Ngày 20/6
“Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình Châu Á”.
Ngày 20/6/1921, mật thám Pháp theo dõi việc Nguyễn Ái Quốc có mặt tại ngôi nhà số 6 phố Villa des Gobelins ở Pari, là nơi ở của Luật sư Phan Văn Trường vào thời điểm này đang có mặt cả Phan Châu Trinh cùng một số Việt kiều khác nữa.
Ngày 20/6/1939, với bí danh là Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Trung Quốc, đã tham gia khóa 2 lớp huấn luyện cán bộ du kích ở Nam Nhạc, từ đây có thể liên hệ với Văn phòng Bát Lộ quân đóng ở Quế Lâm và theo dõi thời cuộc qua các phương tiện điện đài được trang bị.
Ngày 20/6/1946, trong thời gian phải lưu lại thành phố Biarritz chờ Chính phủ Pháp tổ chức đón tiếp, Bác đã đi thăm làng chài và ra biển câu cá với dân địa phương và tối hôm đó tiếp Bộ trưởng Bộ Quân vụ và ba nghị sĩ Pháp đến chào bày tỏ sự thân thiện.
Ngày 20/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới” cũng nhân dịp nửa năm kháng chiến nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế. Với nhân dân Pháp, thư viết: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp đều chung một lý tưởng: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Có một mục đích chung: Cộng tác thân thiện và bình đẳng giữa hai dân tộc. Vận mệnh của nhân dân Việt Nam và vận mệnh của nhân dân Pháp rất quan hệ với nhau... Chúng tôi rất mong các bạn cùng chúng tôi hành động để ngăn trở bọn thực dân phản động phá hoại cái lý tưởng chung, lợi ích chung, và tình nghĩa của hai dân tộc ta...”80. Với nhân dân Châu Á, thư viết: “Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình Châu Á. Tranh đấu cho tự do độc lập của Việt Nam tức là tranh đấu cho tự do, độc lập của đại gia đình Châu Á”81. Còn với “các nhân sĩ dân chủ trên thế giới”, thư kêu gọi: “Mong các bạn lên tiếng ủng hộ hòa bình, ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ dân chủ, ủng hộ Việt Nam!”82.
Ngày 20/6/1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Bác tập hợp những bài viết đăng trên Báo Cứu Quốc thành một cuốn sách mang tên là “Cần, kiệm, liêm, chính”. Cuối sách, Bác viết: “Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt, con cháu mình sung sướng, gia đình mình no ấm, làng xóm mình thịnh vượng, nòi giống mình vẻ vang, nước nhà mình mạnh giàu. Mục đích ấy tuy to lớn, nhưng rất thiết thực. Thiết thực, vì chúng ta nhất định đạt được. Chúng ta nhất định đạt được, vì mỗi người và tất cả dân ta đều thi đua: Cần, kiệm, liêm, chính”83.
Ngày 20/6/1954, nghe tin phu nhân của Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, một trí thức Việt kiều ở Nhật Bản về nước phục vụ kháng chiến qua đời, Bác viết thư chia buồn và phân ưu: Nhưng sinh tử là lẽ thường của tạo hóa. Bác khuyên chú chớ quá buồn rầu, lấy công tác mà khuây khỏa...
Ngày 20/6/1960, Bác đến dự và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ Hà Nội vạch rõ: “Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí... Muốn uống nước thì phải đào giếng, đào giếng thì phải đổ mồ hôi, nhưng càng khó nhọc vất vả thì giếng càng sâu, càng nhiều nước”84.
Ngày 21/6
“Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua”.
Ngày 21/6/1925, tuần báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tờ báo còn trở thành hạt nhân tổ chức và huấn luyện đội ngũ những nhà hoạt động cách mạng, tồn tại đến 4/1927 tổng cộng ra được 88 số. Ngày 21/6 trở thành Ngày Báo chí Việt Nam.
Ngày 21/6/1946, Báo Cứu Quốc tiếp tục đăng bài “Vấn đề quân nhu và lương thực” trong loạt bài về “Binh pháp Tôn Tử” của Bác đề cập tới một lĩnh vực quan trọng bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh: “Về quân sự, quân nhu và lương thực rất quan trọng. Có binh hùng, tướng giỏi, nhưng thiếu quân nhu, lương thực, không thể thắng trận được. Nếu việc cung cấp lương thực, quần áo, thuốc men, súng ống, đạn dược cho quân đội ngoài mặt trận không làm được đầy đủ, chu đáo, binh sĩ bị hãm vào vùng thiếu thốn, sẽ mất hết tinh thần tác chiến... Cho nên, tướng giỏi phải tìm hết mưu kế để cướp lấy lương thực của quân địch”85.
Ngày 21/6/1948, Bác gửi điện tới Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ khen đồng bào xã Giới Xuân tỉnh Gia Định về thành tích đã thanh toán xong nạn mù chữ, mong nhiều địa phương “bắt chước xã Giới Xuân” và nêu rõ: “Chúng ta cần phải đánh tan giặc dốt, cũng như đánh tan giặc ngoại xâm”86.
Ngày 21/6/1953, Bác viết bài “Công tác cầu đường” (bút danh C.B) đăng trên Báo Nhân Dân xác định: “Cầu đường là mạch máu của đất nước. Cầu đường tốt thì lợi cho kinh tế... cho quân sự ... cho chính trị... Vì vậy, làm cầu đường cũng như một chiến dịch. Người làm cầu đường cũng là một chiến sỹ. Cho nên: Lãnh đạo về chính trị và kỹ thuật phải vững chắc. Tổ chức từ xã đến công trường phải chặt chẽ. Kế hoạch phải tỉ mỉ và đầy đủ... Tư tưởng phải thông suốt... Tác phong phải dân chủ… Cán bộ phải làm gương mẫu...”87.
Ngày 21/6/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hộ pháp Phạm Công Tắc, thủ lĩnh của đạo Cao Đài đang sống tại Campuchia nêu rõ quan điểm: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn dân ta từ Bắc chí Nam, trong nước và ngoài nước đều đang kiên quyết và bền bỉ đấu tranh để thực hiện nguyện vọng tha thiết của dân tộc, là làm cho nước Việt Nam ta được hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”88.
Ngày 21/6/1959, Bác viết bài “Điện Biên Phủ” (với bút danh T.L) để rút ra những kết luận lịch sử: “Quân đội ta đại thắng ở Điện Biên Phủ đã đưa thực dân Pháp đến miệng hố diệt vong và đưa cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta đến toàn thắng... Thực dân Pháp sở dĩ thất bại, vì chúng là phe tà, là bọn cướp nước; chiến tranh thực dân là phi nghĩa; và hễ còn chủ nghĩa thực dân thì Pháp còn bị nhiều Điện Biên Phủ ở các thuộc địa khác. Việt Nam sở dĩ thắng lợi là vì quân và dân ta đoàn kết nhất trí, kháng chiến anh dũng, vì chính nghĩa ở về phía ta... Khi một dân tộc đã đoàn kết chặt chẽ, vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không có lực lượng phản động nào ngăn cản được họ và họ nhất định thắng lợi: ... Trăm năm trong cõi người ta/ Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua”89.
Ngày 22/6
“Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”.
Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp. Từ Biarritz, máy bay hạ cánh xuống sân bay Lơ Buốcgiờ (Le Bourget) của Thủ đô Pari nơi diễn ra lễ đón tiếp trọng thể với những nghi thức quốc gia. Bộ trưởng Hải ngoại Pháp cùng nhiều thành viên trong Chính phủ, đông đảo nhân dân Pháp và bà con Việt kiều đã nghênh tiếp. Đoàn lưu lại tại Khách sạn “Royal Monceau”.
Ngay tại sân bay, Bác đã nói đại ý: “Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đãi một cách long trọng, mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện”90.
Ngày 22/6/1947, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Bác khẳng định: “Một là vì Chính phủ Việt Nam gồm đủ các đảng, các phái, và các nhân sĩ không đảng phái, hai là chính sách của Việt Nam rất rõ rệt: Cốt làm cho nước Việt Nam thống nhất và độc lập, làm cho dân được tự do và khỏi khổ, khỏi dốt. Bao giờ Việt Nam được thật thà thống nhất và độc lập thì chiến tranh sẽ kết thúc" và "rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi". Về vai trò của trí thức, Bác khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế... Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”91.
Ngày 22/6/1948, Báo Cứu Quốc đăng thư của Bác gửi các khu về dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến: “Ngày 23/9/1945, đồng bào toàn quốc đã đứng dậy làm một khối sau lưng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chống lại bọn thực dân Pháp xâm lăng vào bờ cõi miền Nam đất nước ta. Để nhớ đến bao nhiêu chiến sỹ và đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung bộ đã bỏ mình vì nước trên bãi chiến trường hoặc dưới sự tàn sát của quân giặc; để ghi công những chiến sỹ đã tiên phong giữ vững nền độc lập và thống nhất của nước nhà, toàn quốc sẽ long trọng kỷ niệm 1.000 ngày chiến đấu của đồng bào miền Nam”92.
Báo Nhân Dân ra ngày 22/6/1954 đăng bài “Cần phải xem báo Đảng”, trong đó Bác nhắc nhở: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất... Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”93.
Ngày 22/6/1955, rời Hà Nội đi thăm chính thức Liên Xô và Trung Quốc, Bác tuyên bố: “Tin chắc rằng cuộc đi thăm này sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nhân dân và Chính phủ hai nước bạn”94.
Ngày 23/6
“Tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”.
Ngày 23/6/1924, đại biểu Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại diễn đàn của phiên họp thứ 8 của Đại hội V Quốc tế Cộng sản: “Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”95. Với một tinh thần thẳng thắn, Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ sai lầm là “muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc... Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa... Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý!”96. Tại diễn đàn Đại hội, nhiều lần Nguyễn Ái Quốc kiên trì đề cấp tới vấn đề này.
Ngày 23/6/1939, dưới bút danh P.C Lin, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Về chủ nghĩa Tơrôtxki” trong loạt bài “Thư từ Trung Quốc”, gửi về nước đăng trên tờ Notre Voix, cơ quan hoạt động công khai của Đảng tại Hà Nội nhằm phân tích một khuynh hướng chính trị “không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ”97.
Ngày 23/6/1946, tiếp tục cuộc thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp, tiếp bà con Việt kiều trong đó có nhiều các cháu nhi đồng.
Ngày 23/6/1953, Bác thăm Trường Chính trị trung cấp Quân đội khai mạc tại Việt Bắc, Bác căn dặn: “Dù có bao nhiêu khí giới tinh xảo mà con người không có lập trường vững, quan điểm đúng, thiếu tinh thần trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân thì súng đó cũng bỏ đi...”98.
Ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanúc nhân dịp nước ta và Vương quốc Campuchia chính thức lập quan hệ ngoại giao và đánh giá “đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông - Nam Á”99.
Ngày 23/6/1969, Bác gửi thư tới Đại sứ quán Liên Xô nhờ chuyển lời cảm ơn tới nữ Anh hùng Liên Xô Irina Levtchenkô đã tặng sách, và qua Tổng Lãnh sự Ấn Độ cảm ơn bà Inđira Ganđi đã gửi biếu Bác một quả xoài Ấn Độ. Buổi chiều ngày hôm đó, mặc dù sức khoẻ đã yếu, Bác đến thăm tận nơi ở của Phái đoàn Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Trong câu chuyện thân tình với Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Bác cho biết: “Tôi đã bỏ thuốc lá rồi, cụ ạ!... Tôi cũng phải đấu tranh với bản thân ghê gớm lắm mới bỏ được thuốc lá đó, cụ ạ!”100.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
80, 81, 82, 83. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 153, 154, 645.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 159-160.
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 261-262.
86 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 86.
87. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 193.
88. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 462-463.
89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 453.
90. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 342.
91, 92. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 155-156, 454.
93. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 298.
94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 1.
95, 96. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 273-275.
97. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 126.