Phần 8. Giai đoạn 1960 - 1963
* Tháng 12- 1960
- Ngày 1: Hồi 11 giờ, tại Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân thế giới thông qua bản Tuyên bố chung của Hội nghị. Thay mặt Đoàn Việt Nam, Người đã ký vào bản Tuyên bố chung và sau đó chụp ảnh chung với Hội nghị và các đoàn đại biểu.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị đoàn kết Á - Phi của Ấn Độ. Bức điện có đoạn: “Tôi xin gửi chào thân ái đến các vị đại biểu đang góp phần đấu tranh thủ tiêu chế độ thực dân, đòi giải trừ quân bị và chấm dứt chiến tranh lạnh để bảo vệ tự do, độc lập và hòa bình”.
- Ngày 2: Hồi 12 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta đi dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, dự chiêu đãi của Chủ tịch Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức tại Điện Kremli.
14 giờ đến 15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, sau đó đến thăm và nói chuyện với sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở Mátxcơva, tại Nhà văn hóa của Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp.
Người thông báo với anh chị em về thành công to lớn của Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân. Thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam, Người cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của các giáo sư, cán bộ, công nhân viên nhà trường. Người nêu một số nhận xét về ưu, khuyết điểm của anh chị em sinh viên và căn dặn mọi người phải cố gắng hơn nữa trong học tập, nghiên cứu để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và của nhân dân.
20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta lên đường về nước.
- Ngày 3: Hồi 14 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị cùng đi về qua Bắc Kinh.
17 giờ, Người và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đến gặp và hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, sau đó dự tiệc do Chủ tịch Mao Trạch Đông chiêu đãi.
- Ngày 5: 8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Người thông báo về kết quả của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế vừa họp ở Mátxcơva.
11 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Trần Nghị và sau đó cùng ăn cơm tại nhà nghỉ.
15 giờ 30 đến 18 giờ, Người đi kiểm tra sức khỏe ở Y viện Bắc Kinh theo đề nghị của các đồng chí Trung Quốc.
- Ngày 6: Hồi 6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Việt Nam rời Bắc Kinh về nước. 15 giờ 50, Người về tới Hà Nội.
- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị, nghe đồng chí Nguyễn Chí Thanh báo cáo về việc Đoàn đại biểu ta do Người dẫn đầu đi dự Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân họp ở Mátxcơva tháng 11 năm 1960.
- Ngày 13: Dự họp Bộ Chính trị bàn về Kế hoạch Nhà nước năm 1961. Người nêu lên yêu cầu về chỉ tiêu kế hoạch phải cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, phải chú ý tới đời sống nhân dân; phải tiết kiệm, phải có kiểm tra đôn đốc, phải thống nhất giữa các ngành và phải chống tham ô, lãng phí.
Cuối bài phát biểu, Người nói: “Ta muốn làm nhiều việc nhưng phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hiện nay nhân hòa còn kém, phải làm sao giữa nông dân và Nhà nước cho ăn khớp. Trong kế hoạch mới nói con số, nói “vật” chứ chưa nói tới “người” thực hiện, phải làm sao cho mỗi người từ trên xuống dưới phải có trách nhiệm thực hiện kế hoạch. Mặt chính trị của kế hoạch chưa nổi bật... Phải giáo dục tinh thần làm chủ cho mỗi người, từ trên xuống, phải chú trọng tới chi bộ, công đoàn; hợp tác xã phải củng cố cho vững mạnh hơn nữa và chú ý cải tạo con người...”.
- Ngày 15: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn đại biểu công đoàn Liên Xô đến chào Người. Cùng tiếp có Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Hoàng Quốc Việt và Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam.
- Ngày 17: Bài viết Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đoàn kết, đấu tranh thắng lợi, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2464, Người giới thiệu vắn tắt những nội dung chính trong bản Tuyên bố chung của 81 Đảng Cộng sản và Công nhân họp ở Mátxcơva vừa qua và nói lên niềm vui mừng trước sự lớn mạnh không ngừng của phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào giải phóng dân tộc và các lực lượng tiến bộ trên thế giới đang tấn công ngày càng mạnh mẽ vào chủ nghĩa thực dân và thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc.
Bài báo kết luận: “Với sự đoàn kết nhất trí của phe xã hội chủ nghĩa, của giai cấp công nhân quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, chúng ta nhất định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình thế giới, cho độc lập dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội”.
- Ngày 18: Bài viết Xibêri cộng sản, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2465, Người ca ngợi sự phát triển vượt bậc của vùng Xibêri (Liên Xô) trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và chỉ rõ nguyên nhân của những thắng lợi đó.
- Ngày 21: Bài viết Tiết kiệm, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2468, Người biểu dương ý thức tiết kiệm của một số thanh niên công nhân và nhắc nhở mọi người bất kỳ ở đâu và làm bất cứ việc gì đều cần phải tiết kiệm. Bài báo kết luận: “Thực hành tiết kiệm tức là trực tiếp góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đồng bào ta nên luôn luôn ghi nhớ điều đó!”.
- Ngày 22: Được tin Hội người mù Hà Nội đang tổ chức lớp học chữ nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch ủy ban hành chính thành phố chuyển đến tặng học viên nhà trường 25 bảng viết và dùi viết. Người còn gửi tặng riêng ông Trần Công Nhuận, thương binh hỏng mắt hạng 1/4 một huy hiệu của Người.
Tối, Người tới dự buổi chiêu đãi của Bộ Quốc phòng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 16 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ngày 24: Bài viết Mỹ đang lăn xuống dốc, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2471. Phân tích các số liệu từ phía Mỹ, Người chỉ rõ những mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa các nhóm tư bản Mỹ, giữa Mỹ và các nước Đồng minh Tây Âu, giữa Mỹ và các nước chư hầu, giữa tư bản Mỹ và giai cấp công nhân Mỹ. Mặt khác, các số liệu về kinh tế của Liên Xô lại nói lên sự phát triển vững chắc của nước này. Qua đó chứng tỏ “chủ nghĩa tư bản ngày càng suy sụp, chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng tiến lên”.
- Ngày 29: Báo Nhân Dân, số 2476, đăng hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
+ Bài Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Đảng Cộng sản Pháp, ký tên Hồ Chí Minh, nêu rõ quá trình thành lập Đảng Cộng sản Pháp và sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp trong 40 năm qua đối với cách mạng Việt Nam. Kết luận, Người viết: “Riêng về phần cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”.
+ Bài Nhân dân châu Phi đuổi cổ bọn thực dân, Tổng thống Đờ Gôn “trưng cầu dân ý", ký bút danh T.L., tố cáo thực dân Pháp bày trò "trưng cầu dân ý" cốt buộc nhân dân Angiêri đầu hàng sau bao nhiêu năm đấu tranh. Theo tác giả, ''muốn lập lại hòa bình thì Chính phủ Pháp phải thật thà đàm phán với Chính phủ Angiêri về việc ngừng bắn và đảm bảo quyền tự quyết thật sự cho nhân dân Angiêri. Ngoài con đường đó, thì thực dân Pháp chỉ có một con đường nữa tức là chuẩn bị tinh thần để đón tiếp một Điện Biên Phủ mới".
- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bàn về Kế hoạch Nhà nước năm 1961.
Nhất trí với báo cáo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về phương hướng, nhiệm vụ, Kế hoạch Nhà nước năm 1961, Chủ tịch nhấn mạnh vấn đề con người trong việc thực hiện kế hoạch phải chuyển biến cả về tác phong và tư tưởng, phải củng cố cán bộ các ngành, các xí nghiệp, cơ quan và bồi dưỡng, giáo dục con người cho thiết thực. Về vấn đề kỷ luật, Người nói: “Lao động phải có kỷ luật, có năng suất và chất lượng, làm vượt mức có khen thưởng rõ ràng, không làm được phải có biện pháp kỷ luật”. Người lưu ý phải làm thông suốt tư tưởng cho nhân dân, nói thật cho nhân dân biết cả thuận lợi và khó khăn và làm cho dân thực hành khẩu hiệu “Cần kiệm xây dựng nước nhà”. Đảng viên và đoàn viên phải thấm nhuần tư tưởng thành tâm, thành ý phục vụ nhân dân, thấm nhuần tư tưởng đó thì sẽ tiêu diệt bớt lãng phí, quan liêu”...
* Tháng 12- 1961
- Ngày 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thảo luận một số vấn đề của Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô và việc đưa Đảng bộ miền Nam ra hoạt động công khai.
Trong ý kiến phát biểu, Người nhấn mạnh sự nhất trí của Hội nghị là một thắng lợi và căn dặn: "Trong lời nói cũng như bài viết, trước hết là của các đồng chí Trung ương phải hết sức cẩn thận. Lúc này, một cái gì không thận trọng thì sẽ bị hiểu lầm ngay".
- Ngày 3: Dự tiếp Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương bàn về việc đưa Đảng bộ miền Nam ra công khai với tên gọi Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Người nói đại ý: miền Nam đã có Mặt trận dân tộc giải phóng thì cũng cần có chính đảng cách mạng của mình.
- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương lần thứ hai ( Bác về thăm Nghệ An lần thứ nhất vào năm 1957). Làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An, Người thân tình và thẳng thắn nhận xét những việc làm được, những việc chưa làm được của tỉnh, Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Tỉnh uỷ, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nhất là vấn đề củng cố các chi bộ cơ sở và lưu ý Tỉnh uỷ Nghệ An cần tập trung lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp để Nghệ An sớm tự túc đủ lương thực hàng năm. Người phân tích những thuận lợi để Nghệ An có thể vượt qua những khó khăn trên con đường xây dựng và phát triển của mình.
- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh Nghệ An. Người về thăm xã Nam Liên, Nhà máy cơ khí Vinh, Trường sư phạm miền núi Nghệ An, gặp mặt cán bộ đảng viên hoạt động lâu năm.
Người mong muốn đồng bào và cán bộ trong tỉnh phải có quyết tâm phấn đấu về mọi mặt để xây dựng Nghệ An thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc.
Người vui mừng trước những tiến bộ mọi mặt của quê hương Nam Liên và dặn dò những việc cần phải làm để trở thành một xã gương mẫu, vẻ vang.
Người nhắc nhở công nhân cần nêu cao tinh thần làm chủ xí nghiệp, làm chủ nước nhà, phải làm tốt bốn chữ "nhiều, nhanh, tốt, rẻ".
Người khuyên các cháu học sinh Trường sư phạm phải học tập tốt. "Học tập tốt là chính trị, văn hoá đều phải gắn liền với lao động sản xuất, không học dông dài. Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hoá, đều tiến bộ, các dân tộc đều phải đoàn kết với nhau".
Tại cuộc gặp mặt với cán bộ đảng viên lâu năm, Người nói: "Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa". "Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ thì mới tốt... Người ta thường nói: "Con hơn cha là nhà có phúc".
- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Hợp tác xã cấp cao Vĩnh Thành và Nông trường Đông Hiếu (Nghệ An).
Nói chuyện với cán bộ và xã viên hợp tác xã, Người nhận xét Vĩnh Thành "về mọi mặt đều có tiến bộ", "tuy có tiến bộ nhưng đang ít quá" và nêu những việc cụ thể Vĩnh Thành cần làm để trở thành một hợp tác xã gương mẫu trong mọi mặt sản xuất, công tác, học tập, đoàn kết.
Về công tác quản lý hợp tác xã, Người nhấn mạnh: "ở đâu quản trị khá thì hợp tác xã tiến, quản trị kém thì hợp tác xã yếu. Ban quản trị là những người do xã viên lựa chọn và bầu cử ra. Mọi công việc của hợp tác xã trước khi làm, ban quản trị phải đem ra bàn bạc với xã viên, hỏi ý kiến xã viên. Ban quản trị phải công bằng, không được thiên vị. Dân là chủ, xã viên là chủ. Ban quản trị làm việc để phục vụ ông chủ, bà chủ chứ không phải ngồi chỉ tay năm ngón, buộc người khác phải làm cái này, cái kia... Về vấn đề tài chính, tài chính phải công khai, thu và chi phải báo cáo cho xã viên biết. Ban quản trị phải minh bạch".
Người đã tặng huy hiệu của Người cho 5 xã viên có ngày công cao, có thành tích làm phân, làm thuỷ lợi sau khi đã hỏi ý kiến bà con xã viên "Thành tích của các cô, các chú trên có đúng thật sự không?".
Gặp gỡ cán bộ và công nhân Nông trường Đông Hiếu, Người nhắc nhở mỗi công nhân, mỗi cán bộ cần đề cao tinh thần làm chủ nông trường. "Làm chủ sao cho ra làm chủ, không phải làm chủ là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn làm bao nhiêu thì làm. Làm chủ nghĩa là phải làm sao cho nông trường phát đạt, sản xuất được nhiều. Tóm lại, làm chủ là: biết cần kiệm xây dựng nông trường, xây dựng đất nước; biết đoàn kết nội bộ, giữa cán bộ và công nhân, đoàn kết giữa nông trường và đồng bào địa phương".
Rời Đông Hiếu, Chủ tịch ra thăm Thanh Hoá. Nói chuyện với cán bộ và đồng bào trong tỉnh, Người biểu dương những tiến bộ của Thanh Hoá trong thời gian qua và nêu những khuyết điểm của tỉnh như chưa chú ý nhiều đến chất lượng của hợp tác xã, chưa đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, chưa đạt mức kế hoạch về sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, v.v.. Người tin tưởng, nếu khắc phục được những mặt yếu kém đó, Thanh Hoá - một tỉnh lớn nhất của miền Bắc, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động - chắc chắn sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội, kết thúc chuyến đi thăm hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá. Người xuống máy bay trực thăng tại Câu lạc bộ Quân nhân (nay là Câu lạc bộ Quân đội).
- Ngày 19: Bài viết Nông dân ta ngày càng no ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2828, giới thiệu hai hợp tác xã nhỏ là Hợp tác xã Thống Nhất ở miền núi Phú Thọ và Hợp tác xã Diễn Hải chốn nước mặn đồng chua nơi sơn cùng thuỷ tận của đất Nghệ An đã phấn đấu "từ đói đến no, từ nghèo đến giàu".
Sau khi chỉ rõ nguyên nhân của những thành tích đó là do "chi bộ Đảng lãnh đạo tốt, đoàn thanh niên xung phong tốt, xã viên thấm nhuần tinh thần làm chủ, hăng hái thi đua cần kiệm để xây dựng hợp tác xã", Người nhắc nhở: Các cấp uỷ Đảng cần giúp đỡ họ tiến lên nữa, và cần phổ biến những kinh nghiệm tốt của hai hợp tác xã trên đây cho những hợp tác xã khác làm theo để ngày càng tiến bộ.
- Ngày 20: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội toàn quốc lần thứ II Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Khi giải thích vì sao Người rất yêu quý thanh niên, Chủ tịch nêu rõ: Đó là vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho "thế hệ thanh niên già", đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên trong tương lai là các cháu nhi đồng, vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong các lực lượng vũ trang; vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu "Đâu cần thanh niên có; việc gì khó thanh niên làm".
Người căn dặn: "Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể,... chớ kiêu ngạo tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa".
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cùng ngày, Người dự tiệc chiêu đãi do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Phát biểu trong buổi tiệc, Người căn dặn: "Quân đội ta là một quân đội anh hùng. Quân đội ta đã phát triển từ nhỏ đến lớn, từ không đến có, từ yếu đến mạnh. Nhờ học tập kinh nghiệm và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc ta, của các vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Quang Trung, học tập quân đội Liên Xô, quân đội Trung Quốc, quân đội ta đã chiến thắng vẻ vang và ngày càng tiến bộ, nhưng không được chủ quan mà còn phải học tập mãi để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại. Quân đội ta còn là một quân đội lao động, tích cực tham gia xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho công cuộc hoà bình thống nhất nước nhà".
Cùng ngày, bài viết Lại thêm một vố vào đầu thực dân của Người, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2831, giới thiệu về thắng lợi của nhân dân ấn Độ vừa giải phóng được xứ Goa bị thực dân Bồ Đào Nha xâm chiếm 400 năm nay. Bài báo kết luận: "Nhân dân ta rất vui mừng ấn Độ đã thắng lợi, nhân dân Goa được trở về với Tổ quốc mình. Nhân dân ấn Độ thì ngày càng thấy rõ ai là thù, ai là bạn. Nhân dân thế giới càng vui mừng rằng chủ nghĩa thực dân đã bị thêm một vố vào đầu và đã đến ngày hoàn toàn tan rã".
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch Nhà nước năm 1962.
Về tình hình thực hiện kế hoạch năm 1961 và phương hướng năm 1962, Người nêu rõ: "Năm 1961 có những cái tốt, tốt là của quần chúng như Duyên Hải, Đại Phong, Ba Nhất. Còn lãnh đạo ở các cấp thì chưa chuyển. Năm 1962 phải làm cho chuyển; trên, dưới, ngang, dọc đều phải chuyển. Ta đã nói thì phải làm, nói ít làm nhiều, đừng nói nhiều làm ít. Tập trung lực lượng vào làm cho được những cái chính. Cái gì hoãn được thì hoãn để phục vụ cho những cái chính.
Xây dựng phải đảm bảo chất lượng. Phải có chính sách nhưng đồng thời phải có biện pháp, và không nên có biện pháp nửa vời. Lấy ví dụ: Thanh Hoá 25% diện tích cấy chay, có nơi vẫn phải đi cuốc ruộng. Thuỷ lợi làm tốn công quá. Phải có cách gì làm đỡ tốn công hơn, đỡ khổ hơn. Nông cụ cải tiến chậm quá. Phải có biện pháp tích cực và nếu cố gắng vẫn có thể giải quyết được các vấn đề trên.
Ta nói thế nào làm như vậy thì quần chúng sẽ đồng tình và có lợi cho sản xuất. Hiện nay giữa trung ương và địa phương, giữa ngành này với ngành khác còn chưa thật nhất trí. Cần phải sửa lại vấn đề này.
Về chỉ tiêu lương thực, tất nhiên là phải cố gắng phấn đấu, nhưng phải tính toán cho thực tế, phải đề phòng tình hình mất mùa. Thóc tăng 50 vạn tấn không phải dễ, cần phải đặt cho vừa mức để có cơ sở cố gắng được. Vấn đề tiết kiệm cũng vậy, phải vận động, phải giải thích, phải bàn cách nào làm cho tốt.
Nhưng không nên cái gì cũng rút xuống, làm cho quần chúng thêm khó hiểu về chủ nghĩa xã hội, tại sao mọi thứ tiến mà đời sống lại cứ mỗi ngày một thấp. Phải giáo dục cho quần chúng hiểu rõ tinh thần tự lực cánh sinh, nhưng trung ương phải giúp địa phương thiết thực hơn nữa.
Thi đua phải chú ý tới chất lượng, tới thực tế. Phải làm thí điểm, có chỉ đạo riêng để rút kinh nghiệm ở những nơi gần để dễ xuống, dễ chỉ đạo.
Phải làm sao phát huy được vai trò của công đoàn, chú ý đến đời sống của công nhân, phải chú ý tới lực lượng thanh niên, giáo dục cho thanh niên những nhiệm vụ thật cụ thể để phát huy tác dụng của họ.
Trong công tác xây dựng Đảng, cái gốc là chi bộ. Phải làm sao cho chi bộ vững để lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, họ biết phát huy thắng lợi, khắc phục trở ngại, vững vàng tiến lên.
Làm được tất cả những việc trên thì chi tiêu tuy có nặng nhưng vẫn có khả năng thực hiện được".
- Ngày 30: Trong bài Tết trồng cây, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2839, Người biểu dương thành tích trồng cây của hai Tết trước, nêu những kinh nghiệm trồng cây tốt của những cá nhân, tập thể điển hình và chỉ rõ: Sở dĩ họ đạt được những thành tích tốt là vì cá nhân họ đã thực hiện khẩu hiệu "Yêu cây như yêu con". Người nhắc nhở: Tết trồng cây cũng như mọi việc khác, các cấp uỷ Đảng phải lãnh đạo cụ thể và chặt chẽ thì sẽ thành công.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ ba Ngày Cách mạng Cuba thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống ốtvanđô Đoócticốt Tôrađô và Thủ tướng Phiđen Cáxtơrô.
* Tháng 12- 1962
- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III.
Phân tích thực trạng văn nghệ dưới thời thuộc Pháp, Người chỉ rõ: Khi "dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng".
Nói về nhiệm vụ của văn nghệ trước những biến đổi lớn lao hiện nay của đất nước, Người nhấn mạnh: "Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau". "Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi". Đối với những hiện tượng xấu xa trong xã hội, văn nghệ cũng cần phải phê bình, lên án rất nghiêm khắc. "Nhưng khen hay là chê đều phải đúng mức. Khen quá lời thì người được khen cũng hổ ngươi. Mà chê quá đáng thì người bị chê cũng khó tiếp thụ".
Người căn dặn: "Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hoà mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân".
Kết thúc buổi nói chuyện, Người nói: "Bác muốn bắt tay tất cả, nhưng không đủ thì giờ. Vậy Bác bắt tay đại biểu cao tuổi nhất - chứ không phải là già nhất và người ít tuổi nhất". Khi bắt tay Trà Giang, Người nhắc: "Trẻ mà có thành tích càng phải học và phải khiêm tốn!".
- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, gửi Thư chào mừng Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Bức thư có đoạn: "Đảng Lao động Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam rất vui mừng trước những thắng lợi to lớn mà nhân dân Tiệp Khắc đã đạt được và coi những thắng lợi đó là một nguồn cổ vũ quý báu trong sự nghiệp đấu tranh của mình nhằm xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
Nhân dịp này, Người chân thành cảm ơn Đảng Cộng sản và nhân dân Tiệp Khắc anh em đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Cùng ngày, bài viết ủng hộ Cuba chống đế quốc Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3175, khẳng định lập trường của nhân dân Việt Nam là ủng hộ Cuba chống lại mọi âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ. Người viết: "Nhân dân Việt Nam ta và nhân dân Cuba anh em cùng có một kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Cho nên chúng ta hết sức đồng tình và ủng hộ anh em Cuba. Cuba anh hùng là một tấm gương chói lọi cho các dân tộc bị áp bức. Một lần nữa nó chứng tỏ rằng: Khi phải đương đầu với kẻ địch hung ác, một dân tộc dù nhỏ bé, nếu luôn luôn cảnh giác, đoàn kết nhất trí, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh, thì cuối cùng nhất định thắng lợi".
- Ngày 5: Bài viết Cần phải nâng cao chất lượng hàng hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3176, nêu cụ thể trên một chục mặt hàng phục vụ sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, từ chiếc kim khâu cho đến chiếc xe đạp "Thống nhất" đã không bảo đảm được chất lượng do một số cán bộ, công nhân kém tinh thần trách nhiệm, làm ẩu, làm dối, chỉ biết chạy theo số lượng.
Theo tác giả, những khuyết điểm đó "đã trái hẳn với chính sách của Đảng và Chính phủ, đã làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân" và đề nghị bộ chủ quản và các hợp tác xã thủ công nghiệp phải có biện pháp sửa chữa, một mặt phải giáo dục cán bộ, công nhân và xã viên về ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, một mặt phải thi hành nghiêm chỉnh kỷ luật "làm hỏng thì phải làm lại" và thực hành chế độ "mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã phải bảo đảm chất lượng những sản phẩm của mình".
Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ Liên hợp dân tộc Vương quốc Lào sang thăm nước ta đến chào.
- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Thư chào mừng Đại hội lần thứ VI Đảng Xã hội thống nhất Đức. Sau khi khẳng định ý nghĩa to lớn những thành tích rực rỡ của Cộng hoà dân chủ Đức trong việc tăng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp đấu tranh chung cho hoà bình thế giới và chào mừng cương lĩnh lịch sử mà Đại hội sẽ thông qua, bức thư có đoạn viết: "Chúng tôi tin chắc rằng tình đoàn kết anh em giữa hai Đảng và nhân dân hai nước chúng ta, trên cơ sở của chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, sẽ ngày càng củng cố và phát triển, vì sự nghiệp xây dựng vững mạnh phe xã hội chủ nghĩa cùng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế".
- Ngày 13: Bài viết Tên là "Đội hoà bình", thực là đội hoạ binh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3184. Bằng những dẫn chứng cụ thể, tác giả vạch trần cái gọi là "Đội hoà bình" do Chính phủ Mỹ cử đến giúp các nước. Hoạt động của những đội này chỉ nhằm do thám tình hình chính trị, kinh tế, quân sự và khi cần chúng có thể trở thành những đơn vị chiến đấu. Do vậy, ""Đội hoà bình" của Mỹ thực chất là đội họa binh. Chúng đi trước để rước bọn Mỹ xâm lược vào sau. Vì vậy thiên hạ đều ghét chúng".
- Ngày 20: Bài viết Tổng Ken rúc vào hầm tối của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3191. Dẫn lời thú nhận của các quan chức và báo chí Mỹ về những thất bại liên tiếp và tình trạng bế tắc của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, tác giả cảnh cáo: "Nếu Tổng Ken muốn chui ra khỏi cái đường hầm đầy tội ác, y chỉ có một cách là ra lệnh cho quân đội Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam".
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 18 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức tại nhà khách của Bộ.
- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh chiêu đãi Đoàn đại biểu quân sự Liên Xô sang thăm nước ta nhân dịp kỷ niệm lần thứ 18 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Người đã có cuộc tiếp xúc riêng với Đại tướng Batốp. Hai người vừa đi dạo trong vườn Phủ Chủ tịch, vừa trao đổi bằng tiếng Nga.
Cùng ngày, trong bài báo nhan đề Cùng chung một dịp Nôen, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3197, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn nguồn tin của tờ Cách mạng quốc gia, ý kiến của các linh mục miền Nam nói về tình hình khốn đốn của giáo dân di cư và bức thư của giáo dân Hợp tác xã Phát Diệm viết về cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc với những thay đổi tốt đẹp ở một vùng công giáo miền Bắc, để so sánh số phận tình cảnh của đồng bào công giáo giữa hai miền.
- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 1962 và bàn về công tác lãnh đạo và tổ chức thi đua năm 1963.
Nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị, Người khẳng định phong trào thi đua năm 1962 khá tốt, nhưng vẫn còn những chỗ yếu và thiếu sót mà phần lớn là do cán bộ phụ trách các ngành, các địa phương lãnh đạo chưa thật sát, thật sâu, chưa chú ý đúng mức đến công tác chỉ đạo, tổ chức thi đua, do đó có tình trạng nhiều mặt hàng chất lượng còn kém, xí nghiệp và công trường chưa thực hiện tiết kiệm, công tác quản lý thiếu chặt chẽ, kỷ luật lao động chưa nghiêm, các đơn vị tiên tiến, các anh hùng chiến sĩ thi đua chưa được bồi dưỡng và giúp đỡ để họ thật sự trở thành những gương mẫu và đầu tàu.
Góp ý kiến về công tác tổ chức và lãnh đạo thi đua năm 1963, Người nhấn mạnh vai trò của thủ trưởng các bộ, các ngành, các địa phương, các tổ chức quần chúng và nhất là phải đặc biệt chú ý công tác giáo dục tư tưởng, làm cho cán bộ và công nhân thật sự thấm nhuần tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, "điều này làm được tốt thì mọi việc đều giải quyết dễ dàng".
Cùng ngày, Người thăm lớp đào tạo cán bộ quản lý xí nghiệp do Bộ Công nghiệp nhẹ tổ chức.
- Ngày 28: Bài viết Phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3199. Tác giả khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc đảm bảo quyền lợi thực sự của phụ nữ bằng Hiến pháp và Luật hôn nhân và gia đình. Đồng thời lên án những hành động xấu xa và phạm pháp như cưỡng ép kết hôn, khinh rẻ phụ nữ, "dã man nhất là thói đánh vợ" v.v, đã chà đạp lên quyền lợi của phụ nữ một cách dã man. Bài báo nhấn mạnh: "Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy quyền của mình".
- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống ốtxvanđô Đoócticốt Tôrađô và Thủ tướng Phiđen Caxtơrô Rudơ nhân dịp kỷ niệm bốn năm Cách mạng Cuba thành công.
- Ngày 31: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm của thanh niên các dân tộc huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Nói chuyện với các thầy cô giáo, cán bộ và học sinh nhà trường, Người căn dặn: Học phải đi đôi với hành, phải đoàn kết, dạy tốt, học tốt để sau khi ra trường đóng góp được nhiều cho Tổ quốc.
* Tháng 12- 1963
- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khoá III).
Kết thúc phần thảo luận về tình hình quốc tế và nhiệm vụ của Đảng ta, Người nhắc nhở tính "bốc như ống lửa" của một số đồng chí. Người nói: Người làm chính trị cương vị càng cao thì càng phải bình tĩnh... Mục đích của ta là vì đoàn kết. Vì đoàn kết mà phải tranh đấu. Tranh đấu để đi đến đoàn kết chứ không nói xấu ai...
Người lưu ý: Phải làm sao cho trong Đảng và trong nhân dân giữ được lòng yêu mến và biết ơn các nước bạn anh em..., đó là "thiên kinh địa nghĩa" ( Điều vô cùng chính xác, không thể nghi ngờ), đồng thời không nên coi sự bất đồng (giữa các đảng anh em - BT) là chuyện lạ. Người tin tưởng: Có chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường thì nhất định phong trào cộng sản và công nhân quốc tế sẽ được củng cố và phát triển.
- Ngày 9: Chiều, dự buổi họp Bộ Chính trị cho ý kiến về giá bán lẻ lương thực. Người nhận xét đại ý: Cách làm hiện nay của ta có tính chắp vá, và chỉ thị: "Cái gì là nhu cầu phổ biến trong dân, không nên tăng giá, mà chỉ tăng những loại hàng cao cấp ít người cần đến".
- Ngày 10: Dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề miền Nam sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính. Người nói: "Phải làm cho cán bộ, nhân dân ta hiểu rõ đây là thắng lợi của mình, nhưng bọn thân Pháp, bọn Cao Đài phản động sẽ còn gặp khó khăn. Tình hình còn lộn xộn một thời gian nữa và đây không phải là lần đảo chính cuối cùng. Sự kiện này cũng gây được một dư luận. Phải lợi dụng quân sự, tuyên truyền chính trị. Khẩu hiệu phải theo từng cấp, từng địa phương".
Về nội dung tuyên truyền giáo dục, Người nhấn mạnh một số điểm:
+ Nói thuận lợi, nhưng đồng thời phải nói rõ khó khăn.
+ Nên thêm về công tác dân vận. Công việc này nên giao cho Mặt trận.
+ Nên nêu khẩu hiệu: "Người Việt không đánh người Việt".
+ Làm sao động viên tiêu diệt cho được nhiều Mỹ: Mỹ rất sợ chết. Ta vừa tiêu diệt vừa tuyên truyền.
+ Viết cho gọn, rõ, phù hợp với tình hình sau đảo chính.
Cuối buổi họp, Người kết luận: "Đồng bào miền Nam rất anh hùng, cán bộ, đảng viên rất anh dũng. Phải đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng, dù Mỹ có tăng gấp 10 lần ta cũng thắng. Nhớ chuyển lời của Trung ương, của Bộ Chính trị rằng: các đồng chí, đồng bào chịu gian khổ, rất anh dũng thì nhất định thắng lợi".
- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn vấn đề tổng kết Hội nghị Trung ương và vấn đề ngoại giao.
Trong bài Chi bộ tốt, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3545, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương các hợp tác xã ở Trí Yên (Hà Bắc) nhờ có chi bộ tốt nên đã từ một xã hằng năm Nhà nước phải cứu tế nay trở thành một xã chẳng những không phải nhờ trên cứu đói mà còn dư thóc bán cho Nhà nước, từ chỗ tay không nay đã bước đầu xây dựng được cơ sở vật chất vững vàng. Đồng thời, Người cũng nghiêm khắc phê bình xã Đại Tân (Hà Bắc) từ một xã khá, nhưng do chi bộ kém, nhiều cán bộ và đảng viên nêu gương xấu, làm sai chính sách của Đảng và Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích của xã viên, nên đã khiến cho hợp tác xã thoái bộ.
- Ngày 19: Tới thăm các lớp học bổ túc văn hoá và kỹ thuật buổi tối của cán bộ và công nhân Xưởng Sửa chữa xe hơi 1-5 (Hà Nội). Người thân mật thăm hỏi về tình hình giảng dạy và học tập, nhắc nhở giáo viên cố gắng dạy tốt, công nhân và cán bộ cố gắng chăm chỉ học tập, áp dụng tốt các điều đã học vào thực tế công tác hàng ngày.
Sau đó, Người đến thăm công nhân đang làm ca đêm, tìm hiểu tình hình công tác và đời sống của anh chị em.
- Ngày 20: Trả lời phỏng vấn của các nhà báo Liên Xô nhân dịp kỷ niệm ba năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Người nêu rõ: "Do sự đoàn kết chặt chẽ và chiến đấu anh dũng của mình và sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng chính nghĩa và hoà bình trên thế giới, nhân dân miền Nam Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi, đế quốc Mỹ và bọn tay sai nhất định sẽ thất bại. Để giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ phải rút khỏi xứ đó và để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc nội bộ của mình theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954".
- Ngày 22: Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 19 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ngày 23: Bài viết Miền Nam tất thắng, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân số 3556. Dưới hình thức một bức thư gửi cho người cháu, Người phân tích nguyên nhân dẫn tới cuộc đảo chính ở Sài Gòn ngày 1-11-1963, vạch rõ tuy Mỹ là kẻ chủ mưu trong vụ đảo chính thủ tiêu anh em Diệm, nhưng người đánh đổ Ngô Đình Diệm chính là nhân dân miền Nam và tiên đoán rằng rồi đây những tên tay sai của Mỹ "chúng sẽ đảo lẫn nhau và cuối cùng nhân dân sẽ đảo cả lũ chúng".
Nếu Mỹ muốn thoát khỏi tình cảnh bị kẹt trong "đường hầm" và trong vòng luẩn quẩn, theo tác giả, "cách giải quyết "lịch sự" nhất (vấn đề miền Nam Việt Nam - B.T) là thực hiện sáu yêu sách mà Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đề ra ngày 8-11-1963. Tóm tắt là Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, việc nội bộ của miền Nam do nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy".
- Ngày 26: Đến thăm và chúc Tết Hội đồng Chính phủ trong phiên họp cuối năm; đề cập đến việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1964, Người nhắc nhở các thành viên trong Chính phủ phải làm tốt ba cuộc vận động lớn do Đảng và Chính phủ đã phát động, đặc biệt là cuộc vận động "ba xây, ba chống". Người nói: "Hiện nay chúng ta làm 3 xây, 3 chống còn kém. Anh chị em công nhân và nhân viên ở cơ sở thì rất hăng hái, nhưng từ cấp giám đốc lên đến bộ trưởng, thứ trưởng thì còn nhiều người chưa chuyển, cho nên có chỗ cuộc vận động bị tắc lại. Bây giờ phải làm 3 xây, 3 chống cả hai chiều, từ dưới lên và từ trên xuống. Bản thân các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng, các cán bộ lãnh đạo phải 3 xây, 3 chống. Hơn ai hết, người lãnh đạo phải nhận rõ cuộc vận động 3 xây, 3 chống này rất quan trọng để làm cho tốt".
Người yêu cầu các vị bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo "phải luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam và hoà bình thống nhất nước nhà". Và khẳng định: "Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được".
- Ngày 28: Đến thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Lao động Thủ đô lần thứ IV. Người chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt của thanh niên Hà Nội nói riêng và thanh niên cả nước nói chung. Nhân dịp đầu năm mới, Người gửi lời chúc mừng tới toàn thể thanh niên nam nữ đang tham gia xây dựng kinh tế, văn hoá miền núi, xây dựng đường sắt Thanh Hoá - Nghệ An và đang phục vụ trong các đơn vị bộ đội và công an nhân dân vũ trang.
- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Thiếu nhi miền Nam.
Còn nữa
Huyền Trang (st)