Ngày 20/02
“Muốn cho dân tin thì phải thanh khiết”.
Ngày 20/02/1927, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Khổng Tử” đăng Báo Thanh niên ở Quảng Châu, nhân việc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố xóa bỏ những nghi lễ và biến mọi nơi thờ phụng Khổng Tử thành trường học. Tác giả bình luận: “Nếu Khổng Tử sống ở thời đại chúng ta và nếu ông khăng khăng giữ những quan điểm ấy thì ông sẽ trở thành phần tử phản cách mạng... Chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ và trái với tinh thần dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lê-nin!”75.
Ngày 20/02/1947, thăm Thanh Hóa, nói chuyện với cán bộ tỉnh, Bác nhấn mạnh đến công tác cán bộ: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt... Đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết...”76.
Về cuộc kháng chiến, Bác nói: “Hai hòn đá cùng chọi nhau thì hai hòn cùng vỡ, hai cái trứng cùng chọi nhau thì hai cái cùng vỡ. Phải một cái cứng, một cái mềm thì khi chọi nhau một cái mới còn. Nên hai bên càng dùng mưu trí.
Pháp có xe tăng, đại bác, thì ta phá đường, Pháp có máy bay thì ta đào hầm.
Pháp muốn đánh chớp nhoáng thì ta kéo dài. Nhất định ta thắng!”77.
Nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức, phu hào tỉnh Thanh Hóa, Bác đề nghị: “Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng. Vì nếu có nấu cơm cũng 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm nô lệ... Tóm lại chính trị là:
1. Đoàn kết,
2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”78.
Ngày 20/02/1959, về thăm làng Bát Tràng, Bác khuyên mỗi nhà ở mặt đường dịch vào một ít thì làng có đường cho xe ô tô ra vào, phải nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề và chúc: “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới...”79.
Ngày 20/02/1961, nhân trở lại thăm Cao Bằng chiến khu xưa, Bác làm bài thơ “Thăm lại Hang Pác Bó”:
Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật - Tây
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay.
Hai mươi năm trước (02/1941) Bác từng làm bài thơ “Pác Bó hùng vĩ”:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lênin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
Ngày 20/02/1965, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị về cách mạng miền Nam, Bác dự báo: “Phải đề phòng Mỹ nhảy vào. Mình không sợ địch, nhưng không khinh địch”80.
Ngày 21/02
"Dự báo tốt nên thắng giặc".
Được tin Phan Châu Dật, con trai cụ Phan Châu Trinh mới qua đời, Nguyễn Ái Quốc đang điều trị tại bệnh viện “Cochin” đã chuyển lời chia buồn tới người đồng bào đáng kính của mình.
Ngày 21/02/1931, Nguyễn Ái Quốc viết “Thư gửi Ban phương Đông” báo tin Lý Tự Trọng sau khi bắn chết mật thám Lơgrăng (Legrand) ở Sài Gòn đó bị bắt và khó thoát khỏi án tử hình và yêu cầu Đảng Cộng sản Pháp “tổ chức biểu tình đòi thả đồng chí ấy ra” và đề nghị Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Công hội Đỏ lên tiếng tỏ tình đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương.
Ngày 21/02/1946, Bác chủ trì phiên họp của Chính phủ bàn việc chuẩn bị thành lập Chính phủ Liên hiệp dựa trên nguyên tắc có 10 bộ chia cho 4 đảng phái, mỗi đảng 2 ghế, riêng Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng sẽ do 2 người không đảng phái giữ. Cùng ngày, Bác ký sắc lệnh thống nhất các Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng trên toàn quốc thành “Việt Nam Công an vụ” nằm trong Bộ Nội vụ.
Ngày 21/02/1947, Bác Hồ ghé vào đồn điền Chi Nê (Hòa Bình) của nhà điền chủ Đỗ Đình Thiện nơi đang đặt nhà máy in tiền của Bộ Tài chính. Bất ngờ, máy bay địch đến oanh tạc, Bác phải xuống hầm tránh bom nhưng sau đó lại tiếp tục hành trình. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến kể lại: Ngày 21/02/1947, Cụ trở lại Chi Nê hồi 3 giờ sáng sau cuộc kinh lý Thanh Hóa. Cụ đi thăm nhà máy và lùng khắp nhà. Nơi nào bẩn thỉu bị phê bình ráo riết. Nói chuyện với anh em công nhân và tự vệ chiến đấu ở đây, Cụ đã làm cho ai nấy đều thêm tin tưởng và nỗ lực làm việc để sản xuất kháng chiến. Cụ cũng đi thăm các làng thổ (đồng bào Mường ở địa phương), vào từng nhà một và vui vẻ, thân mật nói chuyện với tất cả mọi người. Đối với lũ trẻ thơ, Cụ càng làm cho chúng rất quyến luyến. Hỏi trẻ con nào biết chữ, Cụ vui vẻ khen ngợi. Em nào không biết chữ, Cụ bảo phải bắt đầu học ngay và gọi mấy thanh niên giao trách nhiệm dạy dỗ cho đến ngày nào Cụ trở lại thì ai nấy đều phải biết chữ.
Cùng ngày Bác viết “Thư gửi đồng bào thiểu số Thanh Hóa” nêu vấn đề: “Việc dìu dắt đồng bào Thượng du, tôi trông cậy lòng ái quốc và sự hăng hái của các vị lang đạo”81.
Hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng nhắc đến sự kiện: Ngày 21/02/1958, Bác chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị thông qua kế hoạch xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng... Bác nhắc lập kế hoạch phòng không nhân dân, một vấn đề rất mới và phải nói là sớm, đó là nghiên cứu kế hoạch phòng không nhân dân. Sự kiện này cho thấy tầm nhìn xa của Bác, vì 6 năm sau (1964), Mỹ đã ném bom miền Bắc; rồi từ cuối năm 1962, Bác đã yêu cầu Tư lệnh Phòng không - Không quân phải nghiên cứu về loại máy bay B52, ba năm trước khi Mỹ sử dụng trên chiến trường miền Nam (1965) rồi đánh ra miền Bắc. Nhờ dự báo tốt mà ta chủ động đánh thắng.
Ngày 22/02
“Làm kế hoạch phải chú ý tới con người”.
Ngày 22/02/1925, Cụ Phan Bội Châu viết thư nhờ Hồ Tùng Mậu chuyển cho Lý Thụy (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) lúc này đang hoạt động tại Quảng Châu. Trong thư, nhà ái quốc lão thành đã thành tâm đưa ra những lời đánh giá khích lệ: Đọc thư mới biết là học vấn, trí thức của cháu nay đã tăng trưởng quá nhiều, không phải như hai mươi năm trước... Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Nhận được liên tiếp hai bức thư của cháu bác vừa buồn lại vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh ban mai. Cháu học vấn rộng rãi đã từng đi nhiều nơi hơn bác cả chục, cả trăm lần. Tri thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của Bác.
Cũng trong tháng 02/1925, báo “Le Paria” (Người cùng khổ) đăng bài “Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Đông, Varen và Đông Dương”. Bài báo phân tích lý do một đảng viên Đảng Xã hội là Varen sang làm Toàn quyền Đông Dương là nhằm ngăn không cho người bản xứ nghe lời người và ru ngủ dân bản xứ bằng hứa hẹn hàng đống những cải cách.
Tháng 02/1945, Mặt trận Việt Minh xuất bản sách “Phép dùng binh của ông Tôn Tử” do Hồ Chí Minh dịch. Trong lời giới thiệu dịch giả lưu ý: “Ông Tôn Tử là một người quân sự có tiếng nhất ở Trung Quốc. Ông sinh hơn 2000 năm trước. Nguyên tắc của Tôn Tử chẳng những dùng về quân sự đúng, mà dùng về chính trị cũng rất hay”82.
Tháng 02/1945, cũng là thời gian Hồ Chí Minh được tướng của quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng Trương Phát Khuê cấp giấy phép đi lại trên vùng Vân Nam - Trung Quốc. Trong bộ quân phục Trung Hoa, Bác tiếp xúc với nhiều lực lượng chính trị Trung Hoa và Việt kiều, đồng thời cũng tìm cách tiếp cận với lực lượng Đồng Minh đang đặt bản doanh ở Côn Minh.
Ngày 22/02/1952, Bác thăm Đại đoàn Pháo binh 351 đang trú quân và huấn luyện tại tỉnh Tuyên Quang, trong lời thăm hỏi, Bác nêu tư tưởng: “Muốn thắng địch phải đưa pháo đi xa, khiêng, kéo pháo vào gần địch mà bắn trăm phát trúng cả trăm thì đồn nào mà không hạ được”83.
Bác dự kỳ họp của Bộ Chính trị khai mạc ngày 22/02/1963 (họp từ ngày 22 đến ngày 26) bàn về việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và phát biểu vì sao kế hoạch năm nào cũng phải điều chỉnh: “Có phải mình chủ quan và tham quá không? Chủ trương đúng, nhưng chỉ đạo chưa tốt, đó cũng là một loại mất cân đối. Khi bàn, mình thường không bàn toàn diện. Ra trận, diễu binh, cũng phải dàn ra xem thiếu những thứ gì. Trong lãnh đạo kinh tế cũng phải làm như thế, phải liệu bò làm chuồng, liệu cơm gắp mắm. Công nghiệp phải nhìn xa, nhưng lại phải xem xét cụ thể, tính toán chu đáo... Trong xây dựng thì phân tán, cái gì cũng muốn làm. Cần phải tập trung vào những cái gì quan trọng... Phải chú ý tới con người, vì con người rất quan trọng... Mục tiêu kế hoạch phải nêu rõ vấn đề cải thiện dân sinh”84.
Ngày 23/02
“Chính phủ không giấu dân”.
Báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đó gặp gỡ một người lính Việt Nam sang Pháp tham gia chiến tranh và hứa sẽ làm báo bằng tiếng Việt phân phát cho binh lính người Việt khá đông đảo đang sống trên đất Pháp.
Ngày 23/02/1946, trả lời phỏng vấn vào thời điểm cuộc đàm phán Pháp -Hoa đã đạt tới thỏa thuận Pháp sẽ thay thế quân Trung Hoa Quốc dân Đảng ở phía Bắc vĩ tuyến 18, Bác nêu rõ quan điểm: “Dân Việt Nam có một ý muốn rất bình thường là muốn độc lập. Thấy tôi nói thế, có người họ cũng tán thành nền độc lập của ta. Là vì sau những câu hỏi của họ, tôi đã hỏi lại họ: “Ông là người Pháp, có muốn được độc lập, có muốn được tự do không?”. Tôi lại nói cho họ biết thêm rằng chúng tôi tranh đấu từ trước tới bây giờ là cũng tranh đấu theo như người Pháp đó thôi. Ba tiếng Tự do, Bình đẳng, Bác ái đó làm cho Pháp thành một dân tộc tiên tiến, thì chúng tôi, chúng tôi cũng chỉ muốn tranh đấu để được như thế. Nếu bao giờ có cuộc đàm phán, Chính phủ cũng không giấu dân vì nước mình chưa phải là một nước ngoại giao bí mật”85.
Ngày 23/02/1953, Báo Cứu quốc đăng bài “Canh giả hữu kỳ điền” của Bác (ký tên C.B) giải thích tên bài báo “có nghĩa là dân cày có ruộng, ruộng đất của dân cày lại trả lại cho dân cày. “Dân cày có ruộng” chỉ là một chính sách dân chủ, nó không phải là chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội”86.
Ngày 23/02/1958, Bác đến thăm hội nghị cán bộ tỉnh Sơn Tây đang học tập Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân... vừa họp tại Mátxcơva (11/1957). Bác căn dặn: “Các xã họp lại thành cả nước. Nước ta mạnh là do cán bộ và nhân dân các xã đồng tâm, nhất trí, đoàn kết chặt chẽ. Muốn cho Đảng mạnh thì chi bộ phải vững chắc. Muốn chi bộ vững chắc thì mọi đảng viên phải có đạo đức cách mạng, phải làm đúng đuờng lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, phải gần gũi và đoàn kết với quần chúng”87.
Ngày 23/02/1960, Bác Hồ thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn nêu lên 10 nhiệm vụ để thúc đẩy phát triển ở một tỉnh biên giới và thực hiện tốt đoàn kết dân tộc, đoàn kết Việt - Trung.
Ngày 23/02/1962, dự họp Bộ Chính trị bàn về tình hình quốc tế và công tác đối ngoại, Bác căn dặn: “Cần có sự kiểm tra, đôn đốc các cán bộ ngoại giao và nhắc nhở họ: Ra ngoài đừng tham”88. Bàn về cách mạng miền Nam, Bác lưu ý phải nắm được đặc tính của cuộc chiến tranh, chuẩn bị quan điểm để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô, phải quan tâm đến đồng bào Thượng và kiên trì khẩu hiệu: “Trường kỳ gian khổ, nhất định thắng lợi”.
Cũng trong tháng 02/1962, Bác nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ. Với kinh nghiệm của một nhà hoạt động cách mạng từng trải, Bác kết luận: “Tóm lại, các chú muốn bảo vệ tốt phải có kỹ thuật, phải giữ được bí mật và phải có thái độ tốt đối với đồng bào”89.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Ghi chú
75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 453-454.
76. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 54-55.
77,78. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 55 - 56, 61.
79. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 223.
80. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 195.
81. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 64.
82. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 513.
83. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 166.
84. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 353.
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 186.
86. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 5, tr. 293-294.
87. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 46.
88. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 200.
89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 517.
90. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 51.