Chỉ mục bài viết

 

Phần 3. Giai đoạn 1941 - 1945

* Tháng 12- 1941

- Ngày 6: Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc dự lễ kết nạp Nông Thị Trưng vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Lễ kết nạp do chi bộ cơ quan tổ chức.

Là một trong hai người giới thiệu, Người phát biểu:“Qua một thời gian khá dài, trong quá trình học tập và công tác, đồng chí Trưng đã tỏ ra có nhiều cố gắng, có đức tính hy sinh, kiên quyết cách mạng... Đồng chí đã xứng đáng là một đảng viên...”.

- Ngày 21: Bài Thế giới đại chiến và phận sự dân ta của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 113. Sau khi phân tích diễn biến của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai16, Người nêu câu hỏi:“Thế thì dân ta nên làm sao để tránh khỏi cái nạn ấy?” và Người tự trả lời: “Dân ta nên làm 2 việc:

1 là - Bất kỳ quân đội nào tới gần vùng mình, dân ta phải làm cách "nhà không vườn trống"... Bao giờ quân đội tới gần làng, trai tráng sẽ tránh đi, chớ để cho chúng bắt phu. Chỉ bao giờ Việt Minh có lệnh giúp cho quân đội nào thì dân ta sẽ giúp quân đội ấy.

2 là - Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào "Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào "Thanh niên Cứu quốc hội". Phụ nữ vào "Phụ nữ Cứu quốc hội". Trẻ con vào "Nhi đồng Cứu quốc hội". Công nhân vào "Công nhân Cứu quốc hội". Binh lính vào "Binh lính Cứu quốc hội". Các bậc phú hào văn sĩ vào "Việt Nam Cứu quốc hội"".

Cuối cùng, Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào! Cơ hội giải phóng đến rồi, mau mau đoàn kết lại!!!”.

* Tháng 12-1942

- Từ ngày 2 đến ngày 8: Từ nhà ngục Thiên Giang ( Trung Quốc), Hồ Chí Minh bị giải đi Liễu Châu. Chặng đường Thiên Giang - Lai Tân, sau một đoạn đường bị giải đi bộ, từ Hợp Sơn đến Lai Tân, Người bị giải đi trên một toa xe lửa chở than.

- Ngày 9: Hồ Chí Minh bị giải đến Liễu Châu.

- Từ ngày 10 đến cuối tháng: Tại Liễu Châu, sau một thời gian chờ đợi, Hồ Chí Minh bị giải đến một cơ quan chỉ huy của Quốc dân Đảng Trung Quốc và được biết phải đến Quế Lâm.

* Khoảng tháng 12-1943

Tại Liễu Châu, Hồ Chí Minh dự một bữa tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Nguyễn Hải Thần đọc một vế thách đối:“Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh”. Mọi người còn đang suy nghĩ thì Hồ Chí Minh ung dung đối lại:“Nhĩ cách mệnh, ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách”.

Mọi người vỗ tay tán thưởng. Hầu Chí Minh ca ngợi không ngớt: “Đối hay lắm!”. Nguyễn Hải Thần cũng cung kính nói: “Hồ tiên sinh tài trí mẫn tiệp. Bội phục! Bội phục!”.

-Bài Libăng đăng trên báo Đồng minh số 18, tháng 12-1943, giới thiệu về cuộc đấu tranh của nhân dân Libăng chống thực dân Pháp để giành được độc lập, tự do thực sự. Qua cuộc đấu tranh của nhân dân Libăng và sự đàn áp của thực dân Pháp, tác giả bài viết rút ra hai kết luận:

1- Bọn thực dân, dù là phe phái nào đều “mang tâm lang sói”, đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân bị áp bức.

2- Nhân dân Việt Nam “đang chuẩn bị đánh Nhật, đuổi Pháp để giành lấy sự độc lập tự do”, nên “rất đồng tình và mong cho công cuộc cách mạng của dân tộc Libăng được thắng lợi”.

* Tháng 12-1944

- Khoảng đầu tháng: Hồ Chí Minh triệu tập Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh đến Pác Bó. Người nghe Vũ Anh báo cáo về tình hình phong trào cách mạng trong ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng và chủ trương phát động chiến tranh du kích của Liên tỉnh uỷ. Người chỉ định Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung.

Đêm ấy, ba người cùng ngủ trong một căn lều lạnh giá, không đèn đóm, mỗi người gối trên một khúc gỗ cứng, trò chuyện đến hai, ba giờ sáng.

Chiều hôm sau, Người gặp Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba, thông qua kế hoạch thành lập Đội. Người thêm hai chữ “Tuyên truyền” vào tên Đội Việt Nam giải phóng quân.

+ Hồ Chí Minh tiễn chân Võ Nguyên Giáp trở về tổng Hoàng Hoa Thám để xúc tiến thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Người căn dặn:“Nhớ bí mật: Ta ở đông, địch tưởng ta ở tây. Lai vô ảnh, khứ vô tung”.

- Khoảng giữa tháng: Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thư nhỏ (được đặt trong bao thuốc lá) cho Võ Nguyên Giáp. Đó là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nội dung chỉ thị gồm ba vấn đề chủ yếu:

1. Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. “Đội” có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực".

2. Đối với các đội vũ trang địa phương: Tập trung huấn luyện các cán bộ địa phương rồi đưa về huấn luyện ở các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

3. Về chiến thuật: “Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”.

Người khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam"

* Tháng 12- 1945

- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các ông J. Xanhtơny, L.Pinhông và L.Capuýt tại Hà Nội. Cùng dự có các ông Hoàng Minh Giám và Võ Nguyên Giáp. Người tỏ ý muốn có cuộc gặp gỡ với Đô đốc Đácgiăngliơ để bàn và thảo một kế hoạch đàm phán Việt - Pháp.

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề tự do ngôn luận, bổ khuyết Sắc lệnh Tổng tuyển cử, Sắc lệnh về Bộ Canh nông. Người thông báo đã đề nghị với Việt Nam Quốc dân Đảng hoãn cuộc đàm phán về những yêu sách của đảng ấy đến cuộc Tổng tuyển cử.

- Ngày 3: Tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Phát biểu với hội nghị, Người nêu rõ: "Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói".Đồng thời, Người căn dặn các dân tộc thiểu số hiện nay cần ra sức Đoàn kết hơn trước chống xâm lăng; Tăng gia sản xuất; Cứu giúp đồng bào dưới xuôi về nạn đói, ủng hộ Chính phủ kháng chiến và cứu đói; Gây thân thiện giữa ta và Trung Hoa, nhất là các dân tộc ở các miền biên giới.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ tiếp tục bàn về việc Tổng tuyển cử; vấn đề tìm người tài đức; vấn đề mua bán bất động sản của người Pháp; việc Ngân hàng Đông Dương Pháp chưa mở cửa để giải quyết vấn đề giấy bạc 500 đồng...

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào thiểu số, thông báo để đồng bào biết rằng ngày 3 - 12- 1945“là một ngày rất vẻ vang cho nước Việt Nam, đó là ngày Đại hội của các dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Hơn 20 dân tộc, họp lại một nhà, tay bắt mặt mừng, rất là thân ái. Đó là một cuộc Đại hội xưa nay chưa từng có, một cuộc thân thiện làm cho cả nước vui mừng”.Người đề nghị đồng bào dân tộc thiểu số “giúp đỡ cuộc kháng chiến, trồng trọt chăn nuôi, đoàn kết chặt chẽ, ủng hộ Chính phủ”... Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên những nhiệm vụ mà Chính phủ phải “gắng sức giúp các dân tộc thiểu số để mở mang nông nghiệp, nâng cao giáo dục...".

- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Người ca ngợi gương chiến đấu hy sinh của đồng bào, chiến sĩ; khẳng định nhân dân cả nước luôn luôn bên cạnh đồng bào Nam Bộ, Nam Trung Bộ và chỉ rõ cuộc kháng chiến tuy có khó khăn nhưng nhất định thắng lợi.

17 giờ, Người dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc chọn thêm một số thân sĩ để mời ra ứng cử; xem xét vấn đề lương cho công chức; quyết định tổ chức Bộ Thanh niên; bàn việc sửa chữa đường sắt Hải Phòng - Vân Nam; lập Ban Báo chí, định những nguyên tắc kiểm duyệt và bàn việc trợ cấp cho hai bà Thành Thái và Duy Tân (mỗi bà 500 đ Đông Dương hàng tháng).

- Ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ba đại biểu Phụ lão Cứu quốc Hải Phòng. Theo yêu cầu của các đại biểu, Người nói chuyện về tình hình nước nhà, vấn đề cứu đói, công cuộc chống ngoại xâm và đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ. Các đại biểu hứa với Người sẽ về giải thích cho quần chúng biết mọi công việc mà Chính phủ đang gắng sức làm để giành lại nền độc lập tự do cho nước nhà.

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn thêm về việc chọn người ra ứng cử Quốc hội và việc Ngân hàng Đông Dương đã thoả thuận đổi giấy bạc 500 đ cho người Việt Nam (trước đó Pháp quyết định ngừng tiêu giấy bạc 500 đ).

- Ngày 6: Tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ tuyên thệ ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của Hội Cựu binh sĩ Cứu quốc.

Cùng ngày, báoViệt Nam (số 19) công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi hai ông Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh, kêu gọi sự đoàn kết và đưa ra những đề nghị cụ thể:

"a. Xin mời các đồng chí Quốc dân Đảng tham gia việc Tổng tuyển cử ở các nơi.

b. Xin cho chúng tôi biết những đồng chí ra ứng cử ấy muốn ứng cử ở nơi nào để cho tiện việc biên tên vào danh đơn ứng cử.

c. Các ông ấy được hoàn toàn tự do hoạt động ứng cử cũng như các đảng phái khác. Chúng tôi xin phụ trách bảo vệ và giúp đỡ các ông ấy.

d. Từ ngày nay cho đến ngày Quốc hội khai mạc, hai bên phải tôn thủ điều kiện đã cùng nhau ký tại ngày 24 tháng 11, tức là "không công kích nhau bằng lời nói và hành động".

- Ngày 7: Tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo Việt Nam Quốc dân Đảng đòi giữ ba chức Bộ trưởng và chức Đổng lý Nội các. Người đề nghị giao cho Việt Nam Quốc dân Đảng các chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Vệ sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền. Phó Chủ tịch Chính phủ hoặc Tham mưu trưởng, hoặc Trưởng đoàn Cố vấn. Ý kiến của Người được Hội đồng tán thành.

Hội đồng quyết định cử Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cùng ngày, thư của Chủ tịch Hồ Chí MinhGửi nông gia Việt Nam, đăng trên báoTấc đất, số 1. Người chỉ rõ:“Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: Cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam”,và kêu gọi nông dân:“Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng và quyết định nếu cuộc điều đình có kết quả thì Chính phủ sẽ hoãn cuộc Tổng tuyển cử để các ứng cử viên Quốc dân Đảng có thì giờ tham gia ứng cử.

- Ngày 9: Tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về vấn đề điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội. Người cho biết họ không chịu chấp nhận những đề nghị của Chính phủ và chiều nay, Người tiếp tục đàm phán với họ.

- Ngày 10: Tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề Tổng tuyển cử, vấn đề điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng... Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Hội đồng tập trung bàn các vấn đề sau:

+ Làm thế nào để các Uỷ ban làng tổ chức cuộc bầu cử cho đúng;

+ Làm thế nào để các cử tri biết cách bỏ phiếu;

+ Làm thế nào để cho cử tri đi bỏ phiếu thật đông.

- Ngày 11: Hồi 17 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ tiếp tục bàn về vấn đề Tổng tuyển cử và nghe báo cáo về vấn đề thương lượng với Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng.

- Ngày 12: Chiều, tại phòng Hội đồng thị chính Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp mặt của các vị ra ứng cử đại biểu Quốc hội ở Hà Nội. Cuộc họp do cụ Nguyễn Hữu Tiệp, người cao tuổi nhất, chủ trì. Các ứng cử viên thảo luận hai vấn đề chính:

1. Lập một ban liên lạc làm trung gian.

2. Lập một chương trình của Mặt trận liên hiệp quốc dân với nguyên tắc chung là: thống nhất, kháng chiến, độc lập hoàn toàn, tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế.

- Ngày 13: Lúc 10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề đổi giấy bạc 500đ, vấn đề đẩy mạnh cổ động và tuyên truyền phục vụ Tổng tuyển cử.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào ngoại thành Hà Nội. Toàn văn bức thư như sau:

Cùng toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội.

Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới.

Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa.

Tôi thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội.

Hồ Chí Minh”

- Ngày 16: Bài viết: "Hồ Chủ tịch khuyên răn bộ đội", đăng trên báoChiến thắng, tờ báo của Việt Nam Vệ quốc đoàn, xuất bản tại Hà Nội (số 16 và 18 ngày 16 và ngày 18-12-1945) ghi lại những khuyết điểm mà bộ đội phải sửa ngay. Đó là:

1. Ham hình thức mà không chú ý đến những điều thiết thực: Thích ăn mặc chải chuốt, may quần áo bằng vải đắt tiền, đi ủng, đeo súng cho ra vẻ sĩ quan, vài ngày lại giết bò, tìm chỗ đóng (quân) cho đẹp...

2. Không bí mật: Phải làm sao cho mình biết địch mà địch không biết mình.

3. Cẩu thả: Ngày thường không chịu phòng bị cẩn thận; ngay cả chỉ huy cũng chỉ dặn dò, hỏi han cấp dưới qua loa.

4. Công tác chính trị đối với dân chúng rất kém; có đồng chí cố ý tỏ ra là quan, là lính cho dân sợ.

5. Hiểu nhầm chữ "tự do": Quân đội không thể vô chính phủ được, phải có kỷ luật.

6. Làm việc không có kế hoạch: Công việc gặp gì làm nấy, hời hợt, không thiết thực, không có kết quả...

Từ thực tế trên, Người yêu cầu mọi người phải sửa chữa những khuyết điểm ngay và phải chú ý:

1. Phải gắng sức học tập.

2. Kỷ luật nghiêm: Ai nấy đều phải tuân theo kỷ luật; Không thể trì hoãn, phải làm kiên quyết và mau mắn.

3. Chịu khó, chịu khổ: Muốn giữ vững tinh thần chiến đấu, muốn dẻo dai trong lúc tác chiến, ngay bây giờ bộ đội phải tập ăn uống kham khổ, chịu đựng sự thiếu thốn cho quen; tập đi bộ, tập mang nặng, làm việc tỉ mỉ... Chịu khó chịu khổ là phương thuốc bổ cho tinh thần và lực lượng của bộ đội. Phải tham gia sản xuất để có rau ăn, trứng rán...

- Ngày 17: Tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về việc Việt Nam Quốc dân Đảng yêu cầu tiếp tục cuộc điều đình và hoãn cuộc Tổng tuyển cử. Người đã yêu cầu Việt Nam Quốc dân Đảng viết rõ những đề nghị của họ.

Hội đồng Chính phủ đã quyết định tiếp tục cuộc điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng và hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27-12-1945.

- Ngày 18: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Trần Tu Hoà, đại diện của Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa tại Việt Nam. Tướng Trần Tu Hoà thay mặt Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam trình bày về đề nghị: Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam sẽ đứng ra “điều đình”, thông qua hiệp thương giữa các đảng phái thành lập một Chính phủ liên hiệp lâm thời có đại biểu các tầng lớp tham gia để tổ chức cuộc Tổng tuyển cử và yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh lui thời gian tiến hành bầu cử lại hai tuần.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề về tài chính (mua lại Nhà in Taupin, cho phép Nam Bộ phát hành ngân phiếu, phụ cấp đặc biệt cho người ít lương), vấn đề tư pháp, vấn đề người Trung Hoa yêu cầu Chính phủ mua gạo cho họ.

16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư (bằng chữ Hán) gửi tướng Trần Tu Hoà. Trong thư, Người thông báo quyết định của Chính phủ Việt Nam sẽ lui ngày Tổng tuyển cử trong toàn quốc lại hai tuần. Đồng thời, Người giải thích rõ thêm một số vấn đề như tổ chức và thành phần Mặt trận Việt Minh, Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Việt Minh, về tổ chức chính quyền ở địa phương, về việc triệu tập Quốc hội sau khi Tổng tuyển cử toàn quốc. Người còn gửi kèm theo bức thư một danh sách ứng cử viên tham gia Tổng tuyển cử của 11 tỉnh Bắc Kỳ. Người nói rõ: "Về ngoại giao tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Đồng minh, trước hết là Trung Quốc. Liên lạc và hỗ trợ các dân tộc bị áp bức". "Khẩu hiệu của Việt Minh là liên Hoa, kháng địch, độc lập".

- Ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề canh nông; nghe đề nghị của Việt Nam Quốc dân Đảng và quyết định sẽ đề nghị họ tham gia Chính phủ và ra ứng cử; vấn đề tư pháp: cử ra một tiểu ban để chọn nhân viên thẩm phán.

- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ miền Nam. Người thay mặt Chính phủ khen ngợi chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc"Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn".

- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp với đại diện các đảng phái (Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội) bàn về việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời. Người đã ký vàoVăn kiện 14 điềuthoả thuận về cơ cấu thành phần trong Chính phủ mới và nhiều vấn đề quan trọng khác. Văn kiện này còn kèm theo4 điều phụ kiệnvề tổ chức bộ máy Chính phủ và nhân sự giữ cương vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ khi Chính phủ liên hiệp chính thức thành lập.

- Ngày 24: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Việt Minh cùng với Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh thay mặt cho Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội cùng ký tên công nhận các thoả thuận sau:

1.Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Trên tinh thần thân ái và chân thành, cùng nhau thoả thuận để giải quyết mọi vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng vũ lực gây ra những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ.

2. Kể từ ngày 25-12-1945,đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội và kháng chiến.

3. Bắt đầu từ ngày 25-12-1945, đôi bên đềuđình chỉ hết thảy những việc công kích nhaubằng ngôn luận và hành động.

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ thông báo về những thoả thuận đã đạt được với Việt Nam Quốc dân Đảng. Hội đồng còn bàn về các vấn đề tư pháp và giao thông.

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minhgửi thư cho Các vị linh mục và đồng bào Công giáo Việt Nam nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh. Bức thư có đoạn:"Trong lịch sử Việt Nam ta, lần này là lần đầu mà đồng bào công giáo ta làm lễ Nôen một cách vui vẻ sung sướng trong nước Việt Nam độc lập tự do. Tôi chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị Giám mục Việt Nam, đồng bào công giáo quyết một lòng với nhân dân toàn quốc để giữ vững nền tự do độc lập đó".

- Ngày 26: Hồi 15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo hàng ngày và hàng tuần của Việt Nam (có hai đại biểu của báoTiếng gọi Phụ nữcũng tham gia). Người nêu rõ ý nghĩa của vấn đề đoàn kết giữa Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội trong Chính phủ lâm thời mở rộng.

- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn các ông bà: Bùi Huy Đức, Hoàng Gia Luận, Hồ Đắc Điềm, Hoàng Thị Đắc, Trần Hữu Vy đã đi đầu, đóng góp nhiều nhất cho phong trào nhường cơm sẻ áo, cứu giúp đồng bào đói khổ. Thư Người viết:“Ngoài sự tỏ rõ tấm lòng bác ái, sự giúp quyên của các ngài và các bà lại còn có ý nghĩa khác:

1. Là làm gương cho các nhà phú hộ khác, mong cho ai cũng đua nhau làm việc nghĩa.

2. Là tỏ rõ rằng các phú hộ tiên tiến Việt Nam ta đã thực hành câu: “Cứu một người hơn mười đám cháy”.

3. Là chứng tỏ rằng toàn quốc đồng bào ta, tầng lớp nào cũng sẵn lòng giúp Chính phủ; vì trách nhiệm của Chính phủ là phải giúp dân, các ngài, các bà giúp đồng bào tức là giúp Chính phủ".

- Ngày 28: Hồi 10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc lập toà án ở huyện và tỉnh; vấn đề can thiệp để Chính phủ Xiêm (Thái Lan) thả chính trị phạm Việt Nam. Về vấn đề những quan lại bị Chính phủ Trần Trọng Kim “triệt hồi” và truy tố nhưng chưa đem xét xử, Hội đồng quyết định hoãn.

- Ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho ông Hoàng Văn Đức - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh để giao nhiệm vụ mời đại biểu củaĐảngDân chủ đến Bộ Nội vụ bàn cách đối phó với các đảng đối lập đang âm mưu tung quân ngăn cản đồng bào Thủ đô vận động tuyên truyền cho bầu cử sắp tới.

- Ngày 31: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:ý nghĩa Tổng tuyển cửThế giới với Việt Nam (ký bút danh Q.Th), đăng trên báoCứu quốc,số 130.

Bàiý nghĩa Tổng tuyển cửnêu rõ:“Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”, và mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này.

Trong bàiThế giới với Việt Nam,tác giả trích dẫn ý kiến phát biểu của các nhà lãnh đạo, các chính khách, các Chính phủ Trung Hoa, Hoa Kỳ, Nga Xô viết, và những lời bình luận của báo chí thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với nền độc lập của Việt Nam. Bài báo kết luận:"Chúng ta cứ bền gan, vững chí xây đắp thực lực để kiên quyết chiến đấu, sức chiến đấu ấy sẽ làm cho hoàn cầu thừa nhận nền độc lập hoàn toàn của chúng ta".

10 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Hội đồng nghe và thông qua chương trình buổi lễ nhậm chức của Chính phủ liên hiệp lâm thời sẽ tổ chức tại Nhà hát thành phố ngày 1-1-1946 và bàiChúc quốc dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc.

- Trong tháng

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh raLời kêu gọi sau việc tàu bay địch tàn sát đồng bào Nam Bộ. Người kêu gọi đồng bào hãy tỏ cho người Pháp biết rằng:

“1. Chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, công lý, nhân đạo. Chúng ta phải khoan hồng và bảo vệ tính mệnh, tài sản cho họ.

2. Gặp hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải bình tĩnh, giữ trật tự, giữ kỷ luật.

3. Về cách đối đãi với người Pháp – cũng như về các việc khác – nhân dân phải tuyệt đối nghe theo mệnh lệnh của Chính phủ, không được tự ý làm bừa”.

Người đồng thời nhắc nhở tất cả người Pháp và người Việt đều phải đề phòng bọn khiêu khích, tránh sự hiểu lầm và xung đột giữa người Pháp và người Việt.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh raLời kêu gọi gửi đồng bào Bắc Bộ, nhắc nhở đồng bào phải biết theo mệnh lệnh của Chính phủ để "làm cho thế giới thấy rằng dân tộc ta xứng đáng độc lập, Chính phủ ta có đủ oai quyền". Người yêu cầu nhân dân Bắc Bộ đình chỉ việc bất hợp tác, giữ thái độ bình tĩnh giúp Chính phủ giữ gìn trật tự.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ. Người ca ngợi tinh thần hy sinh cho dân tộc của các chiến sĩ Nam Bộ và Nam Trung Bộ trong ba tháng chiến đấu chống Pháp vừa qua và khẳng định:"Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta".

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: