Chỉ mục bài viết

 Ngày 11-7

“Cán bộ phải tẩy sạch bệnh quan liêu... nếu không dân sẽ tẩy”.

Ngày 11-7-1921, báo cáo của mật thám Pháp ghi nhận những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các thành viên trong nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp trong đó có Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc... tại ngôi nhà của luật sư Phan Văn Trường, số 6 Vila đê Gôbơlanh ở Pari.

Ngày 11-7-1942, trên báo Việt Nam Độc lập đăng bài thơ “Tặng thống chế Pêtanh” đả kích chính sách lừa bịp của kẻ đã đầu hàng phát xít Đức ở chính quốc cũng như phát xít Nhật ở Đông Dương:

“Bán nước lại còn khoe cứu nước,

Ô danh mà muốn được thơm danh”53.

Ngày 11-7-1946, một ngày tiếp xúc bận rộn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp với bà con Việt kiều và nhiều tổ chức chính trị, xã hội và chính khách Pháp trong đó có Tổng hội Giáo học Pháp, Hội Pháp - Việt hữu nghị trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới trí thức như nhà thơ Aragông, nữ bác học Mari Quyri, lãnh đạo Đảng Cộng sản M.Turơ, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại M.Mutơ... và cả Thủ tướng G.Biđôn.

Trong lúc tiếp Hội Pháp - Việt hữu nghị, “Hội này là do những người Pháp có danh vọng lập ra, để ủng hộ cuộc độc lập Việt Nam… hễ ai đồng tình với Việt Nam là được vào Hội”54, vị Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập bày tỏ: “Tôi không tìm cách giấu nỗi cảm động của tôi trong lúc này... Các ngài cũng nhận thấy rằng lòng mong ước mạnh nhất của tôi, sự quan tâm nhất của nước Cộng hòa Việt Nam, nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam là thực hiện được tình thân thiện Pháp - Việt... Nước Pháp của cuộc Đại cách mạng 1789, nước Pháp của cuộc kháng Đức, của cuộc giải phóng, đó tượng trưng hơn bao giờ hết lý tưởng tự do, dân chủ. Và nước Việt Nam chiến đấu giành độc lập chỉ là theo những lý tưởng dân chủ mà dân tộc Pháp là người tiên phong”55.

Ngày 11-7-1951, báo Nhân Dân đăng bài “Công trái” (ký bút danh Đ.X.) của Bác đánh giá kết quả thực hiện đợt phát hành công trái và rút ra bài học: “Cán bộ chính quyền và đoàn thể ta phải tẩy cho sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh, nếu không thì sẽ bị dân tẩy.

Bất kỳ việc to việc nhỏ, phải chịu khó giải thích cho mọi người dân hiểu rõ thì dân sẽ vui lòng làm, mà việc gì cũng thành công”56.

Ngày 11-7-1961, đến thăm và nói chuyện với Đại hội liên hoan chiến sĩ toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị bộ đội ta phải “Thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng quân đội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để tự cải thiện mức sống của mình và giảm nhẹ sự đóng góp của đồng bào”57.

Và Bác tặng Đại hội mấy vần thơ:

“Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải,

Nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong,

Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “ba nhất”,

Công, nông, binh đại thi đua, đại đoàn kết,

Chủ nghĩa xã hội nhất định đại thành công,

Bắc - Nam nhất định sẽ thống nhất non sông một nhà!”58.

Buổi chiều ngày 11-7-1961, Bác dự lễ bế mạc cuộc triển lãm “Thiếu nhi với 5 điều Bác dạy” và vui văn nghệ với các cháu tại Phủ Chủ tịch kết thúc những ngày Bác cho các cháu thiếu nhi Hà Nội được sử dụng Phủ Chủ tịch làm nơi sinh hoạt hè.

Ngày 12-7

“Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc”.

Ngày 12-7-1940, Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo tới Quốc tế Cộng sản khẳng định rằng “ở Đông Dương chỉ có Đảng Cộng sản là một chính đảng chân chính, có tính chất toàn quốc và có quần chúng”59 và vào thời điểm này thì “Động cơ hành động của chúng tôi - củng cố sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng căn cứ địa, mở rộng Mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp bức… trong Quốc tế Cộng sản giúp đỡ”60.

Ngày 12-7-1946, tại Pháp, Bác tiếp tục gặp gỡ các giới Việt kiều, nhiều chính khách Pháp và trả lời nhiều câu hỏi của báo chí Pháp. Với câu hỏi: Phải chăng trong vòng 50 năm tới chưa thể cộng sản hóa được Việt Nam?, Bác trả lời: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác. Cách đây 2000 năm, Đức Chúa Giêsu đã nói là ta phải yêu mến các kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.

Còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ”61.

Về vấn đề Nam kỳ và quan hệ Việt - Pháp, người đứng đầu nhà nước Việt Nam khẳng định: “Nam kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi... Người Nam kỳ nói tiếng Việt Nam,... Nam kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam... Chúng tôi quyết không hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không chịu hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi nói với họ: Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi. Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam”62. Cùng ngày, Chủ tịch gửi thư phản kháng việc quân Pháp chiếm Phủ Toàn quyền ở Hà Nội và tiến chiếm Tây Nguyên.

Ngày 12-7-1951, trong bài viết nhan đề “Phê bình” đăng trên báo “Nhân Dân”, Bác phân tích: “Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc... Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm... Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ... Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ… Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình”63.

Cũng trong tháng 7-1951, Bác Hồ gửi thư tới Đại hội giáo dục toàn quốc nêu rõ “Đại hội nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân”64.

Ngày 12-7-1955, tại sân bay Mátxcơva, mở đầu chuyến thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mong muốn thành lập quan hệ bình đẳng và hai bên cùng có lợi với các nước láng giềng ở Đông Dương và ở Đông - Nam Á, với nước Pháp và các nước khác trên thế giới”65.

Ngày 13-7

“Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.

Ngày 13-7-1925, là thành viên của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc, mang bí danh Lý Thụy được Ủy ban bãi công Cảng Tỉnh (Hồng Kông và Quảng Châu) chọn tham gia diễn thuyết với chủ đề “Quan hệ giữa công nhân Trung Quốc với các dân tộc bị áp bức và sự cần thiết phải liên hiệp lại đánh đổ đế quốc”.

Ngày 13-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhiều kiều bào và một số chính khách Pháp như Đô đốc Bacgiô (Barjot), Bộ trưởng Quốc phòng Ê.Miselê (Michelet) và tiếp phóng viên báo Phụ nữ của Pháp giới thiệu vai trò của phụ nữ trong truyền thống lịch sử cũng như trong Quốc hội Việt Nam hiện tại.

Ngày 13-7-1953, báo Cứu Quốc đăng bài “Tính chất của Đảng Lao động Việt Nam” (với bút danh Đ.X.) Bác xác định: “Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích cả dân tộc”66 và nhấn mạnh rằng: “Đảng có kỷ luật rất nghiêm khắc... Trong Đảng không thể có những phần tử lạc hậu và đầu cơ”67.

Ngày 13-7-1955, trong chuyến thăm Liên Xô, dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đến viếng lăng và nơi làm việc của Lênin, Bác ghi vào Sổ vàng dòng chữ: “Lênin, người thầy dạy vĩ đại của cách mệnh vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt”68.

Ngày 13-7-1956, trả lời các câu hỏi của phóng viên Hãng AP của Mỹ, Bác khẳng định: “Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh và đấu tranh mạnh hơn nữa để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước; vì đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Giơnevơ 1954 thừa nhận... Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam thành hai nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt Hoa Kỳ thành hai nước riêng biệt”69.

Tháng 7-1957, vào dịp sang thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài nói với các nhà báo nước bạn kể lại quá trình giác ngộ học thuyết của Lênin: “Khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở nước Nga, tôi sống ở Pháp... Tôi mới chỉ là một người yêu nước có tinh thần cách mạng và một người chống chủ nghĩa thực dân... Những người vô sản Pháp đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa vĩ đại của những sự kiện lịch sử diễn ra ở nước Nga... Tại Đại hội nổi tiếng ở Tua năm 1920, khi phải xác định rõ thái độ của mình đối với các Quốc tế, tôi đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba. Tại sao? Chính là vì Quốc tế thứ ba đấu tranh để giải phóng các dân tộc bị áp bức, còn các đại biểu của Quốc tế thứ hai, trong tất cả những lời phát biểu của họ, đã ra sức lảng tránh vấn đề vận mệnh của các thuộc địa. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến tôi đứng dưới ngọn cờ của Quốc tế thứ ba...”70.

Ngày 13-7-1966, Bác thăm một số đơn vị của Bộ đội thông tin thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, với lời dặn dò: “Công tác thông tin liên lạc là một công tác rất quan trọng, nó như thần kinh, mạch máu của con người”71.

Ngày 13-7-1968, trong thư gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Bác biểu dương “quân và dân Trị - Thiên - Huế đã đánh đuổi hàng vạn quân tinh nhuệ nhất của Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh”72 lá thư kết thúc bằng hai câu:

“Nam Bắc một nhà, ra sức đánh giặc

Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”73.

Ngày 14-7

“Tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi”.

Ngày 14-7-1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cứu trợ các chiến sỹ Cách mạng (còn gọi tắt là Quốc tế Cứu tế đỏ) tại Mátxcơva, Thủ đô Liên bang Xôviết.

Ngày 14-7-1939, tờ “Notre Voix” (Tiếng nói của chúng ta) của những người cộng sản hoạt động công khai tại Hà Nội, đăng bài “Thư từ Trung Quốc - Tổng kết sau 2 năm chiến tranh” của Nguyễn Ái Quốc (ký tên P.C.Lin). Bài viết bày tỏ sự tin tưởng rằng, dù cho phát xít Nhật đã chiếm được 12 tỉnh, nhưng nhân dân Trung Quốc “… Có “thiên thời, địa lợi và nhân hoà” là ba yếu tố cần thiết cho chiến thắng”74.

Ngày 14-7-1946, là ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Pháp lần thứ 157, cũng là lần đầu được tổ chức sau chiến thắng phát xít Đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời dự lễ duyệt binh với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, ngồi bên Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà. Chiều tối hôm đó, Bác đến nhà thờ Thánh Tâm (Sacré Coeur) trên đồi Môngmáctơrơ (Montmartre) để xem bắn pháo hoa. Trong thư chúc mừng gửi Chính phủ Pháp, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam viết: “Ngày 14 tháng 7 là lúc rạng đông cho quyền chính trị tự do và công bằng xã hội, cho cả các dân tộc và cả mọi người. Trong lúc mà dân Pháp và dân Việt đương tìm cách để thực hành sự cộng tác thật thà và thân thiện, ngày 14 tháng 7 lại càng có ý nghĩa đặc biệt đằm thắm cho hai nước chúng ta”75.

Ngày 14-7-1951, Bác viết bài “Quân đội thực dân Pháp” (ký tên là Đ.X.) đăng trên báo Cứu Quốc phân tích tình hình phân hóa trong hàng ngũ quân đội Pháp để đi đến kết luận: “Thực dân Pháp thất bại là vì binh lính Pháp biết rằng chiến tranh ở Việt Nam là vô lý. Và cũng vì vậy mà ta nhất định thắng!”76.

Ngày 14-7-1960, tham dự kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II, khi Đoàn thư ký thông báo ý kiến của các đại biểu nhất trí đề nghị Quốc hội tặng huân chương, Bác đã cảm ơn và xin khất đến ngày nước nhà thống nhất sẽ nhận.

Ngày 14-7-1965, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Bác khẳng định: “… Mỹ sẽ tiếp tục leo thang... Ta cố tranh thủ thời gian, nhưng phải giáo dục trong nhân dân tư tưởng kháng chiến trường kỳ; phải đề phòng chúng đốt rừng bằng B.52, do vậy các căn cứ phải thay đổi luôn luôn. Ở miền Nam: Dân nuôi binh, binh phải giúp dân. Miền Bắc phải có kế hoạch phòng chống và khắc phục ngay nếu địch âm mưu phá hoại đê điều. Người nêu cao quyết tâm: Tất cả để chiến thắng ở miền Nam”77.

Ngày 14-7-1969, trả lời nữ nhà báo Cuba Mácta Rôhát (Marta Rojat), Bác tâm sự: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào... Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và quyết chiến thắng. Chúng tôi đã nói như vậy và chúng tôi khẳng định lại như vậy”78.

Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 237.
54. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 367.
55. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2006, t. 3, tr. 276.
56. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 240.
57,58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 375.
59,60. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2006, t. 2, tr. 108, 108-109.
6 1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 272.
62. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2006, t. 3, tr. 279-280.
63,64. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 241-242, 266.
6 5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 21.
66,67. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2007, t. 5, tr. 342, 343.
68,69,70. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 22, 201-202, 440-441.
71. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2008, t. 9, tr. 429.
72,73. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2009, t. 10, tr. 234.
74. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 132.
75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 371.
76. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 244.
77. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2008, t. 9, tr. 261.
78 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 560-563.

Bài viết khác: