Chỉ mục bài viết

Ngày 06/6

“Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”.

Ngày 06/6/1931, với danh tính Tống Văn Sơ được sử dụng trong căn cước, Nguyễn Ái Quốc đã bị cảnh sát Hồng Kông bất ngờ vây bắt tại ngôi nhà số 168 đường Tam Lung, Khu Cửu Long. Những đồng chí cách mạng người Việt Nam ở đây đã cấp báo với một luật sư tiến bộ người Anh là ông Phranxít Henri Lôdơbi (Francis Henri Loseby), Giám đốc Công ty luật RUSS ở Hồng Kông đề nghị giúp can thiệp. Và kể từ đây, bắt đầu một sự kiện được gọi tắt là “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”.

Ngày 06/6/1938, đang sống ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Lin đã gửi thư cho “một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản” nêu rõ hoàn cảnh: “Hôm nay là kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi... Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích... đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng...”25. Đây chính là một thời kỳ Nguyễn Ái Quốc phải chịu đựng nhiều thử thách vì những quan điểm độc lập của mình và cũng là thời điểm đang tìm mọi cách để về nước hoạt động.

Ngày 06/6/1941, Nguyễn Ái Quốc viết thư “Kính cáo đồng bào” gửi tới các tầng lớp nhân dân cả nước nhằm triển khai Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng...”26. Bức thư thực sự là một bài hịch cứu nước: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng... Hỡi các chiến sỹ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lũng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!”27.

Ngày 06/6/1946, tiếp tục hành trình trên đường sang thăm nước Pháp, máy bay chở Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Karachi bay 2.610km để tới thành phố Habangna thuộc lãnh thổ Irắc khi đó vẫn là thuộc địa của Anh.

Ngày 06/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đặt ba loại Huân chương cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.

Ngày 06/6/1953, Báo Nhân Dân đăng bài “Phải chống bệnh quan liêu”, trong đó Bác phân tích kết quả cuộc vận động phê bình trong đó có vai trò của báo chí. Tác giả nhấn mạnh: “Quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng. Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân thì tránh được nhiều khuyết điểm... Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí...”28.

Ngày 07/6

“Sống với nhau phải có tình, có nghĩa”.

Ngày 07/6/1931, sau khi bị bắt, Nguyễn Ái Quốc bị tạm giam tại Sở Cảnh sát Hồng Kông và vị luật sư người Anh, H.Lôdơbi đã đến gặp thân chủ của mình. Hồi ức của Lôdơbi kể lại khi sang thăm Việt Nam (1960) viết: “Một hôm, có một người Việt Nam (có thể là Hồ Tùng Mậu) đến gặp tôi và báo cho tôi biết nhà cầm quyền Hương Cảng mới bắt được một người Việt Nam và yêu cầu tôi bào chữa giúp cho người Việt Nam này. Được tin này, tôi đến nhà lao và gặp Tống Văn Sơ, tức Hồ Chủ tịch lúc đó. Tống Văn Sơ kể cho tôi nghe ông bị Pháp ở Đông Dương kết án tử hình và có nhận mặt được một số sĩ quan Pháp ở Hương Cảng. Lúc đó tôi mới biết bọn Pháp ở Đông Dương đã nhờ nhà cầm quyền Hương Cảng bắt Tống Văn Sơ... Sau đó, tôi đến gặp Hội đồng luật sư để xem cần phải làm gì và về chuẩn bị giấy tờ để đến gặp Chánh án...”29.

Ngày 07/6/1946, “Nhật ký hành trình” chép về chuyến đi thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Từ Habagna bay đến Le Caire (thủ đô Ai Cập) 1386 cây số. Khi qua Jêrusalem, máy bay có bay một vòng để mọi người được xem Lăng chúa Jesus... Lúc đến Le Caire có đại biểu sứ thần Pháp ra đón... Nghỉ lại đây 3 hôm”30.

Cùng ngày, ở trong nước, báo Cứu Quốc đăng bài “Đặt kế hoạch tác chiến” (ký tên Q.Th) của Bác giới thiệu binh pháp Tôn Tử nhưng trên một tinh thần thực tiễn: “Biết người, biết mình rồi lại phải so sánh mình với địch xem ai hơn, ai kém để định kế hoạch tác chiến... Chiến tranh ngày nay, đánh ở mặt sau, đánh về kinh tế, về chính trị, về tinh thần cũng không kém phần quan trọng như đánh ngoài mặt trận. Phải biết phối hợp mọi phương pháp ấy mới có thể đi tới thắng lợi hoàn toàn...”31.

Ngày 07/6/1948, phản ứng trước việc thực dân Pháp dựng lên “Chính phủ bù nhìn toàn quốc” tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Ngày nay thực dân Pháp đã đưa ra một Chính phủ bù nhìn toàn quốc, để mưu bán Tổ quốc Việt Nam cho chúng. Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ theo pháp luật nước nhà trừng trị bọn phản quốc ấy”32.

Ngày 07/6/1968, Bác mời một số cán bộ đến bàn về loại sách “Người tốt, việc tốt”. Bác nói: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường... Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!... Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa... Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin được... Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình”33.

Ngày 08/6

“Việt Bắc là rừng vàng, núi bạc”.

Ngày 08/6/1911, tàu “Amiral Latouche Trêville” trên đó có thủy thủ Văn Ba ghé cảng Xingapo trên hải trình qua Pháp.

Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc viết thư từ biệt các bạn cùng hoạt động trước khi bí mật rời Pari để đến nước Nga Xô viết: Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau. Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em. Chúng ta cũng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: Giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta... Chúng ta phải làm gì?... Đối với tôi, câu trả lời đó rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập... Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn.

Ngày 08/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Toàn quyền Đông Dương Rôbanh (Robin) gửi điện khẩn cho Bộ Thuộc địa yêu cầu can thiệp sớm để: “Những người cộng sản bị bắt sẽ được chuyển về Đông Dương trên một tàu thủy của Pháp để xét xử” và nếu không thì “vận động Bộ Ngoại giao Pháp thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Anh giam giữ Nguyễn Ái Quốc, đại biểu chính thức của Quốc tế Cộng sản ở Viễn Đông và cộng sự của ông ta tại một nơi xa nào đó”34, đổi lại phía Pháp cũng làm như vậy với các đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ hoặc Miến Điện thuộc Anh.

Tiếp tục hành trình sang thăm nước Pháp, ngày 08/6/1946, trong thời gian lưu lại ở Lơ Ke35 (Le Caire), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chào Vua Ai Cập và được đại diện nhà Vua tiếp trọng thể vì vị quân vương đi vắng. Sau đó, Bác thăm Bảo tàng Ai Cập, các kim tự tháp và tượng Nhân sư. Cùng ngày, nhận được tin ở Sài Gòn thực dân lập Chính phủ “Nam kỳ tự trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chất vấn tướng Xalăng: “Tại sao không báo cho tôi biết tin này trước khi tôi lên đường? Thật là một âm mưu phi pháp. Tướng quân này, các ông đừng biến Nam bộ thành một thứ Andốt Loren (vùng đất của Pháp bị cắt cho Đức trong Đại chiến I) mới, nếu không chúng ta sẽ đi đến cuộc chiến tranh trăm năm đấy...”36.

Ngày 08/6/1959, nói chuyện tại Hội nghị toàn Đảng bộ Khu Việt Bắc, Bác khẳng định: “Việt Bắc là nơi “rừng vàng, núi bạc”. Rừng vàng vì rừng Việt Bắc có rất nhiều gỗ và lâm sản có thể đổi lấy nhiều máy móc, hàng hóa. Các địa phương phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây, gây thêm rừng. Núi bạc, vì núi non Việt Bắc có nhiều quặng có thể xây dựng công nghiệp để phát triển kinh tế...”37. Cùng ngày, Bác đến thăm công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên.

Ngày 08/6/1967, nhân chiếc máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc nước ta, Bác viết thư biểu dương các lực lượng vũ trang đã “kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc mình, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới”.

Ngày 08/6/1968, Bác thăm hỏi chị Trần Thị Lý, một chiến sỹ Nam bộ bị giặc tra tấn dã man ra miền Bắc chữa bệnh.

Ngày 09/6

“Ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm”.

Ngày 09/6/1945, từ chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh gửi thư cho Trung úy Sáclơ Phênnơ (Charles Fenn) thuộc đơn vị Tình báo Chiến lược Mỹ OSS đóng ở Côn Minh (Trung Quốc) báo tin các báo vụ viên của Mỹ được cử làm việc trong bộ đội Việt Minh vẫn mạnh khoẻ và chúng tôi đã trở nên bạn bè thân thiết như anh em một nhà. Người lãnh đạo Mặt trận Việt Minh yêu cầu OSS gửi cho mình một “lá cờ của Đồng Minh”. Cũng trong đầu tháng 6/1945, Hồ Chí Minh điện báo cho người đứng đầu OSS ở Côn Minh là A.Pốtti biết rằng Việt Minh đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng một ngàn chiến sỹ du kích đang được huấn luyện tốt tại Chợ Chu, Định Hóa.

Cũng trong khoảng thời gian tháng 6/1945, triển khai nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, người đứng đầu Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh chỉ thị: “Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là: “Khu giải phóng”. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng, nên đặt tên là “Quân giải phóng”38.

Trên đường sang thăm nước Pháp, ngày 09/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lưu tại Lơ Ke đi thăm nhiều di tích lịch sử của Ai Cập trong đó có Kim tự tháp nổi tiếng ở Sekherat.

Tháng 6/1947, Bác viết “Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt” động viên: “Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm... Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình: “Lụt thì lụt cả làng/ Muốn cho khỏi lụt, thiếp chàng cùng lo”. Chúng ta phải thực hành câu ca dao đó. Ai cũng phải tham gia công việc sửa đê, canh đê... Chúng ta phải kiên quyết tranh cho được thắng lợi trong việc chống giặc lụt. Thắng lợi sẽ giúp cho ta thắng lợi trong cuộc đánh giặc ngoại xâm. Mong toàn thể đồng bào gắng sức”39.

Ngày 09/6/1953, trong bài nói chuyện tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan Trung ương, Bác phân tích: “Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Muốn đạt mục đích ấy thì phải thực hiện dân chủ tự phê bình... Cán bộ bất kỳ cấp nào cao hay thấp có quyền và có nghĩa vụ đòi hỏi thực hiện dân chủ…”40.

Ngày 09/6/1954, trên báo Cứu Quốc, Bác viết bài “Hà Nội, một thành phố bị bao vây” (với bút danh Đ.X) phân tích thông tin từ một tờ báo Pháp cho biết sau thất bại ở Điện Biên Phủ, tình thế của giặc tại Hà Nội đang bị chiếm đóng bị bao vây không phải vì lực lượng của đối phương mà bởi chính lòng dân Hà Nội đang có “cảm tình với Chính phủ Việt Minh”. Bài báo kết luận: Điều đấy chứng tỏ tinh thần của địch rất hoang mang.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích
25. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 90.
26,27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 198.
28. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 81.
29. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (1931 - 1933) tư liệu và hình ảnh, Nxb. Chính trị quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 272 - 276.
30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 332.
31. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 250, 251.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5. tr. 438.
33. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 549, 554, 556 - 557.
34. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Sđd, tr. 72.
35. Lơ Ke còn được gọi là Cairô (BT)
36. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 243.
37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 456.
38. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 274 - 275.
39. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 255.
40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 160-161.

Bài viết khác: