Chỉ mục bài viết

Ngày 24/02

“Một quân đội văn hay võ giỏi là một quân đội vô địch”.

Ngày 24/02/1920, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Vĩnh San (Cựu hoàng Duy Tân), lúc này đang bị đày tại đảo Rôniung (Rounion) ngoài Ấn Độ Dương gửi qua chủ nhiệm tờ “L’ Humanitộ” (Nhân Đạo).

26 năm sau, ngày 24/02/1946, Bác họp Thường vụ Trung ương đối phó với sự thoả hiệp Pháp - Hoa cũng như sự quấy phá của những thế lực đang đòi chia quyền lãnh đạo vào thời điểm chuẩn bị triệu tập Quốc hội.

Ngày 24/02/1947, Bác viết thư gửi Ủy viên Cộng hòa Pháp G.Xanhtơni (J.Sainteny), tiếp tục kêu gọi hòa bình: “Chỉ cần nước Pháp công nhận nền độc lập và sự thống nhất của Việt Nam thì ngay lập tức cuộc chiến sẽ ngừng, hòa bình và niềm tin cậy lẫn nhau sẽ trở lại, và chúng ta sẽ lại có thể bắt tay vào công cuộc lao động và kiến thiết vì hạnh phúc chung của hai dân tộc chúng ta”90. Bức thư đó bị chặn lại... và sau này Xanhtơni đã cay đắng cho rằng nước Pháp thua trận chỉ vì không chìa bàn tay của mình với Hồ Chí Minh.

Ngày 24/02/1948, nhận được thông báo là tất cả bộ đội Khu II và Khu III đều biết đọc, biết viết, Bác Hồ viết thư khen ngợi: “Đó là một thắng lợi to cho quân đội ta, cho Chính phủ ta và cho dân tộc ta.

Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực. Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng. Bộ đội ta tiêu diệt được giặc dốt, tức là tiêu diệt được một lực lượng hậu thuẫn của thực dân... Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch!”91.

Cũng trong tháng 02/1948, Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị Tư pháp toàn quốc nhấn mạnh: “... Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp (chăm lo việc công, giữ gìn pháp luật), chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”92.

Nhân Rằm tháng Giêng Canh Dần (24/02/1950), Bác làm bài thơ “Nguyên tiêu”:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang, Xuân thuỷ tiếp Xuân thiên.

Yên ba thâm xứ đàm quân sự.

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”93.

Xuân Thuỷ dịch:

“Rằm Xuân lồng lộng trăng soi,

Sang xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Ngày 24/02/1959, trong thư trả lời, Bác biểu dương những thành tích đơn vị đó đạt được, cảm ơn đã biếu Bác quà và đề nghị dùng một bộ để làm giải thưởng thi đua.

Ngày 25/02

“Quân đội phải gắn chặt với dân”.

Cuối tháng 02 của một số năm có nhiều sự kiện quan trọng nhưng chưa xác định được ngày cụ thể. Nếu như cuối tháng 02/1940, với biệt danh là “Ông Trần”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đó có mặt ở Côn Minh tiếp xúc với đồng chí Vũ Anh để tìm cách trở về nước; thì đến cuối tháng 02/1941, Nguyễn Ái Quốc đã nắm chắc phong trào trong nước sau khi đặt bản doanh tại hang Pác Bó (Cao Bằng)... Nhưng đến cuối tháng 02/1943, thì nhà cách mạng, lúc này đó mang tên Hồ Chí Minh lại đang trong lao tù của các thế lực quân phiệt của Trung Hoa Quốc dân Đảng.

Đến cuối tháng 02/1944, thì Nhà cách mạng Hồ Chí Minh chẳng những đã được trả tự do lại còn tham gia vào một sự kiện quan trọng. Đó là Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Bằng sự khôn khéo của mình, Bác Hồ đã thành công trong việc thuyết phục cho Việt Minh tham gia và đổi tên thành Đại hội đại biểu các tổ chức cách mạng Việt Nam ở hải ngoại. Đề nghị ấy không những được tướng Trung Hoa Quốc dân Đảng Trương Phát Khuê chấp nhận mà Bác còn được giao triệu tập Hội nghị này. Nhờ thế, Bác đã chủ động lái cuộc Hội nghị được triệu tập vào cuối tháng 3 năm đó theo chiều hướng có lợi cho sự nghiệp của Việt Minh và ngăn chặn từ gốc âm mưu “Hoa quân nhập Việt”.

Ngày 25/02/1946, Bác dự họp Hội đồng Chính phủ và cùng ngày đã thỏa thuận được với Xanhtơni rằng cần phải tạo không khí hòa dịu để cuộc đàm phán sau này thuận lợi và xác định lập trường của mình là “Độc lập và Hợp tác” trong quan hệ với nước Pháp.

Ngày 25/02/1952, sau Chiến thắng Hòa Bình, Bác gửi thư đến Ban chỉ huy Mặt trận và các chiến sĩ: “Tôi căn dặn cán bộ, chiến sỹ và đồng bào: chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch… Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta, và đó làm cho địch thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công...”94.

Ngày 25/02/1961, bế mạc Hội nghị của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Quân đội ta là Quân đội Nhân dân. Chiến tranh của ta là Chiến tranh Nhân dân. Quân đội phải gắn chặt với dân. Trong quân đội, tác phong đồng cam cộng khổ là rất quan trọng. Trang bị kỹ thuật phải tiến lên, nhưng sinh hoạt của bộ đội phải phù hợp với sinh hoạt của nhân dân”95.

Ngày 25/02/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chào mừng Hội nghị Nhân dân Đông Dương (họp tại Phnôm Pênh, thủ đô Vương quốc Campuchia từ ngày 1 đến 09/3/1965) vạch rõ đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, và năm 1962 về Lào, xâm phạm chủ quyền các quốc gia của ba nước Đông Dương và kết luận: “Nhân dân ba nước anh em Việt Nam, Campuchia và Lào vốn đã luôn luôn cùng nhau sát cánh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mở rộng do Mỹ gây nên, nhân dân ba nước chúng ta đoàn kết chặt chẽ chống đế quốc Mỹ, thì chúng ta nhất định thắng lợi”96.

Ngày 26/02

“Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm”.

Báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đang bị ốm phải điều trị tại một bệnh viện ở Pari và chúng thu thập được bức thư đề ngày 26/02/1921 được tác giả xác định: Hiện nay tôi vẫn còn ở trong bệnh viện và nằm trên giường viết lá thư này. Thư khuyên đồng bào nên đọc tờ “Le Libertaire” (Người Tự do) Mặc dù là tờ báo vô Chính phủ (anarchiste) những bài báo từ nghị luận đến bài diễn thuyết đều rất hay.

Nguyễn Ái Quốc phân tích một bài báo đăng trên tờ “Le Courrier d’ Haiphong” (Tin tức Hải Phòng) và cho rằng tuy nó đã viết rất tệ đối với chúng ta, nhưng phải công nhận là họ nói đúng. Nếu lúc nào chúng ta cũng cúi đầu thật thấp thì tránh sao được sự khinh thị của họ... Nếu tất cả mọi người đều làm những việc có ích cho Tổ quốc thì thiên hạ mới kính phục.

Ngày 26/02/1947, Bác thảo điện mật gửi phái viên của Chính phủ tại Thanh Hóa yêu cầu nhanh chóng củng cố quyền lực của chính quyền ở 6 châu thượng du, đồng thời nhắc lãnh đạo tỉnh phải đăng lá thư “Gửi đồng bào thượng du”, động viên các vị quan lang và dân chúng để củng cố hậu phương vào thời điểm chiến tranh đang lan rộng.

Thư viết: “Trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, đồng bào thiểu số đã tỏ lòng nồng nàn yêu nước... Tôi nhận được nhiều thơ của đồng bào Thổ, Mường, Nùng, Mèo, Mán, vân vân, đều nói kiên quyết ủng hộ Chính phủ, kháng chiến đến cùng, chống giặc thực dân, để giữ gìn giang sơn đất nước... Tôi thay mặt Chính phủ, cảm ơn đồng bào, và trân trọng hứa rằng: Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, Tổ quốc và Chính phủ sẽ luôn luôn ghi nhớ những công lao của các đồng bào...”97.

Ngày 26/02/1949, Bác viết thư cho Trường Y tá Liên khu I căn dặn: “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sỹ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh”98.

Ngày 26/02/1959, tại lễ tiễn đưa Đoàn đại biểu Chính phủ ta sang thăm Inđônêxia, Bác nói: “Chắc rằng lúc chúng tôi trở về sẽ đem theo món quà quý báu tức là tình hữu nghị của nhân dân Inđônêxia đối với nhân dân ta”99 và căn dặn ở nhà đồng bào cùng Chính phủ tập trung chống hạn, phát triển kinh tế “nông nghiệp và công nghiệp như hai chân của một người. Nông nghiệp và công nghiệp có khỏe, kế hoạch mới hoàn thành. Muốn thế, phải có sức khỏe, muốn khỏe bây giờ phải trị và phòng bệnh cúm”100. Khi quá cảnh tại thủ đô Miến Điện, Đoàn được Tổng thống quốc gia này đón tiếp một cách trọng thị.

Ngày 27/02

“Đã có quyền thì phải làm tròn nghĩa vụ”.

Báo cáo của mật thám Pháp cho biết trong ngày 27/02/1923, Nguyễn Ái Quốc họp chi bộ Đảng Cộng sản Pháp tại số nhà 52 đường “Balagny”, quận 17, Pari.

Ngày 27/02/1946, Bác ra “Lời hiệu triệu” kêu gọi đồng bào cảnh giác và đấu tranh với thủ đoạn “chiến tranh tinh thần” rất thâm độc của thực dân Pháp bằng cách: “Thực hành trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng quân sự (dũng cảm, kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tăng gia, sản xuất), bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù), trước hết là bằng tinh thần: Bại không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác, được trận này không chểnh mảng, chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.

Như thế, mà phải nhất định như thế, thì chúng ta mới được thắng lợi và giành được độc lập hoàn toàn”101.

Ngày 27/02/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời thủ đô Miến Điện và đặt chân tới thủ đô Giacácta của Inđônêxia, Tổng thống Xucácnô, Chính phủ và nhân dân Inđônêxia đã nồng nhiệt đón Đoàn. Và cùng ngày hôm ấy, ở trong nước ban hành sắc lệnh của Chủ tịch Nước cho phép Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành các loại giấy bạc mới với mệnh giá cao nhất là 10 đồng và thấp nhất là tiền kim loại 1 xu, đồng thời tổ chức đổi tiền theo phương thức 1000 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới.

Ngày 27/02/1961, dự và phát biểu tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, Bác nhấn mạnh: “Ngày nay, tất cả những người lao động - lao động chân tay và lao động trí óc - đều phải nhận thật rõ: Mình là người chủ nước nhà. Đã có quyền hạn làm chủ, thì phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ. Nghĩa vụ đó là: cần kiệm xây dựng nước nhà...”102.

Ngày 28/02

“Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”.

Ngày 28/02/1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Anh đề nghị gửi cho mình các tờ báo cánh tả kèm theo cả mấy tờ báo cánh hữu, báo “tư sản để che mắt và ứng phó “nếu cảnh sát thấy rằng chúng tôi nhận các báo chí “lật đổ”103.

Cùng ngày, trong thư gửi “Các đồng chí Liên Xô”, Nguyễn Ái Quốc cho biết sẽ viết cuốn sách tiếng Việt “Những kỷ niệm về cuộc du lịch của tôi” được giới thiệu là sẽ “sinh động, hấp dẫn, dễ đọc và có nhiều mẩu chuyện” 106 kèm theo một đề cương khá chi tiết. Đây chính là những ý tưởng của tác phẩm “Nhật ký chìm tàu” ra đời vào cuối năm đó (1930) với nội dung giới thiệu những đổi thay trên đất nước của Lê-nin.

16 năm sau, ngày 28/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ để bàn về những việc cấp bách của công cuộc xây dựng xã hội mới và buổi chiều hôm đó, dự họp liên tịch giữa các đảng phái để bàn chương trình ra mắt Chính phủ Liên hiệp tại Quốc hội.

Ngày 28/02/1949, trả lời tờ “France Soir” (Nước Pháp buổi chiều) về việc Bảo Đại ký Thỏa ước Hạ Long với Pháp để thiết lập Chính phủ bù nhìn, Bác khẳng định: “Chỉ có độc lập thật sự và thống nhất thật sự mới có thể làm thỏa mãn nguyện vọng Việt Nam”105 và bác bỏ khả năng có thỏa uớc với Bảo Đại: “Trong một nước, làm gì có thỏa ước giữa một tư nhân công dân với Chính phủ do toàn dân cử ra!”108.

Ngày 28/02/1959, phát biểu chào mừng tại Quốc hội Inđônêxia, Bác nói: Lịch sử 2 nước chúng ta chứng tỏ rằng: Đoàn kết toàn dân là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi của chúng ta. Sự đoàn kết Á - Phi cũng là yếu tố quan trọng để chiến thắng chủ nghĩa thực dân đế quốc và nhắc lại phát biểu của Tổng thống Xucácnô khi thăm Việt Nam là: Những quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Inđônêxia và nhân dân Việt Nam sẽ đời đời bất diệt nhờ những điểm giống nhau căn bản: Đó là bảo vệ hoà bình thế giới và chủ quyền dân tộc.

Trong bức điện ngày 28/02/1962 gửi Đại hội Liên hoan Thanh niên Thế giới lần thứ 8 họp tại thủ đô Phần Lan Henxinki, Bác viết: “Cuộc Đại hội liên hoan thế giới tạo thuận lợi cho hàng ngàn thanh niên các nước khác nhau tiếp xúc hiểu biết và thương yêu nhau hơn..., Đại hội liên hoan giúp thanh niên thống nhất lại lực lượng để đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa thực dân vì độc lập dân tộc, vì tình hữu nghị, vì sự hợp tác và hòa bình thế giới.

Mục tiêu của các bạn là cao quý.

Lực lượng của các bạn là vĩ đại.

Tương lai các bạn là rực rỡ”109.

Ngày 28/02/1969, tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng do Bác sĩ Phùng Văn Công dẫn đầu, Bác tâm tình: “Tôi hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt, thì nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi xin phép chỉ nói một câu thôi:

“Bao giờ Nam - Bắc một nhà,

Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”110.

Ban Biên tập  (tổng hợp)

Còn nữa

---------------

 90. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 51.
91, 92, 93. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 379-380, 382, 378.
94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 423.
95. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 34-35.
96. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 398.
97,98. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 70, 567.
99,100. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 345.
101. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 188.
102. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 35.
103, 104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 30, 27.
105. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 568.
106 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 568.
107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 514.
1 10 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 329.

Bài viết khác: