Chỉ mục bài viết

 Ngày 06-7

“Lênin là hiện thân của tình anh em bốn bể”.

Ngày 06-7-1911, Nguyễn Tất Thành với cái tên thuỷ thủ Văn Ba trên con tàu “Đô đốc Laturơ Tơrêvin” của Hãng Vận tải Hợp nhất đã cập bến cảng Mácxây và đặt chân lên mảnh đất đầu tiên của nước Pháp. Trong những ngày ở đây, chứng kiến những người lao động Pháp cũng sống trong cảnh bần cùng, người thanh niên yêu nước Việt Nam tự hỏi: Thế ra ở nước Pháp cũng có người nghèo à!? Tại sao người Pháp không “khai hóa” cho đồng bào của họ trước khi “khai hóa” chúng ta?.

Tháng 7-1919, bài báo “Tâm địa thực dân” ký tên Nguyễn Ái Quốc, phản bác lại một bài viết đăng trên tờ “Courrier Colonial” (“Thông tin thuộc địa”) nhằm công kích “Bản Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam” gửi cho Hòa hội Vécxây (6-1919). Bằng giọng văn châm biếm nhưng đanh thép Nguyễn Ái Quốc vạch trần tâm địa của tác giả bài báo sặc mùi thực dân. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên được công bố trong bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập”.

Tháng 7-1922, Nguyễn Ái Quốc gặp Bùi Lâm một thuỷ thủ trên tàu biển chạy tuyến Sài Gòn - Mácxây. Hồi ức của Bùi Lâm nhắc lại lời căn dặn của Nguyễn Ái Quốc: “Cần luôn luôn nhớ làm nhiệm vụ của người dân mất nước. Anh em nên thương yêu nhau, vui vẻ, đoàn kết với nhau. Đoàn kết cả với công nhân Pháp, nhân dân Pháp và các nước thuộc địa. Chúng ta đều là người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột như nhau...”28.

Ngày 06-7-1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc mít tinh vì hòa bình tổ chức tại Mátxcơva đứng trên lễ đài bên cạnh các nhà lãnh đạo Xôviết nổi tiếng đương thời như Vuruxilốp, Kalinin, Đinôviôp, Phơrunde... Cũng trong thời gian này, tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) đăng bài “Lênin và các dân tộc phương Đông” trong đó Nguyễn Ái Quốc viết: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi... Lênin là hiện thân của tình anh em bốn bể ”29.

Ngày 06-7-1946 là ngày Hội nghị Phôngtennơblô khai mạc bàn về tương lai quan hệ Việt - Pháp, là thượng khách của Chính phủ Pháp nên Bác không tham dự mà dành thời gian tiếp một số chức phẩm Thiên Chúa giáo người Việt ở Pháp và gửi lời chào tới một lễ hội kỷ niệm cố đạo Griguri (Grôgoire) một nhà hoạt động thời Cách mạng Pháp đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân tộc, màu da.

Ngày 06-7-1948, Bác chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng Tối cao và được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng này, đồng thời hợp nhất Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy do Võ Nguyên Giáp đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.

Ngày 06-7-1954, trả lời Thông tấn xã Việt Nam về những vấn đề liên quan đến Hội nghị Giơnevơ đang diễn ra, Bác khẳng định “lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc”30.

Ngày 06-7-1967, Bác ký lệnh truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh một học trò gần gũi và nhiều năng lực vừa mới từ trần.

Ngày 07-7

“Rời dân ra, nhất định thất bại”.

Ngày 07-7-1939, trên tờ báo “Notre Voix” (Tiếng nói của chúng ta) viết bằng tiếng Pháp, do những chiến sỹ cộng sản hoạt động công khai chủ trương tại Hà Nội, đã đăng bài “Thư từ Trung Quốc - Hoạt động của bọn tờrốtxkớt Trung Quốc” của Nguyễn Ái Quốc (với bút danh là P.C.Lin) trong đó vạch trần các hoạt động phản bội của các phần tử tờrốtxkớt đối với công cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc.

Ngày 07-7-1946, tại Pari, Bác tiếp tục gặp gỡ nhiều bà con Việt kiều, tiếp và mời cơm gia đình tướng Raun Xalăng (Raoul Salan) và dự những hình thức lễ nghi và Hội pháo hoa tại cung điện Vécxây để chào mừng khách quý từ Việt Nam tới.

Tháng 7-1952, nói chuyện với Hội nghị Chiến tranh du kích Bắc bộ Bác phân tích: “Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Trường là dài, tức là đánh bao giờ địch bại, địch “cút”, thế mới là trường... Chớ có vội vàng muốn đánh ngay thắng ngay, thế là chủ quan. Trường kỳ thì phải gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.

Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời lại phải tự lực cánh sinh... Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”31. Sau khi phân tích những khuyết điểm cần phải sửa chữa, Bác nói đến những công việc phải làm: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi”32.

Ngày 07-7-1954, báo Nhân Dân đăng bài “Công giáo Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam” trong đó Bác bình luận về việc nhiều giáo dân, giáo chức và tờ báo lớn của Thiên Chúa giáo ở Pháp lên tiếng chống chiến tranh kêu gọi đình chiến, để từ đó đưa ra lời kêu gọi: “Trước thái độ đúng đắn của những người công giáo Pháp, thì những người công giáo Việt Nam ai đã lầm đường theo giặc, phản nước phản Chúa, cần phải mau mau hối cải, mau mau quay về với chính nghĩa, với Tổ quốc yêu mến của chúng ta”33. Cùng ngày, trên báo Cứu Quốc Bác cũng đề cập vấn đề này và nhấn mạnh rằng: ”Những người trung thành với Chúa là những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp hòa bình thế giới”34.

Ngày 07-7-1958, Bác tham dự Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần thứ II và biểu dương: “Anh hùng, chiến sỹ thi đua đó là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng... Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý... không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em xung quanh mình… Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi”35. Cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 26 tấm gương xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước.

Ngày 07-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự phiên họp khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II, tại kỳ họp này Bác được tái tín nhiệm đảm nhận cương vị Chủ tịch nước.

Ngày 08-7

“Lãnh đạo phải đi sâu, đi sát, toàn diện”.

“Nhật ký hành trình chuyến đi Pháp” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi lại: Ngày 08-7-1946, 12 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp vợ chồng ông Maran (Maranne), cựu Chủ tịch Quận Xen. Ông Côxtơ (Coste), nghị sỹ Quốc hội. Vợ chồng ông Lêô Pônđét (Poldes), văn sỹ (xưa là chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngoại ô mà Bác tham gia). Có mời cả vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hà ăn cơm với khách. 6 giờ (chiều), Đô đốc Mítxốp (Missoffe) thết tiệc trà hoan nghênh Cụ Chủ tịch. Ông Mítxốp có 5 người con trai đều tham gia kháng chiến và một con gái là Giắcơlanh (Jacquelline) 13 tuổi, rất mến Hồ Chủ tịch và gọi Cụ bằng Bác Hồ. Từ lúc đến Pari, Cụ Chủ tịch đã có một bầy cháu trai, cháu gái, Pháp có, Việt có.

Tháng 7-1948, Bác viết thư gửi báo “Vệ quốc quân” và gửi “Anh em thương và bệnh binh”. Với tờ báo, thư viết: “Báo “Vệ quốc quân” phải là người bạn thân thiết của mỗi một chiến sỹ Vệ quốc quân. Vì vậy cần phải đi sát với sự sinh hoạt và sự phát triển của Vệ quốc quân. Mỗi một chiến sỹ Vệ quốc quân phải là một người bạn thân thiết của báo”36. Còn với anh em thương và bệnh binh, Bác chia sẻ: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc,... các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”37.

Ngày 08-7-1949, Bác viết bài “Trở lại vấn đề thi đua ái quốc” đăng trên báo Cứu Quốc, trong đó đặt vấn đề: “Đồng bào Thủ đô chúng ta có thể thi đua được không, và phải thi đua thế nào?”38 và giải đáp rằng đồng bào Thủ đô mặc dù đang sống trong vùng bị địch tạm chiếm nhưng vẫn có thể “giết giặc, trừ gian, phá tề. Thi đua phá hoại giặc, phá từ cái nhỏ đến cái to, phá nhà máy, công sở, các cơ quan quân sự, kinh tế, chính trị của địch và bù nhìn... thi đua gia nhập các tổ chức kháng chiến, giúp đỡ chiến sỹ...”39.

Ngày 08-7-1951, chủ trì phiên họp Chính phủ, Bác tổng kết (được ghi trong biên bản): “Ta đang trên đà thắng lợi nhưng không vì thế mà tự cao, tự đại. Về chính trị đã gần dân nhiều hơn, càng hiểu dân và được dân hiểu ta hơn. Nhân dân có tiến bộ nhiều, đã bắt đầu biết sử dụng quyền dân chủ đối với cán bộ, cơ quan. Cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào tự phê bình và phê bình... Phương châm chính sách của ta: Đánh du kích, trường kỳ gian khổ kháng chiến là đúng...”40.

Ngày 08-7-1958, thăm tỉnh Sơn Tây, nói chuyện tại Hội nghị sản xuất của tỉnh, Bác góp ý: “Vì chủ quan mà thu hoạch kém. Vì thu hoạch kém mà đi đến bi quan tiêu cực. Như vậy là không đúng… phải đánh tan tư tưởng bi quan, tiêu cực, phải quyết làm cho kỳ được, phải tin vào lực lượng nhân dân, tin tưởng vào chính sách của Đảng, lãnh đạo phải đi sâu, đi sát, toàn diện. Lãnh đạo nghề nông thì từ trước khi gieo mạ, phải lãnh đạo, đến lúc lúa và khoai vào bồ, lãnh đạo mới kết thúc”41.

Ngày 09-7

“Chẳng bom đạn nào của đế quốc sát hại được Bác đâu!”.

Ngày 09-7-1921, mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp của Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp mới được thành lập.

Ngày 09-7-1925, tại Quảng Châu, Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức do Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí Trung Quốc vận động đã chính thức được thành lập tập hợp nhiều thành viên quốc tế, với tôn chỉ “liên lạc với các dân tộc đó, cùng làm cách mạng nhằm đánh đổ đế quốc”42. Hội ra lời tuyên ngôn: “Con đường thoát duy nhất để xóa bỏ sự áp bức chỉ có thể là liên hiệp các dân tộc nhỏ yếu bị áp bức và giai cấp vô sản toàn thế giới, áp dụng những phương pháp cách mạng để lật đổ về căn bản chủ nghĩa tư bản đế quốc cực kỳ hung ác”43. Nguyễn Ái Quốc lúc này mang bí danh là Lý Thụy được bầu làm Bí thư kiêm phụ trách chi bộ Việt Nam của Hội Liên hiệp.

Đầu tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc mang hộ chiếu với tính danh là “Nguyễn Lai” trong vai một Hoa kiều nhập cảnh bến cảng Khoongtơi (Băng Cốc) bắt đầu một thời gian hoạt động ở Thái Lan đặc biệt là trong cộng đồng Việt kiều khá đông đảo ở vùng Đông Bắc của nước này. Đây cũng là thời điểm Nguyễn Ái Quốc có ý định tìm đường về nước nhưng điều kiện chưa cho phép.

Tháng 7-1945, sau khi xác lập được mối liên hệ với lực lượng Đồng Minh và trực tiếp là đơn vị OSS (tình báo chiến lược của Mỹ tiền thân của CIA ngày nay) tại Côn Minh (Trung Quốc), Lãnh tụ Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác chuẩn bị để đón các đơn vị hỗ trợ nhảy dù xuống Chiến khu Việt Bắc. Bác đã trực tiếp đến xã Thanh La để chỉ đạo việc xây dựng sân bay dã chiến Lũng Cú, viết thư gửi Thiếu tá E. Thômát (E. Thomas) người sẽ chỉ huy đơn vị “Con Nai” trực tiếp phối hợp hành động với lực lượng của Việt Minh, trong thư đánh giá: “Kế hoạch của Ngài về sự đầu hàng của Nhật (tối hậu thư, tấn công...) thật tuyệt vời. Tôi tin rằng nó sẽ đem lại kết quả rất tốt”44.

Ngày 09-7-1946, tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Giám đốc các nhà máy điện và xi măng ở Đông Dương đến chào và trao đổi về việc người Pháp sẽ làm ăn trên đất nước Việt Nam độc lập.

Ngày 09-7-1964, Bác đi thăm đê Khuyến Lương và kiểm tra công tác chuẩn bị chống bão lụt, hộ đê của địa phương, gặp gỡ động viên nhân dân địa phương và nhắc nhở các cấp chính quyền về công tác quan trọng và thường xuyên này.

Tháng 7-1967, nhà ngoại giao Mai Văn Bộ, đại diện Chính phủ ta tại Pháp về nước đến chào Bác và báo cáo tình hình nước Pháp. Trong câu chuyện Bác bày tỏ những tình cảm tốt đẹp đối với thành phố Pari nơi đã từng sống một thời trai trẻ sôi nổi. Hồi ức của ông Mai Văn Bộ thuật lại là giữa lúc đó có còi báo động máy bay Mỹ, mọi người phải khẩn trương ra hầm trú ẩn. Bác đã nhẹ nhàng đẩy ông đi trước và nói: “Chú còn trẻ, chú vào hầm trước đi. Bác đã già rồi chẳng bom đạn đế quốc nào sát hại được đâu”45.

Ngày 09-7-1968, theo dõi sát sao cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Pari, Bác phát biểu tại phiên họp của Bộ Chính trị nhắc nhở: “Cần nghiên cứu kỹ xem ở Hội nghị Pari địch được cái gì, mất cái gì? Ta được gì, thiệt gì?”46.

Ngày 10-7

“Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng”.

Ngày 10-7-1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đang làm việc với các đảng viên cộng sản Chi bộ quận 17 tại Phôngtennơblô.

Ngày 10-7-1922, tại Pari Nguyễn Ái Quốc cùng với luật sư Phan Văn Trường và kỹ sư Nguyễn Thế Truyền đến thăm Nguyễn Văn Vĩnh từ trong nước mới sang dự Hội chợ thuộc địa ở Mácxây. Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà hoạt động trên lĩnh vực văn hóa và báo chí có tư tưởng cấp tiến chủ trương chống chế độ quân chủ.

Ngày 10-7-1931, trong “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bắt đầu bị thẩm vấn lần thứ nhất sau khi bị nhà đương cục Hồng Kông bắt giữ.

Ngày 10-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhiều khách Pháp trong đó có cả nguyên Toàn quyền Đông Dương, Bộ trưởng Thuộc địa A. Xaru và 8 giờ tối, Cụ Chủ tịch tiếp mấy người Pháp chuyên môn về các ngành kinh tế bên nước ta. Nói chuyện về cách Việt - Pháp cộng tác, làm sao cho dân Việt cũng có lợi, người Pháp cũng có lợi.

Ngày 10-7-1948, Bác gửi thư tới Hội nghị giáo dục toàn quốc được triệu tập tại Chiến khu Việt Bắc góp một số ý kiến nhằm mục tiêu “chúng ta cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc”47 do vậy phải “sửa đổi triệt để chương trình giáo dục... phải có sách kháng chiến và kiến quốc cho các trường... phải sửa đổi cách dạy... phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ... phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hóa phổ thông của đồng bào”48.

Ngày 10-7-1954, trong bài “Gửi báo cáo và xin chỉ thị” đăng trên báo “Nhân Dân”, Bác đề cập phương thức làm việc để bảo đảm công tác lãnh đạo có chất lượng: “Viết báo cáo, thì các tài liệu phải nghiên cứu kỹ, xét lại kỹ, phải đúng sự thật... Tuyệt đối không nên báo cáo một cách mơ hồ, giả dối, chỉ nói cái tốt mà giấu giếm cái xấu... Có như vậy, trong Đảng ý chí mới nhất trí, lãnh đạo mới thống nhất, đoàn kết mới chặt chẽ, kinh nghiệm mới dồi dào, mọi việc mới kịp thời và thành công… Cán bộ các cấp phải hiểu rõ rằng: Chế độ thỉnh thị và báo cáo là rất quan trọng, và mỗi cán bộ phụ trách phải kiên quyết làm đúng chế độ ấy”49.

Ngày 10-7-1960, nhân thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội khóa II, Bác viết bài “Quốc hội ta vĩ đại thật” đăng trên báo “Nhân Dân” điểm lại lịch sử và sứ mạng lịch sử của Quốc hội khóa I và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử khóa II, đặc biệt là với việc bảo lưu 91 đại biểu miền Nam của khóa I và 34 đại biểu mới tập kết ra Bắc, nó biểu thị cho ý chí của toàn dân tộc. Bài báo kết luận: “Quốc hội khóa I của ta là Quốc hội kháng chiến. Quốc hội khóa II này là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”50.

Ngày 10-7-1966, dưới bút danh “Chiến Sỹ”, Bác viết bài “Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán” đăng trên báo Nhân Dân xác định “Việc sơ tán là một bộ phận cần thiết trong việc phòng không... Làm việc sơ tán thật tốt tức là góp phần đắc lực vào công việc phòng không, vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”51. Riêng với đồng bào phải rời đô thị đi sơ tán và đồng bào đón bà con về địa phương sơ tán, Bác nhắc lại câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng!”52.

Đức Lâm (tổng hợp)

Chú thích:

28. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 1, tr. 182-183.
29 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 295.
30 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 305.
31 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 522.
32 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 525.
33 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 307.
34 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2007, t. 5, tr. 473.
35 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 200.
36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 470.
37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 471.
38,39. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 4, tr. 329-330.
40. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2007, t. 5, tr. 65-66.
41. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 202.
42,43. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 1, tr. 326.
44. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 2, tr. 264-265.
45,46. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2009, t. 10, tr. 117, 233.
47. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 462.
48. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5. tr. 462.
49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 308-309.
50. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 172.
51,52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 105-106, 106.

Bài viết khác: