Chỉ mục bài viết

Ngày 27/6

“Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”

Ngày 27/6/1932, “Vụ án Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông” đã tiến triển với sự tác động của các luật sư tiến bộ người Anh. Lá đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc gửi lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh đã được luật sư thỏa thuận sẽ rút lại nếu chính quyền Hồng Kông cam kết không chỉ định chiếc tàu bắt buộc nhà cách mạng Việt Nam phải đi và trong mọi trường hợp không giao Nguyễn Ái Quốc cho phía Pháp, tôn trọng ý muốn nơi đến của người bị trục xuất.

Tháng 6/1940, đang ở Côn Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau khi nghe tin Pari đã bị phát xít Đức chiếm đóng đã đưa ra nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng... Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một trong những vấn đề rất quan trọng của cách mạng. Nhưng nếu bây giờ có vũ khí thì lấy ai mà vác vũ khí? Cho nên cứ tìm cách về nước đã, sau đó chúng ta sẽ vận động quần chúng. Khi quần chúng đã giác ngộ cao thì ta sẽ có vũ khí”113.

Ngày 27/6/1946, Bác thăm nhiều thắng cảnh của thủ đô Pari. Tối, Bác tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp đến chào trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng của Đảng đang giữ những chức vụ quan trọng trong Chính phủ. Như thế là ba chính đảng lớn nhất của nội các Pháp đã đến chào Chủ tịch nước Việt Nam.

Ngày 27/6/1951, Bác gửi điện khen ngợi các chiến sỹ tham gia Chiến dịch Quang Trung “trên chiến trường đồng bằng, ở Ninh Bình - Phủ Lý - Hà Đông... đã tiêu diệt hơn 20 đại đội địch, đã làm lay động tinh thần ngụy quân, đã phát triển chiến tranh du kích, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng...”114.

Ngày 27/6/1959, sau khi dẫn khách thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ trao tặng Tổng thống Xucácnô Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Đọc diễn văn trong buổi lễ, Bác đánh giá: “Tổng thống là vị lãnh tụ đầu tiên của một nước bạn sẽ mang Huân chương cao quý này của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân Việt Nam rất kính mến Tổng thống là người chiến sỹ gan góc, tiêu biểu cho ý chí quật cường và tinh thần nồng nàn yêu nước của nhân dân Inđônêxia...”115.

Ngày 27/6/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn tới Thái tử Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanúc bày tỏ “vô cùng cảm động về việc Ngài và nhân dân Khơme đã gửi tặng thuốc với một tấm lòng hào hiệp. Cử chỉ cao cả đó đã biểu hiện sự ủng hộ anh em của nhân dân Khơme đối với nhân dân Việt Nam... Như Ngài đã nói rất đúng: Nhiệm vụ của chúng ta đối với các thế hệ tương lai là phải cùng nhau củng cố cơ sở của sự hợp tác tin cậy và chân thành trong sự tôn trọng nền độc lập của nhau”116.

Ngày 27/6/1968, Bác gửi thư khen ngợi quân và dân miền Bắc đã bắn rơi máy bay Mỹ thứ 3.000 của giặc và đặc biệt khen ngợi quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 và căn dặn: “Phải luôn luôn cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, ra sức chiến đấu mạnh, sản xuất tốt, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, quyết đánh cho giặc Mỹ thất bại đến cùng. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”117.

Ngày 28/6

“Nhân dân Việt Nam chiến đấu không chỉ vì mình”.

Ngày 28/6/1922, mật thám Pháp chuyên theo dõi Nguyễn Ái Quốc tiếp tục ghi nhận mối quan hệ thường xuyên của đảng viên cộng sản thuộc địa này với các địa chỉ như các tờ báo cánh tả: “Bataille Syndicaliste” (Chiến trận Nghiệp đoàn), “L’Humanité” (Nhân Đạo), “Le Journal du Peuple”(Nhật báo Dân chúng) và trụ sở Đảng Cộng sản Pháp.

Ngày 28/6/1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang thăm nước Pháp tiếp một số chính khách Pháp và Đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế bày tỏ tình cảm với phụ nữ Việt Nam và thông báo Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đã kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức. Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng giới thiệu với các vị khách về những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành và bảo vệ nền độc lập cũng như gây dựng đời sống mới.

Ngày 28/6/1951, trong bài viết “Phòng gian trừ gian” đăng trên Báo Cứu Quốc, Bác nhắc nhở: “Phòng gian phải đi đôi với giữ bí mật. Đó là hai việc quan trọng cho công cuộc kháng chiến”118.

Ngày 28/6/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các chiến sỹ và cán bộ Liên khu V” khen ngợi thành tích đánh giặc trên chiến trường phối hợp với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và “thưởng cho Tiểu đoàn X, vừa thắng ở An Khê, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Bác khuyên dặn toàn thể chiến sỹ và cán bộ cần phải cố gắng nắm vững tình hình địch, thi đua giết giặc lập công, ra sức dân vận, ngụy vận. Chớ nên vì thắng mà kiêu, chủ quan khinh địch; ra sức tranh lấy thành tích to hơn nữa...”119.

Ngày 28/6/1959, trước cuộc mít tinh của 20 vạn đồng bào Thủ đô tại Quảng trường Ba Đình chào mừng Tổng thống Inđônêxia Xucácnô sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Inđônêxia: “Nước xa mà lòng không xa/ Thật là bầu bạn, thật là anh em!”120. Với người đứng đầu Nhà nước Inđônêxia, Bác chia sẻ quan điểm:

“Đoàn kết, đoàn kết, lại đoàn kết,

Khó khăn gì chúng ta cũng nhất định vượt được hết,

Kẻ thù nào chúng ta cũng đánh tan hết,

Thắng lợi to lớn gì chúng ta cũng tranh thủ được hết”121.

Bác nhắc lại kỷ niệm: “Mùa Xuân năm nay, lúc Bác sang thăm Inđônêxia, chẳng những trong gia đình Tổng thống, từ bác gái cho đến các cháu coi Bác như một người anh em trong nhà mà cả Chính phủ, Quốc hội và tất cả nhân dân Inđônêxia cũng không xem Bác là người khách mà xem Bác là người anh em bạn hữu thân thiết của Inđônêxia. Bác ở bên ấy mười ngày, đi tỉnh này qua tỉnh khác, hàng triệu nhân dân ra đón Bác, luôn luôn tỏ ra một tinh thần rất nồng nhiệt. Tình ấy không chỉ tỏ cho Bác mà còn tỏ cho tất cả nhân dân Việt Nam...”122.

Ngày 28/6/1966, trong bức điện chào mừng Hội nghị nhà văn Á - Phi họp ở Bắc Kinh (Trung Quốc) Bác khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi hiểu rằng mình chiến đấu không những để bảo vệ độc lập, tự do của mình mà còn để góp phần vào việc bảo vệ an ninh của phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập của các dân tộc khác và bảo vệ hòa bình thế giới”123.

Ngày 29/6

“Dân ta rất tốt, bộ đội anh dũng, cán bộ ta tận tụy”.

Ngày 29/6/1935, báo cáo của Trưởng phòng Đông Dương Vêra Vatxiliơva (Vera Vassilieva) gửi Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản trình bày hoàn cảnh của Nguyễn Ái Quốc một năm sau khi thoát khỏi nhà tù của đế quốc Anh ở Hồng Kông: “Tháng 6/1934, Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva. Qua lời kể của đồng chí thì khó xác định được tại sao đồng chí lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp... Đồng chí nói rằng chuyến đi này được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của Vaillant Couturier (nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp) trong thời gian ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng tất cả những việc này cần phải được kiểm chứng một cách thận trọng. Khi đồng chí đến đây, chúng tôi đã chuyển đồng chí tới Trường Lênin tại Mátxcơva, nơi đồng chí đang nghiên cứu... Nhiều lần đồng chí đề xuất với tôi xem xét vấn đề và thảo luận việc thành lập mối liên lạc giữa các Đảng. Đồng chí kiên trì theo dõi những chuyến đi của học viên, họ đi đâu và với nhiệm vụ gì và rất đau khổ vì tại sao đồng chí không được tham gia vào việc này hay việc khác của công tác bí mật”124. Đây chính là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc phải chịu một thử thách rất nặng nề và kéo dài để thể hiện tinh thần kiên định cách mạng ngay với các đồng chí của mình. Phải đến năm 1938, sau bức thư bí mật gởi qua Chu Ân Lai lúc này đang chữa bệnh ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc mới tiếp xúc được với Manuinski, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và là người có nhiều cảm tình với người “đồng chí An Nam”, nhờ đó mới kết thúc được “năm thứ tám trong tình trạng không hoạt động” của mình và được tạo điều kiện về nước hoạt động.

Ngày 29/6/1946, tại Pari, trong cương vị là thượng khách của Chính phủ Pháp, Bác tiếp cơm Đô đốc Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu) để tranh thủ hòa bình với nhân vật “diều hâu” nhất trong chính giới Pháp. Buổi chiều, Chủ tịch tiếp nhiều đoàn thể thanh niên của Pháp và Đoàn đại biểu Hội Thanh niên Thế giới đến chào và thông báo đã kết nạp thanh niên Việt Nam vào tổ chức của mình. “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp” ghi lại: “Trong lúc trò chuyện thân mật, có mấy thanh niên đề nghị cùng Chủ tịch: Thanh niên và nhi đồng Việt Nam gọi Hồ Chủ tịch là Cha, vậy xin Hồ Chủ tịch nhận làm Bác cho thanh niên thế giới. Mọi người đều vỗ tay tán thành. Hồ Chủ tịch vui lòng nhận lời và chúc thanh niên thế giới đoàn kết hơn và sung sướng hơn những lớp người trước”125.

Ngày 29/6/1959, tiễn đưa Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa Inđônêxia do Tổng thống Xucácnô dẫn dầu kết thúc chuyến thăm hữu nghị nước ta, tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) Bác Hồ quyến luyến đọc mấy vần thơ:

“Nhớ nhung trong lúc chia tay,

Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo Người.

Người về Tổ quốc xa khơi,

Chúc Người thắng lợi, chúc Người bình an”126.

Ngày 29/6/1960, Bác đến dự cuộc họp bàn về quy hoạch cải tạo và mở rộng Thủ đô Hà Nội và nhắc nhở quy hoạch phải toàn diện, thực hiện phải có kế hoạch và đặc biệt phải quan tâm đến điều kiện đi lại của dân.

Ngày 29/6/1968, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị nghe báo cáo tình hình chiến sự ở Trị - Thiên, Bác đánh giá: Dân ta rất tốt, bộ đội anh dũng, cán bộ ta tận tụy” nhưng góp ý “báo cáo còn nói ít đến khuyết điểm".

Ngày 30/6

“Cán bộ trẻ có tài, đức thì mạnh dạn đề bạt”.

Ngày 30/6/1911, Bác Hồ với cái tên là “Văn Ba” đang làm phụ bếp trên chiếc tàu “La Touche Tréville” đã ghé bến cảng “Port Said” của Ai Cập để chuẩn bị vào kênh Xuê để qua Địa Trung Hải hướng tới những cửa biển ở miền Nam nước Pháp.

Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đặt chân tới nước Nga. Trên con tàu Xô viết mang tên “Kark Liebnek”, nhà cách mạng Việt Nam rời bến Hambuốc (Đức) và cập bến cảng Pêtrôgrát với tấm giấy thị thực nhập cảnh số 361370 mang tên “Chen Vang” do đại diện Cộng hòa Liên bang Nga tại Đức cấp với thời hạn lưu trú là 1 tháng... Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã đến thủ đô Mátxcơva và lưu trú tại khách sạn “Lux” và liên hệ với Quốc tế Cộng sản với tư cách là một đảng viên thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp.

Ngày 30/6/1945, qua vô tuyến điện, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trả lời A.Pốtti, người chỉ huy của Tổ chức Tình báo chiến lược Mỹ đóng ở Côn Minh (Trung Quốc) đồng ý tiếp nhận một đơn vị OSS nhảy dù xuống căn cứ địa của Việt Minh để hợp tác chống Nhật.

Ngày 30/6/1946, trong khuôn khổ chuyến thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện khảo cổ về loài người nổi tiếng ở Pari (Museé de l‘Homme) và nhận xét: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”127.

Ngày 30/6/1947, Bác gửi điện chúc mừng tới Ban Chấp hành Đảng Dân chủ Việt Nam nhân kỷ niệm 3 năm thành lập. Với một tổ chức đảng phái tập hợp giới trí thức và những người yêu nước tầng lớp hữu sản ra đời trong cao trào Cách mạng Tháng Tám, bức điện chúc mừng của người đứng đầu nhà nước và cuộc kháng chiến ghi nhận: “Trong thế giới dân chủ, trong Việt Nam dân chủ, Đảng Dân chủ có một nhiệm vụ rất quan trọng làm cho dân chủ thắng lợi hoàn toàn... Với những người ái quốc và dân chủ không có đảng phái, phải lấy công tác thực tế về việc cứu quốc và kiến quốc mà thi đua nhau. Mỗi đồng chí phải là người kiểu mẫu trong sự hy sinh phấn đấu cho Tổ quốc, cho đồng bào”128.

Ngày 30/6/1961, Bác dự Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Khóa III thông qua nghị quyết kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng. Biên bản Hội nghị đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của nhà sáng lập Đảng: “Lần sau hội nghị và nghị quyết phải đi đôi với nhau từ Trung ương cho đến đảng viên phải gương mẫu về đạo đức cách mạng”. Về giáo dục đạo đức, Bác nhận xét: “Tôi xem chương trình giáo dục cho đến hết lớp 10, phần đức dục rất thiếu sót, chỉ có mười dòng”. Về công tác xây dựng Đảng: “Trong Đảng hiện nay, ở các địa phương có hiện tượng lớp già ép lớp trẻ trong khi sự hiểu biết về kinh tế, văn hóa của họ không bằng. Ở Trung ương cũng có đồng chí già, trước có công, nay không làm được. Bây giờ, ai làm được thì cử người ấy, cố nhiên trọng người nhiều tuổi Đảng. Phải có kế hoạch để lớp trẻ thay thế lớp già. Đối với lớp cán bộ già ấy, cho lương hưu, ưu đãi. Tôi xin xung phong hưu... Cán bộ trẻ có tài, đức thì mạnh dạn đề bạt”129.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

113. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 106.
114. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 231.
115. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 473.
116. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, r. 456.
117 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 187.
118. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12. tr. 365.
119. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, t r. 300.
120,121,122. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 475.
123. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 59-60.
124. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 104.
125. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 349.
126. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 479.
127. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 350.
128. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 157.
129. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 95-96.

 

 

Bài viết khác: