Ngày 10/6
“Càng gần thắng lợi thì càng gay go”.
Ngày 10/6/1931, Bộ Thuộc địa Pháp gửi công văn tới Bộ Ngoại giao yêu cầu can thiệp để nước Anh trao cho Pháp hoặc giam giữ chặt chẽ Nguyễn Ái Quốc là “lãnh tụ cách mạng lớn của Đông Dương... đã bị kết án tử hình vắng mặt vì những hoạt động chính trị... Hoạt động của ông ta không chỉ dừng lại ở thuộc địa chúng ta... Việc trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc chỉ có thể làm trầm trọng thêm những hoạt động có hại... mà các Sở An ninh Đông Dương đều biết là ông ta tập trung tất cả trí thông minh, quyền lực và uy tín rất nổi tiếng của mình”42.
Ngày 10/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi trong dịp 1.000 ngày kháng chiến”: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Hỡi toàn thể tướng sỹ... Tôi thay mặt Chính phủ kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các tử sỹ và đồng bào đã hy sinh vì nước và gửi lời thân ái hỏi thăm anh em thương binh và gia đình các liệt sỹ... Trong dịp này, lòng tôi và lòng Chính phủ đặc biệt đi đến chiến sỹ và đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, vì chiến sỹ và đồng bào ở đó đã tranh đấu trước nhất và hy sinh nhiều nhất”43.
Sau khi điểm lại những thành quả của 1.000 ngày kháng chiến, Bác động viên: “Cuộc kháng chiến của ta đã tập trung tất cả cái tinh thần quật cường yêu nước của giống nòi Hồng Lạc lưu truyền từ mấy ngàn năm. Nó tập trung những kinh nghiệm chiến đấu của các vị dân tộc anh hùng Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Huệ - Quang Trung... Chúng ta đủ điều kiện thắng lợi. Chúng ta chắc thắng lợi. Song chúng ta phải biết rằng, càng gần đến thắng lợi thì càng gay go...
Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do. Đã đoàn kết, ta phải đoàn kết chặt chẽ rộng rãi thêm. Đã cố gắng, ta phải hăng hái mà cố gắng mãi...”44.
Cũng vào dịp này, ngày 10/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho một số người trong chính giới Pháp. Với tướng Xalăng, thư viết: “Vì chúng tôi đã buộc phải chiến đấu, thì các ngài hãy tỏ ra là những chiến binh hào hiệp, những đối thủ quân tử, trong khi chờ đợi chúng ta lại trở thành bạn hữu của nhau. Chúng ta đã từng là bạn... Vì tình yêu thương con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi yêu cầu ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và phá hủy nhà thờ, đền miếu như họ vẫn làm từ trước đến nay. Tôi bảo đảm với ngài rằng binh lính và thường dân Pháp ở chỗ chúng tôi được đối xử rất tử tế...”45. Còn trong thư gửi Chủ tịch Lêông Blum (Leon Blum), một người quen cũ trong Đảng Xã hội Pháp, Bác đặt câu hỏi: “Vậy làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này, làm thế nào để lập lại hòa bình? Tôi cho rằng, chỉ có một chính sách phù hợp là... chính sách hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau, dựa trên sự thống nhất và độc lập của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp”46.
Ngày 10/6/1961, dự họp Bộ Chính trị thảo luận một số vấn đề tồn tại sau đợt chỉnh huấn, Bác góp ý: “Trung ương phải sửa cái bệnh lề mề. Khai hội rồi, hai, ba tuần sau chưa có nghị quyết. Lần này, sau khi đại bộ phận chỉnh huấn xong, các đồng chí Trung ương nên đi một lượt để kiểm tra, động viên”47.
Ngày 11/6
“Chúng ta nhất định thắng lợi”.
Ngày 11/6/1946, tiếp tục cuộc hành trình sang thăm nước Pháp, ngày 11/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ giã Lơ Ke (Ai Cập) bay một chặng đường dài 1.090km tới Tripôlitani vốn là thuộc địa của Italia nay quân Anh tiếp quản, rồi bay tiếp 1.523km tới Biskra của Angiêri thuộc Pháp.
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nêu rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là: Dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân... Trong cuộc Thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Kết qủa đầu tiên của Thi đua ái quốc sẽ là: Toàn dân đủ ăn, đủ mặc. Toàn dân biết đọc, biết viết. Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra”48.
Lời kêu gọi nhắc đến nhiệm vụ của mọi tầng lớp nhân dân và kết luận: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi...”49.
Cùng ngày, Bác viết thư biểu duơng nhiều tấm gương tiêu biểu như chiến sỹ Trần Văn Diên là “anh hùng đánh địa lôi”, cụ Nguyễn Văn Đản “người đỗ đầu trong giới phụ lão thi đua ái quốc”, chị Phạm Thị Phượng “ra sức xung phong trong việc học bình dân học vụ”50 và chị Phạm Thị Tỵ “xung phong trong cuộc thi đua ái quốc, làm cho nổi tiếng phụ nữ Thái Bình”51.
Ngày 11/6/1949, trả lời báo Cứu Quốc về những vấn đề quốc tế, Bác nhận định “sự hòa hoãn giữa Nga và Mỹ và là một thắng lợi của lực lượng hòa bình thế giới”, “Tướng Thống chế thất bại vì không được lòng dân...” và tiên đoán rằng “nội chiến ở Trung Hoa có thể kết liễu trong năm nay (1949). Trung Hoa là một nước lớn ngót 5 trăm triệu dân, chiến tranh hay hòa bình, chẳng những ảnh hưởng đến nước ta mà ảnh hưởng đến cả thế giới”. Về tình hình Đông Dương, Bác cho rằng: “Quan Pháp bây giờ ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, rải rộng ra thì bị tiêu diệt, thu hẹp lại thì bị ta bao vây, họ muốn thay đổi gì cũng chỉ thất bại mà thôi”. Trả lời câu hỏi về việc nhân dân kỷ niệm sinh nhật, thì món quà quý nhất tặng Chủ tịch là gì? Bác nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích Thi đua ái quốc... Nhưng tôi chắc món quà ấy mới là một phần nhỏ, đồng bào và chiến sỹ ta còn tiếp tục cố gắng, tôi sẽ nhận được món quà to hơn nhiều nữa, món quà đó tên là: Tổng phản công thắng lợi hoàn toàn”52.
Ngày 11/6/1969, Bác điện mừng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn, trong đó khẳng định: “Việc họp Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam và việc thành lập chính quyền cách mạng trên toàn miền Nam chứng tỏ đồng bào miền Nam quyết tâm tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu để làm chủ vận mệnh của mình và tạo thêm thuận lợi mới, tiến tới thắng lợi hoàn toàn...”53.
Ngày 12/6
“Hội thì phải nghị, nghị thì phải quyết, quyết thì phải hành”.
Ngày 12/6/1919, hồ sơ của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Tất Thành đang lưu trú tại ngôi nhà số 56 phố Monsieur le Prince. Đây là thời kỳ những tư tưởng chính trị đang hình thành ở nhà cách mạng trẻ, sau một chặng đường dài đi qua nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn định cư tại nước Pháp và hoạt động trong cộng đồng những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.
Tháng 6/1925, diễn ra một sự kiện quan trọng là sự ra đời của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” do Nguyễn Ái Quốc thành lập tại Quảng Châu trên cơ sở những nhóm thanh niên yêu nước đã được tập hợp tại đây. Tôn chỉ, mục đích của Hội được xác định là: “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành được độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)”54. Về sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc đánh giá: “Năm 1925, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập ở Quảng Châu khiến cho đế quốc Pháp ở Đông Dương khiếp sợ. Trong tư tưởng của những người đứng ra tổ chức thì Hội này sẽ là cơ sở cho một đảng lớn hơn và tương lai đã chứng minh điều đó”55.
Ngày 12/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bị chuyển từ nhà giam của Sở Cảnh sát sang Nhà tù Victoria, sau khi có lệnh bắt giam chính thức của Thống đốc Anh ở Hồng Kông.
Ngày 12/6/1946, từ Angiêri máy bay chở Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chặng đường dài 1.525km hạ cánh xuống thành phố Biarritz của nước Pháp. Vì Chính phủ Pháp chưa thành lập xong nên Đoàn lưu lại ở thành phố này một thời gian. Tại đây, Bác gặp lại G. Xanhtơni trong vai trò đại diện của Bộ Ngoại giao Pháp.
Ngày 12/6/1947, Bác gửi thư tới Đại hội Đảng bộ Liên khu IV với lời căn dặn: “Hội thì phải nghị, nghị thì phải quyết, quyết thì phải hành” và nhấn mạnh: “Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp tức là những người phụ trách vận mệnh an nguy của nước nhà và dân tộc. Vì vậy, mỗi đồng chí phải gắng làm cho đúng năm chữ: Trí, nhân, dũng, nghĩa, liêm... Nếu thiếu một trong năm điều đó, tức là một khuyết điểm to và ảnh hưởng đến công tác”56.
Ngày 12/6/1952, Báo Nhân Dân tiếp tục loạt bài viết của Bác về các tấm gương anh hùng, về nhà trí thức yêu nước Trần Đại Nghĩa, bài báo viết: “Là một đại trí thức, đi học ở Châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến... Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành”57.
Về Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị, Bác biểu dương: “Anh hùng thi đua diệt giặc lập công... đã đánh 95 trận từ Bình Trị Thiên đến Việt Bắc, tự mình diệt hơn 200 tên giặc, bị thương nặng 5 lần mà vẫn không rời bộ đội...”58.
Ngày 12/6/1969, Bác gửi ảnh chân dung của mình tặng quân dân các đảo biển vùng Đông Bắc là Cô Tô, Thanh Lâm, Ngọc Vừng, Hòn Ráu và huyện Cẩm Phả.
Ngày 13/6
“Khiêm tốn là một đạo đức của người cách mạng”.
Ngày 13/6/1921 tại Pari, Nguyễn Ái Quốc cùng nhà yêu nước Phan Châu Trinh đến dự buổi họp của Ủy ban Nghiên cứu Thuộc địa. Đây là thời kỳ hình thành nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gồm một số nhân vật khác (như Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền).
Vào khoảng giữa tháng 6/1922, diễn ra cuộc đối mặt giữa Bộ trưởng Thuộc địa, nguyên Toàn quyền Đông Dương Anbe Xaru (Albert Sarraut) với Nguyễn Ái Quốc đã diễn ra tại Bộ Thuộc địa, ở Pari. Sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” (tác giả ký T.Lan) thuật lại: Hai người ngồi đối mặt nhau. Thượng thư Thuộc địa nói đại ý như sau: Hiện nay có những kẻ ngông cuồng hoạt động ở Pháp. Họ liên lạc với bọn “bônsêvích” ở Nga. Họ âm mưu phá rối trật tự trị an ở Đông Dương và chống lại nhà nước bảo hộ. Nước Mẹ Đại Pháp rất khoan hồng nhưng sẽ không tha thứ những kẻ gây rối loạn. Nước Mẹ Đại Pháp đủ sức bẻ gẫy họ, như thế này. Nói đến đó, y vẻ mặt hầm hầm, hai tay nắm lại và làm như bẻ gẫy những vật gỡ rất cứng rắn, những người cách mạng Việt Nam... Rồi viên Bộ trưởng Thuộc địa đổi giọng:... Khi nào ông có cần gì, tôi sẵn sàng giúp đỡ... Bác nói: Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập.
Ngày 13/6/1923, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã bí mật rời khỏi nơi cư trú ở Pari và cho biết là Nguyễn chỉ nói với mọi người là đi nghỉ mát tại vùng núi Savoie gần biên giới Thụy Sĩ. Trong báo cáo của cơ quan an ninh Pháp gửi Anbe Xaru (Albert Saraut) viết rằng: “Vấn đề Nguyễn Ái Quốc đã trở nên vô cùng bận trí”. Cả một bộ máy an ninh của Pháp tiến hành truy lùng dấu tích của Nguyễn Ái Quốc và đúng 4 tháng sau (13/10/1923) báo cáo mật thám mới hốt hoảng báo tin rằng nhà hoạt động cách mạng Việt Nam và là đảng viên cộng sản Pháp và xuất hiện tại Đại hội Nông dân đang họp tại Mátxcơva, thủ đô của Liên bang Xô viết.
Tháng 6/1923, trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) Nguyễn Ái Quốc đăng ba bài báo: “Không phải chuyện đùa”, “Diễn đàn Đông Dương” và “Trò Meclanh” với những chủ đề khác nhau nhưng tựu trung đều nhằm lên án những thối nát của chế độ thực dân ở chính quốc cũng như ở thuộc địa.
“Nhật ký hành trình thăm Pháp”, ngày 13/6/1946 ghi (tại thành phố Biarritz): Hôm nay nhiều đại biểu kiều bào ở khắp nơi trong nước Pháp đến chào Cụ Chủ tịch. Lại rất nhiều kiều bào quyên tiền nhờ Cụ Chủ tịch đưa về cho Tổ quốc. Tuy số tiền không là bao, nhưng tấm lòng hăng hái yêu nước thật quý báu. Rồi kiều bào ở Anh, ở Pháp, ở Mỹ, ở “Nouvelle Calôdonie” (Tân Đảo) và các nơi khác khắp thế giới đều có gửi điện chúc mừng Cụ Chủ tịch và tỏ lòng yêu Tổ quốc.
Ngày 13/6/1954, Bác viết trên Báo Nhân Dân bài “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn” (với bút danh C.B) chỉ rõ chính chủ nghĩa cá nhân đã đẻ ra bệnh kiêu ngạo mà hậu quả là sự thoái hóa của cán bộ, do vậy “chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn... Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi”59.
Ngày 14/6
“Đoàn kết là sức mạnh”.
Ngày 14/6/1911, Nguyễn Tất Thành tiếp tục hải trình đầu tiên trên con tàu “Đô đốc La Touche Tréville” sang Pháp ghé qua cảng Côlômbô của Xây Lan (nay là Xri Lanca).
Ngày 14/6/1922, Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Tam Điểm (Franc - Maconnerie) là một tổ chức có tư tưởng chống quân chủ ra đời tại Pháp từ thời kỳ cách mạng tư sản. Lễ chấp nhận được tổ chức tại Trụ sở Liên hội Quốc tế ở Pari. Tuy nhiên, đến tháng 12 năm đó, Nguyễn Ái Quốc đã rút khỏi tổ chức này vì nó không phù hợp với lý tưởng đang theo đuổi.
Ngày 14/6/1946, tại thành phố Biarritz, trong khi chờ đợi Chính phủ Pháp thành lập, Bác tiếp đại diện nhiều đoàn thể của Pháp trong đó có Hội Pháp - Việt hữu nghị mới được thành lập với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng như ông Giuxtanh Gôđác (Justin Godart), bà Mari Quyri (Marie Curie), nữ nhà báo Ăngđrê Viônlít (Andre Viollis), bà Braun, Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp... Cùng ngày, Bác từ chối trả lời chính thức phỏng vấn của Hãng Thông tấn Pháp AFP vì lý do Chính phủ Pháp chưa thành lập, nhưng đưa ra quan điểm: “Dùng văn minh chinh phục người ta thì bền vững hơn dùng súng đại bác”.
Cũng trong ngày 14/6/1946, ở trong nước, báo Cứu Quốc đăng bài “Noi gương anh em tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu” của Bác (bút danh Q.T) biểu dương những đóng góp to lớn của lực lượng tự vệ Thủ đô xứng đáng với lời khen ngợi: “Anh em tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu thật đáng làm khuôn mẫu cho tất cả các anh em tự vệ các nơi về mọi phương diện”60.
Tiếp tục loạt bài giới thiệu “Binh pháp Tôn Tử” báo cùng ngày còn đăng bài “Phương pháp tác chiến”, trong đó Bác đưa ra nhận định: “Cho nên người làm tướng có mưu trí bao giờ cũng lo lắng đến lợi, đến hại. Lo đến lợi mới có đủ tin tưởng làm trọn được nhiệm vụ. Lo đến hại mới tìm mưu kế để giải trừ được gian nguy”61.
Ngày 14/6/1958, với bài viết “Những người Mỹ biết điều”, Bác (ký tên Trần Lực) trích dẫn ý kiến của Thượng nghị sĩ Mỹ Menxphin phát biểu tại Thượng nghị viện và đánh giá rằng: “Thế là những chính khách Mỹ biết điều cũng tán thành chủ trương đúng đắn của Chính phủ ta. Nếu Ngô Đình Diệm còn có lương tâm, không muốn mang tiếng xấu muôn đời là kẻ phản nhân dân, phản Tổ quốc, thì phải làm theo lòng mong muốn thiết tha của đồng bào và thực hiện những điều Chính phủ ta đã đề nghị”62.
Ngày 14/6/1961, Bác đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội. Hòa cùng bà con trên đồng ruộng, Bác căn dặn: “Muốn phát triển sản xuất tốt, trước hết các xã viên phải đoàn kết như anh em một nhà. Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết thì khó khăn mấy cũng làm được, cũng vượt qua được… Cán bộ phải gương mẫu… phải chí công vô tư, sổ sách tài chính phải minh bạch...”63.
Ngày 14/6/1966, Bác gửi thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Quảng Bình với lời biểu dương: “Trước đây, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Nay Quảng Bình lại là tỉnh đầu tiên bắn rơi 200 máy bay Mỹ”64.
Ngày 14/6/1969, tại Hội trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh chào mừng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây cũng là lần cuối cùng Bác xuất hiện trong một cuộc mít tinh tại Hội trường Ba Đình lịch sử.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
42. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 83.
43. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Sđd, tr. 74-75.
44. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 439.
45,46,47. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 440, 142, 145-146.
48. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 90.
49,50. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 444-446.
51, 52, 53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 449, 450, 627-628.
54. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 367.
55. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 3, tr. 34-35.
56. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 91.
57,58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 506-507.
59. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 295-296.
60, 61. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 254, 232.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 188.
63. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 92.
64. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 101.