Chỉ mục bài viết

 

Phần 7. Giai đoạn 1955 - 1959

* Tháng 12-1955

- Ngày 1: Bài viết Các cụ già Trung Quốc, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 638. Trong bài, Người viết về kinh nghiệm kéo dài tuổi thọ của các cụ già Trung Quốc. Nhận xét bí quyết để sống lâu là phải tích cực lao động trong một xã hội bình đẳng. Người kết luận:

"Sống lâu không tại số trời,

Người mà biết sống, thì người sống lâu".

- Ngày 5: Bài viết Kỷ luật Mỹ, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 642. Người lên án tệ phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Bất chấp những quy định của Toà án Liên bang, những người da đen luôn luôn bị tẩy chay, ruồng bỏ, lăng mạ tại công viên, trường học và những nơi công cộng khác. Thậm chí toà án còn tha bổng cho những kẻ da trắng phạm tội giết người da đen.

- Ngày  12: Bài viết Yêng hùng rơm, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 649. Trong bài, Người châm biếm thái độ yêng hùng rơm của một sĩ quan Pháp. Sau khi tốt nghiệp khoá học mang tên Điện Biên Phủ của Trường Võ bị Xanh Xia (Saint - Cyr), viên sĩ quan này đã viết bài xã luận đăng trên tờ nội san của trường thề sẽ "noi gương chiến đấu hy sinh""nguyện sẽ trả thù" cho các sĩ quan, binh sĩ Pháp đã bỏ mạng tại Điện Biên Phủ.

- Ngày 15: Bài viết Phải luôn cảnh giác, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 652. Trong bài, Người cho biết thực dân Pháp khi rút khỏi miền Bắc đã gài gián điệp trà trộn trong một số cơ quan, đoàn thể để tiến hành những hoạt động phá hoại. Vì vậy, các ngành, các cấp và toàn thể đồng bào phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những âm mưu và thủ đoạn phá hoại của địch.

- Ngày 16: Bài viết Một quang cảnh mới, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 653. Người biểu dương những thành tựu của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã lao động quên mình để xây dựng lại quê hương từ sau ngày giải phóng; nhiều thanh niên, phụ nữ hăng hái tham gia các công tác xã hội; tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng được củng cố.

- Ngày 17: Đến thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác cải cách ruộng đất của Đoàn Bắc - Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang) tổ chức tại xã Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi biểu dương những cố gắng của cán bộ, nhân dân địa phương trong cải cách ruộng đất, Người chỉ rõ những khuyết điểm cần kiên quyết khắc phục như chưa phân biệt thật rõ ai là địch, ai là ta, chưa đi đúng đường lối công tác quần chúng của Đảng. Người phê bình nghiêm khắc biện pháp nhục hình: "Dùng nhục hình là dã man. Chỉ có bọn đế quốc và phong kiến mới dùng.... Đánh người ta đau quá thì không có người ta cũng phải nhận là có. Như thế là cán bộ đã tự mình lừa mình. Từ nay các cô các chú phải kiên quyết sửa chữa khuyết điểm này".

- Ngày 19: Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng báo Nhân Dân, số 656. Người tóm tắt những thành tựu chủ yếu trong phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm năm 1955. Người khẳng định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch khôi phục kinh tế năm 1956; giải quyết vấn đề lương thực là yêu cầu của sản xuất nông nghiệp năm 1956. Người kêu gọi nông dân ra sức thi đua sản xuất, tiết kiệm; chú trọng trồng thêm lúa, hoa màu, cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, đánh cá, khai thác gỗ, trồng cây gây rừng và phòng chống thiên tai. Công tác lãnh đạo sản xuất phải là công việc trọng tâm của các ngành, các cấp.

Cùng ngày, bài viết Mỹ - Diệm hất cẳng Pháp, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 656. Trong bài, Người trích dẫn một số nguồn tin của báo chí Pháp ca thán việc Mỹ - Diệm hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam. Về chính trị, báo chí của Diệm không ngừng chửi Pháp một cách thô lỗ, quân đội Diệm thường gây sự với quân đội Pháp; Diệm không muốn thừa nhận viên Cao uỷ Pháp. Về kinh tế, Diệm hạn chế nhập hàng của Pháp làm cho hàng hoá Tây Đức, Nhật, Mỹ hất cẳng hàng hoá Pháp, nhiều xí nghiệp Pháp ở miền Nam phải bán đổ bán tháo để cuốn gói chuồn... Mặc dù vậy, Pháp vẫn cúi đầu đi theo Mỹ, ủng hộ âm mưu của Mỹ đưa chính quyền Ngô Đình Diệm vào Liên hợp quốc.

- Ngày 20: Bài viết Nhiệm vụ của thanh niên ta, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 657. Người biểu dương những thành tích của thanh niên đã đạt được trong sản xuất, học tập và huấn luyện chiến đấu; nhắc nhở thanh niên phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm tròn trách nhiệm nặng nề và vinh dự của mình. Người kết luận:

"Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà,

Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên".

- Ngày 21: Bài viết Chúc mừng hai ngày kỷ niệm vẻ vang, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 658. Bài viết nhân kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944), Người biểu dương gương chiến đấu, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ cả nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kêu gọi đồng bào và chiến sĩ phải phát huy truyền thống yêu nước trong công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thống nhất, độc lập, hoà bình, dân chủ trong cả nước.

- Trước ngày 22: Trả lời phỏng vấn của phóng viên tuần báo Thời đại mới (Ấn Độ). Người đánh giá cao phong trào đấu tranh bảo vệ hoà bình ở châu Á, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước Á - Phi; tố cáo chủ nghĩa đế quốc âm mưu lập các khối quân sự để chạy đua vũ trang; bày tỏ quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.

- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự chiêu đãi do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - tổ chức nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Ngày 23: Bài viết Một vinh dự mới cho nhân dân ta, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 660. Bài báo cho biết, Uỷ ban giải thưởng hoà bình quốc tế Xtalin đã quyết định tặng giải thưởng năm 1955 cho sáu người có công lao trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, trong đó có đồng chí Tôn Đức Thắng. Người ca ngợi cuộc đời chiến đấu quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người của nhà cách mạng lão thành Tôn Đức Thắng.

- Ngày 24: Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nôen, đăng báo Nhân Dân, số 661. Trong thư, Người chia sẻ niềm vui với đồng bào Công giáo được sống trong cảnh thanh bình, lên án các thế lực phản động đã lừa gạt, cưỡng bức đồng bào di cư vào miền Nam và nhắc nhở bà con phải đoàn kết chặt chẽ để xây dựng quê hương.

- Trước ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời nhà báo Lơroi Hanxen, chủ bút Hãng tin U.P (Mỹ) ở khu vực Châu Á.

Trả lời câu hỏi: Trong năm sắp tới, triết lý nào sẽ hướng dẫn Ngài trong những cố gắng mang lại cho những nước châu á nền hoà bình và thịnh vượng mà mọi người mong muốn?

Người nói: Trong chính sách đối ngoại, triết lý hướng dẫn chúng tôi là sự thực hiện năm nguyên tắc chung sống hoà bình; về chính sách nội trị, triết lý hướng dẫn chúng tôi là sự thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ để thực hiện sự thống nhất đất nước chúng tôi.

- Ngày 27: Bài Tổng tuyển cử Pháp và Điện Biên Phủ, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 664. Người viết: Chính sách của Pháp ở Việt Nam đã làm cho giới tư bản Pháp mâu thuẫn và công kích lẫn nhau. Trước cuộc tổng tuyển cử ngày 2-1-1956, các đảng phái, phe nhóm chính trị đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ và về việc Pháp đang bị gạt khỏi Đông Dương.

- Ngày 28: Bài viết Lại "đời sống kiểu Mỹ", bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 664. Người lên án Chính phủ Mỹ không tán thành chủ trương cấm sử dụng bom nguyên tử, tiếp tục chạy đua vũ trang, xây dựng nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài, truyền bá cái gọi là "đời sống kiểu Mỹ" khắp thế giới. Đồng thời, nêu lên sự thối nát của đời sống Mỹ là "giết người không bị tội, hãm hiếp cả con trai, tham ô và hối lộ, kiểu Mỹ "đẹp" vậy thay".

- Ngày 29: Bài viết Đức Giáo hoàng kêu gọi cấm bom nguyên tử, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 666. Bài báo cho biết, từ sự kiện Giáo hoàng ra tuyên bố kêu gọi không sản xuất và sử dụng bom nguyên tử ngày 24-12-1955, Người lên án Mỹ vẫn âm mưu sử dụng bom nguyên tử, chạy đua vũ trang; ca ngợi Liên Xô luôn chủ trương sử dụng kỹ thuật nguyên tử vì mục đích hoà bình. Đồng thời, Người cũng vạch rõ đế quốc Mỹ và bè lũ tuyên truyền bom nguyên tử để lừa bịp và cưỡng ép đồng bào Công giáo di cư vào Nam. Do đó, "bọn chúng chẳng những có tội với nhân dân, có tội với Tổ quốc, mà cũng có tội với Giáo hoàng. Chúng là đồ đệ của quỷ Satăng và tay sai của đế quốc Mỹ".

* Tháng 12- 1956

- Ngày 8: Thăm lớp nghiên cứu chính trị khoá II của trí thức tại Trường Đại học Nhân dân Việt Nam. Nói chuyện với lớp, Người mở đầu bằng một câu trong sách Tam tự kinh: "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Người giải thích:

Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.

Thiện là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

Người cho rằng: Trong xã hội, trong cả thế giới, trong một nước, và trong bản thân mỗi con người đều có Thiện và ác.

"Thiện và ác là hai cái mâu thuẫn, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh ấy phải trường kỳ và gian khổ, nhưng cuối cùng thì ác nhất định bại, Thiện nhất định thắng".

Nói về Đảng, Người cho rằng: "Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng là do nhiều người cách mạng họp lại, cho nên dù với sự rèn luyện theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng có nhiều ưu điểm, những cũng không tránh khỏi khuyết điểm. Khi có khuyết điểm, Đảng hoan nghênh phê bình, thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy, Đảng ngày càng tiến bộ, càng mạnh mẽ".

Về chuyên chính dân chủ nhân dân, Người phân tích: "Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai?... Dưới chế độ dân chủ nhân dân, chuyên chính là đại đa số nhân dân chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ dân chủ của nhân dân. Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khoá và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khoá, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ".

- Ngày 21: Gửi thư cho đồng bào một số địa phương đã thanh toán xong nạn mù chữ, Người biểu dương thành tích của đồng bào các xã Vĩnh Khang, Tam Cường, Liên Sơn, Diên Liên, thị xã Phát Diệm (Ninh Bình) đã thanh toán nạn mù chữ và coi đó là thắng lợi bước đầu trên mặt trận văn hoá.

Cuối thư, Người vạch rõ: "Thanh toán nạn mù chữ là bước đầu nâng cao trình độ văn hoá. Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta trở thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

Cùng ngày, họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về cải cách ruộng đất. Người nói: "Mỗi đồng chí theo dõi một khu có quyền giải quyết những việc nhỏ".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đại biểu nông dân 46 xã ngoại thành Hà Nội, nơi đang tiến hành công tác sửa chữa những sai lầm, thiếu sót trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất.

- Trước ngày 22: Nói chuyện với hội nghị đại biểu công nhân và cán bộ miền Nam làm việc ở các công trường, nông trường và lâm trường, Người khen ngợi những thành tích xây dựng miền Bắc trong 2 năm qua của công nhân, cán bộ miền Nam, nói lên sự cảm thông sâu sắc của Người, của Đảng và Chính phủ đối với những khó khăn trong công tác của anh chị em; căn dặn anh chị em phải khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không suy tính cá nhân, vì Đảng, vì nhân dân phục vụ, kiên trì đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Đối với các cán bộ lãnh đạo, Người yêu cầu: Phải chăm sóc đời sống công nhân đi đôi với việc đẩy mạnh công tác chuyên môn; phải mở rộng dân chủ, mọi việc cần phải đem ra bàn bạc với công nhân; cần đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên.

- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Người biểu dương những thành tích của quân đội ta trong Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong công cuộc khôi phục kinh tế. Người nêu rõ nhiệm vụ của quân đội là phát huy truyền thống cách mạng anh dũng và vẻ vang, nâng cao chí khí phấn đấu, giữ vững kỷ luật, đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân, ra sức làm tròn nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ giao phó. Quân nhân phục viên, thương binh cần ra sức khắc phục khó khăn, phát huy tính tích cực của mình trong sản xuất và trong mọi mặt công tác.

Tối, tại cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự chiêu đãi do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Trước ngày 23: Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các gia đình có công với cách mạng, đại biểu nông dân và cán bộ các xã ngoại thành Hà Nội đến thăm Người nhân dịp cuối năm 1956.

Sau khi nghe báo cáo kết quả bước đầu của công tác sửa sai, Người thay mặt Đảng và Chính phủ hỏi thăm sức khoẻ các đại biểu và nhờ chuyển lời hỏi thăm của Người tới toàn thể đồng bào ở địa phương, cảm ơn các gia đình đã giúp đỡ cách mạng, đưa kháng chiến tới thắng lợi. Người nói: Cải cách ruộng đất sở dĩ có kết quả là nhờ truyền thống đoàn kết của nhân dân ta từ trước đến nay. Vì vậy, mong đồng bào các xã ngoại thành cố gắng thi đua sản xuất, tiến hành sửa sai tốt, chống hạn tốt và có nhiều tổ đổi công tốt.

- Ngày 24: Dự họp Hội nghị Bộ Chính trị nhận định tình hình sửa sai bước một. Sau khi nghe báo cáo, Người nhận xét: "Báo cáo này cần sửa lại trước khi đưa ra anh em. Và cần xem lại tại sao lúc cải cách thì rầm rộ mà khi sửa sai thì im lặng". Kết thúc cuộc họp, Người vạch rõ: "Cán bộ cần huấn luyện kỹ, kiểm tra uốn nắn kịp thời trước khi đi sửa sai. Bước hai của sửa sai rất gay vì diện rộng và phức tạp, phải tăng cường lãnh đạo của Trung ương. Nếu lãnh đạo của Trung ương cứ như hiện nay thì sẽ không đảm bảo. Cần thêm cán bộ đi sửa sai. Huấn luyện trước khi đi".

- Ngày 25: Gửi thư tới các hàng giáo sĩ và đồng bào Công giáo trong cả nước nhân dịp lễ Nôen năm 1956. Sau khi biểu dương thành tích của nhân dân ta trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - văn hoá ở miền Bắc, Người kêu gọi: "Các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương... như lời cầu nguyện của Chúa Kirixitô: "Nguyện cho hết thảy đồng bào hoàn toàn hợp nhất với nhau". Người khen ngợi các hàng giáo sĩ và đồng bào đã thân ái giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, thực hiện đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ.

- Ngày 26: Tiếp hơn 300 đại biểu đồng bào Thủ đô, đại biểu phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, tiểu thương, học sinh, Phật giáo, Công giáo, các cơ quan phụ nữ miền Nam tập kết ở Hà Nội và các gia đình có công với cách mạng đến thăm Người nhân dịp cuối năm. Người hỏi thăm sức khoẻ của các đại biểu, khen ngợi những thành tích của phụ nữ Thủ đô trong kháng chiến và trong 2 năm kiến thiết hòa bình và căn dặn nhiệm vụ của phụ nữ trong giai đoạn mới.

- Ngày 29: Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời chào đồng bào miền Nam và khẳng định dù hoàn cảnh còn rất khó khăn, đồng bào vẫn hướng về Quốc hội, về Trung ương Đảng và Chính phủ; đồng bào vẫn một lòng một dạ cùng đồng bào miền Bắc ra sức đấu tranh để thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh điểm lại những cống hiến to lớn của Quốc hội từ khi mới được bầu năm 1946 và trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau khi đánh giá tình hình quốc tế và trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, ... tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc; cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam"; "Khoá Quốc hội này là khoá Quốc hội phát triển dân chủ của Nhà nước", là "khoá Quốc hội đoàn kết". Người khẳng định: "Tất cả chúng ta đều phải tăng cường đoàn kết. Đoàn kết để xây dựng miền Bắc vững mạnh, đoàn kết để đấu tranh thống nhất nước nhà. Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí, thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta".

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gần 400 đại biểu đồng bào miền Nam tập kết bao gồm đại biểu các dân tộc, các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức và cán bộ công nhân viên đến thăm Người nhân dịp cuối năm.

Người khen ngợi đồng bào miền Nam tập kết đã tích cực tham gia củng cố miền Bắc, làm nền tảng cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Người căn dặn: Mọi người phải ra sức đoàn kết, phát huy truyền thống anh dũng của đồng bào miền Nam.

- Ngày 30: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hơn 300 đại biểu nam nữ thanh niên các tôn giáo, các tầng lớp công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, trí thức, bộ đội, Hoa kiều và đại biểu thanh niên các cơ quan Trung ương và Hà Nội, đến thăm Người nhân dịp cuối năm.

Người khen ngợi những thành tích và cố gắng của thanh niên trong kháng chiến và 2 năm hoà bình; khuyên thanh niên cố gắng công tác sản xuất, học tập, đoàn kết chặt chẽ và có ý thức kỷ luật; nói chuyện với anh chị em về tình hình thế giới và trong nước. Thay mặt Đảng và Chính phủ, Người chúc anh chị em thanh niên năm mới vui vẻ, mạnh khoẻ, cố gắng mới và tiến bộ mới.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn tiếp công tác sửa sai. Sau khi nghe các báo cáo, Người nhận xét:

1. Cần nhấn mạnh rằng sửa sai phải dựa vào dân;

2. Vấn đề sản xuất phải nêu bật để được chú trọng;

3. Nên ra một tờ báo phổ biến kinh nghiệm sửa sai.

- Trước ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị đại biểu các tập đoàn sản xuất của anh chị em miền Nam tập kết.

- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện với đại biểu các khu, thành, tỉnh toàn miền Bắc dự Hội nghị Sửa chữa những sai lầm, thiếu sót trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất.

* Tháng 12- 1957

- Ngày 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thôn Thạch Bích (Thanh Oai, Hà Tây). Người nói chuyện với đồng bào tại sân nhà thờ Thạch Bích, kêu gọi đồng bào đoàn kết, tích cực sản xuất, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp.

- Ngày 3: Chủ tọa phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ để bàn về việc tổng kết kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế; xây dựng kế hoạch năm 1958 và kế hoạch 3 năm (1958-1960) cải tạo và phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Đánh giá kết quả đạt được trong 3 năm khôi phục kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: "Mặc dù kinh tế nước ta lạc hậu, lại bị chiến tranh kéo dài tàn phá nặng nề, mặc dù công tác xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá đối với chúng ta còn mới mẻ, gặp nhiều khó khăn và không tránh khỏi những khuyết điểm, nhưng việc hoàn thành khôi phục kinh tế là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta".

- Ngày 7: Bài viết Ai mạnh hơn, bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 1368, Người chỉ rõ sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc cùng những thành tựu về mọi mặt mà Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được. Người viết: “chủ nghĩa đế quốc là như con “ác vàng” đã ngả về tây. Chủ nghĩa xã hội là như mặt trời mới mọc”.

- Ngày 24: Dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ ta đi Liên Xô dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga về đến Hà Nội. Nói chuyện với những người ra đón tại sân bay Gia Lâm, Người thông báo kết quả tốt đẹp của lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và hai cuộc hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế. Người nói: “Hai cuộc hội nghị đó đã có hai bản tuyên bố và tuyên ngôn có ý nghĩa lịch sử vạch cho ta thấy:

+ Sự đoàn kết của giai cấp công nhân;

+ Lực lượng hòa bình rất to lớn.

Sau đó, các lãnh tụ Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa có mời tôi ở lại nghỉ ở các nước đó, nhưng vì Liên Xô và Đông Âu khí hậu đang lạnh nên tôi nghỉ ở Trung Quốc. Hiện giờ tôi rất mạnh khỏe”.

- Ngày 25: Hai bài viết đăng báo Nhân Dân, số 1386.

Trong bài Không thể phớt mãi được! bút danh T.L., Người lên án nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam ngoan cố phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, ngăn cản việc trao đổi thư từ, điện tín của đồng bào hai miền Nam - Bắc, từ chối đề nghị của Hội Chữ thập đỏ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc giúp đỡ đồng bào miền Nam bị bão lụt. Người khẳng định đó là hành động vô nhân đạo sẽ bị dư luận trong và ngoài nước lên án.

Trong bài Tin tức Trung Quốc, bút danh Trần Lực, Người giới thiệu những thành tựu xây dựng và phát triển kinh tế ở Trung Quốc, phương hướng và mục tiêu phấn đấu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc từ năm 1956 đến năm 1967.

- Ngày 28: Tiếp và nói chuyện thân mật với cán bộ các cơ quan trung ương đóng ở Hà Nội và cán bộ các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội đến chào Người nhân dịp năm mới sắp đến. Người chúc cán bộ các cơ quan năm mới mạnh khỏe, đoàn kết, tiến bộ và hăng hái lao động. Người nhờ anh chị em có mặt chuyển lời thăm hỏi và chúc Tết của Trung ương Đảng, Chính phủ và của Người đến gia đình và anh chị em cán bộ không có mặt trong buổi gặp gỡ.

- Ngày 31: Chủ tọa phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ để bàn về việc: Tổng kết kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế; xây dựng kế hoạch năm 1958 và kế hoạch 5 năm (1958-1960); điều chỉnh tổng dự toán ngân sách nhà nước năm 1957 và dự án tổng dự toán ngân sách năm 1958; vấn đề ngân sách cấp xã; tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác chống hạn.

Về vấn đề thu chi và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Người nói: “Thu hụt thì Bộ Tài chính, các bộ, sở chủ quản phải có trách nhiệm, không phải xóa cho hết chuyện. Phải nói rõ bộ nào không làm hết trách nhiệm của mình để rút kinh nghiệm. Không xí xóa, bộ nào không làm hết trách nhiệm phải xem lại, phải nêu bật trách nhiệm của ai”.

Về vấn đề ngân sách cấp xã, Người nói: “Xã ở các nước có hợp tác xã, có ngân sách làm các công việc lợi ích chung. Xã ở ta chưa có hợp tác xã, nếu tập trung tài chính vào trung ương thì địa phương thiếu phương tiện hoạt động, sẽ ít phát huy sáng kiến. Có quyền phải có tiền”.

Khi bàn về công tác chống hạn, Người yêu cầu: Phải động viên từ trên xuống dưới. Ngoài những vị trong Chính phủ cần làm việc lập kế hoạch, những người khác, từ Chủ tịch trở xuống có thể xuống xã. Bây giờ ta phải quyết tâm chống hạn, phải tăng cường tổ chức lãnh đạo chống hạn.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Người phê phán một số khuyết điểm của các bộ, ngành, như: “Bộ Giáo dục đặt chương trình học ở các trường nặng quá. Bộ Ngoại thương thì mua hàng tốt, bán hàng xấu, rất kém tinh thần quốc tế. Mậu dịch phạm nhiều lãng phí, để cháy ba kho thóc. Bộ Văn hóa để báo chí, tập san xuất bản lung tung; tuyên truyền thì đưa cái gì cũng tươi đẹp cả, đưa ra những tin không chính xác. Phải nói cho chính xác để giáo dục, khuyến khích, không để dân chủ quan”.

Về công tác trước mắt, Người nói: “Cần chú ý mấy việc sau đây: chống hạn, chống rét. Tết năm ngoái có nhiều lệch lạc, đồng bào nông thôn bỏ sản xuất để hội hè, giết trâu bò, ăn uống, cờ bạc. Tết năm nay sắp đến, Bộ Văn hóa phải chú ý ngăn ngừa trước”. Người nhấn mạnh: “Sang năm mới, ta chuyển vào kế hoạch để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Hội đồng Chính phủ đòi hỏi các bộ, các ngành phải có kế hoạch sửa chữa các khuyết điểm để thực hiện kế hoạch được tốt”.

* Tháng 12- 1958

- Ngày 1: Lúc 18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ ký Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Thủ tướng Kim Nhật Thành, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

- Ngày 3: Bài viết ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử ở Pháp, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 1725. Phân tích những số liệu cụ thể qua vòng bầu cử Quốc hội lần thứ hai ở Pháp và thái độ của cử tri Pháp, tác giả vạch rõ những chỗ lắt léo gian dối trong luật tuyển cử Đờ Gôn và khẳng định: “Nhân dân Pháp với truyền thống cách mạng chắc chắn không để phe phản động thống trị họ lâu ngày, họ sẽ đấu tranh, sẽ thắng lợi”.

- Ngày 6: đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II). Người nhấn mạnh: “Hiện nay, nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn dân ta là đẩy mạnh công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Muốn thực hiện được nhiệm vụ đó, trước hết là phải tiến hành cách mạng tư tưởng... Phải làm cho tư tưởng chính trị của nhân dân ta chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, có như thế chúng ta mới phát huy được hết thuận lợi, khắc phục được mọi khó khăn, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước ba năm và chuẩn bị tốt cho kế hoạch dài hạn về sau”.

Người căn dặn cụ thể các cán bộ phụ trách công tác nông thôn và công nghiệp một số điều cần nhớ và cần thực hiện để giành vụ đông - xuân thắng lợi, để làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp.

- Ngày  9: 14 giờ 30, dự lễ khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa I. Người thay mặt Đảng và Chính phủ chào mừng các đại biểu Quốc hội và thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp đọc báo cáo về công việc và kết quả cụ thể của Ban từ sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và dự kiến kế hoạch công tác sắp tới. Người hứa trước Quốc hội “sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao phó cho: dự thảo một bản Hiến pháp xứng đáng với sự tiến bộ của nhân dân ta, của Tổ quốc ta”.

- Ngày 11: dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về công tác thủy lợi và ý kiến của đoàn chuyên gia Trung Quốc. Sau khi nghe báo cáo, Người đề nghị nên nhờ chuyên gia Trung Quốc giúp đỡ kinh nghiệm, việc trị thủy sông Hồng nên phối hợp với bạn (Trung Quốc); cần có kế hoạch chống úng cho vùng Hà Nam, Nam Định.

- Ngày 13 : Tối, tại Phủ Chủ tịch, Người tiếp các đại biểu Quốc hội về dự kỳ họp thứ 9. Người đề nghị các đại biểu khi trở về địa phương cần nhanh chóng truyền đạt những nghị quyết của Quốc hội, không khí phấn khởi khẩn trương của kỳ họp để động viên toàn dân hăng hái thực hiện thắng lợi Kế hoạch Nhà nước ba năm và nhờ các đại biểu chuyển lời thăm hỏi và khen ngợi của Người tới đồng bào, cán bộ và chiến sĩ “Nếu toàn dân cố gắng, toàn Đảng cố gắng, Chính phủ cố gắng, ta sẽ có dịp ăn mừng những thắng lợi to lớn hơn nữa”.

- Ngày 15: Về thăm Công trường thủy lợi Thụy Phương ở ngoại thành Hà Nội. Người đi xem cống Liên Mạc và đến tận nơi thăm anh em bộ đội, dân công đang đào kênh dẫn nước vào sông Nhuệ. Người căn dặn mọi người phải thi đua với nhau, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Rời công trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trung đoàn 254 bảo vệ Thủ đô và dân quân thôn Hoàng (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) đang đắp mương trung thủy nông ở xứ Cầu Điều. Người yêu cầu các lực lượng vũ trang cần luyện tập quân sự cho tốt để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng cũng cần phải tham gia lao động giúp đỡ nhân dân làm thủy lợi để phát triển sản xuất thì nhân dân và bộ đội đều được ấm no.

Cùng ngày, Người đến thăm Hội nghị học tập kinh nghiệm khai khẩn nông nghiệp Trung Quốc do Tổng cục Hậu cần tổ chức. Người căn dặn các đại biểu cần ra sức học tập và áp dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm sản xuất của Trung Quốc phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Người giao nhiệm vụ cho các nông trường quân đội, nông trường quốc doanh phải đi đầu trong sản xuất nông nghiệp và hứa sẽ tặng chiếc máy cày của hợp tác xã Xalibi (Tiệp Khắc) biếu Người.

- Ngày  19: Đến thăm và nói chuyện với Hội nghị sơ kết phong trào thi đua của các cơ sở thuộc Tổng cục Hậu cần. Người khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và công nhân các cơ sở hậu cần trong phong trào thi đua “Tiến nhanh vượt mức kế hoạch, vươn lên hàng đầu” đã phát huy truyền thống của quân đội, khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, hoàn thành nhiệm vụ và biết áp dụng sáng tạo những kinh nghiệm quý báu của các nước anh em. Người căn dặn mọi người không được tự mãn, phải tiếp tục cố gắng tổ chức thi đua tốt hơn, xây dựng quân đội ta trở nên hùng mạnh về mọi mặt, xứng đáng là vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đại biểu Quốc hội Hà Nội đến báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội với Hội nghị đại biểu nhân dân Thủ đô. Người kêu gọi nhân dân Thủ đô đoàn kết nhất trí, ra sức thi đua sản xuất và tích kiệm, làm đầu tàu lôi kéo toàn dân xây dựng miền Bắc vững mạnh.

Cùng ngày, Người viết thư cảm ơn các cụ “phụ lão diệt dốt” xã Nam Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đã gửi thư cho Người báo tin toàn xã đã thanh toán xong nạn mù chữ. Người mong các cụ “tiếp tục đôn đốc và giúp đỡ đồng bào trong xã cố gắng học thêm để nâng cao trình độ, đẩy mạnh phong trào tổ đổi công và hợp tác xã một cách khẩn trương và chắc chắn, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, đoàn kết chặt chẽ xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục”.

- Ngày 22: Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ phong quân hàm (đợt 2) cho cán bộ cao cấp trong quân đội.

Phát biểu tại buổi lễ, Người khẳng định những đóng góp của các vị trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc và căn dặn: “Dù ở cương vị nào, các đồng chí đều phải luôn luôn gương mẫu, luôn luôn xứng đáng là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ toàn quân nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Bức thư có đoạn:

“Chúng ta phải ra sức xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để gìn giữ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.

Toàn thể cán bộ và chiến sĩ ta phải giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân, nâng cao chí khí chiến đấu và cảnh giác cách mạng, ra sức học tập quân sự và chính trị, tăng cường đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa quân đội và nhân dân, tích cực tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ nhân dân trong mọi công tác. Phải trau dồi đạo đức cách mạng, tiết kiệm, cần cù, “khiêm tốn giản dị”.

- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau khi làm việc với Tỉnh ủy để nghe báo cáo tình hình mọi mặt trong tỉnh, Người đến thăm một đơn vị của quân khu Việt Bắc đóng ở Thành Trắng và thăm lớp bồi dưỡng chủ nhiệm, kế toán hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh.

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải lần thứ ba. Người lên tận nơi đổ bê tông móng cống Xuân Quan thăm hỏi mọi người. Người khen anh em công nhân có nhiều tiến bộ và nhắc nhở cần cố gắng hơn nữa, phát huy nhiều sáng kiến, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời đẩy mạnh việc chống lãng phí, tham ô.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội. Người giao trách nhiệm cho cán bộ và công nhân phải xây dựng nhà máy trở thành một nhà máy kiểu mẫu, mọi người phải cố gắng thực hiện những điều Người căn dặn để quyết tâm hoàn thành vượt mức Kế hoạch Nhà nước năm 1959, chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn sau này.

- Ngày 26: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về công tác thủy lợi và kế hoạch thủy lợi ba năm tới. Người đề nghị Ban Bí thư xem xét lại một lần nữa Nghị quyết trước khi Bộ Chính trị thông qua và nhắc nhở “chú ý kiện toàn tổ chức để làm tốt, khỏi lãng phí”.

- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà và một số vấn đề đối ngoại.

- Ngày 31: Gặp gỡ các thầy giáo và học sinh Trường phổ thông cấp III Chu Văn An nhân buổi hội trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường:

+ Học đi với lao động.

+ Lý luận đi với thực hành.

+ Cần cù đi với tiết kiệm”.

“Muốn xã hội chủ nghĩa, phải có: Người xã hội chủ nghĩa. Muốn có người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trái hẳn với cá nhân chủ nghĩa. Cái gì không phải xã hội chủ nghĩa là cá nhân chủ nghĩa”.

Trong ngày, tại Phủ Chủ tịch, gặp mặt và nói chuyện với cán bộ các cơ quan trung ương và Hà Nội nhân dịp năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Năm 1959 là năm bản lề, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, công việc sẽ rất nhiều. Ta có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn. Chúng ta phải ra sức hoàn thành vượt mức Kế hoạch Nhà nước năm 1959 với chí khí quyết chiến quyết thắng”.

- Trong tháng 12: Tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958.

Tác phẩm tập trung phân tích các vấn đề:

1. Vai trò của đạo đức cách mạng: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

2. Nội dung cơ bản và những chuẩn mực của đạo đức cách mạng: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là:

Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng.

Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.

3. Đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cá nhân, “kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”.

Trong phần kết luận, tác giả nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

* Tháng 12- 1959

- Ngày 2:  Phát biểu với Hội nghị mở rộng của Tỉnh ủy Hà Đông (cũ), Người góp một số ý kiến về việc chống hạn, việc củng cố các hợp tác xã đã có, vấn đề cần kiệm xây dựng hợp tác xã, công tác phát triển Đảng, vấn đề đoàn kết trong cán bộ, v.v. của Hà Đông và nhắc nhở các cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã “đều phải học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật để làm trọn nhiệm vụ ngày càng nhiều và càng mới”.

Cùng ngày, Người về thăm hợp tác xã nông nghiệp của đồng bào Thiên Chúa giáo thôn Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Đông (Hà Nội). Người thân mật nói chuyện với các xã viên về công việc sản xuất, căn dặn bà con đoàn kết thương yêu nhau, đoàn kết lương giáo, kính Chúa, yêu Tổ quốc.

Trước khi ra về, Người đến thăm trại chăn nuôi của Hợp tác xã và thăm một số gia đình xã viên.

- Ngày 4: Bài viết Phải ra sức chống hạn, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 2088. Người phân tích nguyên nhân vụ mùa vừa qua giành được thắng lợi, mặc dù nhiều nơi bị thiên tai hạn hán và kết luận:

Dù cho hạn hán khắp nơi,

Người mà quyết chí, thì trời phải thua

Không mưa mà vẫn được mùa”.

Dự báo tình trạng hạn hán có thể xảy ra, tác giả nhắc nhở bà con nông dân, cán bộ, bộ đội, thanh niên phải quyết tâm tìm mọi cách chống hạn, bảo đảm vụ chiêm thắng lợi, lấy thành tích chào mừng 30 năm thành lập Đảng.

- Ngày 6: Dưới đầu đề: Thư không dán. Kính gửi ông Ike Tổng thống Mỹ, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2090, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần những luận điệu lừa bịp dư luận về cái gọi là “Tự do, công lý và hòa bình” mà Tổng thống Mỹ thường rêu rao. Bằng những dẫn chứng cụ thể, bài báo tố cáo Mỹ một mặt luôn nói đến “hòa bình”, nhưng thực tế lại tăng cường chạy đua vũ trang và viện trợ vũ khí cho lực lượng của Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam để chúng bắn giết những người vô tội.

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận về Luật Hôn nhân và Gia đình.

Bài viết Tiêu chuẩn của người đảng viên, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2093, đề cập đến vấn đề xây dựng Đảng và phẩm chất của đảng viên.

Về công tác xây dựng Đảng, Người nêu rõ: “Khi phát triển Đảng cần phải chọn lọc rất cẩn thận, phải xem trọng chất lượng quyết không nên làm một cách ồ ạt, không nên tham nhiều”.

Để làm tốt công tác phát triển đảng viên mới, Người nhấn mạnh cần phải dựa vào những tiêu chuẩn của Người đảng viên mà xét duyệt, lựa chọn, có được như thế mới xứng đáng là người đảng viên và kết luận: “Đảng viên tốt thì Đảng mới mạnh. Đảng mạnh thì mới làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang là: Lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc để thực hiện thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bảo tàng Quân đội nhân khai mạc trưng bày kỷ niệm 15 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau khi xem các hiện vật nói lên quá trình ra đời, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng vũ trang, Người căn dặn cán bộ, nhân viên Bảo tàng cần phát huy “cuốn sử sống” để tuyên truyền giữ vững truyền thống tốt đẹp của quân đội.

- Ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà (Hà Nội). Người căn dặn công nhân, cán bộ nhà máy phải triệt để thực hiện khẩu hiệu “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ”.

- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi cán bộ và giáo viên bổ túc văn hoá. Toàn văn bức thư như sau:

Gửi các đồng chí cán bộ và giáo viên bổ túc văn hoá.

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất.

Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có kỹ thuật cải tiến. Muốn sử dụng tốt kỹ thuật thì phải có văn hoá.

Vì vậy công việc bổ túc văn hoá là cực kỳ cần thiết.

Công tác bổ túc văn hoá đối với người dạy và người học đều có khó khăn hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng với quyết tâm và tinh thần xã hội chủ nghĩa thì khó khăn gì cũng khắc phục được và bổ túc văn hoá nhất định sẽ thành công.

Chúc các bạn cố gắng thi đua và thu được nhiều thắng lợi”.

Cùng ngày, bài viết của Người: Tiếp tục nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho xã viên, một công tác quan trọng để củng cố hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân Dân, số 2101. Bài gồm hai phần:

Phần I: nói về những đặc điểm cơ bản và vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam trong cách mạng dân tộc dân chủ trước đây và cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Phần II: đề cập tới những nội dung cụ thể trong việc giác ngộ tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho nông dân, một nhiệm vụ cần thiết hiện nay.

- Ngày 18: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 ( Họp từ ngày 18 đến ngày 31-12) của Quốc hội khóa I và tham gia Chủ tịch đoàn.

Thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, Người đọc lời chào mừng. Tiếp đó, nhân danh Trưởng ban Sửa đổi Hiến pháp, Người trình bày về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, giới thiệu các điểm chính trong nội dung và những ý kiến đóng góp của nhân dân vào bản Dự thảo.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về ngày kỷ niệm thành lập Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề Hiến pháp và kế hoạch học tập lý luận ở Trường Đảng.

Cùng ngày, bài viết Gió Đông thổi bạt gió Tây, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2103, Người trích dẫn những nhận xét của tờ Tin tức kinh tế Châu Âu (tờ báo của Liên Hợp quốc) để nói về những tiến bộ vượt bậc trong sản xuất công nghiệp của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu năm 1959 so với tốc độ phát triển ỳ ạch của các nước tư bản Tây Âu. Bài báo kết luận bằng hai câu thơ:

Gió Đông thổi bạt gió Tây,

Bên kia sụt xuống, bên này tiến lên!

- Ngày 22: Gửi thư cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Người khen ngợi quân đội ta, trong 15 năm qua đã vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ và đã lập được nhiều thành tích vẻ vang và căn dặn tất cả cán bộ và chiến sĩ của các lực lượng vũ trang nhân dân:

“- Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, kỹ thuật và văn hóa, ra sức công tác và lao động; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Phải trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng vì Đảng, vì dân.

- Phải nâng cao chí khí chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”.

Cùng ngày, phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Người biểu dương “Quân đội chúng ta anh hùng trong kháng chiến mà cũng anh hùng trong hòa bình” và nêu rõ sở dĩ có những thắng lợi và những thành công đó là nhờ sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng, nhờ sự thương yêu giúp đỡ của nhân dân.Vì vậy, cán bộ và chiến sĩ “không được tự mãn, không được tự kiêu. Trái lại, cần phải khiêm tốn, cần phải đoàn kết, cần phải ra sức thi đua học tập, học tập về chính trị, học tập văn hóa, học tập kỹ thuật”.

- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp toàn thể của Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 1959 và những chủ trương công tác lớn năm 1960.

Cùng ngày, trong bài Cảnh giác, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2107. Người nhắc nhở các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đơn vị hãy đề cao cảnh giác trước những hành động khiêu khích, do thám của bọn phản động Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ, cũng như bọn tay sai của chúng ở Lào.

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Kế hoạch nhà nước năm 1960.

Trong ngày, bài viết của Người: Người Mỹ cũng nói Diệm độc tài, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2109. Tác giả trích dẫn ý kiến của một số chính khách và học giả Mỹ nhận xét về chế độ Ngô Đình Diệm cũng độc tài chẳng khác gì những tên độc tài khác được Chính phủ Mỹ ủng hộ.

- Ngày  27 : Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người cháu nuôi của Bác, ký bút danh K.V., đăng báo Nhân Dân, số 2111, ghi lại những ngày tháng hoạt động của Người khi còn hoạt động ở Pắc Bó (Cao Bằng).

- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự phiên họp toàn thể của Quốc hội. Sau khi nghe đại diện Thư ký đoàn đọc lá thư của một công nhân Sài Gòn gửi Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Người nói: “có thể nói đồng bào miền Nam thông qua bản Hiến pháp mới của chúng ta”.

Phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình do Tiểu ban nghiên cứu trình bày, Người nói đại ý: Tôi tán thành nội dung bản Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình. Nó có tính chất xã hội chủ nghĩa rõ rệt.

- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa I.

Sau khi Quốc hội nhất trí thông qua Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nhân danh Trưởng ban sửa đổi Hiến pháp cám ơn và hoan nghênh các tầng lớp nhân dân miền Nam, miền Bắc, kiều bào ở nước ngoài và các đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp, cám ơn Quốc hội đã thông qua Hiến pháp; nêu rõ ý nghĩa bản Hiến pháp đối với trong và ngoài nước, kêu gọi toàn dân thực hiện tốt Hiến pháp mới.

Sau lễ bế mạc, Người ra dự và nói chuyện với trên hai vạn đồng bào Thủ đô họp mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Thành phố, hoan nghênh thành công của kỳ họp Quốc hội, hoan nghênh Hiến pháp mới.

Cũng trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với một số cán bộ của thành phố Hà Nội đến thăm lớp vỡ lòng ở đình Thạch Khối (Hàng Than, Hà Nội).

- Trong tháng 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua của Cục Không quân. Người căn dặn: “Bộ đội không quân phải phấn đấu hơn nữa để Hội nghị thi đua lần sau đạt nhiều thành tích hơn, có nhiều chiến sĩ thi đua hơn và báo cáo Bác biết để Bác đến dự”.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: