Ngày 16/02
“Nước Việt Nam là một khối thống nhất”.
Ngày 16/02/1923, Luật sư Phan Văn Trường đã thuyết trình về lịch sử Việt Nam tại trụ sở của Hội Liên hiệp Thuộc địa ở Pari, công khai đề cập vấn đề các dân tộc tự định đoạt lấy tự do khi tất cả các dân tộc ấy hiểu được sự cần thiết của việc áp dụng lý thuyết cộng sản... Sau đó, Nguyễn Ái Quốc phát biểu rằng bổn phận mỗi người dân thuộc địa là “cần ủng hộ và làm công việc tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản”59 và giới thiệu tờ “Le Paria” với cử tọa.
Ngày 16/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, lên án chủ nghĩa thực dân Pháp và đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được phồn vinh và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới. An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”60. Đây là văn kiện mang tính nhà nước đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ .
Ngày 16/02/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự chiêu đãi do G.Xtalin tổ chức tại Mátxcơva để chào mừng “Hiệp ước tương trợ Xô - Trung” vừa được ký kết. Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại câu chuyện Bác Hồ kể: Qua Liên Xô, Bác có gặp đồng chí Xtalin... Liên Xô phê bình ta chậm làm cải cách thổ địa. Đồng chí Xtalin trỏ hai chiếc ghế rồi hỏi mình: Ghế này là ghế của nông dân, ghế này là của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào? Tới đây chúng ta phải làm cách mạng ruộng đất. Trung Quốc sẽ giúp ta kinh nghiệm về phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất. Hai năm sau, ngày 16/02/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Đại Nguyên soái Xtalin nhân kỷ niệm 2 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Xô.
Ngày 16/02/1958, tiếp tục chuyến thăm Miến Điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại cuộc họp báo một lần nữa khẳng định: “Nước Việt Nam là một khối thống nhất không thể chia cắt được. Dân tộc Việt Nam từ lâu đã xây đắp Tổ quốc mình suốt từ Bắc chí Nam cùng chung một lịch sử, một tiếng nói, một nền kinh tế, cùng đứng lên đánh đuổi thực dân. Dân tộc Việt Nam kiên quyết đấu tranh thống nhất nước nhà”61.
Ngày 16/02/1969 là ngày mồng Một Tết Kỷ Dậu, Bác thăm và chúc Tết Quân chủng Phòng không - Không quân tại sân bay Bạch Mai và lên Vật Lại, Ba Vì tham dự Tết trồng cây cuối cùng sau 10 năm phát động.
Ngày 17/02
“Con Lạc cháu Hồng bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”.
Ngày 17/02/1923 là ngày Tết Quý Hợi, tại Pari Nguyễn Ái Quốc cùng bà con Việt kiều dự một bữa tiệc mừng Tết Nguyên đán và công bố sự trở lại hoạt động của Hội Ái hữu, một tổ chức do các nhà yêu nước Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thành lập cách đó 10 năm nhưng đã ngừng hoạt động từ năm 1914 khi hai nhà sáng lập đều bị thực dân bỏ tù.
Ngày 17/02/1947, Bác Hồ viết “Thư gửi đồng bào tản cư” xác định “Thực dân Pháp bất nhân bội tín, gây nên chiến tranh... Tản cư cũng là kháng chiến... Tôi và Chính phủ không giờ phút nào không lo lắng đến các đồng bào. Bây giờ đang cực khổ, thì chúng ta vui chịu với nhau. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, chúng ta sẽ cùng nhau vui sướng. Con cháu Lạc Hồng bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”62.
Tháng 02/1947, trả lời câu hỏi phỏng vấn của Báo Chiến Đấu: “Từ ngày kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch luôn luôn mạnh khoẻ không?”, Bác vui vẻ: “Cảm ơn! Như các bạn trông thấy, bây giờ tôi béo đỏ hơn trước, mặc dầu tôi luôn luôn đi thăm mặt trận này đến mặt trận khác, nhiều khi đi mấy chục cây số, mưa ướt dầm dề, đường trơn như mỡ, mà cũng không thấy mệt”. Hỏi: “Vì sao Pháp chưa điều đình với ta?”, trả lời: “Vì thực dân Pháp đang mơ tưởng có thể dùng vũ lực mà chinh phục ta. Vì họ chưa hiểu rằng: Toàn thể dân ta đã kiên quyết kháng chiến, để tranh lại quyền thống nhất và độc lập”63.
Khoảng giữa tháng 02/1948, Bác Hồ gửi thư tới Hội nghị Thông tin tuyên truyền và báo chí toàn quốc. Là một nhà báo cách mạng lão luyện, Bác biểu dương những ưu điểm của anh chị em làm báo nhưng cũng vạch ra nhiều khuyết điểm mà “Nói tóm lại: Nội dung các tờ báo chưa phản ánh được sự sinh hoạt của các tầng lớp dân chúng, chưa thành tờ báo của dân chúng” và xác định báo chí phải “làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, huấn luyện và lãnh đạo nhân dân”64.
Ngày 17/02/1950 ứng với ngày mồng Một Tết Canh Dần, Thơ chúc mừng năm mới của vị Chủ tịch Chính phủ kháng chiến viết:
“Kính chúc đồng bào năm mới,
Mọi người càng thêm phấn khởi,
Toàn dân xung phong thi đua,
Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới,
Chuyển mau sang tổng phản công,
Kháng chiến nhất định thắng lợi”65.
Ngày 17/02/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc chuyến thăm Miến Điện, ký kết Tuyên bố chung và dự lễ nhận bằng Tiến sĩ Luật học Danh dự của Trường Đại học Rangun (Rangoon). Bác tỏ niềm vinh dự được nhận danh hiệu cao quý của: “Một trung tâm văn hoá có truyền thống vẻ vang yêu nước và anh dũng chống thực dân. Trường này đã đào tạo ra vị anh hùng dân tộc Ung San và các nhà lãnh đạo khác của Miến Điện...”66.
Ngày 17/02/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Thêm một thắng lợi to lớn” ca ngợi thành công của Liên Xô đã phóng vệ tinh đầu tiên của trái đất, mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người 67.
Ngày 18/02
"Còn Anh như cây đương lộc”.
Ngày 18/02/1922, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Phan Châu Trinh gửi từ Mácxây (Marseille). Cụ Phan là một nhà ái quốc lớn, lại là người có quan hệ thân tình trong phong trào Việt kiều tại Pháp. Về tuổi tác và uy tín Phan Châu Trinh tuy là bậc bề trên nhưng thực tiễn đã giúp Cụ nhận ra rằng con đường của mình đã không theo kịp thời đại và tương lai sẽ thuộc về Nguyễn Ái Quốc. Trong thư Cụ đã thẳng thắn nói những khác biệt về đường lối, phê phán những điều mà mình cho là còn bất cập ... nhưng cũng rất chân thành nhận rằng: “Bây giờ tôi tự chim lồng cỏ chậu. Vả lại cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn...” và thừa nhận rằng: “Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông”68.
Chỉ 8 năm sau, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện sứ mạng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và ngày 18/02/1930 đã ra “Lời kêu gọi”: “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để: 1) Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng. 2) Làm cho nước An Nam được độc lập. 3) Thành lập Chính phủ công - nông - binh... 8) Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân. 9) Thực hành giáo dục toàn dân. 10). Thực hiện nam nữ bình quyền69.
Ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm tới các nước Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh vạch trần âm mưu tái xâm lược của thực dân Pháp và khẩn thiết yêu cầu: “Thực hiện tất cả những bước đi thích hợp để bằng sự can thiệp khẩn cấp ngăn chặn cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam, và đi tới một giải pháp cấp bách và hợp lý cho vấn đề Đông Dương”; khẳng định: “Chúng tôi đã xác định sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng chống lại việc tái lập chủ nghĩa đế quốc Pháp”; và đề nghị: “Đưa vấn đề Đông Dương ra trước tổ chức Liên hợp quốc”70.
Ngày 18/02/1951, Đại hội Đảng lần thứ II đã bầu Bác vào Ban Chấp hành Trung ương và giữ cương vị Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam.
Ngày 18/02/1958 là mồng Một Tết Mậu Tuất, vừa về nước sau chuyến thăm Ấn Độ và Miến Điện, Bác dành thời gian thăm các đơn vị quân đội, nhà máy, Đại học Bách khoa, đồng bào người Hoa, cán bộ tập kết và gửi thư thăm Trường thương binh hỏng mắt.
Ngày 18/02/1960, Bác viết bài báo “Hơn hẳn” để khẳng định tính hơn hẳn giữa hai phương thức xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa quyết định bởi “năng suất lao động, cho nên ...chúng ta hãy kiên quyết giảm bớt những cuộc bàn cãi suông xem chừng không bổ ích mấy. Hãy dồn sức vào giải quyết những vấn đề thiết thực hơn để không ngừng nâng cao năng suất lao động... Năng suất lao động - tích luỹ cao - sản xuất cao - đời sống cao. Đó là con đường tiến lên không ngừng của chúng ta”71.
Ngày 19/02
“Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ”.
Ngày 19/02/1923, báo “L’Humanité”(Nhân Đạo) đăng truyện “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc. Với giọng văn hài hước, tác giả biến chuyến sang Pháp của Vua Khải Định thành con rối cho thú giải trí của dân chính quốc.
Hai năm sau, ngày 19/02/1925, từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi các đồng chí Pháp nóng lòng muốn biết tình hình hoạt động của Đảng và cho biết những công việc ở Trung Quốc “rất thú vị” trong đó có việc tập hợp các lực lượng cách mạng Việt Nam. Kèm theo còn gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo chương trình hành động trong đã thiết lập cơ sở ở Quảng Châu, các đầu mối liên lạc ở miền Nam Trung Quốc và Xiêm72, cử người về nước và gửi sinh viên Việt Nam sang Mátxcơva học.
Ngày 19/02/1931, giữa lúc cao trào cách mạng đang bùng phát mạnh mẽ ở trong nước Nguyễn Ái Quốc viết hai bài báo. Bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” khẳng định “Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ”. Còn bài “Khủng bố trắng ở Đông Dương” lên án thực dân và nêu cao chí khí của những chiến sĩ cách mạng trước các phiên toà của chính quyền thuộc địa ở Thái Bình, Hà Nội, Nam Định.
Ngày 19/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Thông tư về việc đình công nhằm đối phó với một số thủ đoạn kích động của các lực lượng chống đối, nghiêm khắc quy định: “Xét rằng trước tình thế nghiêm trọng hiện giờ, chúng ta cần tập trung toàn lực để chống ngoại xâm,
Xét rằng tổng đình công là một lợi khí chỉ nên dùng để đối quân địch, chứ không bao giờ nên dùng để chia rẽ nội bộ,
Tôi, Chủ tịch Chính phủ lâm thời, hạ mệnh lệnh cho toàn thể viên chức và dân chúng phải làm việc như thường, trừ khi có chỉ thị của Chính phủ”73.
Ngày 19/02/1951, bế mạc Đại hội lần thứ II của Đảng. Là Chủ tịch Đảng, Bác chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Khoá II, sắp xếp tổ chức, triển khai kế hoạch ra công khai và thống nhất Mặt trận Việt Minh với Liên Việt.
Ngày 19/02/1959, đến thăm Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu niên, Bác căn dặn: “Trong khi giáo dục thiếu niên, phải giữ được tính chất tự nhiên, vui vẻ, hoạt bát của trẻ em, không được làm cho các cháu thành “ông cụ non”. Trẻ em hay bắt chước, cho nên các cụ, các chú, các thầy giáo, cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm”74.
Ngày 19/02/1960, ông bà luật sư Lôdơbi, ân nhân đã cứu Bác Hồ khỏi nhà tù của thực dân Anh ở Hồng Kông (1931-1933) sau chuyến thăm Việt Nam trở về đã viết thư cảm ơn Bác, trong thư có đoạn: Ngài nói rằng tôi đã “cứu sống Ngài”, điều đó có thể đúng, nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và mãi mãi là một việc làm sáng suốt.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
59. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 1, tr. 214.
60. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 176-177.
61. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 67.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 49.
63,64. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 68, 290.
65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 14.
66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 69.
67. Ngày 4-10-1957, Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh Xpútníc 1 vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất (BT)
68. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 1, tr. 157-158.
69. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 10.
70. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 182.
71. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 425.
72. tức Thái Lan ngày nay (BT).
73. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 184.
74. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 222.