Chỉ mục bài viết

 Ngày 12/02

“Dân ta phải biết sử ta”.

Ngày 12/02/1947, giữa lúc đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời “Chính phủ Cao Miên43 giải phóng” hoan nghênh việc thành lập một “Ủy ban giải phóng Việt - Miên - Lào” và đánh giá đó sẵn có tinh thần tranh đấu cao lại gắng đi tới một sự cộng tác chặt chẽ thì thắng lợi thế nào cũng về ta và chúng ta nhất định sẽ giành được độc lập. Đây là biểu hiện của khối đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương trên một chiến trường chung, trong một sự nghiệp giải phóng chung và trước một kẻ thù chung.

Ngày này 3 năm sau đó, ngày 12/02/1950, Chủ tịch Nước Việt Nam đang kháng chiến ký một sắc lệnh quan trọng: Sắc lệnh số 20/SL quyết định tổng động viên để tiến tới tổng phản công. Sắc lệnh nêu rõ: “Tất cả nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân đều đặt dưới chế độ pháp luật đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh”44.

Ngày 12/02/1951, theo dõi sát tình hình chiến sự đang diễn ra khốc liệt ở Triều Tiên, nơi đụng đầu của “2 phe”, dưới bút danh “Đ.X” Bác viết bài “MIG” đăng trên Báo Cứu quốc. Tác giả đặc biệt quan tâm đến các loại phi cơ chiến đấu được hai bên sử dụng trong đó có máy bay MIG của Liên Xô và đặt sự tin tưởng vào loại MIG.19 “bay mau như tia chớp”. Thực tế lịch sử cho thấy rằng chỉ hơn một thập kỷ sau (1964 - 1972), chính những thế hệ máy bay MIG của Liên Xô viện trợ dưới sự điều khiển quả cảm, mưu trí của các phi công Việt Nam đã góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên chiến trường miền Bắc nước ta.

Ngày 12/02/1958, tiếp tục hành trình thăm Ấn Độ, Bác đến thành phố Bangalo thăm và trồng hoa tại tượng đài của M.Ganđi, vị Thánh của nền Độc lập Ấn Độ. Trong lời chào mừng, Thị trưởng thành phố đó bày tỏ sự tán thành với biểu tượng của Thủ tướng Nêru coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “con người của hòa bình thế giới”.

Trong những sự kiện diễn ra vào tháng 02 mà chưa xác minh được ngày thì năm 1941 ghi nhận việc tại Pác Bó, Bác dành thời gian để dịch “Lịch sử Đảng Cộng sản Nga” ra tiếng Việt làm tài liệu tuyên truyền giáo dục như được thể hiện trong bài thơ:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Cuộc đời cách mạng thật là sang.”45  

Còn trong tháng 02/1942, ghi dấu bằng việc Tổng bộ Việt Minh xuất bản tác phẩm “Lịch sử nước ta” do Nguyễn Ái Quốc biên soạn gồm 208 câu lục bát trình bày tóm tắt lịch sử Việt Nam từ Hùng Vương dựng nước đến đương đại và những ghi chép dự báo về 3 năm tiếp theo như một lời tiên tri: “1945: Việt Nam độc lập”. Bản Diễn ca mở đầu bằng câu:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn ngàn năm,

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa...”46.

và kết thúc bằng một bài học lịch sử: “Dân ta xin nhớ chữ “đồng”: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”47.

Nhân ngày Tết cổ truyền, ngày 12/02/1969, Bác Hồ gặp gỡ các cháu thiếu nhi có cha mẹ đang công tác, chiến đấu tại miền Nam.

Ngày 13/02

“Một nhà đại cách mạng phi thường trong thời đại này”.

Ngày 13/02/1930, Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử là tổ chức thành công cuộc hợp nhất giữa các tổ chức cộng sản ở Việt Nam và hải ngoại thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hai thập kỷ sau, ngày 13/02/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về việc sử dụng đất vắng chủ trong thời kỳ kháng chiến để từng bước cấp cho những người nông dân nghèo không có ruộng đất.

Ngày 13/02/1958, Bác Hồ kết thúc cuộc viếng thăm lịch sử nước Cộng hòa Ấn Độ, trước khi rời thành phố Cancútta để lên đường thăm Miến Điện, Bác đến thăm Hội “Mahabodi”, một tổ chức Phật giáo có tiếng ở Ấn Độ, sau khi lễ Phật, Bác dự buổi mít tinh do các Phật tử tổ chức. Lời chào mừng của người đứng đầu tổ chức này đã đánh giá: “Như một vị ẩn sĩ chân chính, Chủ tịch đã hy sinh suốt đời cho nhân dân và Tổ quốc Ngài; Chủ tịch đã từ bỏ những hào nhoáng lộng lẫy của địa vị Chủ tịch một nước. Cũng như Hoàng đế Asoka, một vị Phật tử đầy lòng hy sinh, Chủ tịch đã nêu cao trước thế giới một lý tưởng mà chỉ có thể thực hiện bởi một người có đầy lòng tin tưởng...”48. Còn trong diễn văn của ông Thị trưởng thành phố Cancútta nơi đón tiếp và tiễn đưa Bác sau 10 ngày thăm Ấn Độ, đã ca ngợi: “Cũng như người Cha vĩ đại của dân tộc chúng tôi là Thánh Găngđi, Ngài là biểu hiện của một đời sống giản đơn, thanh cao và khắc khổ. Chúng tôi hết lòng cầu với Thượng đế rằng cuộc thăm viếng lịch sử của Ngài đến đất nước này, sẽ đúc nên những sợi dây chuyền vàng bằng hữu nghị để thắt chặt hai dân tộc chúng ta trong tình nghĩa anh em chói lọi”49. Còn Thủ tướng G.Nêru (J.Nerhu) thì khẳng định: Hồ Chủ tịch là một nhà đại cách mạng phi thường trong thời đại này. Người luôn luôn giải quyết những vấn đề khó khăn với nụ cười trên môi.

Ngày 13/02/1960, Báo Nhân Dân đăng bài “Cái vũng trôn ốc” (ký C.K) nhấn mạnh đến “quan điểm của Lê-nin: “Phân tích cho đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất cho sự thắng lợi của trật tự xã hội mới. Chúng ta cần suy nghĩ nhiều về lời dạy đó trong công việc hàng ngày của mình”50.

Ngày 13/02/1961, Bác Hồ đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và đặc biệt quan tâm tìm hiểu mặt trống đồng Đông Sơn.

Ngày 13/02/1964 là ngày mồng Một Tết Giáp Thân, Bác vẫn có lời thơ chúc mừng năm mới:

Bắc Nam như cội với cành

Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng

Rồi đây thống nhất thành công

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà

Mấy lời thân ái nôm na

Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân.

Ngày 13/02/1969, Bác đón các cháu trong đoàn thiếu niên dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc và tiếp bà Menba Hộcnađê (Menba Hernadez), Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam. Với bà Menba Hộcnađê, ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Là hình ảnh tổng hợp của một nhà cách mạng đấu tranh không biết mệt mỏi vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, một người khiêm tốn và giản dị, một nhà thơ nhạy cảm và sâu sắc, có khả năng nói lên những tình cảm trong sáng nhất của con người...”51

Ngày 14/02

 “Vị lãnh tụ vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng và giải phóng Đông Nam Á châu”.

Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc viết bài cuối trong loạt 7 bài báo về “Các sự biến ở Trung Quốc” gửi đăng trên tờ báo tiếng Pháp “Annam” do Phan Văn Trường xuất bản tại Sài Gòn.

Ngày 14/02/1946, sau cái Tết độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đăng trên Báo Cứu quốc “Lời cảm ơn đồng bào” trong đó nêu rõ: “Nhân dịp Tết, đồng bào từ Nam chí Bắc, cá nhân và đoàn thể, các cụ già và các trẻ em, các đồng bào dân tộc thiểu số, các kiều bào ở Lào, ở Xiêm và ở Trung Quốc đã gửi cho hơn hai nghìn bức điện và thư để chúc tôi năm mới. Lại có người gửi cho cam, mứt, bánh chưng, dưa cải, mùi soa... Tiếc vì bận việc không thể cảm ơn từng người, tôi xin tất cả đồng bào nhận lời cảm ơn chung với lòng thân ái của tôi”52.

Ngày 14/02/1947, sau hai tháng quyết tử chiến đấu kìm chân giặc tại Thủ đô, Bác Hồ chỉ thị bí mật tổ chức rút quân ta khỏi Hà Nội lên chiến khu để bảo toàn lực lượng trường kỳ kháng chiến.

Ngày này năm 1951, Bác Hồ vừa tham dự Đại hội lần thứ II của Đảng vừa chủ tọa Hội nghị quân sự để bàn về việc phối hợp với bạn trong việc tiếp nhận viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc tăng cường sức mạnh thúc đẩy cuộc kháng chiến đến toàn thắng. Một năm sau, ngày 14/02/1952, Bác Hồ gửi điện tới Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông nhân kỷ niệm hai năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngày 14/02/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc đi thăm Ấn Độ mở đầu chuyến thăm Miến Điện. Tổng thống Miến Điện Uvinmôn trong lời chào mừng tại sân bay nêu rõ: “Nhân dân Miến Điện tôn kính và hâm mộ Chủ tịch, chẳng những vì rằng Ngài đã suốt đời trung thành phấn đấu cho độc lập tự do của nhân dân các nước thuộc địa, mà còn vì sự cống hiến cao cả của Ngài như một vị lãnh tụ vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng và giải phóng ở Đông - Nam Á châu. Do phẩm cách đáng kính, tấm lòng cương trực và thái độ khiêm tốn của Chủ tịch, Ngài sẽ chinh phục lòng yêu của mọi người nhân dân Miến Điện...”53.

Ngày 14/02/1965, Bác Hồ gửi thư khen ngợi quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An đã chiến đấu dũng cảm bắn chìm một tàu biệt kích, bắn rơi 22 máy bay Mỹ và bắt sống phi công. Bức thư nhấn mạnh: “Một lần nữa chúng ta đã tỏ rõ cho đế quốc Mỹ biết rằng nếu chúng cứ liều lĩnh tiếp tục khiêu khích miền Bắc, chúng sẽ bị thất bại nhục nhã”54.

Ngày 14/02/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời Giáo hoàng Pun VI lên án đế quốc Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh dùng những vũ khí man rợ nhất để tàn phá đất nước trong đó có cả nhà thờ ở Việt Nam... Do vậy, chỉ khi nào Mỹ chấm dứt chiến tranh, để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ thì mới có hòa bình chân chính và mong Giáo hoàng hãy dùng ảnh hưởng của mình buộc Mỹ tôn trọng những quyền cơ bản của dân tộc Việt Mam.

Ngày 15/02

 “Sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa”.

Ngày 15/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp với đại diện các đoàn thể chính trị để bàn việc lập Chính phủ Liên hiệp sẽ chính thức ra mắt vào dịp Quốc hội được triệu tập.

Ngày 15/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Sáclơ Phênnơ (Charles Fenn), một sĩ quan tình báo trong đơn vị thuộc OSS đã từng tiếp xúc với Bác trong thời gian ở Côn Minh (tháng 3/1945) nhằm gây dựng mối quan hệ đồng minh chống Nhật ở Đông Dương. Bức thư viết: “Chúng tôi vô cùng cảm kích vì thiện chí của Ngài muốn giúp Việt Nam”55. Sau khi Bác Hồ qua đời, S.Phênnơ là người viết cuốn tiểu sử chính trị đầu tiên về Hồ Chí Minh xuất bản bằng Anh ngữ. Khi đó ngoài 100 tuổi (năm 2004), S.Phênnơ còn viết: “Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường bất chấp những khó khăn chồng chất đó đưa Hồ Chí Minh, trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại, lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ XX”56.

Ngày 15/02/1961 là ngày mồng Một Tết Tân Sửu, trong lời chúc mừng năm mới Bác viết: “Năm nay là năm Sửu, các cụ ta quen gọi là “Tết con Trâu”. Trâu thì cày giỏi mà chọi cũng hăng. Toàn dân ta đoàn kết đấu tranh thì chúng ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”57 và kết thúc bằng những vần thơ:

Mừng năm mới, mừng xuân mới,

Mừng Việt Nam, mừng thế giới,

Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh,

Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi.

Chúc miền Bắc hăng hái thi đua!

Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!

Chúc hoà bình thống nhất thành công!

Chúc Chủ nghĩa xã hội thắng lợi!

Ngày 15/02/1965, Bác Hồ thăm đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương). Thư ký của Bác là ông Vũ Kỳ thuật lại trong hồi ức của mình: Bác nghỉ trưa ở đó và xem rất kỹ văn bia trong đền thờ Nguyễn Trãi. Rồi đây các nhà viết sử có lẽ phải dành nhiều trang cho sự kiện không ngẫu nhiên này. Bởi Hồ Chí Minh tìm đến Nguyễn Trãi trong một bước ngoặt lịch sử của dân tộc, đâu phải là một sự ngẫu nhiên. Cách nhau hơn 5 thế kỷ (1380 - 1890) mà sao có những sự trùng hợp kỳ lạ, y như cuộc hẹn lịch sử đã định sẵn. Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn, và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, là tấm lòng tha thiết đối với hạnh phúc của nhân dân...

Ngày 15/02/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời thư đề ngày 08/02/1967 của Tổng thống Mỹ L.B.Giônxơn bằng những lập luận đanh thép: “Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác... Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe doạ của bom đạn. Sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa. Mong Chính phủ Mỹ hãy hành động hợp với lẽ phải”58

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Ghi chú
43. Tại Campuchia (BT).
44. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 403.
45,46. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 196, 221.
47. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 229.
48. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 118.
49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 116.
50. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 422.
51 . Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2007, tr. 188.
52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 174.
53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 123.
54. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 390.
55. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 48.
5 6 . Hồ Chí Minh hiện thân của văn hóa hoà bình, Tạp chí Xưa và Nay, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, 2005, tr. 843.
57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 279.
58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 232.

Bài viết khác: