm các tổ chức Việt gian thành “phong trào dân tộc”, càng không nên nhầm phong trào dân tộc chân chính của Việt Nam là “bọn thổ phỉ” hoặc "bị kẻ địch xúi giục"".
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)
Phần 3. Giai đoạn 1941 - 1945
* Tháng 12- 1941
- Ngày 6: Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc dự lễ kết nạp Nông Thị Trưng vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Lễ kết nạp do chi bộ cơ quan tổ chức.
Là một trong hai người giới thiệu, Người phát biểu:“Qua một thời gian khá dài, trong quá trình học tập và công tác, đồng chí Trưng đã tỏ ra có nhiều cố gắng, có đức tính hy sinh, kiên quyết cách mạng... Đồng chí đã xứng đáng là một đảng viên...”.
- Ngày 21: Bài Thế giới đại chiến và phận sự dân ta của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 113. Sau khi phân tích diễn biến của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai16, Người nêu câu hỏi:“Thế thì dân ta nên làm sao để tránh khỏi cái nạn ấy?” và Người tự trả lời: “Dân ta nên làm 2 việc:
1 là - Bất kỳ quân đội nào tới gần vùng mình, dân ta phải làm cách "nhà không vườn trống"... Bao giờ quân đội tới gần làng, trai tráng sẽ tránh đi, chớ để cho chúng bắt phu. Chỉ bao giờ Việt Minh có lệnh giúp cho quân đội nào thì dân ta sẽ giúp quân đội ấy.
2 là - Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào "Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào "Thanh niên Cứu quốc hội". Phụ nữ vào "Phụ nữ Cứu quốc hội". Trẻ con vào "Nhi đồng Cứu quốc hội". Công nhân vào "Công nhân Cứu quốc hội". Binh lính vào "Binh lính Cứu quốc hội". Các bậc phú hào văn sĩ vào "Việt Nam Cứu quốc hội"".
Cuối cùng, Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào! Cơ hội giải phóng đến rồi, mau mau đoàn kết lại!!!”.
* Tháng 12-1942
- Từ ngày 2 đến ngày 8: Từ nhà ngục Thiên Giang ( Trung Quốc), Hồ Chí Minh bị giải đi Liễu Châu. Chặng đường Thiên Giang - Lai Tân, sau một đoạn đường bị giải đi bộ, từ Hợp Sơn đến Lai Tân, Người bị giải đi trên một toa xe lửa chở than.
- Ngày 9: Hồ Chí Minh bị giải đến Liễu Châu.
- Từ ngày 10 đến cuối tháng: Tại Liễu Châu, sau một thời gian chờ đợi, Hồ Chí Minh bị giải đến một cơ quan chỉ huy của Quốc dân Đảng Trung Quốc và được biết phải đến Quế Lâm.
* Khoảng tháng 12-1943
Tại Liễu Châu, Hồ Chí Minh dự một bữa tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Nguyễn Hải Thần đọc một vế thách đối:“Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh”. Mọi người còn đang suy nghĩ thì Hồ Chí Minh ung dung đối lại:“Nhĩ cách mệnh, ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách”.
Mọi người vỗ tay tán thưởng. Hầu Chí Minh ca ngợi không ngớt: “Đối hay lắm!”. Nguyễn Hải Thần cũng cung kính nói: “Hồ tiên sinh tài trí mẫn tiệp. Bội phục! Bội phục!”.
-Bài Libăng đăng trên báo Đồng minh số 18, tháng 12-1943, giới thiệu về cuộc đấu tranh của nhân dân Libăng chống thực dân Pháp để giành được độc lập, tự do thực sự. Qua cuộc đấu tranh của nhân dân Libăng và sự đàn áp của thực dân Pháp, tác giả bài viết rút ra hai kết luận:
1- Bọn thực dân, dù là phe phái nào đều “mang tâm lang sói”, đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân bị áp bức.
2- Nhân dân Việt Nam “đang chuẩn bị đánh Nhật, đuổi Pháp để giành lấy sự độc lập tự do”, nên “rất đồng tình và mong cho công cuộc cách mạng của dân tộc Libăng được thắng lợi”.
* Tháng 12-1944
- Khoảng đầu tháng: Hồ Chí Minh triệu tập Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh đến Pác Bó. Người nghe Vũ Anh báo cáo về tình hình phong trào cách mạng trong ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng và chủ trương phát động chiến tranh du kích của Liên tỉnh uỷ. Người chỉ định Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung.
Đêm ấy, ba người cùng ngủ trong một căn lều lạnh giá, không đèn đóm, mỗi người gối trên một khúc gỗ cứng, trò chuyện đến hai, ba giờ sáng.
Chiều hôm sau, Người gặp Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba, thông qua kế hoạch thành lập Đội. Người thêm hai chữ “Tuyên truyền” vào tên Đội Việt Nam giải phóng quân.
+ Hồ Chí Minh tiễn chân Võ Nguyên Giáp trở về tổng Hoàng Hoa Thám để xúc tiến thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Người căn dặn:“Nhớ bí mật: Ta ở đông, địch tưởng ta ở tây. Lai vô ảnh, khứ vô tung”.
- Khoảng giữa tháng: Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thư nhỏ (được đặt trong bao thuốc lá) cho Võ Nguyên Giáp. Đó là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nội dung chỉ thị gồm ba vấn đề chủ yếu:
1. Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. “Đội” có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực".
2. Đối với các đội vũ trang địa phương: Tập trung huấn luyện các cán bộ địa phương rồi đưa về huấn luyện ở các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
3. Về chiến thuật: “Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”.
Người khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam"
* Tháng 12- 1945
- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các ông J. Xanhtơny, L.Pinhông và L.Capuýt tại Hà Nội. Cùng dự có các ông Hoàng Minh Giám và Võ Nguyên Giáp. Người tỏ ý muốn có cuộc gặp gỡ với Đô đốc Đácgiăngliơ để bàn và thảo một kế hoạch đàm phán Việt - Pháp.
17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề tự do ngôn luận, bổ khuyết Sắc lệnh Tổng tuyển cử, Sắc lệnh về Bộ Canh nông. Người thông báo đã đề nghị với Việt Nam Quốc dân Đảng hoãn cuộc đàm phán về những yêu sách của đảng ấy đến cuộc Tổng tuyển cử.
- Ngày 3: Tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Phát biểu với hội nghị, Người nêu rõ: "Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói".Đồng thời, Người căn dặn các dân tộc thiểu số hiện nay cần ra sức Đoàn kết hơn trước chống xâm lăng; Tăng gia sản xuất; Cứu giúp đồng bào dưới xuôi về nạn đói, ủng hộ Chính phủ kháng chiến và cứu đói; Gây thân thiện giữa ta và Trung Hoa, nhất là các dân tộc ở các miền biên giới.
17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ tiếp tục bàn về việc Tổng tuyển cử; vấn đề tìm người tài đức; vấn đề mua bán bất động sản của người Pháp; việc Ngân hàng Đông Dương Pháp chưa mở cửa để giải quyết vấn đề giấy bạc 500 đồng...
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào thiểu số, thông báo để đồng bào biết rằng ngày 3 - 12- 1945“là một ngày rất vẻ vang cho nước Việt Nam, đó là ngày Đại hội của các dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Hơn 20 dân tộc, họp lại một nhà, tay bắt mặt mừng, rất là thân ái. Đó là một cuộc Đại hội xưa nay chưa từng có, một cuộc thân thiện làm cho cả nước vui mừng”.Người đề nghị đồng bào dân tộc thiểu số “giúp đỡ cuộc kháng chiến, trồng trọt chăn nuôi, đoàn kết chặt chẽ, ủng hộ Chính phủ”... Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên những nhiệm vụ mà Chính phủ phải “gắng sức giúp các dân tộc thiểu số để mở mang nông nghiệp, nâng cao giáo dục...".
- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Người ca ngợi gương chiến đấu hy sinh của đồng bào, chiến sĩ; khẳng định nhân dân cả nước luôn luôn bên cạnh đồng bào Nam Bộ, Nam Trung Bộ và chỉ rõ cuộc kháng chiến tuy có khó khăn nhưng nhất định thắng lợi.
17 giờ, Người dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc chọn thêm một số thân sĩ để mời ra ứng cử; xem xét vấn đề lương cho công chức; quyết định tổ chức Bộ Thanh niên; bàn việc sửa chữa đường sắt Hải Phòng - Vân Nam; lập Ban Báo chí, định những nguyên tắc kiểm duyệt và bàn việc trợ cấp cho hai bà Thành Thái và Duy Tân (mỗi bà 500 đ Đông Dương hàng tháng).
- Ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ba đại biểu Phụ lão Cứu quốc Hải Phòng. Theo yêu cầu của các đại biểu, Người nói chuyện về tình hình nước nhà, vấn đề cứu đói, công cuộc chống ngoại xâm và đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ. Các đại biểu hứa với Người sẽ về giải thích cho quần chúng biết mọi công việc mà Chính phủ đang gắng sức làm để giành lại nền độc lập tự do cho nước nhà.
17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn thêm về việc chọn người ra ứng cử Quốc hội và việc Ngân hàng Đông Dương đã thoả thuận đổi giấy bạc 500 đ cho người Việt Nam (trước đó Pháp quyết định ngừng tiêu giấy bạc 500 đ).
- Ngày 6: Tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ tuyên thệ ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của Hội Cựu binh sĩ Cứu quốc.
Cùng ngày, báoViệt Nam (số 19) công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi hai ông Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh, kêu gọi sự đoàn kết và đưa ra những đề nghị cụ thể:
"a. Xin mời các đồng chí Quốc dân Đảng tham gia việc Tổng tuyển cử ở các nơi.
b. Xin cho chúng tôi biết những đồng chí ra ứng cử ấy muốn ứng cử ở nơi nào để cho tiện việc biên tên vào danh đơn ứng cử.
c. Các ông ấy được hoàn toàn tự do hoạt động ứng cử cũng như các đảng phái khác. Chúng tôi xin phụ trách bảo vệ và giúp đỡ các ông ấy.
d. Từ ngày nay cho đến ngày Quốc hội khai mạc, hai bên phải tôn thủ điều kiện đã cùng nhau ký tại ngày 24 tháng 11, tức là "không công kích nhau bằng lời nói và hành động".
- Ngày 7: Tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo Việt Nam Quốc dân Đảng đòi giữ ba chức Bộ trưởng và chức Đổng lý Nội các. Người đề nghị giao cho Việt Nam Quốc dân Đảng các chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Vệ sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền. Phó Chủ tịch Chính phủ hoặc Tham mưu trưởng, hoặc Trưởng đoàn Cố vấn. Ý kiến của Người được Hội đồng tán thành.
Hội đồng quyết định cử Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Cùng ngày, thư của Chủ tịch Hồ Chí MinhGửi nông gia Việt Nam, đăng trên báoTấc đất, số 1. Người chỉ rõ:“Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: Cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam”,và kêu gọi nông dân:“Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”.
- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng và quyết định nếu cuộc điều đình có kết quả thì Chính phủ sẽ hoãn cuộc Tổng tuyển cử để các ứng cử viên Quốc dân Đảng có thì giờ tham gia ứng cử.
- Ngày 9: Tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về vấn đề điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội. Người cho biết họ không chịu chấp nhận những đề nghị của Chính phủ và chiều nay, Người tiếp tục đàm phán với họ.
- Ngày 10: Tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề Tổng tuyển cử, vấn đề điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng... Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Hội đồng tập trung bàn các vấn đề sau:
+ Làm thế nào để các Uỷ ban làng tổ chức cuộc bầu cử cho đúng;
+ Làm thế nào để các cử tri biết cách bỏ phiếu;
+ Làm thế nào để cho cử tri đi bỏ phiếu thật đông.
- Ngày 11: Hồi 17 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ tiếp tục bàn về vấn đề Tổng tuyển cử và nghe báo cáo về vấn đề thương lượng với Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng.
- Ngày 12: Chiều, tại phòng Hội đồng thị chính Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp mặt của các vị ra ứng cử đại biểu Quốc hội ở Hà Nội. Cuộc họp do cụ Nguyễn Hữu Tiệp, người cao tuổi nhất, chủ trì. Các ứng cử viên thảo luận hai vấn đề chính:
1. Lập một ban liên lạc làm trung gian.
2. Lập một chương trình của Mặt trận liên hiệp quốc dân với nguyên tắc chung là: thống nhất, kháng chiến, độc lập hoàn toàn, tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế.
- Ngày 13: Lúc 10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề đổi giấy bạc 500đ, vấn đề đẩy mạnh cổ động và tuyên truyền phục vụ Tổng tuyển cử.
- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào ngoại thành Hà Nội. Toàn văn bức thư như sau:
“Cùng toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội.
Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới.
Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa.
Tôi thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội.
Hồ Chí Minh”
- Ngày 16: Bài viết: "Hồ Chủ tịch khuyên răn bộ đội", đăng trên báoChiến thắng, tờ báo của Việt Nam Vệ quốc đoàn, xuất bản tại Hà Nội (số 16 và 18 ngày 16 và ngày 18-12-1945) ghi lại những khuyết điểm mà bộ đội phải sửa ngay. Đó là:
1. Ham hình thức mà không chú ý đến những điều thiết thực: Thích ăn mặc chải chuốt, may quần áo bằng vải đắt tiền, đi ủng, đeo súng cho ra vẻ sĩ quan, vài ngày lại giết bò, tìm chỗ đóng (quân) cho đẹp...
2. Không bí mật: Phải làm sao cho mình biết địch mà địch không biết mình.
3. Cẩu thả: Ngày thường không chịu phòng bị cẩn thận; ngay cả chỉ huy cũng chỉ dặn dò, hỏi han cấp dưới qua loa.
4. Công tác chính trị đối với dân chúng rất kém; có đồng chí cố ý tỏ ra là quan, là lính cho dân sợ.
5. Hiểu nhầm chữ "tự do": Quân đội không thể vô chính phủ được, phải có kỷ luật.
6. Làm việc không có kế hoạch: Công việc gặp gì làm nấy, hời hợt, không thiết thực, không có kết quả...
Từ thực tế trên, Người yêu cầu mọi người phải sửa chữa những khuyết điểm ngay và phải chú ý:
1. Phải gắng sức học tập.
2. Kỷ luật nghiêm: Ai nấy đều phải tuân theo kỷ luật; Không thể trì hoãn, phải làm kiên quyết và mau mắn.
3. Chịu khó, chịu khổ: Muốn giữ vững tinh thần chiến đấu, muốn dẻo dai trong lúc tác chiến, ngay bây giờ bộ đội phải tập ăn uống kham khổ, chịu đựng sự thiếu thốn cho quen; tập đi bộ, tập mang nặng, làm việc tỉ mỉ... Chịu khó chịu khổ là phương thuốc bổ cho tinh thần và lực lượng của bộ đội. Phải tham gia sản xuất để có rau ăn, trứng rán...
- Ngày 17: Tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về việc Việt Nam Quốc dân Đảng yêu cầu tiếp tục cuộc điều đình và hoãn cuộc Tổng tuyển cử. Người đã yêu cầu Việt Nam Quốc dân Đảng viết rõ những đề nghị của họ.
Hội đồng Chính phủ đã quyết định tiếp tục cuộc điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng và hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27-12-1945.
- Ngày 18: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Trần Tu Hoà, đại diện của Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa tại Việt Nam. Tướng Trần Tu Hoà thay mặt Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam trình bày về đề nghị: Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam sẽ đứng ra “điều đình”, thông qua hiệp thương giữa các đảng phái thành lập một Chính phủ liên hiệp lâm thời có đại biểu các tầng lớp tham gia để tổ chức cuộc Tổng tuyển cử và yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh lui thời gian tiến hành bầu cử lại hai tuần.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề về tài chính (mua lại Nhà in Taupin, cho phép Nam Bộ phát hành ngân phiếu, phụ cấp đặc biệt cho người ít lương), vấn đề tư pháp, vấn đề người Trung Hoa yêu cầu Chính phủ mua gạo cho họ.
16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư (bằng chữ Hán) gửi tướng Trần Tu Hoà. Trong thư, Người thông báo quyết định của Chính phủ Việt Nam sẽ lui ngày Tổng tuyển cử trong toàn quốc lại hai tuần. Đồng thời, Người giải thích rõ thêm một số vấn đề như tổ chức và thành phần Mặt trận Việt Minh, Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Việt Minh, về tổ chức chính quyền ở địa phương, về việc triệu tập Quốc hội sau khi Tổng tuyển cử toàn quốc. Người còn gửi kèm theo bức thư một danh sách ứng cử viên tham gia Tổng tuyển cử của 11 tỉnh Bắc Kỳ. Người nói rõ: "Về ngoại giao tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Đồng minh, trước hết là Trung Quốc. Liên lạc và hỗ trợ các dân tộc bị áp bức". "Khẩu hiệu của Việt Minh là liên Hoa, kháng địch, độc lập".
- Ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề canh nông; nghe đề nghị của Việt Nam Quốc dân Đảng và quyết định sẽ đề nghị họ tham gia Chính phủ và ra ứng cử; vấn đề tư pháp: cử ra một tiểu ban để chọn nhân viên thẩm phán.
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ miền Nam. Người thay mặt Chính phủ khen ngợi chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc"Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn".
- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp với đại diện các đảng phái (Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội) bàn về việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời. Người đã ký vàoVăn kiện 14 điềuthoả thuận về cơ cấu thành phần trong Chính phủ mới và nhiều vấn đề quan trọng khác. Văn kiện này còn kèm theo4 điều phụ kiệnvề tổ chức bộ máy Chính phủ và nhân sự giữ cương vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ khi Chính phủ liên hiệp chính thức thành lập.
- Ngày 24: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Việt Minh cùng với Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh thay mặt cho Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội cùng ký tên công nhận các thoả thuận sau:
1.Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Trên tinh thần thân ái và chân thành, cùng nhau thoả thuận để giải quyết mọi vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng vũ lực gây ra những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ.
2. Kể từ ngày 25-12-1945,đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội và kháng chiến.
3. Bắt đầu từ ngày 25-12-1945, đôi bên đềuđình chỉ hết thảy những việc công kích nhaubằng ngôn luận và hành động.
10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ thông báo về những thoả thuận đã đạt được với Việt Nam Quốc dân Đảng. Hội đồng còn bàn về các vấn đề tư pháp và giao thông.
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minhgửi thư cho Các vị linh mục và đồng bào Công giáo Việt Nam nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh. Bức thư có đoạn:"Trong lịch sử Việt Nam ta, lần này là lần đầu mà đồng bào công giáo ta làm lễ Nôen một cách vui vẻ sung sướng trong nước Việt Nam độc lập tự do. Tôi chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị Giám mục Việt Nam, đồng bào công giáo quyết một lòng với nhân dân toàn quốc để giữ vững nền tự do độc lập đó".
- Ngày 26: Hồi 15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo hàng ngày và hàng tuần của Việt Nam (có hai đại biểu của báoTiếng gọi Phụ nữcũng tham gia). Người nêu rõ ý nghĩa của vấn đề đoàn kết giữa Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội trong Chính phủ lâm thời mở rộng.
- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn các ông bà: Bùi Huy Đức, Hoàng Gia Luận, Hồ Đắc Điềm, Hoàng Thị Đắc, Trần Hữu Vy đã đi đầu, đóng góp nhiều nhất cho phong trào nhường cơm sẻ áo, cứu giúp đồng bào đói khổ. Thư Người viết:“Ngoài sự tỏ rõ tấm lòng bác ái, sự giúp quyên của các ngài và các bà lại còn có ý nghĩa khác:
1. Là làm gương cho các nhà phú hộ khác, mong cho ai cũng đua nhau làm việc nghĩa.
2. Là tỏ rõ rằng các phú hộ tiên tiến Việt Nam ta đã thực hành câu: “Cứu một người hơn mười đám cháy”.
3. Là chứng tỏ rằng toàn quốc đồng bào ta, tầng lớp nào cũng sẵn lòng giúp Chính phủ; vì trách nhiệm của Chính phủ là phải giúp dân, các ngài, các bà giúp đồng bào tức là giúp Chính phủ".
- Ngày 28: Hồi 10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc lập toà án ở huyện và tỉnh; vấn đề can thiệp để Chính phủ Xiêm (Thái Lan) thả chính trị phạm Việt Nam. Về vấn đề những quan lại bị Chính phủ Trần Trọng Kim “triệt hồi” và truy tố nhưng chưa đem xét xử, Hội đồng quyết định hoãn.
- Ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho ông Hoàng Văn Đức - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh để giao nhiệm vụ mời đại biểu củaĐảngDân chủ đến Bộ Nội vụ bàn cách đối phó với các đảng đối lập đang âm mưu tung quân ngăn cản đồng bào Thủ đô vận động tuyên truyền cho bầu cử sắp tới.
- Ngày 31: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:ý nghĩa Tổng tuyển cửvàThế giới với Việt Nam (ký bút danh Q.Th), đăng trên báoCứu quốc,số 130.
Bàiý nghĩa Tổng tuyển cửnêu rõ:“Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”, và mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này.
Trong bàiThế giới với Việt Nam,tác giả trích dẫn ý kiến phát biểu của các nhà lãnh đạo, các chính khách, các Chính phủ Trung Hoa, Hoa Kỳ, Nga Xô viết, và những lời bình luận của báo chí thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với nền độc lập của Việt Nam. Bài báo kết luận:"Chúng ta cứ bền gan, vững chí xây đắp thực lực để kiên quyết chiến đấu, sức chiến đấu ấy sẽ làm cho hoàn cầu thừa nhận nền độc lập hoàn toàn của chúng ta".
10 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Hội đồng nghe và thông qua chương trình buổi lễ nhậm chức của Chính phủ liên hiệp lâm thời sẽ tổ chức tại Nhà hát thành phố ngày 1-1-1946 và bàiChúc quốc dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc.
- Trong tháng
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh raLời kêu gọi sau việc tàu bay địch tàn sát đồng bào Nam Bộ. Người kêu gọi đồng bào hãy tỏ cho người Pháp biết rằng:
“1. Chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, công lý, nhân đạo. Chúng ta phải khoan hồng và bảo vệ tính mệnh, tài sản cho họ.
2. Gặp hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải bình tĩnh, giữ trật tự, giữ kỷ luật.
3. Về cách đối đãi với người Pháp – cũng như về các việc khác – nhân dân phải tuyệt đối nghe theo mệnh lệnh của Chính phủ, không được tự ý làm bừa”.
Người đồng thời nhắc nhở tất cả người Pháp và người Việt đều phải đề phòng bọn khiêu khích, tránh sự hiểu lầm và xung đột giữa người Pháp và người Việt.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh raLời kêu gọi gửi đồng bào Bắc Bộ, nhắc nhở đồng bào phải biết theo mệnh lệnh của Chính phủ để "làm cho thế giới thấy rằng dân tộc ta xứng đáng độc lập, Chính phủ ta có đủ oai quyền". Người yêu cầu nhân dân Bắc Bộ đình chỉ việc bất hợp tác, giữ thái độ bình tĩnh giúp Chính phủ giữ gìn trật tự.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ. Người ca ngợi tinh thần hy sinh cho dân tộc của các chiến sĩ Nam Bộ và Nam Trung Bộ trong ba tháng chiến đấu chống Pháp vừa qua và khẳng định:"Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta".
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)
Phần 5. Giai đoạn 1950 - 1953
* Tháng 12- 1950
- Từ ngày 18 đến ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ để xem xét tình hình thế giới từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12, kiểm điểm công tác của chính quyền trong năm 1950, kiểm điểm tình hình một năm chuẩn bị tổng phản công, thông qua Chương trình hoạt động năm 1951 và quyết định về một số vấn đề quan trọng.
Tổng kết Hội nghị, sau khi nhắc lại những nhiệm vụ nặng nề của Chính phủ, của các cấp các ngành chính quyền, của các đoàn thể và của toàn dân, Người nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của chúng ta không những là phải giải phóng đất nước, xây dựng một nước Việt Nam mới - độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường, mà còn phải góp sức vào công cuộc bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới".
Tối ngày 19, để kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến, Người cho tổ chức lửa trại và liên hoan văn nghệ. Các vị trong Quốc hội và Chính phủ đều tham gia. Người cũng tham gia một tiết mục: Đọc thơ của vợ chồng một ông cụ trên 70 tuổi gửi tiền biếu Người.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh raLời kêu gọinhân dịp kỷ niệm một năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Đánh giá sự thay đổi lực lượng giữa địch và ta mấy năm vừa qua, Người chỉ rõ: "Tình thế bên địch ngày càng khó khăn",còn "ta đã từ bị động chuyển dần sang chủ động, từ thế yếu chuyển dần sang thế mạnh, từ thế thủ chuyển dần sang thế công". Người kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Tuyệt đối chớ vì thắng mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng: Càng gần thất bại, địch càng cố gắng, càng hung dữ, càng liều mạng. Càng gần thắng lợi ta càng gặp nhiều sự gay go. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và lực lượng để đối phó với những khó khăn mới".
Cùng ngày, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân giải phóng Việt Nam, Người gửi thư tớiQuân đội quốc gia, bộ đội địa phương và dân quân Việt Nam. Bức thư có đoạn: "Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân nên hy sinh kham khổ.
Quân đội ta luôn luôn giữ gìn và phát triển truyền thống anh dũng của Quân giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng gồm 10 điều kỷ luật.
Với quân đội ấy, kháng chiến nhất định thắng lợi".
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 477/SL, tặng thưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Ba về thành tích: "Đã chỉ huy quân đội và dân quân chiến thắng giặc trong 5 năm kháng chiến trên các chiến trường, đặc biệt trong trận bảo vệ Việt Bắc - Thu Đông 1947 và trong Chiến dịch giải phóng biên giới mùa Thu 1950".
- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Liên khu IV do ông Lê Viết Lượng, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu IV làm Trưởng đoàn. Người nghe ông Lượng báo cáo tình hình mọi mặt của các tỉnh trong Liên khu, và căn dặn các vị trong Đoàn phải chú ý chăm lo sản xuất và chăm lo đời sống của nhân dân, phải đi sát dân giúp đỡ kế hoạch và động viên nhân dân sản xuất, chiến đấu.
- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thưGửi các tù binh Phápđang bị giam giữ tại Việt Nam. Bức thư viết:
"Các bạn thân mến,
Tôi xin chúc các bạn một Nôen tốt đẹp. Đành rằng các bạn còn thiếu thốn rất nhiều cho lễ đó, nhưng lỗi là thuộc về phía thực dân Pháp...
Nhân dân Việt Nam xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống của các bạn được tốt hơn.
Hãy kiên nhẫn và giữ gìn kỷ luật.
Một lần nữa, chúc các bạn một Nôen, một năm mới tốt đẹp.
H.C.M"
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nôen. Bức thư có đoạn:"Lâu nay, đồng bào đã ghi nhớ lời dạy của Đức Chúa và lời kêu gọi của Tổ quốc, đã đoàn kết và kháng chiến. Ngày nay, cuộc kháng chiến cứu nước đang chuyển sang giai đoạn mới, đồng bào càng phải vì Đức Chúa, vì Tổ quốc mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kháng chiến hăng hái hơn nữa, để sớm đến ngày thắng lợi và thái bình".
- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ và cán bộ tham gia Chiến dịch Trung du, căn dặn:"Lần này các chú phải cố gắng hơn nữa, vì chiến dịch này rất là quan trọng. Vả chăng, chiến dịch này là lần đầu tiên ta đánh ở đồng bằng, và địch thì có chuẩn bị.
Chính vì lẽ đó mà ta quyết phải thắng".
Người nhắc nhở:
"Mỗi một người, mỗi một đơn vị, mỗi một bộ phận đều phải:
Bí mật hơn
Nhanh chóng hơn
Kiên quyết hơn.
Chiến dịch này, các chú nhất định phải đánh thắng".
* Tháng 12- 1951
- Ngày 3: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 1 nhân với 8 thành hơn 825, ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc, số 1962.
Qua kết quả cao của việc bán đấu giá một tờ phiếu công trái, tác giả chorằng “nếu khéo tổ chức khắp các tỉnh, thì chắc kết quả sẽ to gấp mấy” và nêu rõ ý nghĩa của nó chính là “tinh thần nồng nàn yêu nước của đồng bào luôn luôn sẵn sàng hy sinh cho những việc đáng làm, những việc kháng chiến...”.
- Ngày 5: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một chuyện buồn cười, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1964. Bài báo chỉ trích sự tuyên truyền phản động của Mỹ đã làm cho nhân dân Mỹ hoang mang đến nỗi không dám ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ.
- Ngày 6: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 35.
+ BàiTổ quốc độc lập tôn giáo mới tự do, nêu gương phong trào công giáo yêu nước ở Trung Quốc và qua đó biểu dương đồng bào công giáo Việt Nam hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc.
+ Bài Tiền bán nước,tố cáo chính quyền bù nhìn Bảo Đại quyên tiền của nhân dân để phục vụ cho lũ thực dân cướp nước. Đó là tội ác chồng tội ác, nó làm cho đồng bào ta càng thêm căm thù, kiên quyết tiêu diệt chúng.
- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời các chiến sĩ quân đội. Người khen ngợi thành tích chiến đấu của bộ đội và căn dặn các chiến sĩ phải giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng, giúp đỡ nhân dân, không chủ quan khinh địch, đối đãi tử tế với tù binh địch và cố gắng thắng nhiều trận hơn nữa.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa toàn quốc năm 1951. Sau khi chỉ rõ “Văn hóa, văn nghệ cũng làmột mặt trận” và“Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”,Người đã nêu lên nhiệm vụ và những chỉ dẫn cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ đó cho các chiến sĩ trên mặt trận văn hoá nghệ thuật và khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
- Từ ngày 10 đến ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị đại biểu những người công giáo kháng chiến Liên khu 3(Hội nghị họp từ ngày 12 đến ngày 13-12-1951). Trong thư, Người biểu dương tinh thần yêu nước của đồng bào công giáo và kêu gọi đồng bào hăng hái thi đua, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.
- Ngày 13: Ba bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 36:
+ Bài Tinh thần trách nhiệm, nêu lên nguyên nhân những thiếu sót của phê bình và tự phê bình ở các nơi là do chưa nêu rõ tinh thần trách nhiệm,đồng thời chỉ rõ thế nào là tinh thần trách nhiệm và kết luận:“...Với lòng kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chúng ta nhất định chiến thắng khuyết điểm, cũng như nhất định chiến thắng thực dân”.
+ Bài Thi đua ái quốc, nêu lên phương pháp thi đua ở các cấp, các ngành ở Trung Quốc và kêu gọi đồng bào Việt Nam hãy thi đua với anh em Trung Quốc.
+ Bài Những trí thức gương mẫu, nêu những gương thi đua mẫu mực của những người trí thức cao tuổi ở Trung Quốc và kết luận:
“Tuổi cao chí khí càng cao,
Tấm lòng yêu nước xiết bao nồng nàn!”.
- Ngày 14: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tự do và hòa bình kiểu Mỹ,ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1970. Thông qua việc dẫn các sự kiện diễn ra trong xã hội Mỹ về sự đối xử tàn ác của Chính phủ Mỹ đối với các chiến sĩ hoạt động cho hòa bình ở Mỹ và các nước khác, cũng như thực tế ở Triều Tiên, tác giả vạch trần sự thật về “tự do và hòa bình” kiểu Mỹ.
- Khoảng giữa tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nghe ông Hoàng Quốc Việt báo cáo kết quả chuyến đi thăm Trung Quốc, Triều Tiên. Khi ông Hoàng Quốc Việt trao khẩu súng tiểu liên do công binh xưởng Triều Tiên tặng, Người xúc động nói: “Đây là một biểu hiện của chuyến đi đánh dấu tình hữu nghị anh em Việt - Trung - Triều”chiến đấu và chiến thắng.
- Ngày 17: Bài viếtMình làm mình chịu, ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc, số 1972. Bằng cách dẫn chứng những sự kiện của các nguồn tin Mỹ, Người nêu lên tác hại của việc chuẩn bị và thực tập chiến tranh do chính quyền Mỹ tiến hành. Tác hại đó không chỉ đối với nhân dân mà cả với các chính khách Mỹ. Điều đó chỉ rõ:“Mỹ gieo hạt chiến tranh thì được hứng chiến tranh”.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm ngày toàn quốc kháng chiến. Sau khi nêu lên những thuận lợi của tình hình thế giới đối với cách mạng nước ta, những thắng lợi đã đạt được của công cuộc kháng chiến, kiến quốc trong thời gian qua và chỉ rõ mục tiêu cuộc đấu tranh của dân tộc ta cho độc lập, hòa bình là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân thế giới, Người chỉ rõ cuộc kháng chiến càng gần thắng lợi càng gặp nhiều khó khăn, vì vậy “Quân và dân ta phải luôn luôn ghi nhớ:Kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ”. Người đã chỉ dẫn những nhiệm vụ, biện pháp mà quân và dân ta phải thực hiện để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và kêu gọi toàn dân, toàn quân vượt mọi khó khăn thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 37:
+ Bài Địch làm ta phá,nêu lên kết quả của trận đánh xe cơ giới địch ở đường Hà Đông - Hòa Bình và cho rằng ta phá nhiều hơn địch làm ra nên ta hơn địch. Tuy nhiên, để có kết quả đó ta phải chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng, khó nhọc, bí mật, vì vậy cuộc “kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ”.
+ Bài Nhân định thắng thiên, nêu gương đấu tranh khắc phục thiên tai của nông dân Trung Quốc và khẳng định: Việc gì anh em nông dân Trung Quốc làm được thì đồng bào nông dân Việt Nam ta cũng làm được.
- Trước ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các vùng mặt trận, khen ngợi bộ đội thi đua giết giặc lập công, đồng bào thi đua giúp đỡ bộ đội, nhất là đồng bào tham gia dân công và khuyên mọi người cố gắng để giành lấy nhiều thắng lợi hơn nữa.
- Ngày 21: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 4 thành 0, 6 thành 4, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1975. Bài báo nêu lên sự thất bại của địch trên đường số 4, thì nhất định sẽ thất bại ở đường số 6 và kết luận: “Quân ta hăng hái thi đua giết giặc lập công. Dân ta hăng hái thi đua nộp thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội giết giặc. Thì giặc Pháp sẽ hết ngõ, cùng đường”.
- Trước ngày 22: Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 7 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang. Người biểu dương thành tích của các lực lượng vũ trang đã giành được trong chiến đấu và căn dặn cán bộ, chiến sĩ cần“phát huy tinh thần anh dũng của quân giải phóng, cần phải thấm nhuần tư tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ và gian khổ, cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và đi sát với nhân dân, để thắng nhiều trận to hơn nữa, để tiêu diệt sinh lực địch, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”.
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen cán bộ, chiến sĩ Đại đội 756 trong một ngày đánh trận vận động phục kích diệt gọn đoàn tàu địch 5 chiếc ở gần bến Lạc Song (dưới thị xã Hòa Bình 10km). Người quyết định tặng Đại đội 756 lá cờ “chiến thắng Lạc Song”.
- Trước ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào công giáo nhân dịp lễ Nôen năm 1951, “chúc mừng Ngày sinh nhật Đức Chúa”. Cuối thư, Người viết: “Tôi mong đồng bào đoàn kết thêm chặt chẽ trong công cuộc kháng chiến để phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc, và để thực hiện lời Chúa dạy “Hòa bình cho người lành dưới thế”.
Tôi xin gửi đồng bào lời chào thân ái và quyết thắng và kính cầu Đức Chúa ban cho đồng bào mọi phúc lành”.
- Ngày 25: Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ, kiểm điểm công tác năm 1951, bàn kế hoạch năm 1952, nghe báo cáo tình hình quân sự từ sau cuộc hành quân của địch vào tỉnh Hòa Bình và quyết định một số vấn đề quan trọng khác, Người nhấn mạnh đến nhiệm vụ của năm 1952 là đẩy mạnh kháng chiến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, quyết giành thắng lợi to lớn hơn nữa.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tóm tắt tình hình thế giới, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1978. Qua báo Mỹ và Châu Âu, sau khi nêu lên thái độ của Liên Xô và Mỹ về việc cấm bom nguyên tử và giảm bớt binh bị, tác giả kết luận “Hòa bình Liên Xô chủ trương là hòa bình thật. Hòa bình phe Mỹ đưa ra là hòa bình giả”.
- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến đi kiểm tra tuyến đường số 3, thăm cơ quan tiếp nhận biên giới và thăm Nam Ninh (Trung Quốc). Tối, Người đến Nà Phạc (Cao Bằng) và nghỉ tại đây. Cùng đi với Người có đồng chí Trần Đăng Ninh và một số cán bộ khác.
- Ngày 27: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 38.
+ Bài Vì sao, chỉ rõ nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của quân dân ta khi đánh vào vùng Phát Diệm ngày 10-12-1951 chủ yếu do bộ đội, người lương - giáo giữ bí mật và giúp đỡ bộ đội.
+ Bài Chuyện cũ, ý nghĩa mới, dẫn báo Mỹ nêu lên thắng lợi trong binh vận của những người cộng sản Trung Quốc với quân Tưởng Giới Thạch và chỉ rõ “nếu cán bộ ta khéo thuyết phục thì ngụy binh lầm đường sẽ quay về với Tổ quốc”, thực dân Pháp, bù nhìn Việt gian và bọn can thiệp Mỹ sẽ thất bại cũng như Mỹ và Tưởng đã thất bại ở Trung Quốc.
- Ngày 28: Tối, từ Nà Phạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường qua Bô Ca - Cao Bằng - Quảng Uyên.
Cùng ngày, bài viếtNhi đồng xã Hiệp Hòa, ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc, số 1980. Người biểu dương tinh thần thi đua của các cháu thiếu niên, nhi đồng xã Hiệp Hòa (Thái Nguyên) trong việc tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc và chỉ rõ: “Nếu được cán bộ thanh niên và phụ nữ khéo tổ chức và hướng dẫn phong trào Trần Quốc Toản chắc sẽ lan rộng và lên cao”.
- Ngày 29: 5 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Đoàn bộ ôtô (Quảng Uyên), Người và đoàn nghỉ tại đây.
- Ngày 30: Nhân dịp sắp đón năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm và chúc Tết nhân dân tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Buổi tối, Người từ Quảng Uyên đến Thủy Khẩu (huyện Long Châu, Quảng Tây) và nghỉ đêm ở đó.
- Ngày 31: 4 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi từ Thủy Khẩu, qua Long Châu, Minh Giang, Tuy Lộc và đến Nam Ninh Trung Quốc (270km) lúc 19h. Người vào Nhà khách Giao tế (nay là Khách sạn Minh Viên). Tại đây, Người đã nói chuyện với Tư lệnh Quân khu Quảng Tây nhân dịp đón năm mới.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh Huyện Định Hóa thi đua, ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc, số 1982, nêu gương phong trào thi đua đóng thuế nông nghiệp, làm đường, giúp đỡ bộ đội của nhân dân huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và khuyên các địa phương khác thi đua với Định Hóa.
- Trong tháng
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312, khen ngợi thành tích trong chiến dịch Lý Thường Kiệt và căn dặn cán bộ, chiến sĩ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để lập nhiều chiến công hơn nữa.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và biểu dương tinh thần làm việc hăng hái của Bác sĩ Tôn Thất Tùng, động viên bác sĩ gắng sức phấn đấu, phục vụ công cuộc kháng chiến đang trên đà thắng lợi.
* Tháng 12- 1952
- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị để bàn việc sửa và làm rõ thêm một số điểm kỷ luật trong đợt cải cách ruộng đất.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm sáu năm Toàn quốc kháng chiến.
Sau khi điểm lại những thắng lợi của cuộc kháng chiến, phân tích và chỉ rõ những nguyên nhân khiến“ta thắng to, địch thua to”,trong thời gian qua, Người đặc biệt nhấn mạnh về chủ trương của Chính phủ, của Đảng, và Mặt trận“sẽ kiên quyết phát động nông dân thực hiện triệt để chính sách giảm tô, giảm tức để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nông dân”,nhằm tăng cường lực lượng của kháng chiến, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Người kêu gọi nông dân phải “tự động, tự giác, tổ chức chặt chẽ, hăng hái ủng hộ chính sách ấy”,kêu gọi các chủ ruộng nên vì Tổ quốc, vì kháng chiến mà“tự động, tự giác, vui lòng triệt để giảm tô, giảm tức”.
Cuối cùng, Người kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ, cán bộ “hãy cố gắng hơn nữa để tranh lấy thắng lợi nhiều hơn nữa và to lớn hơn nữa”.
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bộ đội và dân công ở mặt trận Tây Bắc và đồng bằng, căn dặn mọi người phải luôn luôn làm đúng phương châm“thắng không kiêu, bại không nản”.Phải thật thà tự phê bình và phê bình để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tăng cường đoàn kết. Phải luôn luôn giữ vững kỷ luật, tôn trọng dân, yêu thương dân.
Cùng ngày, Người gửi thư cho đồng bào công giáo toàn quốc nhân dịp lễ Đức Chúa giáng sinh. Người thân ái gửi lời chúc phúc và mong đồng bào công giáo “đoàn kết chặt chẽ với đồng bào toàn quốc, kháng chiến mạnh hơn để tiêu diệt bọn xâm lược và bè lũ Việt gian bán nước, giải phóng cho Tổ quốc và làm sáng danh Đức Chúa”.
- Ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về những thắng lợi trong Chiến dịch Tây Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ, kiểm điểm công tác của Chính phủ năm 1952, thảo luận chương trình công tác của Chính phủ năm 1953. Người kết luận: Khuyết điểm chính còn tồn tại trong năm 1952 là lãnh đạo không sát dẫn đến tội tham ô, quan liêu, lãng phí. Để khắc phục các khuyết điểm trên, Người nhắc nhở:“Chúng ta đã bắt đầu tiến hành ba chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu). Năm 1953, phải cố gắng làm ba chống triệt để - cán bộ lãnh đạo phải xung phong gương mẫu đi đầu trong phong trào… Phải có chính sách cán bộ: Cải tiến sinh hoạt, cất nhắc khen thưởng, giáo dục đào tạo, mạnh dạn cất nhắc cán bộ mới, cân nhắc đức, tài”.
- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi tù binh Pháp nhân dịp lễ Thiên chúa giáng sinh và Tết dương lịch. Mở đầu thư, Người viết: “Trong ngày lễ này, tư tưởng của các bạn lẽ tự nhiên là nhớ tới gia đình ở chốn xa xôi đang chờ đợi các bạn trở về. Các bạn trước đây là kẻ địch của chúng tôi, nhưng ngày nay là những khách của chúng tôi mà chúng tôi bắt buộc phải tiếp, và tôi có thể nói là các bạn đã là bạn của chúng tôi, vì chúng tôi phân biệt bọn đế quốc tay sai của Mỹ, vì các bạn là con cái của nhân dân cần lao Pháp”.
Cuối thư, Người chúc"các bạn được một lễ giáng sinh vui vẻ, một năm mới tốt lành và được sức khoẻ hơn".
* Tháng 12- 1953
- Ngày 1: Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày báo cáo vềTình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất. Trong phần đầu báo cáo, Người khái quát những nét lớn về tình hình thế giới và trong nước; phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch. Phần chính báo cáo là ý nghĩa, đường lối chung, phương châm của cải cách ruộng đất. Báo cáo cũng xác định vai trò của hai nhiệm vụ trung tâm là kháng chiến và cải cách ruộng đất và mối quan hệ khăng khít của hai nhiệm vụ ấy trong cách mạng Việt Nam. Phần cuối báo cáo, Người lưu ý những điểm cần chú ý, những kinh nghiệm, biện pháp cần được sử dụng để Luật cải cách ruộng đất được thông qua, công cuộc cải cách ruộng đất được thành công, kháng chiến thắng lợi.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam,ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc,số 2480, viết về phong trào nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam và cho rằng, giặc Pháp tuy đã thất bại"nhưng chúng chết thì chết nết không chừa", do vậy, ta không được chủ quan khinh địch, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động của chúng.
Cũng trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Cụ già 120 tuổi,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 151, nêu gương cụ Hà Văn Quận ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh nghệ An, một lão nông cốt cán trong cuộc phát động quần chúng, triệt để giảm tô ở Nghệ An.
- Ngày 2: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bài phát biểu, sau khi lưu ý các đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo, đề án Luật Cải cách ruộng đất và trọng tâm của cải cách ruộng đất, Người khẳng định: Luật Cải cách ruộng đất của ta "chí nhân, chí nghĩa, hợp tình, hợp lý".Cuối cùng, Người đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ một lần nữa và thông qua Luật cải cách ruộng đất.
Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nông nghiệp ở Liên Xô,ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc,số 2481. Người cho biết: Sau Cách mạng Tháng Mười thành công, Đảng và Chính phủ Liên Xô đã thực hiện chính sách"Người cày có ruộng", đem lại ruộng đất cho nông dân. Nhờ đó mà nông dân phấn khởi, hăng hái tham gia kháng chiến, đánh thắng thù trong giặc ngoài. Ngày nay, với những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, đời sống của nhân dân Liên Xô ngày càng dư dật, ấm no.
- Ngày 3: Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi trình bày về chính sách ngoại giao của Chính phủ, Người phân tích ý nghĩa những câu Người vừa trả lời một nhà báo Thụy Điển và nói: "Chúng ta ủng hộ phong trào hòa bình thế giới, nhưng chúng ta tuyệt đối chớ có ảo tưởng rằng, hòa bình là một việc dễ dàng. Hòa bình phải do đấu tranh gian khổ mới giành được".
- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất do Chính phủ đề nghị, Người thay mặt Chính phủ hứa với Quốc hội sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, cải cách ruộng đất đến thành công, để xứng đáng với lòng tin cậy của Quốc hội, của nhân dân.
Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không chắc có tiền mua tiên cũng được,ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc, số 2482. Bài báo viết:"Mỹ tưởng rằng nhiều tiền thì mua gì cũng được, thậm chí mua được cả lòng nhân dân, nhiều tiền thì đi đến đâu cũng được mọi người kính sợ".Nhưng Mỹ đã lầm to! Ở khắp các nước Á cũng như Âu, phong trào chống Mỹ và "tẩy chay" Mỹ diễn ra rất mạnh mẽ. Các báo chí Mỹ cũng phải thừa nhận rằng: Đối với các nước, ảnh hưởng của Mỹ ngày càng kém sút.
- Trước ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi cụ Hà Văn Quận (ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), 120 tuổi mà vẫn hăng hái lao động, làm gương mẫu cho con cháu trong cuộc phát động quần chúng triệt để giảm tô. Bức thư có đoạn: "Tôi chắc rằng đến ngày thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, cụ sẽ được sung sướng thanh nhàn hơn". Người còn biếu cụ Quận một cái áo lụa và một huy chương để làm kỷ niệm.
- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp:"Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được...".
Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Hội nghị đại biểu toàn quốc "bù nhìn",ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 152, vạch trần thủ đoạn của thực dân Pháp trong việc tổ chức cái gọi là"Hội nghị đại biểu toàn quốc" cho bọn tay sai ở Việt Nam. Người kết luận:Chỉ có Quốc hội ta là Quốc hội thật sự đem lại quyền lợi cho nhân dân.
- Ngày 7: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tư tưởng tự do" ở Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc,số 2484. Bài viết vạch trần mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm về"tư tưởng tự do" ở Mỹ. Người Mỹ cho rằng nhân dân Mỹ là người tự do nhất trên thế giới. Hiến pháp Mỹ cũng khởi đầu bằng câu"Mọi người đều tự do, tự do tư tưởng...".Nhưng trên thực tế, cái gọi là"tự do"ở Mỹ lại là sự mất tự do,mọi người không có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại... Bài báo kết luận: "Tự do như vậy, ai cầu tự do".
- Ngày 11: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 153:
+ BàiVài ưu điểm và khuyết điểm trong việc phát động quần chúng,nêu lên những ưu điểm trong đợt phát động quần chúng đợt hai và chỉ ra những khuyết điểm của các cán bộ làm công tác phát động quần chúng như: bệnh hình thức, bao biện, quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, không làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.
+ Bài Một phút đồng hồ,kêu gọi các cơ quan, đoàn thể chống lãng phí thời giờ, và nhắc nhở: Muốn tiết kiệm thời giờ, mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ, phải có tinh thần phụ trách và phải coi "một phút đồng hồ, một nén vàng".
- Ngày 12: Trong thư gửi cho đồng bào và cán bộ tỉnh Lai Châu. Người đề ra bốn nhiệm vụ để đồng bào và cán bộ Lai Châu thực hiện:
"1. Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau.
2. Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự.
3. Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no.
4. Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng".
Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết".
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)
Phần 6. Giai đoạn 1953 - 1954
- Ngày 16: Bài viếtTội ác của địa chủ phong kiến,ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc,số 2491. Bằng những dẫn chứng cụ thể về hành vi và tội ác của bọn địa chủ phong kiến, Người đặt ra nhiệm vụ quan trọng là:Phải giải phóng nhân dân khỏi ách bóc lột của địa chủ phong kiến, xây dựng một xã hội bình đẳng, ấm no.
Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 154:
+ BàiTình nghĩa quốc tế đoàn kết giai cấp.Với những con số và sự kiện sinh động, Chủ tịch khẳng định tình đoàn kết quốc tế của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta và tin tưởng rằng, với sự ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi.
+ BàiMâu thuẫn Mỹ - Anh - Pháp trong Hội nghị Bécmuýt, nêu thành phần, nội dung của Hội nghị Bécmuýt, vạch trần âm mưu của Mỹ trong Hội nghị hòng buộc các nước này đẩy mạnh chạy đua vũ trang. Do ý kiến không thống nhất, Hội nghị đã không thu được kết quả gì. Bài báo kết luận: Hội nghị Bécmuýt là "đầu voi đuôi chuột".
- Ngày 18: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bán mắt nuôi miệng,ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc,số 2492, lên án chính sách vô nhân đạo của Mỹ và tố cáo những kẻ bán Tổ quốc, bán nhân dân cho bọn đế quốc xâm lược để hưởng sung sướng cho cá nhân.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm 7 năm Toàn quốc kháng chiến. Sau khi tổng kết những thắng lợi mà quân và dân ta đã giành được trong bảy năm qua trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa... Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam cảm ơn nhân dân Pháp, nhân dân các nước bị Pháp thống trị và giai cấp công nhân thế giới đã lấy ngày 19-12-1953 là "Ngày quốc tế tích cực đoàn kết với nhân dân Việt Nam";cảm ơn nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã hăng hái ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Người kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ ra sức thực hiện tốt hai nhiệm vụ trung tâm trong năm 1953 là: Đẩy mạnh kháng chiến và thực hiện cải cách ruộng đất.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 197/SL, công bố thi hành Luật cải cách ruộng đất do Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa I, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 4-12-1953.
- Ngày 21: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mừng ngày Chúa giáng sinh,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 155, nêu nguồn gốc ra đời của Giêsu, những lời răn dạy của Chúa về lòng yêu nước, quyền tự do bình đẳng bác ái. Người kêu gọi "đồng bào ta, lương cũng như giáo đoàn kết kháng chiến, ủng hộ chính sách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, tức là làm đúng lời dạy của Chúa Giêsu, tức là thật thà tôn kính Chúa Giêsu".
- Trước ngày 22: Nhân kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến và"Ngày quốc tế tích cực đoàn kết với nhân dân Việt Nam", Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định phóng thích cho gần 300 tù binh Pháp vào dịp lễ Nôen năm 1953.
- Ngày 22 : Trong thư gửi toàn thể chiến sĩ và cán bộ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Người đề ra nhiệm vụ cho quân đội ta là:Ra sức thi đua diệt giặc lập công, ra sức giúp đỡ đồng bào nông dân thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ; cố gắng học tập chính trị và quân sự để tiến bộ mãi.Người gửi cho mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ"Quyết chiến, quyết thắng"để làm giải thưởng luân lưu.
- Trước ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào công giáo nhân dịp lễ Nôen. Trong thư có đoạn: "Phúc âm dạy chúng ta rằng: Chúa Cơ Đốc sinh ra làm gương cho mọi giống phúc đức như: hy sinh vì nước vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần. Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm".
- Ngày 26: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vài khuyết điểm trong việc phát động quần chúng,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 156, nhắc nhở cán bộ cần sửa chữa một số khuyết điểm về nhận thức, lập trường, tiếp thu chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ trong công tác phát động quần chúng. Người căn dặn: "Cán bộ ta phải nghiên cứu thật kỹ, thấm nhuần thật sâu, thi hành thật đúng chính sách của Đảng và Chính phủ - Đó là con đường duy nhất để đi đến thành công".
- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ. Bức thư có đoạn:
"Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng.
Năm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh:
Quyết tâm tiêu diệt địch,
Quyết tâm giữ vững chính sách,
Quyết tâm tranh nhiều thắng lợi".
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ cung cấp và dân công tham gia Chiến dịch Thu Đông, Người căn dặn:Phải chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, giúp sức bộ đội tranh nhiều thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ vượt mức. Đồng thời phải giữ vững chính sách của Đảng và Chính phủ.
Riêng đối với Tổng cục Cung cấp, Người đặt giải thưởng cờ thi đua"Quyết tâm làm tròn nhiệm vụ".
* Tháng 12- 1954
- Ngày 1: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nam Bộ anh hùng, ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 277. Bài báo biểu dương gương chiến đấu hy sinh của nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Sáu (tức Võ Thị Sáu) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ và chỉ rõ đó là tấm gương cho thanh thiếu niên cả nước học tập.
- Ngày 3: Phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về kế hoạch đẩy mạnh công tác đấu tranh nhằm thi hành Hiệp định Giơnevơ, Người nói: "Chính sách của ta bây giờ là chĩa mũi nhọn vào Mỹ. Đối với Pháp, ta cố gắng gây không khí hòa dịu, nhất là các báo, đài phát thanh phải chú ý khi nào cần nói hãy nói. Đối với Bửu Hội, Hinh và Bảo Đại, cần cho người gần gũi để tranh thủ. Về đối nội, nhiệm vụ quan trọng là giải quyết vấn đề lương thực, việc làm và thuế. Người lưu ý hoạt động của các ngành văn hóa, nghệ thuật cũng phải phục vụ nhiệm vụ chống Mỹ”.
Cùng ngày, bài viết của Người: Một cái mề đay, ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 279. Bài báo dẫn tin của báo Pháp Diễn đàn thông tin quốc tếngày 12-11: Chính phủ Pháp tặng Thủ tướng Xri Lanca Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì Chính phủ nước này cho phép máy bay Pháp quá cảnh sang Đông Dương trong những ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Người so sánh với nhiệm vụ của tướng Mỹ Côlin trong chuyến sang công cán ở Đông Dương và mỉa mai rằng; "Chính phủ Pháp sẽ tặng cho tướng Côlin 2 cái mề đay "Nam tào bội tinh".
- Ngày 4: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh sự Mỹ ở các nước,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 280. Bài báo đề cập đến sự can thiệp thô bạo của Mỹ ở những nước Mỹ đặt lãnh sự như Hương Cảng, Canađa và kết luận:"Nước Anh và Canađa là "đồng văn đồng chủng" và đồng xu hướng chính trị với Mỹ, mà các đại biểu Mỹ còn đối xử như vậy, thì đối với các nước khác chắc họ đối xử còn lố bịch gấp mấy!".
- Ngày 5: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khoa học ở Mỹ và ở Liên Xô,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 281. Bài báo đưa ra những số liệu so sánh giữa Mỹ và Liên Xô trong lĩnh vực đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật để nêu rõ sự khác nhau giữa hai chế độ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.
- Ngày 7: Phát biểu với hội nghị Bộ Chính trị bàn về vấn đề cải cách ruộng đất ở vùng mới giải phóng, Người đề nghị sắp xếp lại một số nội dung, một số từ ngữ trong bản báo cáo và nhắc nhở:Các địa phương làm như thế nào thì phải báo cáo kết quả như thế ấy. Không nên đề ra việc điều chỉnh ruộng đất. Những ruộng đất Pháp chiếm làm trại tập trung, nay phá đi trả lại cho dân.
Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Tuyên truyền chiến tranh,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 282. Trích dẫn bài của tờ báo Mỹ Tin tức hàng ngày,Người phê phán việc tuyên truyền chiến tranh của giới hiếu chiến Mỹ.
- Ngày 8: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Báo Anh nói chuyện Việt Nam,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 283. Bài báo trích dẫn lời của tờ báo Anh Tin tức,phê phán việc chính quyền Ngô Đình Diệm cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào theo đạo Thiên Chúa miền Bắc di cư vào Nam. Tác giả bài báo kêu gọi đồng bào hãy mau tỉnh ngộ và đấu tranh đòi trở về quê cũ.
- Ngày 9: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về đường lối, phương châm khôi phục kinh tế. Sau khi nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Người nhắc nhở phải coi trọng vấn đề cán bộ và thi đua.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chính phủ" ung thư Ngô Đình Diệm,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 284. Dẫn các nguồn tin của phe đối lập trong chính quyền Ngô Đình Diệm và báo chí ở Sài Gòn nói về sự bê bối, thối nát của chính quyền Sài Gòn, Người chỉ rõ:thực chất chính quyền đó là bộ máy tay sai Mỹ. Nhân dân ta ở miền Nam sẽ kiên quyết phá tan âm mưu của Mỹ và sẽ đánh đổ chính quyền đó.
- Ngày 10: dự họp Bộ Chính trị để thảo luận tiếp đề án khôi phục kinh tế, Người khen cán bộ ta có tinh thần hăng hái, nhưng phê bình tính"đại khái"của cán bộ các ngành; ngay cả Trung ương cũng chỉ lãnh đạo về đường lối, còn kỹ thuật, kế hoạch tổ chức cụ thể thì không biết. Muốn khắc phục tình trạng đó, trước hết phải đào tạo cán bộ, tự lực cánh sinh, không nên ỷ lại nhiều quá.
Về phương hướng phát triển kinh tế, Người nói:"Anh em ta chưa thông ở chỗ: mấy năm kháng chiến, ta chỉ có nông thôn, bây giờ mới có thành thị... Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô, đó cũng là mácxít. Trung Quốc phát triển cả công nghiệp nặng, nhẹ, đồng thời cả nông nghiệp. Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi tiến đến thủ công nghiệp, sau mới đến công nghiệp nặng".
Về việc tuyên truyền vận động đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống Mỹ, Người gợi ý nên lấy những tấm gương trong phong trào chống Mỹ viện Triều có nội dung phù hợp để tiến hành đấu tranh đòi tổng tuyển cử, không nhất thiết lúc nào cũng phải nói đến bộ ba: Mỹ, Pháp, Diệm. Có thể làm một đợt thi đua ngắn đến ngày 1-5 thì tổng kết...
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tình hình Sài Gòn,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 285. Bài báo đã trích các nguồn tin của báo chí Sài Gòn nói về tình hình hỗn loạn ở thành phố này và sự xung đột tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ đó, tác giả bài báo cho rằng, nguyên nhân của tình hình ấy chính là sự can thiệp của đế quốc Mỹ.
- Ngày 11: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Khẩu Phật, tâm xà",ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 286. Bài viết nói về thái độ hai mặt của chính quyền nước Anh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vừa tham gia Đồng minh chống phát xít vừa ngấm ngầm thỏa hiệp với chính quyền Hítle trong việc chống lại Liên Xô.
- Ngày 12: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nhất trên thế giới",ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 287. Bài báo dẫn số liệu về tình hình tội phạm ở Mỹ và lời nhận xét của chính Giám đốc công an Mỹ: "Nếu cứ như vậy thì năm 1954 sẽ là một năm ở Mỹ có nhiều tội phạm nhất thế giới và trong lịch sử".
- Ngày 14: BáoNhân Dân,số 288, đăng trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phóng viên báoRegardsvề một số vấn đề trong chính sách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và với các nước khác trong tương lai.
Trả lời câu hỏi:"Chính sách chung của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên lãnh thổ của mình là gì?", Người trả lời:"Chúng tôi hết sức làm việc để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam".
Về quan hệ Việt - Pháp, Người nói: "Chúng tôi muốn lập với nước Pháp những mối quan hệ kinh tế và văn hóa trên cơ sở bình đẳng, hai bên đều có lợi và cộng tác thẳng thắn, tin cậy lẫn nhau, v.v.".
Số báo trên còn đăng bài viết của Người nhan đề:Năm cán bộ gương mẫu số 1,ký bút danh C.B. Bài báo biểu dương thành tích xuất sắc "xứng đáng được giải thưởng" của năm cán bộ khu Việt Bắc trong đợt 1 cải cách ruộng đất.
- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập duyệt binh để tham gia Lễ đón Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô. Người khen ngợi bộ đội đã lập nhiều công trong cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng. Người căn dặn:Bộ đội phải tập luyện tốt để tham gia ngày lễ long trọng và đầy ý nghĩa này.
Cùng ngày, đến thăm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nói chuyện với cán bộ, nhân viên Bệnh viện, Người căn dặn:"... Đã là người tự do, người chủ trì thì phải làm thế nào cho xứng đáng. Từ công việc, tư tưởng đến thái độ đều phải có tư cách người chủ".
Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một mẩu chuyện của Mặt trận dân tộc thống nhất Trung Hoa, ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 289.
Bài báo nói về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong công cuộc xây dựng đất nước.
- Giữa tháng: Nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ một đơn vị quân đội ở ngoại thành Hà Nội, Người căn dặn:mọi người phải biết khắc phục khó khăn, giữ gìn kỷ luật, cần kiệm xây dựng quân đội, không được lơ là mất cảnh giác, phải thực sự đoàn kết để cùng nhau tiến bộ... Người còn kể câu chuyện "Chiếc đồng hồ"để nhắc nhở mọi người phải làm tốt công việc được phân công, phải an tâm công tác, có như vậy mới xây dựng đơn vị trở nên vững mạnh.
- Ngày 16: Lúc 2 giờ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viếtThư gửi các đơn vị miền Nam tập kết,căn dặn các cán bộ và chiến sĩ phát huy truyền thống trong những năm kháng chiến, tranh thủ điều kiện để học tập thêm, chống tư tưởng chủ quan"tưởng rằng trong thời kỳ hòa bình và ở vùng tự do, thì cái gì cũng sẵn sàng, cũng dễ dàng". Bức thư có đoạn:"Các chú cần phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết chặt chẽ giữa chiến sĩ với nhau, giữa cán bộ với nhau, giữa chiến sĩ và cán bộ, giữa quân và dân. Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Cần phải giữ vững truyền thống anh dũng, tác phong đúng đắn, tinh thần chịu đựng gian khổ, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Nói tóm lại: giữ vững và phát triển đạo đức cách mạng của Quân đội nhân dân".
Cùng ngày, bài viết của Người: Quốc hội lâm thời hay "Quốc hội" làm thối?ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 290, phê phán Mỹ và chính quyền miền Nam nặn ra cái gọi là "Quốc hội lâm thời" trong khi bản thân chính quyền đó thực chất là tay sai của Mỹ và hết sức thối nát. Người khẳng định trò hề "dân chủ" này là một hành động bịp bợm.
- Ngày 18: Nói chuyện với học sinh các trường phổ thông trung học: Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Trưng Vương (Hà Nội). Sau khi xác định vai trò quan trọng của thanh niên trong xã hội, phân biệt mục đích khác nhau giữa giáo dục nô lệ thực dân với giáo dục mới hiện nay, Người căn dặn các học sinh cần phải học như thế nào để xứng đáng là người chủ nước nhà và nhấn mạnh nhiệm vụ của thanh niên là phải học tập, phải học để:Yêu Tổ quốc; yêu nhân dân; yêu lao động; yêu khoa học; yêu đạo đức. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Học phải đi đôi với hành, phải thi đua giữa các trường, các lớp, v.v..
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 35 mà ít, 11 mà nhiều,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 292. Bài báo so sánh việc các nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính quyền miền Nam Việt Nam.
- Ngày 19: Trong Lời kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ, cán bộ và kiều bào ở nước ngoài nhân dịp kỷ niệm chín năm ngày toàn quốc kháng chiến, Người nhấn mạnh:"So với đấu tranh vũ trang trong kháng chiến, thì đấu tranh chính trị trong hòa bình cũng phải trường kỳ và gian khổ và còn gay go, phức tạp hơn".Vì vậy,"nhân dân, quân đội và cán bộ ta chớ có chủ quan, tự mãn, mà phải giữ vững chí khí đấu tranh, tinh thần anh dũng", "chúng ta phải đoàn kết rộng rãi đồng bào cả nước, và đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới". Như vậy chúng ta nhất định thắng lợi.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kỷ niệm kháng chiến,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 293. Bài báo chỉ rõ: qua chín lần kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến, lực lượng của ta ngày càng mạnh. Nay dù khó khăn gian khổ, ta vẫn nhất định giành được thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển nơi ở từ Nhà thương Đồn Thủy đến ngôi nhà ngói nhỏ trong Phủ Chủ tịch(Nay ngôi nhà này được gọi là "nhà 54").
- Ngày 20: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Từ ngày nhân dân ta bắt đầu kháng chiến, đế quốc Mỹ đã nhúng tay vào chiến tranh xâm lược Đông Dương, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 294. Bài báo điểm lại một số sự kiện chứng tỏ Mỹ đã nhúng tay vào cuộc chiến tranh Đông Dương như cổ vũ Pháp phá hoại Hiệp định sơ bộ 6-3; hỗ trợ Pháp dùng con bài Bảo Đại (1947 và 1950); từ 1950 đến 1954 chi một khoản lớn viện trợ quân sự cho Pháp đẩy mạnh chiến tranh; cử các tướng lĩnh Mỹ làm cố vấn cho Pháp...
Bài báo khẳng định: "Sự can thiệp của đế quốc Mỹ đã làm cho cuộc chiến đấu của nhân dân Đông Dương kéo dài và gặp thêm nhiều khó khăn, nhưng chúng không thể ngăn cản nổi nhân dân Đông Dương đánh cho bọn xâm lược những đòn chí tử, không ngăn cản nổi nhân dân Đông Dương giành những thắng lợi oanh liệt và nhất định sẽ thu được thắng lợi cuối cùng".
Cũng số báo trên, đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 90 và 19,ký bút danh C.B. Bài báo giới thiệu một số đại biểu tiêu biểu trong Quốc hội Trung Quốc như cụ già tuổi cao tóc bạc, anh hùng nông nghiệp, công nghiệp, phụ nữ, thanh niên... Tất cả đều cùng một quyết tâm xây dựng một nước Trung Quốc theo chủ nghĩa xã hội sung sướng và mạnh giàu.
- Ngày 21: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đế quốc Mỹ ráo riết phá Hội nghị Giơnevơ nhưng chúng đã thất bại nhục nhã, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 295. Bài báo dẫn một số sự kiện chứng tỏ ngay từ khi Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương nhóm họp, Mỹ đã có những hoạt động phá hoại, gây sức ép để phía Pháp thương lượng thiếu nghiêm chỉnh và cả khi Hiệp định sắp ký kết, Mỹ vẫn cố giật dây cho những hoạt động phá đám. Bài báo kết luận: thành công của Hội nghị Giơnevơ và thắng lợi của xu hướng hòa bình là một thất bại của đế quốc Mỹ.
Cùng số báo trên đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chính sách quân sự và chính trị của Mỹ,ký bút danh C.B, phê phán thủ đoạn của Mỹ dùng chính sách viện trợ kinh tế đưa một số nước ở châu á vào vòng lệ thuộc Mỹ. Bài báo kết luận: Với chính sách bạo lực quân sự, Mỹ đã thất bại ở Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Vì mục đích đen tối, chính sách viện trợ kinh tế của Mỹ cũng sẽ thất bại.
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng vũ trang nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Người khen ngợi những thành tích của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và chỉ rõ nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Người quyết định tặng cho mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" để làm giải thưởng luân lưu.
Cùng ngày, bài viết của Người: Mừng ngày sinh nhật Quân đội nhân dân,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 296. Bài báo khái quát lịch sử quân đội ta và chỉ rõ nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn mới.
- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ để kiểm điểm công tác năm 1954 và định chương trình công tác năm 1955.
Sau khi nghe Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo tình hình trong nước và quốc tế, nghe Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình thi hành hiệp định đình chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ mâu thuẫn giữa Mỹ với Pháp trong vấn đề Hiệp ước Pháp - Liên Xô, trong vấn đề Việt Nam và mâu thuẫn giữa Mỹ - Diệm; nêu rõ thái độ Liên Xô chủ động cải thiện quan hệ với các nước tư bản và nhấn mạnh: "Dù sao cũng không được chủ quan khinh địch, cây mục cũng phải xô mới đổ".
Cùng ngày, bàiBệnh tinh thần ở Pháp,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 297, chỉ rõ nguyên nhân của chứng bệnh thần kinh đang phát triển ở Pháp là do hậu quả của chiến tranh và do một số chính sách xã hội của Chính phủ Pháp.
- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Hội đồng Chính phủ.
Cùng ngày, báoNhân Dân,số 298, đăng bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ, thư của Người gửi đồng bào công giáo nhân dịp Nôen và bài viếtVăn nghệ Liên Xô,ký bút danh C.B.
Trong bài nói chuyện với cán bộ, công nhân, Người biểu dương thành tích đấu tranh bảo vệ nhà máy, đảm bảo dòng điện khi ta tiếp quản Thủ đô và nêu rõ vai trò, nhiệm vụ lớn lao của giai cấp công nhân trong sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế hiện nay.
Bức thư của Người gửi đồng bào công giáo có đoạn: "Chính phủ ta thật thà tôn trọng tín ngưỡng tự do. Đối với những giáo hữu đã nhầm di cư vào Nam, Chính phủ đã ra lệnh cho địa phương giữ gìn cẩn thận ruộng vườn, tài sản của những đồng bào ấy và sẽ giao trả lại cho những người trở về".
BàiVăn nghệ Liên Xô, phản ánh mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ, thư viện trong đời sống tinh thần ở Liên Xô và khuyên: "Văn nghệ nước ta cần học tập văn nghệ Liên Xô".
- Ngày 25: Tại phiên họp bế mạc của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu kết luận: "Trong năm 1954, chúng ta đã đạt nhiều thắng lợi trên các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế và văn hóa. Do thắng lợi mà có thêm nhiều việc. Khó khăn sẽ nhiều hơn, nhưng thuận lợi cũng nhiều hơn. Vì vậy, mọi người phải ra sức cố gắng, đoàn kết chặt chẽ hơn và hết sức tránh chủ quan. Cần giữ kỷ luật công tác nghiêm ngặt hơn và phải chỉnh đốn lại lề lối làm việc. Như thế thì ta sẽ khắc phục được khó khăn và phát triển được thuận lợi"...
Cùng ngày, bài viết của Người:3 chiến sĩ lao động kiểu mẫu của Liên khu IV, ký bút danh C.B, đăng trên báoNhân Dân, số 299. Bài báo nêu gương ba chiến sĩ lao động kiểu mới trong nông nghiệp, công nghiệp và nhà buôn bán nhỏ đã đạt được thành tích cao. Cuối cùng, tác giả kết luận“3 chiến sĩ trẻ có già có, nam có nữ có, công, nông, thương nhưng họ có cùng mục đích là hăng hái thi đua nâng cao năng suất, để phục vụ nhân dân”.
- Ngày 27: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Lại "đạo đức" Mỹ, ký bút danh C.B, đăng trên báoNhân Dân, số 301. Tác giả phê phán đạo đức của Mỹ dựa trên đồng tiền, vũ khí, gián điệp, cho nên Chính phủ Mỹ“ kêu gọi sinh viên thời gian rảnh rỗi dò xét những người tiến bộ để được hưởng tiền, và hãy tham gia vào đặc vụ...”.
- Ngày 28: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Thuần phong mỹ tục, ký bút danh C.B, đăng trên báoNhân Dân, số 302. Để giữ gìn nền nếp, Người khuyên dân ta ăn nói cho đúng với thuần phong mỹ tục, bỏ lối xưng hô coi rẻ như thời đế quốc, phong kiến.
- Ngày 29: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chiến sĩ dân công kiểu mẫu,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 303. Qua thành tích lao động của hai chiến sĩ dân công trên công trường xây dựng đường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan, tác giả rút ra những bài học: a) Sáng kiến và lực lượng của nhân dân rất to lớn; b) Cán bộ cần phải học hỏi quần chúng để lãnh đạo quần chúng; c) Tăng năng suất và tiết kiệm là một cách thiết thực của nhân dân ta chống âm mưu của Mỹ phá hoại hòa bình.
- Ngày 30: Bài viết của Người:Tên các đường phố, ký bút danh C.B, đăng trên báoNhân Dân, số 304. Bài báo đề nghị xoá bỏ những phố mang tên người nước ngoài mà hãy trở lại tên danh nhân của đất nước mình.
- Ngày 31: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Đài liệt sĩ Hà Nội.
Diễn từ của Người do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc tại lễ viếng, có đoạn:
"Hỡi các liệt sĩ,
Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc...
Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh".
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch: Nhân dân Pháp anh dũng, ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 305. Bài báo chỉ rõ: trước đây nhân dân Pháp đã ủng hộ ông Măngđét Phrăngxơ khi ông chủ trương chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Nhưng sau đó, họ lại đấu tranh phản đối ông khi ông đưa nước Pháp gia nhập khối quân sự Đông Nam á (SEATO) và ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm. Đó chính là hành động anh dũng của những người yêu chuộng hòa bình ở nước Pháp.
- Trong tháng
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Trong thư, Người nhắc lại truyền thống "Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc" và kêu gọi:"Trước đây đồng bào đã đoàn kết kháng chiến nay cần đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa, không phân biệt đảng phái, chính kiến; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, hãy đi theo con đường chính nghĩa tăng cường cuộc đấu tranh đòi hòa bình thống nhất Tổ quốc".
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của Đoàn "Thái Nguyên - Bắc Giang". Người đã phân tích kỹ về những khuyết điểm và căn dặn các cán bộ cải cách ruộng đất phải quyết tâm sửa chữa, phải làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, phải giữ vững kỷ luật, nâng cao tính tổ chức, phải có quyết tâm làm cải cách ruộng đất đợt 3 cho thật tốt. Người hứa sẽ tặng 15 giải thưởng cho các cán bộ có nhiều cố gắng và có thành tích.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho các cán bộ phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Người khen ngợi những thành tích mà anh chị em đã đạt được trong đợt 2 cải cách ruộng đất và đợt 6 phát động giảm tô. Đồng thời cũng chỉ ra những khuyết điểm mà các cán bộ còn mắc phải như: Thái độ mỏi mệt, không thật "ba cùng"; lập trường không vững, làm việc rụt rè; bao biện, mệnh lệnh; chủ quan hình thức... Người mong các đoàn, các đội và các cán bộ ra sức thi đua học tập kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để cho những đợt sau thành công tốt đẹp hơn.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về lễ đón Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội sau tám năm kháng chiến. Người căn dặn:Phải cử người đi theo đồng bào dự mít tinh. Không được để người lạ xen vào. Phải có hoạt động “Hồng thập tự” lưu động. Khách các tỉnh về phải tổ chức nơi ăn, ngủ. Đồng bào thiểu số phải có thẻ ghi nơi ở. Phải bố trí hố vệ sinh. Tối đốt cây bông.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với các đơn vị sẽ tham dự cuộc duyệt binh ngày 1-1-1955 tại Thủ đô Hà Nội.
Người nêu lên những khó khăn và thuận lợi của tình hình nước ta từ chiến tranh chuyển sang hòa bình và khẳng định thuận lợi là căn bản, lâu dài, khó khăn sẽ khắc phục được nếu chúng ta có quyết tâm.
Người cũng chỉ ra nhiệm vụ của quân đội ta là phải cố gắng tiến lên chính quy. Muốn vậy, cần phải học tập, học chính trị, học kỹ thuật... Đồng thời phải ngăn ngừa những tư tưởng lệch lạc, sai lầm; phải biết quý trọng của công, tiết kiệm, giữ kỷ luật cho nghiêm, đoàn kết, thi đua học tập, phải có sức khỏe, yên tâm công tác; cán bộ phải làm gương và chăm lo đến đời sống của chiến sĩ...
Cuối cùng, Người nhắc lại nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hiện nay là "đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước".Trong nhiệm vụ đó, quân đội giữ một phần rất quan trọng, mà muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải làm đúng những lời Người căn dặn.
- Cuối năm
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội Tây Nguyên tập kết ra Bắc đang trú quân tại sân bay Bạch Mai. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ bộ đội, căn dặn anh em phải giữ ấm, chống rét, học tập. Người hỏi: Các chú có nguyện vọng gì cứ đề xuất. Ưu tiên các chú người dân tộc.
Chiến sĩ A Zun Hới( quê ở xã Ia Ko huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai)mạnh dạn dù là chưa nói sõi tiếng Kinh: Cần thuốc hút. Anh em dân tộc nghiện thuốc, cơm nước không bằng thuốc hút đâu. Cái thuốc thôi.
Nhiều anh em có ý trách A Zun Hới nói cộc lốc nhưng Bác lại hỏi thêm:
+ Được rồi! Còn gì nữa.
+ Chỉ còn cái súng nữa thôi. Súng dài và nặng lắm, anh em sức yếu không mang nổi.
Bác cười ra hiệu cho A Zun Hới ngồi xuống .
+ Bác sẽ nghiên cứu đề xuất của chú.
Sau đó anh em dân tộc được phát thuốc hút, đổi súng trường bằng súng cạcbin.
(còn nữa)
Huyền Trang (tổng hợp)
Phần 7. Giai đoạn 1955 - 1959
* Tháng 12-1955
- Ngày 1: Bài viết Các cụ già Trung Quốc, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 638. Trong bài, Người viết về kinh nghiệm kéo dài tuổi thọ của các cụ già Trung Quốc. Nhận xét bí quyết để sống lâu là phải tích cực lao động trong một xã hội bình đẳng. Người kết luận:
"Sống lâu không tại số trời,
Người mà biết sống, thì người sống lâu".
- Ngày 5: Bài viết Kỷ luật Mỹ, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 642. Người lên án tệ phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Bất chấp những quy định của Toà án Liên bang, những người da đen luôn luôn bị tẩy chay, ruồng bỏ, lăng mạ tại công viên, trường học và những nơi công cộng khác. Thậm chí toà án còn tha bổng cho những kẻ da trắng phạm tội giết người da đen.
- Ngày 12: Bài viết Yêng hùng rơm, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 649. Trong bài, Người châm biếm thái độ yêng hùng rơm của một sĩ quan Pháp. Sau khi tốt nghiệp khoá học mang tên Điện Biên Phủ của Trường Võ bị Xanh Xia (Saint - Cyr), viên sĩ quan này đã viết bài xã luận đăng trên tờ nội san của trường thề sẽ "noi gương chiến đấu hy sinh" và "nguyện sẽ trả thù" cho các sĩ quan, binh sĩ Pháp đã bỏ mạng tại Điện Biên Phủ.
- Ngày 15: Bài viết Phải luôn cảnh giác, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 652. Trong bài, Người cho biết thực dân Pháp khi rút khỏi miền Bắc đã gài gián điệp trà trộn trong một số cơ quan, đoàn thể để tiến hành những hoạt động phá hoại. Vì vậy, các ngành, các cấp và toàn thể đồng bào phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những âm mưu và thủ đoạn phá hoại của địch.
- Ngày 16: Bài viết Một quang cảnh mới, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 653. Người biểu dương những thành tựu của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã lao động quên mình để xây dựng lại quê hương từ sau ngày giải phóng; nhiều thanh niên, phụ nữ hăng hái tham gia các công tác xã hội; tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng được củng cố.
- Ngày 17: Đến thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác cải cách ruộng đất của Đoàn Bắc - Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang) tổ chức tại xã Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi biểu dương những cố gắng của cán bộ, nhân dân địa phương trong cải cách ruộng đất, Người chỉ rõ những khuyết điểm cần kiên quyết khắc phục như chưa phân biệt thật rõ ai là địch, ai là ta, chưa đi đúng đường lối công tác quần chúng của Đảng. Người phê bình nghiêm khắc biện pháp nhục hình: "Dùng nhục hình là dã man. Chỉ có bọn đế quốc và phong kiến mới dùng.... Đánh người ta đau quá thì không có người ta cũng phải nhận là có. Như thế là cán bộ đã tự mình lừa mình. Từ nay các cô các chú phải kiên quyết sửa chữa khuyết điểm này".
- Ngày 19: Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng báo Nhân Dân, số 656. Người tóm tắt những thành tựu chủ yếu trong phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm năm 1955. Người khẳng định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch khôi phục kinh tế năm 1956; giải quyết vấn đề lương thực là yêu cầu của sản xuất nông nghiệp năm 1956. Người kêu gọi nông dân ra sức thi đua sản xuất, tiết kiệm; chú trọng trồng thêm lúa, hoa màu, cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, đánh cá, khai thác gỗ, trồng cây gây rừng và phòng chống thiên tai. Công tác lãnh đạo sản xuất phải là công việc trọng tâm của các ngành, các cấp.
Cùng ngày, bài viết Mỹ - Diệm hất cẳng Pháp, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 656. Trong bài, Người trích dẫn một số nguồn tin của báo chí Pháp ca thán việc Mỹ - Diệm hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam. Về chính trị, báo chí của Diệm không ngừng chửi Pháp một cách thô lỗ, quân đội Diệm thường gây sự với quân đội Pháp; Diệm không muốn thừa nhận viên Cao uỷ Pháp. Về kinh tế, Diệm hạn chế nhập hàng của Pháp làm cho hàng hoá Tây Đức, Nhật, Mỹ hất cẳng hàng hoá Pháp, nhiều xí nghiệp Pháp ở miền Nam phải bán đổ bán tháo để cuốn gói chuồn... Mặc dù vậy, Pháp vẫn cúi đầu đi theo Mỹ, ủng hộ âm mưu của Mỹ đưa chính quyền Ngô Đình Diệm vào Liên hợp quốc.
- Ngày 20: Bài viết Nhiệm vụ của thanh niên ta, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 657. Người biểu dương những thành tích của thanh niên đã đạt được trong sản xuất, học tập và huấn luyện chiến đấu; nhắc nhở thanh niên phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm tròn trách nhiệm nặng nề và vinh dự của mình. Người kết luận:
"Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà,
Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên".
- Ngày 21: Bài viết Chúc mừng hai ngày kỷ niệm vẻ vang, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 658. Bài viết nhân kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944), Người biểu dương gương chiến đấu, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ cả nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kêu gọi đồng bào và chiến sĩ phải phát huy truyền thống yêu nước trong công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thống nhất, độc lập, hoà bình, dân chủ trong cả nước.
- Trước ngày 22: Trả lời phỏng vấn của phóng viên tuần báo Thời đại mới (Ấn Độ). Người đánh giá cao phong trào đấu tranh bảo vệ hoà bình ở châu Á, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước Á - Phi; tố cáo chủ nghĩa đế quốc âm mưu lập các khối quân sự để chạy đua vũ trang; bày tỏ quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự chiêu đãi do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - tổ chức nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ngày 23: Bài viết Một vinh dự mới cho nhân dân ta, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 660. Bài báo cho biết, Uỷ ban giải thưởng hoà bình quốc tế Xtalin đã quyết định tặng giải thưởng năm 1955 cho sáu người có công lao trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, trong đó có đồng chí Tôn Đức Thắng. Người ca ngợi cuộc đời chiến đấu quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người của nhà cách mạng lão thành Tôn Đức Thắng.
- Ngày 24: Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nôen, đăng báo Nhân Dân, số 661. Trong thư, Người chia sẻ niềm vui với đồng bào Công giáo được sống trong cảnh thanh bình, lên án các thế lực phản động đã lừa gạt, cưỡng bức đồng bào di cư vào miền Nam và nhắc nhở bà con phải đoàn kết chặt chẽ để xây dựng quê hương.
- Trước ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời nhà báo Lơroi Hanxen, chủ bút Hãng tin U.P (Mỹ) ở khu vực Châu Á.
Trả lời câu hỏi: Trong năm sắp tới, triết lý nào sẽ hướng dẫn Ngài trong những cố gắng mang lại cho những nước châu á nền hoà bình và thịnh vượng mà mọi người mong muốn?
Người nói: Trong chính sách đối ngoại, triết lý hướng dẫn chúng tôi là sự thực hiện năm nguyên tắc chung sống hoà bình; về chính sách nội trị, triết lý hướng dẫn chúng tôi là sự thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ để thực hiện sự thống nhất đất nước chúng tôi.
- Ngày 27: Bài Tổng tuyển cử Pháp và Điện Biên Phủ, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 664. Người viết: Chính sách của Pháp ở Việt Nam đã làm cho giới tư bản Pháp mâu thuẫn và công kích lẫn nhau. Trước cuộc tổng tuyển cử ngày 2-1-1956, các đảng phái, phe nhóm chính trị đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ và về việc Pháp đang bị gạt khỏi Đông Dương.
- Ngày 28: Bài viết Lại "đời sống kiểu Mỹ", bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 664. Người lên án Chính phủ Mỹ không tán thành chủ trương cấm sử dụng bom nguyên tử, tiếp tục chạy đua vũ trang, xây dựng nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài, truyền bá cái gọi là "đời sống kiểu Mỹ" khắp thế giới. Đồng thời, nêu lên sự thối nát của đời sống Mỹ là "giết người không bị tội, hãm hiếp cả con trai, tham ô và hối lộ, kiểu Mỹ "đẹp" vậy thay".
- Ngày 29: Bài viết Đức Giáo hoàng kêu gọi cấm bom nguyên tử, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 666. Bài báo cho biết, từ sự kiện Giáo hoàng ra tuyên bố kêu gọi không sản xuất và sử dụng bom nguyên tử ngày 24-12-1955, Người lên án Mỹ vẫn âm mưu sử dụng bom nguyên tử, chạy đua vũ trang; ca ngợi Liên Xô luôn chủ trương sử dụng kỹ thuật nguyên tử vì mục đích hoà bình. Đồng thời, Người cũng vạch rõ đế quốc Mỹ và bè lũ tuyên truyền bom nguyên tử để lừa bịp và cưỡng ép đồng bào Công giáo di cư vào Nam. Do đó, "bọn chúng chẳng những có tội với nhân dân, có tội với Tổ quốc, mà cũng có tội với Giáo hoàng. Chúng là đồ đệ của quỷ Satăng và tay sai của đế quốc Mỹ".
* Tháng 12- 1956
- Ngày 8: Thăm lớp nghiên cứu chính trị khoá II của trí thức tại Trường Đại học Nhân dân Việt Nam. Nói chuyện với lớp, Người mở đầu bằng một câu trong sách Tam tự kinh: "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Người giải thích:
Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.
Thiện là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
Người cho rằng: Trong xã hội, trong cả thế giới, trong một nước, và trong bản thân mỗi con người đều có Thiện và ác.
"Thiện và ác là hai cái mâu thuẫn, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh ấy phải trường kỳ và gian khổ, nhưng cuối cùng thì ác nhất định bại, Thiện nhất định thắng".
Nói về Đảng, Người cho rằng: "Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng là do nhiều người cách mạng họp lại, cho nên dù với sự rèn luyện theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng có nhiều ưu điểm, những cũng không tránh khỏi khuyết điểm. Khi có khuyết điểm, Đảng hoan nghênh phê bình, thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy, Đảng ngày càng tiến bộ, càng mạnh mẽ".
Về chuyên chính dân chủ nhân dân, Người phân tích: "Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai?... Dưới chế độ dân chủ nhân dân, chuyên chính là đại đa số nhân dân chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ dân chủ của nhân dân. Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khoá và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khoá, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ".
- Ngày 21: Gửi thư cho đồng bào một số địa phương đã thanh toán xong nạn mù chữ, Người biểu dương thành tích của đồng bào các xã Vĩnh Khang, Tam Cường, Liên Sơn, Diên Liên, thị xã Phát Diệm (Ninh Bình) đã thanh toán nạn mù chữ và coi đó là thắng lợi bước đầu trên mặt trận văn hoá.
Cuối thư, Người vạch rõ: "Thanh toán nạn mù chữ là bước đầu nâng cao trình độ văn hoá. Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta trở thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
Cùng ngày, họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về cải cách ruộng đất. Người nói: "Mỗi đồng chí theo dõi một khu có quyền giải quyết những việc nhỏ".
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đại biểu nông dân 46 xã ngoại thành Hà Nội, nơi đang tiến hành công tác sửa chữa những sai lầm, thiếu sót trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất.
- Trước ngày 22: Nói chuyện với hội nghị đại biểu công nhân và cán bộ miền Nam làm việc ở các công trường, nông trường và lâm trường, Người khen ngợi những thành tích xây dựng miền Bắc trong 2 năm qua của công nhân, cán bộ miền Nam, nói lên sự cảm thông sâu sắc của Người, của Đảng và Chính phủ đối với những khó khăn trong công tác của anh chị em; căn dặn anh chị em phải khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không suy tính cá nhân, vì Đảng, vì nhân dân phục vụ, kiên trì đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Đối với các cán bộ lãnh đạo, Người yêu cầu: Phải chăm sóc đời sống công nhân đi đôi với việc đẩy mạnh công tác chuyên môn; phải mở rộng dân chủ, mọi việc cần phải đem ra bàn bạc với công nhân; cần đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên.
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người biểu dương những thành tích của quân đội ta trong Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong công cuộc khôi phục kinh tế. Người nêu rõ nhiệm vụ của quân đội là phát huy truyền thống cách mạng anh dũng và vẻ vang, nâng cao chí khí phấn đấu, giữ vững kỷ luật, đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân, ra sức làm tròn nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ giao phó. Quân nhân phục viên, thương binh cần ra sức khắc phục khó khăn, phát huy tính tích cực của mình trong sản xuất và trong mọi mặt công tác.
Tối, tại cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự chiêu đãi do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Trước ngày 23: Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các gia đình có công với cách mạng, đại biểu nông dân và cán bộ các xã ngoại thành Hà Nội đến thăm Người nhân dịp cuối năm 1956.
Sau khi nghe báo cáo kết quả bước đầu của công tác sửa sai, Người thay mặt Đảng và Chính phủ hỏi thăm sức khoẻ các đại biểu và nhờ chuyển lời hỏi thăm của Người tới toàn thể đồng bào ở địa phương, cảm ơn các gia đình đã giúp đỡ cách mạng, đưa kháng chiến tới thắng lợi. Người nói: Cải cách ruộng đất sở dĩ có kết quả là nhờ truyền thống đoàn kết của nhân dân ta từ trước đến nay. Vì vậy, mong đồng bào các xã ngoại thành cố gắng thi đua sản xuất, tiến hành sửa sai tốt, chống hạn tốt và có nhiều tổ đổi công tốt.
- Ngày 24: Dự họp Hội nghị Bộ Chính trị nhận định tình hình sửa sai bước một. Sau khi nghe báo cáo, Người nhận xét: "Báo cáo này cần sửa lại trước khi đưa ra anh em. Và cần xem lại tại sao lúc cải cách thì rầm rộ mà khi sửa sai thì im lặng". Kết thúc cuộc họp, Người vạch rõ: "Cán bộ cần huấn luyện kỹ, kiểm tra uốn nắn kịp thời trước khi đi sửa sai. Bước hai của sửa sai rất gay vì diện rộng và phức tạp, phải tăng cường lãnh đạo của Trung ương. Nếu lãnh đạo của Trung ương cứ như hiện nay thì sẽ không đảm bảo. Cần thêm cán bộ đi sửa sai. Huấn luyện trước khi đi".
- Ngày 25: Gửi thư tới các hàng giáo sĩ và đồng bào Công giáo trong cả nước nhân dịp lễ Nôen năm 1956. Sau khi biểu dương thành tích của nhân dân ta trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - văn hoá ở miền Bắc, Người kêu gọi: "Các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương... như lời cầu nguyện của Chúa Kirixitô: "Nguyện cho hết thảy đồng bào hoàn toàn hợp nhất với nhau". Người khen ngợi các hàng giáo sĩ và đồng bào đã thân ái giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, thực hiện đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ.
- Ngày 26: Tiếp hơn 300 đại biểu đồng bào Thủ đô, đại biểu phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, tiểu thương, học sinh, Phật giáo, Công giáo, các cơ quan phụ nữ miền Nam tập kết ở Hà Nội và các gia đình có công với cách mạng đến thăm Người nhân dịp cuối năm. Người hỏi thăm sức khoẻ của các đại biểu, khen ngợi những thành tích của phụ nữ Thủ đô trong kháng chiến và trong 2 năm kiến thiết hòa bình và căn dặn nhiệm vụ của phụ nữ trong giai đoạn mới.
- Ngày 29: Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời chào đồng bào miền Nam và khẳng định dù hoàn cảnh còn rất khó khăn, đồng bào vẫn hướng về Quốc hội, về Trung ương Đảng và Chính phủ; đồng bào vẫn một lòng một dạ cùng đồng bào miền Bắc ra sức đấu tranh để thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh điểm lại những cống hiến to lớn của Quốc hội từ khi mới được bầu năm 1946 và trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau khi đánh giá tình hình quốc tế và trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, ... tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc; cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam"; "Khoá Quốc hội này là khoá Quốc hội phát triển dân chủ của Nhà nước", là "khoá Quốc hội đoàn kết". Người khẳng định: "Tất cả chúng ta đều phải tăng cường đoàn kết. Đoàn kết để xây dựng miền Bắc vững mạnh, đoàn kết để đấu tranh thống nhất nước nhà. Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí, thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta".
Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gần 400 đại biểu đồng bào miền Nam tập kết bao gồm đại biểu các dân tộc, các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức và cán bộ công nhân viên đến thăm Người nhân dịp cuối năm.
Người khen ngợi đồng bào miền Nam tập kết đã tích cực tham gia củng cố miền Bắc, làm nền tảng cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Người căn dặn: Mọi người phải ra sức đoàn kết, phát huy truyền thống anh dũng của đồng bào miền Nam.
- Ngày 30: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hơn 300 đại biểu nam nữ thanh niên các tôn giáo, các tầng lớp công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, trí thức, bộ đội, Hoa kiều và đại biểu thanh niên các cơ quan Trung ương và Hà Nội, đến thăm Người nhân dịp cuối năm.
Người khen ngợi những thành tích và cố gắng của thanh niên trong kháng chiến và 2 năm hoà bình; khuyên thanh niên cố gắng công tác sản xuất, học tập, đoàn kết chặt chẽ và có ý thức kỷ luật; nói chuyện với anh chị em về tình hình thế giới và trong nước. Thay mặt Đảng và Chính phủ, Người chúc anh chị em thanh niên năm mới vui vẻ, mạnh khoẻ, cố gắng mới và tiến bộ mới.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn tiếp công tác sửa sai. Sau khi nghe các báo cáo, Người nhận xét:
1. Cần nhấn mạnh rằng sửa sai phải dựa vào dân;
2. Vấn đề sản xuất phải nêu bật để được chú trọng;
3. Nên ra một tờ báo phổ biến kinh nghiệm sửa sai.
- Trước ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị đại biểu các tập đoàn sản xuất của anh chị em miền Nam tập kết.
- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện với đại biểu các khu, thành, tỉnh toàn miền Bắc dự Hội nghị Sửa chữa những sai lầm, thiếu sót trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất.
* Tháng 12- 1957
- Ngày 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thôn Thạch Bích (Thanh Oai, Hà Tây). Người nói chuyện với đồng bào tại sân nhà thờ Thạch Bích, kêu gọi đồng bào đoàn kết, tích cực sản xuất, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp.
- Ngày 3: Chủ tọa phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ để bàn về việc tổng kết kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế; xây dựng kế hoạch năm 1958 và kế hoạch 3 năm (1958-1960) cải tạo và phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Đánh giá kết quả đạt được trong 3 năm khôi phục kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: "Mặc dù kinh tế nước ta lạc hậu, lại bị chiến tranh kéo dài tàn phá nặng nề, mặc dù công tác xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá đối với chúng ta còn mới mẻ, gặp nhiều khó khăn và không tránh khỏi những khuyết điểm, nhưng việc hoàn thành khôi phục kinh tế là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta".
- Ngày 7: Bài viết Ai mạnh hơn, bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 1368, Người chỉ rõ sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc cùng những thành tựu về mọi mặt mà Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được. Người viết: “chủ nghĩa đế quốc là như con “ác vàng” đã ngả về tây. Chủ nghĩa xã hội là như mặt trời mới mọc”.
- Ngày 24: Dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ ta đi Liên Xô dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga về đến Hà Nội. Nói chuyện với những người ra đón tại sân bay Gia Lâm, Người thông báo kết quả tốt đẹp của lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và hai cuộc hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế. Người nói: “Hai cuộc hội nghị đó đã có hai bản tuyên bố và tuyên ngôn có ý nghĩa lịch sử vạch cho ta thấy:
+ Sự đoàn kết của giai cấp công nhân;
+ Lực lượng hòa bình rất to lớn.
Sau đó, các lãnh tụ Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa có mời tôi ở lại nghỉ ở các nước đó, nhưng vì Liên Xô và Đông Âu khí hậu đang lạnh nên tôi nghỉ ở Trung Quốc. Hiện giờ tôi rất mạnh khỏe”.
- Ngày 25: Hai bài viết đăng báo Nhân Dân, số 1386.
Trong bài Không thể phớt mãi được! bút danh T.L., Người lên án nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam ngoan cố phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, ngăn cản việc trao đổi thư từ, điện tín của đồng bào hai miền Nam - Bắc, từ chối đề nghị của Hội Chữ thập đỏ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc giúp đỡ đồng bào miền Nam bị bão lụt. Người khẳng định đó là hành động vô nhân đạo sẽ bị dư luận trong và ngoài nước lên án.
Trong bài Tin tức Trung Quốc, bút danh Trần Lực, Người giới thiệu những thành tựu xây dựng và phát triển kinh tế ở Trung Quốc, phương hướng và mục tiêu phấn đấu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc từ năm 1956 đến năm 1967.
- Ngày 28: Tiếp và nói chuyện thân mật với cán bộ các cơ quan trung ương đóng ở Hà Nội và cán bộ các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội đến chào Người nhân dịp năm mới sắp đến. Người chúc cán bộ các cơ quan năm mới mạnh khỏe, đoàn kết, tiến bộ và hăng hái lao động. Người nhờ anh chị em có mặt chuyển lời thăm hỏi và chúc Tết của Trung ương Đảng, Chính phủ và của Người đến gia đình và anh chị em cán bộ không có mặt trong buổi gặp gỡ.
- Ngày 31: Chủ tọa phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ để bàn về việc: Tổng kết kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế; xây dựng kế hoạch năm 1958 và kế hoạch 5 năm (1958-1960); điều chỉnh tổng dự toán ngân sách nhà nước năm 1957 và dự án tổng dự toán ngân sách năm 1958; vấn đề ngân sách cấp xã; tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác chống hạn.
Về vấn đề thu chi và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Người nói: “Thu hụt thì Bộ Tài chính, các bộ, sở chủ quản phải có trách nhiệm, không phải xóa cho hết chuyện. Phải nói rõ bộ nào không làm hết trách nhiệm của mình để rút kinh nghiệm. Không xí xóa, bộ nào không làm hết trách nhiệm phải xem lại, phải nêu bật trách nhiệm của ai”.
Về vấn đề ngân sách cấp xã, Người nói: “Xã ở các nước có hợp tác xã, có ngân sách làm các công việc lợi ích chung. Xã ở ta chưa có hợp tác xã, nếu tập trung tài chính vào trung ương thì địa phương thiếu phương tiện hoạt động, sẽ ít phát huy sáng kiến. Có quyền phải có tiền”.
Khi bàn về công tác chống hạn, Người yêu cầu: Phải động viên từ trên xuống dưới. Ngoài những vị trong Chính phủ cần làm việc lập kế hoạch, những người khác, từ Chủ tịch trở xuống có thể xuống xã. Bây giờ ta phải quyết tâm chống hạn, phải tăng cường tổ chức lãnh đạo chống hạn.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Người phê phán một số khuyết điểm của các bộ, ngành, như: “Bộ Giáo dục đặt chương trình học ở các trường nặng quá. Bộ Ngoại thương thì mua hàng tốt, bán hàng xấu, rất kém tinh thần quốc tế. Mậu dịch phạm nhiều lãng phí, để cháy ba kho thóc. Bộ Văn hóa để báo chí, tập san xuất bản lung tung; tuyên truyền thì đưa cái gì cũng tươi đẹp cả, đưa ra những tin không chính xác. Phải nói cho chính xác để giáo dục, khuyến khích, không để dân chủ quan”.
Về công tác trước mắt, Người nói: “Cần chú ý mấy việc sau đây: chống hạn, chống rét. Tết năm ngoái có nhiều lệch lạc, đồng bào nông thôn bỏ sản xuất để hội hè, giết trâu bò, ăn uống, cờ bạc. Tết năm nay sắp đến, Bộ Văn hóa phải chú ý ngăn ngừa trước”. Người nhấn mạnh: “Sang năm mới, ta chuyển vào kế hoạch để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Hội đồng Chính phủ đòi hỏi các bộ, các ngành phải có kế hoạch sửa chữa các khuyết điểm để thực hiện kế hoạch được tốt”.
* Tháng 12- 1958
- Ngày 1: Lúc 18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ ký Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Thủ tướng Kim Nhật Thành, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
- Ngày 3: Bài viết ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử ở Pháp, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 1725. Phân tích những số liệu cụ thể qua vòng bầu cử Quốc hội lần thứ hai ở Pháp và thái độ của cử tri Pháp, tác giả vạch rõ những chỗ lắt léo gian dối trong luật tuyển cử Đờ Gôn và khẳng định: “Nhân dân Pháp với truyền thống cách mạng chắc chắn không để phe phản động thống trị họ lâu ngày, họ sẽ đấu tranh, sẽ thắng lợi”.
- Ngày 6: đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II). Người nhấn mạnh: “Hiện nay, nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn dân ta là đẩy mạnh công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Muốn thực hiện được nhiệm vụ đó, trước hết là phải tiến hành cách mạng tư tưởng... Phải làm cho tư tưởng chính trị của nhân dân ta chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, có như thế chúng ta mới phát huy được hết thuận lợi, khắc phục được mọi khó khăn, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước ba năm và chuẩn bị tốt cho kế hoạch dài hạn về sau”.
Người căn dặn cụ thể các cán bộ phụ trách công tác nông thôn và công nghiệp một số điều cần nhớ và cần thực hiện để giành vụ đông - xuân thắng lợi, để làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp.
- Ngày 9: 14 giờ 30, dự lễ khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa I. Người thay mặt Đảng và Chính phủ chào mừng các đại biểu Quốc hội và thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp đọc báo cáo về công việc và kết quả cụ thể của Ban từ sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và dự kiến kế hoạch công tác sắp tới. Người hứa trước Quốc hội “sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao phó cho: dự thảo một bản Hiến pháp xứng đáng với sự tiến bộ của nhân dân ta, của Tổ quốc ta”.
- Ngày 11: dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về công tác thủy lợi và ý kiến của đoàn chuyên gia Trung Quốc. Sau khi nghe báo cáo, Người đề nghị nên nhờ chuyên gia Trung Quốc giúp đỡ kinh nghiệm, việc trị thủy sông Hồng nên phối hợp với bạn (Trung Quốc); cần có kế hoạch chống úng cho vùng Hà Nam, Nam Định.
- Ngày 13 : Tối, tại Phủ Chủ tịch, Người tiếp các đại biểu Quốc hội về dự kỳ họp thứ 9. Người đề nghị các đại biểu khi trở về địa phương cần nhanh chóng truyền đạt những nghị quyết của Quốc hội, không khí phấn khởi khẩn trương của kỳ họp để động viên toàn dân hăng hái thực hiện thắng lợi Kế hoạch Nhà nước ba năm và nhờ các đại biểu chuyển lời thăm hỏi và khen ngợi của Người tới đồng bào, cán bộ và chiến sĩ “Nếu toàn dân cố gắng, toàn Đảng cố gắng, Chính phủ cố gắng, ta sẽ có dịp ăn mừng những thắng lợi to lớn hơn nữa”.
- Ngày 15: Về thăm Công trường thủy lợi Thụy Phương ở ngoại thành Hà Nội. Người đi xem cống Liên Mạc và đến tận nơi thăm anh em bộ đội, dân công đang đào kênh dẫn nước vào sông Nhuệ. Người căn dặn mọi người phải thi đua với nhau, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Rời công trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trung đoàn 254 bảo vệ Thủ đô và dân quân thôn Hoàng (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) đang đắp mương trung thủy nông ở xứ Cầu Điều. Người yêu cầu các lực lượng vũ trang cần luyện tập quân sự cho tốt để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng cũng cần phải tham gia lao động giúp đỡ nhân dân làm thủy lợi để phát triển sản xuất thì nhân dân và bộ đội đều được ấm no.
Cùng ngày, Người đến thăm Hội nghị học tập kinh nghiệm khai khẩn nông nghiệp Trung Quốc do Tổng cục Hậu cần tổ chức. Người căn dặn các đại biểu cần ra sức học tập và áp dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm sản xuất của Trung Quốc phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Người giao nhiệm vụ cho các nông trường quân đội, nông trường quốc doanh phải đi đầu trong sản xuất nông nghiệp và hứa sẽ tặng chiếc máy cày của hợp tác xã Xalibi (Tiệp Khắc) biếu Người.
- Ngày 19: Đến thăm và nói chuyện với Hội nghị sơ kết phong trào thi đua của các cơ sở thuộc Tổng cục Hậu cần. Người khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và công nhân các cơ sở hậu cần trong phong trào thi đua “Tiến nhanh vượt mức kế hoạch, vươn lên hàng đầu” đã phát huy truyền thống của quân đội, khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, hoàn thành nhiệm vụ và biết áp dụng sáng tạo những kinh nghiệm quý báu của các nước anh em. Người căn dặn mọi người không được tự mãn, phải tiếp tục cố gắng tổ chức thi đua tốt hơn, xây dựng quân đội ta trở nên hùng mạnh về mọi mặt, xứng đáng là vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đại biểu Quốc hội Hà Nội đến báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội với Hội nghị đại biểu nhân dân Thủ đô. Người kêu gọi nhân dân Thủ đô đoàn kết nhất trí, ra sức thi đua sản xuất và tích kiệm, làm đầu tàu lôi kéo toàn dân xây dựng miền Bắc vững mạnh.
Cùng ngày, Người viết thư cảm ơn các cụ “phụ lão diệt dốt” xã Nam Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đã gửi thư cho Người báo tin toàn xã đã thanh toán xong nạn mù chữ. Người mong các cụ “tiếp tục đôn đốc và giúp đỡ đồng bào trong xã cố gắng học thêm để nâng cao trình độ, đẩy mạnh phong trào tổ đổi công và hợp tác xã một cách khẩn trương và chắc chắn, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, đoàn kết chặt chẽ xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục”.
- Ngày 22: Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ phong quân hàm (đợt 2) cho cán bộ cao cấp trong quân đội.
Phát biểu tại buổi lễ, Người khẳng định những đóng góp của các vị trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc và căn dặn: “Dù ở cương vị nào, các đồng chí đều phải luôn luôn gương mẫu, luôn luôn xứng đáng là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ toàn quân nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Bức thư có đoạn:
“Chúng ta phải ra sức xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để gìn giữ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.
Toàn thể cán bộ và chiến sĩ ta phải giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân, nâng cao chí khí chiến đấu và cảnh giác cách mạng, ra sức học tập quân sự và chính trị, tăng cường đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa quân đội và nhân dân, tích cực tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ nhân dân trong mọi công tác. Phải trau dồi đạo đức cách mạng, tiết kiệm, cần cù, “khiêm tốn giản dị”.
- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi làm việc với Tỉnh ủy để nghe báo cáo tình hình mọi mặt trong tỉnh, Người đến thăm một đơn vị của quân khu Việt Bắc đóng ở Thành Trắng và thăm lớp bồi dưỡng chủ nhiệm, kế toán hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh.
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải lần thứ ba. Người lên tận nơi đổ bê tông móng cống Xuân Quan thăm hỏi mọi người. Người khen anh em công nhân có nhiều tiến bộ và nhắc nhở cần cố gắng hơn nữa, phát huy nhiều sáng kiến, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời đẩy mạnh việc chống lãng phí, tham ô.
Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội. Người giao trách nhiệm cho cán bộ và công nhân phải xây dựng nhà máy trở thành một nhà máy kiểu mẫu, mọi người phải cố gắng thực hiện những điều Người căn dặn để quyết tâm hoàn thành vượt mức Kế hoạch Nhà nước năm 1959, chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn sau này.
- Ngày 26: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về công tác thủy lợi và kế hoạch thủy lợi ba năm tới. Người đề nghị Ban Bí thư xem xét lại một lần nữa Nghị quyết trước khi Bộ Chính trị thông qua và nhắc nhở “chú ý kiện toàn tổ chức để làm tốt, khỏi lãng phí”.
- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà và một số vấn đề đối ngoại.
- Ngày 31: Gặp gỡ các thầy giáo và học sinh Trường phổ thông cấp III Chu Văn An nhân buổi hội trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường:
+ Học đi với lao động.
+ Lý luận đi với thực hành.
+ Cần cù đi với tiết kiệm”.
“Muốn xã hội chủ nghĩa, phải có: Người xã hội chủ nghĩa. Muốn có người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trái hẳn với cá nhân chủ nghĩa. Cái gì không phải xã hội chủ nghĩa là cá nhân chủ nghĩa”.
Trong ngày, tại Phủ Chủ tịch, gặp mặt và nói chuyện với cán bộ các cơ quan trung ương và Hà Nội nhân dịp năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Năm 1959 là năm bản lề, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, công việc sẽ rất nhiều. Ta có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn. Chúng ta phải ra sức hoàn thành vượt mức Kế hoạch Nhà nước năm 1959 với chí khí quyết chiến quyết thắng”.
- Trong tháng 12: Tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958.
Tác phẩm tập trung phân tích các vấn đề:
1. Vai trò của đạo đức cách mạng: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
2. Nội dung cơ bản và những chuẩn mực của đạo đức cách mạng: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là:
Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.
Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng.
Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.
Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.
3. Đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cá nhân, “kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”.
Trong phần kết luận, tác giả nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
* Tháng 12- 1959
- Ngày 2: Phát biểu với Hội nghị mở rộng của Tỉnh ủy Hà Đông (cũ), Người góp một số ý kiến về việc chống hạn, việc củng cố các hợp tác xã đã có, vấn đề cần kiệm xây dựng hợp tác xã, công tác phát triển Đảng, vấn đề đoàn kết trong cán bộ, v.v. của Hà Đông và nhắc nhở các cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã “đều phải học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật để làm trọn nhiệm vụ ngày càng nhiều và càng mới”.
Cùng ngày, Người về thăm hợp tác xã nông nghiệp của đồng bào Thiên Chúa giáo thôn Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Đông (Hà Nội). Người thân mật nói chuyện với các xã viên về công việc sản xuất, căn dặn bà con đoàn kết thương yêu nhau, đoàn kết lương giáo, kính Chúa, yêu Tổ quốc.
Trước khi ra về, Người đến thăm trại chăn nuôi của Hợp tác xã và thăm một số gia đình xã viên.
- Ngày 4: Bài viết Phải ra sức chống hạn, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 2088. Người phân tích nguyên nhân vụ mùa vừa qua giành được thắng lợi, mặc dù nhiều nơi bị thiên tai hạn hán và kết luận:
“Dù cho hạn hán khắp nơi,
Người mà quyết chí, thì trời phải thua
Không mưa mà vẫn được mùa”.
Dự báo tình trạng hạn hán có thể xảy ra, tác giả nhắc nhở bà con nông dân, cán bộ, bộ đội, thanh niên phải quyết tâm tìm mọi cách chống hạn, bảo đảm vụ chiêm thắng lợi, lấy thành tích chào mừng 30 năm thành lập Đảng.
- Ngày 6: Dưới đầu đề: Thư không dán. Kính gửi ông Ike Tổng thống Mỹ, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2090, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần những luận điệu lừa bịp dư luận về cái gọi là “Tự do, công lý và hòa bình” mà Tổng thống Mỹ thường rêu rao. Bằng những dẫn chứng cụ thể, bài báo tố cáo Mỹ một mặt luôn nói đến “hòa bình”, nhưng thực tế lại tăng cường chạy đua vũ trang và viện trợ vũ khí cho lực lượng của Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam để chúng bắn giết những người vô tội.
- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận về Luật Hôn nhân và Gia đình.
Bài viết Tiêu chuẩn của người đảng viên, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2093, đề cập đến vấn đề xây dựng Đảng và phẩm chất của đảng viên.
Về công tác xây dựng Đảng, Người nêu rõ: “Khi phát triển Đảng cần phải chọn lọc rất cẩn thận, phải xem trọng chất lượng quyết không nên làm một cách ồ ạt, không nên tham nhiều”.
Để làm tốt công tác phát triển đảng viên mới, Người nhấn mạnh cần phải dựa vào những tiêu chuẩn của Người đảng viên mà xét duyệt, lựa chọn, có được như thế mới xứng đáng là người đảng viên và kết luận: “Đảng viên tốt thì Đảng mới mạnh. Đảng mạnh thì mới làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang là: Lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc để thực hiện thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bảo tàng Quân đội nhân khai mạc trưng bày kỷ niệm 15 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau khi xem các hiện vật nói lên quá trình ra đời, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng vũ trang, Người căn dặn cán bộ, nhân viên Bảo tàng cần phát huy “cuốn sử sống” để tuyên truyền giữ vững truyền thống tốt đẹp của quân đội.
- Ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà (Hà Nội). Người căn dặn công nhân, cán bộ nhà máy phải triệt để thực hiện khẩu hiệu “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ”.
- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi cán bộ và giáo viên bổ túc văn hoá. Toàn văn bức thư như sau:
“Gửi các đồng chí cán bộ và giáo viên bổ túc văn hoá.
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất.
Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có kỹ thuật cải tiến. Muốn sử dụng tốt kỹ thuật thì phải có văn hoá.
Vì vậy công việc bổ túc văn hoá là cực kỳ cần thiết.
Công tác bổ túc văn hoá đối với người dạy và người học đều có khó khăn hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng với quyết tâm và tinh thần xã hội chủ nghĩa thì khó khăn gì cũng khắc phục được và bổ túc văn hoá nhất định sẽ thành công.
Chúc các bạn cố gắng thi đua và thu được nhiều thắng lợi”.
Cùng ngày, bài viết của Người: Tiếp tục nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho xã viên, một công tác quan trọng để củng cố hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân Dân, số 2101. Bài gồm hai phần:
Phần I: nói về những đặc điểm cơ bản và vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam trong cách mạng dân tộc dân chủ trước đây và cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Phần II: đề cập tới những nội dung cụ thể trong việc giác ngộ tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho nông dân, một nhiệm vụ cần thiết hiện nay.
- Ngày 18: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 ( Họp từ ngày 18 đến ngày 31-12) của Quốc hội khóa I và tham gia Chủ tịch đoàn.
Thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, Người đọc lời chào mừng. Tiếp đó, nhân danh Trưởng ban Sửa đổi Hiến pháp, Người trình bày về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, giới thiệu các điểm chính trong nội dung và những ý kiến đóng góp của nhân dân vào bản Dự thảo.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về ngày kỷ niệm thành lập Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề Hiến pháp và kế hoạch học tập lý luận ở Trường Đảng.
Cùng ngày, bài viết Gió Đông thổi bạt gió Tây, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2103, Người trích dẫn những nhận xét của tờ Tin tức kinh tế Châu Âu (tờ báo của Liên Hợp quốc) để nói về những tiến bộ vượt bậc trong sản xuất công nghiệp của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu năm 1959 so với tốc độ phát triển ỳ ạch của các nước tư bản Tây Âu. Bài báo kết luận bằng hai câu thơ:
Gió Đông thổi bạt gió Tây,
Bên kia sụt xuống, bên này tiến lên!
- Ngày 22: Gửi thư cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Người khen ngợi quân đội ta, trong 15 năm qua đã vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ và đã lập được nhiều thành tích vẻ vang và căn dặn tất cả cán bộ và chiến sĩ của các lực lượng vũ trang nhân dân:
“- Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, kỹ thuật và văn hóa, ra sức công tác và lao động; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Phải trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng vì Đảng, vì dân.
- Phải nâng cao chí khí chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”.
Cùng ngày, phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Người biểu dương “Quân đội chúng ta anh hùng trong kháng chiến mà cũng anh hùng trong hòa bình” và nêu rõ sở dĩ có những thắng lợi và những thành công đó là nhờ sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng, nhờ sự thương yêu giúp đỡ của nhân dân.Vì vậy, cán bộ và chiến sĩ “không được tự mãn, không được tự kiêu. Trái lại, cần phải khiêm tốn, cần phải đoàn kết, cần phải ra sức thi đua học tập, học tập về chính trị, học tập văn hóa, học tập kỹ thuật”.
- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp toàn thể của Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 1959 và những chủ trương công tác lớn năm 1960.
Cùng ngày, trong bài Cảnh giác, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2107. Người nhắc nhở các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đơn vị hãy đề cao cảnh giác trước những hành động khiêu khích, do thám của bọn phản động Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ, cũng như bọn tay sai của chúng ở Lào.
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Kế hoạch nhà nước năm 1960.
Trong ngày, bài viết của Người: Người Mỹ cũng nói Diệm độc tài, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2109. Tác giả trích dẫn ý kiến của một số chính khách và học giả Mỹ nhận xét về chế độ Ngô Đình Diệm cũng độc tài chẳng khác gì những tên độc tài khác được Chính phủ Mỹ ủng hộ.
- Ngày 27 : Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người cháu nuôi của Bác, ký bút danh K.V., đăng báo Nhân Dân, số 2111, ghi lại những ngày tháng hoạt động của Người khi còn hoạt động ở Pắc Bó (Cao Bằng).
- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự phiên họp toàn thể của Quốc hội. Sau khi nghe đại diện Thư ký đoàn đọc lá thư của một công nhân Sài Gòn gửi Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Người nói: “có thể nói đồng bào miền Nam thông qua bản Hiến pháp mới của chúng ta”.
Phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình do Tiểu ban nghiên cứu trình bày, Người nói đại ý: Tôi tán thành nội dung bản Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình. Nó có tính chất xã hội chủ nghĩa rõ rệt.
- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa I.
Sau khi Quốc hội nhất trí thông qua Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nhân danh Trưởng ban sửa đổi Hiến pháp cám ơn và hoan nghênh các tầng lớp nhân dân miền Nam, miền Bắc, kiều bào ở nước ngoài và các đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp, cám ơn Quốc hội đã thông qua Hiến pháp; nêu rõ ý nghĩa bản Hiến pháp đối với trong và ngoài nước, kêu gọi toàn dân thực hiện tốt Hiến pháp mới.
Sau lễ bế mạc, Người ra dự và nói chuyện với trên hai vạn đồng bào Thủ đô họp mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Thành phố, hoan nghênh thành công của kỳ họp Quốc hội, hoan nghênh Hiến pháp mới.
Cũng trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với một số cán bộ của thành phố Hà Nội đến thăm lớp vỡ lòng ở đình Thạch Khối (Hàng Than, Hà Nội).
- Trong tháng 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua của Cục Không quân. Người căn dặn: “Bộ đội không quân phải phấn đấu hơn nữa để Hội nghị thi đua lần sau đạt nhiều thành tích hơn, có nhiều chiến sĩ thi đua hơn và báo cáo Bác biết để Bác đến dự”.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)
Phần 8. Giai đoạn 1960 - 1963
* Tháng 12- 1960
- Ngày 1: Hồi 11 giờ, tại Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân thế giới thông qua bản Tuyên bố chung của Hội nghị. Thay mặt Đoàn Việt Nam, Người đã ký vào bản Tuyên bố chung và sau đó chụp ảnh chung với Hội nghị và các đoàn đại biểu.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị đoàn kết Á - Phi của Ấn Độ. Bức điện có đoạn: “Tôi xin gửi chào thân ái đến các vị đại biểu đang góp phần đấu tranh thủ tiêu chế độ thực dân, đòi giải trừ quân bị và chấm dứt chiến tranh lạnh để bảo vệ tự do, độc lập và hòa bình”.
- Ngày 2: Hồi 12 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta đi dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, dự chiêu đãi của Chủ tịch Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức tại Điện Kremli.
14 giờ đến 15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, sau đó đến thăm và nói chuyện với sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở Mátxcơva, tại Nhà văn hóa của Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp.
Người thông báo với anh chị em về thành công to lớn của Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân. Thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam, Người cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của các giáo sư, cán bộ, công nhân viên nhà trường. Người nêu một số nhận xét về ưu, khuyết điểm của anh chị em sinh viên và căn dặn mọi người phải cố gắng hơn nữa trong học tập, nghiên cứu để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và của nhân dân.
20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta lên đường về nước.
- Ngày 3: Hồi 14 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị cùng đi về qua Bắc Kinh.
17 giờ, Người và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đến gặp và hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, sau đó dự tiệc do Chủ tịch Mao Trạch Đông chiêu đãi.
- Ngày 5: 8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Người thông báo về kết quả của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế vừa họp ở Mátxcơva.
11 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Trần Nghị và sau đó cùng ăn cơm tại nhà nghỉ.
15 giờ 30 đến 18 giờ, Người đi kiểm tra sức khỏe ở Y viện Bắc Kinh theo đề nghị của các đồng chí Trung Quốc.
- Ngày 6: Hồi 6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Việt Nam rời Bắc Kinh về nước. 15 giờ 50, Người về tới Hà Nội.
- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị, nghe đồng chí Nguyễn Chí Thanh báo cáo về việc Đoàn đại biểu ta do Người dẫn đầu đi dự Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân họp ở Mátxcơva tháng 11 năm 1960.
- Ngày 13: Dự họp Bộ Chính trị bàn về Kế hoạch Nhà nước năm 1961. Người nêu lên yêu cầu về chỉ tiêu kế hoạch phải cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, phải chú ý tới đời sống nhân dân; phải tiết kiệm, phải có kiểm tra đôn đốc, phải thống nhất giữa các ngành và phải chống tham ô, lãng phí.
Cuối bài phát biểu, Người nói: “Ta muốn làm nhiều việc nhưng phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hiện nay nhân hòa còn kém, phải làm sao giữa nông dân và Nhà nước cho ăn khớp. Trong kế hoạch mới nói con số, nói “vật” chứ chưa nói tới “người” thực hiện, phải làm sao cho mỗi người từ trên xuống dưới phải có trách nhiệm thực hiện kế hoạch. Mặt chính trị của kế hoạch chưa nổi bật... Phải giáo dục tinh thần làm chủ cho mỗi người, từ trên xuống, phải chú trọng tới chi bộ, công đoàn; hợp tác xã phải củng cố cho vững mạnh hơn nữa và chú ý cải tạo con người...”.
- Ngày 15: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn đại biểu công đoàn Liên Xô đến chào Người. Cùng tiếp có Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Hoàng Quốc Việt và Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam.
- Ngày 17: Bài viết Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đoàn kết, đấu tranh thắng lợi, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2464, Người giới thiệu vắn tắt những nội dung chính trong bản Tuyên bố chung của 81 Đảng Cộng sản và Công nhân họp ở Mátxcơva vừa qua và nói lên niềm vui mừng trước sự lớn mạnh không ngừng của phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào giải phóng dân tộc và các lực lượng tiến bộ trên thế giới đang tấn công ngày càng mạnh mẽ vào chủ nghĩa thực dân và thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc.
Bài báo kết luận: “Với sự đoàn kết nhất trí của phe xã hội chủ nghĩa, của giai cấp công nhân quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, chúng ta nhất định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình thế giới, cho độc lập dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội”.
- Ngày 18: Bài viết Xibêri cộng sản, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2465, Người ca ngợi sự phát triển vượt bậc của vùng Xibêri (Liên Xô) trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và chỉ rõ nguyên nhân của những thắng lợi đó.
- Ngày 21: Bài viết Tiết kiệm, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2468, Người biểu dương ý thức tiết kiệm của một số thanh niên công nhân và nhắc nhở mọi người bất kỳ ở đâu và làm bất cứ việc gì đều cần phải tiết kiệm. Bài báo kết luận: “Thực hành tiết kiệm tức là trực tiếp góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đồng bào ta nên luôn luôn ghi nhớ điều đó!”.
- Ngày 22: Được tin Hội người mù Hà Nội đang tổ chức lớp học chữ nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch ủy ban hành chính thành phố chuyển đến tặng học viên nhà trường 25 bảng viết và dùi viết. Người còn gửi tặng riêng ông Trần Công Nhuận, thương binh hỏng mắt hạng 1/4 một huy hiệu của Người.
Tối, Người tới dự buổi chiêu đãi của Bộ Quốc phòng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 16 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ngày 24: Bài viết Mỹ đang lăn xuống dốc, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2471. Phân tích các số liệu từ phía Mỹ, Người chỉ rõ những mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa các nhóm tư bản Mỹ, giữa Mỹ và các nước Đồng minh Tây Âu, giữa Mỹ và các nước chư hầu, giữa tư bản Mỹ và giai cấp công nhân Mỹ. Mặt khác, các số liệu về kinh tế của Liên Xô lại nói lên sự phát triển vững chắc của nước này. Qua đó chứng tỏ “chủ nghĩa tư bản ngày càng suy sụp, chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng tiến lên”.
- Ngày 29: Báo Nhân Dân, số 2476, đăng hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
+ Bài Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Đảng Cộng sản Pháp, ký tên Hồ Chí Minh, nêu rõ quá trình thành lập Đảng Cộng sản Pháp và sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp trong 40 năm qua đối với cách mạng Việt Nam. Kết luận, Người viết: “Riêng về phần cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”.
+ Bài Nhân dân châu Phi đuổi cổ bọn thực dân, Tổng thống Đờ Gôn “trưng cầu dân ý", ký bút danh T.L., tố cáo thực dân Pháp bày trò "trưng cầu dân ý" cốt buộc nhân dân Angiêri đầu hàng sau bao nhiêu năm đấu tranh. Theo tác giả, ''muốn lập lại hòa bình thì Chính phủ Pháp phải thật thà đàm phán với Chính phủ Angiêri về việc ngừng bắn và đảm bảo quyền tự quyết thật sự cho nhân dân Angiêri. Ngoài con đường đó, thì thực dân Pháp chỉ có một con đường nữa tức là chuẩn bị tinh thần để đón tiếp một Điện Biên Phủ mới".
- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bàn về Kế hoạch Nhà nước năm 1961.
Nhất trí với báo cáo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về phương hướng, nhiệm vụ, Kế hoạch Nhà nước năm 1961, Chủ tịch nhấn mạnh vấn đề con người trong việc thực hiện kế hoạch phải chuyển biến cả về tác phong và tư tưởng, phải củng cố cán bộ các ngành, các xí nghiệp, cơ quan và bồi dưỡng, giáo dục con người cho thiết thực. Về vấn đề kỷ luật, Người nói: “Lao động phải có kỷ luật, có năng suất và chất lượng, làm vượt mức có khen thưởng rõ ràng, không làm được phải có biện pháp kỷ luật”. Người lưu ý phải làm thông suốt tư tưởng cho nhân dân, nói thật cho nhân dân biết cả thuận lợi và khó khăn và làm cho dân thực hành khẩu hiệu “Cần kiệm xây dựng nước nhà”. Đảng viên và đoàn viên phải thấm nhuần tư tưởng thành tâm, thành ý phục vụ nhân dân, thấm nhuần tư tưởng đó thì sẽ tiêu diệt bớt lãng phí, quan liêu”...
* Tháng 12- 1961
- Ngày 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thảo luận một số vấn đề của Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô và việc đưa Đảng bộ miền Nam ra hoạt động công khai.
Trong ý kiến phát biểu, Người nhấn mạnh sự nhất trí của Hội nghị là một thắng lợi và căn dặn: "Trong lời nói cũng như bài viết, trước hết là của các đồng chí Trung ương phải hết sức cẩn thận. Lúc này, một cái gì không thận trọng thì sẽ bị hiểu lầm ngay".
- Ngày 3: Dự tiếp Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương bàn về việc đưa Đảng bộ miền Nam ra công khai với tên gọi Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Người nói đại ý: miền Nam đã có Mặt trận dân tộc giải phóng thì cũng cần có chính đảng cách mạng của mình.
- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương lần thứ hai ( Bác về thăm Nghệ An lần thứ nhất vào năm 1957). Làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An, Người thân tình và thẳng thắn nhận xét những việc làm được, những việc chưa làm được của tỉnh, Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Tỉnh uỷ, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nhất là vấn đề củng cố các chi bộ cơ sở và lưu ý Tỉnh uỷ Nghệ An cần tập trung lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp để Nghệ An sớm tự túc đủ lương thực hàng năm. Người phân tích những thuận lợi để Nghệ An có thể vượt qua những khó khăn trên con đường xây dựng và phát triển của mình.
- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh Nghệ An. Người về thăm xã Nam Liên, Nhà máy cơ khí Vinh, Trường sư phạm miền núi Nghệ An, gặp mặt cán bộ đảng viên hoạt động lâu năm.
Người mong muốn đồng bào và cán bộ trong tỉnh phải có quyết tâm phấn đấu về mọi mặt để xây dựng Nghệ An thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc.
Người vui mừng trước những tiến bộ mọi mặt của quê hương Nam Liên và dặn dò những việc cần phải làm để trở thành một xã gương mẫu, vẻ vang.
Người nhắc nhở công nhân cần nêu cao tinh thần làm chủ xí nghiệp, làm chủ nước nhà, phải làm tốt bốn chữ "nhiều, nhanh, tốt, rẻ".
Người khuyên các cháu học sinh Trường sư phạm phải học tập tốt. "Học tập tốt là chính trị, văn hoá đều phải gắn liền với lao động sản xuất, không học dông dài. Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hoá, đều tiến bộ, các dân tộc đều phải đoàn kết với nhau".
Tại cuộc gặp mặt với cán bộ đảng viên lâu năm, Người nói: "Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa". "Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ thì mới tốt... Người ta thường nói: "Con hơn cha là nhà có phúc".
- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Hợp tác xã cấp cao Vĩnh Thành và Nông trường Đông Hiếu (Nghệ An).
Nói chuyện với cán bộ và xã viên hợp tác xã, Người nhận xét Vĩnh Thành "về mọi mặt đều có tiến bộ", "tuy có tiến bộ nhưng đang ít quá" và nêu những việc cụ thể Vĩnh Thành cần làm để trở thành một hợp tác xã gương mẫu trong mọi mặt sản xuất, công tác, học tập, đoàn kết.
Về công tác quản lý hợp tác xã, Người nhấn mạnh: "ở đâu quản trị khá thì hợp tác xã tiến, quản trị kém thì hợp tác xã yếu. Ban quản trị là những người do xã viên lựa chọn và bầu cử ra. Mọi công việc của hợp tác xã trước khi làm, ban quản trị phải đem ra bàn bạc với xã viên, hỏi ý kiến xã viên. Ban quản trị phải công bằng, không được thiên vị. Dân là chủ, xã viên là chủ. Ban quản trị làm việc để phục vụ ông chủ, bà chủ chứ không phải ngồi chỉ tay năm ngón, buộc người khác phải làm cái này, cái kia... Về vấn đề tài chính, tài chính phải công khai, thu và chi phải báo cáo cho xã viên biết. Ban quản trị phải minh bạch".
Người đã tặng huy hiệu của Người cho 5 xã viên có ngày công cao, có thành tích làm phân, làm thuỷ lợi sau khi đã hỏi ý kiến bà con xã viên "Thành tích của các cô, các chú trên có đúng thật sự không?".
Gặp gỡ cán bộ và công nhân Nông trường Đông Hiếu, Người nhắc nhở mỗi công nhân, mỗi cán bộ cần đề cao tinh thần làm chủ nông trường. "Làm chủ sao cho ra làm chủ, không phải làm chủ là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn làm bao nhiêu thì làm. Làm chủ nghĩa là phải làm sao cho nông trường phát đạt, sản xuất được nhiều. Tóm lại, làm chủ là: biết cần kiệm xây dựng nông trường, xây dựng đất nước; biết đoàn kết nội bộ, giữa cán bộ và công nhân, đoàn kết giữa nông trường và đồng bào địa phương".
Rời Đông Hiếu, Chủ tịch ra thăm Thanh Hoá. Nói chuyện với cán bộ và đồng bào trong tỉnh, Người biểu dương những tiến bộ của Thanh Hoá trong thời gian qua và nêu những khuyết điểm của tỉnh như chưa chú ý nhiều đến chất lượng của hợp tác xã, chưa đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, chưa đạt mức kế hoạch về sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, v.v.. Người tin tưởng, nếu khắc phục được những mặt yếu kém đó, Thanh Hoá - một tỉnh lớn nhất của miền Bắc, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động - chắc chắn sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội, kết thúc chuyến đi thăm hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá. Người xuống máy bay trực thăng tại Câu lạc bộ Quân nhân (nay là Câu lạc bộ Quân đội).
- Ngày 19: Bài viết Nông dân ta ngày càng no ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2828, giới thiệu hai hợp tác xã nhỏ là Hợp tác xã Thống Nhất ở miền núi Phú Thọ và Hợp tác xã Diễn Hải chốn nước mặn đồng chua nơi sơn cùng thuỷ tận của đất Nghệ An đã phấn đấu "từ đói đến no, từ nghèo đến giàu".
Sau khi chỉ rõ nguyên nhân của những thành tích đó là do "chi bộ Đảng lãnh đạo tốt, đoàn thanh niên xung phong tốt, xã viên thấm nhuần tinh thần làm chủ, hăng hái thi đua cần kiệm để xây dựng hợp tác xã", Người nhắc nhở: Các cấp uỷ Đảng cần giúp đỡ họ tiến lên nữa, và cần phổ biến những kinh nghiệm tốt của hai hợp tác xã trên đây cho những hợp tác xã khác làm theo để ngày càng tiến bộ.
- Ngày 20: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội toàn quốc lần thứ II Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Khi giải thích vì sao Người rất yêu quý thanh niên, Chủ tịch nêu rõ: Đó là vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho "thế hệ thanh niên già", đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên trong tương lai là các cháu nhi đồng, vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong các lực lượng vũ trang; vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu "Đâu cần thanh niên có; việc gì khó thanh niên làm".
Người căn dặn: "Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể,... chớ kiêu ngạo tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa".
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cùng ngày, Người dự tiệc chiêu đãi do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Phát biểu trong buổi tiệc, Người căn dặn: "Quân đội ta là một quân đội anh hùng. Quân đội ta đã phát triển từ nhỏ đến lớn, từ không đến có, từ yếu đến mạnh. Nhờ học tập kinh nghiệm và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc ta, của các vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Quang Trung, học tập quân đội Liên Xô, quân đội Trung Quốc, quân đội ta đã chiến thắng vẻ vang và ngày càng tiến bộ, nhưng không được chủ quan mà còn phải học tập mãi để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại. Quân đội ta còn là một quân đội lao động, tích cực tham gia xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho công cuộc hoà bình thống nhất nước nhà".
Cùng ngày, bài viết Lại thêm một vố vào đầu thực dân của Người, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2831, giới thiệu về thắng lợi của nhân dân ấn Độ vừa giải phóng được xứ Goa bị thực dân Bồ Đào Nha xâm chiếm 400 năm nay. Bài báo kết luận: "Nhân dân ta rất vui mừng ấn Độ đã thắng lợi, nhân dân Goa được trở về với Tổ quốc mình. Nhân dân ấn Độ thì ngày càng thấy rõ ai là thù, ai là bạn. Nhân dân thế giới càng vui mừng rằng chủ nghĩa thực dân đã bị thêm một vố vào đầu và đã đến ngày hoàn toàn tan rã".
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch Nhà nước năm 1962.
Về tình hình thực hiện kế hoạch năm 1961 và phương hướng năm 1962, Người nêu rõ: "Năm 1961 có những cái tốt, tốt là của quần chúng như Duyên Hải, Đại Phong, Ba Nhất. Còn lãnh đạo ở các cấp thì chưa chuyển. Năm 1962 phải làm cho chuyển; trên, dưới, ngang, dọc đều phải chuyển. Ta đã nói thì phải làm, nói ít làm nhiều, đừng nói nhiều làm ít. Tập trung lực lượng vào làm cho được những cái chính. Cái gì hoãn được thì hoãn để phục vụ cho những cái chính.
Xây dựng phải đảm bảo chất lượng. Phải có chính sách nhưng đồng thời phải có biện pháp, và không nên có biện pháp nửa vời. Lấy ví dụ: Thanh Hoá 25% diện tích cấy chay, có nơi vẫn phải đi cuốc ruộng. Thuỷ lợi làm tốn công quá. Phải có cách gì làm đỡ tốn công hơn, đỡ khổ hơn. Nông cụ cải tiến chậm quá. Phải có biện pháp tích cực và nếu cố gắng vẫn có thể giải quyết được các vấn đề trên.
Ta nói thế nào làm như vậy thì quần chúng sẽ đồng tình và có lợi cho sản xuất. Hiện nay giữa trung ương và địa phương, giữa ngành này với ngành khác còn chưa thật nhất trí. Cần phải sửa lại vấn đề này.
Về chỉ tiêu lương thực, tất nhiên là phải cố gắng phấn đấu, nhưng phải tính toán cho thực tế, phải đề phòng tình hình mất mùa. Thóc tăng 50 vạn tấn không phải dễ, cần phải đặt cho vừa mức để có cơ sở cố gắng được. Vấn đề tiết kiệm cũng vậy, phải vận động, phải giải thích, phải bàn cách nào làm cho tốt.
Nhưng không nên cái gì cũng rút xuống, làm cho quần chúng thêm khó hiểu về chủ nghĩa xã hội, tại sao mọi thứ tiến mà đời sống lại cứ mỗi ngày một thấp. Phải giáo dục cho quần chúng hiểu rõ tinh thần tự lực cánh sinh, nhưng trung ương phải giúp địa phương thiết thực hơn nữa.
Thi đua phải chú ý tới chất lượng, tới thực tế. Phải làm thí điểm, có chỉ đạo riêng để rút kinh nghiệm ở những nơi gần để dễ xuống, dễ chỉ đạo.
Phải làm sao phát huy được vai trò của công đoàn, chú ý đến đời sống của công nhân, phải chú ý tới lực lượng thanh niên, giáo dục cho thanh niên những nhiệm vụ thật cụ thể để phát huy tác dụng của họ.
Trong công tác xây dựng Đảng, cái gốc là chi bộ. Phải làm sao cho chi bộ vững để lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, họ biết phát huy thắng lợi, khắc phục trở ngại, vững vàng tiến lên.
Làm được tất cả những việc trên thì chi tiêu tuy có nặng nhưng vẫn có khả năng thực hiện được".
- Ngày 30: Trong bài Tết trồng cây, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2839, Người biểu dương thành tích trồng cây của hai Tết trước, nêu những kinh nghiệm trồng cây tốt của những cá nhân, tập thể điển hình và chỉ rõ: Sở dĩ họ đạt được những thành tích tốt là vì cá nhân họ đã thực hiện khẩu hiệu "Yêu cây như yêu con". Người nhắc nhở: Tết trồng cây cũng như mọi việc khác, các cấp uỷ Đảng phải lãnh đạo cụ thể và chặt chẽ thì sẽ thành công.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ ba Ngày Cách mạng Cuba thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống ốtvanđô Đoócticốt Tôrađô và Thủ tướng Phiđen Cáxtơrô.
* Tháng 12- 1962
- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III.
Phân tích thực trạng văn nghệ dưới thời thuộc Pháp, Người chỉ rõ: Khi "dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng".
Nói về nhiệm vụ của văn nghệ trước những biến đổi lớn lao hiện nay của đất nước, Người nhấn mạnh: "Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau". "Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi". Đối với những hiện tượng xấu xa trong xã hội, văn nghệ cũng cần phải phê bình, lên án rất nghiêm khắc. "Nhưng khen hay là chê đều phải đúng mức. Khen quá lời thì người được khen cũng hổ ngươi. Mà chê quá đáng thì người bị chê cũng khó tiếp thụ".
Người căn dặn: "Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hoà mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân".
Kết thúc buổi nói chuyện, Người nói: "Bác muốn bắt tay tất cả, nhưng không đủ thì giờ. Vậy Bác bắt tay đại biểu cao tuổi nhất - chứ không phải là già nhất và người ít tuổi nhất". Khi bắt tay Trà Giang, Người nhắc: "Trẻ mà có thành tích càng phải học và phải khiêm tốn!".
- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, gửi Thư chào mừng Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Bức thư có đoạn: "Đảng Lao động Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam rất vui mừng trước những thắng lợi to lớn mà nhân dân Tiệp Khắc đã đạt được và coi những thắng lợi đó là một nguồn cổ vũ quý báu trong sự nghiệp đấu tranh của mình nhằm xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
Nhân dịp này, Người chân thành cảm ơn Đảng Cộng sản và nhân dân Tiệp Khắc anh em đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Cùng ngày, bài viết ủng hộ Cuba chống đế quốc Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3175, khẳng định lập trường của nhân dân Việt Nam là ủng hộ Cuba chống lại mọi âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ. Người viết: "Nhân dân Việt Nam ta và nhân dân Cuba anh em cùng có một kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Cho nên chúng ta hết sức đồng tình và ủng hộ anh em Cuba. Cuba anh hùng là một tấm gương chói lọi cho các dân tộc bị áp bức. Một lần nữa nó chứng tỏ rằng: Khi phải đương đầu với kẻ địch hung ác, một dân tộc dù nhỏ bé, nếu luôn luôn cảnh giác, đoàn kết nhất trí, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh, thì cuối cùng nhất định thắng lợi".
- Ngày 5: Bài viết Cần phải nâng cao chất lượng hàng hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3176, nêu cụ thể trên một chục mặt hàng phục vụ sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, từ chiếc kim khâu cho đến chiếc xe đạp "Thống nhất" đã không bảo đảm được chất lượng do một số cán bộ, công nhân kém tinh thần trách nhiệm, làm ẩu, làm dối, chỉ biết chạy theo số lượng.
Theo tác giả, những khuyết điểm đó "đã trái hẳn với chính sách của Đảng và Chính phủ, đã làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân" và đề nghị bộ chủ quản và các hợp tác xã thủ công nghiệp phải có biện pháp sửa chữa, một mặt phải giáo dục cán bộ, công nhân và xã viên về ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, một mặt phải thi hành nghiêm chỉnh kỷ luật "làm hỏng thì phải làm lại" và thực hành chế độ "mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã phải bảo đảm chất lượng những sản phẩm của mình".
Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ Liên hợp dân tộc Vương quốc Lào sang thăm nước ta đến chào.
- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Thư chào mừng Đại hội lần thứ VI Đảng Xã hội thống nhất Đức. Sau khi khẳng định ý nghĩa to lớn những thành tích rực rỡ của Cộng hoà dân chủ Đức trong việc tăng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp đấu tranh chung cho hoà bình thế giới và chào mừng cương lĩnh lịch sử mà Đại hội sẽ thông qua, bức thư có đoạn viết: "Chúng tôi tin chắc rằng tình đoàn kết anh em giữa hai Đảng và nhân dân hai nước chúng ta, trên cơ sở của chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, sẽ ngày càng củng cố và phát triển, vì sự nghiệp xây dựng vững mạnh phe xã hội chủ nghĩa cùng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế".
- Ngày 13: Bài viết Tên là "Đội hoà bình", thực là đội hoạ binh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3184. Bằng những dẫn chứng cụ thể, tác giả vạch trần cái gọi là "Đội hoà bình" do Chính phủ Mỹ cử đến giúp các nước. Hoạt động của những đội này chỉ nhằm do thám tình hình chính trị, kinh tế, quân sự và khi cần chúng có thể trở thành những đơn vị chiến đấu. Do vậy, ""Đội hoà bình" của Mỹ thực chất là đội họa binh. Chúng đi trước để rước bọn Mỹ xâm lược vào sau. Vì vậy thiên hạ đều ghét chúng".
- Ngày 20: Bài viết Tổng Ken rúc vào hầm tối của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3191. Dẫn lời thú nhận của các quan chức và báo chí Mỹ về những thất bại liên tiếp và tình trạng bế tắc của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, tác giả cảnh cáo: "Nếu Tổng Ken muốn chui ra khỏi cái đường hầm đầy tội ác, y chỉ có một cách là ra lệnh cho quân đội Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam".
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 18 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức tại nhà khách của Bộ.
- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh chiêu đãi Đoàn đại biểu quân sự Liên Xô sang thăm nước ta nhân dịp kỷ niệm lần thứ 18 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Người đã có cuộc tiếp xúc riêng với Đại tướng Batốp. Hai người vừa đi dạo trong vườn Phủ Chủ tịch, vừa trao đổi bằng tiếng Nga.
Cùng ngày, trong bài báo nhan đề Cùng chung một dịp Nôen, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3197, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn nguồn tin của tờ Cách mạng quốc gia, ý kiến của các linh mục miền Nam nói về tình hình khốn đốn của giáo dân di cư và bức thư của giáo dân Hợp tác xã Phát Diệm viết về cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc với những thay đổi tốt đẹp ở một vùng công giáo miền Bắc, để so sánh số phận tình cảnh của đồng bào công giáo giữa hai miền.
- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 1962 và bàn về công tác lãnh đạo và tổ chức thi đua năm 1963.
Nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị, Người khẳng định phong trào thi đua năm 1962 khá tốt, nhưng vẫn còn những chỗ yếu và thiếu sót mà phần lớn là do cán bộ phụ trách các ngành, các địa phương lãnh đạo chưa thật sát, thật sâu, chưa chú ý đúng mức đến công tác chỉ đạo, tổ chức thi đua, do đó có tình trạng nhiều mặt hàng chất lượng còn kém, xí nghiệp và công trường chưa thực hiện tiết kiệm, công tác quản lý thiếu chặt chẽ, kỷ luật lao động chưa nghiêm, các đơn vị tiên tiến, các anh hùng chiến sĩ thi đua chưa được bồi dưỡng và giúp đỡ để họ thật sự trở thành những gương mẫu và đầu tàu.
Góp ý kiến về công tác tổ chức và lãnh đạo thi đua năm 1963, Người nhấn mạnh vai trò của thủ trưởng các bộ, các ngành, các địa phương, các tổ chức quần chúng và nhất là phải đặc biệt chú ý công tác giáo dục tư tưởng, làm cho cán bộ và công nhân thật sự thấm nhuần tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, "điều này làm được tốt thì mọi việc đều giải quyết dễ dàng".
Cùng ngày, Người thăm lớp đào tạo cán bộ quản lý xí nghiệp do Bộ Công nghiệp nhẹ tổ chức.
- Ngày 28: Bài viết Phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3199. Tác giả khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc đảm bảo quyền lợi thực sự của phụ nữ bằng Hiến pháp và Luật hôn nhân và gia đình. Đồng thời lên án những hành động xấu xa và phạm pháp như cưỡng ép kết hôn, khinh rẻ phụ nữ, "dã man nhất là thói đánh vợ" v.v, đã chà đạp lên quyền lợi của phụ nữ một cách dã man. Bài báo nhấn mạnh: "Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy quyền của mình".
- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống ốtxvanđô Đoócticốt Tôrađô và Thủ tướng Phiđen Caxtơrô Rudơ nhân dịp kỷ niệm bốn năm Cách mạng Cuba thành công.
- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm của thanh niên các dân tộc huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Nói chuyện với các thầy cô giáo, cán bộ và học sinh nhà trường, Người căn dặn: Học phải đi đôi với hành, phải đoàn kết, dạy tốt, học tốt để sau khi ra trường đóng góp được nhiều cho Tổ quốc.
* Tháng 12- 1963
- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khoá III).
Kết thúc phần thảo luận về tình hình quốc tế và nhiệm vụ của Đảng ta, Người nhắc nhở tính "bốc như ống lửa" của một số đồng chí. Người nói: Người làm chính trị cương vị càng cao thì càng phải bình tĩnh... Mục đích của ta là vì đoàn kết. Vì đoàn kết mà phải tranh đấu. Tranh đấu để đi đến đoàn kết chứ không nói xấu ai...
Người lưu ý: Phải làm sao cho trong Đảng và trong nhân dân giữ được lòng yêu mến và biết ơn các nước bạn anh em..., đó là "thiên kinh địa nghĩa" ( Điều vô cùng chính xác, không thể nghi ngờ), đồng thời không nên coi sự bất đồng (giữa các đảng anh em - BT) là chuyện lạ. Người tin tưởng: Có chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường thì nhất định phong trào cộng sản và công nhân quốc tế sẽ được củng cố và phát triển.
- Ngày 9: Chiều, dự buổi họp Bộ Chính trị cho ý kiến về giá bán lẻ lương thực. Người nhận xét đại ý: Cách làm hiện nay của ta có tính chắp vá, và chỉ thị: "Cái gì là nhu cầu phổ biến trong dân, không nên tăng giá, mà chỉ tăng những loại hàng cao cấp ít người cần đến".
- Ngày 10: Dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề miền Nam sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính. Người nói: "Phải làm cho cán bộ, nhân dân ta hiểu rõ đây là thắng lợi của mình, nhưng bọn thân Pháp, bọn Cao Đài phản động sẽ còn gặp khó khăn. Tình hình còn lộn xộn một thời gian nữa và đây không phải là lần đảo chính cuối cùng. Sự kiện này cũng gây được một dư luận. Phải lợi dụng quân sự, tuyên truyền chính trị. Khẩu hiệu phải theo từng cấp, từng địa phương".
Về nội dung tuyên truyền giáo dục, Người nhấn mạnh một số điểm:
+ Nói thuận lợi, nhưng đồng thời phải nói rõ khó khăn.
+ Nên thêm về công tác dân vận. Công việc này nên giao cho Mặt trận.
+ Nên nêu khẩu hiệu: "Người Việt không đánh người Việt".
+ Làm sao động viên tiêu diệt cho được nhiều Mỹ: Mỹ rất sợ chết. Ta vừa tiêu diệt vừa tuyên truyền.
+ Viết cho gọn, rõ, phù hợp với tình hình sau đảo chính.
Cuối buổi họp, Người kết luận: "Đồng bào miền Nam rất anh hùng, cán bộ, đảng viên rất anh dũng. Phải đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng, dù Mỹ có tăng gấp 10 lần ta cũng thắng. Nhớ chuyển lời của Trung ương, của Bộ Chính trị rằng: các đồng chí, đồng bào chịu gian khổ, rất anh dũng thì nhất định thắng lợi".
- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn vấn đề tổng kết Hội nghị Trung ương và vấn đề ngoại giao.
Trong bài Chi bộ tốt, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3545, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương các hợp tác xã ở Trí Yên (Hà Bắc) nhờ có chi bộ tốt nên đã từ một xã hằng năm Nhà nước phải cứu tế nay trở thành một xã chẳng những không phải nhờ trên cứu đói mà còn dư thóc bán cho Nhà nước, từ chỗ tay không nay đã bước đầu xây dựng được cơ sở vật chất vững vàng. Đồng thời, Người cũng nghiêm khắc phê bình xã Đại Tân (Hà Bắc) từ một xã khá, nhưng do chi bộ kém, nhiều cán bộ và đảng viên nêu gương xấu, làm sai chính sách của Đảng và Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích của xã viên, nên đã khiến cho hợp tác xã thoái bộ.
- Ngày 19: Tới thăm các lớp học bổ túc văn hoá và kỹ thuật buổi tối của cán bộ và công nhân Xưởng Sửa chữa xe hơi 1-5 (Hà Nội). Người thân mật thăm hỏi về tình hình giảng dạy và học tập, nhắc nhở giáo viên cố gắng dạy tốt, công nhân và cán bộ cố gắng chăm chỉ học tập, áp dụng tốt các điều đã học vào thực tế công tác hàng ngày.
Sau đó, Người đến thăm công nhân đang làm ca đêm, tìm hiểu tình hình công tác và đời sống của anh chị em.
- Ngày 20: Trả lời phỏng vấn của các nhà báo Liên Xô nhân dịp kỷ niệm ba năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Người nêu rõ: "Do sự đoàn kết chặt chẽ và chiến đấu anh dũng của mình và sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng chính nghĩa và hoà bình trên thế giới, nhân dân miền Nam Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi, đế quốc Mỹ và bọn tay sai nhất định sẽ thất bại. Để giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ phải rút khỏi xứ đó và để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc nội bộ của mình theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954".
- Ngày 22: Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 19 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ngày 23: Bài viết Miền Nam tất thắng, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân số 3556. Dưới hình thức một bức thư gửi cho người cháu, Người phân tích nguyên nhân dẫn tới cuộc đảo chính ở Sài Gòn ngày 1-11-1963, vạch rõ tuy Mỹ là kẻ chủ mưu trong vụ đảo chính thủ tiêu anh em Diệm, nhưng người đánh đổ Ngô Đình Diệm chính là nhân dân miền Nam và tiên đoán rằng rồi đây những tên tay sai của Mỹ "chúng sẽ đảo lẫn nhau và cuối cùng nhân dân sẽ đảo cả lũ chúng".
Nếu Mỹ muốn thoát khỏi tình cảnh bị kẹt trong "đường hầm" và trong vòng luẩn quẩn, theo tác giả, "cách giải quyết "lịch sự" nhất (vấn đề miền Nam Việt Nam - B.T) là thực hiện sáu yêu sách mà Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đề ra ngày 8-11-1963. Tóm tắt là Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, việc nội bộ của miền Nam do nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy".
- Ngày 26: Đến thăm và chúc Tết Hội đồng Chính phủ trong phiên họp cuối năm; đề cập đến việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1964, Người nhắc nhở các thành viên trong Chính phủ phải làm tốt ba cuộc vận động lớn do Đảng và Chính phủ đã phát động, đặc biệt là cuộc vận động "ba xây, ba chống". Người nói: "Hiện nay chúng ta làm 3 xây, 3 chống còn kém. Anh chị em công nhân và nhân viên ở cơ sở thì rất hăng hái, nhưng từ cấp giám đốc lên đến bộ trưởng, thứ trưởng thì còn nhiều người chưa chuyển, cho nên có chỗ cuộc vận động bị tắc lại. Bây giờ phải làm 3 xây, 3 chống cả hai chiều, từ dưới lên và từ trên xuống. Bản thân các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng, các cán bộ lãnh đạo phải 3 xây, 3 chống. Hơn ai hết, người lãnh đạo phải nhận rõ cuộc vận động 3 xây, 3 chống này rất quan trọng để làm cho tốt".
Người yêu cầu các vị bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo "phải luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam và hoà bình thống nhất nước nhà". Và khẳng định: "Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được".
- Ngày 28: Đến thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Lao động Thủ đô lần thứ IV. Người chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt của thanh niên Hà Nội nói riêng và thanh niên cả nước nói chung. Nhân dịp đầu năm mới, Người gửi lời chúc mừng tới toàn thể thanh niên nam nữ đang tham gia xây dựng kinh tế, văn hoá miền núi, xây dựng đường sắt Thanh Hoá - Nghệ An và đang phục vụ trong các đơn vị bộ đội và công an nhân dân vũ trang.
- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Thiếu nhi miền Nam.
Còn nữa
Huyền Trang (st)
Phần 9. Giai đoạn 1964 - 1968
* Tháng 12- 1964
- Ngày 1: Hội nghị Bộ Chính trị bàn về nội dung Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các mặt công tác năm 1965.
Về khai hoang, Người đề nghị phải tìm hiểu rõ lý do tại sao có nhiều người bỏ về?
Về Thuỷ lợi, đầu tư không ít, nhưng làm sao cho tốt. Theo kinh nghiệm của huyện, Nhà nước không cần đầu tư nhiều lắm.
Về công nghiệp, cần chú trọng vấn đề than, chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Người nói: "Đầu tư thêm vốn, thêm lao động vào đấy mà đẩy lên. Phải có thăm dò nhưng phải mạnh dạn làm, vì ta còn nhiều sức lao động. Chưa cơ giới nhiều thì làm nửa cơ giới. ý anh Tô nói tổ chức các đội xung phong lao động xã hội chủ nghĩa tình nguyện, nên thực hiện, có đảng viên, đoàn viên. Lãnh đạo giao cho công đoàn, đoàn thanh niên làm, trước hết thí nghiệm một số".
Nên nắm vững phương châm phát triển đồng bộ. Ví dụ gang thép phải có than, có luyện thép, cán thép... ở than, bộ phận sàng rửa chậm. Cần rút kinh nghiệm xây dựng cơ bản trong công nghiệp.
Về giao thông, nên mở rộng đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Đường sắt vào Quảng Bình nên xúc tiến. Ở Hà Nội, các đường ra cửa ô bây giờ chật quá, như cổ chai, đặc biệt là đường Hà Nội - Hà Đông, đáng lẽ phải phát triển và mở rộng 2, 3 lần.
Về công tác cán bộ, tổ chức phải tham gia vào lãnh đạo kinh tế thì mới ra cán bộ được. Cán bộ của bộ, của cơ sở đều yếu. Kinh nghiệm Thái Bình là giữ cán bộ cũ đến mức nào, không nên xáo trộn và đưa cán bộ mới về thay đổi người cần thay. Phải chuyên môn hoá cán bộ hơn nữa. Lãnh đạo phải biết tập trung, nhưng phải biết toàn diện, không thể thủ công, phải lãnh đạo một cách kỹ nghệ hơn nữa. Đây là vấn đề khó. Kế hoạch của ta không nắm vững lý luận, không nắm vững thực tiễn, cần nghiên cứu xem hiện nay ta nên đi như thế nào cho rõ. Ta có khuyết điểm, hạn chế một phần thắng lợi. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm kinh tế cho tốt. Phải hăng hái cách mạng và phải có hiểu biết. Cả hai cái đó ta đều thiếu. Mọi mặt công tác của ta hiện nay có cái đang vươn lên, nhưng phải chịu đựng khó khăn xây dựng kế hoạch, phải nghĩ đến, đề phòng những lúc khó khăn. Ví dụ như đẩy mạnh lúa. Phải hết sức tiết kiệm để đề phòng bất trắc. Cán bộ ta hay kêu. Phải nói rõ: Chịu đựng hơn nữa mới có dự trữ được. Phải có dự trữ gạo, vật tư, tiền... Nên lấy phát triển cách mạng miền Nam mà đẩy mạnh lên. Làm mạnh hơn nữa, lấy 5 vạn thanh niên đi làm. Chuyển từ năm 1965 và lên dần trong các năm sau. Chỉnh huấn phải chú ý chi bộ, đoàn thanh niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận Hội nghị kết thúc là căn bản thắng lợi.
- Ngày 4: Bài viết Chi bộ tốt thì hợp tác xã tốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 3900.
Bài báo cho biết theo kinh nghiệm ở xã Hòa Bình, khi chi bộ kém, đảng viên thiếu gương mẫu thì mọi mặt của các hợp tác xã đều kém, nhiều nông dân thiếu tin tưởng và xin ra hợp tác xã.
Do chi bộ nghiêm túc kiểm điểm, các đảng viên thấy rõ những khuyết điểm, yếu kém của mình và quyết tâm sửa chữa, nên chi bộ được củng cố tốt. Vì vậy hợp tác xã được củng cố, sản xuất tốt, hơn 90% nông dân đã vào các hợp tác xã, các phong trào trong xã đều rất tiến bộ.
- Ngày 9: Bài viết Hai huyện đáng khen, bút danh T.L., đang báo Nhân Dân, số 3905. Bài báo khen ngợi huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) và huyện Lâm Thao (Phú Thọ), do chi bộ lãnh đạo tốt, nông dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và hăng hái sản xuất nên năng suất lúa đạt 28 tạ một mẫu tây. Người mong các huyện khác cố gắng thi đua theo kịp các huyện trên.
- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn lưu học sinh Trung Quốc. Đây là số học sinh gồm 12 người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao đổi với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai. Ông Chu Ân Lai đã tán thành và cử số học viên này sang Việt Nam học tiếng Việt dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo phương pháp vừa học vừa làm. Người đã giao cho Thành uỷ và Thành đoàn Thanh niên Lao động Hà Nội đưa vào một số nhà máy ở Hà Nội để vừa làm vừa học tiếng Việt.
- Ngày 11: Họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam và một số vấn đề về quốc tế như quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc, Pháp. Người chỉ rõ những khó khăn, phức tạp trong công tác đối ngoại. Về việc Tổng thống Pháp S. Đờ Gôn có ý định gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người nói: "Gặp Đờ Gôn là có lợi. Cách gặp suy nghĩ thêm".
Về đề nghị của Đảng Cộng sản Liên Xô, Người nói chúng ta rất tán thành có một hội nghị quốc tế. Đề nghị các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng xem lại thư trả lời các đồng chí Liên Xô và Người cũng xem lại trước khi gửi, nhưng nên gửi chầm chậm.
- Ngày 16: Bài viết nhan đề: Láo toét, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 3912. Bài viết phê phán những thủ đoạn dối trá của đế quốc Mỹ miệng nói bảo vệ hòa bình nhưng hành động luôn ngược lại. Chúng đưa quân xâm lược miền Nam Việt Nam, bao vây uy hiếp Cuba, Campuchia, đưa Hạm đội 7 vào ấn Độ Dương đe dọa các nước trong vùng, v.v.. Bài báo dẫn lời bà A.L.Xtroong - một nhà báo nước ngoài nêu bảy điểm dối trá của chính quyền Mỹ.
- Ngày 18: Thăm và nói chuyện với Hội nghị sơ kết Cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở "Bốn tốt" khu vực ngoại thành Hà Nội. Người nói rõ phải lấy hiệu quả sản xuất và đời sống xã hội mà đánh giá địa phương có tiến bộ hay không và phê bình phong trào ở ngoại thành tiến bộ chưa đều. Muốn có chi bộ, đảng bộ tốt thì phải có đảng viên tốt. Vì vậy, đảng viên phải ghi nhớ và thực hiện tốt 10 nhiệm vụ của mình. Người nêu tóm tắt sáu tiêu chuẩn đảng viên và yêu cầu Đảng bộ, đảng viên Hà Nội phải thực hiện đúng. Người chỉ ra những thuận lợi của ngoại thành và căn dặn: "Các đảng bộ, các chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa".
- Ngày 22: Họp Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá III bàn về công tác thương nghiệp và giá cả, về việc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.
Về công tác thương nghiệp, Người yêu cầu ngành thương nghiệp quốc doanh phải tổ chức vận động thu mua, nắm chắc nguồn hàng, đáp ứng yêu cầu hàng hóa phân phối cho các hợp tác xã mua bán, đảm bảo nhu cầu tối thiểu của nhân dân. Trong công tác thu mua, chú ý công tác vận động nhân dân, tránh ép giá đối với hàng hoá mua của dân. Đối với vùng có đạo, Người đề nghị phải đưa đảng viên đến làm nòng cốt.
Về việc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Người đề nghị chưa ấn định thời gian, nội dung của Đại hội cần phải nghiên cứu kỹ hơn nữa để đến Hội nghị sau sẽ bàn tiếp.
Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự chiêu đãi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Phát biểu tại buổi chiêu đãi, Người khen ngợi các lực lượng vũ trang đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu, học tập và lao động sản xuất. Ca ngợi truyền thống chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta, Người nói: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Người còn khẳng định rõ: "Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục". Nguồn gốc của sức mạnh ấy là do cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, quân dân đoàn kết. Người căn dặn cán bộ và chiến sĩ phải khiêm tốn, cố gắng hơn nữa; phải học tập quân và dân miền Nam anh hùng; phải nâng cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi hành động và âm mưu của kẻ thù.
- Khoảng từ ngày 3 đến trước ngày 23: Trả lời phỏng vấn của Hãng thông tin Côpơlây (Hồng Kông). Người khẳng định nếu Mỹ tiến công miền Bắc thì quân và dân ta sẽ kiên quyết giáng trả; Mỹ phải tôn trọng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam và các Hiệp định về Lào và Campuchia; phải rút hết quân đội và vũ khí, phải chấm dứt cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam; phải chấm dứt các hành động chiến tranh đối với miền Bắc Việt Nam. Đó là cách duy nhất để giải quyết hòa bình ở Việt Nam. Người tin tưởng Trung Quốc và các nước anh em sẽ ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuôc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược,
- Ngày 29: Họp Hội nghị Bộ Chính trị nghe và cho ý kiến về vấn đề ngân sách Nhà nước năm 1965. Người chỉ rõ, nói tài chính là nói tiền, tiền do lao động làm ra. Do đó vấn đề của ta hiện nay là nâng cao năng suất lao động. Quân đội tham gia lao động tập trung vào các công trình nào đó, tiết kiệm, chống lãng phí: lãng phí vật tư, tiền, công lao động. Dựa vào "Ba xây, ba chống" nâng cao năng suất lao động. Phải có tổ chức, kỹ thuật, nắm chắc lao động.
- Ngày 30: Bài viết Củng cố và phát triển tốt hơn nữa các đội thủy lợi, bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 3926. Bài báo cho biết toàn miền Bắc đã có 17 nghìn đội chuyên thủy lợi với 33 vạn đội viên. Các đội này đã phát huy vai trò trong công tác thủy lợi năm 1964. Bài báo đưa ra các ví dụ cụ thể để khẳng định năng suất lao động của các đội thủy lợi chuyên, cả ở các công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ. Vì vậy bà con nông dân càng tin tưởng và yêu quý các đội thủy lợi. Bài báo phê phán một số địa phương không chú ý củng cố đội thủy lợi, nêu lên một số yêu cầu thực hiện để các hợp tác xã củng cố và phát triển tốt các đội thủy lợi.
- Ngày 31: Chiều, thăm và nói chuyện với Hội nghị Bộ Công nghiệp nặng. Người nêu rõ vai trò của công nghiệp nặng đối với công nghiệp nhẹ, nông nghiệp và đời sống nhân dân; biểu dương một số ngành như than, điện, cơ khí đã hoàn thành vượt mức kế hoạch; phê phán một số khuyết điểm, đặc biệt là còn để lãng phí thời gian, công suất, máy móc thiết bị được sử dụng thấp; còn có những cán bộ lãnh đạo kém đoàn kết, tham ô. Người còn đề cập tác dụng và ý nghĩa của cuộc vận động "ba xây, ba chống" và căn dặn cán bộ, công nhân các ngành công nghiệp nặng phải làm tốt cuộc vận động này; phải tăng cường củng cố các chi bộ, công đoàn và Đoàn thanh niên; phải đoàn kết nhất trí, đẩy mạnh thi đua yêu nước; phải trau dồi đạo đức cách mạng, phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1965 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch những năm sau.
* Tháng 12- 1965
- Ngày 2: Nói chuyện với Đại hội Phụ nữ xuất sắc trong phong trào "Ba đảm đang" của Thủ đô, Người khen phụ nữ Thủ đô đã đạt được những kết quả tốt trên các mặt sản xuất, công tác, phục vụ chiến đấu, trong phong trào thi đua "Ba đảm đang". Người tự tay trao huy hiệu của Người tặng bảy phụ nữ có nhiều thành tích.
- Ngày 3: Bài viết nhan đề: Trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề ngày 3-12-1965. Bằng những dẫn chứng cụ thể, bài viết đã mô tả sinh động phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam trong giới trí thức Mỹ đang ngày càng phát triển.
- Ngày 7: Họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về tình hình miền Nam và một số công việc khác. Sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo về tình hình cách mạng miền Nam, Người góp ý: Qua kinh nghiệm những trận đánh như Plâyme, Dầu Tiếng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác địch vận; phải làm mạnh và kịp thời để phát huy tốt hiệu quả của chiến thắng. Người nêu một số ý kiến phân tích ý đồ chiến lược của giới cầm quyền và giới quân sự Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam.
- Ngày 9: Tiếp tục họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về tình hình miền Nam. Sau khi nghe những ý kiến thảo luận về phương pháp tiến hành và đường lối chỉ đạo chiến lược của ta nhằm đối phó với cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ, Người nêu rõ: Vì quân Mỹ đông, lại có hoả lực mạnh, nên khi ta tấn công tiêu diệt sinh lực địch thì không chỉ chú ý tiêu diệt về số lượng, mà phải chú ý đến tiêu diệt những đơn vị chủ chốt, những cơ quan đầu não của chúng như đánh phi công v.v.. Người phân tích: Mỹ đã thất bại về "chiến tranh đặc biệt" nên mới phải chuyển sang hình thái "chiến tranh cục bộ". Ta không vì Taylo mà cãi nhau về những chữ "đặc biệt" và "cục bộ"..., mà bất luận thế nào ta cũng phải đánh cả Mỹ lẫn nguỵ.
- Trước ngày 10: Trả lời phỏng vấn của Tổng Biên tập báo Người bình dân (cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Urugoay) E.A. Xalômông. Người khẳng định, nhân dân Việt Nam không hề nao núng trước những hành động của Mỹ leo thang chiến tranh trên cả hai miền Nam Bắc. Dù có đưa thêm mấy chục vạn quân vào miền Nam, dù có "leo thang" cao đến đâu đối với miền Bắc, rút cục đế quốc Mỹ cũng nhất định thất bại. Những hành động leo thang chiến tranh của Mỹ đã tự phơi bày thủ đoạn tuyên truyền "thương lượng hòa bình" giả dối của họ. Người nói rõ lập trường bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nêu trong Tuyên bố ngày 8-4-1965 là cơ sở duy nhất đúng đắn cho việc giải quyết vấn đề hòa bình ở Việt Nam. "Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng tôi còn lâu dài, gian khổ. Nhưng với sức mạnh đoàn kết và quyết tâm của toàn dân được sự đồng tình và giúp đỡ ngày càng to lớn của nhân dân toàn thế giới, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi".
- Ngày 11: Trao đổi ý kiến tại Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận về tính chất cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Người giải thích về những ngữ: "chiến tranh cục bộ", "chiến tranh đặc biệt" và kết luận: "Đó là cách nói chữ của Mỹ. Còn ta cứ nói là "chiến tranh xâm lược". Người khẳng định: Dù với hình thức chiến tranh nào, nhân dân ta cũng quyết đánh, quyết thắng. Người phân tích tình hình thuận lợi, khó khăn của ta, khó khăn của địch và tin tưởng nhân dân ta chắc chắn sẽ làm phá sản học thuyết chiến tranh xâm lược kiểu "đôminô" của chúng. Người dự đoán: "Thời gian đến khi bầu cử tổng thống, nội bộ chúng sẽ mâu thuẫn". Người đề nghị: Bộ Chính trị cần có biện pháp giải thích trong toàn Đảng, toàn dân về mưu đồ, mục đích tiến hành chiến tranh đặc biệt hay chiến tranh cục bộ của Mỹ; xác định tư tưởng khắc phục gian khổ, hy sinh để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Người còn nêu một số nội dung công tác cần phải đẩy mạnh để đáp ứng tình hình mới như công tác địch vận; kinh tế thời chiến; chống chiến tranh gián điệp của địch và chuẩn bị tinh thần ứng phó với việc Mỹ có thể ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Người nhắc mỗi ngành, mỗi đơn vị cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình và phải báo cáo trước Chính phủ.
- Ngày 14: Hội nghị Bộ Chính trị bàn về sách lược đấu tranh ngoại giao. Sau khi nghe ý kiến của ủy viên Bộ Chính trị Phạm Hùng, Người nêu một số vấn đề có tính sách lược trong cách tuyên truyền và ngoại giao của ta, nội dung các bản tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở miền Nam phải thống nhất về quan điểm với miền Bắc, không mâu thuẫn với các nước ủng hộ ta. Người nói: "Ta đưa ra cái gì cũng phải nhìn đến chính trị chung". Người phân tích một số diễn biến phức tạp, những khó khăn và thuận lợi trong quan hệ quốc tế và sách lược trong đấu tranh ngoại giao của ta.
- Ngày 15: Gửi thư cho Hội Chữ thập đỏ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhân dịp Hội họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Người chúc các đại biểu mạnh khoẻ, làm việc hăng hái để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
- Ngày 16: Hội nghị Bộ Chính trị trao đổi ý kiến về bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc ngừng ném bom miền Bắc và một số công việc ngoại giao.
Phát biểu về việc Mỹ phải tạm thời ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, Người đề nghị: Ta nên có tuyên bố trả lời Mỹ. Nói thế nào cho cứng cỏi nhưng dễ nghe, trong đó nêu rõ ra là nhân dân Việt Nam muốn hòa bình, cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ kết cục cả hai bên đều thiệt hại. Nhưng bản tuyên bố phải khẳng định rõ: "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố rằng: Chỉ khi nào Chính phủ Mỹ chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện các cuộc ném bom, ... công nhận lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chứng tỏ bằng việc làm thì mới có thể tính đến một giải pháp chính trị về vấn đề Việt Nam".
- Ngày 18: Hội nghị Bộ Chính trị bàn về vấn đề tổ chức trong cơ quan Đảng.
Sau khi nghe Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ báo cáo và nghe ý kiến của một số ủy viên, Người phát biểu ý kiến về việc quy định chế độ làm việc giữa chủ tịch và phó chủ tịch các tỉnh với các bộ trưởng các bộ; quy định về quyền hạn, chức danh của lãnh đạo các ngành, các cơ quan trung ương v.v., Người nhất trí với đề nghị của Bộ Chính trị là thành lập một ban cán sự đảng, đồng thời là hội đồng quốc phòng Khu IV với thành phần như Hội đồng Quốc phòng hiện nay.
- Ngày 19: Gửi điện chúc mừng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm Ngày thành lập Mặt trận.
Người điểm lại quá trình đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam; những thắng lợi của quân và dân ta trên cả hai miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhất là những chiến công vang dội ở Vạn Tường, Plâyme, Bàu Bàng, Dầu Tiếng; ca ngợi vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong việc tổ chức, lãnh đạo nhân dân miền Nam đoàn kết chiến đấu vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Người khẳng định: Đồng bào miền Bắc hăng hái thi đua "mỗi người làm việc bằng hai", vừa sản xuất vừa chiến đấu, hết sức hết lòng ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt; "miền Nam Việt Nam nhất định sẽ được giải phóng! Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ được hòa bình, thống nhất! Đồng bào ta ở hai miền Nam Bắc nhất định sẽ được sum họp một nhà".
Tối, Người tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh kỷ niệm lần thứ năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12), lần thứ 19 Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12) và lần thứ 21 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12).
- Ngày 21: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá III, bàn về tình hình và nhiệm vụ mới.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị mừng công của Trung đoàn 600. Người biểu dương những thành tích của đơn vị; căn dặn cán bộ, chiến sĩ cố gắng công tác, học tập; thi đua sản xuất tiết kiệm, giữ bí mật, đề cao cảnh giác; giữ gìn kỷ luật. Người lấy ý kiến dân chủ tại Hội nghị và tự tay trao tặng năm huy hiệu cho năm cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích.
- Ngày 22: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Sau khi nghe báo cáo tham luận của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình về tình hình địa phương và kinh nghiệm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Người đề nghị Trung ương khen ngợi quân và dân Quảng Bình. Các tỉnh khác nên học kinh nghiệm của Quảng Bình để tập trung làm tốt hai mặt sản xuất, chiến đấu và tiết kiệm... Cái hay là nhân dân địa phương tự nguyện, không gò ép, mệnh lệnh.
Người đánh giá cao những kinh nghiệm về xây dựng chi bộ Đảng và chi đoàn, công tác vận động quần chúng của Quảng Bình và cho rằng ta còn chiến đấu lâu dài nên việc giải quyết tốt sinh hoạt cho nhân dân cần được chú ý đúng mực; vấn đề giải quyết thương vong, khắc phục hậu quả sau khi địch oanh tạc phải làm tốt hơn. Người căn dặn: "Tỉnh Quảng Bình làm tốt nhưng chưa phải tốt 100%. Phải cố gắng nữa để xứng đáng với lời khen của Trung ương".
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận những nội dung sẽ thảo luận trong cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu Trung Quốc.
19 giờ, Người dự chiêu đãi do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 21 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12). Phát biểu tại buổi chiêu đãi, Người khen ngợi thành tích của quân đội sau 21 năm chiến đấu và trưởng thành. Người kêu gọi: "Quân và dân cả nước ta từ Nam đến Bắc cần kiên quyết chiến đấu, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa, nhất định đánh bại giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.
Đồng bào và chiến sĩ ta hãy hăng hái thi đua yêu nước, anh dũng tiến lên đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn".
- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận về nội dung bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao ta lên án âm mưu của Mỹ tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam, bắn phá miền Bắc.
- Ngày 26: Tiếp tục họp Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau khi nghe Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trình bày báo cáo về tình hình miền Nam và âm mưu của đế quốc Mỹ, Người phát biểu nhấn mạnh về ý đồ xâm lược và những thủ đoạn lừa bịp của Mỹ. Người khẳng định nhân dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhưng vẫn sẵn sàng giải quyết cuộc chiến tranh bằng thương lượng hòa bình. Người nói: "Nếu Mỹ thực sự xin ra thì ta còn tặng hoa cho họ nữa".
Trong phiên họp chiều, phát biểu kết luận Hội nghị, Người khẳng định: Hội nghị đã biểu hiện sự nhất trí cao của Ban Chấp hành Trung ương trong việc xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ. Người nhấn mạnh những nội dung trong Nghị quyết đã được Hội nghị thông qua về tình hình và nhiệm vụ mới. Người yêu cầu tinh thần của Nghị quyết phải được phổ biến, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, phải biến Nghị quyết thành sức mạnh trong phong trào cách mạng của quần chúng. Các cấp lãnh đạo, các ngành, các địa phương phải chú ý làm tốt chính sách hậu phương quân đội; chú trọng công tác kiểm tra đôn đốc, giải quyết kịp thời các tình huống khi xảy ra chiến tranh. Người nói: "Chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn. Ta càng đánh càng mạnh. Các nước anh em giúp đỡ ta. Nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, cũng đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ, quyết tâm làm đúng Nghị quyết của Trung ương, không sợ gian khổ, hy sinh thì thất định chúng ta đánh thắng được giặc Mỹ xâm lược, giải phóng được miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà".
Cùng ngày, bài viết nhan đề: Kẻ cướp nói chuyện "hòa bình" , bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 4283. Bài báo phê phán những thủ đoạn lừa bịp của đế quốc Mỹ về "đàm phán không điều kiện" và cho biết mỗi lần họ nói "hòa bình" là một lần họ đưa thêm lính để mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam. Bài báo khẳng định: "Với tinh thần gang thép, chúng ta vừa dũng cảm chiến đấu, vừa ra sức sản xuất và tiết kiệm, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh thì chắc chắn là Mỹ nhất định thua, Ta nhất định thắng!"
- Ngày 28: Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận những nội dung sẽ hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô và bản thông báo của Đại sứ Hunggari. Về những nội dung sẽ hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô, Người nêu một số điểm như thảo luận về vấn đề chính trị và quan hệ hai Đảng; thông báo tình hình kinh tế, quân sự của Việt Nam, thảo luận vấn đề Liên Xô viện trợ cho Việt Nam. Người đề nghị giao nhiệm vụ cho một số cán bộ nghiên cứu tình hình các mặt của Liên Xô; các thành viên phía Việt Nam sẽ tham dự hội đàm.
Người yêu cầu khi trình bày những quan điểm của Chính phủ ta về các vấn đề quan hệ quốc tế cần hết sức cẩn thận nhưng cởi mở, thân tình.
Đối với bản thông báo của Đại sứ Hunggari, Người nêu ý kiến đề nghị Hunggari ủng hộ Việt Nam theo đúng lập trường mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố.
- Ngày 29: Hồi 7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem triển lãm "Một số hình ảnh các dân tộc miền núi đoàn kết sản xuất, chiến đấu chống Mỹ" tổ chức ở Hà Nội. Sau khi xem gian trưng bày, Người nhắc nhở: Triển lãm cần bổ sung một số hình ảnh, nên làm cho gọn nhẹ; cần phối hợp với các địa phương tổ chức cho đồng bào các dân tộc miền núi xem.
7 giờ 45, xem triển lãm "Năm năm thắng lợi vẻ vang tổ chức tại Câu lạc bộ Thống nhất (Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 5 ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Người rất vui khi xem những bức ảnh về sự phát triển lớn mạnh của phong trào cách mạng miền Nam, những thắng lợi mà quân và dân miền Nam đã giành được trong năm năm qua, nhất là trong năm 1965.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen bộ đội công binh đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, góp phần vào chiến thắng chung.
- Ngày 30: Phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị bàn về thái độ của ta đối với bản tuyên bố 14 điểm của Chính phủ Mỹ về vấn đề thương lượng hòa bình, Người phân tích: Mỹ nhờ nhiều nước thuyết phục ta thương lượng, ta phải trấn tĩnh. Trong 14 điểm tuyên bố của Mỹ không nói đến việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Không những thế, cuối tháng 4 năm nay, Giônxơn còn nói Mỹ sẽ không rút quân mà còn đưa thêm quân vào Việt Nam. Quốc hội của Mỹ sắp họp, Giônxơn muốn đạt được một điểm gì đó đối với ta, nếu không nội bộ chúng sẽ cãi nhau liểng xiểng. Ta phải đánh thật mạnh để cho phe chủ hoà ở Mỹ thắng thế. Người đề nghị chỉ nên đưa "Tuyên bố bốn điểm" của Chính phủ ta trả lời trước dư luận Mỹ và thế giới thì tự nhiên tuyên bố của Mỹ sẽ "như ném hạt cát vào mắt người ta".
- Ngày 31: Tiếp tục họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về chủ trương của ta đối với đề nghị 14 điểm của Mỹ. Sau khi nghe báo cáo của một số ủy viên và ý kiến phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Người nhận định: "Chưa bao giờ Mỹ nói đến Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nói đến Mặt trận thì nguỵ quyền tan rã. Người phân tích âm mưu của Mỹ: "Nhất định Mỹ không chịu tuyên bố đình chỉ vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc. Vì vậy, ta phải kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện đối với miền Bắc và rút quân khỏi miền Nam. Có như vậy mới tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Bộ Ngoại giao cần tuyên bố chính thức chứ không dùng hình thức họp báo. Người chỉ rõ những khó khăn về phía Mỹ và đề nghị tuyên bố về lập trường của ta, nêu bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là phải có điều kiện về miền Nam.
* Tháng 12- 1966
- Ngày 4: Bài viết Tổng Giôn thật xúi quẩy, bút danh Nói Thật, đăng báo Nhân Dân, số 4623. Bài báo chỉ rõ những thất bại của Tổng thống Mỹ L.Giônxơn ở trong nước và trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ ngày 8-11-1966, đảng cầm quyền của L.Giônxơn bị mất 45 ghế ở Hạ nghị viện và ba ghế ở Thượng nghị viện. Ngày 2-12-1966, Mỹ cho 100 máy bay đánh phá miền Bắc Việt Nam thì 11 chiếc bị bắn rơi. Tại miền Nam, binh lính Mỹ luôn luôn bị vướng phải mìn, chông của Quân giải phóng.
- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về việc mở mặt trận đấu tranh ngoại giao chống Mỹ, cứu nước.
Cùng ngày, Người cùng Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tiếp Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Tổng thư ký Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen quân dân Hà Nội bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.600 trên miền Bắc. Nhân dịp này, Người tặng quân dân Hà Nội cờ Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
- Ngày 19: Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự chiêu đãi của ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại miền Bắc.
- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Người đánh giá cao những thành tích, chiến công của quân dân ta ở hai miền Nam Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và khẳng định cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.
Cùng ngày, người gửi thư khen ngợi hợp tác xã nông nghiệp Tân Phong (Thái Bình) đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc: 7,205 tấn trên một ha gieo trồng.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời thư của các báo Nhật Bản Chunichi Simbun, Tôkyô Simbun, Nisi, Nihông Simbun và Hôkaiđô Simbun, cảm ơn nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của báo Nhật Bản Akahata. Trả lời câu hỏi về việc Mỹ cho máy bay bắn phá khu vực nội thành Hà Nội và âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, Người nêu rõ những thắng lợi quan trọng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở cả hai miền Nam - Bắc; vạch ra những thủ đoạn "thương lượng hòa bình" giả tạo của Mỹ. Người nói: "Vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hòa bình ở châu á và thế giới, nhân dân Việt Nam không sợ hy sinh gian khổ, quyết đánh, quyết thắng và nhất định sẽ thắng giặc Mỹ xâm lược". Về những câu hỏi khác, Người khẳng định muốn giải quyết những vấn đề Việt Nam, Chính phủ Mỹ phải rút quân về nước, phải triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Người mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ hơn nữa của Đảng Cộng sản và nhân dân Nhật Bản.
Cùng ngày, Người thăm cơ quan Đại diện thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại miền Bắc.
- Ngày 21: Tại Nhà khách 12 Ngô Quyền, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
- Trước ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự chiêu đãi do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ 22 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ngày 22: Bài viết Phải chăng thế này là thực hành tiết kiệm, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 4641. Bài báo cho biết nhiều địa phương trên miền Bắc còn có tình trạng lãng phí, nhất là việc liên hoan, tiệc tùng. Có xã chỉ trong một tháng đã giết 52 con lợn. Có trường hợp chỉ 15 cán bộ xã cũng giết một con lợn để liên hoan. Bài báo kết luận bằng câu trích từ báo Hải Phòng:
"Nhẹ làm mà lại nặng chi,
Một mai rồi biết lấy gì mà ăn".
- Ngày 23: Họp Hội nghị Bộ Chính trị nghe báo cáo về nội dung và diễn biến mới của Đại hội lần thứ IX Đảng Xã hội công nhân Hunggari, kết quả cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô và vấn đề đấu tranh ngoại giao.
Người đề nghị nhân viết thư trả lời Giáo hoàng để tỏ rõ thiện chí hòa bình của ta, đòi đế quốc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và rút quân đội ra khỏi miền Nam, vạch trần thủ đoạn lừa bịp của đế quốc Mỹ.
Cùng ngày, Người gửi thư cho nhân dân Mỹ nhân dịp năm mới. Người lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến tranh đó đã gây đau thương, tang tóc cho nhân dân Việt Nam và cả nhân dân Mỹ. Người vạch rõ âm mưu mở rộng chiến tranh, những thủ đoạn "thương lượng hòa bình" của Mỹ và khẳng định nhân dân Việt Nam sẽ kiên quyết chiến đấu vì độc lập tự do cho Tổ quốc mình. Người hoan nghênh và cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân Mỹ đối với cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Cùng ngày, bài viết Đáng khen, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 4642. Người biểu dương cán bộ, xã viên thôn Nga Mi Thượng, huyện Thanh Oai, Hà Tây trước đây nổi tiếng nấu rượu trái phép, nay đã gương mẫu thực hiện chính sách tiết kiệm. Tác giả trích báo Hà Tây ngày 14-2-1966 cho biết, do bỏ được việc nấu rượu trái phép, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, nên hợp tác xã Nga Mi Thượng đã đạt được "bảng vàng năm tấn". Nếu năm 1965 Nga Mi Thượng không hoàn thành nghĩa vụ bán lương thực cho Nhà nước thì năm 1966 đã dư thừa tới 40 tấn "thóc chống Mỹ".
- Ngày 29: Phát biểu tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, Người điểm lại những thắng lợi trong năm 1966 của các nước anh em trong xây dựng đất nước và bảo vệ hòa bình; những thành tựu và chiến công của quân dân ta ở cả hai miền Nam Bắc trong sản xuất và chiến đấu; chỉ ra những mặt yếu kém cần khắc phục như công tác cán bộ và căn dặn trong công tác lưu thông phân phối phải nhớ hai điều quan trọng:
"- Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng;
- Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên".
Người chỉ rõ ba nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện là cán bộ, công nhân viên nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải cố gắng vươn lên cho xứng đáng với nhân dân anh hùng; phải giúp đỡ tiền tuyến lớn; cải tiến quản lý kinh tế tài chính cho hợp với hoàn cảnh chiến tranh. Để thực hiện được nhiệm vụ đó phải đoàn kết, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, phải kiểm tra công tác và cán bộ, giữ bí mật quốc gia, thưởng phạt nghiêm minh, chống tham ô lãng phí, thực hành tiết kiệm và phải quan hệ hữu nghị, đoàn kết với chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Việt Nam.
Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau khi phân tích những khó khăn của địch, Người kết luận: "Giặc Mỹ xâm lược nhất định thua! Nhân dân ta nhất định thắng".
- Ngày 30: Nói chuyện với Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước, Người chỉ rõ Chính phủ ta là một tập thể rất xứng đáng được tặng danh hiệu Anh hùng. Nhưng Ban Thi đua không đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng cho Chính phủ. "Bởi vì Chính phủ ta là một Chính phủ làm đầy tớ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Nếu ai ở trong Chính phủ mà muốn làm quan thì không ở được trong Chính phủ ta. Bác nói thế là chẳng những trong Chính phủ trung ương mà cả chính phủ địa phương cho đến các uỷ ban hành chính xã, nếu ai muốn làm quan thì mời đi làm quan chứ không được ở trong chính quyền của ta". Người biểu dương thành tích trong chiến đấu, sản xuất, công tác và học tập của các đại biểu, nhất là các đại biểu nhỏ tuổi, khuyết tật; nhắc nhở các anh hùng, chiến sĩ thi đua không được tự mãn mà phải không ngừng rèn luyện để ngày càng tiến bộ.
- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Thái Bình. Đây là lần thứ năm Người về thăm tỉnh này. Tối, Người nghỉ tại xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư.
Sáng ngày 1-1-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, nhân dân tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hoà. Người căn dặn cán bộ, nhân dân trong sản xuất phải chú ý làm tốt công tác thuỷ lợi, giống, phân bón và phòng trừ sâu bệnh. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu cần phải chú trọng công tác phòng không nhân dân. Khi đi qua cánh đồng Nội Lài rộng ba ha, nghe đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ báo cáo đây là cánh đồng 10 tấn của Thái Bình, Người rất vui và mong Thái Bình có nhiều cánh đồng như vậy.
- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh xem phim tài liệu về chống chiến tranh phá hoại và phong toả của đế quốc Mỹ. Người khen ngợi hành động dũng cảm của các chiến sĩ lái canô kích cho thuỷ lôi địch nổ và nói với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Phan Trọng Tuệ: "Chú thử nghĩ xem có phương pháp nào điều khiển canô tự động chạy qua bãi thuỷ lôi, chứ làm thế này nguy hiểm cho tính mạng của các chiến sĩ".
* Tháng 12- 1967
- Từ tháng 9, ngày 10 đến tháng 12, ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi nghỉ và chữa bệnh tại ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc.
- Ngày 11: Từ Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Bộ Chính trị dặn một số việc phải chuẩn bị, đặc biệt là bài phát biểu trong các buổi lễ kỷ niệm. Người cũng gửi ảnh và bài chúc mừng ngày sinh của Mao Chủ tịch và góp ý cho bài báo nói về quan hệ Trung Việt.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm lần thứ bảy ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Người nhiệt liệt khen ngợi những chiến thắng to lớn mà nhân dân ta đã giành được trong thời gian vừa qua trên cả hai miền Nam- Bắc, đồng thời khẳng định rằng: “Cuộc kháng chiến của nhân dân ta lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chính và Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng gửi điện mừng tới Thủ tướng Nội các Kim Nhật Thành và Uỷ viên trưởng ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - Kim In Trung nhân dịp các ông nhậm chức.
- Trước ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bà Lê Hằng Huân và cô Thanh Hà là vợ và con gái của thiếu tướng Nguyễn Sơn. Người ân cần hỏi thăm tình hình sức khoẻ, việc ăn ở, sinh hoạt của gia đình và động viên bà Hằng Huân cố gắng dạy dỗ các con ngoan ngoãn tiến bộ.
- Ngày 23: Sau một thời gian chữa bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Bắc Kinh (Trung Quốc) về đến Hà Nội.
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) và ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944).
Sau khi nghe Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng đọc lời khai mạc, Người phát biểu ý kiến nêu rõ ý nghĩa trọng đại của sự kiện thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và sự trưởng thành lớn mạnh của quân đội ta hỗ trợ quần chúng giành chính quyền, đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp. Người nhiệt liệt khen ngợi những tấm gương anh hùng của toàn thể già, trẻ, gái, trai, dân quân tự vệ và các lực lượng vũ trang nhân dân, đã nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất, anh dũng lập công trên các chiến trường chống Mỹ và tin tưởng rằng: “31 triệu đồng bào ta ở cả hai miền, bất kỳ già, trẻ, gái, trai phải là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ, cứu nước, quyết giành thắng lợi cuối cùng”.
17 giờ, Người tiếp đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng hai con gái vào thăm và ăn cơm với Người.
20 giờ, Bác sĩ Trung Quốc kiểm tra sức khoẻ cho Người.
- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen đồng bào và chiến sĩ Quân khu IV dũng cảm, kiên cường, đánh giỏi, thắng lớn đã bắn rơi hơn 1.000 máy bay, trong đó có hai chiếc B.52, bắn cháy và bắn chìm nhiều tàu chiến của đế quốc Mỹ. Người mong quân và dân Quân khu IV phát huy chiến thắng, đoàn kết chặt chẽ cùng nhân dân cả nước, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.
- Ngày 28: Người họp Hội nghị Bộ Chính trị quyết định chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968).
Sau Hội nghị, Người chỉ thị cho cán bộ chỉ huy các chiến trường: Kế hoạch phải thật tỉ mỉ. Hợp đồng phải thật khớp. Bí mật phải thật tuyệt đối. Hành động phải thật kiên quyết. Cán bộ phải thật gương mẫu.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc để ghi âm Thư chúc Tết gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp Tết Mậu Thân.
- Ngày 30: Từ 7 giờ 15 đến 9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe đồng chí Cao Văn Khánh- Phó Tổng Tham mưu trưởng - báo cáo những diễn biến mới nhất của tình hình chiến sự miền Nam.
16 giờ , Người tiếp Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Tạ Thị Kiều.
16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ. Sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo tình hình chung và hoạt động của Chính phủ, Người đã phát biểu khen ngợi Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và thanh niên nước ta. Người nói: “Chúng ta là những người đã từng tham gia cách mạng lâu, đã chống Pháp thắng lợi, cứ tưởng là chúng ta có nhiều kinh nghiệm rồi, nhưng bây giờ phải học tập các chiến sĩ, học tập thanh niên. Có một số đồng chí tự cho mình là đã cống hiến nhiều rồi, bây giờ sinh ra lề mề, không có khí thế vươn lên như các cháu thanh niên xung phong, như các chiến sĩ. Thanh niên ta bây giờ rất hăng say làm việc, không kể giờ giấc, ngày đêm, dám đánh giặc không sợ chết. Một người đã không sợ chết, một dân tộc đã không sợ hy sinh gian khổ thì nhất định sẽ chiến thắng”.
Người cũng khen ngợi phong trào nông nghiệp và công nghiệp địa phương và chỉ rõ: “Tôi đề nghị các vị Bộ trưởng nên luyện cho mình có đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ, không nên chỉ ngồi ở bàn giấy, theo kiểu “đạo nhân phòng thủ””.
Người yêu cầu Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Nội thương phải phối hợp chặt chẽ với nhau giải quyết tốt nhu cầu đời sống của nhân dân và chỉ thị: “Chúng ta phải gương mẫu trong quản lý và bảo vệ của công, chống lại sự phá hoại của địch, chống việc tham ô”. Người căn dặn phải tăng cường đoàn kết nội bộ, chỉnh đốn lề lối làm việc vì “có tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm”.
Người đề nghị Chính phủ phải chú ý tổ chức Tết tiết kiệm, và phải có quà để động viên khuyến khích anh em, chiến sĩ ngoài mặt trận.
Sau cùng, Người chúc Tết và tặng mỗi thành viên Hội đồng Chính phủ một quả cam, mà theo Người nói “Cũng có ý nghĩa là khổ tận cam lai”.
18 giờ, Người tiếp và mời cơm vợ cùng hai con của Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thăm Người.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ ta gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hoà Cu ba, nhân dịp kỷ niệm lần thứ chín ngày Giải phóng nước Cộng hoà Cu ba.
- Trước ngày 31: Nhân dịp năm mới (1968), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới các bạn người Mỹ đấu tranh vì tự do, hoà bình và chính nghĩa, chống chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Bức điện của Người tố cáo trước dư luận nhân dân tiến bộ Mỹ những tội ác man rợ mà bọn xâm lược Mỹ và tay sai đã gây ra ở Việt Nam, vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh này đồng thời chỉ rõ nó cũng là một thảm họa cho nhân dân Mỹ cả về người và của. Người khẳng định lập trường của nhân dân Việt Nam là muốn sống hoà bình hữu nghị với tất cả các dân tộc trên toàn thế giới, cả với nhân dân Mỹ.
Cuối cùng, thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam, Người cảm ơn những người bạn Mỹ đã dũng cảm đấu tranh phản đối cuộc chiến tranh xâm lược để “vừa bảo vệ chính nghĩa, vừa ủng hộ chúng tôi”.
* Tháng 12- 1968
- Ngày 1: Hồi 16 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng gặp mặt thân mật với đoàn thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ của miền Nam ra thăm miền Bắc và cùng ăn cơm với các cháu.
- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị bàn về vận động dân chủ ở nông thôn.
- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị tại số 4, Nguyễn Cảnh Chân thảo luận về tình hình nội bộ chính quyền Mỹ, quan hệ Mỹ - ngụy và vấn đề đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Pari..
- Ngày 11: Hồi 7 giờ 30, tại Nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với đồng chí Lê Hiến Mai. 17 giờ, Người họp Bộ Chính trị.
- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình ở Liên khu V.
- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Cayxỏn Phômvihản, Xuphanuvông, Nuhắc Phunxavẳn, Khăm Tày Xiphanđon và một số đồng chí khác.
- Ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Hội trường Ba Đình đặt vòng hoa viếng và dự lễ truy điệu Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch vừa hy sinh ở chiến trường miền Nam ( Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh ngày 7-11-1968, trong khi đang nghiên cứu y học ở chiến trường miền Nam).
- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe báo cáo kết quả Hội nghị tổng kết lần thứ nhất của bộ đội đặc công.
17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đoàn đại biểu Tỉnh ủy Thái Bình.
- Ngày 18: Hồi 19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh kỷ niệm lần thứ 8 ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Cuối buổi mít tinh, Người cùng đồng bào hát bài “Giải phóng miền Nam” rồi tặng hoa ông Nguyễn Phú Soại, Trưởng đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tại Hà Nội và các cháu thiếu niên dũng sĩ miền Nam vây quanh Người trên khán đài.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhân kỷ niệm lần thứ 8 ngày thành lập Mặt trận. Sau khi nêu lên những thắng lợi của cách mạng miền Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận, khen ngợi chiến công của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, Người chỉ rõ, để giải quyết vấn đề Việt Nam, “Mỹ phải bàn bạc với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam về mọi vấn đề liên quan đến miền Nam Việt Nam”. Cuối bức điện, Người chúc toàn thể đồng bào miền Nam phát huy khí thế chiến thắng, tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa, hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
- Ngày 20: Hồi 7 giờ, tại Nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với đồng chí Nguyễn Thọ Chân. 15 giờ, Người gặp 30 cán bộ, chiến sĩ đặc công từ miền Nam ra báo cáo.
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều cán bộ khác của Đảng, Nhà nước đến đặt vòng hoa tại đài liệt sĩ Nghĩa trang Mai Dịch nhân kỷ niệm lần thứ 24 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem phòng tranh bộ đội nhân dịp ba ngày kỷ niệm lớn 19, 20, 22-12. Người đã xem 300 bức tranh chọn lọc từ 1500 bức từ các chiến trường, các đơn vị gửi về. Sau đó, Người nói chuyện với những người có mặt ở phòng tranh, khen ngợi bộ đội đã cố gắng đẩy mạnh hoạt động văn hóa trong điều kiện chiến đấu gian khổ, quyết liệt như vậy là rất tốt và chỉ ra rằng cần làm cho nhiều người tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ hơn nữa, có nhiều tranh vẽ tốt, bài hát, bài thơ hay, góp phần động viên bộ đội và nhân dân anh dũng chiến đấu, tích cực công tác, đánh thắng giặc Mỹ. Như vậy, bộ đội ta là đội quân chiến đấu giỏi, công tác tích cực, có văn hóa và đời sống tinh thần lành mạnh vui tươi.
- Ngày 26: Buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một cán bộ từ chiến trường miền Nam ra, sau ở lại cùng ăn cơm trưa với Người.
- Ngày 27: Hồi 7 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Tạo báo cáo về tình hình trồng cây, gây rừng.
Tổng Cục trưởng trình bày với Người những bản thống kê về sự phá hoại của địch như ném bom, rải chất độc hủy diệt trên những cánh rừng miền Nam và tình trạng đẵn gỗ, đốt rừng bừa bãi ở miền Bắc. Tổng Cục trưởng thưa với Người:
+ Ở miền Bắc, cứ đà này thì chỉ còn 10, 15 năm nữa chúng ta sẽ “hoàn thành xuất sắc” công cuộc phá rừng đầu nguồn...
Chủ tịch báo cho Tổng Cục trưởng Lâm nghiệp rằng Người sẽ vận động nhân dân trồng cây, mở đầu bằng Tết trồng cây, dặn dò cơ quan lâm nghiệp phải chuẩn bị cây giống, tiếp tục công tác tuyên truyền vận động đồng bào bảo vệ rừng, phủ xanh những rừng đã bị đốt, phá...
Tổng Cục trưởng ngỏ ý mời Người vào thăm rừng Cúc Phương. Người nhận lời.
- Ngày 28: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Bộ Chính trị và đồng chí Nguyễn Duy Trinh báo cáo lại cuộc họp buổi sáng của Bộ Chính trị bàn về đấu tranh ngoại giao với Mỹ. Người nói: “khâu chính làm trì hoãn là ta làm chưa đến mức mà Mỹ thấy cấp bách phải ra. Ta cần kiên nhẫn và cẩn thận.”
- Ngày 30: Hồi 16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Người khen ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân dân Thanh Hóa chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trong đó có chiến công bảo vệ cầu Hàm Rồng, giữ vững mạch máu giao thông.
Nhìn thấy một cán bộ ăn mặc sang trọng, thắt cavát, đi giày bóng, Người hỏi:
+ Chú công tác ngành nào?
+ Thưa Bác, cháu ở ủy ban nông nghiệp.
+ Chú có lội đồng được không! Có lẽ nên chuyển chú sang thương nghiệp thì hơn....
Cuộc gặp mặt kết thúc, anh em xin phép được chụp ảnh với Người.
Chủ tịch không đồng ý, nói: Đoàn các chú không có ai là phụ nữ. Lần sau thăm Bác, có đại biểu phụ nữ trong Tỉnh ủy Bác sẽ cùng chụp.
Cùng ngày, Người gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 ngày Giải phóng Cuba.
- Trước ngày 31: Nhân dịp năm mới (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các bạn người Mỹ chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.
Người thân ái chúc mừng những người bạn Mỹ “lời chúc hoà bình và hạnh phúc”, đồng thời thông báo về việc nhà cầm quyền Hoa Kỳ đã tuyên bố chấm dứt ném bom không điều kiện ở miền Bắc Việt Nam và cho rằng: “Đó là một thắng lợi to lớn chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, của nhân dân tiến bộ Mỹ và của các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới”.
Người vạch rõ thái độ ngoan cố của Chính phủ Mỹ tiếp tục âm mưu mở rộng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, điều đó, theo Người “thì càng làm thiệt hại thêm cho nước Mỹ, làm tăng thêm số thanh niên Mỹ chết vô ích trên chiến trường..., gây thêm sự đau xót cho nhiều gia đình Mỹ”. Người khẳng định lập trường thiện chí của nhân dân ta là thiết tha với hòa bình, độc lập; “Nhưng chừng nào đất nước Việt Nam còn bị xâm lược, thì nhân dân Việt Nam còn kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.
Chủ tịch nhiệt liệt hoan nghênh cuộc đấu tranh dũng cảm của các bạn Mỹ đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hành động đó, theo Chủ tịch, các bạn Mỹ đã ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến “đồng thời bảo vệ lợi ích và danh dự của nhân dân Mỹ, bảo vệ tính mạng của thanh niên Hoa Kỳ”.
Năm mới, Người chúc các bạn Mỹ giành được nhiều thắng lợi trong những cuộc đấu tranh chính nghĩa.
Huyền Trang (tổng hợp)