Chỉ mục bài viết

Ngày 01/7

Ngày 01-7-1922, trên tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) đăng hai bài viết của Nguyễn Ái Quốc: “Những kẻ đi khai hóa” và “Thù ghét chủng tộc”. Cả hai bài báo đều lên án những hành vi man rợ của chủ nghĩa thực dân tại các thuộc địa của Pháp từ châu Phi cho tới Đông Dương và đối với cả những người Pháp đã lên án những hành vi man rợ ấy.

Ngày 01-7-1924, tham dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, tại phiên họp thứ 22, Nguyễn Ái Quốc lại đăng đàn, thẳng thắn phê bình các Đảng của các nước có thuộc địa chưa thi hành một chính sách tích cực và kết luận: “Thưa các đồng chí, vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”1.

Ngày 01-7-1942, báo “Việt Nam Độc lập” xuất bản tại Chiến khu Cao Bằng đăng một bài thơ ngụ ngôn của Bác với nhan đề “Con cáo và tổ ong”. Sau khi kể lại việc đàn ong đã đoàn kết chống trả cáo để bảo vệ tổ của mình, Bác kết luận:

“Bây giờ ta thử so bì,

Ong còn đoàn kết, huống chi là người!

Nhật, Tây áp bức giống nòi,

Ta nên đoàn kết để đòi tự do”2.

Ngày 01-7-1946, tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp nhiều Việt kiều đến thăm. Hoạ sĩ Vũ Cao Đàm xin vẽ và nặn tượng Bác. Cùng ngày, nhiều nhà văn, trí thức tiến bộ Pháp đến chào Bác như Lui Aragông (Louis Aragon), Giăng Risác Blốc (Jean Richard Bloch), Pierơ Emmanuen (Pierre Emmanuel)...

Ngày 01-7-1947, Bác viết thư gửi một số vị nhân sĩ họ Đinh ở Hòa Bình đã vận động đồng bào Mường ở địa phương tham gia kháng chiến. Cùng ngày, Bác viết thư động viên nhà thơ Huyền Kiêu đã viết bản trường ca “Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc”:

“...Tôi mong chú và anh chị em văn nghệ sĩ trong Hội Văn hóa cứu quốc đi sâu hơn nữa vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sáng tác được nhiều tác phẩm phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của nhân dân ta”3.

Ngày 01-7-1954, viết trên Báo Nhân Dân trong bài “Những việc vô lý”, Bác bình luận về những bài viết trên báo chí Pháp đề cập tội ác của quân viễn chinh Pháp để đi đến nhận định với nước Pháp và binh sĩ Pháp: “Cuộc chiến tranh này thật là vô nghĩa... nó đã đưa thực dân Pháp đến Điện Biên Phủ và sẽ đưa chúng đến nhiều Điện Biên Phủ khác nữa”4.

Ngày 01-7-1958, Báo Nhân Dân đăng bài viết “Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học” nhưng trong lời kết, Bác lại lưu ý: “…Chúng ta phải học những kinh nghiệm quý báu của các nước anh em... Cố nhiên, phải áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo, hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta, chứ không nên học một cách máy móc”5.

Ngày 01-7-1960, nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ và các cơ quan dân, chính, đảng Trung ương, Bác vạch rõ: “Tuy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã xong, nhưng chúng ta còn phải tiếp tục kháng chiến chống một giặc khác, đó là giặc nghèo nàn, lạc hậu... Cho nên đảng viên ta cũng phải có thêm tinh thần như thanh niên: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”6.

Ngày 02-7

“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.

Ngày 02-7-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, viên Thống đốc người Anh của thành phố này đã ký lệnh bắt giam lần thứ ba, nhằm kéo dài thời gian giam giữ để dàn xếp những thỏa hiệp với Pháp. Hai năm sau, vào tháng 7-1933, Nguyễn Ái Quốc từ Hạ Môn đáp tàu thuỷ đi Thượng Hải trong vai một thân sĩ quần áo sang trọng, ở khách sạn, nhưng đêm đêm khóa phòng lại ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy quần áo. Đó là lúc nhà cách mạng đã thoát khỏi ngục tù và đang tìm đường trở về nước Nga.

Ngày 02-7-1946, Chính phủ Pháp chính thức tiếp xúc với Chủ tịch nước Việt Nam với những nghi lễ trọng thể. Thủ tướng Pháp Gioócgiơ Biđôn (Georges Bidault) hội đàm riêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi chiều, chủ nhà mở tiệc chiêu đãi trọng thể. Trong lời chào mừng, người đứng đầu nước Pháp đánh giá: “…Sự Ngài đến đây có một ý nghĩa rất cao xa. Nó làm cho tình thân thiện giữa hai nước chúng ta khăng khít lại...”7.

Trong đáp từ, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam bày tỏ: “Tôi tin rằng chẳng bao lâu nước Việt Nam sẽ đóng cái vai trò xứng đáng ở Thái Bình Dương là một nước độc lập làm vẻ vang lớn cho nước Pháp... Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp... sự hợp tác thành thực và thân thiện của hai nước sẽ là một gương lớn cho thế giới biết rằng, với một sự tin cẩn lẫn nhau, những dân tộc tự do và bình đẳng vẫn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất...”8. Cùng ngày, Bác viết thư gửi “các binh sĩ Việt Nam ở Pháp” thông báo thỏa thuận với Chính phủ Pháp về kế hoạch hồi hương và mong anh em khi về nước sẽ “ăn ở cho xứng đáng với một người công dân của nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam”9.

Ngày 02-7-1952, Bác dự họp Chính phủ nghe cơ quan Thanh tra báo cáo về tình hình quản lý tài chính trong quân đội, tình trạng tham ô, lãng phí của một số cán bộ. Kết luận cuộc họp, Bác nêu rõ cần phải biểu dương những cán bộ tốt, trong sạch, cần kiệm; mấy năm sau cách mạng mà tham ô lãng phí còn khá phổ biến trong cán bộ ta vì giáo dục thiếu sót, cần phải sửa dần, một cách có kế hoạch, có chuẩn bị...

Ngày 02-7-1954, báo “Cứu Quốc” đăng bài “Không biết!” của Bác. Đấy là câu trả lời của 26 cụ phụ lão tỉnh Hà Nam bị giặc Pháp bắt trong một trận càn, dù bị tra tấn vẫn không chịu khuất phục nên bị quân thù giết hại. Bài báo ca ngợi tấm gương anh dũng và cho biết Chính phủ đã truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho các vị phụ lão anh hùng.

Ngày 02-7-1961, Bác đến thăm và nói chuyện với lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn toàn miền Bắc lần đầu tiên được tổ chức. Tại đó, Bác phê bình những cách nghĩ sai lầm về ngành nấu ăn, khẳng định đó là một nghề quan trọng đối với xã hội và bày tỏ mong muốn qua phong trào thi đua sẽ có nhiều anh nuôi, chị nuôi giành được danh hiệu Anh hùng vẻ vang.

Ngày 03-7

“Nông dân ta chí khí rất anh dũng”.

Ngày 03-7-1924, tiếp tục tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc lại tiếp tục tham luận chủ đề về phong trào giải phóng thuộc địa: “Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi... Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”10.

Ngày 03-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa trước mộ Chiến sĩ vô danh của Pháp và tại nghĩa trang những tử sĩ Việt Nam trong Đại chiến thế giới. Nói chuyện với kiều bào, Bác nhắn nhủ: “Người Việt Nam phải đoàn kết làm cho nước nhà hoàn toàn vinh quang, sánh vai với các nước trên thế giới, xây dựng hạnh phúc cho Tổ quốc, cho nhân loại để khỏi phụ lòng những người đã vì nước thiệt mạng. Người chết đã vậy, còn các kiều bào ở Pháp nên xử sự thế nào để người Pháp hiểu biết và quý mến mình”11. Tối hôm đó, Chủ tịch nước Việt Nam được mời xem biểu diễn nhạc kịch tại Nhà hát lớn Pari cùng Thủ tướng Pháp.

Ngày 03-7-1951, làm việc với Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến về Điều lệ thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp, Bác yêu cầu: “…Phải thận trọng nghiên cứu, điều tra, cho người đi thực tập, thăm dò dư luận, cân nhắc kỹ càng rồi mới nên ban bố ”12.

Ngày 03-7-1954, trong “Thư gửi đồng bào, chiến sỹ và cán bộ vùng mới giải phóng ở đồng bằng Bắc bộ”, Bác chỉ dẫn “Hiện giờ đồng bào cần phải làm gì?

Mọi người phải:

 1. Đoàn kết nhất trí, yêu mến và giúp đỡ lẫn nhau.

 2. Hăng hái tăng gia sản xuất, làm ăn, buôn bán, để cải thiện sinh hoạt.

 3. Hăng hái tham gia và ủng hộ kháng chiến.

 4. Luôn luôn tỉnh táo, không nên chủ quan khinh địch”13.

Ngày 03-7-1954, tại Liễu Châu (Trung Quốc), Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về một số nội dung sẽ được đưa ra bàn tại Hội nghị Giơnevơ thực hiện đình chiến ở Đông Dương.

Ngày 03-7-1958, nói chuyện với cán bộ tỉnh Hưng Yên, Bác phân tích: “Nông dân ta chí khí rất anh dũng, kinh nghiệm rất nhiều, lực lượng rất to. Điều đó đó tỏ rõ trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Nếu lãnh đạo tốt, thì khó khăn gì họ cũng khắc phục được, việc gì to lớn mấy họ cũng làm được. Vậy cán bộ phải lãnh đạo một cách thiết thực, chu đáo, liên tục, toàn diện”14.

Ngày 03-7-1964, tại phiên bế mạc của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III, sau khi được Quốc hội tái tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước, thay mặt những vị mới được bầu vào cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, Bác phát biểu: "Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội.

Về phần tôi,

Bảy mươi tư tuổi vẫn không già,

Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta.

Bao giờ Nam Bắc một nhà,

Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng”15.

Bác cũng đưa ra thông điệp: Chấm dứt chiến tranh “Đó là cách giải quyết “lịch sự” không làm cho Mỹ mất thể diện”16.

Ngày 04-7

“Xem bảo tàng bằng học một pho sử”.

Ngày 04-7-1924, Tập san “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản đăng phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại phiên họp thứ 8 của Đại hội V của tổ chức này, với một thông điệp mạnh mẽ: “Ở đây tôi xin phát biểu để các đoàn đại biểu các thuộc địa lưu ý. Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới tùy thuộc phần lớn vào các thuộc địa. Đây là nơi cung cấp lương thực và binh lính cho các nước đế quốc chủ nghĩa. Nếu chúng ta muốn đánh bại các nước đế quốc, chúng ta phải bắt đầu bằng việc tước thuộc địa của chúng đi”17.

Ngày 04-7-1946, Bác viếng mồ các nghĩa sĩ tại đồi Môngtơ Valêrieng (Mont Valerien) nơi phát xít Đức xử bắn những du kích kháng chiến Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai và xúc động phát biểu: “Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập và tự do mà bị người Đức tàn sát, lại nghĩ đến nghĩa sĩ Việt cũng vì độc lập, tự do mà cũng bị người khác tàn sát, khiến cho người ta thêm nỗi cảm động, ngậm ngùi. Quyền độc lập, tự do ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của các nghĩa sĩ và sự đoàn kết của toàn quốc dân mà xây nên. Vậy nên, những người chân chính yêu chuộng độc lập, tự do của nước mình, thì cũng phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác”18.

Đến thăm Lăng của Napôlêông, Bác cảm xúc: “Thơ Trung Hoa có câu:

Xưa kia rất mực anh hùng

Mà nay nằm đó, lạnh lùng lắm ru!

Câu thơ đó thật đúng với hoàn cảnh Napoleon. Xưa nay đã nhiều người vì không “tri tác” (chừng mực) mà thất bại. Vậy mà người sau vẫn không biết nhớ những kinh nghiệm đời xưa”19.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ đón tiếp chính thức và tiệc chiêu đãi của Tòa thị chính Pari với sự tham dự của Thủ tướng và nhiều bộ trưởng Pháp. Đáp lại lời chào mừng của Thị trưởng, Bác ca ngợi Pari là nguồn gốc cách mệnh, Pari sẽ giúp cho các dân tộc được quyền độc lập.

Cũng trong ngày 04-7-1946, trong điện mừng ngày Philíppin tuyên bố độc lập, Chủ tịch nước Việt Nam bày tỏ: “Hết thảy các dân tộc cũng đã trải qua những nỗi đau đớn chung, rồi đây sẽ liên hợp với nhau để tiến tới một nền hòa bình lâu bền và một nền dân chủ chân chính. Nước Việt Nam quốc gia tự do, mong mỏi sự hợp tác đó sẽ thành công rực rỡ”20

Ngày 04-7-1958, Báo Nhân Dân đăng bài báo của Bác dưới nhan đề “So sánh” nêu lên những tấm gương tốt đã được Bác tặng huy hiệu với một vụ trốn thuế mới được phát hiện của những kẻ được bài báo gọi là “vi phú bất nhân” và kết luận bằng mấy vần thơ:

“Ai xây mỹ tục thuần phong,

Ai là những kẻ đồng lòng xấu xa?

Trăm năm trong cõi người ta,

Ai là đáng kính, ai là đáng khinh?”21.

Ngày 04-7-1959, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Xem Viện bảo tàng cách mạng” đánh giá: “Nếu người ta chú ý, thì xem Viện bảo tàng cách mạng một lần cũng bằng học một pho lịch sử cách mạng”... Nếu mọi người học tập thấm nhuần tinh thần anh dũng và chí khí kiên cường, học được ở Viện bảo tàng..., thì chúng ta nhất định thắng lợi trong mọi việc”22.

Ngày 04-7-1966, tại Hà Nội, Bác dự chiêu đãi ông G.Xanhtơny, phái viên của Tổng thống Pháp. Trong câu chuyện trao đổi, Bác nhắn nhủ: “Nếu ông có gặp người Mỹ, ông hãy nói cho họ biết rằng chúng tôi không sợ Mỹ, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng dù phải hy sinh tất cả. Mỹ rút đi thì mọi việc sẽ được giải quyết. Nhưng chừng nào còn một tên Mỹ trên đất nước chúng tôi, chúng tôi còn tiếp tục chiến đấu”23.

Ngày 05-7

“Chỉ có một chính sách là đại đoàn kết”.

Ngày 05-7-1922, báo cáo của mật thám Pháp xác nhận, Nguyễn Ái Quốc đến làm việc tại trụ sở của Đảng Cộng sản Pháp đặt tại số nhà 120 đường “La Fayette”, Pari và sau đó đến toà soạn các báo “Journal du Peuple”(Nhật báo Dân chúng) và “L’ Humanité” (Nhân Đạo).

Tháng 7-1923, từ nước Nga Xôviết, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện những Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản về vấn đề thuộc địa trên cơ sở đó, phê phán: “Cho đến nay, những nghị quyết ấy chỉ được dựng để tô điểm mặt giấy!”24 và chất vấn các tổ chức của Đảng đó có “một chính sách thuộc địa và một cương lĩnh rõ rệt về thuộc địa, chính xác và liên tục hay chưa? Những chiến sỹ của các phân bộ ấy có hiểu thuộc địa là gì và tầm quan trọng của thuộc địa như thế nào không? Người ta có thể trả lời là không”25.

Ngày 05-7-1946, tại Pari, Bác tiếp cơm cựu Thủ tướng Pháp Lêông Blum và tiếp các nghị sĩ Angiêri thảo luận về mô hình Liên hiệp Pháp. Đoàn đại biểu Tổng Công hội Pháp đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông báo Tổ chức Công đoàn của Việt Nam đã được Công đoàn thế giới thừa nhận.

Ngày 05-7-1947, trong thư góp ý cho hoạt động của Đảng Xã hội Việt Nam, Bác khẳng định: “Hiện nay, tất cả các đảng chỉ có một đường chính trị chung: kiên quyết trường kỳ kháng chiến, để tranh lấy thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Và đối với các đoàn thể khác cùng dân chúng, chỉ có một chính sách là đại đoàn kết”26.

Ngày 05-7-1951, trong bài “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta” đăng trên Báo Nhân Dân, Bác đánh giá: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do. Muốn đạt mục đích ấy, người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Chiến sĩ thì thi đua diệt giặc lập công, đồng bào thì thi đua tăng gia sản xuất... Kết quả tuy còn nhỏ, nhưng nó như con én báo hiệu mùa Xuân. Nó là cái đà cho kết quả to lớn sau này”27.

Ngày 05-7-1966, tiếp phái viên của Tổng thống Pháp là ông Giăng Xanhtơny đến trao thư của Tổng thống Đờ Gôn (De Gaulle), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm: Chúng tôi biết rõ sức mạnh của kẻ thù. Chúng tôi hiểu rằng Mỹ nếu muốn, họ có thể hủy diệt thành phố này như chúng đã làm đối với các thành phố lớn ở miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh và nhiều thành phố khác. Chúng tôi đang đợi chúng đến và chúng tôi đã sẵn sàng. Nhưng cái đó không làm nhụt ý chí đấu tranh của chúng tôi. Ông hiểu cho rằng chúng tôi đã có kinh nghiệm và chiến tranh đã được kết thúc như thế nào rồi và đưa ra thông điệp: Chỉ có một cách đi tới giải pháp, đó là Mỹ rút đi. Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích. Nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông “qu’ ils foutent le camp?” (nghĩa là “hãy biến đi!”).

Ngày 05-7-1967, Bác gửi thư và tặng huy hiệu khen ngợi Trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã bắn rơi một máy bay phản lực của Mỹ.

Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa


Chú thích:

1 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 1, tr. 282.
2 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 236.
3 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 4, tr. 98.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 5, tr. 468.
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2009, t. 7, tr. 99.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 166.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 352.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 267-268.
9 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 3, tr. 267.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 289.
11. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 3, tr. 267-268.
12. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2007, t. 5, tr. 62.
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 303.
14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 196.
15,16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 280, 282.
17. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 1, tr. 281.
18 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 3, tr. 269.
19,20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 358, 269.
21. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2009, t. 7, tr. 101.
22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 481-482.
23. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2008, t. 9, tr. 422.
24,25. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 194-195.
26 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 166.
27 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 236.

Bài viết khác: