Ngày 08/02
“Chúng tôi phải là chủ nhân của đất nước chúng tôi!”.
Ngày 08/02/1931, Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản thông báo về phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Đông Dương và việc Đảng đã đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Chỉ 10 năm sau, năm 1941, Bác Hồ đã trở về nước sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Hồi ký của Lê Quảng Ba viết: Chúng tôi được theo Bác từ Nậm Quang về nước... Vượt lên một đoạn dốc ngắn rồi xuống một núi dài lởm chởm đá, tôi nhận ra cây si mọc không xa cột mốc 108. Mốc đá như một tấm bia. Bác dừng lại, cúi đọc chữ Hán và chữ Pháp khắc sâu ở cả hai mặt đá... Người nhìn sâu vào khoảng đất trời Tổ quốc biết bao đẹp đẽ nhưng đầy đau thương... Ngày 08/02/1941, Bác chọn hang Cốc Bó (nghĩa là “đầu nguồn”) ở làng Pác Bó (Cao Bằng) và nói với mọi người: Mình vừa nẩy ra cái ý hay, dòng suối này của ta đẹp quá, trong xanh như ngọc, lại bắt nguồn từ đây, nên đặt tên là Suối Lê-nin. Còn ngọn núi hùng vĩ phía sau, bên phải kia, chúng ta gọi là Núi Các Mác... Cảm xúc về nơi ở đầu tiên trong lòng Tổ quốc, Bác làm mấy câu thơ:
Non xa xa, nước xa xa.
Nào phải thênh thang mới gọi là.
Đây suối Lê-nin, kia núi Mác.
Hai tay xây dựng một sơn hà”27.
Năm 1946, sơn hà đã giành được độc lập nhưng lại đang đứng trước mưu đồ quay trở lại của thực dân Pháp. Ngày 08/02/1946, tiếp tướng Xalăng (Salan) đến cảm ơn việc vừa đi thăm binh sĩ Pháp đang điều trị tại Nhà thương Đồn Thủy. Bác đáp từ: “... Hôm đó là ngày Tết Nguyên đán. Tôi vui mừng được có dịp bày tỏ tình cảm của tôi đối với nước Pháp... Nhưng rất tiếc, những sự kiện ở Nam bộ và thái độ của Chính phủ Pháp đang khơi cái hố giữa các ngài và chúng tôi” và thẳng thừng bác bỏ đề nghị cho quân Pháp đứng ra lập lại trật tự: “Nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc... Chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ, chúng tôi muốn sống tự do. Chúng tôi muốn có quan hệ rất nhiều về kinh tế với Pháp. Chúng tôi muốn có những quan hệ rộng lớn nữa về văn hóa. Chúng tôi muốn có những cán bộ chuyên viên kỹ thuật người Pháp trên mọi lĩnh vực. Nhưng chúng tôi phải là chủ nhân trên đất nước chúng tôi!”28.
Ngày 08/02/1960, Báo Nhân Dân đăng bài “Quỹ đen... Quỹ trắng” của Bác phê phán việc lập quỹ bất hợp pháp tại nhiều địa phương, cơ quan: “Quỹ đen chính là... cắt xén quỹ công. Chi thì lu bu, ù xoẹ... Chúng ta sẵn sàng xiết chặt thêm trăm nghìn sợi dây ràng buộc để tiêu diệt hẳn lối làm lộn xộn đó. Phải chặt chẽ hơn nữa trong việc dùng tiền dành dụm của chúng ta, để tiến nhanh tới cuộc sống no ấm đầy đủ cho mọi người”29.
Ngày 08/02/1963, dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về dự án công trình xây dựng thuỷ điện Thác Bà, Bác yêu cầu: "Phải đặc biệt lưu ý hai vấn đề:
- Tổ chức công trường cho tốt;
- Tổ chức di dân cho tốt"30.
Ngày 09/02
“Chúng ta phải loại trừ cái tệ thiếu dân chủ...”
Nguyễn Ái Quốc đang có mặt ở Quảng Châu tập trung vào công việc tổ chức lực lượng trong đó soạn thảo một văn kiện có tên là “Dự thảo Điều lệ Đảng” gồm 14 điểm trong đó tuy chưa xác định được tên gọi nhưng mục đích (tôn chỉ) đưa ra là rõ ràng: “a) Hoạt động giác ngộ anh em và giành chính quyền; b) hoạt động vì hạnh phúc của giai cấp vô sản - người lao động và thợ thủ công”31 kèm theo những quy định rất cụ thể liên quan đến công tác tổ chức. Đây chính là tiền đề cho việc ra đời Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí tập hợp những chiến sĩ yêu nước Việt Nam đang khao khát hành động. Tài liệu đề rõ thời điểm in là “tháng 02/1925”.
Ngày 09/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn toàn thể đồng bào trong dịp Tết “tự mình tiết kiệm bớt ăn Tết mà úy lạo các chiến sĩ rất hậu... Lòng tốt của đồng bào tỏ rằng, chúng ta quân dân nhất trí, nên dù gian khổ mấy, trường kỳ kháng chiến cũng nhất định thắng lợi”32. Cùng ngày, đáp lại câu hỏi với điều kiện nào Chính phủ Việt Nam ngừng chiến tranh của phóng viên Hãng thông tấn Reuter, Bác trả lời: Khi những mục tiêu thống nhất và độc lập của nhân dân Việt Nam đạt được sẽ ngừng chiến và hòa giải ngay!.
Ngày 09/02/1958, tiếp tục chuyến thăm Ấn Độ, vãn cảnh Lăng Tagiơ Mahan nổi tiếng thế giới được mệnh danh là “bài thơ đá gấm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi: “Ngày xưa nhân dân lao động Ấn Độ độ xây dựng những cung điện lâu đài cực kỳ đồ sộ. Ngày nay, nhân dân Ấn Độ dùng tài năng và lực lượng của mình làm những nhà máy to, đắp những đập nước lớn, để làm cho nước nhà giàu mạnh, con cháu mình sung sướng. Điều đó chứng tỏ rằng nhân dân Ấn Độ có một quá khứ vẻ vang và một tương lai càng rực rỡ”33.
Ngày 09/02/1961, Báo Nhân Dân đăng bài “Một chi bộ tốt ở nông thôn” ký bút danh T.L biểu dương chi bộ xã Kim Anh (Hà Đông) lãnh đạo khéo nên sau ba năm đã biến một xã nghèo thành một xã tiên tiến và đưa ra kết luận: Chi bộ tốt là: “Chi bộ nào chấp hành tốt các chính sách của Đảng; đi đúng đường lối quần chúng; củng cố và phát triển tốt hợp tác xã nông nghiệp, không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân, đảng viên gương mẫu và được dân tin, dân phục, dân yêu”34.
Ngày 09/02/1967 là mồng Một Tết Đinh Mùi, kết thúc “Thư chúc mừng năm mới” Bác lại dành viết mấy vần thơ:
“Xuân về xin có một bài ca,
Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
Tin mừng thắng trận nở như hoa!”35.
Đến chúc Tết Trung đoàn Không quân tiêm kích thuộc Đoàn Sao Đỏ, Bác mong Không quân nhân dân đoàn kết, học tập tiến bộ, đánh giỏi, đạt nhiều thắng lợi mới. Và khi gặp gỡ đồng bào xã Tam Sơn (Tiên Sơn, Hà Bắc), Bác căn dặn: Chúng ta phải loại trừ cái tệ thiếu dân chủ, loại trừ cái thói quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí. Cùng ngày mồng Một Tết Đinh Mùi, Bác thăm và chúc Tết nhân dân Tam Sơn, Tiên Sơn, Hà Bắc.
Ngày 10/02
“Vào Đảng để làm đầy tớ cho dân...”.
Ngày 10/02/1901 (tức là ngày 22 tháng Chạp năm Thành Thái thứ 12, Tân Sửu), cụ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời tại Huế. Sau sự cố đó, cậu bé Nguyễn Sinh Cung mới 11 tuổi được cha gửi về Nghệ An cho bà ngoại chăm sóc và bắt đầu theo học chữ Hán.
38 năm sau, ngày 10/02/1939, cậu bé Nguyễn Sinh Cung năm xưa đã trở thành một nhà cách mạng từng trải. Đang hoạt động tại Trung Quốc, từ Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc trong vai Thiếu tá Hồ Quang, nhân viên điện đài, cùng với tướng Bát Lộ quân Diệp Kiếm Anh đến Nam Nhạc (tỉnh Hồ Nam) tham huấn luyện về chiến tranh du kích trong thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác để chống phát xít Nhật.
8 năm sau đó, ngày 10/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình họp bàn việc đẩy mạnh kháng chiến - kiến quốc và đưa ra khẩu hiệu nước nhà trên hết, dân tộc trên hết, kháng chiến thắng lợi hơn hết!.
Ngày 10/02/1948 là ngày mồng Một Tết Mậu Tý, Bác Hồ động viên cả nước bước vào năm thứ hai của cuộc kháng chiến bằng bài thơ:
“Năm Hợi đã đi qua,
Năm Tý vừa bước tới.
Gửi lời chúc đồng bào,
Kháng chiến được thắng lợi;
Toàn dân đại đoàn kết,
Cả nước dốc một lòng,
Thống nhất chắc chắn được,
Độc lập quyết thành công”36.
Cũng trong ngày này, bác khai bút bằng bài “Thanh niên phải làm gì?” đăng trên Báo Nhân Dân. Sau khi phân tích những hạn chế của tổ chức và phong trào thanh niên, Bác nêu lên những đòi hỏi:
“Thanh niên cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập.
Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị.
Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được.
Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, luôn học, học mãi. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp.
Phải có lòng kiên quyết tham gia kháng chiến để tranh cho kỳ được thống nhất và độc lập, dân chủ và tự do.
Như thế, mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà”37.
Ngày 10/02/1962, gửi thư tới Hội nghị các nhà văn Á - Phi lần thứ hai, Bác biểu dương: “Cây bút phục vụ chính nghĩa trong tay nhà văn chiến đấu có một lực lượng cực kỳ mạnh mẽ”38.
Ngày 10/02/1965, Bác tham dự lễ ký Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Liên Xô, kết thúc chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Liên Xu A. Côxưghin (từ ngày 6 đến ngày 10/02/1965). Đó là thời điểm Mỹ đẩy cuộc Chiến tranh phá hoại lên quy mô ác liệt hơn trước (từ ngày 07/02) và Bản Tuyên bố chung khẳng định cam kết của Liên Xô ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta.
Ngày 10/02/1967 là mồng Hai Tết Đinh Mùi, thăm Hợp tác xã Tảo Dương (Thanh Oai, Hà Tây) và phát biểu về vai trò của Đảng, Bác nhấn mạnh: “Mình vào Đảng để làm đầy tớ cho dân... Làm đầy tớ nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân”. Muốn có đảng viên tốt thì phải xây dựng được các chi bộ tốt thật sự: “Nếu không là tự mình lừa mình”39.
Ngày 11/02
“Phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.
Ngày 11/02/1920, Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết về đề tài “Chủ nghĩa bônsêvích ở Châu Á” tại Hội nghị những thanh niên cộng sản tại Pari.
Còn ngày 11/02/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự khai mạc Đại hội Đảng lần thứ II và đọc Báo cáo Chính trị đặt ra yêu cầu cấp bách “chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên Đảng Lao động Việt Nam... kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng... Đảng Lao động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin… tổ chức theo chế độ dân chủ tập trung… có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác… dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng”. Nhà sáng lập của Đảng khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam phải là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch và cách mạng triệt để... Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”40.
Ngày 11/02/1960, Báo Nhân Dân đăng bài “Không để một khe hở” biểu dương những người dân bình thường phát hiện cho báo Đảng những hiện tượng lãng phí và cho rằng “họ đáng làm gương cho một số người được Nhà nước giao cho trông nom hoặc sử dụng của cải chung mà chưa làm trọn trách nhiệm”41.
Tác giả cũng đánh giá: Nhưng nhìn chung, thì trên mặt trận này, vòng vây của chúng ta chưa xiết chặt lắm! Vì vậy của cải dành dụm của chúng ta không những rơi vãi một phần vào cái hố lãng phí, mà còn bị bọn tham ô đục khoét mất một phần khác... Bắt giam hết bọn ăn cắp ấy ư? Trừng phạt chúng thật nặng ư? Việc đó không phải chúng ta không làm. Nhưng điều quan trọng nhất... vẫn là phải gây chung quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức. Phải không còn một ai vỗ vai gượng nhẹ với chúng nữa! Có như vậy, mới ngăn chặn được những hành động ăn cắp của công và mới bảo vệ được tích luỹ của chúng ta42.
Ngày 11/02/1967, Bác họp Bộ Chính trị để bàn việc trả lời Giáo hoàng Pun (Poluyt) VI và Tổng thống Mỹ L.B.Giônxơn (L.B.Johnson). Giữa lúc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đang diễn ra khốc liệt, lại cũng là lúc phong trào phản chiến phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 195.
28. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 151.
29. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 55-56.
30. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 364.
31 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 434.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 45.
33. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 103-104.
34. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 277.
35. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 192.
36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 337.
37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 375.
38. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 513.
39. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 34.
40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 174-175.
41, 42. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 57, 58.