Ngày 15/6
“Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi”.
Ngày 15/6/1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản Thanh niên tại Mátxcơva. Cùng ngày, nhà cách mạng Việt Nam cũng tham dự cuộc gặp mặt giữa nhân dân Thủ đô của Liên bang Xô viết với các đại biểu dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, diễn ra trên Đồi Lê-nin.
Ngày 15/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” xảy ra vụ vợ chồng của Ủy viên Quốc tế Cộng sản người Bỉ Hile Nulen bị cảnh sát bắt ở Thượng Hải và thu được 21 tài liệu viết bằng tiếng Anh của Nguyễn Ái Quốc. Với những tài liệu đó, cơ quan an ninh của Pháp tìm cách câu kết với chính quyền Anh ở Hồng Kông quyết tâm thanh toán nhà cách mạng Việt Nam mang tên Tống Văn Sơ lúc này đang bị giam tại nhà tù Victoria.
Ngày 15/6/1950, Báo Sự Thật đăng bức thư “Gửi đồng báo các tỉnh có đê” trong đó Bác nhấn mạnh: “Mấy năm nay, ta đã thắng luôn giặc lụt. Năm nay, ta cũng phải thắng, vì toàn thể đồng bào, từ các cụ phụ lão cho đến các cháu nhi đồng đều kiên quyết chống giặc lụt, cũng như kiên quyết chống giặc ngoại xâm. Đồng bào hãy cố gắng lên”65.
Cũng vào thời gian này, Bác còn viết thư “Gửi đồng bào Thanh Hóa” biểu dương việc các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã quyên góp được 84 triệu đồng cùng nhiều trâu bò, ruộng đất ủng hộ kháng chiến và động viên rằng, Thanh Hóa “sẽ cố gắng tranh cho được cái địa vị vẻ vang là tỉnh kiểu mẫu...”. Nhưng Bác cũng nhắc nhở phải “quản lý hẳn hoi những tiền và của đồng bào đã ủng hộ; tài chính phải hoàn toàn công khai, hết sức tiết kiệm; cần phải dùng số tiền và của ấy làm vốn mà tăng gia sản xuẩt để cấp dưỡng bộ đội địa phương, sổ sách phải rất cẩn thận và minh bạch...”66.
Cũng giữa tháng 6/1950, Bác viết thư “Gửi đồng bào Liên khu IV” nhân nảy sinh một số hiện tượng “cán bộ làm sai Chỉ thị của Chính phủ và đường lối của đoàn thể. Họ xa rời nhân dân, không hiểu biết nhân dân. Làm việc thì dùng mệnh lệnh, chứ không biết tuyên truyền cổ động... Thậm chí họ dùng những cách ép uổng, cưỡng bức, bắt bớ dân. Nghe các ông thanh tra báo cáo lại những việc đó, tôi rất đau lòng! Dù Chính phủ đã ra lệnh trừng trị những cán bộ đó, tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi - là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo… Vì thiếu sót sự kiểm tra chặt chẽ các cán bộ cấp dưới. Tôi lại xin nói với đồng bào: Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm... Khi ai có điều gì oan ức, thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng cái quyền ấy... Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc và kiểm tra công việc cán bộ cấp dưới. Nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ...”67.
Ngày 16/6
“Trường kỳ kháng chiến là hòn đá thử vàng”.
Ngày 16/6/1923, Cơ quan đặc mệnh toàn quyền của Liên bang Xô viết tại Béclin (Đức) cấp giấy thông hành để đến nước Nga cho Nguyễn Ái Quốc. Trên tấm giấy số 1829, tính danh được sử dụng là “Chen Vang”, nghề nghiệp là thợ ảnh. Với tấm giấy này, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị thực hiện uớc mơ của mình là đến được đất nước của V.I.Lê-nin.
Ngày 16/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Vụ Châu Á và Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Pháp gửi văn bản đến Bộ trưởng Thuộc địa với chủ đề “Về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc”, trong đó cho biết, cơ quan lãnh sự của Pháp đang tích cực can thiệp với nhà cầm quyền Hồng Kông nhằm “giành lại Nguyễn Ái Quốc bằng cách dẫn độ hoặc nếu phương án này không thể thực hiện được thì quản thúc ông ta trong một thời gian nhất định tại một thuộc địa của Anh...”68. Còn trong một bức điện khẩn của Bộ Thuộc địa gửi cho chính quyền thực dân ở Hà Nội đã hí hửng về “thành công mỹ mãn” của các cơ quan an ninh Pháp và Anh chứng tỏ mối quan tâm chung hàng đầu của các cường quốc thuộc địa ở Viễn Đông là phải phối hợp hành động.
Ngày 16/6/1946, trong thời gian lưu lại thành phố Biarritz để chờ Chính phủ Pháp thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm vùng biên giới giáp Tây Ban Nha.
Ngày 16/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ” nhằm động viên đội ngũ những công chức của Nhà nước kháng chiến xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau đang chịu đựng nhiều gian khổ, thiếu thốn. Thư có đoạn: “Những anh chị em ở tiền phương, đem xương máu giữ gìn Tổ quốc là chiến sỹ. Những anh chị em ở hậu phương, đem tài năng giúp việc Chính phủ cũng là chiến sỹ. Những chiến sỹ ở tiền phương, ăn gió nằm sương, xung phong hãm trận, chết sống bao giờ không biết, là hy sinh. Những chiến sỹ ở hậu phương, lên dốc xuống đèo, ăn túng mặc thiếu, ốm khỏe bao giờ không biết, cũng là hy sinh. Tuy cách hy sinh khác nhau, nhưng tiền phương và hậu phương đều vì Tổ quốc, vì đồng bào mà hy sinh... Trường kỳ kháng chiến là một viên đá (hòn đá) thử vàng đối với mỗi một quốc dân, đồng thời là một trường học để rèn luyện cho cán bộ”69.
Ngày 16/6/1948, sau hai ngày họp Đảng - Đoàn Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Hội đồng Liên bộ có các Bộ trưởng ngoài Đảng như Vũ Đình Hòe, Phan Anh... bàn nhiều vấn đề trong đó có việc đối phó với việc thực dân lập Chính phủ “bù nhìn”. Bác kết luận, chưa nên đưa Vĩnh Thụy ra tòa chờ khi đập thì đập cho đúng và cho trúng.
Ngày 16/6/1949, kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ diễn ra trong hai ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “a) Mọi việc muốn thành công cần phải trông vào dân. Các kế hoạch chương trình cần phổ biến cho dân hiểu và vận động dân tham gia. b) Cán bộ cần chú ý giúp cho nhân viên quán triệt việc, trông xa và trông rộng, nhìn từ công việc chung. c) Trong kế hoạch thi đua của các Bộ, cần phải chú ý việc tuyên truyền trong dân... d) Các Bộ và các cơ quan phải luôn luôn giữ bí mật, quân sự hóa, chuẩn bị tinh thần và vật chất để sẵn sàng đối phó với mọi chuyển biến của thời cuộc”70.
Ngày 17/6
“Một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng”.
Ngày 17/6/1924, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với tư cách là đại biểu tư vấn, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nhưng cũng là người Việt Nam đầu tiên tham dự mang tiếng nói của các dân tộc thuộc địa. Đại hội có 504 đại biểu của 49 Đảng Cộng sản và công nhân đại diện cho hơn 1,3 triệu đảng viên cộng sản trên toàn thế giới và 10 tổ chức quốc tế... Trước khi Tổng Bí thư của Quốc tế Cộng sản V.Curalốp đọc Nghị quyết và lời kêu gọi của Đại hội, đại biểu Nguyễn Ái Quốc đã nêu vấn đề: “Tôi muốn biết Đại hội có gửi lời kêu gọi đặc biệt đến các nước thuộc địa không?” và yêu cầu bổ sung vào văn kiện câu: “Gửi các dân tộc các nước thuộc địa”. Cuối cùng, tất cả các yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc đều được Đại hội chấp nhận.
Cùng ngày, trên tạp chí “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Những cái tốt đẹp của nền văn minh Pháp” của Nguyễn Ái Quốc phê phán những ý kiến đề cao “nền văn minh Pháp” và đưa những dẫn chứng từ thực tiễn ở các thuộc địa để phản bác chế độ thực dân.
Ngày 17/6/1946, trong thời gian lưu lại tại Biarritz, Bác thăm phong cảnh vùng núi Pirônô (Pyrenoes) và được dân làng Sare tổ chức lễ hội chào mừng các vị khách Việt Nam. Trong ngày, trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Pháp AFP, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi rất tin cậy ở kết quả của cuộc Hội nghị Pháp - Việt này. Hai nước Pháp - Việt xa nhau không phải vì văn hóa, lý tưởng mà chỉ vì quyền lợi của một vài cá nhân. Mục đích của Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái, nếu Pháp thi hành đúng thì chắc chắn sẽ mua được tình thân thiện của nước Việt Nam”71.
Ngày 17/6/1947, tại Tân Trào, Bác chủ trì Hội đồng Chính phủ kỷ niệm 6 tháng kháng chiến và nghe Bộ trưởng Quốc phòng báo cáo về tình hình quân sự. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh thành lập Trường Ngoại ngữ nhằm mục đích đào tạo cán bộ cho công tác đối ngoại của công cuộc kháng chiến.
Ngày 17/6/1956, Báo Nhân Dân đăng bài “Bình dân học vụ” của Bác (C.B) biểu dương: Tính đến thời điểm này ở miền Bắc đã có 1.715.000 người tham gia các lớp học từ “itờ” đến các lớp bổ túc cấp 2, “có thành tích ấy là vì nhân dân ta hiểu thấu rằng: Bất kỳ làm nghề gì, nếu không biết chữ thì khó tiến bộ, cho nên nhiều người cố gắng đi học. Từ thành thị đến thôn quê, ở các đường phố, các nhà máy, các công trường, các chợ búa... khắp nơi có lớp học. Già, trẻ, gái, trai, ai chưa biết chữ đều tìm cách vượt khó khăn để đi học. Buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, đến đâu cũng nghe tiếng học. Thật là một phong trào sôi nổi, một cảnh tượng tưng bừng của một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng... Một dân tộc siêng làm, ham học như thế, thì làm việc gì cũng thành công!... Chúng ta nhất định tiêu diệt giặc dốt trong thời gian đã định”72.
Ngày 17/6/1958, Bác đã ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã xóa xong nạn mù chữ trước thời hạn quy định và sớm nhất trong các huyện ở miền Bắc.
Ngày 18/6
“Những yêu sách của nhân dân Việt Nam”.
Ngày 18/6/1919, văn kiện “Yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, đã được gửi tới Hòa hội Vécxây (Versailles), nơi các nước thắng trận họp để phân chia trật tự thế giới sau Đại chiến lần thứ Nhất. Văn kiện này cũng được gửi tới một số đoàn đại biểu tham dự và được đăng tải trên nhiều tờ báo ở Pháp.
Nội dung yêu sách gồm 8 điểm “1) Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2) Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu. 3) Tự do báo chí và tự do ngôn luận. 4) Tự do lập hội và tự do hội họp. 5) Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương. 6) Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. 7) Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. 8) Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”73. Cùng ngày, một bức thư cũng ký tên Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Tổng thống Mỹ “kèm theo đây là bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam. Chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền...”74.
Nguyễn Ái Quốc lúc đầu là tên chung của Nhóm người Việt Nam yêu nước, sau đó, Nguyễn Tất Thành đứng ra chịu trách nhiệm trước chính quyền thực dân về văn bản này và kể từ đó cái tên Nguyễn Ái Quốc trở nên nổi tiếng gắn với một thời kỳ hoạt động sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận xét về văn kiện này, Bộ Nội vụ Pháp khẳng định: “Qua cuộc điều tra, có thể rút ra kết luận rằng hiện nay linh hồn của phong trào đó chính là Nguyễn Ái Quốc”.
Ngày 18/6/1922, vở kịch “Con Rồng tre” (Le Dragon de Bambou) của Nguyễn Ái Quốc được “Câu lạc bộ Ngoại ô”(Club de Faubourg) công diễn tại Pari. Vở kịch dựng hình tượng con rồng tre để vạch trần bản chất bù nhìn của Nam triều và được trình diễn 6 ngày trước khi “Hoàng đế An Nam” Khải Định đặt chân tới Pari. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngoại ô Lêông Pônđê (Léo Poldes) nhận xét: “Tôi đã đọc bản thảo. Thật là hay, thật là đẹp, lời văn vừa chải chuốt vừa gọn gàng, với những cái châm biếm dí dỏm của Aristophane”.
Ngày 18/6/1946, nhân kỷ niệm Ngày Kháng chiến, trong thời gian lưu lại Biarritz, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn Việt Nam sang dự Hội nghị Phôngtennơblu (Fontainebleau) đã đến đặt vòng hoa tại Đài chiến sỹ trận vong ở địa phương.
Ngày 18/6/1965, trả lời phỏng vấn của báo Pravda (Sự Thật) của Liên Xô, Bác nêu rõ: “Cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước hiện nay động viên đến mức cao nhất truyền thống đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang”75.
Ngày 19/6
“Chim én báo hiệu mùa Xuân”.
Ngày 19/6/1924, xảy ra vụ thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái dùng tạc đạn mưu sát Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) tại Sa Diện, tô giới của Pháp ở Quảng Châu (Trung Quốc). Vụ mưu sát không thành và Phạm Hồng Thái đã trẫm mình xuống dòng sông Châu Giang. Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Liên Xô đã đưa ra lời đánh giá: “Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én báo hiệu mùa Xuân”.
Ngày 19/6/1946, trong thời gian lưu lại thành phố Biarritz chờ Chính phủ Pháp tiếp đón, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xứ Dax, một nơi nghỉ dưỡng có suối nước nóng nổi tiếng ở Pháp.
Cùng ngày ở trong nước, Báo Cứu Quốc đăng bài “Tại sao hợp tác xã chưa thấy xuất hiện ở thôn quê” của Bác nhằm phân tích nguyên nhân mô hình hợp tác xã vẫn chưa hình thành ở thôn quê nước ta, để rút ra kết luận: “Chỉ khi nào dân chúng thấy lợi ích của hợp tác xã đã hiển nhiên thì khi đó phong trào hợp tác xã mới có thể sôi nổi được”76.
Ngày 19/6/1947, nhân tròn nửa năm Toàn quốc Kháng chiến, Bác ra lời kêu gọi: “Vì đồng bào ta đại đoàn kết. Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ. Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước. Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.
Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại... Chúng ta phải hy sinh, chịu khổ và phải gắng sức… 5 năm, 10 năm để phá tan cái xiềng xích nô lệ hơn 80 năm vừa qua, để tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho muôn đời sắp đến”77.
Ngày 19/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, Bác gửi một văn kiện đăng trên Báo Vệ Quốc có nhan đề “Các tướng sỹ yêu mến tiến lên!”. Trước hết, biểu dương danh sách “những bộ đội đã làm cho giặc Pháp thiệt hại nhiều, đã có thành tích vẻ vang” và “Tôi cũng phải nhắc đến những bộ đội du kích phụ lão và phụ nữ cùng các chú liên lạc đã tỏ ra rất oanh liệt, đã làm cho thế giới biết rằng: Người già, đàn bà và trẻ con Việt Nam đều là những chiến sỹ yêu nước và dũng cảm, tranh đấu hy sinh cho Tổ quốc. Song những tiến bộ và thành tích ấy mới là bước đầu. Trong cuộc thi đua ái quốc tới đây, các bạn phải tiếp tục tiến bộ mau hơn nữa, nhiều hơn nữa. Các bạn phải thi đua nhau đánh những trận to lớn hơn nữa, giết nhiều giặc, cướp nhiều súng hơn nữa...”78.
Tháng 6/1957, anh chị em thương, bệnh binh ở Trại an dưỡng Hà Nam gửi biếu Chủ tịch Nước một nải chuối to, Bác viết thư cảm ơn và căn dặn: “… Các chú là những chiến sỹ đã được Quân đội nhân dân ta rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng... và hứa với Bác: Trại thương binh Hà Nam sẽ là một trại gương mẫu”79
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 62.
66, 67. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 64, 65-66.
68. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Sđd, tr. 76.
69. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 147.
70. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 321-322.
71. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 258.
72. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 186-187.
73. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 416.
74. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 63.
75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 453.
76. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4. tr. 260.
77,782. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 150-152, 451-452.
79. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 433.