Ngày 05/02
“Tiết kiệm là một chính sách lớn, đạo đức lớn”.
Ngày 05/02/1923, Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp đăng liền ba bài viết của Nguyễn Ái Quốc: “Chế độ thực dân”, “Từ vụ bê bối này đến vụ bê bối khác” và “Nạn thiếu trường học”, trong đó đưa ra thông điệp quan trọng: “Những người cộng sản đòi hỏi chấm dứt bóc lột thuộc địa, một bộ phận của bóc lột tư bản nói chung…”, “Đối với những người cộng sản, vấn đề không phải là cải thiện hệ thống thuộc địa mà phải bãi bỏ nó”15. Về nền giáo dục thực dân, tác giả khái quát: Làm cho u mê để thống trị.
Ngày mồng Một Tết Quý Mùi (1943), bài thơ “Mừng năm mới” đến với dân chúng cả nước đang sục sôi khí thế như một dự báo về thời cơ cách mạng:
Một nghìn chín trăm bốn mươi ba
Năm mới tình hình hẳn mới a
Đông Á chắc rồi Tàu thắng Nhật
Tây Âu nhất định Đức thua Nga
Nhân dân các nước đều bùng dậy
Cách mệnh nhiều nơi sẽ nổ ra
Đức, Nhật chết, rồi Tây cũng chết
Ấy là cơ hội tốt cho ta
Cơ hội này ta chớ bỏ qua
Phấn đấu hy sinh đừng quản ngại
Tuyên truyền tổ chức phải xông pha
Đồng tâm một triệu người như một
Khởi nghĩa ba kỳ dậy cả ba.
Năm mới quyết làm cho nước mới
Non sông Hồng Lạc gấm thêm hoa.
Ngay trong ngày mồng Một Tết, Bác viết thư gửi Hội nghị Nông vận và Dân vận toàn quốc, một lần nữa xác định: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân”16.
Ngày 05/02/1958, tiếp tục chuyến thăm Ấn Độ, Bác tới thủ đô Niu Đêli (New Delhi), viếng và trồng tại Lăng tưởng niệm Thánh Ganđi (Gandhi) một cây đại mang từ Việt Nam. Khi bước vào Lăng, Bác cởi giày đi chân không để tỏ lòng tôn kính. Chi tiết đó được dư luận Ấn Độ cảm mến.
Ngày 05/02/1960, trong bài báo “Chung quanh một phòng họp mới”, Bác lại kiên trì công kích tệ tham ô lãng phí: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn, một nếp làm việc và nếp sống không bao giờ được lơ là...
Vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội, chúng ta ra sức đánh bại những kẻ thù nguy hiểm ấy”17.
Ngày 05/02/1962, lại ứng với mồng Một Tết Nhâm Dần, bài “Thơ mừng năm mới” của Bác như một lời cổ vũ:
“Năm Dần, mừng Xuân thế giới,
Cả năm châu phấp phới cờ hồng.
Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,
Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong.
Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới,
Sức triệu người hơn sóng biển Đông.
Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi,
Hòa bình thống nhất quyết thành công”18.
Trong ngày, Bác thăm và chúc Tết công trường Nhà máy bê tông đúc sẵn Chèm và dự buổi sinh hoạt ngâm thơ mừng Xuân của phụ lão Hà Nội. Bác gúp một vần thơ:
"Tuổi già nhưng chí không già,
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh"19.
Ngày 06/02
“Tôi không phải là anh hùng...”.
Ngày 06/02/1951 là mồng Một Tết Tân Mão, trên Báo Cứu Quốc của Mặt trận Liên Việt ra trước đó một ngày đã đăng “Thư chúc Tết” của Bác Hồ mang tinh thần phấn khởi sau chiến thắng của Chiến dịch Biên giới, cuộc kháng chiến bắt đầu có được nguồn lực của bè bạn quốc tế:
“Xuân này kháng chiến đã năm Xuân,
Nhiều Xuân thắng lợi càng gần thành công.
Toàn dân hăng hái một lòng,
Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời”20.
Đây là cái Tết thứ hai các thành viên Chính phủ ăn Tết chung, lần trước là Tết Đinh Hợi (1947) họp tại Quốc Oai (gần Hà Nội) lần này trên chiến khu Việt Bắc; lần trước đang đối phó với sự tấn công của giặc, lần này đã khai thông biên giới chuẩn bị Tổng phản công. Hồi ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại sau khi nghe mọi người chúc Tết, đến lượt Hồ Chủ tịch cám ơn và chúc mọi người. Cụ cho mang vào một mâm cam và biếu mỗi vị một quả với câu “khổ tận cam lai” (khổ mãi rồi cái sướng sẽ đến)... Cụ lại dặn các vị có gia đình thì đem về làm quà cho gia đình... Cuộc họp bắt đầu cho đến tối. Ngày hôm sau, Chính phủ tiếp tục họp cho đến 1 giờ chiều và nhiều người lên đường tới địa điểm họp trù bị Đại hội lần thứ II của Đảng diễn ra vài ngày sau đó.
7 năm sau, ngày 06/02/1958, Bác đang tiến hành chuyến thăm lịch sử nước Cộng hòa Ấn Độ. Tại thủ đô Niu Đêli, Bác dự buổi tiệc trà của “Ủy ban đón tiếp Hồ Chủ tịch”. Đáp lại lời ca ngợi của chủ nhà, Bác nói: “Tôi không phải là anh hùng. Chính những người dân Việt Nam và Ấn Độ đã đoàn kết đấu tranh giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc mình - đó mới là những người anh hùng thật...”21. Tối hôm đó, tại lễ chiêu đãi do Tổng thống Ấn Độ tổ chức. Bác đã xin phép không ngồi trên chiếc “ngai vàng” mà chủ nhà dành vị trí danh dự cho khách, với lý do “Tôi muốn được bình đẳng với mọi người”. Và trong đáp từ trước các nhà lãnh đạo của quốc gia đang đóng vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc tế giám sát việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Bác lại khẳng định: “Từ đã lâu, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được. Chúng tôi kiên quyết phấn đấu để thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình”22.
Ngày 06/02/1961, phát biểu tại Hội nghị cán bộ Thanh tra toàn miền Bắc, Bác xác định “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ”23 và phê phán một số yếu kém trong đội ngũ cán bộ của ngành.
Ngày 06/02/1969, 10 giờ 15 phút, tại Phủ Chủ tịch, Bác làm việc với Đài Phát thanh ghi lời chúc mừng năm mới để phát vào phút giao thừa bước sang Xuân Kỷ Dậu, mùa Xuân cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết thúc bằng một lời thơ lạc quan: “Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”24.
Ngày 07/02
“Đối với các cháu, đây là Bác Hồ chứ không phải là Cụ Chủ tịch”.
Ngày 07/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp bàn của Chính phủ và yêu cầu các nhà ngoại giao nghiên cứu kỹ khái niệm “thác trị” (hay ủy trị) mà Liên hợp quốc mới đưa ra. Đây là hình thức chuyển giao chính quyền ở các thuộc địa thông qua Liên hợp quốc để người bản xứ từng bước giành lại quyền độc lập. Điều này cho thấy mối quan tâm hàng đầu của nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam là tìm mọi phương cách để dân tộc ta không trở lại kiếp thuộc địa của ngoại bang.
Ngày 07/02/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ bắt đầu từ ngày mồng Một Tết Tân Mão (ngày 06/02). Trong lời kết luận, Bác nhấn mạnh đến vũ khí “phê và tự phê” và lưu ý hiện tượng trong lúc thực hiện phê bình và tự phê bình, có thể cán bộ sợ bị trù và dân thì có lúc 10 câu chỉ đúng 2, nhưng ta cứ phải để dân phê bình, nếu không ta sẽ khóa cửa sự phê bình”25. Người đứng đầu Chính phủ cũng ra sắc lệnh tặng Huân chương Kháng chiến cho Nha Bình dân học vụ, sau đó lên đường tới địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ II của Đảng để chỉ đạo công tác trù bị.
Ngày 07/02/1956, kết luận lá thư khen huyện Mỹ Đức (lúc đó thuộc tỉnh Hà Đông) đã có nhiều thành tích chống hạn, Bác viết: “Trong cuộc thử thách lâu dài và gian khổ là 8, 9 năm kháng chiến, nhân dân ta đã thắng lợi. Hạn hán cũng là một cuộc thử thách, nhân dân ta quyết chống hạn thành công”26.
Tiếp tục chuyến thăm lịch sử Cộng hòa Ấn Độ, tham dự cuộc đồng diễn của 3.000 học sinh, Bác đã nói chuyện với các cháu và được Thủ tướng Ấn Độ G.H.Nờru (J.H.Nerhu) thân ái giới thiệu “Đối với các cháu, Bác đây là Bác Hồ chứ không phải là Cụ Chủ tịch”. Sau bữa tiệc chiêu đãi của Tổng thống Ấn Độ, Bác Hồ đã rời xe ôtô đi bộ về nơi ở để tiếp xúc được nhiều tầng lớp nhân dân đứng đón chào hai bên đường. Những hoạt động và tác phong của vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam gây ấn tượng sâu sắc với nhân dân và giới truyền thông nước bạn.
Ngày 07/02/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Nôrôđôm Xihanúc (Norodom Sihanouk) để cảm ơn sự ủng hộ đối với lập trường của Việt Nam tại cuộc đàm phán với Mỹ tại Pari. Hơn nửa năm sau, ngày 02/9/1969, nhà lãnh đạo Việt Nam qua đời, Quốc trưởng Xihanúc đã sang Hà Nội dự lễ tang. Và sau rất nhiều biến cố lịch sử, trong hồi ký của mình, Cựu vương Xihanúc đã bày tỏ: Từ lâu tôi đã rất ngưỡng mộ Bác Hồ, Người không chỉ thuộc về nhân dân Việt Nam mà là cả Đông Dương, cả Châu Á và có thể là cả thế giới, bởi vì Người luôn luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa cũng như quyền lợi của những người da đen ở Mỹ. Đối với riêng tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến và tôi cũng luôn mong được gặp Người... (Hồi ký: Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơme Đỏ của N.Xihanúc).
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 149-150.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 23.
17. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 419.
18,19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 511, 512.
20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 151.
21, 222. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 83, 45.
2 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 275.
24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 426.
25. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 12.
26. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 8, tr. 123.