Chỉ mục bài viết

Ngày 01/02

“Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Ngày 01/02/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia một buổi sinh hoạt của Đảng Xã hội Pháp. Vì ghi tên trễ nên không đến lượt phát biểu. Để dự cuộc sinh hoạt này mỗi người tham dự phải bỏ ra 20 quan. Nhà cách mạng Việt Nam nói với người bạn rằng không thể để mất số tiền đó một cách vô ích nên đã tranh thủ phân phát những tờ rơi in bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đã được gửi cho Hòa hội Vécxây (Versailles) từ năm 1919. Sự việc này được một viên mật thám ghi lại trong đó còn xác nhận: “Đời sống vật chất của Quốc lúc này thật là khốn khổ...”.

 Trên tờ báo Việt Nam Độc lập ở Cao Bằng, số ra ngày 01/02/1942 đăng bài “Nên học sử ta” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo nhắc lại câu mở đầu của Diễn ca “Lịch sử nước ta” (tác phẩm đó được Việt Minh xuất bản):

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

và kết luận:

“Sử ta dạy cho ta bài học này:

Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do.

Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”1.

Ngày 01/02/1946, là ngày 30 Tết Bính Tuất, Bác đi chúc Tết một số gia đình và thăm Cố vấn Vĩnh Thụy (tức cựu Hoàng Bảo Đại) đang sống xa gia đình. Vào giây phút đón giao thừa, Bác đóng vai một cụ già mặc áo dài quấn khăn che kín bộ râu, hòa cùng dòng người vào đền Ngọc Sơn đón Xuân Độc lập đầu tiên... Theo Báo Cứu Quốc thì cùng đi với Bác còn có một phóng viên Hoa Kỳ.

Cũng trong ngày hôm đó, vị Chủ tịch Nước nhận được một tấm lụa điều trên có hàng chữ thêu bài thơ của nữ sĩ Ngân Giang đề “Kính dâng các Anh hùng dân tộc” mở đầu bằng hai câu:

Ta say uy vũ Trần Hưng Đạo

Ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh....

Bác làm hai câu thơ đáp tặng:

Gửi lời cảm tạ Ngân Giang

Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.

Gần Tết Giáp Ngọ, ngày 01/02/1954, Bác viết “Thư gửi cán bộ và chiến sỹ” đặt niềm tin: “Bác mong các chú nêu cao quyết tâm, chiến đấu bền bỉ, thu nhiều thắng lợi hơn nữa, làm cho mùa Xuân năm nay thành mùa Xuân đại thắng lợi”2. Chỉ hơn ba tháng sau, quân ta đại thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ (07/5)!

Ngày 01/02/1969, Bác Hồ hoàn thành một bài viết quan trọng gửi Báo Nhân Dân có đầu đề “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” nhấn mạnh rằng “còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết... Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm... Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng… Đó là một cách thiết thực để kỷ niệm Ngày thành lập Đảng ta, Đảng vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân anh hùng của chúng ta”3.

Ngày 02/02

Ngày Tết Độc lập đầu tiên.

Ngày 02/02/1946, ứng vào ngày mồng Một Tết Bính Tuất, Tết độc lập đầu tiên; hồi ức của ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác kể: “Sáng dạy sớm, chưa tới giờ làm việc Bác đã bảo lấy giấy ra khai bút... Bác đọc cho viết: Hôm nay là mồng Một Tết, ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... và cuối thư có mấy câu thơ kèm theo cả khẩu hiệu:

"Trong năm Bính Tuất mới

Muôn việc đều tiến tới

Kiến quốc mau thành công

Kháng chiến mau thắng lợi!

Việt Nam độc lập muôn năm”.

Cũng dịp này nhân Báo Quốc gia của một số trí thức Hà Nội ra số Xuân, Bác gửi thơ mừng:

“Tết này mới thật Tết dân ta,

Mấy chữ chào mừng Báo Quốc gia.

Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,

Tự do vàng đỏ một rừng hoa.

Muôn nhà chào đón Xuân Dân chủ,

Cả nước vui chung phúc Cộng hòa.

Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc,

Những người chiến sĩ ở phương xa”4.

Gặp Chủ tịch Ủy ban Hà Nội đến chúc Tết, Bác nhắc nhở lãnh đạo thành phố cùng các đoàn thể và các nhà hảo tâm phải lo cái Tết cho người nghèo. Trong ngày, Bác đi thăm nhiều nơi và đến Nhà Hát lớn Thành phố đọc lời “Chúc mừng năm mới” trước đông đảo đồng bào Thủ đô.

27 năm sau sự kiện “Vụ án Hồng Kông” (1933), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời gia đình luật sư Lôdơbi, ân nhân của mình đến thăm nước ta từ ngày 26/01 đến 03/02/1960. Bác Hồ đã ra sân bay thân đón và tiễn khách quý. Ngày 02/02/1960, Bác đã đưa ông bà luật sư người Anh đến thăm Nhà máy Cơ khí Trung quy Hà Nội và Trại Nhi đồng miền Nam tại Hà Nội.

Cũng trong ngày hôm đó, Báo Nhân Dân đăng bài “Đánh giá phim Vườn Cam” mà tác giả ký tên V.K chính là Bác Hồ. Sau bộ phim truyện đầu tiên “Chung một dòng sông” lấy đề tài đấu tranh thống nhất nước nhà, phim ”Vườn Cam” đề cập phong trào cải tạo nông nghiệp và hợp tác hóa. Tác giả bài phê bình vừa khích lệ các nghệ sĩ điện ảnh nhưng cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc để nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật của bộ môn điện ảnh còn non trẻ…

Ngày 02/02/1965, cũng là ngày mồng Một Tết Ất Tỵ, Bác thăm tỉnh Quảng Ninh nơi cách đó không lâu đã lập chiến công trong trận đầu chống chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ đánh ra miền Bắc ngày 05/8/1964 đã góp phần bắn rơi 2 máy bay phản lực và bắt sống viên phi công Mỹ đầu tiên. Bác Hồ căn dặn “phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng chiến thắng”5. Về thành tích của Công ty Than Hòn Gai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20 vạn tấn than, Bác nói: “Chúng ta còn nhớ năm 1954, trước khi chuồn khỏi nước ta, bọn thực dân Pháp đã làm hỏng nhiều hầm mỏ và chúng nói một cách hằn học rằng: “Ít ra cũng phải 20 - 25 năm nữa, người An Nam mới đào được than!”. Nhưng chúng đã lầm to!... chỉ trong mười năm, chúng ta đã sản xuất than nhiều gấp đôi mức cao nhất của chúng”6.

Ngày 03/02

“Không khi nào nhượng bộ một chút gì lợi ích của công nông”.

 Ngày 03/02/1926, từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản báo tin đã gửi những tờ “Nông dân Trung Quốc” cùng một số tài liệu liên quan và lưu ý cần quan tâm đến phong trào nông dân của đất nước đang sôi sục những biến động chính trị này. Ngày này hai năm sau đó (ngày 03/02/1928), Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Béclin (Đức) lại viết thư cho lãnh đạo Quốc tế Nông dân ở Mátxcơva cho biết đang tập trung viết một cuốn sách về nông dân Trung Quốc, đặc biệt là phong trào ở Lục Hải Phong, nơi đó thành lập các xô viết.

Và vào thời điểm này trong năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì một sự kiện đặc biệt. Đó là Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước được triệu tập tại Hồng Kông từ ngày 03/02 đến ngày 07/02/1930. Hội nghị đã nhất trí hợp nhất thành một tổ chức lấy tên là “Đảng Cộng sản Việt Nam”, thông qua “Chánh cương”, “Sách lược”, “Điều lệ” vắn tắt... mang tư tưởng chủ đạo là vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam một cách biện chứng nhưng kiên định “không khi nào nhượng bộ một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp”7. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.

Chỉ 15 năm sau, Đảng Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã tiến hành thành công cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. Ngày 03/02/1946, tức là ngày mồng Hai Tết Bính Tuất, Bác Hồ đi thăm “Phiên chợ 10 ngày”, tổ chức tại Chùa Láng (Hà Nội). Tại đây, vị Chủ tịch Nước đã kêu gọi đồng bào vui Tết và hưởng ứng “Ngày Nam bộ kháng chiến”. Ngày 03/02/1950, Bác Hồ đã bí mật rời Bắc Kinh trên tàu liên vận đến Mátxcơva để gặp các nhà lãnh đạo Liên bang Xô viết tranh thủ sự ủng hộ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Ngày này 56 năm trước, ngày mồng Một Tết Giáp Ngọ ứng vào ngày 03/02/1954, thời điểm đang khẩn trương chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, bài “Thơ chúc Tết ngày Nguyên đán năm Giáp Ngọ” của Bác như một thông điệp:

"Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập, tự do,

- Cải cách ruộng đất là công việc rất to.

Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn.

Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,

Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.

Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông,

Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”8.

Ngày 03/02/1960, Bác đến dự cuộc gặp mặt mừng Xuân Nhâm Dần của các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tại Hà Nội.

Ngày 03/02/1964, Bác viết lời đề từ cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và trên Báo Nhân Dân đăng bài “Mừng Đảng ta 34 tuổi” mở đầu bằng hai vần thơ:

“Công đức Đảng ta như biển rộng núi cao,

Ba tư năm ấy biết bao nhiêu tình!”9

Còn vào ngày 03/02/1969, Báo Nhân Dân đăng bài viết cuối cùng của Bác nhân kỷ niệm lần thứ 39 Ngày thành lập Đảng, đề cập một nhiệm vụ cấp bách của Đảng lúc này là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Ngày 04/02

“Gà Xuân túc tác rạng đông

Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao”.

Vào đầu tháng 02 năm 1927, tại Quảng Châu, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí như Lê Duy Điếm, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu chủ trương ra tờ báo mang tên “Lính Cách Mệnh” nhằm tuyên truyền giác ngộ binh lính người Việt đóng tại các tô giới của Pháp trên đất Trung Quốc. Tháng 02/1927 số báo đầu tiên ra mắt.

Ngày 04/02/1948, Bác Hồ gửi biếu Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đặng Phúc Thông, một nhân sĩ tham gia kháng chiến, một tấm áo kèm mấy vần thơ vui nhưng cũng thể hiện quan điểm Tết kháng chiến thực hành tiết kiệm mà vị Chủ tịch Nước thường xuyên nhắc nhở cán bộ và nhân dân. Thư có mấy dòng:

“Chú Thông, 

Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi,

Tết sau, thắng lợi sẽ đền bồi.

Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú.

Chú mang cho ấm, cũng như tôi”10.

Cũng trong tháng 02/1948, Chính phủ cử một đoàn ngoại giao đầu tiên đến các nước Thái Lan, Mianma, Trung Quốc và Tiệp Khắc để tuyên truyền và vận động các nước đó ủng hộ Việt Nam kháng chiến. Bác viết thư “Gửi các đồng chí lên đường” với lời chúc “đi đường chân cứng đá mềm, thuận buồm xuôi gió” và nhắc nhở đoàn kết “đem tinh thần thân ái tới đồng bào Việt kiều, khắc phục mọi gian nan để tranh lấy thắng lợi”.

 10 năm sau, ngày 04/02/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu một phái đoàn của Nhà nước ta đi thăm chính thức Ấn Độ và Miến Điện (nay là Mianma). Đây là chuyến đầu tiên Bác sang thăm chính thức những nước Châu Á không nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trước khi rời Hà Nội, Bác nêu rõ mục đích của chuyến đi nhằm thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam, Ấn Độ và Miến Điện, đồng thời để tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc Á - Phi, do đó thêm lực lượng giữ gìn hòa bình thế giới. 23 giờ đêm máy bay mới tới thành phố Cancútta của Ấn Độ.

Tháng 02 năm 1968, được bác sĩ bảo vệ sức khoẻ khuyên “hai chớ” (chớ hút thuốc lá và chớ uống rượu), Bác Hồ làm bài thơ “Tự thán” bằng chữ Hán:

“Vô yên, vô tửu quá tân Xuân,

Dị sử thi nhân hóa tục nhân.

Mộng lý hấp yên, ngật mỹ tửu,

Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần”11

Dịch thơ:

"Thuốc không, rượu chẳng có mừng Xuân,

Dễ khiến thi nhân hóa tục nhân.

Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt,

Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần".

Cũng trong tháng 02/1968, sau khi được biết đến chiến công của 11 cô gái sông Hương trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân, Bác viết thư khen và kết thúc bằng bốn câu thơ:

“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.

Bác khen các cháu dân quân gái,

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”12.

Khoảng một năm sau, Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán “bốn bên” tại Pari13; tháng 02/1969, nhân năm mới Bác gửi điện chúc Phái đoàn ngoại giao Việt Nam đang tham gia đàm phán mở đầu bằng hai câu thơ:

“Xuân Gà túc tác đến nơi,

Gửi người thân thiết mấy lời mừng Xuân”.

và kết thúc bức điện cũng bằng hai câu thơ:

“Gà Xuân túc tác rạng đông,

Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao”14.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 216-217.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 256.
3 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 438, 439.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 171.
5,6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 379.
7 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 3.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 255.
9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 202.
10. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 154-155.
11, 12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 335-336, 334.
13. Đàm phán chính thức hai bên tại Pari giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ bắt đầu từ tháng 5-1968; Đàm phán bốn bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ, chính quyền Sài Gòn bắt đầu từ cuối tháng 1-1969. (BT)
14 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 446.

Bài viết khác: