Phần 5. Giai đoạn 1950 - 1953
* Tháng 12- 1950
- Từ ngày 18 đến ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ để xem xét tình hình thế giới từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12, kiểm điểm công tác của chính quyền trong năm 1950, kiểm điểm tình hình một năm chuẩn bị tổng phản công, thông qua Chương trình hoạt động năm 1951 và quyết định về một số vấn đề quan trọng.
Tổng kết Hội nghị, sau khi nhắc lại những nhiệm vụ nặng nề của Chính phủ, của các cấp các ngành chính quyền, của các đoàn thể và của toàn dân, Người nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của chúng ta không những là phải giải phóng đất nước, xây dựng một nước Việt Nam mới - độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường, mà còn phải góp sức vào công cuộc bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới".
Tối ngày 19, để kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến, Người cho tổ chức lửa trại và liên hoan văn nghệ. Các vị trong Quốc hội và Chính phủ đều tham gia. Người cũng tham gia một tiết mục: Đọc thơ của vợ chồng một ông cụ trên 70 tuổi gửi tiền biếu Người.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh raLời kêu gọinhân dịp kỷ niệm một năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Đánh giá sự thay đổi lực lượng giữa địch và ta mấy năm vừa qua, Người chỉ rõ: "Tình thế bên địch ngày càng khó khăn",còn "ta đã từ bị động chuyển dần sang chủ động, từ thế yếu chuyển dần sang thế mạnh, từ thế thủ chuyển dần sang thế công". Người kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Tuyệt đối chớ vì thắng mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng: Càng gần thất bại, địch càng cố gắng, càng hung dữ, càng liều mạng. Càng gần thắng lợi ta càng gặp nhiều sự gay go. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và lực lượng để đối phó với những khó khăn mới".
Cùng ngày, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân giải phóng Việt Nam, Người gửi thư tớiQuân đội quốc gia, bộ đội địa phương và dân quân Việt Nam. Bức thư có đoạn: "Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân nên hy sinh kham khổ.
Quân đội ta luôn luôn giữ gìn và phát triển truyền thống anh dũng của Quân giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng gồm 10 điều kỷ luật.
Với quân đội ấy, kháng chiến nhất định thắng lợi".
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 477/SL, tặng thưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Ba về thành tích: "Đã chỉ huy quân đội và dân quân chiến thắng giặc trong 5 năm kháng chiến trên các chiến trường, đặc biệt trong trận bảo vệ Việt Bắc - Thu Đông 1947 và trong Chiến dịch giải phóng biên giới mùa Thu 1950".
- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Liên khu IV do ông Lê Viết Lượng, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu IV làm Trưởng đoàn. Người nghe ông Lượng báo cáo tình hình mọi mặt của các tỉnh trong Liên khu, và căn dặn các vị trong Đoàn phải chú ý chăm lo sản xuất và chăm lo đời sống của nhân dân, phải đi sát dân giúp đỡ kế hoạch và động viên nhân dân sản xuất, chiến đấu.
- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thưGửi các tù binh Phápđang bị giam giữ tại Việt Nam. Bức thư viết:
"Các bạn thân mến,
Tôi xin chúc các bạn một Nôen tốt đẹp. Đành rằng các bạn còn thiếu thốn rất nhiều cho lễ đó, nhưng lỗi là thuộc về phía thực dân Pháp...
Nhân dân Việt Nam xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống của các bạn được tốt hơn.
Hãy kiên nhẫn và giữ gìn kỷ luật.
Một lần nữa, chúc các bạn một Nôen, một năm mới tốt đẹp.
H.C.M"
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nôen. Bức thư có đoạn:"Lâu nay, đồng bào đã ghi nhớ lời dạy của Đức Chúa và lời kêu gọi của Tổ quốc, đã đoàn kết và kháng chiến. Ngày nay, cuộc kháng chiến cứu nước đang chuyển sang giai đoạn mới, đồng bào càng phải vì Đức Chúa, vì Tổ quốc mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kháng chiến hăng hái hơn nữa, để sớm đến ngày thắng lợi và thái bình".
- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ và cán bộ tham gia Chiến dịch Trung du, căn dặn:"Lần này các chú phải cố gắng hơn nữa, vì chiến dịch này rất là quan trọng. Vả chăng, chiến dịch này là lần đầu tiên ta đánh ở đồng bằng, và địch thì có chuẩn bị.
Chính vì lẽ đó mà ta quyết phải thắng".
Người nhắc nhở:
"Mỗi một người, mỗi một đơn vị, mỗi một bộ phận đều phải:
Bí mật hơn
Nhanh chóng hơn
Kiên quyết hơn.
Chiến dịch này, các chú nhất định phải đánh thắng".
* Tháng 12- 1951
- Ngày 3: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 1 nhân với 8 thành hơn 825, ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc, số 1962.
Qua kết quả cao của việc bán đấu giá một tờ phiếu công trái, tác giả chorằng “nếu khéo tổ chức khắp các tỉnh, thì chắc kết quả sẽ to gấp mấy” và nêu rõ ý nghĩa của nó chính là “tinh thần nồng nàn yêu nước của đồng bào luôn luôn sẵn sàng hy sinh cho những việc đáng làm, những việc kháng chiến...”.
- Ngày 5: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một chuyện buồn cười, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1964. Bài báo chỉ trích sự tuyên truyền phản động của Mỹ đã làm cho nhân dân Mỹ hoang mang đến nỗi không dám ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ.
- Ngày 6: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 35.
+ BàiTổ quốc độc lập tôn giáo mới tự do, nêu gương phong trào công giáo yêu nước ở Trung Quốc và qua đó biểu dương đồng bào công giáo Việt Nam hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc.
+ Bài Tiền bán nước,tố cáo chính quyền bù nhìn Bảo Đại quyên tiền của nhân dân để phục vụ cho lũ thực dân cướp nước. Đó là tội ác chồng tội ác, nó làm cho đồng bào ta càng thêm căm thù, kiên quyết tiêu diệt chúng.
- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời các chiến sĩ quân đội. Người khen ngợi thành tích chiến đấu của bộ đội và căn dặn các chiến sĩ phải giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng, giúp đỡ nhân dân, không chủ quan khinh địch, đối đãi tử tế với tù binh địch và cố gắng thắng nhiều trận hơn nữa.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa toàn quốc năm 1951. Sau khi chỉ rõ “Văn hóa, văn nghệ cũng làmột mặt trận” và“Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”,Người đã nêu lên nhiệm vụ và những chỉ dẫn cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ đó cho các chiến sĩ trên mặt trận văn hoá nghệ thuật và khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
- Từ ngày 10 đến ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị đại biểu những người công giáo kháng chiến Liên khu 3(Hội nghị họp từ ngày 12 đến ngày 13-12-1951). Trong thư, Người biểu dương tinh thần yêu nước của đồng bào công giáo và kêu gọi đồng bào hăng hái thi đua, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.
- Ngày 13: Ba bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 36:
+ Bài Tinh thần trách nhiệm, nêu lên nguyên nhân những thiếu sót của phê bình và tự phê bình ở các nơi là do chưa nêu rõ tinh thần trách nhiệm,đồng thời chỉ rõ thế nào là tinh thần trách nhiệm và kết luận:“...Với lòng kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chúng ta nhất định chiến thắng khuyết điểm, cũng như nhất định chiến thắng thực dân”.
+ Bài Thi đua ái quốc, nêu lên phương pháp thi đua ở các cấp, các ngành ở Trung Quốc và kêu gọi đồng bào Việt Nam hãy thi đua với anh em Trung Quốc.
+ Bài Những trí thức gương mẫu, nêu những gương thi đua mẫu mực của những người trí thức cao tuổi ở Trung Quốc và kết luận:
“Tuổi cao chí khí càng cao,
Tấm lòng yêu nước xiết bao nồng nàn!”.
- Ngày 14: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tự do và hòa bình kiểu Mỹ,ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1970. Thông qua việc dẫn các sự kiện diễn ra trong xã hội Mỹ về sự đối xử tàn ác của Chính phủ Mỹ đối với các chiến sĩ hoạt động cho hòa bình ở Mỹ và các nước khác, cũng như thực tế ở Triều Tiên, tác giả vạch trần sự thật về “tự do và hòa bình” kiểu Mỹ.
- Khoảng giữa tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nghe ông Hoàng Quốc Việt báo cáo kết quả chuyến đi thăm Trung Quốc, Triều Tiên. Khi ông Hoàng Quốc Việt trao khẩu súng tiểu liên do công binh xưởng Triều Tiên tặng, Người xúc động nói: “Đây là một biểu hiện của chuyến đi đánh dấu tình hữu nghị anh em Việt - Trung - Triều”chiến đấu và chiến thắng.
- Ngày 17: Bài viếtMình làm mình chịu, ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc, số 1972. Bằng cách dẫn chứng những sự kiện của các nguồn tin Mỹ, Người nêu lên tác hại của việc chuẩn bị và thực tập chiến tranh do chính quyền Mỹ tiến hành. Tác hại đó không chỉ đối với nhân dân mà cả với các chính khách Mỹ. Điều đó chỉ rõ:“Mỹ gieo hạt chiến tranh thì được hứng chiến tranh”.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm ngày toàn quốc kháng chiến. Sau khi nêu lên những thuận lợi của tình hình thế giới đối với cách mạng nước ta, những thắng lợi đã đạt được của công cuộc kháng chiến, kiến quốc trong thời gian qua và chỉ rõ mục tiêu cuộc đấu tranh của dân tộc ta cho độc lập, hòa bình là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân thế giới, Người chỉ rõ cuộc kháng chiến càng gần thắng lợi càng gặp nhiều khó khăn, vì vậy “Quân và dân ta phải luôn luôn ghi nhớ:Kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ”. Người đã chỉ dẫn những nhiệm vụ, biện pháp mà quân và dân ta phải thực hiện để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và kêu gọi toàn dân, toàn quân vượt mọi khó khăn thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 37:
+ Bài Địch làm ta phá,nêu lên kết quả của trận đánh xe cơ giới địch ở đường Hà Đông - Hòa Bình và cho rằng ta phá nhiều hơn địch làm ra nên ta hơn địch. Tuy nhiên, để có kết quả đó ta phải chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng, khó nhọc, bí mật, vì vậy cuộc “kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ”.
+ Bài Nhân định thắng thiên, nêu gương đấu tranh khắc phục thiên tai của nông dân Trung Quốc và khẳng định: Việc gì anh em nông dân Trung Quốc làm được thì đồng bào nông dân Việt Nam ta cũng làm được.
- Trước ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các vùng mặt trận, khen ngợi bộ đội thi đua giết giặc lập công, đồng bào thi đua giúp đỡ bộ đội, nhất là đồng bào tham gia dân công và khuyên mọi người cố gắng để giành lấy nhiều thắng lợi hơn nữa.
- Ngày 21: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 4 thành 0, 6 thành 4, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1975. Bài báo nêu lên sự thất bại của địch trên đường số 4, thì nhất định sẽ thất bại ở đường số 6 và kết luận: “Quân ta hăng hái thi đua giết giặc lập công. Dân ta hăng hái thi đua nộp thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội giết giặc. Thì giặc Pháp sẽ hết ngõ, cùng đường”.
- Trước ngày 22: Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 7 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang. Người biểu dương thành tích của các lực lượng vũ trang đã giành được trong chiến đấu và căn dặn cán bộ, chiến sĩ cần“phát huy tinh thần anh dũng của quân giải phóng, cần phải thấm nhuần tư tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ và gian khổ, cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và đi sát với nhân dân, để thắng nhiều trận to hơn nữa, để tiêu diệt sinh lực địch, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”.
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen cán bộ, chiến sĩ Đại đội 756 trong một ngày đánh trận vận động phục kích diệt gọn đoàn tàu địch 5 chiếc ở gần bến Lạc Song (dưới thị xã Hòa Bình 10km). Người quyết định tặng Đại đội 756 lá cờ “chiến thắng Lạc Song”.
- Trước ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào công giáo nhân dịp lễ Nôen năm 1951, “chúc mừng Ngày sinh nhật Đức Chúa”. Cuối thư, Người viết: “Tôi mong đồng bào đoàn kết thêm chặt chẽ trong công cuộc kháng chiến để phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc, và để thực hiện lời Chúa dạy “Hòa bình cho người lành dưới thế”.
Tôi xin gửi đồng bào lời chào thân ái và quyết thắng và kính cầu Đức Chúa ban cho đồng bào mọi phúc lành”.
- Ngày 25: Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ, kiểm điểm công tác năm 1951, bàn kế hoạch năm 1952, nghe báo cáo tình hình quân sự từ sau cuộc hành quân của địch vào tỉnh Hòa Bình và quyết định một số vấn đề quan trọng khác, Người nhấn mạnh đến nhiệm vụ của năm 1952 là đẩy mạnh kháng chiến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, quyết giành thắng lợi to lớn hơn nữa.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tóm tắt tình hình thế giới, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1978. Qua báo Mỹ và Châu Âu, sau khi nêu lên thái độ của Liên Xô và Mỹ về việc cấm bom nguyên tử và giảm bớt binh bị, tác giả kết luận “Hòa bình Liên Xô chủ trương là hòa bình thật. Hòa bình phe Mỹ đưa ra là hòa bình giả”.
- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến đi kiểm tra tuyến đường số 3, thăm cơ quan tiếp nhận biên giới và thăm Nam Ninh (Trung Quốc). Tối, Người đến Nà Phạc (Cao Bằng) và nghỉ tại đây. Cùng đi với Người có đồng chí Trần Đăng Ninh và một số cán bộ khác.
- Ngày 27: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 38.
+ Bài Vì sao, chỉ rõ nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của quân dân ta khi đánh vào vùng Phát Diệm ngày 10-12-1951 chủ yếu do bộ đội, người lương - giáo giữ bí mật và giúp đỡ bộ đội.
+ Bài Chuyện cũ, ý nghĩa mới, dẫn báo Mỹ nêu lên thắng lợi trong binh vận của những người cộng sản Trung Quốc với quân Tưởng Giới Thạch và chỉ rõ “nếu cán bộ ta khéo thuyết phục thì ngụy binh lầm đường sẽ quay về với Tổ quốc”, thực dân Pháp, bù nhìn Việt gian và bọn can thiệp Mỹ sẽ thất bại cũng như Mỹ và Tưởng đã thất bại ở Trung Quốc.
- Ngày 28: Tối, từ Nà Phạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường qua Bô Ca - Cao Bằng - Quảng Uyên.
Cùng ngày, bài viếtNhi đồng xã Hiệp Hòa, ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc, số 1980. Người biểu dương tinh thần thi đua của các cháu thiếu niên, nhi đồng xã Hiệp Hòa (Thái Nguyên) trong việc tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc và chỉ rõ: “Nếu được cán bộ thanh niên và phụ nữ khéo tổ chức và hướng dẫn phong trào Trần Quốc Toản chắc sẽ lan rộng và lên cao”.
- Ngày 29: 5 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Đoàn bộ ôtô (Quảng Uyên), Người và đoàn nghỉ tại đây.
- Ngày 30: Nhân dịp sắp đón năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm và chúc Tết nhân dân tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Buổi tối, Người từ Quảng Uyên đến Thủy Khẩu (huyện Long Châu, Quảng Tây) và nghỉ đêm ở đó.
- Ngày 31: 4 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi từ Thủy Khẩu, qua Long Châu, Minh Giang, Tuy Lộc và đến Nam Ninh Trung Quốc (270km) lúc 19h. Người vào Nhà khách Giao tế (nay là Khách sạn Minh Viên). Tại đây, Người đã nói chuyện với Tư lệnh Quân khu Quảng Tây nhân dịp đón năm mới.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh Huyện Định Hóa thi đua, ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc, số 1982, nêu gương phong trào thi đua đóng thuế nông nghiệp, làm đường, giúp đỡ bộ đội của nhân dân huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và khuyên các địa phương khác thi đua với Định Hóa.
- Trong tháng
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312, khen ngợi thành tích trong chiến dịch Lý Thường Kiệt và căn dặn cán bộ, chiến sĩ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để lập nhiều chiến công hơn nữa.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và biểu dương tinh thần làm việc hăng hái của Bác sĩ Tôn Thất Tùng, động viên bác sĩ gắng sức phấn đấu, phục vụ công cuộc kháng chiến đang trên đà thắng lợi.
* Tháng 12- 1952
- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị để bàn việc sửa và làm rõ thêm một số điểm kỷ luật trong đợt cải cách ruộng đất.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm sáu năm Toàn quốc kháng chiến.
Sau khi điểm lại những thắng lợi của cuộc kháng chiến, phân tích và chỉ rõ những nguyên nhân khiến“ta thắng to, địch thua to”,trong thời gian qua, Người đặc biệt nhấn mạnh về chủ trương của Chính phủ, của Đảng, và Mặt trận“sẽ kiên quyết phát động nông dân thực hiện triệt để chính sách giảm tô, giảm tức để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nông dân”,nhằm tăng cường lực lượng của kháng chiến, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Người kêu gọi nông dân phải “tự động, tự giác, tổ chức chặt chẽ, hăng hái ủng hộ chính sách ấy”,kêu gọi các chủ ruộng nên vì Tổ quốc, vì kháng chiến mà“tự động, tự giác, vui lòng triệt để giảm tô, giảm tức”.
Cuối cùng, Người kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ, cán bộ “hãy cố gắng hơn nữa để tranh lấy thắng lợi nhiều hơn nữa và to lớn hơn nữa”.
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bộ đội và dân công ở mặt trận Tây Bắc và đồng bằng, căn dặn mọi người phải luôn luôn làm đúng phương châm“thắng không kiêu, bại không nản”.Phải thật thà tự phê bình và phê bình để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tăng cường đoàn kết. Phải luôn luôn giữ vững kỷ luật, tôn trọng dân, yêu thương dân.
Cùng ngày, Người gửi thư cho đồng bào công giáo toàn quốc nhân dịp lễ Đức Chúa giáng sinh. Người thân ái gửi lời chúc phúc và mong đồng bào công giáo “đoàn kết chặt chẽ với đồng bào toàn quốc, kháng chiến mạnh hơn để tiêu diệt bọn xâm lược và bè lũ Việt gian bán nước, giải phóng cho Tổ quốc và làm sáng danh Đức Chúa”.
- Ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về những thắng lợi trong Chiến dịch Tây Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ, kiểm điểm công tác của Chính phủ năm 1952, thảo luận chương trình công tác của Chính phủ năm 1953. Người kết luận: Khuyết điểm chính còn tồn tại trong năm 1952 là lãnh đạo không sát dẫn đến tội tham ô, quan liêu, lãng phí. Để khắc phục các khuyết điểm trên, Người nhắc nhở:“Chúng ta đã bắt đầu tiến hành ba chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu). Năm 1953, phải cố gắng làm ba chống triệt để - cán bộ lãnh đạo phải xung phong gương mẫu đi đầu trong phong trào… Phải có chính sách cán bộ: Cải tiến sinh hoạt, cất nhắc khen thưởng, giáo dục đào tạo, mạnh dạn cất nhắc cán bộ mới, cân nhắc đức, tài”.
- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi tù binh Pháp nhân dịp lễ Thiên chúa giáng sinh và Tết dương lịch. Mở đầu thư, Người viết: “Trong ngày lễ này, tư tưởng của các bạn lẽ tự nhiên là nhớ tới gia đình ở chốn xa xôi đang chờ đợi các bạn trở về. Các bạn trước đây là kẻ địch của chúng tôi, nhưng ngày nay là những khách của chúng tôi mà chúng tôi bắt buộc phải tiếp, và tôi có thể nói là các bạn đã là bạn của chúng tôi, vì chúng tôi phân biệt bọn đế quốc tay sai của Mỹ, vì các bạn là con cái của nhân dân cần lao Pháp”.
Cuối thư, Người chúc"các bạn được một lễ giáng sinh vui vẻ, một năm mới tốt lành và được sức khoẻ hơn".
* Tháng 12- 1953
- Ngày 1: Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày báo cáo vềTình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất. Trong phần đầu báo cáo, Người khái quát những nét lớn về tình hình thế giới và trong nước; phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch. Phần chính báo cáo là ý nghĩa, đường lối chung, phương châm của cải cách ruộng đất. Báo cáo cũng xác định vai trò của hai nhiệm vụ trung tâm là kháng chiến và cải cách ruộng đất và mối quan hệ khăng khít của hai nhiệm vụ ấy trong cách mạng Việt Nam. Phần cuối báo cáo, Người lưu ý những điểm cần chú ý, những kinh nghiệm, biện pháp cần được sử dụng để Luật cải cách ruộng đất được thông qua, công cuộc cải cách ruộng đất được thành công, kháng chiến thắng lợi.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam,ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc,số 2480, viết về phong trào nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam và cho rằng, giặc Pháp tuy đã thất bại"nhưng chúng chết thì chết nết không chừa", do vậy, ta không được chủ quan khinh địch, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động của chúng.
Cũng trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Cụ già 120 tuổi,ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 151, nêu gương cụ Hà Văn Quận ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh nghệ An, một lão nông cốt cán trong cuộc phát động quần chúng, triệt để giảm tô ở Nghệ An.
- Ngày 2: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bài phát biểu, sau khi lưu ý các đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo, đề án Luật Cải cách ruộng đất và trọng tâm của cải cách ruộng đất, Người khẳng định: Luật Cải cách ruộng đất của ta "chí nhân, chí nghĩa, hợp tình, hợp lý".Cuối cùng, Người đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ một lần nữa và thông qua Luật cải cách ruộng đất.
Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nông nghiệp ở Liên Xô,ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc,số 2481. Người cho biết: Sau Cách mạng Tháng Mười thành công, Đảng và Chính phủ Liên Xô đã thực hiện chính sách"Người cày có ruộng", đem lại ruộng đất cho nông dân. Nhờ đó mà nông dân phấn khởi, hăng hái tham gia kháng chiến, đánh thắng thù trong giặc ngoài. Ngày nay, với những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, đời sống của nhân dân Liên Xô ngày càng dư dật, ấm no.
- Ngày 3: Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi trình bày về chính sách ngoại giao của Chính phủ, Người phân tích ý nghĩa những câu Người vừa trả lời một nhà báo Thụy Điển và nói: "Chúng ta ủng hộ phong trào hòa bình thế giới, nhưng chúng ta tuyệt đối chớ có ảo tưởng rằng, hòa bình là một việc dễ dàng. Hòa bình phải do đấu tranh gian khổ mới giành được".
- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất do Chính phủ đề nghị, Người thay mặt Chính phủ hứa với Quốc hội sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, cải cách ruộng đất đến thành công, để xứng đáng với lòng tin cậy của Quốc hội, của nhân dân.
Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không chắc có tiền mua tiên cũng được,ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc, số 2482. Bài báo viết:"Mỹ tưởng rằng nhiều tiền thì mua gì cũng được, thậm chí mua được cả lòng nhân dân, nhiều tiền thì đi đến đâu cũng được mọi người kính sợ".Nhưng Mỹ đã lầm to! Ở khắp các nước Á cũng như Âu, phong trào chống Mỹ và "tẩy chay" Mỹ diễn ra rất mạnh mẽ. Các báo chí Mỹ cũng phải thừa nhận rằng: Đối với các nước, ảnh hưởng của Mỹ ngày càng kém sút.
- Trước ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi cụ Hà Văn Quận (ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), 120 tuổi mà vẫn hăng hái lao động, làm gương mẫu cho con cháu trong cuộc phát động quần chúng triệt để giảm tô. Bức thư có đoạn: "Tôi chắc rằng đến ngày thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, cụ sẽ được sung sướng thanh nhàn hơn". Người còn biếu cụ Quận một cái áo lụa và một huy chương để làm kỷ niệm.
- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp:"Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được...".
Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Hội nghị đại biểu toàn quốc "bù nhìn",ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 152, vạch trần thủ đoạn của thực dân Pháp trong việc tổ chức cái gọi là"Hội nghị đại biểu toàn quốc" cho bọn tay sai ở Việt Nam. Người kết luận:Chỉ có Quốc hội ta là Quốc hội thật sự đem lại quyền lợi cho nhân dân.
- Ngày 7: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tư tưởng tự do" ở Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báoCứu quốc,số 2484. Bài viết vạch trần mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm về"tư tưởng tự do" ở Mỹ. Người Mỹ cho rằng nhân dân Mỹ là người tự do nhất trên thế giới. Hiến pháp Mỹ cũng khởi đầu bằng câu"Mọi người đều tự do, tự do tư tưởng...".Nhưng trên thực tế, cái gọi là"tự do"ở Mỹ lại là sự mất tự do,mọi người không có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại... Bài báo kết luận: "Tự do như vậy, ai cầu tự do".
- Ngày 11: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báoNhân Dân, số 153:
+ BàiVài ưu điểm và khuyết điểm trong việc phát động quần chúng,nêu lên những ưu điểm trong đợt phát động quần chúng đợt hai và chỉ ra những khuyết điểm của các cán bộ làm công tác phát động quần chúng như: bệnh hình thức, bao biện, quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, không làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.
+ Bài Một phút đồng hồ,kêu gọi các cơ quan, đoàn thể chống lãng phí thời giờ, và nhắc nhở: Muốn tiết kiệm thời giờ, mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ, phải có tinh thần phụ trách và phải coi "một phút đồng hồ, một nén vàng".
- Ngày 12: Trong thư gửi cho đồng bào và cán bộ tỉnh Lai Châu. Người đề ra bốn nhiệm vụ để đồng bào và cán bộ Lai Châu thực hiện:
"1. Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau.
2. Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự.
3. Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no.
4. Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng".
Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết".
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)