Chỉ mục bài viết

Ngày 01/6

“Người chủ tương lai của nước nhà”.

Ngày 01/6/1922, trên báo L’ Humanité (Nhân Đạo) Nguyễn Ái Quốc viết bài báo “Bình đẳng”, mở đầu bằng câu: “Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, bình đẳng”1.

Tiếp tục cuộc hành trình sang thăm nước Pháp, ngày 01/6/1946, máy bay từ sân bay “Pegou” (Miến Điện) chở Chủ tịch Hồ Chí Minh bay tiếp 1.093km rồi hạ cánh xuống thành phố Cancútta của Ấn Độ. Nhà cầm quyền Anh và lãnh sự Pháp đã tiếp đón, đoàn lưu lại đây trong hai ngày.

Ngày 01/6/1947, báo Sự Thật đăng bài “Cán bộ tốt và cán bộ xoàng” của Bác (ký bút danh A.G) viết về công tác cán bộ: “Kháng chiến là một lò đúc cán bộ. Nơi nào mà các cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển... Kháng chiến lại là một viên đá thử vàng đối với cán bộ” và kết luận: “Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn. Những đồng chí cán bộ, phải gắng tiến lên mãi. Những ông cán bộ xoàng, xin mau mau sửa đổi”2.

Ngày 01/6/1949, báo Cứu Quốc đăng tiếp bài “Thế nào là Liêm?” (ký Lê Quyết Thắng). Bài báo phân tích: “Liêm là trong sạch, không tham lam. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là LIÊM... Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ LIÊM có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải LIÊM... Có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam... Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không LIÊM, không bằng súc vật”... Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”... “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM... Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân... Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ...”3.

Ngày 01/6/1950, Bác viết “Thư gửi thiếu nhi toàn quốc” trong đó người lãnh đạo cuộc kháng chiến đã hứa với các cháu: “Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”4, và cứ đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6 hàng năm, Bác Hồ đều có thư gửi các cháu thiếu nhi Việt Nam và thế giới. Ngày 01/6 cuối cùng trong cuộc đời (1969), Bác viết bài báo “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”5.

Ngày 02/6

“Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm”.

Ngày 02/6/1911, Nguyễn Tất Thành, xuống tàu “Amiral Latouche Trêville” của Hãng Năm sao (Charges Réunis) đang chuẩn bị rời bến cảng Sài Gòn qua cảng Mácxây (Marseille) của nước Pháp để xin việc.

Ngày 02/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại thành phố Cancútta, đến chào Toàn quyền Anh, đến thăm một tòa báo và tiếp xúc với giới báo chí ở Ấn Độ, cùng một số bà con Việt kiều sống tại đây. Từ đây, Bác rất chu đáo gửi về nước bức điện cho Chính phủ: “Chúng tôi đã đến Cancútta được bình yên cả. Chúng tôi nhờ Chính phủ cảm ơn đồng bào ta và các bạn người Pháp đã tiễn chúng tôi ở Gia Lâm. Tôi gửi những cái hôn cho các cháu”6.

Ngày 02/6/1949, báo Cứu Quốc đăng tiếp bài “Thế nào là Chính” của Bác, ký bút danh là Lê Quyết Thắng. Bài báo phân tích: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn... Làm việc CHÍNH, là người THIỆN... Làm việc TÀ là người ÁC... Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác... Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ. Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý... Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dự lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm... Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định được nhiều hạnh phúc”7.

Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời báo Pháp “Franc-Tireur” khẳng định lập trường: “Quan niệm hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam của tôi vẫn không thay đổi”. Về những cải cách xã hội đã làm: “Đã thanh toán gần hết nạn mù chữ, tránh được nạn đói kém, thủ tiêu những thứ thuế má nô lệ. Về việc cải cách ruộng đất, giảm địa tô hai mươi lăm phần trăm. Không chia ruộng đất”. Với câu hỏi: “Nếu quả thật Cụ là người cộng sản thì lý tưởng của riêng Cụ khác với ý nguyện độc lập quốc gia của nhân dân Việt Nam ở điểm nào?”, Bác trả lời: “Lý tưởng chung của tôi và của nhân dân Việt Nam là nước nhà độc lập thống nhất thực sự”. Và Bác khẳng định: "Chúng tôi bao giờ cũng trọng ở sức mình. Chúng tôi không sợ ai cả. Không nước nào có thể thống trị được chúng tôi”8.

Ngày 02/6/1950, báo Cứu Quốc đăng thư cảm ơn của Bác trong đó bày tỏ: “Về phần tôi, tôi xin báo cáo với chiến sỹ và đồng bào rằng: 60 tuổi cũng còn thanh niên chán. Tôi vẫn đủ tinh thần và sức khoẻ để cùng chiến sỹ và đồng bào đánh đuổi giặc Pháp, tranh lại độc lập và thống nhất thực sự cho Tổ quốc, hợp sức với các nước bạn để giữ gìn dân chủ và thế giới hòa bình”9.

Ngày 03/6

“Lãnh đạo ai cũng vậy, phải có lý có tình”.

Ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành chính thức được nhận việc tại tàu Đô đốc Latouche Trêville của Hãng Vận tải Hợp nhất với cái tên mới là Văn Ba.

Ngày 03/6/1926, từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản về những công việc đã làm kể từ khi tới đây như tổ chức một tổ bí mật, một Hội Liên hiệp Nông dân của những đồng bào Việt Nam sống tại Xiêm (Thái Lan), một tổ thiếu nhi, một tổ phụ nữ cách mạng, một trường huấn luyện chính trị và xuất bản tờ báo Thanh Niên. Báo cáo cũng nhắc đến Hội Liên hiệp các Thuộc địa ở Pari, về hai tờ báo Le Paria (Người Cùng Khổ) và “Việt Nam Hồn” và yêu cầu được cung cấp báo chí và tài liệu tuyên truyền.

Tiếp tục hành trình thăm nước Pháp, ngày 03/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm “Chandernagore”, một thuộc địa của Pháp trên đất Ấn Độ, thết tiệc lãnh sự Pháp và gặp gỡ kiều bào. Trả lời một tờ báo lớn ở Cancútta về vấn đề “Liên bang Đông Dương” và “Liên hiệp Pháp”, Chủ tịch nước Việt Nam nói rõ quan điểm “Thực là một sự mỉa mai nếu lại đặt cho Đông Dương một viên toàn quyền, song tôi hy vọng rằng cuộc đàm phán chính thức ở Pari sẽ có kết qủa tốt... Việt Nam không có tham vọng gì về đất đai của hai nước láng giềng. Hiện giờ, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và hai nước đó chưa có”10. Về cuộc xung đột Pháp - Xiêm, Nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng: “Việc đó thuộc thẩm quyền của Pháp” và bày tỏ cảm tình đối với đất nước Ấn Độ.

Cùng ngày, ở trong nước, báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung bộ in tại Thuận Hóa (Huế) đăng bức thư của Bác “Gửi Trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi” để cảm ơn những bức tranh thêu và thư của các trại viên tặng. Thư viết: “Trước hết, tôi cám ơn tấm lòng thân ái của anh em đối với tôi. Hai là tôi phải khen rằng anh em thêu rất khéo. Bức thêu đó đã chứng tỏ rằng: Thủ công mỹ nghệ của nước ta mai sau chẳng những có thể tranh đua mà lại có thể tranh giải nhất của thủ công mỹ nghệ trong thế giới... Tôi ao ước rằng: Nhờ sự cần kiệm của anh em, “Trại nhà nghèo” sẽ mau tiến bộ thành “Trại nhà khó “, rồi dần dần thành “Trại nhà giàu” làm kiểu mẫu cho anh em khác”11.

Tháng 6/1963, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hà Huy Giáp gặp Bác để nhận nhiệm vụ mới. Trong hồi ức “Đời tôi, những điều nghe thấy và sống”, Hà Huy Giáp thuật lại những chỉ bảo của Bác khi điều động ông sang Bộ Văn hóa phụ trách các hội văn nghệ: “Văn hóa, văn nghệ thì không tiếp xúc được tập thể. Họ đòi tình cảm là chính. Phê bình họ, phải lý, tình đi đôi với nhau. Làm họ buồn, họ không sáng tác được... Nói thẳng là tốt, nhưng phải lựa lời mà nói, lựa lúc mà nói... Nói chung, lãnh đạo ai cũng vậy, phải có lý có tình. Đối với văn nghệ sĩ, phải có tình trước, mới đưa họ vào lý... Rốt cuộc, mình hiểu anh em, coi trọng anh em thì anh em coi trọng mình, nghe mình. Văn nghệ sĩ góp phần rất nhiều vào công việc đào tạo con người mới...”12.

Ngày 04/6

“Lương y phải kiêm từ mẫu”.

Ngày 04/6/1946, tiếp tục cuộc hành trình trên đường sang thăm nước Pháp, ngày 04/6/1946, sau chặng đường bay dài 1.630km từ Cancútta, Bác tới thành phố Agra thăm một số di tích của Ấn Độ như lâu đài “Delhi Cate” (thế kỷ XVII), lăng tẩm Hoàng hậu “Taj Mahan” nổi tiếng.

Ngày 04/6/1951, Bác chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ chứng kiến lễ tuyên thệ của Phó Giám đốc Ngân hàng Quốc gia, nghe báo cáo chiến thắng của “Chiến dịch Quang Trung”, lần đầu tiên quân đội ta đánh công kiên ở đồng bằng và cái chết của con trai Thống chế Pháp Đờlát đờ Tátxinhi (De Lattre de Tassigny) tại mặt trận Ninh Bình. Chính phủ cũng thông qua chủ trương và điều lệ của thuế nông nghiệp. Tổng kết phiên họp, Bác nêu lên hai kết quả: “1. Thành công của phiên họp là đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, nhất là vấn đề kinh tế-tài chính. Đó là một sự chuyển hướng lớn. 2. Muốn thực hiện được các công tác quan trọng trên thì trong nội bộ tư tưởng phải thông suốt, phải dựa vào dân và thực hành dân chủ”13.

Cũng trong tháng 6/1951, Bác gửi thư cho Hội nghị tình báo với lời căn dặn: “Tình báo là tai mắt. Tai phải tỏ, mắt phải sáng. Mọi công tác, nhất là công tác tình báo phải tránh chủ quan, khinh địch, hiếu danh và cá nhân chủ nghĩa”14.

Tháng 6/1953, Bác viết thư cho Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc với những huấn thị: “Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công... Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân; Lương y phải kiêm từ mẫu”15.

Cũng trong tháng 6/1953, trong thư gửi Hội nghị cán bộ của Tổng cục Cung cấp năm 1953, Bác căn dặn: “Phải luôn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm. Phải thật lòng thương yêu binh sĩ. Phải chỉnh đốn tổ chức và công tác, và mở rộng dân chủ”16.

Còn trong "Thư gửi các lớp chỉnh huấn cơ quan”, phân tích vì sao phải chỉnh huấn, Bác cho rằng vì: “Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác, như: Tự tư tự lợi, sợ khó sợ khổ; không yên tâm công tác. Ham địa vị danh tiếng; Lãng phí, tham ô. Quan liêu, mệnh lệnh, v.v”17.

Ngày 04/6/961, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Tình hình thế giới” phân tích những sự kiện thời sự trong tháng 5 cho thấy “phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình đã giành thêm những thắng lợi mới” được thể hiện trong cuộc đàm phán giữa Pháp với lực lượng kháng chiến Angiêri và Hội nghị Giơnevơ về Lào. Đồng thời, sự can thiệp của Mỹ vào Cuba, Cônggô và Đông Dương trong đó có Nam Việt Nam đòi hỏi “toàn dân ta từ Nam đến Bắc, từ thành thị đến nông thôn, đều phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, khắp nơi phải sẵn sàng đề phòng như trong thời kỳ kháng chiến... Trước kia, nhân dân ta đã thắng thực dân Pháp. Nhân dân ta tỉnh táo thì nhất định sẽ phá tan âm mưu đế quốc Mỹ ngày nay”18.

Ngày 05/6

“Nước ta là một, dân tộc ta là một”.

Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong phận sự của một thủy thủ mang tên Văn Ba làm việc trên chiếc tàu “La Touche Trêville” của Hãng Vận tải Hợp nhất rời bến cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn, khởi đầu hành trình đi tìm đường cứu nước. Nói về sự lựa chọn con đường đi sang Pháp, trong một cuộc trao đổi với nhà báo Nga Ôxớp Manđenxtam (12/1923), Bác cho biết: Năm tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên được nghe ba chữ Pháp “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”... Và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn xem những gì ẩn sau những chữ ấy.

Ngày 05/6/1921, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp tại trụ sở Hội Cộng hòa của các cựu chiến binh để bàn việc thành lập Hội Nghiên cứu Thuộc địa.

Ngày 05/6/1946, sau một chặng bay dài 1.140km, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thành phố Karachi (lúc đó vẫn thuộc Ấn Độ là thuộc địa của Anh, sau này trở thành thủ đô nước Pakíxtan). Theo lệnh của Chính phủ Anh, Thống đốc Karachi đã đón tiếp và chiêu đãi trọng thể.

Ngày 05/6/1952, Bác bắt đầu cho đăng loạt bài báo biểu dương các tấm gương vừa được phong anh hùng trên Báo Nhân Dân. Về Ngô Gia Khảm, người chiến sỹ quân giới “đã tự tay đúc quả lựu đạn đầu tiên của quân đội Việt Nam”19   đã 3 lần gặp tai nạn khi chế tạo thí nghiệm đã “không sợ khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết làm vượt mức nhiệm vụ”20. Về nữ anh hùng du kích Nguyễn Thị Chiên, Bác biểu dương “vì yêu nước, căm giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội”21.

Ngày 05/6/1953, Bác viết bài “Chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ” (ký tên là Đ.X) đăng trên tờ Cứu Quốc xác định những nguyên lý cho sự phát triển: “1. Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới... Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà… 2. Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay... vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức... lợi cả đôi bên. 3. Công nông giúp nhau... 4. Lưu thông trong ngoài...”22.

Ngày 05/6/1967, Bác gửi thư chúc mừng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hoan nghênh thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân 1966 - 1967. Thư nêu rõ: “Nước ta là một, dân tộc ta là một, Nam Bắc cùng nhau quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 17 triệu đồng bào miền Bắc quyết giữ trọn lời thề cùng 14 triệu đồng bào miền Nam ruột thịt, sát cánh kề vai chiến đấu để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước”23.

Ngày 05/6/1968, Bác tặng các chiến sỹ chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ tiền tiêu hai câu thơ nhân trận thắng ngày 31-5:

“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận,

Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”24.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 120.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 170.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 139-140.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 640, 641, 642.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6. tr. 56.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 467.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 248.
8,9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 643-645, 646-647.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 61.
11. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 239.
12. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 239-240.
13. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 411-412.
14,15. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 53, 61.
16,17,18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 88, 90, 91, 92.
19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 364.
20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 504.
21,22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 504, 505.
23. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 221-222.
24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 269, 358.


Ngày 06/6

“Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”.

Ngày 06/6/1931, với danh tính Tống Văn Sơ được sử dụng trong căn cước, Nguyễn Ái Quốc đã bị cảnh sát Hồng Kông bất ngờ vây bắt tại ngôi nhà số 168 đường Tam Lung, Khu Cửu Long. Những đồng chí cách mạng người Việt Nam ở đây đã cấp báo với một luật sư tiến bộ người Anh là ông Phranxít Henri Lôdơbi (Francis Henri Loseby), Giám đốc Công ty luật RUSS ở Hồng Kông đề nghị giúp can thiệp. Và kể từ đây, bắt đầu một sự kiện được gọi tắt là “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”.

Ngày 06/6/1938, đang sống ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Lin đã gửi thư cho “một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản” nêu rõ hoàn cảnh: “Hôm nay là kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi... Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích... đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng...”25. Đây chính là một thời kỳ Nguyễn Ái Quốc phải chịu đựng nhiều thử thách vì những quan điểm độc lập của mình và cũng là thời điểm đang tìm mọi cách để về nước hoạt động.

Ngày 06/6/1941, Nguyễn Ái Quốc viết thư “Kính cáo đồng bào” gửi tới các tầng lớp nhân dân cả nước nhằm triển khai Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng...”26. Bức thư thực sự là một bài hịch cứu nước: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng... Hỡi các chiến sỹ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lũng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!”27.

Ngày 06/6/1946, tiếp tục hành trình trên đường sang thăm nước Pháp, máy bay chở Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Karachi bay 2.610km để tới thành phố Habangna thuộc lãnh thổ Irắc khi đó vẫn là thuộc địa của Anh.

Ngày 06/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đặt ba loại Huân chương cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.

Ngày 06/6/1953, Báo Nhân Dân đăng bài “Phải chống bệnh quan liêu”, trong đó Bác phân tích kết quả cuộc vận động phê bình trong đó có vai trò của báo chí. Tác giả nhấn mạnh: “Quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng. Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân thì tránh được nhiều khuyết điểm... Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí...”28.

Ngày 07/6

“Sống với nhau phải có tình, có nghĩa”.

Ngày 07/6/1931, sau khi bị bắt, Nguyễn Ái Quốc bị tạm giam tại Sở Cảnh sát Hồng Kông và vị luật sư người Anh, H.Lôdơbi đã đến gặp thân chủ của mình. Hồi ức của Lôdơbi kể lại khi sang thăm Việt Nam (1960) viết: “Một hôm, có một người Việt Nam (có thể là Hồ Tùng Mậu) đến gặp tôi và báo cho tôi biết nhà cầm quyền Hương Cảng mới bắt được một người Việt Nam và yêu cầu tôi bào chữa giúp cho người Việt Nam này. Được tin này, tôi đến nhà lao và gặp Tống Văn Sơ, tức Hồ Chủ tịch lúc đó. Tống Văn Sơ kể cho tôi nghe ông bị Pháp ở Đông Dương kết án tử hình và có nhận mặt được một số sĩ quan Pháp ở Hương Cảng. Lúc đó tôi mới biết bọn Pháp ở Đông Dương đã nhờ nhà cầm quyền Hương Cảng bắt Tống Văn Sơ... Sau đó, tôi đến gặp Hội đồng luật sư để xem cần phải làm gì và về chuẩn bị giấy tờ để đến gặp Chánh án...”29.

Ngày 07/6/1946, “Nhật ký hành trình” chép về chuyến đi thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Từ Habagna bay đến Le Caire (thủ đô Ai Cập) 1386 cây số. Khi qua Jêrusalem, máy bay có bay một vòng để mọi người được xem Lăng chúa Jesus... Lúc đến Le Caire có đại biểu sứ thần Pháp ra đón... Nghỉ lại đây 3 hôm”30.

Cùng ngày, ở trong nước, báo Cứu Quốc đăng bài “Đặt kế hoạch tác chiến” (ký tên Q.Th) của Bác giới thiệu binh pháp Tôn Tử nhưng trên một tinh thần thực tiễn: “Biết người, biết mình rồi lại phải so sánh mình với địch xem ai hơn, ai kém để định kế hoạch tác chiến... Chiến tranh ngày nay, đánh ở mặt sau, đánh về kinh tế, về chính trị, về tinh thần cũng không kém phần quan trọng như đánh ngoài mặt trận. Phải biết phối hợp mọi phương pháp ấy mới có thể đi tới thắng lợi hoàn toàn...”31.

Ngày 07/6/1948, phản ứng trước việc thực dân Pháp dựng lên “Chính phủ bù nhìn toàn quốc” tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Ngày nay thực dân Pháp đã đưa ra một Chính phủ bù nhìn toàn quốc, để mưu bán Tổ quốc Việt Nam cho chúng. Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ theo pháp luật nước nhà trừng trị bọn phản quốc ấy”32.

Ngày 07/6/1968, Bác mời một số cán bộ đến bàn về loại sách “Người tốt, việc tốt”. Bác nói: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường... Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!... Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa... Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin được... Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình”33.

Ngày 08/6

“Việt Bắc là rừng vàng, núi bạc”.

Ngày 08/6/1911, tàu “Amiral Latouche Trêville” trên đó có thủy thủ Văn Ba ghé cảng Xingapo trên hải trình qua Pháp.

Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc viết thư từ biệt các bạn cùng hoạt động trước khi bí mật rời Pari để đến nước Nga Xô viết: Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau. Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em. Chúng ta cũng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: Giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta... Chúng ta phải làm gì?... Đối với tôi, câu trả lời đó rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập... Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn.

Ngày 08/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Toàn quyền Đông Dương Rôbanh (Robin) gửi điện khẩn cho Bộ Thuộc địa yêu cầu can thiệp sớm để: “Những người cộng sản bị bắt sẽ được chuyển về Đông Dương trên một tàu thủy của Pháp để xét xử” và nếu không thì “vận động Bộ Ngoại giao Pháp thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Anh giam giữ Nguyễn Ái Quốc, đại biểu chính thức của Quốc tế Cộng sản ở Viễn Đông và cộng sự của ông ta tại một nơi xa nào đó”34, đổi lại phía Pháp cũng làm như vậy với các đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ hoặc Miến Điện thuộc Anh.

Tiếp tục hành trình sang thăm nước Pháp, ngày 08/6/1946, trong thời gian lưu lại ở Lơ Ke35 (Le Caire), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chào Vua Ai Cập và được đại diện nhà Vua tiếp trọng thể vì vị quân vương đi vắng. Sau đó, Bác thăm Bảo tàng Ai Cập, các kim tự tháp và tượng Nhân sư. Cùng ngày, nhận được tin ở Sài Gòn thực dân lập Chính phủ “Nam kỳ tự trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chất vấn tướng Xalăng: “Tại sao không báo cho tôi biết tin này trước khi tôi lên đường? Thật là một âm mưu phi pháp. Tướng quân này, các ông đừng biến Nam bộ thành một thứ Andốt Loren (vùng đất của Pháp bị cắt cho Đức trong Đại chiến I) mới, nếu không chúng ta sẽ đi đến cuộc chiến tranh trăm năm đấy...”36.

Ngày 08/6/1959, nói chuyện tại Hội nghị toàn Đảng bộ Khu Việt Bắc, Bác khẳng định: “Việt Bắc là nơi “rừng vàng, núi bạc”. Rừng vàng vì rừng Việt Bắc có rất nhiều gỗ và lâm sản có thể đổi lấy nhiều máy móc, hàng hóa. Các địa phương phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây, gây thêm rừng. Núi bạc, vì núi non Việt Bắc có nhiều quặng có thể xây dựng công nghiệp để phát triển kinh tế...”37. Cùng ngày, Bác đến thăm công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên.

Ngày 08/6/1967, nhân chiếc máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc nước ta, Bác viết thư biểu dương các lực lượng vũ trang đã “kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc mình, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới”.

Ngày 08/6/1968, Bác thăm hỏi chị Trần Thị Lý, một chiến sỹ Nam bộ bị giặc tra tấn dã man ra miền Bắc chữa bệnh.

Ngày 09/6

“Ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm”.

Ngày 09/6/1945, từ chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh gửi thư cho Trung úy Sáclơ Phênnơ (Charles Fenn) thuộc đơn vị Tình báo Chiến lược Mỹ OSS đóng ở Côn Minh (Trung Quốc) báo tin các báo vụ viên của Mỹ được cử làm việc trong bộ đội Việt Minh vẫn mạnh khoẻ và chúng tôi đã trở nên bạn bè thân thiết như anh em một nhà. Người lãnh đạo Mặt trận Việt Minh yêu cầu OSS gửi cho mình một “lá cờ của Đồng Minh”. Cũng trong đầu tháng 6/1945, Hồ Chí Minh điện báo cho người đứng đầu OSS ở Côn Minh là A.Pốtti biết rằng Việt Minh đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng một ngàn chiến sỹ du kích đang được huấn luyện tốt tại Chợ Chu, Định Hóa.

Cũng trong khoảng thời gian tháng 6/1945, triển khai nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, người đứng đầu Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh chỉ thị: “Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là: “Khu giải phóng”. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng, nên đặt tên là “Quân giải phóng”38.

Trên đường sang thăm nước Pháp, ngày 09/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lưu tại Lơ Ke đi thăm nhiều di tích lịch sử của Ai Cập trong đó có Kim tự tháp nổi tiếng ở Sekherat.

Tháng 6/1947, Bác viết “Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt” động viên: “Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm... Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình: “Lụt thì lụt cả làng/ Muốn cho khỏi lụt, thiếp chàng cùng lo”. Chúng ta phải thực hành câu ca dao đó. Ai cũng phải tham gia công việc sửa đê, canh đê... Chúng ta phải kiên quyết tranh cho được thắng lợi trong việc chống giặc lụt. Thắng lợi sẽ giúp cho ta thắng lợi trong cuộc đánh giặc ngoại xâm. Mong toàn thể đồng bào gắng sức”39.

Ngày 09/6/1953, trong bài nói chuyện tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan Trung ương, Bác phân tích: “Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Muốn đạt mục đích ấy thì phải thực hiện dân chủ tự phê bình... Cán bộ bất kỳ cấp nào cao hay thấp có quyền và có nghĩa vụ đòi hỏi thực hiện dân chủ…”40.

Ngày 09/6/1954, trên báo Cứu Quốc, Bác viết bài “Hà Nội, một thành phố bị bao vây” (với bút danh Đ.X) phân tích thông tin từ một tờ báo Pháp cho biết sau thất bại ở Điện Biên Phủ, tình thế của giặc tại Hà Nội đang bị chiếm đóng bị bao vây không phải vì lực lượng của đối phương mà bởi chính lòng dân Hà Nội đang có “cảm tình với Chính phủ Việt Minh”. Bài báo kết luận: Điều đấy chứng tỏ tinh thần của địch rất hoang mang.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích
25. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 90.
26,27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 198.
28. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 81.
29. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (1931 - 1933) tư liệu và hình ảnh, Nxb. Chính trị quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 272 - 276.
30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 332.
31. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 250, 251.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5. tr. 438.
33. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 549, 554, 556 - 557.
34. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Sđd, tr. 72.
35. Lơ Ke còn được gọi là Cairô (BT)
36. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 243.
37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 456.
38. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 274 - 275.
39. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 255.
40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 160-161.


Ngày 10/6

“Càng gần thắng lợi thì càng gay go”.

Ngày 10/6/1931, Bộ Thuộc địa Pháp gửi công văn tới Bộ Ngoại giao yêu cầu can thiệp để nước Anh trao cho Pháp hoặc giam giữ chặt chẽ Nguyễn Ái Quốc là “lãnh tụ cách mạng lớn của Đông Dương... đã bị kết án tử hình vắng mặt vì những hoạt động chính trị... Hoạt động của ông ta không chỉ dừng lại ở thuộc địa chúng ta... Việc trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc chỉ có thể làm trầm trọng thêm những hoạt động có hại... mà các Sở An ninh Đông Dương đều biết là ông ta tập trung tất cả trí thông minh, quyền lực và uy tín rất nổi tiếng của mình”42.

Ngày 10/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi trong dịp 1.000 ngày kháng chiến”: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Hỡi toàn thể tướng sỹ... Tôi thay mặt Chính phủ kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các tử sỹ và đồng bào đã hy sinh vì nước và gửi lời thân ái hỏi thăm anh em thương binh và gia đình các liệt sỹ... Trong dịp này, lòng tôi và lòng Chính phủ đặc biệt đi đến chiến sỹ và đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, vì chiến sỹ và đồng bào ở đó đã tranh đấu trước nhất và hy sinh nhiều nhất”43.

Sau khi điểm lại những thành quả của 1.000 ngày kháng chiến, Bác động viên: “Cuộc kháng chiến của ta đã tập trung tất cả cái tinh thần quật cường yêu nước của giống nòi Hồng Lạc lưu truyền từ mấy ngàn năm. Nó tập trung những kinh nghiệm chiến đấu của các vị dân tộc anh hùng Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Huệ - Quang Trung... Chúng ta đủ điều kiện thắng lợi. Chúng ta chắc thắng lợi. Song chúng ta phải biết rằng, càng gần đến thắng lợi thì càng gay go...

Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do. Đã đoàn kết, ta phải đoàn kết chặt chẽ rộng rãi thêm. Đã cố gắng, ta phải hăng hái mà cố gắng mãi...”44.

Cũng vào dịp này, ngày 10/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho một số người trong chính giới Pháp. Với tướng Xalăng, thư viết: “Vì chúng tôi đã buộc phải chiến đấu, thì các ngài hãy tỏ ra là những chiến binh hào hiệp, những đối thủ quân tử, trong khi chờ đợi chúng ta lại trở thành bạn hữu của nhau. Chúng ta đã từng là bạn... Vì tình yêu thương con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi yêu cầu ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và phá hủy nhà thờ, đền miếu như họ vẫn làm từ trước đến nay. Tôi bảo đảm với ngài rằng binh lính và thường dân Pháp ở chỗ chúng tôi được đối xử rất tử tế...”45. Còn trong thư gửi Chủ tịch Lêông Blum (Leon Blum), một người quen cũ trong Đảng Xã hội Pháp, Bác đặt câu hỏi: “Vậy làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này, làm thế nào để lập lại hòa bình? Tôi cho rằng, chỉ có một chính sách phù hợp là... chính sách hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau, dựa trên sự thống nhất và độc lập của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp”46.

Ngày 10/6/1961, dự họp Bộ Chính trị thảo luận một số vấn đề tồn tại sau đợt chỉnh huấn, Bác góp ý: “Trung ương phải sửa cái bệnh lề mề. Khai hội rồi, hai, ba tuần sau chưa có nghị quyết. Lần này, sau khi đại bộ phận chỉnh huấn xong, các đồng chí Trung ương nên đi một lượt để kiểm tra, động viên”47.

Ngày 11/6

“Chúng ta nhất định thắng lợi”.

Ngày 11/6/1946, tiếp tục cuộc hành trình sang thăm nước Pháp, ngày 11/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ giã Lơ Ke (Ai Cập) bay một chặng đường dài 1.090km tới Tripôlitani vốn là thuộc địa của Italia nay quân Anh tiếp quản, rồi bay tiếp 1.523km tới Biskra của Angiêri thuộc Pháp.

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nêu rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là: Dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân... Trong cuộc Thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Kết qủa đầu tiên của Thi đua ái quốc sẽ là: Toàn dân đủ ăn, đủ mặc. Toàn dân biết đọc, biết viết. Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra”48.

Lời kêu gọi nhắc đến nhiệm vụ của mọi tầng lớp nhân dân và kết luận: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi...”49.

Cùng ngày, Bác viết thư biểu duơng nhiều tấm gương tiêu biểu như chiến sỹ Trần Văn Diên là “anh hùng đánh địa lôi”, cụ Nguyễn Văn Đản “người đỗ đầu trong giới phụ lão thi đua ái quốc”, chị Phạm Thị Phượng “ra sức xung phong trong việc học bình dân học vụ”50 và chị Phạm Thị Tỵ “xung phong trong cuộc thi đua ái quốc, làm cho nổi tiếng phụ nữ Thái Bình”51.

Ngày 11/6/1949, trả lời báo Cứu Quốc về những vấn đề quốc tế, Bác nhận định “sự hòa hoãn giữa Nga và Mỹ và là một thắng lợi của lực lượng hòa bình thế giới”, “Tướng Thống chế thất bại vì không được lòng dân...” và tiên đoán rằng “nội chiến ở Trung Hoa có thể kết liễu trong năm nay (1949). Trung Hoa là một nước lớn ngót 5 trăm triệu dân, chiến tranh hay hòa bình, chẳng những ảnh hưởng đến nước ta mà ảnh hưởng đến cả thế giới”. Về tình hình Đông Dương, Bác cho rằng: “Quan Pháp bây giờ ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, rải rộng ra thì bị tiêu diệt, thu hẹp lại thì bị ta bao vây, họ muốn thay đổi gì cũng chỉ thất bại mà thôi”. Trả lời câu hỏi về việc nhân dân kỷ niệm sinh nhật, thì món quà quý nhất tặng Chủ tịch là gì? Bác nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích Thi đua ái quốc... Nhưng tôi chắc món quà ấy mới là một phần nhỏ, đồng bào và chiến sỹ ta còn tiếp tục cố gắng, tôi sẽ nhận được món quà to hơn nhiều nữa, món quà đó tên là: Tổng phản công thắng lợi hoàn toàn”52.

Ngày 11/6/1969, Bác điện mừng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn, trong đó khẳng định: “Việc họp Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam và việc thành lập chính quyền cách mạng trên toàn miền Nam chứng tỏ đồng bào miền Nam quyết tâm tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu để làm chủ vận mệnh của mình và tạo thêm thuận lợi mới, tiến tới thắng lợi hoàn toàn...”53.

Ngày 12/6

“Hội thì phải nghị, nghị thì phải quyết, quyết thì phải hành”.

Ngày 12/6/1919, hồ sơ của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Tất Thành đang lưu trú tại ngôi nhà số 56 phố Monsieur le Prince. Đây là thời kỳ những tư tưởng chính trị đang hình thành ở nhà cách mạng trẻ, sau một chặng đường dài đi qua nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn định cư tại nước Pháp và hoạt động trong cộng đồng những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

Tháng 6/1925, diễn ra một sự kiện quan trọng là sự ra đời của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” do Nguyễn Ái Quốc thành lập tại Quảng Châu trên cơ sở những nhóm thanh niên yêu nước đã được tập hợp tại đây. Tôn chỉ, mục đích của Hội được xác định là: “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành được độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)”54. Về sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc đánh giá: “Năm 1925, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập ở Quảng Châu khiến cho đế quốc Pháp ở Đông Dương khiếp sợ. Trong tư tưởng của những người đứng ra tổ chức thì Hội này sẽ là cơ sở cho một đảng lớn hơn và tương lai đã chứng minh điều đó”55.

Ngày 12/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bị chuyển từ nhà giam của Sở Cảnh sát sang Nhà tù Victoria, sau khi có lệnh bắt giam chính thức của Thống đốc Anh ở Hồng Kông.

Ngày 12/6/1946, từ Angiêri máy bay chở Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chặng đường dài 1.525km hạ cánh xuống thành phố Biarritz của nước Pháp. Vì Chính phủ Pháp chưa thành lập xong nên Đoàn lưu lại ở thành phố này một thời gian. Tại đây, Bác gặp lại G. Xanhtơni trong vai trò đại diện của Bộ Ngoại giao Pháp.

Ngày 12/6/1947, Bác gửi thư tới Đại hội Đảng bộ Liên khu IV với lời căn dặn: “Hội thì phải nghị, nghị thì phải quyết, quyết thì phải hành” và nhấn mạnh: “Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp tức là những người phụ trách vận mệnh an nguy của nước nhà và dân tộc. Vì vậy, mỗi đồng chí phải gắng làm cho đúng năm chữ: Trí, nhân, dũng, nghĩa, liêm... Nếu thiếu một trong năm điều đó, tức là một khuyết điểm to và ảnh hưởng đến công tác”56.

Ngày 12/6/1952, Báo Nhân Dân tiếp tục loạt bài viết của Bác về các tấm gương anh hùng, về nhà trí thức yêu nước Trần Đại Nghĩa, bài báo viết: “Là một đại trí thức, đi học ở Châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến... Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành”57.

Về Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị, Bác biểu dương: “Anh hùng thi đua diệt giặc lập công... đã đánh 95 trận từ Bình Trị Thiên đến Việt Bắc, tự mình diệt hơn 200 tên giặc, bị thương nặng 5 lần mà vẫn không rời bộ đội...”58.

Ngày 12/6/1969, Bác gửi ảnh chân dung của mình tặng quân dân các đảo biển vùng Đông Bắc là Cô Tô, Thanh Lâm, Ngọc Vừng, Hòn Ráu và huyện Cẩm Phả.

Ngày 13/6

“Khiêm tốn là một đạo đức của người cách mạng”.

Ngày 13/6/1921 tại Pari, Nguyễn Ái Quốc cùng nhà yêu nước Phan Châu Trinh đến dự buổi họp của Ủy ban Nghiên cứu Thuộc địa. Đây là thời kỳ hình thành nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gồm một số nhân vật khác (như Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền).

Vào khoảng giữa tháng 6/1922, diễn ra cuộc đối mặt giữa Bộ trưởng Thuộc địa, nguyên Toàn quyền Đông Dương Anbe Xaru (Albert Sarraut) với Nguyễn Ái Quốc đã diễn ra tại Bộ Thuộc địa, ở Pari. Sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” (tác giả ký T.Lan) thuật lại: Hai người ngồi đối mặt nhau. Thượng thư Thuộc địa nói đại ý như sau: Hiện nay có những kẻ ngông cuồng hoạt động ở Pháp. Họ liên lạc với bọn “bônsêvích” ở Nga. Họ âm mưu phá rối trật tự trị an ở Đông Dương và chống lại nhà nước bảo hộ. Nước Mẹ Đại Pháp rất khoan hồng nhưng sẽ không tha thứ những kẻ gây rối loạn. Nước Mẹ Đại Pháp đủ sức bẻ gẫy họ, như thế này. Nói đến đó, y vẻ mặt hầm hầm, hai tay nắm lại và làm như bẻ gẫy những vật gỡ rất cứng rắn, những người cách mạng Việt Nam... Rồi viên Bộ trưởng Thuộc địa đổi giọng:... Khi nào ông có cần gì, tôi sẵn sàng giúp đỡ... Bác nói: Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập.

Ngày 13/6/1923, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã bí mật rời khỏi nơi cư trú ở Pari và cho biết là Nguyễn chỉ nói với mọi người là đi nghỉ mát tại vùng núi Savoie gần biên giới Thụy Sĩ. Trong báo cáo của cơ quan an ninh Pháp gửi Anbe Xaru (Albert Saraut) viết rằng: “Vấn đề Nguyễn Ái Quốc đã trở nên vô cùng bận trí”. Cả một bộ máy an ninh của Pháp tiến hành truy lùng dấu tích của Nguyễn Ái Quốc và đúng 4 tháng sau (13/10/1923) báo cáo mật thám mới hốt hoảng báo tin rằng nhà hoạt động cách mạng Việt Nam và là đảng viên cộng sản Pháp và xuất hiện tại Đại hội Nông dân đang họp tại Mátxcơva, thủ đô của Liên bang Xô viết.

Tháng 6/1923, trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) Nguyễn Ái Quốc đăng ba bài báo: “Không phải chuyện đùa”, “Diễn đàn Đông Dương” và “Trò Meclanh” với những chủ đề khác nhau nhưng tựu trung đều nhằm lên án những thối nát của chế độ thực dân ở chính quốc cũng như ở thuộc địa.

“Nhật ký hành trình thăm Pháp”, ngày 13/6/1946 ghi (tại thành phố Biarritz): Hôm nay nhiều đại biểu kiều bào ở khắp nơi trong nước Pháp đến chào Cụ Chủ tịch. Lại rất nhiều kiều bào quyên tiền nhờ Cụ Chủ tịch đưa về cho Tổ quốc. Tuy số tiền không là bao, nhưng tấm lòng hăng hái yêu nước thật quý báu. Rồi kiều bào ở Anh, ở Pháp, ở Mỹ, ở “Nouvelle Calôdonie” (Tân Đảo) và các nơi khác khắp thế giới đều có gửi điện chúc mừng Cụ Chủ tịch và tỏ lòng yêu Tổ quốc.

Ngày 13/6/1954, Bác viết trên Báo Nhân Dân bài “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn” (với bút danh C.B) chỉ rõ chính chủ nghĩa cá nhân đã đẻ ra bệnh kiêu ngạo mà hậu quả là sự thoái hóa của cán bộ, do vậy “chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn... Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi”59.

Ngày 14/6

“Đoàn kết là sức mạnh”.

Ngày 14/6/1911, Nguyễn Tất Thành tiếp tục hải trình đầu tiên trên con tàu “Đô đốc La Touche Tréville” sang Pháp ghé qua cảng Côlômbô của Xây Lan (nay là Xri Lanca).

Ngày 14/6/1922, Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Tam Điểm (Franc - Maconnerie) là một tổ chức có tư tưởng chống quân chủ ra đời tại Pháp từ thời kỳ cách mạng tư sản. Lễ chấp nhận được tổ chức tại Trụ sở Liên hội Quốc tế ở Pari. Tuy nhiên, đến tháng 12 năm đó, Nguyễn Ái Quốc đã rút khỏi tổ chức này vì nó không phù hợp với lý tưởng đang theo đuổi.

Ngày 14/6/1946, tại thành phố Biarritz, trong khi chờ đợi Chính phủ Pháp thành lập, Bác tiếp đại diện nhiều đoàn thể của Pháp trong đó có Hội Pháp - Việt hữu nghị mới được thành lập với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng như ông Giuxtanh Gôđác (Justin Godart), bà Mari Quyri (Marie Curie), nữ nhà báo Ăngđrê Viônlít (Andre Viollis), bà Braun, Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp... Cùng ngày, Bác từ chối trả lời chính thức phỏng vấn của Hãng Thông tấn Pháp AFP vì lý do Chính phủ Pháp chưa thành lập, nhưng đưa ra quan điểm: “Dùng văn minh chinh phục người ta thì bền vững hơn dùng súng đại bác”.

Cũng trong ngày 14/6/1946, ở trong nước, báo Cứu Quốc đăng bài “Noi gương anh em tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu” của Bác (bút danh Q.T) biểu dương những đóng góp to lớn của lực lượng tự vệ Thủ đô xứng đáng với lời khen ngợi: “Anh em tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu thật đáng làm khuôn mẫu cho tất cả các anh em tự vệ các nơi về mọi phương diện”60.

Tiếp tục loạt bài giới thiệu “Binh pháp Tôn Tử” báo cùng ngày còn đăng bài “Phương pháp tác chiến”, trong đó Bác đưa ra nhận định: “Cho nên người làm tướng có mưu trí bao giờ cũng lo lắng đến lợi, đến hại. Lo đến lợi mới có đủ tin tưởng làm trọn được nhiệm vụ. Lo đến hại mới tìm mưu kế để giải trừ được gian nguy”61.

Ngày 14/6/1958, với bài viết “Những người Mỹ biết điều”, Bác (ký tên Trần Lực) trích dẫn ý kiến của Thượng nghị sĩ Mỹ Menxphin phát biểu tại Thượng nghị viện và đánh giá rằng: “Thế là những chính khách Mỹ biết điều cũng tán thành chủ trương đúng đắn của Chính phủ ta. Nếu Ngô Đình Diệm còn có lương tâm, không muốn mang tiếng xấu muôn đời là kẻ phản nhân dân, phản Tổ quốc, thì phải làm theo lòng mong muốn thiết tha của đồng bào và thực hiện những điều Chính phủ ta đã đề nghị”62.

Ngày 14/6/1961, Bác đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội. Hòa cùng bà con trên đồng ruộng, Bác căn dặn: “Muốn phát triển sản xuất tốt, trước hết các xã viên phải đoàn kết như anh em một nhà. Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết thì khó khăn mấy cũng làm được, cũng vượt qua được… Cán bộ phải gương mẫu… phải chí công vô tư, sổ sách tài chính phải minh bạch...”63.

Ngày 14/6/1966, Bác gửi thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Quảng Bình với lời biểu dương: “Trước đây, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Nay Quảng Bình lại là tỉnh đầu tiên bắn rơi 200 máy bay Mỹ”64.

Ngày 14/6/1969, tại Hội trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh chào mừng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây cũng là lần cuối cùng Bác xuất hiện trong một cuộc mít tinh tại Hội trường Ba Đình lịch sử.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:
42. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 83.
43. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Sđd, tr. 74-75.
44. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 439.
45,46,47. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 440, 142, 145-146.
48. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 90.
49,50. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 444-446.
51, 52, 53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 449, 450, 627-628.
54. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 367.
55. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 3, tr. 34-35.
56. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 91.
57,58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 506-507.
59. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 295-296.
60, 61. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 254, 232.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 188.
63. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 92.
64. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 101.


Ngày 15/6

“Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi”.

Ngày 15/6/1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản Thanh niên tại Mátxcơva. Cùng ngày, nhà cách mạng Việt Nam cũng tham dự cuộc gặp mặt giữa nhân dân Thủ đô của Liên bang Xô viết với các đại biểu dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, diễn ra trên Đồi Lê-nin.

Ngày 15/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” xảy ra vụ vợ chồng của Ủy viên Quốc tế Cộng sản người Bỉ Hile Nulen bị cảnh sát bắt ở Thượng Hải và thu được 21 tài liệu viết bằng tiếng Anh của Nguyễn Ái Quốc. Với những tài liệu đó, cơ quan an ninh của Pháp tìm cách câu kết với chính quyền Anh ở Hồng Kông quyết tâm thanh toán nhà cách mạng Việt Nam mang tên Tống Văn Sơ lúc này đang bị giam tại nhà tù Victoria.

Ngày 15/6/1950, Báo Sự Thật đăng bức thư “Gửi đồng báo các tỉnh có đê” trong đó Bác nhấn mạnh: “Mấy năm nay, ta đã thắng luôn giặc lụt. Năm nay, ta cũng phải thắng, vì toàn thể đồng bào, từ các cụ phụ lão cho đến các cháu nhi đồng đều kiên quyết chống giặc lụt, cũng như kiên quyết chống giặc ngoại xâm. Đồng bào hãy cố gắng lên”65.

Cũng vào thời gian này, Bác còn viết thư “Gửi đồng bào Thanh Hóa” biểu dương việc các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã quyên góp được 84 triệu đồng cùng nhiều trâu bò, ruộng đất ủng hộ kháng chiến và động viên rằng, Thanh Hóa “sẽ cố gắng tranh cho được cái địa vị vẻ vang là tỉnh kiểu mẫu...”. Nhưng Bác cũng nhắc nhở phải “quản lý hẳn hoi những tiền và của đồng bào đã ủng hộ; tài chính phải hoàn toàn công khai, hết sức tiết kiệm; cần phải dùng số tiền và của ấy làm vốn mà tăng gia sản xuẩt để cấp dưỡng bộ đội địa phương, sổ sách phải rất cẩn thận và minh bạch...”66.

Cũng giữa tháng 6/1950, Bác viết thư “Gửi đồng bào Liên khu IV” nhân nảy sinh một số hiện tượng “cán bộ làm sai Chỉ thị của Chính phủ và đường lối của đoàn thể. Họ xa rời nhân dân, không hiểu biết nhân dân. Làm việc thì dùng mệnh lệnh, chứ không biết tuyên truyền cổ động... Thậm chí họ dùng những cách ép uổng, cưỡng bức, bắt bớ dân. Nghe các ông thanh tra báo cáo lại những việc đó, tôi rất đau lòng! Dù Chính phủ đã ra lệnh trừng trị những cán bộ đó, tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi - là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo… Vì thiếu sót sự kiểm tra chặt chẽ các cán bộ cấp dưới. Tôi lại xin nói với đồng bào: Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm... Khi ai có điều gì oan ức, thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng cái quyền ấy... Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc và kiểm tra công việc cán bộ cấp dưới. Nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ...”67.

Ngày 16/6

“Trường kỳ kháng chiến là hòn đá thử vàng”.

Ngày 16/6/1923, Cơ quan đặc mệnh toàn quyền của Liên bang Xô viết tại Béclin (Đức) cấp giấy thông hành để đến nước Nga cho Nguyễn Ái Quốc. Trên tấm giấy số 1829, tính danh được sử dụng là “Chen Vang”, nghề nghiệp là thợ ảnh. Với tấm giấy này, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị thực hiện uớc mơ của mình là đến được đất nước của V.I.Lê-nin.

Ngày 16/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Vụ Châu Á và Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Pháp gửi văn bản đến Bộ trưởng Thuộc địa với chủ đề “Về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc”, trong đó cho biết, cơ quan lãnh sự của Pháp đang tích cực can thiệp với nhà cầm quyền Hồng Kông nhằm “giành lại Nguyễn Ái Quốc bằng cách dẫn độ hoặc nếu phương án này không thể thực hiện được thì quản thúc ông ta trong một thời gian nhất định tại một thuộc địa của Anh...”68. Còn trong một bức điện khẩn của Bộ Thuộc địa gửi cho chính quyền thực dân ở Hà Nội đã hí hửng về “thành công mỹ mãn” của các cơ quan an ninh Pháp và Anh chứng tỏ mối quan tâm chung hàng đầu của các cường quốc thuộc địa ở Viễn Đông là phải phối hợp hành động.

Ngày 16/6/1946, trong thời gian lưu lại thành phố Biarritz để chờ Chính phủ Pháp thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm vùng biên giới giáp Tây Ban Nha.

Ngày 16/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ” nhằm động viên đội ngũ những công chức của Nhà nước kháng chiến xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau đang chịu đựng nhiều gian khổ, thiếu thốn. Thư có đoạn: “Những anh chị em ở tiền phương, đem xương máu giữ gìn Tổ quốc là chiến sỹ. Những anh chị em ở hậu phương, đem tài năng giúp việc Chính phủ cũng là chiến sỹ. Những chiến sỹ ở tiền phương, ăn gió nằm sương, xung phong hãm trận, chết sống bao giờ không biết, là hy sinh. Những chiến sỹ ở hậu phương, lên dốc xuống đèo, ăn túng mặc thiếu, ốm khỏe bao giờ không biết, cũng là hy sinh. Tuy cách hy sinh khác nhau, nhưng tiền phương và hậu phương đều vì Tổ quốc, vì đồng bào mà hy sinh... Trường kỳ kháng chiến là một viên đá (hòn đá) thử vàng đối với mỗi một quốc dân, đồng thời là một trường học để rèn luyện cho cán bộ”69.

Ngày 16/6/1948, sau hai ngày họp Đảng - Đoàn Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Hội đồng Liên bộ có các Bộ trưởng ngoài Đảng như Vũ Đình Hòe, Phan Anh... bàn nhiều vấn đề trong đó có việc đối phó với việc thực dân lập Chính phủ “bù nhìn”. Bác kết luận, chưa nên đưa Vĩnh Thụy ra tòa chờ khi đập thì đập cho đúng và cho trúng.

Ngày 16/6/1949, kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ diễn ra trong hai ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “a) Mọi việc muốn thành công cần phải trông vào dân. Các kế hoạch chương trình cần phổ biến cho dân hiểu và vận động dân tham gia. b) Cán bộ cần chú ý giúp cho nhân viên quán triệt việc, trông xa và trông rộng, nhìn từ công việc chung. c) Trong kế hoạch thi đua của các Bộ, cần phải chú ý việc tuyên truyền trong dân... d) Các Bộ và các cơ quan phải luôn luôn giữ bí mật, quân sự hóa, chuẩn bị tinh thần và vật chất để sẵn sàng đối phó với mọi chuyển biến của thời cuộc”70.

Ngày 17/6

“Một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng”.

Ngày 17/6/1924, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với tư cách là đại biểu tư vấn, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nhưng cũng là người Việt Nam đầu tiên tham dự mang tiếng nói của các dân tộc thuộc địa. Đại hội có 504 đại biểu của 49 Đảng Cộng sản và công nhân đại diện cho hơn 1,3 triệu đảng viên cộng sản trên toàn thế giới và 10 tổ chức quốc tế... Trước khi Tổng Bí thư của Quốc tế Cộng sản V.Curalốp đọc Nghị quyết và lời kêu gọi của Đại hội, đại biểu Nguyễn Ái Quốc đã nêu vấn đề: “Tôi muốn biết Đại hội có gửi lời kêu gọi đặc biệt đến các nước thuộc địa không?” và yêu cầu bổ sung vào văn kiện câu: “Gửi các dân tộc các nước thuộc địa”. Cuối cùng, tất cả các yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc đều được Đại hội chấp nhận.

Cùng ngày, trên tạp chí “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Những cái tốt đẹp của nền văn minh Pháp” của Nguyễn Ái Quốc phê phán những ý kiến đề cao “nền văn minh Pháp” và đưa những dẫn chứng từ thực tiễn ở các thuộc địa để phản bác chế độ thực dân.

Ngày 17/6/1946, trong thời gian lưu lại tại Biarritz, Bác thăm phong cảnh vùng núi Pirônô (Pyrenoes) và được dân làng Sare tổ chức lễ hội chào mừng các vị khách Việt Nam. Trong ngày, trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Pháp AFP, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi rất tin cậy ở kết quả của cuộc Hội nghị Pháp - Việt này. Hai nước Pháp - Việt xa nhau không phải vì văn hóa, lý tưởng mà chỉ vì quyền lợi của một vài cá nhân. Mục đích của Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái, nếu Pháp thi hành đúng thì chắc chắn sẽ mua được tình thân thiện của nước Việt Nam”71.

Ngày 17/6/1947, tại Tân Trào, Bác chủ trì Hội đồng Chính phủ kỷ niệm 6 tháng kháng chiến và nghe Bộ trưởng Quốc phòng báo cáo về tình hình quân sự. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh thành lập Trường Ngoại ngữ nhằm mục đích đào tạo cán bộ cho công tác đối ngoại của công cuộc kháng chiến.

Ngày 17/6/1956, Báo Nhân Dân đăng bài “Bình dân học vụ” của Bác (C.B) biểu dương: Tính đến thời điểm này ở miền Bắc đã có 1.715.000 người tham gia các lớp học từ “itờ” đến các lớp bổ túc cấp 2, “có thành tích ấy là vì nhân dân ta hiểu thấu rằng: Bất kỳ làm nghề gì, nếu không biết chữ thì khó tiến bộ, cho nên nhiều người cố gắng đi học. Từ thành thị đến thôn quê, ở các đường phố, các nhà máy, các công trường, các chợ búa... khắp nơi có lớp học. Già, trẻ, gái, trai, ai chưa biết chữ đều tìm cách vượt khó khăn để đi học. Buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, đến đâu cũng nghe tiếng học. Thật là một phong trào sôi nổi, một cảnh tượng tưng bừng của một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng... Một dân tộc siêng làm, ham học như thế, thì làm việc gì cũng thành công!... Chúng ta nhất định tiêu diệt giặc dốt trong thời gian đã định”72.

Ngày 17/6/1958, Bác đã ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã xóa xong nạn mù chữ trước thời hạn quy định và sớm nhất trong các huyện ở miền Bắc.

Ngày 18/6

“Những yêu sách của nhân dân Việt Nam”.

Ngày 18/6/1919, văn kiện “Yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, đã được gửi tới Hòa hội Vécxây (Versailles), nơi các nước thắng trận họp để phân chia trật tự thế giới sau Đại chiến lần thứ Nhất. Văn kiện này cũng được gửi tới một số đoàn đại biểu tham dự và được đăng tải trên nhiều tờ báo ở Pháp.

Nội dung yêu sách gồm 8 điểm “1) Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2) Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu. 3) Tự do báo chí và tự do ngôn luận. 4) Tự do lập hội và tự do hội họp. 5) Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương. 6) Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. 7) Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. 8) Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”73. Cùng ngày, một bức thư cũng ký tên Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Tổng thống Mỹ “kèm theo đây là bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam. Chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền...”74.

Nguyễn Ái Quốc lúc đầu là tên chung của Nhóm người Việt Nam yêu nước, sau đó, Nguyễn Tất Thành đứng ra chịu trách nhiệm trước chính quyền thực dân về văn bản này và kể từ đó cái tên Nguyễn Ái Quốc trở nên nổi tiếng gắn với một thời kỳ hoạt động sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận xét về văn kiện này, Bộ Nội vụ Pháp khẳng định: “Qua cuộc điều tra, có thể rút ra kết luận rằng hiện nay linh hồn của phong trào đó chính là Nguyễn Ái Quốc”.

Ngày 18/6/1922, vở kịch “Con Rồng tre” (Le Dragon de Bambou) của Nguyễn Ái Quốc được “Câu lạc bộ Ngoại ô”(Club de Faubourg) công diễn tại Pari. Vở kịch dựng hình tượng con rồng tre để vạch trần bản chất bù nhìn của Nam triều và được trình diễn 6 ngày trước khi “Hoàng đế An Nam” Khải Định đặt chân tới Pari. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngoại ô Lêông Pônđê (Léo Poldes) nhận xét: “Tôi đã đọc bản thảo. Thật là hay, thật là đẹp, lời văn vừa chải chuốt vừa gọn gàng, với những cái châm biếm dí dỏm của Aristophane”.

Ngày 18/6/1946, nhân kỷ niệm Ngày Kháng chiến, trong thời gian lưu lại Biarritz, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn Việt Nam sang dự Hội nghị Phôngtennơblu (Fontainebleau) đã đến đặt vòng hoa tại Đài chiến sỹ trận vong ở địa phương.

Ngày 18/6/1965, trả lời phỏng vấn của báo Pravda (Sự Thật) của Liên Xô, Bác nêu rõ: “Cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước hiện nay động viên đến mức cao nhất truyền thống đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang”75.

Ngày 19/6

“Chim én báo hiệu mùa Xuân”.

Ngày 19/6/1924, xảy ra vụ thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái dùng tạc đạn mưu sát Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) tại Sa Diện, tô giới của Pháp ở Quảng Châu (Trung Quốc). Vụ mưu sát không thành và Phạm Hồng Thái đã trẫm mình xuống dòng sông Châu Giang. Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Liên Xô đã đưa ra lời đánh giá: “Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én báo hiệu mùa Xuân”.

Ngày 19/6/1946, trong thời gian lưu lại thành phố Biarritz chờ Chính phủ Pháp tiếp đón, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xứ Dax, một nơi nghỉ dưỡng có suối nước nóng nổi tiếng ở Pháp.

Cùng ngày ở trong nước, Báo Cứu Quốc đăng bài “Tại sao hợp tác xã chưa thấy xuất hiện ở thôn quê” của Bác nhằm phân tích nguyên nhân mô hình hợp tác xã vẫn chưa hình thành ở thôn quê nước ta, để rút ra kết luận: “Chỉ khi nào dân chúng thấy lợi ích của hợp tác xã đã hiển nhiên thì khi đó phong trào hợp tác xã mới có thể sôi nổi được”76.

Ngày 19/6/1947, nhân tròn nửa năm Toàn quốc Kháng chiến, Bác ra lời kêu gọi: “Vì đồng bào ta đại đoàn kết. Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ. Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước. Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.

Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại... Chúng ta phải hy sinh, chịu khổ và phải gắng sức… 5 năm, 10 năm để phá tan cái xiềng xích nô lệ hơn 80 năm vừa qua, để tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho muôn đời sắp đến”77.

Ngày 19/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, Bác gửi một văn kiện đăng trên Báo Vệ Quốc có nhan đề “Các tướng sỹ yêu mến tiến lên!”. Trước hết, biểu dương danh sách “những bộ đội đã làm cho giặc Pháp thiệt hại nhiều, đã có thành tích vẻ vang” và “Tôi cũng phải nhắc đến những bộ đội du kích phụ lão và phụ nữ cùng các chú liên lạc đã tỏ ra rất oanh liệt, đã làm cho thế giới biết rằng: Người già, đàn bà và trẻ con Việt Nam đều là những chiến sỹ yêu nước và dũng cảm, tranh đấu hy sinh cho Tổ quốc. Song những tiến bộ và thành tích ấy mới là bước đầu. Trong cuộc thi đua ái quốc tới đây, các bạn phải tiếp tục tiến bộ mau hơn nữa, nhiều hơn nữa. Các bạn phải thi đua nhau đánh những trận to lớn hơn nữa, giết nhiều giặc, cướp nhiều súng hơn nữa...”78.

Tháng 6/1957, anh chị em thương, bệnh binh ở Trại an dưỡng Hà Nam gửi biếu Chủ tịch Nước một nải chuối to, Bác viết thư cảm ơn và căn dặn: “… Các chú là những chiến sỹ đã được Quân đội nhân dân ta rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng... và hứa với Bác: Trại thương binh Hà Nam sẽ là một trại gương mẫu”79

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:
65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 62.
66, 67. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 64, 65-66.
68. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Sđd, tr. 76.
69. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 147.
70. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 321-322.
71. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 258.
72. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 186-187.
73. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 416.
74. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 63.
75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 453.
76. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4. tr. 260.
77,782. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 150-152, 451-452.
79. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 433.


 Ngày 20/6

“Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình Châu Á”.

Ngày 20/6/1921, mật thám Pháp theo dõi việc Nguyễn Ái Quốc có mặt tại ngôi nhà số 6 phố Villa des Gobelins ở Pari, là nơi ở của Luật sư Phan Văn Trường vào thời điểm này đang có mặt cả Phan Châu Trinh cùng một số Việt kiều khác nữa.

Ngày 20/6/1939, với bí danh là Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Trung Quốc, đã tham gia khóa 2 lớp huấn luyện cán bộ du kích ở Nam Nhạc, từ đây có thể liên hệ với Văn phòng Bát Lộ quân đóng ở Quế Lâm và theo dõi thời cuộc qua các phương tiện điện đài được trang bị.

Ngày 20/6/1946, trong thời gian phải lưu lại thành phố Biarritz chờ Chính phủ Pháp tổ chức đón tiếp, Bác đã đi thăm làng chài và ra biển câu cá với dân địa phương và tối hôm đó tiếp Bộ trưởng Bộ Quân vụ và ba nghị sĩ Pháp đến chào bày tỏ sự thân thiện.

Ngày 20/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới” cũng nhân dịp nửa năm kháng chiến nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế. Với nhân dân Pháp, thư viết: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp đều chung một lý tưởng: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Có một mục đích chung: Cộng tác thân thiện và bình đẳng giữa hai dân tộc. Vận mệnh của nhân dân Việt Nam và vận mệnh của nhân dân Pháp rất quan hệ với nhau... Chúng tôi rất mong các bạn cùng chúng tôi hành động để ngăn trở bọn thực dân phản động phá hoại cái lý tưởng chung, lợi ích chung, và tình nghĩa của hai dân tộc ta...”80. Với nhân dân Châu Á, thư viết: “Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình Châu Á. Tranh đấu cho tự do độc lập của Việt Nam tức là tranh đấu cho tự do, độc lập của đại gia đình Châu Á”81. Còn với “các nhân sĩ dân chủ trên thế giới”, thư kêu gọi: “Mong các bạn lên tiếng ủng hộ hòa bình, ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ dân chủ, ủng hộ Việt Nam!”82.

Ngày 20/6/1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Bác tập hợp những bài viết đăng trên Báo Cứu Quốc thành một cuốn sách mang tên là “Cần, kiệm, liêm, chính”. Cuối sách, Bác viết: “Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt, con cháu mình sung sướng, gia đình mình no ấm, làng xóm mình thịnh vượng, nòi giống mình vẻ vang, nước nhà mình mạnh giàu. Mục đích ấy tuy to lớn, nhưng rất thiết thực. Thiết thực, vì chúng ta nhất định đạt được. Chúng ta nhất định đạt được, vì mỗi người và tất cả dân ta đều thi đua: Cần, kiệm, liêm, chính”83.

Ngày 20/6/1954, nghe tin phu nhân của Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, một trí thức Việt kiều ở Nhật Bản về nước phục vụ kháng chiến qua đời, Bác viết thư chia buồn và phân ưu: Nhưng sinh tử là lẽ thường của tạo hóa. Bác khuyên chú chớ quá buồn rầu, lấy công tác mà khuây khỏa...

Ngày 20/6/1960, Bác đến dự và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ Hà Nội vạch rõ: “Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí... Muốn uống nước thì phải đào giếng, đào giếng thì phải đổ mồ hôi, nhưng càng khó nhọc vất vả thì giếng càng sâu, càng nhiều nước”84.

Ngày 21/6

“Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua”.

Ngày 21/6/1925, tuần báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tờ báo còn trở thành hạt nhân tổ chức và huấn luyện đội ngũ những nhà hoạt động cách mạng, tồn tại đến 4/1927 tổng cộng ra được 88 số. Ngày 21/6 trở thành Ngày Báo chí Việt Nam.

Ngày 21/6/1946, Báo Cứu Quốc tiếp tục đăng bài “Vấn đề quân nhu và lương thực” trong loạt bài về “Binh pháp Tôn Tử” của Bác đề cập tới một lĩnh vực quan trọng bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh: “Về quân sự, quân nhu và lương thực rất quan trọng. Có binh hùng, tướng giỏi, nhưng thiếu quân nhu, lương thực, không thể thắng trận được. Nếu việc cung cấp lương thực, quần áo, thuốc men, súng ống, đạn dược cho quân đội ngoài mặt trận không làm được đầy đủ, chu đáo, binh sĩ bị hãm vào vùng thiếu thốn, sẽ mất hết tinh thần tác chiến... Cho nên, tướng giỏi phải tìm hết mưu kế để cướp lấy lương thực của quân địch”85.

Ngày 21/6/1948, Bác gửi điện tới Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ khen đồng bào xã Giới Xuân tỉnh Gia Định về thành tích đã thanh toán xong nạn mù chữ, mong nhiều địa phương “bắt chước xã Giới Xuân” và nêu rõ: “Chúng ta cần phải đánh tan giặc dốt, cũng như đánh tan giặc ngoại xâm”86.

Ngày 21/6/1953, Bác viết bài “Công tác cầu đường” (bút danh C.B) đăng trên Báo Nhân Dân xác định: “Cầu đường là mạch máu của đất nước. Cầu đường tốt thì lợi cho kinh tế... cho quân sự ... cho chính trị... Vì vậy, làm cầu đường cũng như một chiến dịch. Người làm cầu đường cũng là một chiến sỹ. Cho nên: Lãnh đạo về chính trị và kỹ thuật phải vững chắc. Tổ chức từ xã đến công trường phải chặt chẽ. Kế hoạch phải tỉ mỉ và đầy đủ... Tư tưởng phải thông suốt... Tác phong phải dân chủ… Cán bộ phải làm gương mẫu...”87.

Ngày 21/6/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hộ pháp Phạm Công Tắc, thủ lĩnh của đạo Cao Đài đang sống tại Campuchia nêu rõ quan điểm: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn dân ta từ Bắc chí Nam, trong nước và ngoài nước đều đang kiên quyết và bền bỉ đấu tranh để thực hiện nguyện vọng tha thiết của dân tộc, là làm cho nước Việt Nam ta được hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”88.

Ngày 21/6/1959, Bác viết bài “Điện Biên Phủ” (với bút danh T.L) để rút ra những kết luận lịch sử: “Quân đội ta đại thắng ở Điện Biên Phủ đã đưa thực dân Pháp đến miệng hố diệt vong và đưa cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta đến toàn thắng... Thực dân Pháp sở dĩ thất bại, vì chúng là phe tà, là bọn cướp nước; chiến tranh thực dân là phi nghĩa; và hễ còn chủ nghĩa thực dân thì Pháp còn bị nhiều Điện Biên Phủ ở các thuộc địa khác. Việt Nam sở dĩ thắng lợi là vì quân và dân ta đoàn kết nhất trí, kháng chiến anh dũng, vì chính nghĩa ở về phía ta... Khi một dân tộc đã đoàn kết chặt chẽ, vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không có lực lượng phản động nào ngăn cản được họ và họ nhất định thắng lợi: ... Trăm năm trong cõi người ta/ Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua”89.

Ngày 22/6

“Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”.

Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp. Từ Biarritz, máy bay hạ cánh xuống sân bay Lơ Buốcgiờ (Le Bourget) của Thủ đô Pari nơi diễn ra lễ đón tiếp trọng thể với những nghi thức quốc gia. Bộ trưởng Hải ngoại Pháp cùng nhiều thành viên trong Chính phủ, đông đảo nhân dân Pháp và bà con Việt kiều đã nghênh tiếp. Đoàn lưu lại tại Khách sạn “Royal Monceau”.

Ngay tại sân bay, Bác đã nói đại ý: “Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đãi một cách long trọng, mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện”90.

Ngày 22/6/1947, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Bác khẳng định: “Một là vì Chính phủ Việt Nam gồm đủ các đảng, các phái, và các nhân sĩ không đảng phái, hai là chính sách của Việt Nam rất rõ rệt: Cốt làm cho nước Việt Nam thống nhất và độc lập, làm cho dân được tự do và khỏi khổ, khỏi dốt. Bao giờ Việt Nam được thật thà thống nhất và độc lập thì chiến tranh sẽ kết thúc" và "rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi". Về vai trò của trí thức, Bác khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế... Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”91.

Ngày 22/6/1948, Báo Cứu Quốc đăng thư của Bác gửi các khu về dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến: “Ngày 23/9/1945, đồng bào toàn quốc đã đứng dậy làm một khối sau lưng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chống lại bọn thực dân Pháp xâm lăng vào bờ cõi miền Nam đất nước ta. Để nhớ đến bao nhiêu chiến sỹ và đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung bộ đã bỏ mình vì nước trên bãi chiến trường hoặc dưới sự tàn sát của quân giặc; để ghi công những chiến sỹ đã tiên phong giữ vững nền độc lập và thống nhất của nước nhà, toàn quốc sẽ long trọng kỷ niệm 1.000 ngày chiến đấu của đồng bào miền Nam”92.

Báo Nhân Dân ra ngày 22/6/1954 đăng bài “Cần phải xem báo Đảng”, trong đó Bác nhắc nhở: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất... Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”93.

Ngày 22/6/1955, rời Hà Nội đi thăm chính thức Liên Xô và Trung Quốc, Bác tuyên bố: “Tin chắc rằng cuộc đi thăm này sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nhân dân và Chính phủ hai nước bạn”94.

Ngày 23/6

“Tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”.

Ngày 23/6/1924, đại biểu Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại diễn đàn của phiên họp thứ 8 của Đại hội V Quốc tế Cộng sản: “Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”95. Với một tinh thần thẳng thắn, Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ sai lầm là “muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc... Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa... Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý!”96. Tại diễn đàn Đại hội, nhiều lần Nguyễn Ái Quốc kiên trì đề cấp tới vấn đề này.

Ngày 23/6/1939, dưới bút danh P.C Lin, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Về chủ nghĩa Tơrôtxki” trong loạt bài “Thư từ Trung Quốc”, gửi về nước đăng trên tờ Notre Voix, cơ quan hoạt động công khai của Đảng tại Hà Nội nhằm phân tích một khuynh hướng chính trị “không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ”97.

Ngày 23/6/1946, tiếp tục cuộc thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp, tiếp bà con Việt kiều trong đó có nhiều các cháu nhi đồng.

Ngày 23/6/1953, Bác thăm Trường Chính trị trung cấp Quân đội khai mạc tại Việt Bắc, Bác căn dặn: “Dù có bao nhiêu khí giới tinh xảo mà con người không có lập trường vững, quan điểm đúng, thiếu tinh thần trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân thì súng đó cũng bỏ đi...”98.

Ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanúc nhân dịp nước ta và Vương quốc Campuchia chính thức lập quan hệ ngoại giao và đánh giá “đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông - Nam Á”99.

Ngày 23/6/1969, Bác gửi thư tới Đại sứ quán Liên Xô nhờ chuyển lời cảm ơn tới nữ Anh hùng Liên Xô Irina Levtchenkô đã tặng sách, và qua Tổng Lãnh sự Ấn Độ cảm ơn bà Inđira Ganđi đã gửi biếu Bác một quả xoài Ấn Độ. Buổi chiều ngày hôm đó, mặc dù sức khoẻ đã yếu, Bác đến thăm tận nơi ở của Phái đoàn Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Trong câu chuyện thân tình với Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Bác cho biết: “Tôi đã bỏ thuốc lá rồi, cụ ạ!... Tôi cũng phải đấu tranh với bản thân ghê gớm lắm mới bỏ được thuốc lá đó, cụ ạ!”100.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

 

Chú thích
80, 81, 82, 83. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 153, 154, 645.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 159-160.
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 261-262.
86 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 86.
87. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 193.
88. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 462-463.
89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 453.
90. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 342.
91, 92. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 155-156, 454.
93. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 298.
94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 1.
95, 96. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 273-275.
97. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 126.


Ngày 24/6

"Một Lê-nin của Đông Dương”.

Ngày 24/6/1922, tờ L’ Humanité (Nhân Đạo) đăng bài “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc” của Nguyễn Ái Quốc là một truyện ngắn hư cấu giấc mơ của vua Khải Định (lúc này đang “xa giá” đến Pháp) và mượn lời của vị nữ anh hùng dân tộc chống ngoại xâm, tác giả lên án nặng nề chế độ phong kiến Nam triều và chính vua Khải Định đã để mất nước, ươn hèn cam tâm làm tay sai cho ngoại bang.

Liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh Pháp trong thư đề ngày 24/6/1931 gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đánh giá: “Thực ra từ hơn 10 năm nay, Nguyễn Ái Quốc là một chiến sỹ vô địch vì sự nghiệp độc lập của Đông Dương. Lúc đầu là một người dân tộc chủ nghĩa, ông ta sớm đi theo chủ nghĩa cộng sản, và từ nhiều năm nay những người cách mạng bản xứ xem ông ta như một Lê-nin của Đông Dương ...”101.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp gửi tới Đại sứ của mình tại Luân Đôn (Anh) yêu cầu: Tôi đề nghị ông can thiệp khẩn cấp với chính quyền Anh. Ông hãy chỉ ra rằng kẻ phiến loạn này (ám chỉ Nguyễn Ái Quốc - BT) nguy hiểm đối với tất cả thuộc địa của Châu Âu ở Viễn Đông và hoạt động của ông ta mở tới tận Xingapo, sang cả vùng Ấn Độ thuộc Hà Lan, v.v...

Ngày 24/6/1942, leo lên vùng núi Lũng Dẻ thuộc khu núi đá Lam Sơn (Cao Bằng), Bác tức cảnh làm bài thơ “Thướng sơn” (Leo núi):

“Lục nguyệt nhị thập tứ,

Thướng đáo thử sơn lai.

Cử đầu hồng nhật cận,

Đối ngạn nhất chi mai.”102

(Tố Hữu dịch:

Hai mươi tư tháng Sáu,

Lên ngọn núi này chơi.

Ngẩng đầu: Mặt trời đỏ,

Bên suối một nhành mai).

Ngày 24/6/1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hơn 100 anh em đại biểu Nam bộ đến chào và bày tỏ tinh thần thống nhất quốc gia. Cùng ngày, Bác tiếp Bộ trưởng Hải ngoại M. Mutờ (M.Moutet) và Đô đốc Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu) và Ban Trị sự Hội Pháp - Việt hữu nghị mới thành lập... Trong số những Việt kiều đến chào Bác có triết gia Trần Đức Thảo.

Ngày 24/6/1959, Bác đón tiếp Tổng thống Inđônêxia sang thăm Việt Nam. Trong diễn văn chào đón tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) Bác chân tình nói: “Được đón tiếp Tổng thống Xucácnô, nhân dân Việt Nam có cảm tưởng vui sướng như được ôm ấp vào lòng mình 88 triệu anh em Inđônêxia anh dũng. Có mối tình thương yêu ấy, vì hai dân tộc ta cùng có một hoàn cảnh giống nhau, cùng có một lịch sử vẻ vang kháng chiến oanh liệt chống bọn thực dân cướp nước, giành lại độc lập, tự do. Hai dân tộc ta đều phải tiếp tục đấu tranh để giải phóng hoàn toàn đất nước và trong cuộc đấu tranh đó, hai dân tộc ta thông cảm lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau”103.

Trong tháng 6/1960, nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ các cơ quan dânchính đảng Trung ương, Bác phân tích: “Công việc cách mạng cũng như các bộ phận trong chiếc thuyền, bộ phận nào cũng quan trọng cả. Nếu các bộ phận ấy suy bì với nhau thì không được. Ví dụ như chèo thì luôn luôn vùng vẫy. Lái thì ngâm mình dưới nước... Buồm thì thảnh thơi... Ta đang làm cách mạng, có bộ phận này làm việc này, có bộ phận khác làm việc khác, các công việc đều cần thiết, đều vẻ vang cả...”104.

Ngày 25/6

“Tham ô lãng phí do bệnh quan liêu mà ra”.

Ngày 25/6/1923, với danh tính là “Cheng Vang”, Nguyễn Ái Quốc được Đại diện đặc mệnh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga tại Béclin (Đức) cấp giấy thị thực nhập cảnh qua thương cảng Pêtrôgrat với thời hạn lưu trú là 1 tháng.

Ngày 25/6/1927, Nguyễn Ái Quốc gửi thư đến Chi bộ Cộng sản Đại học phương Đông, thông báo việc thành lập Nhóm cộng sản Việt Nam gồm 5 người là: Phon Shon, Le Man, Jiao, Min Khan, Le Quy (bí danh của Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trí, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm và Trần Phú - làm Bí thư), đề nghị trường cử cán bộ “chăm lo việc giáo dục cộng sản cho nhóm đó, để đào tạo các đồng chí đó theo sinh hoạt của Đảng”105.

Ngày 25/6/1931, trong “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, viên Thống đốc người Anh đã ký lệnh bắt giam lần thứ hai để kéo dài thời gian cầm giữ theo sức ép của chính quyền Pháp.

Ngày 25/6/1946, Bác viếng mộ nhà nhiếp ảnh Khánh Ký, người cùng hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, vừa mới qua đời. Trong ngày, Chủ tịch Nước Việt Nam gặp lãnh đạo Đảng Cộng hòa Bình dân (MRP). Tiếp xúc với báo chí, Chủ tịch cho biết: “Từ khi tới Pháp, tôi được Chính phủ đón tiếp long trọng, nhân dân Pháp và các nhà báo chào mừng nồng nhiệt. Tôi rất cảm ơn. Hôm nay, tôi chưa thể tuyên bố gì, để đợi Chính phủ Pháp tiếp chính thức”106.

Ngày 25/6/1952, nói chuyện với Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, Bác nhấn mạnh đến cuộc đấu tranh: “Mỗi người phải tự mình chống tham ô lãng phí, gây thành một phong trào làm cho mọi người thấy đó là tội ác xấu xa, ai cũng gớm cũng ghét. Cần phải đấu tranh trừ bỏ tội ác đó. Tham ô lãng phí một phần lớn là do bệnh quan liêu mà ra... Muốn chống tham ô lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ, gây tự phê bình và phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người... Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân... Tóm lại không có việc sang, hèn. Công việc gì làm tròn, bổ ích cho kháng chiến, cho nhân dân đều là công việc sang, công việc gì bên ngoài có vẻ lòe loẹt mà không làm tròn là công việc xấu...”107.

Ngày 25/6/1959, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Vài ý kiến về mấy cuộc trưng bày” hoan nghênh cuộc triển lãm “Cải tiến kỹ thuật và phát minh sáng kiến” của Tổng cục Hậu cần và của lao động Hà Nội nhưng nhắc nhở rằng “còn cần phải thí nghiệm áp dụng, ra sức cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy... Quần chúng lao động ta thường có nhiều sáng kiến. Song một số cán bộ quan liêu chẳng những không khuyến khích mà còn kìm hãm sáng kiến của quần chúng... Vậy trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo (từ Bộ đến xí nghiệp và công trường) là phải ra sức khuyến khích, xét duyệt nhanh chóng, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến tốt. Có như thế, thì những cuộc trưng bày... mới có tác dụng thật thiết thực”108.

Ngày 25/6/1965, Bác đến thăm Đại đội 1 đơn vị Phòng không bảo vệ Thủ đô, đơn vị bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên bầu trời Hà Nội.

Ngày 26/6

“Các cháu là chủ nhân tương lai của Trái đất”.

Ngày 26/6/1921, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí là người của các thuộc địa Pháp như Angiêri, Tuynidi, Mađagaxca... họp bàn thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa, bàn về điều lệ, chương trình hoạt động và bầu Ban Chấp hành mà theo dự kiến, Nguyễn Ái Quốc sẽ tham gia vào Ban Chấp hành và là Ủy viên Thường trực.

Ngày 26/6/1946, trong chuyến thăm chính thức nước Pháp, Bác tiếp các đoàn Việt kiều từ các tỉnh Mácxây (Marseille), Boocđô (Bordeaux), Tuludơ (Toulouse) lên Pari chào mừng. Buổi tối, Bác tiếp Đoàn đại biểu Đảng Xã hội Pháp mà năm xưa Bác đã từng là thành viên và nhiều bạn cũ từng gắn bó trong các tổ chức cánh tả.

Ngày 26/6/1955, phát biểu tại buổi chiêu đãi trọng thể của Chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh, cũng là diễn đàn quốc tế đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ lập trường: “Từ ngày đình chiến đến nay, nhân dân Việt Nam đã dùng hành động thực tế mà chứng tỏ rằng mình bao giờ cũng thành thật chấp hành các điều khoản trong hiệp định quốc tế... Cử hành hiệp thương về vấn đề tổng tuyển cử để thực hiện tổng tuyển cử tự do vào năm 1956, do đó đi đến thống nhất toàn quốc Việt Nam. Đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam...”109.

Ngày 26/6/1959, Bác cùng Tổng thống Indônêxia Xucácnô đến gặp gỡ giới học sinh và sinh viên Hà Nội tại Trường Đại học Tổng hợp. Để tỏ tình thân, Bác đóng vai phiên dịch cho khách quý, truyền đạt những nội dung sâu sắc: “Bác Cácnô đã nói với các cháu những gì? Nói tương lai của loài người một phần lớn là ở trong các cháu thanh niên - tức là các cháu là chủ nhân, là ông chủ, bà chủ tương lai của Trái đất. Nhưng muốn cho xứng đáng với ông chủ, bà chủ thì phải làm thế nào? Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ, mà: 1. Phải đoàn kết chặt chẽ. 2. Cố gắng học tập cho tốt. 3. Phải lao động cho tốt. 4. Vượt mọi khó khăn để mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ XX... Các cháu chắc biết trong xã hội, trong một con người cũng thế, có cái thiện và ác. Hai cái nó tranh đấu với nhau. Nói cái “thiện” tức là tinh thần xã hội chủ nghĩa, tinh thần chiến đấu mà thắng thì cá nhân chủ nghĩa sẽ thua... Bác, đàn anh có tuổi rồi, có hưởng xã hội chủ nghĩa cũng không được mấy vì già rồi, hưởng hạnh phúc xã hội chủ nghĩa là các cháu. Vì vậy, các cháu phải ra sức xây dựng xã hội chủ nghĩa...”110.

Ngày 26/6/1963, Bác viết bài “Đại hội Phụ nữ quốc tế” đăng trên Báo Nhân Dân nêu rõ muốn thực hiện được mục tiêu của phong trào phụ nữ thì “phải ngăn ngừa chiến tranh. Muốn ngăn ngừa chiến tranh thì phải đấu tranh chống âm mưu gây chiến, tức là bọn thực dân đế quốc”111. Chính vì thế mà “người phụ nữ miền Nam Việt Nam đang chen vai sát cánh cùng toàn dân dũng cảm chiến đấu chống Mỹ, Diệm. Phụ nữ miền Bắc thì đều hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hiện tiết kiệm, để ủng hộ chị em ruột thịt ở miền Nam”112.

Ngày 26/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Ngài Gioócgiơ Pômpiđu (George Pompidou) nhân dịp ông được bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa Pháp.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

 

Chú thích:
101. Vụ Án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Sđd, tr. 80.
102. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 234-235.
103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 464.
104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 166-167.
105. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 240.
106. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 258.
107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 514.
108. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 469.
109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 7
110. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 471.
111,112. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 408, 409.


Ngày 27/6

“Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”

Ngày 27/6/1932, “Vụ án Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông” đã tiến triển với sự tác động của các luật sư tiến bộ người Anh. Lá đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc gửi lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh đã được luật sư thỏa thuận sẽ rút lại nếu chính quyền Hồng Kông cam kết không chỉ định chiếc tàu bắt buộc nhà cách mạng Việt Nam phải đi và trong mọi trường hợp không giao Nguyễn Ái Quốc cho phía Pháp, tôn trọng ý muốn nơi đến của người bị trục xuất.

Tháng 6/1940, đang ở Côn Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau khi nghe tin Pari đã bị phát xít Đức chiếm đóng đã đưa ra nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng... Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một trong những vấn đề rất quan trọng của cách mạng. Nhưng nếu bây giờ có vũ khí thì lấy ai mà vác vũ khí? Cho nên cứ tìm cách về nước đã, sau đó chúng ta sẽ vận động quần chúng. Khi quần chúng đã giác ngộ cao thì ta sẽ có vũ khí”113.

Ngày 27/6/1946, Bác thăm nhiều thắng cảnh của thủ đô Pari. Tối, Bác tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp đến chào trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng của Đảng đang giữ những chức vụ quan trọng trong Chính phủ. Như thế là ba chính đảng lớn nhất của nội các Pháp đã đến chào Chủ tịch nước Việt Nam.

Ngày 27/6/1951, Bác gửi điện khen ngợi các chiến sỹ tham gia Chiến dịch Quang Trung “trên chiến trường đồng bằng, ở Ninh Bình - Phủ Lý - Hà Đông... đã tiêu diệt hơn 20 đại đội địch, đã làm lay động tinh thần ngụy quân, đã phát triển chiến tranh du kích, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng...”114.

Ngày 27/6/1959, sau khi dẫn khách thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ trao tặng Tổng thống Xucácnô Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Đọc diễn văn trong buổi lễ, Bác đánh giá: “Tổng thống là vị lãnh tụ đầu tiên của một nước bạn sẽ mang Huân chương cao quý này của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân Việt Nam rất kính mến Tổng thống là người chiến sỹ gan góc, tiêu biểu cho ý chí quật cường và tinh thần nồng nàn yêu nước của nhân dân Inđônêxia...”115.

Ngày 27/6/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn tới Thái tử Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanúc bày tỏ “vô cùng cảm động về việc Ngài và nhân dân Khơme đã gửi tặng thuốc với một tấm lòng hào hiệp. Cử chỉ cao cả đó đã biểu hiện sự ủng hộ anh em của nhân dân Khơme đối với nhân dân Việt Nam... Như Ngài đã nói rất đúng: Nhiệm vụ của chúng ta đối với các thế hệ tương lai là phải cùng nhau củng cố cơ sở của sự hợp tác tin cậy và chân thành trong sự tôn trọng nền độc lập của nhau”116.

Ngày 27/6/1968, Bác gửi thư khen ngợi quân và dân miền Bắc đã bắn rơi máy bay Mỹ thứ 3.000 của giặc và đặc biệt khen ngợi quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 và căn dặn: “Phải luôn luôn cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, ra sức chiến đấu mạnh, sản xuất tốt, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, quyết đánh cho giặc Mỹ thất bại đến cùng. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”117.

Ngày 28/6

“Nhân dân Việt Nam chiến đấu không chỉ vì mình”.

Ngày 28/6/1922, mật thám Pháp chuyên theo dõi Nguyễn Ái Quốc tiếp tục ghi nhận mối quan hệ thường xuyên của đảng viên cộng sản thuộc địa này với các địa chỉ như các tờ báo cánh tả: “Bataille Syndicaliste” (Chiến trận Nghiệp đoàn), “L’Humanité” (Nhân Đạo), “Le Journal du Peuple”(Nhật báo Dân chúng) và trụ sở Đảng Cộng sản Pháp.

Ngày 28/6/1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang thăm nước Pháp tiếp một số chính khách Pháp và Đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế bày tỏ tình cảm với phụ nữ Việt Nam và thông báo Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đã kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức. Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng giới thiệu với các vị khách về những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành và bảo vệ nền độc lập cũng như gây dựng đời sống mới.

Ngày 28/6/1951, trong bài viết “Phòng gian trừ gian” đăng trên Báo Cứu Quốc, Bác nhắc nhở: “Phòng gian phải đi đôi với giữ bí mật. Đó là hai việc quan trọng cho công cuộc kháng chiến”118.

Ngày 28/6/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các chiến sỹ và cán bộ Liên khu V” khen ngợi thành tích đánh giặc trên chiến trường phối hợp với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và “thưởng cho Tiểu đoàn X, vừa thắng ở An Khê, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Bác khuyên dặn toàn thể chiến sỹ và cán bộ cần phải cố gắng nắm vững tình hình địch, thi đua giết giặc lập công, ra sức dân vận, ngụy vận. Chớ nên vì thắng mà kiêu, chủ quan khinh địch; ra sức tranh lấy thành tích to hơn nữa...”119.

Ngày 28/6/1959, trước cuộc mít tinh của 20 vạn đồng bào Thủ đô tại Quảng trường Ba Đình chào mừng Tổng thống Inđônêxia Xucácnô sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Inđônêxia: “Nước xa mà lòng không xa/ Thật là bầu bạn, thật là anh em!”120. Với người đứng đầu Nhà nước Inđônêxia, Bác chia sẻ quan điểm:

“Đoàn kết, đoàn kết, lại đoàn kết,

Khó khăn gì chúng ta cũng nhất định vượt được hết,

Kẻ thù nào chúng ta cũng đánh tan hết,

Thắng lợi to lớn gì chúng ta cũng tranh thủ được hết”121.

Bác nhắc lại kỷ niệm: “Mùa Xuân năm nay, lúc Bác sang thăm Inđônêxia, chẳng những trong gia đình Tổng thống, từ bác gái cho đến các cháu coi Bác như một người anh em trong nhà mà cả Chính phủ, Quốc hội và tất cả nhân dân Inđônêxia cũng không xem Bác là người khách mà xem Bác là người anh em bạn hữu thân thiết của Inđônêxia. Bác ở bên ấy mười ngày, đi tỉnh này qua tỉnh khác, hàng triệu nhân dân ra đón Bác, luôn luôn tỏ ra một tinh thần rất nồng nhiệt. Tình ấy không chỉ tỏ cho Bác mà còn tỏ cho tất cả nhân dân Việt Nam...”122.

Ngày 28/6/1966, trong bức điện chào mừng Hội nghị nhà văn Á - Phi họp ở Bắc Kinh (Trung Quốc) Bác khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi hiểu rằng mình chiến đấu không những để bảo vệ độc lập, tự do của mình mà còn để góp phần vào việc bảo vệ an ninh của phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập của các dân tộc khác và bảo vệ hòa bình thế giới”123.

Ngày 29/6

“Dân ta rất tốt, bộ đội anh dũng, cán bộ ta tận tụy”.

Ngày 29/6/1935, báo cáo của Trưởng phòng Đông Dương Vêra Vatxiliơva (Vera Vassilieva) gửi Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản trình bày hoàn cảnh của Nguyễn Ái Quốc một năm sau khi thoát khỏi nhà tù của đế quốc Anh ở Hồng Kông: “Tháng 6/1934, Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva. Qua lời kể của đồng chí thì khó xác định được tại sao đồng chí lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp... Đồng chí nói rằng chuyến đi này được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của Vaillant Couturier (nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp) trong thời gian ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng tất cả những việc này cần phải được kiểm chứng một cách thận trọng. Khi đồng chí đến đây, chúng tôi đã chuyển đồng chí tới Trường Lênin tại Mátxcơva, nơi đồng chí đang nghiên cứu... Nhiều lần đồng chí đề xuất với tôi xem xét vấn đề và thảo luận việc thành lập mối liên lạc giữa các Đảng. Đồng chí kiên trì theo dõi những chuyến đi của học viên, họ đi đâu và với nhiệm vụ gì và rất đau khổ vì tại sao đồng chí không được tham gia vào việc này hay việc khác của công tác bí mật”124. Đây chính là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc phải chịu một thử thách rất nặng nề và kéo dài để thể hiện tinh thần kiên định cách mạng ngay với các đồng chí của mình. Phải đến năm 1938, sau bức thư bí mật gởi qua Chu Ân Lai lúc này đang chữa bệnh ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc mới tiếp xúc được với Manuinski, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và là người có nhiều cảm tình với người “đồng chí An Nam”, nhờ đó mới kết thúc được “năm thứ tám trong tình trạng không hoạt động” của mình và được tạo điều kiện về nước hoạt động.

Ngày 29/6/1946, tại Pari, trong cương vị là thượng khách của Chính phủ Pháp, Bác tiếp cơm Đô đốc Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu) để tranh thủ hòa bình với nhân vật “diều hâu” nhất trong chính giới Pháp. Buổi chiều, Chủ tịch tiếp nhiều đoàn thể thanh niên của Pháp và Đoàn đại biểu Hội Thanh niên Thế giới đến chào và thông báo đã kết nạp thanh niên Việt Nam vào tổ chức của mình. “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp” ghi lại: “Trong lúc trò chuyện thân mật, có mấy thanh niên đề nghị cùng Chủ tịch: Thanh niên và nhi đồng Việt Nam gọi Hồ Chủ tịch là Cha, vậy xin Hồ Chủ tịch nhận làm Bác cho thanh niên thế giới. Mọi người đều vỗ tay tán thành. Hồ Chủ tịch vui lòng nhận lời và chúc thanh niên thế giới đoàn kết hơn và sung sướng hơn những lớp người trước”125.

Ngày 29/6/1959, tiễn đưa Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa Inđônêxia do Tổng thống Xucácnô dẫn dầu kết thúc chuyến thăm hữu nghị nước ta, tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) Bác Hồ quyến luyến đọc mấy vần thơ:

“Nhớ nhung trong lúc chia tay,

Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo Người.

Người về Tổ quốc xa khơi,

Chúc Người thắng lợi, chúc Người bình an”126.

Ngày 29/6/1960, Bác đến dự cuộc họp bàn về quy hoạch cải tạo và mở rộng Thủ đô Hà Nội và nhắc nhở quy hoạch phải toàn diện, thực hiện phải có kế hoạch và đặc biệt phải quan tâm đến điều kiện đi lại của dân.

Ngày 29/6/1968, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị nghe báo cáo tình hình chiến sự ở Trị - Thiên, Bác đánh giá: Dân ta rất tốt, bộ đội anh dũng, cán bộ ta tận tụy” nhưng góp ý “báo cáo còn nói ít đến khuyết điểm".

Ngày 30/6

“Cán bộ trẻ có tài, đức thì mạnh dạn đề bạt”.

Ngày 30/6/1911, Bác Hồ với cái tên là “Văn Ba” đang làm phụ bếp trên chiếc tàu “La Touche Tréville” đã ghé bến cảng “Port Said” của Ai Cập để chuẩn bị vào kênh Xuê để qua Địa Trung Hải hướng tới những cửa biển ở miền Nam nước Pháp.

Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đặt chân tới nước Nga. Trên con tàu Xô viết mang tên “Kark Liebnek”, nhà cách mạng Việt Nam rời bến Hambuốc (Đức) và cập bến cảng Pêtrôgrát với tấm giấy thị thực nhập cảnh số 361370 mang tên “Chen Vang” do đại diện Cộng hòa Liên bang Nga tại Đức cấp với thời hạn lưu trú là 1 tháng... Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã đến thủ đô Mátxcơva và lưu trú tại khách sạn “Lux” và liên hệ với Quốc tế Cộng sản với tư cách là một đảng viên thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp.

Ngày 30/6/1945, qua vô tuyến điện, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trả lời A.Pốtti, người chỉ huy của Tổ chức Tình báo chiến lược Mỹ đóng ở Côn Minh (Trung Quốc) đồng ý tiếp nhận một đơn vị OSS nhảy dù xuống căn cứ địa của Việt Minh để hợp tác chống Nhật.

Ngày 30/6/1946, trong khuôn khổ chuyến thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện khảo cổ về loài người nổi tiếng ở Pari (Museé de l‘Homme) và nhận xét: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”127.

Ngày 30/6/1947, Bác gửi điện chúc mừng tới Ban Chấp hành Đảng Dân chủ Việt Nam nhân kỷ niệm 3 năm thành lập. Với một tổ chức đảng phái tập hợp giới trí thức và những người yêu nước tầng lớp hữu sản ra đời trong cao trào Cách mạng Tháng Tám, bức điện chúc mừng của người đứng đầu nhà nước và cuộc kháng chiến ghi nhận: “Trong thế giới dân chủ, trong Việt Nam dân chủ, Đảng Dân chủ có một nhiệm vụ rất quan trọng làm cho dân chủ thắng lợi hoàn toàn... Với những người ái quốc và dân chủ không có đảng phái, phải lấy công tác thực tế về việc cứu quốc và kiến quốc mà thi đua nhau. Mỗi đồng chí phải là người kiểu mẫu trong sự hy sinh phấn đấu cho Tổ quốc, cho đồng bào”128.

Ngày 30/6/1961, Bác dự Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Khóa III thông qua nghị quyết kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng. Biên bản Hội nghị đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của nhà sáng lập Đảng: “Lần sau hội nghị và nghị quyết phải đi đôi với nhau từ Trung ương cho đến đảng viên phải gương mẫu về đạo đức cách mạng”. Về giáo dục đạo đức, Bác nhận xét: “Tôi xem chương trình giáo dục cho đến hết lớp 10, phần đức dục rất thiếu sót, chỉ có mười dòng”. Về công tác xây dựng Đảng: “Trong Đảng hiện nay, ở các địa phương có hiện tượng lớp già ép lớp trẻ trong khi sự hiểu biết về kinh tế, văn hóa của họ không bằng. Ở Trung ương cũng có đồng chí già, trước có công, nay không làm được. Bây giờ, ai làm được thì cử người ấy, cố nhiên trọng người nhiều tuổi Đảng. Phải có kế hoạch để lớp trẻ thay thế lớp già. Đối với lớp cán bộ già ấy, cho lương hưu, ưu đãi. Tôi xin xung phong hưu... Cán bộ trẻ có tài, đức thì mạnh dạn đề bạt”129.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

113. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 106.
114. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 231.
115. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 473.
116. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, r. 456.
117 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 187.
118. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12. tr. 365.
119. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, t r. 300.
120,121,122. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 475.
123. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 59-60.
124. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 104.
125. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 349.
126. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 479.
127. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 350.
128. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 157.
129. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 95-96.

 

 

Bài viết khác: