Chỉ mục bài viết

Ngày 24/6

"Một Lê-nin của Đông Dương”.

Ngày 24/6/1922, tờ L’ Humanité (Nhân Đạo) đăng bài “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc” của Nguyễn Ái Quốc là một truyện ngắn hư cấu giấc mơ của vua Khải Định (lúc này đang “xa giá” đến Pháp) và mượn lời của vị nữ anh hùng dân tộc chống ngoại xâm, tác giả lên án nặng nề chế độ phong kiến Nam triều và chính vua Khải Định đã để mất nước, ươn hèn cam tâm làm tay sai cho ngoại bang.

Liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh Pháp trong thư đề ngày 24/6/1931 gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đánh giá: “Thực ra từ hơn 10 năm nay, Nguyễn Ái Quốc là một chiến sỹ vô địch vì sự nghiệp độc lập của Đông Dương. Lúc đầu là một người dân tộc chủ nghĩa, ông ta sớm đi theo chủ nghĩa cộng sản, và từ nhiều năm nay những người cách mạng bản xứ xem ông ta như một Lê-nin của Đông Dương ...”101.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp gửi tới Đại sứ của mình tại Luân Đôn (Anh) yêu cầu: Tôi đề nghị ông can thiệp khẩn cấp với chính quyền Anh. Ông hãy chỉ ra rằng kẻ phiến loạn này (ám chỉ Nguyễn Ái Quốc - BT) nguy hiểm đối với tất cả thuộc địa của Châu Âu ở Viễn Đông và hoạt động của ông ta mở tới tận Xingapo, sang cả vùng Ấn Độ thuộc Hà Lan, v.v...

Ngày 24/6/1942, leo lên vùng núi Lũng Dẻ thuộc khu núi đá Lam Sơn (Cao Bằng), Bác tức cảnh làm bài thơ “Thướng sơn” (Leo núi):

“Lục nguyệt nhị thập tứ,

Thướng đáo thử sơn lai.

Cử đầu hồng nhật cận,

Đối ngạn nhất chi mai.”102

(Tố Hữu dịch:

Hai mươi tư tháng Sáu,

Lên ngọn núi này chơi.

Ngẩng đầu: Mặt trời đỏ,

Bên suối một nhành mai).

Ngày 24/6/1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hơn 100 anh em đại biểu Nam bộ đến chào và bày tỏ tinh thần thống nhất quốc gia. Cùng ngày, Bác tiếp Bộ trưởng Hải ngoại M. Mutờ (M.Moutet) và Đô đốc Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu) và Ban Trị sự Hội Pháp - Việt hữu nghị mới thành lập... Trong số những Việt kiều đến chào Bác có triết gia Trần Đức Thảo.

Ngày 24/6/1959, Bác đón tiếp Tổng thống Inđônêxia sang thăm Việt Nam. Trong diễn văn chào đón tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) Bác chân tình nói: “Được đón tiếp Tổng thống Xucácnô, nhân dân Việt Nam có cảm tưởng vui sướng như được ôm ấp vào lòng mình 88 triệu anh em Inđônêxia anh dũng. Có mối tình thương yêu ấy, vì hai dân tộc ta cùng có một hoàn cảnh giống nhau, cùng có một lịch sử vẻ vang kháng chiến oanh liệt chống bọn thực dân cướp nước, giành lại độc lập, tự do. Hai dân tộc ta đều phải tiếp tục đấu tranh để giải phóng hoàn toàn đất nước và trong cuộc đấu tranh đó, hai dân tộc ta thông cảm lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau”103.

Trong tháng 6/1960, nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ các cơ quan dânchính đảng Trung ương, Bác phân tích: “Công việc cách mạng cũng như các bộ phận trong chiếc thuyền, bộ phận nào cũng quan trọng cả. Nếu các bộ phận ấy suy bì với nhau thì không được. Ví dụ như chèo thì luôn luôn vùng vẫy. Lái thì ngâm mình dưới nước... Buồm thì thảnh thơi... Ta đang làm cách mạng, có bộ phận này làm việc này, có bộ phận khác làm việc khác, các công việc đều cần thiết, đều vẻ vang cả...”104.

Ngày 25/6

“Tham ô lãng phí do bệnh quan liêu mà ra”.

Ngày 25/6/1923, với danh tính là “Cheng Vang”, Nguyễn Ái Quốc được Đại diện đặc mệnh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga tại Béclin (Đức) cấp giấy thị thực nhập cảnh qua thương cảng Pêtrôgrat với thời hạn lưu trú là 1 tháng.

Ngày 25/6/1927, Nguyễn Ái Quốc gửi thư đến Chi bộ Cộng sản Đại học phương Đông, thông báo việc thành lập Nhóm cộng sản Việt Nam gồm 5 người là: Phon Shon, Le Man, Jiao, Min Khan, Le Quy (bí danh của Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trí, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm và Trần Phú - làm Bí thư), đề nghị trường cử cán bộ “chăm lo việc giáo dục cộng sản cho nhóm đó, để đào tạo các đồng chí đó theo sinh hoạt của Đảng”105.

Ngày 25/6/1931, trong “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, viên Thống đốc người Anh đã ký lệnh bắt giam lần thứ hai để kéo dài thời gian cầm giữ theo sức ép của chính quyền Pháp.

Ngày 25/6/1946, Bác viếng mộ nhà nhiếp ảnh Khánh Ký, người cùng hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, vừa mới qua đời. Trong ngày, Chủ tịch Nước Việt Nam gặp lãnh đạo Đảng Cộng hòa Bình dân (MRP). Tiếp xúc với báo chí, Chủ tịch cho biết: “Từ khi tới Pháp, tôi được Chính phủ đón tiếp long trọng, nhân dân Pháp và các nhà báo chào mừng nồng nhiệt. Tôi rất cảm ơn. Hôm nay, tôi chưa thể tuyên bố gì, để đợi Chính phủ Pháp tiếp chính thức”106.

Ngày 25/6/1952, nói chuyện với Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, Bác nhấn mạnh đến cuộc đấu tranh: “Mỗi người phải tự mình chống tham ô lãng phí, gây thành một phong trào làm cho mọi người thấy đó là tội ác xấu xa, ai cũng gớm cũng ghét. Cần phải đấu tranh trừ bỏ tội ác đó. Tham ô lãng phí một phần lớn là do bệnh quan liêu mà ra... Muốn chống tham ô lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ, gây tự phê bình và phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người... Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân... Tóm lại không có việc sang, hèn. Công việc gì làm tròn, bổ ích cho kháng chiến, cho nhân dân đều là công việc sang, công việc gì bên ngoài có vẻ lòe loẹt mà không làm tròn là công việc xấu...”107.

Ngày 25/6/1959, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Vài ý kiến về mấy cuộc trưng bày” hoan nghênh cuộc triển lãm “Cải tiến kỹ thuật và phát minh sáng kiến” của Tổng cục Hậu cần và của lao động Hà Nội nhưng nhắc nhở rằng “còn cần phải thí nghiệm áp dụng, ra sức cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy... Quần chúng lao động ta thường có nhiều sáng kiến. Song một số cán bộ quan liêu chẳng những không khuyến khích mà còn kìm hãm sáng kiến của quần chúng... Vậy trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo (từ Bộ đến xí nghiệp và công trường) là phải ra sức khuyến khích, xét duyệt nhanh chóng, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến tốt. Có như thế, thì những cuộc trưng bày... mới có tác dụng thật thiết thực”108.

Ngày 25/6/1965, Bác đến thăm Đại đội 1 đơn vị Phòng không bảo vệ Thủ đô, đơn vị bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên bầu trời Hà Nội.

Ngày 26/6

“Các cháu là chủ nhân tương lai của Trái đất”.

Ngày 26/6/1921, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí là người của các thuộc địa Pháp như Angiêri, Tuynidi, Mađagaxca... họp bàn thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa, bàn về điều lệ, chương trình hoạt động và bầu Ban Chấp hành mà theo dự kiến, Nguyễn Ái Quốc sẽ tham gia vào Ban Chấp hành và là Ủy viên Thường trực.

Ngày 26/6/1946, trong chuyến thăm chính thức nước Pháp, Bác tiếp các đoàn Việt kiều từ các tỉnh Mácxây (Marseille), Boocđô (Bordeaux), Tuludơ (Toulouse) lên Pari chào mừng. Buổi tối, Bác tiếp Đoàn đại biểu Đảng Xã hội Pháp mà năm xưa Bác đã từng là thành viên và nhiều bạn cũ từng gắn bó trong các tổ chức cánh tả.

Ngày 26/6/1955, phát biểu tại buổi chiêu đãi trọng thể của Chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh, cũng là diễn đàn quốc tế đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ lập trường: “Từ ngày đình chiến đến nay, nhân dân Việt Nam đã dùng hành động thực tế mà chứng tỏ rằng mình bao giờ cũng thành thật chấp hành các điều khoản trong hiệp định quốc tế... Cử hành hiệp thương về vấn đề tổng tuyển cử để thực hiện tổng tuyển cử tự do vào năm 1956, do đó đi đến thống nhất toàn quốc Việt Nam. Đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam...”109.

Ngày 26/6/1959, Bác cùng Tổng thống Indônêxia Xucácnô đến gặp gỡ giới học sinh và sinh viên Hà Nội tại Trường Đại học Tổng hợp. Để tỏ tình thân, Bác đóng vai phiên dịch cho khách quý, truyền đạt những nội dung sâu sắc: “Bác Cácnô đã nói với các cháu những gì? Nói tương lai của loài người một phần lớn là ở trong các cháu thanh niên - tức là các cháu là chủ nhân, là ông chủ, bà chủ tương lai của Trái đất. Nhưng muốn cho xứng đáng với ông chủ, bà chủ thì phải làm thế nào? Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ, mà: 1. Phải đoàn kết chặt chẽ. 2. Cố gắng học tập cho tốt. 3. Phải lao động cho tốt. 4. Vượt mọi khó khăn để mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ XX... Các cháu chắc biết trong xã hội, trong một con người cũng thế, có cái thiện và ác. Hai cái nó tranh đấu với nhau. Nói cái “thiện” tức là tinh thần xã hội chủ nghĩa, tinh thần chiến đấu mà thắng thì cá nhân chủ nghĩa sẽ thua... Bác, đàn anh có tuổi rồi, có hưởng xã hội chủ nghĩa cũng không được mấy vì già rồi, hưởng hạnh phúc xã hội chủ nghĩa là các cháu. Vì vậy, các cháu phải ra sức xây dựng xã hội chủ nghĩa...”110.

Ngày 26/6/1963, Bác viết bài “Đại hội Phụ nữ quốc tế” đăng trên Báo Nhân Dân nêu rõ muốn thực hiện được mục tiêu của phong trào phụ nữ thì “phải ngăn ngừa chiến tranh. Muốn ngăn ngừa chiến tranh thì phải đấu tranh chống âm mưu gây chiến, tức là bọn thực dân đế quốc”111. Chính vì thế mà “người phụ nữ miền Nam Việt Nam đang chen vai sát cánh cùng toàn dân dũng cảm chiến đấu chống Mỹ, Diệm. Phụ nữ miền Bắc thì đều hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hiện tiết kiệm, để ủng hộ chị em ruột thịt ở miền Nam”112.

Ngày 26/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Ngài Gioócgiơ Pômpiđu (George Pompidou) nhân dịp ông được bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa Pháp.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

 

Chú thích:
101. Vụ Án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Sđd, tr. 80.
102. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 234-235.
103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 464.
104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 166-167.
105. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 240.
106. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 258.
107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 514.
108. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 469.
109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 7
110. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 471.
111,112. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 408, 409.

Bài viết khác: