Ngày 01/7
Ngày 01-7-1922, trên tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) đăng hai bài viết của Nguyễn Ái Quốc: “Những kẻ đi khai hóa” và “Thù ghét chủng tộc”. Cả hai bài báo đều lên án những hành vi man rợ của chủ nghĩa thực dân tại các thuộc địa của Pháp từ châu Phi cho tới Đông Dương và đối với cả những người Pháp đã lên án những hành vi man rợ ấy.
Ngày 01-7-1924, tham dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, tại phiên họp thứ 22, Nguyễn Ái Quốc lại đăng đàn, thẳng thắn phê bình các Đảng của các nước có thuộc địa chưa thi hành một chính sách tích cực và kết luận: “Thưa các đồng chí, vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”1.
Ngày 01-7-1942, báo “Việt Nam Độc lập” xuất bản tại Chiến khu Cao Bằng đăng một bài thơ ngụ ngôn của Bác với nhan đề “Con cáo và tổ ong”. Sau khi kể lại việc đàn ong đã đoàn kết chống trả cáo để bảo vệ tổ của mình, Bác kết luận:
“Bây giờ ta thử so bì,
Ong còn đoàn kết, huống chi là người!
Nhật, Tây áp bức giống nòi,
Ta nên đoàn kết để đòi tự do”2.
Ngày 01-7-1946, tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp nhiều Việt kiều đến thăm. Hoạ sĩ Vũ Cao Đàm xin vẽ và nặn tượng Bác. Cùng ngày, nhiều nhà văn, trí thức tiến bộ Pháp đến chào Bác như Lui Aragông (Louis Aragon), Giăng Risác Blốc (Jean Richard Bloch), Pierơ Emmanuen (Pierre Emmanuel)...
Ngày 01-7-1947, Bác viết thư gửi một số vị nhân sĩ họ Đinh ở Hòa Bình đã vận động đồng bào Mường ở địa phương tham gia kháng chiến. Cùng ngày, Bác viết thư động viên nhà thơ Huyền Kiêu đã viết bản trường ca “Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc”:
“...Tôi mong chú và anh chị em văn nghệ sĩ trong Hội Văn hóa cứu quốc đi sâu hơn nữa vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sáng tác được nhiều tác phẩm phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của nhân dân ta”3.
Ngày 01-7-1954, viết trên Báo Nhân Dân trong bài “Những việc vô lý”, Bác bình luận về những bài viết trên báo chí Pháp đề cập tội ác của quân viễn chinh Pháp để đi đến nhận định với nước Pháp và binh sĩ Pháp: “Cuộc chiến tranh này thật là vô nghĩa... nó đã đưa thực dân Pháp đến Điện Biên Phủ và sẽ đưa chúng đến nhiều Điện Biên Phủ khác nữa”4.
Ngày 01-7-1958, Báo Nhân Dân đăng bài viết “Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học” nhưng trong lời kết, Bác lại lưu ý: “…Chúng ta phải học những kinh nghiệm quý báu của các nước anh em... Cố nhiên, phải áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo, hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta, chứ không nên học một cách máy móc”5.
Ngày 01-7-1960, nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ và các cơ quan dân, chính, đảng Trung ương, Bác vạch rõ: “Tuy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã xong, nhưng chúng ta còn phải tiếp tục kháng chiến chống một giặc khác, đó là giặc nghèo nàn, lạc hậu... Cho nên đảng viên ta cũng phải có thêm tinh thần như thanh niên: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”6.
Ngày 02-7
“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.
Ngày 02-7-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, viên Thống đốc người Anh của thành phố này đã ký lệnh bắt giam lần thứ ba, nhằm kéo dài thời gian giam giữ để dàn xếp những thỏa hiệp với Pháp. Hai năm sau, vào tháng 7-1933, Nguyễn Ái Quốc từ Hạ Môn đáp tàu thuỷ đi Thượng Hải trong vai một thân sĩ quần áo sang trọng, ở khách sạn, nhưng đêm đêm khóa phòng lại ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy quần áo. Đó là lúc nhà cách mạng đã thoát khỏi ngục tù và đang tìm đường trở về nước Nga.
Ngày 02-7-1946, Chính phủ Pháp chính thức tiếp xúc với Chủ tịch nước Việt Nam với những nghi lễ trọng thể. Thủ tướng Pháp Gioócgiơ Biđôn (Georges Bidault) hội đàm riêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi chiều, chủ nhà mở tiệc chiêu đãi trọng thể. Trong lời chào mừng, người đứng đầu nước Pháp đánh giá: “…Sự Ngài đến đây có một ý nghĩa rất cao xa. Nó làm cho tình thân thiện giữa hai nước chúng ta khăng khít lại...”7.
Trong đáp từ, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam bày tỏ: “Tôi tin rằng chẳng bao lâu nước Việt Nam sẽ đóng cái vai trò xứng đáng ở Thái Bình Dương là một nước độc lập làm vẻ vang lớn cho nước Pháp... Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp... sự hợp tác thành thực và thân thiện của hai nước sẽ là một gương lớn cho thế giới biết rằng, với một sự tin cẩn lẫn nhau, những dân tộc tự do và bình đẳng vẫn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất...”8. Cùng ngày, Bác viết thư gửi “các binh sĩ Việt Nam ở Pháp” thông báo thỏa thuận với Chính phủ Pháp về kế hoạch hồi hương và mong anh em khi về nước sẽ “ăn ở cho xứng đáng với một người công dân của nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam”9.
Ngày 02-7-1952, Bác dự họp Chính phủ nghe cơ quan Thanh tra báo cáo về tình hình quản lý tài chính trong quân đội, tình trạng tham ô, lãng phí của một số cán bộ. Kết luận cuộc họp, Bác nêu rõ cần phải biểu dương những cán bộ tốt, trong sạch, cần kiệm; mấy năm sau cách mạng mà tham ô lãng phí còn khá phổ biến trong cán bộ ta vì giáo dục thiếu sót, cần phải sửa dần, một cách có kế hoạch, có chuẩn bị...
Ngày 02-7-1954, báo “Cứu Quốc” đăng bài “Không biết!” của Bác. Đấy là câu trả lời của 26 cụ phụ lão tỉnh Hà Nam bị giặc Pháp bắt trong một trận càn, dù bị tra tấn vẫn không chịu khuất phục nên bị quân thù giết hại. Bài báo ca ngợi tấm gương anh dũng và cho biết Chính phủ đã truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho các vị phụ lão anh hùng.
Ngày 02-7-1961, Bác đến thăm và nói chuyện với lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn toàn miền Bắc lần đầu tiên được tổ chức. Tại đó, Bác phê bình những cách nghĩ sai lầm về ngành nấu ăn, khẳng định đó là một nghề quan trọng đối với xã hội và bày tỏ mong muốn qua phong trào thi đua sẽ có nhiều anh nuôi, chị nuôi giành được danh hiệu Anh hùng vẻ vang.
Ngày 03-7
“Nông dân ta chí khí rất anh dũng”.
Ngày 03-7-1924, tiếp tục tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc lại tiếp tục tham luận chủ đề về phong trào giải phóng thuộc địa: “Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi... Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”10.
Ngày 03-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa trước mộ Chiến sĩ vô danh của Pháp và tại nghĩa trang những tử sĩ Việt Nam trong Đại chiến thế giới. Nói chuyện với kiều bào, Bác nhắn nhủ: “Người Việt Nam phải đoàn kết làm cho nước nhà hoàn toàn vinh quang, sánh vai với các nước trên thế giới, xây dựng hạnh phúc cho Tổ quốc, cho nhân loại để khỏi phụ lòng những người đã vì nước thiệt mạng. Người chết đã vậy, còn các kiều bào ở Pháp nên xử sự thế nào để người Pháp hiểu biết và quý mến mình”11. Tối hôm đó, Chủ tịch nước Việt Nam được mời xem biểu diễn nhạc kịch tại Nhà hát lớn Pari cùng Thủ tướng Pháp.
Ngày 03-7-1951, làm việc với Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến về Điều lệ thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp, Bác yêu cầu: “…Phải thận trọng nghiên cứu, điều tra, cho người đi thực tập, thăm dò dư luận, cân nhắc kỹ càng rồi mới nên ban bố ”12.
Ngày 03-7-1954, trong “Thư gửi đồng bào, chiến sỹ và cán bộ vùng mới giải phóng ở đồng bằng Bắc bộ”, Bác chỉ dẫn “Hiện giờ đồng bào cần phải làm gì?
Mọi người phải:
1. Đoàn kết nhất trí, yêu mến và giúp đỡ lẫn nhau.
2. Hăng hái tăng gia sản xuất, làm ăn, buôn bán, để cải thiện sinh hoạt.
3. Hăng hái tham gia và ủng hộ kháng chiến.
4. Luôn luôn tỉnh táo, không nên chủ quan khinh địch”13.
Ngày 03-7-1954, tại Liễu Châu (Trung Quốc), Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về một số nội dung sẽ được đưa ra bàn tại Hội nghị Giơnevơ thực hiện đình chiến ở Đông Dương.
Ngày 03-7-1958, nói chuyện với cán bộ tỉnh Hưng Yên, Bác phân tích: “Nông dân ta chí khí rất anh dũng, kinh nghiệm rất nhiều, lực lượng rất to. Điều đó đó tỏ rõ trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Nếu lãnh đạo tốt, thì khó khăn gì họ cũng khắc phục được, việc gì to lớn mấy họ cũng làm được. Vậy cán bộ phải lãnh đạo một cách thiết thực, chu đáo, liên tục, toàn diện”14.
Ngày 03-7-1964, tại phiên bế mạc của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III, sau khi được Quốc hội tái tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước, thay mặt những vị mới được bầu vào cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, Bác phát biểu: "Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội.
Về phần tôi,
Bảy mươi tư tuổi vẫn không già,
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta.
Bao giờ Nam Bắc một nhà,
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng”15.
Bác cũng đưa ra thông điệp: Chấm dứt chiến tranh “Đó là cách giải quyết “lịch sự” không làm cho Mỹ mất thể diện”16.
Ngày 04-7
“Xem bảo tàng bằng học một pho sử”.
Ngày 04-7-1924, Tập san “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản đăng phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại phiên họp thứ 8 của Đại hội V của tổ chức này, với một thông điệp mạnh mẽ: “Ở đây tôi xin phát biểu để các đoàn đại biểu các thuộc địa lưu ý. Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới tùy thuộc phần lớn vào các thuộc địa. Đây là nơi cung cấp lương thực và binh lính cho các nước đế quốc chủ nghĩa. Nếu chúng ta muốn đánh bại các nước đế quốc, chúng ta phải bắt đầu bằng việc tước thuộc địa của chúng đi”17.
Ngày 04-7-1946, Bác viếng mồ các nghĩa sĩ tại đồi Môngtơ Valêrieng (Mont Valerien) nơi phát xít Đức xử bắn những du kích kháng chiến Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai và xúc động phát biểu: “Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập và tự do mà bị người Đức tàn sát, lại nghĩ đến nghĩa sĩ Việt cũng vì độc lập, tự do mà cũng bị người khác tàn sát, khiến cho người ta thêm nỗi cảm động, ngậm ngùi. Quyền độc lập, tự do ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của các nghĩa sĩ và sự đoàn kết của toàn quốc dân mà xây nên. Vậy nên, những người chân chính yêu chuộng độc lập, tự do của nước mình, thì cũng phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác”18.
Đến thăm Lăng của Napôlêông, Bác cảm xúc: “Thơ Trung Hoa có câu:
Xưa kia rất mực anh hùng
Mà nay nằm đó, lạnh lùng lắm ru!
Câu thơ đó thật đúng với hoàn cảnh Napoleon. Xưa nay đã nhiều người vì không “tri tác” (chừng mực) mà thất bại. Vậy mà người sau vẫn không biết nhớ những kinh nghiệm đời xưa”19.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ đón tiếp chính thức và tiệc chiêu đãi của Tòa thị chính Pari với sự tham dự của Thủ tướng và nhiều bộ trưởng Pháp. Đáp lại lời chào mừng của Thị trưởng, Bác ca ngợi Pari là nguồn gốc cách mệnh, Pari sẽ giúp cho các dân tộc được quyền độc lập.
Cũng trong ngày 04-7-1946, trong điện mừng ngày Philíppin tuyên bố độc lập, Chủ tịch nước Việt Nam bày tỏ: “Hết thảy các dân tộc cũng đã trải qua những nỗi đau đớn chung, rồi đây sẽ liên hợp với nhau để tiến tới một nền hòa bình lâu bền và một nền dân chủ chân chính. Nước Việt Nam quốc gia tự do, mong mỏi sự hợp tác đó sẽ thành công rực rỡ”20
Ngày 04-7-1958, Báo Nhân Dân đăng bài báo của Bác dưới nhan đề “So sánh” nêu lên những tấm gương tốt đã được Bác tặng huy hiệu với một vụ trốn thuế mới được phát hiện của những kẻ được bài báo gọi là “vi phú bất nhân” và kết luận bằng mấy vần thơ:
“Ai xây mỹ tục thuần phong,
Ai là những kẻ đồng lòng xấu xa?
Trăm năm trong cõi người ta,
Ai là đáng kính, ai là đáng khinh?”21.
Ngày 04-7-1959, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Xem Viện bảo tàng cách mạng” đánh giá: “Nếu người ta chú ý, thì xem Viện bảo tàng cách mạng một lần cũng bằng học một pho lịch sử cách mạng”... Nếu mọi người học tập thấm nhuần tinh thần anh dũng và chí khí kiên cường, học được ở Viện bảo tàng..., thì chúng ta nhất định thắng lợi trong mọi việc”22.
Ngày 04-7-1966, tại Hà Nội, Bác dự chiêu đãi ông G.Xanhtơny, phái viên của Tổng thống Pháp. Trong câu chuyện trao đổi, Bác nhắn nhủ: “Nếu ông có gặp người Mỹ, ông hãy nói cho họ biết rằng chúng tôi không sợ Mỹ, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng dù phải hy sinh tất cả. Mỹ rút đi thì mọi việc sẽ được giải quyết. Nhưng chừng nào còn một tên Mỹ trên đất nước chúng tôi, chúng tôi còn tiếp tục chiến đấu”23.
Ngày 05-7
“Chỉ có một chính sách là đại đoàn kết”.
Ngày 05-7-1922, báo cáo của mật thám Pháp xác nhận, Nguyễn Ái Quốc đến làm việc tại trụ sở của Đảng Cộng sản Pháp đặt tại số nhà 120 đường “La Fayette”, Pari và sau đó đến toà soạn các báo “Journal du Peuple”(Nhật báo Dân chúng) và “L’ Humanité” (Nhân Đạo).
Tháng 7-1923, từ nước Nga Xôviết, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện những Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản về vấn đề thuộc địa trên cơ sở đó, phê phán: “Cho đến nay, những nghị quyết ấy chỉ được dựng để tô điểm mặt giấy!”24 và chất vấn các tổ chức của Đảng đó có “một chính sách thuộc địa và một cương lĩnh rõ rệt về thuộc địa, chính xác và liên tục hay chưa? Những chiến sỹ của các phân bộ ấy có hiểu thuộc địa là gì và tầm quan trọng của thuộc địa như thế nào không? Người ta có thể trả lời là không”25.
Ngày 05-7-1946, tại Pari, Bác tiếp cơm cựu Thủ tướng Pháp Lêông Blum và tiếp các nghị sĩ Angiêri thảo luận về mô hình Liên hiệp Pháp. Đoàn đại biểu Tổng Công hội Pháp đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông báo Tổ chức Công đoàn của Việt Nam đã được Công đoàn thế giới thừa nhận.
Ngày 05-7-1947, trong thư góp ý cho hoạt động của Đảng Xã hội Việt Nam, Bác khẳng định: “Hiện nay, tất cả các đảng chỉ có một đường chính trị chung: kiên quyết trường kỳ kháng chiến, để tranh lấy thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Và đối với các đoàn thể khác cùng dân chúng, chỉ có một chính sách là đại đoàn kết”26.
Ngày 05-7-1951, trong bài “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta” đăng trên Báo Nhân Dân, Bác đánh giá: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do. Muốn đạt mục đích ấy, người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Chiến sĩ thì thi đua diệt giặc lập công, đồng bào thì thi đua tăng gia sản xuất... Kết quả tuy còn nhỏ, nhưng nó như con én báo hiệu mùa Xuân. Nó là cái đà cho kết quả to lớn sau này”27.
Ngày 05-7-1966, tiếp phái viên của Tổng thống Pháp là ông Giăng Xanhtơny đến trao thư của Tổng thống Đờ Gôn (De Gaulle), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm: Chúng tôi biết rõ sức mạnh của kẻ thù. Chúng tôi hiểu rằng Mỹ nếu muốn, họ có thể hủy diệt thành phố này như chúng đã làm đối với các thành phố lớn ở miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh và nhiều thành phố khác. Chúng tôi đang đợi chúng đến và chúng tôi đã sẵn sàng. Nhưng cái đó không làm nhụt ý chí đấu tranh của chúng tôi. Ông hiểu cho rằng chúng tôi đã có kinh nghiệm và chiến tranh đã được kết thúc như thế nào rồi và đưa ra thông điệp: Chỉ có một cách đi tới giải pháp, đó là Mỹ rút đi. Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích. Nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông “qu’ ils foutent le camp?” (nghĩa là “hãy biến đi!”).
Ngày 05-7-1967, Bác gửi thư và tặng huy hiệu khen ngợi Trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã bắn rơi một máy bay phản lực của Mỹ.
Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
1 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 1, tr. 282.
2 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 236.
3 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 4, tr. 98.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 5, tr. 468.
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2009, t. 7, tr. 99.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 166.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 352.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 267-268.
9 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 3, tr. 267.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 289.
11. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 3, tr. 267-268.
12. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2007, t. 5, tr. 62.
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 303.
14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 196.
15,16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 280, 282.
17. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 1, tr. 281.
18 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 3, tr. 269.
19,20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 358, 269.
21. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2009, t. 7, tr. 101.
22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 481-482.
23. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2008, t. 9, tr. 422.
24,25. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 194-195.
26 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 166.
27 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 236.
Ngày 06-7
“Lênin là hiện thân của tình anh em bốn bể”.
Ngày 06-7-1911, Nguyễn Tất Thành với cái tên thuỷ thủ Văn Ba trên con tàu “Đô đốc Laturơ Tơrêvin” của Hãng Vận tải Hợp nhất đã cập bến cảng Mácxây và đặt chân lên mảnh đất đầu tiên của nước Pháp. Trong những ngày ở đây, chứng kiến những người lao động Pháp cũng sống trong cảnh bần cùng, người thanh niên yêu nước Việt Nam tự hỏi: Thế ra ở nước Pháp cũng có người nghèo à!? Tại sao người Pháp không “khai hóa” cho đồng bào của họ trước khi “khai hóa” chúng ta?.
Tháng 7-1919, bài báo “Tâm địa thực dân” ký tên Nguyễn Ái Quốc, phản bác lại một bài viết đăng trên tờ “Courrier Colonial” (“Thông tin thuộc địa”) nhằm công kích “Bản Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam” gửi cho Hòa hội Vécxây (6-1919). Bằng giọng văn châm biếm nhưng đanh thép Nguyễn Ái Quốc vạch trần tâm địa của tác giả bài báo sặc mùi thực dân. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên được công bố trong bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập”.
Tháng 7-1922, Nguyễn Ái Quốc gặp Bùi Lâm một thuỷ thủ trên tàu biển chạy tuyến Sài Gòn - Mácxây. Hồi ức của Bùi Lâm nhắc lại lời căn dặn của Nguyễn Ái Quốc: “Cần luôn luôn nhớ làm nhiệm vụ của người dân mất nước. Anh em nên thương yêu nhau, vui vẻ, đoàn kết với nhau. Đoàn kết cả với công nhân Pháp, nhân dân Pháp và các nước thuộc địa. Chúng ta đều là người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột như nhau...”28.
Ngày 06-7-1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc mít tinh vì hòa bình tổ chức tại Mátxcơva đứng trên lễ đài bên cạnh các nhà lãnh đạo Xôviết nổi tiếng đương thời như Vuruxilốp, Kalinin, Đinôviôp, Phơrunde... Cũng trong thời gian này, tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) đăng bài “Lênin và các dân tộc phương Đông” trong đó Nguyễn Ái Quốc viết: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi... Lênin là hiện thân của tình anh em bốn bể ”29.
Ngày 06-7-1946 là ngày Hội nghị Phôngtennơblô khai mạc bàn về tương lai quan hệ Việt - Pháp, là thượng khách của Chính phủ Pháp nên Bác không tham dự mà dành thời gian tiếp một số chức phẩm Thiên Chúa giáo người Việt ở Pháp và gửi lời chào tới một lễ hội kỷ niệm cố đạo Griguri (Grôgoire) một nhà hoạt động thời Cách mạng Pháp đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân tộc, màu da.
Ngày 06-7-1948, Bác chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng Tối cao và được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng này, đồng thời hợp nhất Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy do Võ Nguyên Giáp đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.
Ngày 06-7-1954, trả lời Thông tấn xã Việt Nam về những vấn đề liên quan đến Hội nghị Giơnevơ đang diễn ra, Bác khẳng định “lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc”30.
Ngày 06-7-1967, Bác ký lệnh truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh một học trò gần gũi và nhiều năng lực vừa mới từ trần.
Ngày 07-7
“Rời dân ra, nhất định thất bại”.
Ngày 07-7-1939, trên tờ báo “Notre Voix” (Tiếng nói của chúng ta) viết bằng tiếng Pháp, do những chiến sỹ cộng sản hoạt động công khai chủ trương tại Hà Nội, đã đăng bài “Thư từ Trung Quốc - Hoạt động của bọn tờrốtxkớt Trung Quốc” của Nguyễn Ái Quốc (với bút danh là P.C.Lin) trong đó vạch trần các hoạt động phản bội của các phần tử tờrốtxkớt đối với công cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc.
Ngày 07-7-1946, tại Pari, Bác tiếp tục gặp gỡ nhiều bà con Việt kiều, tiếp và mời cơm gia đình tướng Raun Xalăng (Raoul Salan) và dự những hình thức lễ nghi và Hội pháo hoa tại cung điện Vécxây để chào mừng khách quý từ Việt Nam tới.
Tháng 7-1952, nói chuyện với Hội nghị Chiến tranh du kích Bắc bộ Bác phân tích: “Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Trường là dài, tức là đánh bao giờ địch bại, địch “cút”, thế mới là trường... Chớ có vội vàng muốn đánh ngay thắng ngay, thế là chủ quan. Trường kỳ thì phải gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.
Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời lại phải tự lực cánh sinh... Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”31. Sau khi phân tích những khuyết điểm cần phải sửa chữa, Bác nói đến những công việc phải làm: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi”32.
Ngày 07-7-1954, báo Nhân Dân đăng bài “Công giáo Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam” trong đó Bác bình luận về việc nhiều giáo dân, giáo chức và tờ báo lớn của Thiên Chúa giáo ở Pháp lên tiếng chống chiến tranh kêu gọi đình chiến, để từ đó đưa ra lời kêu gọi: “Trước thái độ đúng đắn của những người công giáo Pháp, thì những người công giáo Việt Nam ai đã lầm đường theo giặc, phản nước phản Chúa, cần phải mau mau hối cải, mau mau quay về với chính nghĩa, với Tổ quốc yêu mến của chúng ta”33. Cùng ngày, trên báo Cứu Quốc Bác cũng đề cập vấn đề này và nhấn mạnh rằng: ”Những người trung thành với Chúa là những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp hòa bình thế giới”34.
Ngày 07-7-1958, Bác tham dự Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần thứ II và biểu dương: “Anh hùng, chiến sỹ thi đua đó là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng... Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý... không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em xung quanh mình… Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi”35. Cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 26 tấm gương xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước.
Ngày 07-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự phiên họp khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II, tại kỳ họp này Bác được tái tín nhiệm đảm nhận cương vị Chủ tịch nước.
Ngày 08-7
“Lãnh đạo phải đi sâu, đi sát, toàn diện”.
“Nhật ký hành trình chuyến đi Pháp” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi lại: Ngày 08-7-1946, 12 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp vợ chồng ông Maran (Maranne), cựu Chủ tịch Quận Xen. Ông Côxtơ (Coste), nghị sỹ Quốc hội. Vợ chồng ông Lêô Pônđét (Poldes), văn sỹ (xưa là chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngoại ô mà Bác tham gia). Có mời cả vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hà ăn cơm với khách. 6 giờ (chiều), Đô đốc Mítxốp (Missoffe) thết tiệc trà hoan nghênh Cụ Chủ tịch. Ông Mítxốp có 5 người con trai đều tham gia kháng chiến và một con gái là Giắcơlanh (Jacquelline) 13 tuổi, rất mến Hồ Chủ tịch và gọi Cụ bằng Bác Hồ. Từ lúc đến Pari, Cụ Chủ tịch đã có một bầy cháu trai, cháu gái, Pháp có, Việt có.
Tháng 7-1948, Bác viết thư gửi báo “Vệ quốc quân” và gửi “Anh em thương và bệnh binh”. Với tờ báo, thư viết: “Báo “Vệ quốc quân” phải là người bạn thân thiết của mỗi một chiến sỹ Vệ quốc quân. Vì vậy cần phải đi sát với sự sinh hoạt và sự phát triển của Vệ quốc quân. Mỗi một chiến sỹ Vệ quốc quân phải là một người bạn thân thiết của báo”36. Còn với anh em thương và bệnh binh, Bác chia sẻ: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc,... các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”37.
Ngày 08-7-1949, Bác viết bài “Trở lại vấn đề thi đua ái quốc” đăng trên báo Cứu Quốc, trong đó đặt vấn đề: “Đồng bào Thủ đô chúng ta có thể thi đua được không, và phải thi đua thế nào?”38 và giải đáp rằng đồng bào Thủ đô mặc dù đang sống trong vùng bị địch tạm chiếm nhưng vẫn có thể “giết giặc, trừ gian, phá tề. Thi đua phá hoại giặc, phá từ cái nhỏ đến cái to, phá nhà máy, công sở, các cơ quan quân sự, kinh tế, chính trị của địch và bù nhìn... thi đua gia nhập các tổ chức kháng chiến, giúp đỡ chiến sỹ...”39.
Ngày 08-7-1951, chủ trì phiên họp Chính phủ, Bác tổng kết (được ghi trong biên bản): “Ta đang trên đà thắng lợi nhưng không vì thế mà tự cao, tự đại. Về chính trị đã gần dân nhiều hơn, càng hiểu dân và được dân hiểu ta hơn. Nhân dân có tiến bộ nhiều, đã bắt đầu biết sử dụng quyền dân chủ đối với cán bộ, cơ quan. Cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào tự phê bình và phê bình... Phương châm chính sách của ta: Đánh du kích, trường kỳ gian khổ kháng chiến là đúng...”40.
Ngày 08-7-1958, thăm tỉnh Sơn Tây, nói chuyện tại Hội nghị sản xuất của tỉnh, Bác góp ý: “Vì chủ quan mà thu hoạch kém. Vì thu hoạch kém mà đi đến bi quan tiêu cực. Như vậy là không đúng… phải đánh tan tư tưởng bi quan, tiêu cực, phải quyết làm cho kỳ được, phải tin vào lực lượng nhân dân, tin tưởng vào chính sách của Đảng, lãnh đạo phải đi sâu, đi sát, toàn diện. Lãnh đạo nghề nông thì từ trước khi gieo mạ, phải lãnh đạo, đến lúc lúa và khoai vào bồ, lãnh đạo mới kết thúc”41.
Ngày 09-7
“Chẳng bom đạn nào của đế quốc sát hại được Bác đâu!”.
Ngày 09-7-1921, mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp của Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp mới được thành lập.
Ngày 09-7-1925, tại Quảng Châu, Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức do Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí Trung Quốc vận động đã chính thức được thành lập tập hợp nhiều thành viên quốc tế, với tôn chỉ “liên lạc với các dân tộc đó, cùng làm cách mạng nhằm đánh đổ đế quốc”42. Hội ra lời tuyên ngôn: “Con đường thoát duy nhất để xóa bỏ sự áp bức chỉ có thể là liên hiệp các dân tộc nhỏ yếu bị áp bức và giai cấp vô sản toàn thế giới, áp dụng những phương pháp cách mạng để lật đổ về căn bản chủ nghĩa tư bản đế quốc cực kỳ hung ác”43. Nguyễn Ái Quốc lúc này mang bí danh là Lý Thụy được bầu làm Bí thư kiêm phụ trách chi bộ Việt Nam của Hội Liên hiệp.
Đầu tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc mang hộ chiếu với tính danh là “Nguyễn Lai” trong vai một Hoa kiều nhập cảnh bến cảng Khoongtơi (Băng Cốc) bắt đầu một thời gian hoạt động ở Thái Lan đặc biệt là trong cộng đồng Việt kiều khá đông đảo ở vùng Đông Bắc của nước này. Đây cũng là thời điểm Nguyễn Ái Quốc có ý định tìm đường về nước nhưng điều kiện chưa cho phép.
Tháng 7-1945, sau khi xác lập được mối liên hệ với lực lượng Đồng Minh và trực tiếp là đơn vị OSS (tình báo chiến lược của Mỹ tiền thân của CIA ngày nay) tại Côn Minh (Trung Quốc), Lãnh tụ Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác chuẩn bị để đón các đơn vị hỗ trợ nhảy dù xuống Chiến khu Việt Bắc. Bác đã trực tiếp đến xã Thanh La để chỉ đạo việc xây dựng sân bay dã chiến Lũng Cú, viết thư gửi Thiếu tá E. Thômát (E. Thomas) người sẽ chỉ huy đơn vị “Con Nai” trực tiếp phối hợp hành động với lực lượng của Việt Minh, trong thư đánh giá: “Kế hoạch của Ngài về sự đầu hàng của Nhật (tối hậu thư, tấn công...) thật tuyệt vời. Tôi tin rằng nó sẽ đem lại kết quả rất tốt”44.
Ngày 09-7-1946, tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Giám đốc các nhà máy điện và xi măng ở Đông Dương đến chào và trao đổi về việc người Pháp sẽ làm ăn trên đất nước Việt Nam độc lập.
Ngày 09-7-1964, Bác đi thăm đê Khuyến Lương và kiểm tra công tác chuẩn bị chống bão lụt, hộ đê của địa phương, gặp gỡ động viên nhân dân địa phương và nhắc nhở các cấp chính quyền về công tác quan trọng và thường xuyên này.
Tháng 7-1967, nhà ngoại giao Mai Văn Bộ, đại diện Chính phủ ta tại Pháp về nước đến chào Bác và báo cáo tình hình nước Pháp. Trong câu chuyện Bác bày tỏ những tình cảm tốt đẹp đối với thành phố Pari nơi đã từng sống một thời trai trẻ sôi nổi. Hồi ức của ông Mai Văn Bộ thuật lại là giữa lúc đó có còi báo động máy bay Mỹ, mọi người phải khẩn trương ra hầm trú ẩn. Bác đã nhẹ nhàng đẩy ông đi trước và nói: “Chú còn trẻ, chú vào hầm trước đi. Bác đã già rồi chẳng bom đạn đế quốc nào sát hại được đâu”45.
Ngày 09-7-1968, theo dõi sát sao cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Pari, Bác phát biểu tại phiên họp của Bộ Chính trị nhắc nhở: “Cần nghiên cứu kỹ xem ở Hội nghị Pari địch được cái gì, mất cái gì? Ta được gì, thiệt gì?”46.
Ngày 10-7
“Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng”.
Ngày 10-7-1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đang làm việc với các đảng viên cộng sản Chi bộ quận 17 tại Phôngtennơblô.
Ngày 10-7-1922, tại Pari Nguyễn Ái Quốc cùng với luật sư Phan Văn Trường và kỹ sư Nguyễn Thế Truyền đến thăm Nguyễn Văn Vĩnh từ trong nước mới sang dự Hội chợ thuộc địa ở Mácxây. Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà hoạt động trên lĩnh vực văn hóa và báo chí có tư tưởng cấp tiến chủ trương chống chế độ quân chủ.
Ngày 10-7-1931, trong “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bắt đầu bị thẩm vấn lần thứ nhất sau khi bị nhà đương cục Hồng Kông bắt giữ.
Ngày 10-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhiều khách Pháp trong đó có cả nguyên Toàn quyền Đông Dương, Bộ trưởng Thuộc địa A. Xaru và 8 giờ tối, Cụ Chủ tịch tiếp mấy người Pháp chuyên môn về các ngành kinh tế bên nước ta. Nói chuyện về cách Việt - Pháp cộng tác, làm sao cho dân Việt cũng có lợi, người Pháp cũng có lợi.
Ngày 10-7-1948, Bác gửi thư tới Hội nghị giáo dục toàn quốc được triệu tập tại Chiến khu Việt Bắc góp một số ý kiến nhằm mục tiêu “chúng ta cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc”47 do vậy phải “sửa đổi triệt để chương trình giáo dục... phải có sách kháng chiến và kiến quốc cho các trường... phải sửa đổi cách dạy... phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ... phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hóa phổ thông của đồng bào”48.
Ngày 10-7-1954, trong bài “Gửi báo cáo và xin chỉ thị” đăng trên báo “Nhân Dân”, Bác đề cập phương thức làm việc để bảo đảm công tác lãnh đạo có chất lượng: “Viết báo cáo, thì các tài liệu phải nghiên cứu kỹ, xét lại kỹ, phải đúng sự thật... Tuyệt đối không nên báo cáo một cách mơ hồ, giả dối, chỉ nói cái tốt mà giấu giếm cái xấu... Có như vậy, trong Đảng ý chí mới nhất trí, lãnh đạo mới thống nhất, đoàn kết mới chặt chẽ, kinh nghiệm mới dồi dào, mọi việc mới kịp thời và thành công… Cán bộ các cấp phải hiểu rõ rằng: Chế độ thỉnh thị và báo cáo là rất quan trọng, và mỗi cán bộ phụ trách phải kiên quyết làm đúng chế độ ấy”49.
Ngày 10-7-1960, nhân thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội khóa II, Bác viết bài “Quốc hội ta vĩ đại thật” đăng trên báo “Nhân Dân” điểm lại lịch sử và sứ mạng lịch sử của Quốc hội khóa I và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử khóa II, đặc biệt là với việc bảo lưu 91 đại biểu miền Nam của khóa I và 34 đại biểu mới tập kết ra Bắc, nó biểu thị cho ý chí của toàn dân tộc. Bài báo kết luận: “Quốc hội khóa I của ta là Quốc hội kháng chiến. Quốc hội khóa II này là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”50.
Ngày 10-7-1966, dưới bút danh “Chiến Sỹ”, Bác viết bài “Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán” đăng trên báo Nhân Dân xác định “Việc sơ tán là một bộ phận cần thiết trong việc phòng không... Làm việc sơ tán thật tốt tức là góp phần đắc lực vào công việc phòng không, vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”51. Riêng với đồng bào phải rời đô thị đi sơ tán và đồng bào đón bà con về địa phương sơ tán, Bác nhắc lại câu ca dao:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng!”52.
Đức Lâm (tổng hợp)
Chú thích:
28. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 1, tr. 182-183.
29 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 295.
30 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 305.
31 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 522.
32 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 525.
33 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 307.
34 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2007, t. 5, tr. 473.
35 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 200.
36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 470.
37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 471.
38,39. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 4, tr. 329-330.
40. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2007, t. 5, tr. 65-66.
41. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 202.
42,43. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 1, tr. 326.
44. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 2, tr. 264-265.
45,46. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2009, t. 10, tr. 117, 233.
47. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 462.
48. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5. tr. 462.
49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 308-309.
50. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 172.
51,52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 105-106, 106.
Ngày 11-7
“Cán bộ phải tẩy sạch bệnh quan liêu... nếu không dân sẽ tẩy”.
Ngày 11-7-1921, báo cáo của mật thám Pháp ghi nhận những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các thành viên trong nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp trong đó có Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc... tại ngôi nhà của luật sư Phan Văn Trường, số 6 Vila đê Gôbơlanh ở Pari.
Ngày 11-7-1942, trên báo Việt Nam Độc lập đăng bài thơ “Tặng thống chế Pêtanh” đả kích chính sách lừa bịp của kẻ đã đầu hàng phát xít Đức ở chính quốc cũng như phát xít Nhật ở Đông Dương:
“Bán nước lại còn khoe cứu nước,
Ô danh mà muốn được thơm danh”53.
Ngày 11-7-1946, một ngày tiếp xúc bận rộn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp với bà con Việt kiều và nhiều tổ chức chính trị, xã hội và chính khách Pháp trong đó có Tổng hội Giáo học Pháp, Hội Pháp - Việt hữu nghị trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới trí thức như nhà thơ Aragông, nữ bác học Mari Quyri, lãnh đạo Đảng Cộng sản M.Turơ, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại M.Mutơ... và cả Thủ tướng G.Biđôn.
Trong lúc tiếp Hội Pháp - Việt hữu nghị, “Hội này là do những người Pháp có danh vọng lập ra, để ủng hộ cuộc độc lập Việt Nam… hễ ai đồng tình với Việt Nam là được vào Hội”54, vị Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập bày tỏ: “Tôi không tìm cách giấu nỗi cảm động của tôi trong lúc này... Các ngài cũng nhận thấy rằng lòng mong ước mạnh nhất của tôi, sự quan tâm nhất của nước Cộng hòa Việt Nam, nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam là thực hiện được tình thân thiện Pháp - Việt... Nước Pháp của cuộc Đại cách mạng 1789, nước Pháp của cuộc kháng Đức, của cuộc giải phóng, đó tượng trưng hơn bao giờ hết lý tưởng tự do, dân chủ. Và nước Việt Nam chiến đấu giành độc lập chỉ là theo những lý tưởng dân chủ mà dân tộc Pháp là người tiên phong”55.
Ngày 11-7-1951, báo Nhân Dân đăng bài “Công trái” (ký bút danh Đ.X.) của Bác đánh giá kết quả thực hiện đợt phát hành công trái và rút ra bài học: “Cán bộ chính quyền và đoàn thể ta phải tẩy cho sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh, nếu không thì sẽ bị dân tẩy.
Bất kỳ việc to việc nhỏ, phải chịu khó giải thích cho mọi người dân hiểu rõ thì dân sẽ vui lòng làm, mà việc gì cũng thành công”56.
Ngày 11-7-1961, đến thăm và nói chuyện với Đại hội liên hoan chiến sĩ toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị bộ đội ta phải “Thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng quân đội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để tự cải thiện mức sống của mình và giảm nhẹ sự đóng góp của đồng bào”57.
Và Bác tặng Đại hội mấy vần thơ:
“Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải,
Nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong,
Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “ba nhất”,
Công, nông, binh đại thi đua, đại đoàn kết,
Chủ nghĩa xã hội nhất định đại thành công,
Bắc - Nam nhất định sẽ thống nhất non sông một nhà!”58.
Buổi chiều ngày 11-7-1961, Bác dự lễ bế mạc cuộc triển lãm “Thiếu nhi với 5 điều Bác dạy” và vui văn nghệ với các cháu tại Phủ Chủ tịch kết thúc những ngày Bác cho các cháu thiếu nhi Hà Nội được sử dụng Phủ Chủ tịch làm nơi sinh hoạt hè.
Ngày 12-7
“Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc”.
Ngày 12-7-1940, Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo tới Quốc tế Cộng sản khẳng định rằng “ở Đông Dương chỉ có Đảng Cộng sản là một chính đảng chân chính, có tính chất toàn quốc và có quần chúng”59 và vào thời điểm này thì “Động cơ hành động của chúng tôi - củng cố sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng căn cứ địa, mở rộng Mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp bức… trong Quốc tế Cộng sản giúp đỡ”60.
Ngày 12-7-1946, tại Pháp, Bác tiếp tục gặp gỡ các giới Việt kiều, nhiều chính khách Pháp và trả lời nhiều câu hỏi của báo chí Pháp. Với câu hỏi: Phải chăng trong vòng 50 năm tới chưa thể cộng sản hóa được Việt Nam?, Bác trả lời: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác. Cách đây 2000 năm, Đức Chúa Giêsu đã nói là ta phải yêu mến các kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.
Còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ”61.
Về vấn đề Nam kỳ và quan hệ Việt - Pháp, người đứng đầu nhà nước Việt Nam khẳng định: “Nam kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi... Người Nam kỳ nói tiếng Việt Nam,... Nam kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam... Chúng tôi quyết không hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không chịu hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi nói với họ: Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi. Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam”62. Cùng ngày, Chủ tịch gửi thư phản kháng việc quân Pháp chiếm Phủ Toàn quyền ở Hà Nội và tiến chiếm Tây Nguyên.
Ngày 12-7-1951, trong bài viết nhan đề “Phê bình” đăng trên báo “Nhân Dân”, Bác phân tích: “Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc... Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm... Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ... Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ… Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình”63.
Cũng trong tháng 7-1951, Bác Hồ gửi thư tới Đại hội giáo dục toàn quốc nêu rõ “Đại hội nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân”64.
Ngày 12-7-1955, tại sân bay Mátxcơva, mở đầu chuyến thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mong muốn thành lập quan hệ bình đẳng và hai bên cùng có lợi với các nước láng giềng ở Đông Dương và ở Đông - Nam Á, với nước Pháp và các nước khác trên thế giới”65.
Ngày 13-7
“Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.
Ngày 13-7-1925, là thành viên của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc, mang bí danh Lý Thụy được Ủy ban bãi công Cảng Tỉnh (Hồng Kông và Quảng Châu) chọn tham gia diễn thuyết với chủ đề “Quan hệ giữa công nhân Trung Quốc với các dân tộc bị áp bức và sự cần thiết phải liên hiệp lại đánh đổ đế quốc”.
Ngày 13-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhiều kiều bào và một số chính khách Pháp như Đô đốc Bacgiô (Barjot), Bộ trưởng Quốc phòng Ê.Miselê (Michelet) và tiếp phóng viên báo Phụ nữ của Pháp giới thiệu vai trò của phụ nữ trong truyền thống lịch sử cũng như trong Quốc hội Việt Nam hiện tại.
Ngày 13-7-1953, báo Cứu Quốc đăng bài “Tính chất của Đảng Lao động Việt Nam” (với bút danh Đ.X.) Bác xác định: “Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích cả dân tộc”66 và nhấn mạnh rằng: “Đảng có kỷ luật rất nghiêm khắc... Trong Đảng không thể có những phần tử lạc hậu và đầu cơ”67.
Ngày 13-7-1955, trong chuyến thăm Liên Xô, dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đến viếng lăng và nơi làm việc của Lênin, Bác ghi vào Sổ vàng dòng chữ: “Lênin, người thầy dạy vĩ đại của cách mệnh vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt”68.
Ngày 13-7-1956, trả lời các câu hỏi của phóng viên Hãng AP của Mỹ, Bác khẳng định: “Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh và đấu tranh mạnh hơn nữa để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước; vì đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Giơnevơ 1954 thừa nhận... Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam thành hai nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt Hoa Kỳ thành hai nước riêng biệt”69.
Tháng 7-1957, vào dịp sang thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài nói với các nhà báo nước bạn kể lại quá trình giác ngộ học thuyết của Lênin: “Khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở nước Nga, tôi sống ở Pháp... Tôi mới chỉ là một người yêu nước có tinh thần cách mạng và một người chống chủ nghĩa thực dân... Những người vô sản Pháp đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa vĩ đại của những sự kiện lịch sử diễn ra ở nước Nga... Tại Đại hội nổi tiếng ở Tua năm 1920, khi phải xác định rõ thái độ của mình đối với các Quốc tế, tôi đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba. Tại sao? Chính là vì Quốc tế thứ ba đấu tranh để giải phóng các dân tộc bị áp bức, còn các đại biểu của Quốc tế thứ hai, trong tất cả những lời phát biểu của họ, đã ra sức lảng tránh vấn đề vận mệnh của các thuộc địa. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến tôi đứng dưới ngọn cờ của Quốc tế thứ ba...”70.
Ngày 13-7-1966, Bác thăm một số đơn vị của Bộ đội thông tin thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, với lời dặn dò: “Công tác thông tin liên lạc là một công tác rất quan trọng, nó như thần kinh, mạch máu của con người”71.
Ngày 13-7-1968, trong thư gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Bác biểu dương “quân và dân Trị - Thiên - Huế đã đánh đuổi hàng vạn quân tinh nhuệ nhất của Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh”72 lá thư kết thúc bằng hai câu:
“Nam Bắc một nhà, ra sức đánh giặc
Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”73.
Ngày 14-7
“Tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi”.
Ngày 14-7-1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cứu trợ các chiến sỹ Cách mạng (còn gọi tắt là Quốc tế Cứu tế đỏ) tại Mátxcơva, Thủ đô Liên bang Xôviết.
Ngày 14-7-1939, tờ “Notre Voix” (Tiếng nói của chúng ta) của những người cộng sản hoạt động công khai tại Hà Nội, đăng bài “Thư từ Trung Quốc - Tổng kết sau 2 năm chiến tranh” của Nguyễn Ái Quốc (ký tên P.C.Lin). Bài viết bày tỏ sự tin tưởng rằng, dù cho phát xít Nhật đã chiếm được 12 tỉnh, nhưng nhân dân Trung Quốc “… Có “thiên thời, địa lợi và nhân hoà” là ba yếu tố cần thiết cho chiến thắng”74.
Ngày 14-7-1946, là ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Pháp lần thứ 157, cũng là lần đầu được tổ chức sau chiến thắng phát xít Đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời dự lễ duyệt binh với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, ngồi bên Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà. Chiều tối hôm đó, Bác đến nhà thờ Thánh Tâm (Sacré Coeur) trên đồi Môngmáctơrơ (Montmartre) để xem bắn pháo hoa. Trong thư chúc mừng gửi Chính phủ Pháp, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam viết: “Ngày 14 tháng 7 là lúc rạng đông cho quyền chính trị tự do và công bằng xã hội, cho cả các dân tộc và cả mọi người. Trong lúc mà dân Pháp và dân Việt đương tìm cách để thực hành sự cộng tác thật thà và thân thiện, ngày 14 tháng 7 lại càng có ý nghĩa đặc biệt đằm thắm cho hai nước chúng ta”75.
Ngày 14-7-1951, Bác viết bài “Quân đội thực dân Pháp” (ký tên là Đ.X.) đăng trên báo Cứu Quốc phân tích tình hình phân hóa trong hàng ngũ quân đội Pháp để đi đến kết luận: “Thực dân Pháp thất bại là vì binh lính Pháp biết rằng chiến tranh ở Việt Nam là vô lý. Và cũng vì vậy mà ta nhất định thắng!”76.
Ngày 14-7-1960, tham dự kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II, khi Đoàn thư ký thông báo ý kiến của các đại biểu nhất trí đề nghị Quốc hội tặng huân chương, Bác đã cảm ơn và xin khất đến ngày nước nhà thống nhất sẽ nhận.
Ngày 14-7-1965, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Bác khẳng định: “… Mỹ sẽ tiếp tục leo thang... Ta cố tranh thủ thời gian, nhưng phải giáo dục trong nhân dân tư tưởng kháng chiến trường kỳ; phải đề phòng chúng đốt rừng bằng B.52, do vậy các căn cứ phải thay đổi luôn luôn. Ở miền Nam: Dân nuôi binh, binh phải giúp dân. Miền Bắc phải có kế hoạch phòng chống và khắc phục ngay nếu địch âm mưu phá hoại đê điều. Người nêu cao quyết tâm: Tất cả để chiến thắng ở miền Nam”77.
Ngày 14-7-1969, trả lời nữ nhà báo Cuba Mácta Rôhát (Marta Rojat), Bác tâm sự: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào... Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và quyết chiến thắng. Chúng tôi đã nói như vậy và chúng tôi khẳng định lại như vậy”78.
Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 237.
54. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 367.
55. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2006, t. 3, tr. 276.
56. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 240.
57,58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 375.
59,60. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2006, t. 2, tr. 108, 108-109.
6 1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 272.
62. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2006, t. 3, tr. 279-280.
63,64. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 241-242, 266.
6 5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 21.
66,67. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2007, t. 5, tr. 342, 343.
68,69,70. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 22, 201-202, 440-441.
71. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2008, t. 9, tr. 429.
72,73. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2009, t. 10, tr. 234.
74. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 132.
75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 371.
76. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 244.
77. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2008, t. 9, tr. 261.
78 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 560-563.
Ngày 15-7
“Do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin”.
Ngày 15-7-1911, từ cảng Mácxây, theo tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin Nguyễn Tất Thành kết thúc hải trình đầu tiên khi cập bến cảng Lơ Havơrơ (Le Havrre) ở miền Bắc nước Pháp.
Ngày 15-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về quê thăm văn sĩ Poldes, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngoại ô năm xưa. Trên đường về, khi ghé qua làng quê của người phát minh ra nghề nhiếp ảnh Daguèrre, một ngôi làng có khắc tấm bia tưởng niệm “74.000 người cộng sản chết vì Tổ quốc”79, Bác được dân làng mời làm danh dự hội trưởng cho dịp kỷ niệm nhà sáng chế này. Buổi trưa, Bác dự cuộc gặp mặt với 2.000 kiều bào tại trụ sở Hội Tương tế Việt Nam chào mừng Đoàn và chúc mừng những thay đổi của đất nước.
Ngày 15-7-1948, Bác gửi thư đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai họp tại Phú Thọ, nêu rõ: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng... Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế ”80.
Ngày 15-7-1950, báo Sự Thật đăng bài “Phải chữa cái bệnh cấp bậc” của Bác (ký tên X.Y.Z) trong đó nêu rõ căn bệnh này có nguyên nhân “Vì cán bộ chưa gột sạch óc quan liêu, ngôi thứ.
Vì còn mang nặng chứng “quan cách mạng”.
Vì không hiểu rằng: Trong công việc cách mạng, công việc kháng chiến kiến quốc, không có việc sang, việc hèn, mọi việc đều quan trọng... Thang thuốc hay nhất là:
1. Dùng cách phê bình và tự phê bình để rửa sạch đầu óc ngôi thứ, địa vị, và chủ nghĩa cá nhân.
2. Đặt công việc chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết”81.
Ngày 15-7-1960, Bác tham dự kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II và được toàn thể Quốc hội tín nhiệm tái giữ chức Chủ tịch nước. Trong lời phát biểu kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đày tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải:
Thực hành cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư.
Gương mẫu về mọi mặt: Đoàn kết, công tác, học tập, lao động.
Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối”82.
Ngày 15-7-1969, tiếp và trả lời phỏng vấn của nhà báo Sáclơ Phuốcniô (Charles Fourniau), đại diện thường trú của Đảng Cộng sản Pháp tại Hà Nội, Bác bày tỏ: “Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin. Rồi, từng bước một, tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới... Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết...”83. Đây cũng là cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp cuối cùng của Bác.
Ngày 16-7
“Quyết noi theo lịch sử vẻ vang của tổ tiên”.
Ngày 16-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ngôi nhà cũ ở số 7 ngõ Côngpoanh (Compoint) và thăm người bạn cũ là Luật sư M.C.Blôngcua (M.C Bloncourt), trả lời phỏng vấn của tờ L’Action (Hành động) và chiêu đãi những người tham gia bảo vệ và phục vụ Chủ tịch trong thời gian ở Pháp.
Ngày 16-7-1947, Bác viết “Thư gửi các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể đồng bào tỉnh Phúc Yên” cảm ơn các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã hăng hái ủng hộ kháng chiến. Thư viết: “Đời xưa, nhờ sự kêu gọi của phụ lão, sự cố gắng của thân hào, lòng nhiệt thành của quốc dân, mà tổ tiên ta: Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Quang Trung đã dẹp nạn ngoại xâm, giữ vững đất nước... Chúng ta kiên quyết noi theo lịch sử vẻ vang của tổ tiên, tranh lại thống nhất và độc lập cho dân tộc và xây dựng nền tự do và hạnh phúc cho con cháu muôn đời”84.
Cùng ngày, Bác còn viết thư “gửi đồng bào trong những vùng địch tạm chiếm đóng” bày tỏ: "Trong lúc viết thư này, một mặt tôi rất đau lòng vì tôi tài hèn đức mọn, chưa đuổi được giặc ngay để đồng bào chịu khổ cực. Song một mặt tôi rất phấn phát, vì tôi chắc rằng trải qua bước cực khổ, thì chúng ta nhất định thành công, cũng như qua khỏi mùa Đông, thì chắc chắn mùa Xuân sẽ đến”85.
Cũng trong ngày 16-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời một nhà báo nước ngoài, nhấn mạnh rằng: “Quốc hội Việt Nam là do toàn dân đầu phiếu cử ra... Trưởng ban Thường trực Quốc hội là một vị nho học lão thành, trước đó làm quan đến bậc đại thần; Phó Trưởng ban là một vị linh mục và một vị đảng viên của Đảng Dân chủ… Chúng tôi không chủ trương giai cấp tranh đấu... Trái lại chúng tôi chủ trương làm cho tư bản Việt Nam phát triển. Mà chỉ có thống nhất và độc lập thì tư bản Việt Nam mới có thể phát triển. Đồng thời chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước khác thật thà cộng tác với chúng tôi... Bao giờ Pháp thật thà thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất thì chiến tranh sẽ lập tức kết liễu... Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn...”86.
Ngày 16-7-1953, Bác viết bài “Ra sức giữ đê phòng lụt” (dưới bút danh C.B) đăng trên báo “Nhân Dân” chỉ rõ: “Giặc lụt là tiên phong của giặc ĐÓI. Nó là đồng minh của giặc NGOẠI XÂM. Nó mong làm dân ta đói kém, để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta”. Vì vậy, việc “đắp đê giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch”87.
Ngày 16-7-1960, Bác cùng một số đại biểu Quốc hội đến thăm Trại thí nghiệm trồng lúa của Sở Nông lâm Hà Nội, xem vận hành loại máy cấy do Bộ Nông nghiệp chế tạo. Bác tự thân lội bùn thử máy, khen ngợi Bộ Nông nghiệp và nhắc nhở các đại biểu Quốc hội năng về địa phương đi sâu đi sát người lao động.
Ngày 17-7
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Ngày 17-7-1920, toàn văn tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin được đăng trên tờ L’Humanito (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp. Chính nhờ được đọc văn kiện này, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định lựa chọn con đường đi theo Quốc tế III của Lênin để góp phần sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Chiều ngày 17-7-1945, một đơn vị vũ trang mang biệt danh “Con Nai” (The Deer) của Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS) do Thiếu tá E.Thômát chỉ huy, theo sự thỏa thuận của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhảy dù xuống Tân Trào và được Việt Minh đón tiếp. Theo kế hoạch đơn vị này sẽ tham gia huấn luyện để cùng các chiến sĩ Việt Minh thành lập một “Đại đội Việt Mỹ” chống phát xít Nhật.
Ngày 17-7-1947, Bác gửi thư cho Ban thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc 27-7” nêu rõ: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc... Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”88. Thư nhấn mạnh: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”89 và đưa ra một số sáng kiến thiết thực, đồng thời “tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lát lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ)”90.
Ngày 17-7-1962, Bác gửi điện chúc mừng “Đại hội thế giới đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình” trong đó nhấn mạnh: “Chỉ có sự đoàn kết chặt chẽ của các lực lượng hòa bình trên toàn thế giới với những hành động cương quyết đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình mới có thể đập tan âm mưu thâm độc và đầy tội ác của những kẻ gây chiến”91.
Ngày 17-7-1966, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi “Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước nêu rõ quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hòan toàn bất chấp mọi thủ đoạn leo thang chiến tranh và chiêu bài thương lượng hòa bình của Mỹ. Lời kêu gọi thể hiện ý chí: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa... Chúng có thể dựng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn?”92.
Ngày 18-7
“Phải cho oanh liệt mới là thanh niên”.
Tháng 7-1941, để động viên quần chúng tham gia cách mạng, Nguyễn Ái Quốc viết bài thơ “Hoan nghênh thanh niên học quân sự” gồm 44 câu theo thể lục bát. Thơ có đoạn:
“Nước ta mất đã lâu rồi
Đồng bào cực khổ, suốt đời gian nan
Suốt đời chịu kiếp lầm than
Sưu cao thuế nặng, cơ hàn xót xa
Vì ai tan cửa nát nhà
Chồng lìa vợ, con lìa cha tơi bời?
Vì ai non nước rã rời
Giống nòi sỉ nhục chơi vơi thế này?
Vì giặc Nhật, vì giặc Tây!”93.
Để đi đến kết luận:
“... Vì giặc Nhật, vì giặc Tây
Thanh niên ta phải ra đây học hành
Một là học việc nhà binh
Hai là học biết tình hình nước ta
Thanh niên là chủ nước nhà
Phải cho oanh liệt mới là thanh niên”94.
Ngày 18-7-1946, tiếp tục lưu lại thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các tầng lớp nhân dân ở nhiều địa phương, tìm hiểu đời sống và công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh của Chính phủ và nhân dân Pháp. Cùng trong ngày, Bác tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Môrixơ Tôrê (Maurice Thorez).
Ngày 17-7-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc chuyến đi thăm hữu nghị chính thức Liên Xô đầu tiên. Phát biểu tại sân bay Mátxcơva, Bác cảm ơn sự giúp đỡ của Liên Xô đối với sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ và đánh giá: “Sự giúp đỡ vô tư ấy làm cho nhân dân Việt Nam thêm tin tưởng và thêm sức mạnh đấu tranh và đồng thời còn làm cho chúng tôi thấy rõ trách nhiệm to lớn của mình trong việc mau chóng khôi phục lại nền kinh tế, cải thiện đời sống và bồi dưỡng lực lượng của nhân dân”95.
Ngày 19-7
“Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh”.
Ngày 19-7-1925, bản “Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được công bố trên báo Thanh niên xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc). Bản tuyên ngôn xác định mục tiêu “cần phải đoàn kết các dân tộc bị áp bức và toàn thể công nhân trên thế giới lại để làm cách mạng”96 và kêu gọi: “Hỡi hết thảy những người bị áp bức, anh em! Nếu bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết! Nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm..., chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta!... Các bạn thân yêu! Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc. Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng ta chỉ có thể cậy vào sức của mình mà thôi..., hãy kết đoàn với chúng tôi làm cuộc cách mạng tối thượng”97 .
Ngày 19-7-1945, Hồ Chí Minh đại diện cho Việt Minh và Thiếu tá Thômát (Thomas) chỉ huy đơn vị OSS thảo luận về phương hướng và chương trình hành động hợp tác chống phát xít Nhật. Hai bên quan tâm đến tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng và Việt Minh sẵn sàng tiếp nhận nhiều thành viên OSS.
Ngày 19-7-1946, tại Pari, Bác tiếp nhiều trí thức và chính khách Pháp trong đó có nữ văn sĩ Ximuni Tery (Simone Tery) và Bộ trưởng Bộ Quân giới Pháp Sáclơ Tilông (Charles Tillon).
Ngày 19-7-1951, báo Nhân Dân đăng bài “Dân Mỹ chống chiến tranh” của Bác (bút danh C.B) với kết luận: “Ý dân là ý trời. Đế quốc Mỹ làm trái ý dân, ý trời, cho nên chúng sẽ thất bại”98. Cũng trên số báo này đăng bài viết của Bác có nhan đề “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành” với lời chú dẫn: “Trong tháng 7-1937, đồng chí Mao Trạch Đông viết tập “Thực tiễn luận”, bàn về lý luận và thực hành, biết và làm.
Sau đây là tóm tắt nội dung tập “Thực tiễn luận” nói theo cách Việt Nam cho dễ hiểu”99.
Ngày 19-7-1960, đến dự và phát biểu tại Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa, Bác nhấn mạnh vai trò của giai cấp công nhân với việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước và phê phán các hiện tượng: “Bác có đi mấy nơi, thấy cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp thường ăn riêng, ở riêng. Thành ra nhà ăn, nhà ở của công nhân sạch, bẩn, xấu, tốt thế nào cũng không biết. Cán bộ không cùng lao động với công nhân,… nên càng đẻ ra nạn giấy tờ... Vì sáng kiến làm rầy các ông lãnh đạo nên không được áp dụng...”100.
Ngày 19-7-1961, Bác dự Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương bàn về phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm 1961-1965. Riêng về công tác thu mua lương thực, Bác nhận xét: “Việc mua lương thực còn ì ạch. Nút ở đâu? Đời xưa Khổng Tử nói: “Dân không tin, không làm được”. Bây giờ xã nói huyện ép, huyện nói tỉnh ép, tỉnh nói trung ương ép! Vì vậy, để làm kế hoạch này, vấn đề rất quan trọng có lẽ là vấn đề dưới chưa tin trên và trên chưa tin dưới”101.
Ngày 19-7-1965, trả lời phỏng vấn của phóng viên Cuba, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Miền Nam Việt Nam nhất định sẽ được giải phóng”, “Hai miền Bắc và Nam sẽ tiến từng bước thống nhất đất nước của mình”102.
Khánh Linh (tổng hợp)
Chú thích:
79. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 372.
80. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 464.
81. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 68.
82. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 175.
83. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 474-476.
84,85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 167, 174.
86. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 169-172.
87. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2007, t. 5, tr. 343-344.
88. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 175.
89,90. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 175, 176.
91. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 568.
92. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 108.
93,94. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 2, tr. 143.
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 8, tr. 24.
96,97. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 437, 438-439.
98, 99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 246, 247.
100. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 179-180.
101. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2008, t. 8, tr. 104.
102. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2008, t. 9, tr. 266.
Ngày 20-7
“Nước Việt Nam của người Việt Nam”.
Ngày 20-7-1921, Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời dự cuộc họp thông báo lần cuối cùng về Điều lệ của Hội Liên hiệp thuộc địa.
Ngày 20-7-1922, báo L’Humanité (Nhân Đạo) đăng bút ký “Con người biết mùi hun khói” của Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp. Bằng ngòi bút viễn tưởng, bài ký hình dung ra một nước Cộng hòa Phi châu vào năm 1998 đã thiết lập chế độ Xôviết và nhân vật cụ Kimengo một chiến sĩ cách mạng lão thành lúc này đã là công sứ đại diện cho nước Pháp đã ôn lại quá khứ cay đắng của chế độ thuộc địa và sự giác ngộ tình hữu ái và chủ nghĩa cộng sản đã làm thay đổi thân phận các dân tộc.
Ngày 20-7-1931, liên quan đến “vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bị thẩm vấn lần thứ ba.
Ngày 20-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục những cuộc tiếp xúc với các nhà chính khách và trí thức Pháp. Bác đến thăm vợ chồng nhà bác học Giuliô Quyri cả hai ông bà đều sốt sắng đồng tình với cuộc vận động độc lập của Việt Nam. Trong lúc nói chuyện, ông Quyri tỏ ý rằng khoa học Pháp sẽ sẵn lòng giúp đỡ khoa học Việt Nam tiến bộ.
Ngày 20-7-1953, trong bài viết “Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo kháng chiến kiến quốc” (bút danh Đ.X) phân tích vai trò to lớn của Đảng nhưng quy lại một nguyên lý quan trọng là: “Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”103.
Ngày 20-7-1954 là ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương, nhưng Hiệp định này đã bị Mỹ và tay sai phá hoại. Kể từ đó ngày 20-7 trở thành “Ngày đấu tranh thống nhất Bắc - Nam”, Bác thường ra lời kêu gọi nhân dân cả nước. Kỷ niệm 11 năm ký kết Hiệp định, trong lời kêu gọi ngày 20-7-1965, Bác khẳng định ý chí của dân tộc Việt Nam “dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”104.
Ngày 20-7-1956, Bác thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Phú Thọ “để đôn đốc thêm đồng bào và cán bộ tỉnh nhà quyết tâm làm cho vụ mùa năm nay thành một vụ mùa thắng lợi... Trong kháng chiến, đồng bào và cán bộ Phú Thọ đã có nhiều thành tích vẻ vang, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng hòa bình, đồng bào và cán bộ phải phát triển truyền thống anh dũng ấy, ra sức thi đua khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo vụ mùa thắng lợi, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước”105. Thăm Nhà máy chè Phú Thọ do Liên Xô giúp đỡ xây dựng vừa khánh thành, Bác nhắc nhở cán bộ, công nhân viên phải sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng quốc tế để xuất khẩu.
Ngày 20-7-1968, trong lời kêu gọi, Bác khẳng định lập trường: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình nhưng phải có độc lập, tự do thật sự thì mới có hòa bình chân chính... Cách duy nhất để lập lại hòa bình là quân Mỹ và quân chư hầu phải rút hết về nước! Nước Việt Nam của người Việt Nam!”106.
Ngày 20-7-1969, vào thời điểm Tổng thống Mỹ Níchxơn gửi thư “kêu gọi hòa bình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” kêu gọi cả nước “triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch...”107.
Ngày 21-7
“Mong Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất”.
Ngày 21-7-1924, tại phiên họp thứ 15 của Đại hội lần thứ III của Quốc tế Công hội đỏ họp tại Mátxcơva, đại biểu Nguyễn Ái Quốc đọc tham luận về nền công nghiệp và đội ngũ công nhân tại Đông Dương. Sau khi đưa ra những con số thống kê, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo “chủ nghĩa đế quốc Pháp, ở Đông Dương thật ra là đó phục hồi chế độ nô lệ”108. Tuy nhiên, “giai cấp vô sản không thể làm gì để chống lại cái hệ thống bóc lột đó, chưa có một tổ chức công nhân nào cả... Đó là một tình cảnh khủng khiếp, nhưng không phải là không có lối thoát. Tình hình không phải là không có lối thoát, bởi vì với sự giúp đỡ của các tổ chức cách mạng gần gũi với Quốc tế Công hội đỏ, chúng tôi quyết đập tan lực lượng của chủ nghĩa đế quốc châu Âu áp bức chúng tôi”109. Cũng tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã dự thảo một nghị quyết về Đông Dương để kiến nghị bổ sung vào nghị quyết Đại hội.
Ngày 21-7-1932, liên quan đến “vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, đơn kháng án của Tống Văn Sơ và các văn bản thỏa thuận của các luật sư của cả hai bên đã được Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh chấp thuận để nhà cách mạng Việt Nam rút đơn kháng án đồng thời chỉ thị cho Thống đốc Hồng Kông thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết.
Ngày 21-7-1945, từ chiến khu của Việt Nam, Hồ Chí Minh tiễn Phran Tan (Frank Tan) một nhân viên điện báo gốc Hoa của OSS đã được cử đến giúp lực lượng Việt Minh trở lại Côn Minh. Qua nhân vật này, Bác gửi thư tới Sáclơ Phennơ (Charles Fenn) đại diện OSS ở vùng Hoa Nam, tỏ rõ sự tiếp tục cam kết và sẵn lòng “nồng nhiệt đón” qua đây hợp tác chống Nhật.
Ngày 21-7-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ban biên tập tờ báo hài nổi tiếng Le Canard Enchainé (Vịt bị trói); tiếp các đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên thế giới đang được tổ chức tại Pháp; tiếp nhà văn Xôviết Ilia Érenbua cùng các đại biểu quân sự của Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa dự ngày hội Quân giới Pháp tại sân bay Vilacublay; mời cơm nhiều tướng lĩnh, đô đốc Pháp.
Ngày 21-7-1949, tại Chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch họp Đảng đoàn Chính phủ và chủ trì lễ truy điệu G.Đimitơrốp, một nhà cách mạng Bungari nổi tiếng, nguyên Tổng thư ký Quốc tế Cộng sản.
Ngày 21-7-1961, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Cộng hòa Dân chủ Đức, Bác khẳng định “Chúng tôi kiên quyết đấu tranh thống nhất Tổ quốc bằng đường lối hòa bình và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ… Cuộc đấu tranh chống chế độ dã man ấy là quyền thiêng liêng của đồng bào chúng tôi ở miền Nam Việt Nam. Không có bạo lực hay vu cáo nào có thể làm cản trở mục đích đó đi tới thắng lợi”110.
Ngày 21-7-1969, Bác gửi thư cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An căn dặn phải chú ý thực hiện dân chủ, khôi phục và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, phấn đấu xây dựng Nghệ An giàu mạnh xứng đáng với truyền thống quê hương Xôviết. Thư có đoạn viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”111. Đây cũng là những lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với quê hương.
Ngày 22 -7
“Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta”.
Ngày 22-7-1926, từ Quảng Châu (Trung Quốc) Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ủy ban Trung ương Thiếu nhi trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin đặt vấn đề: “Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu nhi An Nam. Các em đều từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức... Nhiều em có cha mẹ bị người Pháp bắt giam vì các em đã bỏ gia đình đi ra nước ngoài, như những người cách mạng!”112. Bức thư đề nghị Ủy ban tiếp nhận một số bạn nhỏ An Nam để sau này sẽ trở thành những chiến sĩ Lêninnít chân chính nhỏ tuổi và trong thư gửi tới Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên Cộng sản, Bác đề nghị ủng hộ ý định này để các em được tiếp thu một nền giáo dục cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp.
Tháng 7-1929, Nguyễn Ái Quốc xuất hiện tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) bên bờ sông Mê Kông giáp giới với Đông Dương. Từ đây nhà cách mạng Việt Nam đã xây dựng cơ sở trong cộng đồng Việt kiều tại nhiều địa phương trên đất Thái Lan. Sau này, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có viết: “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân đảng”113.
Ngày 22-7-1946, tiếp tục những nỗ lực ngoại giao tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, chính khách và gửi thư tới Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Mariút Mutờ (Marius Moutet) thông báo có thể sẽ về nước vào đầu tháng 8 và tỏ ý tiếc rằng: “Nếu nước Pháp không thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, đó sẽ là một thiệt hại cho nước Pháp và cho cả nước Việt Nam nữa. Song đối với nước Pháp, sự thiệt thòi sẽ là vĩnh viễn, còn đối với Việt Nam, thất bại đau đớn của sự hợp tác mà Việt Nam mong muốn sẽ buộc chúng tôi chỉ còn biết trông vào sức của mình mà thôi, để tìm cách thỏa mãn những nguyện vọng của nhân dân mình”114.
Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to... Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc và gửi lời an ủi anh em thương binh, bệnh binh”115. Lời kêu gọi cũng khẳng định “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng. Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt... Tôi thiết tha kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào, chúng ta hãy thật thà cộng tác, vì dân vì nước mà phấn đấu để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”116.
Ngày 22-7-1968, Bác gửi thư khen quân và dân Nghệ An đã bắn rơi 400 máy bay Mỹ và biểu dương: “… Đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An hãy nêu cao truyền thống anh dũng của Xôviết Nghệ Tĩnh… giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”117.
Ngày 23-7
“Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”.
Cuối tháng 7-1939, trong bản báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (ký tên là P.C Lin), Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc điểm lại tình hình Đông Dương trong thời kỳ 1936 - 1939, tức là thời kỳ diễn ra phong trào Dân chủ trong bối cảnh Chính phủ của Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp (1935 -1938). Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc cũng bộc bạch tâm trạng của mình trước những biến cố đang dồn dập: “Tôi ra đi đã 9 tháng nay và đã tới nơi được 7 tháng. Nhưng tôi lấy làm khổ tâm mà báo cáo rằng tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đúng là tôi đã rơi vào cơn lốc lớn đang làm biến đổi số mệnh của hàng trăm triệu con người và trên con đường di chuyển của nó, nó đã ngẫu nhiên làm đảo lộn tất cả kế hoạch của tôi”118.
Ngày 23-7-1946, tại Pari Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tiếp xúc với báo chí, các chính khách và đi thăm “Bảo tàng tượng sáp” ở Pari, nơi lưu giữ các tượng bằng sáp các nhân vật nổi tiếng thế giới.
Ngày 23-7-1956, nói chuyện với Lớp nghiên cứu chính trị khóa I Trường Đại học Nhân dân Hà Nội, Bác phân tích: Ngoài công, nông “cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức (chúng ta quen gọi là lao động trí óc)... Vì lẽ đó, trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang”119. Nhấn mạnh đến hai chữ “chính tâm”, Bác diễn giải: “Phải kinh qua cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới trong bản thân mình: Một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ và liên tục. Nhưng ta kiên quyết thì cái mới nhất định thắng cái cũ và chính tâm nhất định thành công”120. Về tự do tư tưởng, Bác xác định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người.
Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý.
Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý... Đảng và Chính phủ ta rất quý trọng những người trí thức của nhân dân, vì nhân dân”121.
Ngày 23-7-1959, tiếp tục chuyến thăm hữu nghị Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam rời Arevan, thủ đô Ácmênia đến thành phố Bacu, thủ đô nước Cộng hòa Agiécbaigian và thăm quan khu mỏ khai thác dầu nổi tiếng ở phía Bắc thành phố.
Ngày 23-7-1961, Bác tham dự cuộc mít tinh của 25 vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình, nhân kỷ niệm 7 năm ký kết Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương. Phát biểu tại đây, Bác căn dặn: “Đoàn kết là sức mạnh, đồng bào cả nước đoàn kết, chúng ta đoàn kết với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, với nhân dân Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ latinh và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất định chúng ta sẽ thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai”122, sau đó, Bác bắt nhịp để mọi người hát bài ca “Kết đoàn”.
Ngày 24-7
“Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng”.
Ngày 24-7-1922, Nguyễn Ái Quốc họp Chi bộ quận 17 Đảng Cộng sản Pháp tại số nhà 100 phố Cácđinê (Cardine), Pari. Cũng vào thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu chuyển về cư ngụ tại số 9 ngõ Côngpoanh.
Ngày 24-7-1946, trong lúc cuộc thảo luận chính thức Pháp - Việt đang diễn ra tại Phôngtennơblô (Fontainebleau) đi vào bế tắc thì Chủ tịch Hồ Chí Minh càng ráo riết vận động “ngoại giao hành lang”. Trong ngày, Bác thăm Bộ trưởng Pie Cốt (Pierre Cot), Chủ tịch Quốc hội Vanhxăng Ôriôn (Vincent Auriol), Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời cũng là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp Giắc Đuyclô (Jacques Duclos)... và dành thời gian làm việc với phái đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của các báo Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Nước Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và cùng chúng tôi gây mối quan hệ mới trên cái nền tin cậy và tự do thì nước Pháp sẽ thấy danh dự của mình, tinh thần của mình và hấp lực của mình ở Việt Nam thêm nhiều lắm. Mà như thế thì vững vàng, chắc chắn hơn là lấy chiến tranh hoặc sức mạnh hoặc tham mưu để ép chúng tôi ký điều ước này, điều ước nọ”123.
Ngày 24-7-1953, báo Cứu Quốc đăng bài “Xây dựng Đảng Lao động Việt Nam” của Bác, trong đó nêu rõ: “Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng... Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng... Về đường lối chính trị, Đảng chống khuynh hướng “tả” và khuynh hướng “hữu”124.
Ngày 24-7-1962, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước về “Cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, Bác nhấn mạnh: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu... Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”125.
Ngày 24-7-1967, tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch vào thời điểm máy bay Mỹ đang bắn phá ác liệt, Bác thân mật tiếp ông Raymông Ôbơrắc (Raymond Aubrac) một người bạn tốt mà Bác đã từng quen biết và đến ở tại nhà ông trong thời gian thăm Pháp năm 1946. Đi cùng ông Ôbơrắc là nhà sinh vật học Hơcbe Máccôvích (Herbert Marcovic) đến Việt Nam công khai là làm việc với Viện Vệ sinh Dịch tễ nước ta nhưng thực chất cả hai người mang sứ mệnh thiện chí nhằm “hòa giải” mối quan hệ giữa Oasinhtơn và Hà Nội chấm dứt chiến tranh. Tại cuộc gặp, Bác đã phân tích lịch sử dân tộc để thấy bản chất cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam và đưa ra thông điệp là chỉ khi nào Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc đánh phá miền Bắc thì mới có thể có đàm phán. Cuối buổi tiếp, Bác không quên thăm hỏi và tặng quà cho con gái của ông Ôbơrắc mà Bác đã nhận lời đỡ đầu cách đó 21 năm (1946).
Thanh Huyền (tổng hợp)
Chú thích:
103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 233.
104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 470.
105. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 205-208.
106, 107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 373, 479.
108, 109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 291, 292.
110. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2008, t. 8, tr. 105.
111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 482-483.
112. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 225.113. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 12.
114. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 3, tr. 289.
115, 116. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 321, 322-323.
117. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2009, t. 10, tr. 236.
118 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 140.
119,120,121. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 8, tr. 214, 215-216, 216.
122. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2008, t. 8, tr. 107.
123. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 383.
124 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 233-234.
125. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.10, tr. 578.
Ngày 25-7
“Tự hào có người bạn chiến đấu là nhân dân Cuba anh hùng”.
Ngày 25-7-1922, “Bức thư ngỏ” của Nguyễn Ái Quốc gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Anbe Xarô (Albert Sarraut) được công bố trên báo L’Humanité(Nhân Đạo). Bằng một lối văn hài hước, bức thư đả kích những chính sách của thực dân Pháp cùng sự kiểm soát hà khắc đối với những người Việt Nam sống tại Pháp, chế giễu những biện pháp theo dõi của mật thám Pháp bằng lời thách thức: “Nếu ngài nhất thiết cần biết hằng ngày chúng tôi làm gì thì rất dễ thôi... thời khóa biểu của chúng tôi rất giản đơn và hầu như cố định.
Sáng: Từ 8 đến 12 giờ ở xưởng máy.
Chiều: Ở phòng báo chí (dĩ nhiên là báo của phái tả), hoặc ở thư viện.
Tối: Ở nhà riêng, hoặc dự những buổi nói chuyện bổ ích.
Chủ nhật và ngày lễ: Thăm nhà bảo tàng hay những nơi bổ ích khác”126.
Ngày 25-7-1945, từ Chiến khu Việt Bắc, thông qua viên chỉ huy đơn vị Tình báo Chiến lược Mỹ OSS E. Thômát, lãnh tụ Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp đối với Chính phủ Pháp về nền độc lập của nhân dân Việt Nam sau khi đánh đổ phát xít Nhật ở Đông Dương, gồm 5 điểm: Xây dựng một nghị viện hỗn hợp Pháp - Việt trong quá trình hướng đến một nền độc lập hoàn toàn; quá trình đó xác định khoảng 5 năm và tối đa 10 năm; các nguồn lợi thiên nhiên phải được trả lại cho nhân dân; Việt Nam được hưởng mọi quyền tự do mà Liên hợp quốc đã ban bố; cấm chỉ việc bán thuốc phiện.
Ngày 25-7-1949, kết thúc phiên họp của Chính phủ, khi đề cập nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, Bác nhận định: “Cũng như chim muốn bay cần phải có hai cánh, một cuộc chiến tranh muốn thắng lợi cần phải có hai lực lượng chính: Quân sự và chính trị. Ông Tôn Tử là một người thao lược giỏi nhất trong lịch sử và trong thế giới, có nói: “Biết địch, biết ta, trăm trận, trăm thắng”... Vậy ta cần phải biết Pháp, biết ta”... “Giặc Pháp mù quáng về chính trị, thóai bộ về quân sự. Cả hai cánh của họ đã yếu và chỉ có thể đưa nó đến thất bại. Bên ta: Chính trị rõ ràng, quân sự tiến bộ mãi. Hai cánh của ta rất mạnh, ngày càng mạnh thêm, cho nên ta nhất định thắng lợi. Thêm vào đó, tình hình thế giới rất có lợi cho ta. Cánh ta đã vững, giờ lại thuận chiều, quân và dân ta hãy cố gắng lên. Thắng lợi vẻ vang đã gần trước mắt”127.
Ngày 25-7-1956, nói chuyện tại Liên hoan Thanh niên tích cực ngành Đường sắt, Bác khuyên: “Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”128.
Ngày 25-7-1963, kỷ niệm 10 năm ngày Khởi nghĩa Môncađa (Moncada), Bác gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Cuba khẳng định: “Nhân dân Việt Nam rất tự hào có người bạn chiến đấu là nhân dân Cuba anh hùng và coi những thắng lợi của nhân dân Cuba cũng như những thắng lợi của bản thân mình”129.
Ngày 26-7
“Phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà”.
Ngày 26-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Phôngtennơblô nơi đang diễn ra cuộc đàm phán Việt - Pháp. Cùng ngày, tờ La Liberta (Tự do) đăng bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch, trong đó bày tỏ:
“… Mong muốn xây dựng mối quan hệ Việt - Pháp thật thà bình đẳng”, bởi vì “nước Pháp cần đến chúng tôi. Chúng tôi cũng cần đến nước Pháp. Vấn đề chính là nước Pháp làm thế nào mua được tấm lòng của 20 triệu dân Việt Nam tự do. Muốn như vậy thì không nên tìm cách “lừa gạt” chúng tôi, không nên sinh chuyện lôi thôi vô ích”130.
Ngày 26-7-1947, Bác chủ trì phiên họp của Chính phủ có sự tham gia của các vị đại diện Quốc hội thảo luận về chủ trương cải tổ Chính phủ do Chủ tịch đề xuất nhằm mục đích mở rộng cho nhiều người được tham gia, để tránh sự chia rẽ của Pháp và để lấy ảnh hưởng với quốc tế... Sự thay đổi này có tính cách rộng rãi, các vị thân hào có tiếng tăm được tham gia để tiêu biểu sự đoàn kết của các tầng lớp dân chúng.
Ngày 26-7-1951, Bác gửi thư cho Bộ trưởng Thương binh, Cựu binh đặt vấn đề: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Họ đã làm trọn nhiệm vụ, họ không đòi hỏi gì cả.
Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng?”131. Và Bác đề xuất “giúp lâu dài, chứ không phải chỉ giúp trong một thời gian. Không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh”132 mà bằng phương thức lấy từ quỹ đất công của làng xã, của những người hảo tâm hay khai hoang để cấp cho thương binh và giúp họ sản xuất “như thế thì đồng bào mỗi xã đó được thỏa mãn lòng ước ao báo đáp anh em thương binh; mà anh em thuơng binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và vẫn có dịp tham gia sự hoạt động ích lợi cho xã hội”133.
Cùng ngày 26-7-1951, báo Nhân Dân đăng bài “Phụ nữ kiểu mẫu” của Bác biểu dương một số tấm gương phụ nữ đã đóng góp cho kháng chiến qua “vài mẩu chuyện rất bình thường, mà rất vĩ đại” để đi đến kết luận: “Phải chăng vì danh, vì lợi, vì địa vị mà họ làm như vậy? Không phải. Đó là vì lòng nồng nàn yêu nước. Đó là lòng chí công vô tư mà chúng ta đều phải học theo”134.
Ngày 26-7-1953, Bác gửi điện cho Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh: “Nhân dịp Ngày Thương binh, tôi xin gửi một tháng lương của tôi và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ cụ chuyển cho anh em thương binh với lời chào thân ái của tôi”135.
Ngày 26-7-1962, đến tỉnh Hải Dương tham gia chống úng cùng dân, Bác căn dặn: “Mọi người công dân - già trẻ gái trai - đều phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà... Đó là công tác tư tưởng cực kỳ quan trọng mà mỗi đảng viên, đoàn viên thanh niên và các cấp uỷ Đảng, trước hết là chi bộ phải làm cho tốt”136.
Ngày 26-7-1964, kết thúc bài báo “Đế quốc Mỹ rúc xuống hầm” đăng trên báo Nhân Dân viết về những thất bại trên chiến trường Việt Nam của quân đội Mỹ, Bác bình bằng hai câu thơ:
“Lại thêm chứng cớ rõ ràng,
Đồng bào miền Nam càng đánh càng mạnh và càng thắng to”137.
Ngày 27-7
“Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch”.
Ngày 27-7-1922, mật thám Pháp ghi nhận Nguyễn Ái Quốc tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Ngoại ô (Club du Faubourg) và đến khuya về nghỉ tại số nhà 9 ngõ Côngpoanh.
Ngày 27-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm anh em “lính thợ” là những người Việt Nam sang Châu Âu làm trong các công binh xưởng thời Thế chiến II, trong ngày, còn tiếp xúc với Thủ tướng Pháp Biđôn (Bidault) và một số kiều bào đến chào.
Ngày 27-7-1947, Bác viết thư khen ngợi tấm gương bà Bá Huy hăng hái lập một trại an dưỡng cho thương binh. Thư có đoạn: “Như thế là bà đã giúp sức vào công việc giữ gìn Tổ quốc. Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hành cái khẩu hiệu:
Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức
Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công”138.
Ngày 27-7-1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp tướng Trần Canh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc trước khi bước vào Chiến dịch Biên giới.
Ngày 27-7-1952, Bác gửi điện tới Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhờ chuyển một tháng lương ủng hộ, nhắc nhở việc giúp đỡ thương binh “là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc “làm phúc”. Đồng thời cũng khuyên anh em thương binh “phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật”...”139.
Ngày 27-7-1953, trên báo Cứu Quốc đăng bài “Tự phê bình và phê bình" (với bút danh Đ.X) Bác kết luận: “Một đảng có chủ nghĩa Mác - Lênin, có kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; một đảng đúng đắn về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức như Đảng Lao động Việt Nam, đó là đảm bảo chắc chắn cho kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”140.
Tháng 7-1955, đến thăm Phân hiệu II Trường Nguyễn Ái Quốc, Bác xác định: "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài... Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch. Lấy đồng hồ làm thí dụ: Bộ máy đồng hồ phải chạy đều, muốn chạy đều phải sạch sẽ. Đảng muốn trong sạch, mạnh mẽ thì mỗi bộ phận, mỗi đảng viên phải trong sạch, mạnh mẽ...”141.
Ngày 27-7-1963, dự Hội nghị phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ba xây, ba chống”, Bác phân tích ba tệ nạn phải chống: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội... Lãng phí… làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân... Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí... Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”142.
Ngày 27-7-1965, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và là phái viên của Tổng thống nước Cộng hoà Gana, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Chúng tôi muốn hòa bình nhưng đồng thời phải có độc lập… Chúng tôi không muốn làm nhục Mỹ, nếu Mỹ cũng trọng danh dự chính đáng của họ, nếu Mỹ tôn trọng ý nguyện của nhân dan Việt Nam, nếu Mỹ thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ thì chúng ta có hòa bình...”143.
Thanh Huyền (tổng hợp)
126. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 92.
127. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 4, tr. 332.
128. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdđd, t. 8, tr. 221.
129. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2008, t. 8, tr. 419.
130. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, SĐd, 2006, t. 3, tr. 292.
131, 132, 133, 134. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 261, 261, 262, 260.
135. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 99.
136. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 583.
137. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 297.
138. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 177.
139. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 532-533.
140. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 235.
141. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2008, t. 6, tr. 129.
142. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 110-111.
143. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2008, t. 9, tr. 274.