Chỉ mục bài viết

Ngày 01/6

“Người chủ tương lai của nước nhà”.

Ngày 01/6/1922, trên báo L’ Humanité (Nhân Đạo) Nguyễn Ái Quốc viết bài báo “Bình đẳng”, mở đầu bằng câu: “Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, bình đẳng”1.

Tiếp tục cuộc hành trình sang thăm nước Pháp, ngày 01/6/1946, máy bay từ sân bay “Pegou” (Miến Điện) chở Chủ tịch Hồ Chí Minh bay tiếp 1.093km rồi hạ cánh xuống thành phố Cancútta của Ấn Độ. Nhà cầm quyền Anh và lãnh sự Pháp đã tiếp đón, đoàn lưu lại đây trong hai ngày.

Ngày 01/6/1947, báo Sự Thật đăng bài “Cán bộ tốt và cán bộ xoàng” của Bác (ký bút danh A.G) viết về công tác cán bộ: “Kháng chiến là một lò đúc cán bộ. Nơi nào mà các cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển... Kháng chiến lại là một viên đá thử vàng đối với cán bộ” và kết luận: “Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn. Những đồng chí cán bộ, phải gắng tiến lên mãi. Những ông cán bộ xoàng, xin mau mau sửa đổi”2.

Ngày 01/6/1949, báo Cứu Quốc đăng tiếp bài “Thế nào là Liêm?” (ký Lê Quyết Thắng). Bài báo phân tích: “Liêm là trong sạch, không tham lam. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là LIÊM... Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ LIÊM có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải LIÊM... Có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam... Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không LIÊM, không bằng súc vật”... Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”... “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM... Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân... Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ...”3.

Ngày 01/6/1950, Bác viết “Thư gửi thiếu nhi toàn quốc” trong đó người lãnh đạo cuộc kháng chiến đã hứa với các cháu: “Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”4, và cứ đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6 hàng năm, Bác Hồ đều có thư gửi các cháu thiếu nhi Việt Nam và thế giới. Ngày 01/6 cuối cùng trong cuộc đời (1969), Bác viết bài báo “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”5.

Ngày 02/6

“Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm”.

Ngày 02/6/1911, Nguyễn Tất Thành, xuống tàu “Amiral Latouche Trêville” của Hãng Năm sao (Charges Réunis) đang chuẩn bị rời bến cảng Sài Gòn qua cảng Mácxây (Marseille) của nước Pháp để xin việc.

Ngày 02/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại thành phố Cancútta, đến chào Toàn quyền Anh, đến thăm một tòa báo và tiếp xúc với giới báo chí ở Ấn Độ, cùng một số bà con Việt kiều sống tại đây. Từ đây, Bác rất chu đáo gửi về nước bức điện cho Chính phủ: “Chúng tôi đã đến Cancútta được bình yên cả. Chúng tôi nhờ Chính phủ cảm ơn đồng bào ta và các bạn người Pháp đã tiễn chúng tôi ở Gia Lâm. Tôi gửi những cái hôn cho các cháu”6.

Ngày 02/6/1949, báo Cứu Quốc đăng tiếp bài “Thế nào là Chính” của Bác, ký bút danh là Lê Quyết Thắng. Bài báo phân tích: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn... Làm việc CHÍNH, là người THIỆN... Làm việc TÀ là người ÁC... Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác... Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ. Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý... Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dự lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm... Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định được nhiều hạnh phúc”7.

Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời báo Pháp “Franc-Tireur” khẳng định lập trường: “Quan niệm hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam của tôi vẫn không thay đổi”. Về những cải cách xã hội đã làm: “Đã thanh toán gần hết nạn mù chữ, tránh được nạn đói kém, thủ tiêu những thứ thuế má nô lệ. Về việc cải cách ruộng đất, giảm địa tô hai mươi lăm phần trăm. Không chia ruộng đất”. Với câu hỏi: “Nếu quả thật Cụ là người cộng sản thì lý tưởng của riêng Cụ khác với ý nguyện độc lập quốc gia của nhân dân Việt Nam ở điểm nào?”, Bác trả lời: “Lý tưởng chung của tôi và của nhân dân Việt Nam là nước nhà độc lập thống nhất thực sự”. Và Bác khẳng định: "Chúng tôi bao giờ cũng trọng ở sức mình. Chúng tôi không sợ ai cả. Không nước nào có thể thống trị được chúng tôi”8.

Ngày 02/6/1950, báo Cứu Quốc đăng thư cảm ơn của Bác trong đó bày tỏ: “Về phần tôi, tôi xin báo cáo với chiến sỹ và đồng bào rằng: 60 tuổi cũng còn thanh niên chán. Tôi vẫn đủ tinh thần và sức khoẻ để cùng chiến sỹ và đồng bào đánh đuổi giặc Pháp, tranh lại độc lập và thống nhất thực sự cho Tổ quốc, hợp sức với các nước bạn để giữ gìn dân chủ và thế giới hòa bình”9.

Ngày 03/6

“Lãnh đạo ai cũng vậy, phải có lý có tình”.

Ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành chính thức được nhận việc tại tàu Đô đốc Latouche Trêville của Hãng Vận tải Hợp nhất với cái tên mới là Văn Ba.

Ngày 03/6/1926, từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản về những công việc đã làm kể từ khi tới đây như tổ chức một tổ bí mật, một Hội Liên hiệp Nông dân của những đồng bào Việt Nam sống tại Xiêm (Thái Lan), một tổ thiếu nhi, một tổ phụ nữ cách mạng, một trường huấn luyện chính trị và xuất bản tờ báo Thanh Niên. Báo cáo cũng nhắc đến Hội Liên hiệp các Thuộc địa ở Pari, về hai tờ báo Le Paria (Người Cùng Khổ) và “Việt Nam Hồn” và yêu cầu được cung cấp báo chí và tài liệu tuyên truyền.

Tiếp tục hành trình thăm nước Pháp, ngày 03/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm “Chandernagore”, một thuộc địa của Pháp trên đất Ấn Độ, thết tiệc lãnh sự Pháp và gặp gỡ kiều bào. Trả lời một tờ báo lớn ở Cancútta về vấn đề “Liên bang Đông Dương” và “Liên hiệp Pháp”, Chủ tịch nước Việt Nam nói rõ quan điểm “Thực là một sự mỉa mai nếu lại đặt cho Đông Dương một viên toàn quyền, song tôi hy vọng rằng cuộc đàm phán chính thức ở Pari sẽ có kết qủa tốt... Việt Nam không có tham vọng gì về đất đai của hai nước láng giềng. Hiện giờ, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và hai nước đó chưa có”10. Về cuộc xung đột Pháp - Xiêm, Nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng: “Việc đó thuộc thẩm quyền của Pháp” và bày tỏ cảm tình đối với đất nước Ấn Độ.

Cùng ngày, ở trong nước, báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung bộ in tại Thuận Hóa (Huế) đăng bức thư của Bác “Gửi Trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi” để cảm ơn những bức tranh thêu và thư của các trại viên tặng. Thư viết: “Trước hết, tôi cám ơn tấm lòng thân ái của anh em đối với tôi. Hai là tôi phải khen rằng anh em thêu rất khéo. Bức thêu đó đã chứng tỏ rằng: Thủ công mỹ nghệ của nước ta mai sau chẳng những có thể tranh đua mà lại có thể tranh giải nhất của thủ công mỹ nghệ trong thế giới... Tôi ao ước rằng: Nhờ sự cần kiệm của anh em, “Trại nhà nghèo” sẽ mau tiến bộ thành “Trại nhà khó “, rồi dần dần thành “Trại nhà giàu” làm kiểu mẫu cho anh em khác”11.

Tháng 6/1963, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hà Huy Giáp gặp Bác để nhận nhiệm vụ mới. Trong hồi ức “Đời tôi, những điều nghe thấy và sống”, Hà Huy Giáp thuật lại những chỉ bảo của Bác khi điều động ông sang Bộ Văn hóa phụ trách các hội văn nghệ: “Văn hóa, văn nghệ thì không tiếp xúc được tập thể. Họ đòi tình cảm là chính. Phê bình họ, phải lý, tình đi đôi với nhau. Làm họ buồn, họ không sáng tác được... Nói thẳng là tốt, nhưng phải lựa lời mà nói, lựa lúc mà nói... Nói chung, lãnh đạo ai cũng vậy, phải có lý có tình. Đối với văn nghệ sĩ, phải có tình trước, mới đưa họ vào lý... Rốt cuộc, mình hiểu anh em, coi trọng anh em thì anh em coi trọng mình, nghe mình. Văn nghệ sĩ góp phần rất nhiều vào công việc đào tạo con người mới...”12.

Ngày 04/6

“Lương y phải kiêm từ mẫu”.

Ngày 04/6/1946, tiếp tục cuộc hành trình trên đường sang thăm nước Pháp, ngày 04/6/1946, sau chặng đường bay dài 1.630km từ Cancútta, Bác tới thành phố Agra thăm một số di tích của Ấn Độ như lâu đài “Delhi Cate” (thế kỷ XVII), lăng tẩm Hoàng hậu “Taj Mahan” nổi tiếng.

Ngày 04/6/1951, Bác chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ chứng kiến lễ tuyên thệ của Phó Giám đốc Ngân hàng Quốc gia, nghe báo cáo chiến thắng của “Chiến dịch Quang Trung”, lần đầu tiên quân đội ta đánh công kiên ở đồng bằng và cái chết của con trai Thống chế Pháp Đờlát đờ Tátxinhi (De Lattre de Tassigny) tại mặt trận Ninh Bình. Chính phủ cũng thông qua chủ trương và điều lệ của thuế nông nghiệp. Tổng kết phiên họp, Bác nêu lên hai kết quả: “1. Thành công của phiên họp là đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, nhất là vấn đề kinh tế-tài chính. Đó là một sự chuyển hướng lớn. 2. Muốn thực hiện được các công tác quan trọng trên thì trong nội bộ tư tưởng phải thông suốt, phải dựa vào dân và thực hành dân chủ”13.

Cũng trong tháng 6/1951, Bác gửi thư cho Hội nghị tình báo với lời căn dặn: “Tình báo là tai mắt. Tai phải tỏ, mắt phải sáng. Mọi công tác, nhất là công tác tình báo phải tránh chủ quan, khinh địch, hiếu danh và cá nhân chủ nghĩa”14.

Tháng 6/1953, Bác viết thư cho Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc với những huấn thị: “Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công... Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân; Lương y phải kiêm từ mẫu”15.

Cũng trong tháng 6/1953, trong thư gửi Hội nghị cán bộ của Tổng cục Cung cấp năm 1953, Bác căn dặn: “Phải luôn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm. Phải thật lòng thương yêu binh sĩ. Phải chỉnh đốn tổ chức và công tác, và mở rộng dân chủ”16.

Còn trong "Thư gửi các lớp chỉnh huấn cơ quan”, phân tích vì sao phải chỉnh huấn, Bác cho rằng vì: “Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác, như: Tự tư tự lợi, sợ khó sợ khổ; không yên tâm công tác. Ham địa vị danh tiếng; Lãng phí, tham ô. Quan liêu, mệnh lệnh, v.v”17.

Ngày 04/6/961, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Tình hình thế giới” phân tích những sự kiện thời sự trong tháng 5 cho thấy “phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình đã giành thêm những thắng lợi mới” được thể hiện trong cuộc đàm phán giữa Pháp với lực lượng kháng chiến Angiêri và Hội nghị Giơnevơ về Lào. Đồng thời, sự can thiệp của Mỹ vào Cuba, Cônggô và Đông Dương trong đó có Nam Việt Nam đòi hỏi “toàn dân ta từ Nam đến Bắc, từ thành thị đến nông thôn, đều phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, khắp nơi phải sẵn sàng đề phòng như trong thời kỳ kháng chiến... Trước kia, nhân dân ta đã thắng thực dân Pháp. Nhân dân ta tỉnh táo thì nhất định sẽ phá tan âm mưu đế quốc Mỹ ngày nay”18.

Ngày 05/6

“Nước ta là một, dân tộc ta là một”.

Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong phận sự của một thủy thủ mang tên Văn Ba làm việc trên chiếc tàu “La Touche Trêville” của Hãng Vận tải Hợp nhất rời bến cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn, khởi đầu hành trình đi tìm đường cứu nước. Nói về sự lựa chọn con đường đi sang Pháp, trong một cuộc trao đổi với nhà báo Nga Ôxớp Manđenxtam (12/1923), Bác cho biết: Năm tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên được nghe ba chữ Pháp “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”... Và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn xem những gì ẩn sau những chữ ấy.

Ngày 05/6/1921, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp tại trụ sở Hội Cộng hòa của các cựu chiến binh để bàn việc thành lập Hội Nghiên cứu Thuộc địa.

Ngày 05/6/1946, sau một chặng bay dài 1.140km, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thành phố Karachi (lúc đó vẫn thuộc Ấn Độ là thuộc địa của Anh, sau này trở thành thủ đô nước Pakíxtan). Theo lệnh của Chính phủ Anh, Thống đốc Karachi đã đón tiếp và chiêu đãi trọng thể.

Ngày 05/6/1952, Bác bắt đầu cho đăng loạt bài báo biểu dương các tấm gương vừa được phong anh hùng trên Báo Nhân Dân. Về Ngô Gia Khảm, người chiến sỹ quân giới “đã tự tay đúc quả lựu đạn đầu tiên của quân đội Việt Nam”19   đã 3 lần gặp tai nạn khi chế tạo thí nghiệm đã “không sợ khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết làm vượt mức nhiệm vụ”20. Về nữ anh hùng du kích Nguyễn Thị Chiên, Bác biểu dương “vì yêu nước, căm giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội”21.

Ngày 05/6/1953, Bác viết bài “Chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ” (ký tên là Đ.X) đăng trên tờ Cứu Quốc xác định những nguyên lý cho sự phát triển: “1. Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới... Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà… 2. Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay... vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức... lợi cả đôi bên. 3. Công nông giúp nhau... 4. Lưu thông trong ngoài...”22.

Ngày 05/6/1967, Bác gửi thư chúc mừng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hoan nghênh thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân 1966 - 1967. Thư nêu rõ: “Nước ta là một, dân tộc ta là một, Nam Bắc cùng nhau quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 17 triệu đồng bào miền Bắc quyết giữ trọn lời thề cùng 14 triệu đồng bào miền Nam ruột thịt, sát cánh kề vai chiến đấu để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước”23.

Ngày 05/6/1968, Bác tặng các chiến sỹ chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ tiền tiêu hai câu thơ nhân trận thắng ngày 31-5:

“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận,

Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”24.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 120.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 170.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 139-140.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 640, 641, 642.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6. tr. 56.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 467.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 248.
8,9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 643-645, 646-647.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 61.
11. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 239.
12. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 239-240.
13. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 411-412.
14,15. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 53, 61.
16,17,18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 88, 90, 91, 92.
19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 364.
20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 504.
21,22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 504, 505.
23. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 221-222.
24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 269, 358.

Bài viết khác: