Ngày 20-7
“Nước Việt Nam của người Việt Nam”.
Ngày 20-7-1921, Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời dự cuộc họp thông báo lần cuối cùng về Điều lệ của Hội Liên hiệp thuộc địa.
Ngày 20-7-1922, báo L’Humanité (Nhân Đạo) đăng bút ký “Con người biết mùi hun khói” của Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp. Bằng ngòi bút viễn tưởng, bài ký hình dung ra một nước Cộng hòa Phi châu vào năm 1998 đã thiết lập chế độ Xôviết và nhân vật cụ Kimengo một chiến sĩ cách mạng lão thành lúc này đã là công sứ đại diện cho nước Pháp đã ôn lại quá khứ cay đắng của chế độ thuộc địa và sự giác ngộ tình hữu ái và chủ nghĩa cộng sản đã làm thay đổi thân phận các dân tộc.
Ngày 20-7-1931, liên quan đến “vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bị thẩm vấn lần thứ ba.
Ngày 20-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục những cuộc tiếp xúc với các nhà chính khách và trí thức Pháp. Bác đến thăm vợ chồng nhà bác học Giuliô Quyri cả hai ông bà đều sốt sắng đồng tình với cuộc vận động độc lập của Việt Nam. Trong lúc nói chuyện, ông Quyri tỏ ý rằng khoa học Pháp sẽ sẵn lòng giúp đỡ khoa học Việt Nam tiến bộ.
Ngày 20-7-1953, trong bài viết “Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo kháng chiến kiến quốc” (bút danh Đ.X) phân tích vai trò to lớn của Đảng nhưng quy lại một nguyên lý quan trọng là: “Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”103.
Ngày 20-7-1954 là ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương, nhưng Hiệp định này đã bị Mỹ và tay sai phá hoại. Kể từ đó ngày 20-7 trở thành “Ngày đấu tranh thống nhất Bắc - Nam”, Bác thường ra lời kêu gọi nhân dân cả nước. Kỷ niệm 11 năm ký kết Hiệp định, trong lời kêu gọi ngày 20-7-1965, Bác khẳng định ý chí của dân tộc Việt Nam “dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”104.
Ngày 20-7-1956, Bác thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Phú Thọ “để đôn đốc thêm đồng bào và cán bộ tỉnh nhà quyết tâm làm cho vụ mùa năm nay thành một vụ mùa thắng lợi... Trong kháng chiến, đồng bào và cán bộ Phú Thọ đã có nhiều thành tích vẻ vang, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng hòa bình, đồng bào và cán bộ phải phát triển truyền thống anh dũng ấy, ra sức thi đua khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo vụ mùa thắng lợi, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước”105. Thăm Nhà máy chè Phú Thọ do Liên Xô giúp đỡ xây dựng vừa khánh thành, Bác nhắc nhở cán bộ, công nhân viên phải sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng quốc tế để xuất khẩu.
Ngày 20-7-1968, trong lời kêu gọi, Bác khẳng định lập trường: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình nhưng phải có độc lập, tự do thật sự thì mới có hòa bình chân chính... Cách duy nhất để lập lại hòa bình là quân Mỹ và quân chư hầu phải rút hết về nước! Nước Việt Nam của người Việt Nam!”106.
Ngày 20-7-1969, vào thời điểm Tổng thống Mỹ Níchxơn gửi thư “kêu gọi hòa bình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” kêu gọi cả nước “triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch...”107.
Ngày 21-7
“Mong Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất”.
Ngày 21-7-1924, tại phiên họp thứ 15 của Đại hội lần thứ III của Quốc tế Công hội đỏ họp tại Mátxcơva, đại biểu Nguyễn Ái Quốc đọc tham luận về nền công nghiệp và đội ngũ công nhân tại Đông Dương. Sau khi đưa ra những con số thống kê, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo “chủ nghĩa đế quốc Pháp, ở Đông Dương thật ra là đó phục hồi chế độ nô lệ”108. Tuy nhiên, “giai cấp vô sản không thể làm gì để chống lại cái hệ thống bóc lột đó, chưa có một tổ chức công nhân nào cả... Đó là một tình cảnh khủng khiếp, nhưng không phải là không có lối thoát. Tình hình không phải là không có lối thoát, bởi vì với sự giúp đỡ của các tổ chức cách mạng gần gũi với Quốc tế Công hội đỏ, chúng tôi quyết đập tan lực lượng của chủ nghĩa đế quốc châu Âu áp bức chúng tôi”109. Cũng tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã dự thảo một nghị quyết về Đông Dương để kiến nghị bổ sung vào nghị quyết Đại hội.
Ngày 21-7-1932, liên quan đến “vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, đơn kháng án của Tống Văn Sơ và các văn bản thỏa thuận của các luật sư của cả hai bên đã được Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh chấp thuận để nhà cách mạng Việt Nam rút đơn kháng án đồng thời chỉ thị cho Thống đốc Hồng Kông thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết.
Ngày 21-7-1945, từ chiến khu của Việt Nam, Hồ Chí Minh tiễn Phran Tan (Frank Tan) một nhân viên điện báo gốc Hoa của OSS đã được cử đến giúp lực lượng Việt Minh trở lại Côn Minh. Qua nhân vật này, Bác gửi thư tới Sáclơ Phennơ (Charles Fenn) đại diện OSS ở vùng Hoa Nam, tỏ rõ sự tiếp tục cam kết và sẵn lòng “nồng nhiệt đón” qua đây hợp tác chống Nhật.
Ngày 21-7-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ban biên tập tờ báo hài nổi tiếng Le Canard Enchainé (Vịt bị trói); tiếp các đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên thế giới đang được tổ chức tại Pháp; tiếp nhà văn Xôviết Ilia Érenbua cùng các đại biểu quân sự của Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa dự ngày hội Quân giới Pháp tại sân bay Vilacublay; mời cơm nhiều tướng lĩnh, đô đốc Pháp.
Ngày 21-7-1949, tại Chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch họp Đảng đoàn Chính phủ và chủ trì lễ truy điệu G.Đimitơrốp, một nhà cách mạng Bungari nổi tiếng, nguyên Tổng thư ký Quốc tế Cộng sản.
Ngày 21-7-1961, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Cộng hòa Dân chủ Đức, Bác khẳng định “Chúng tôi kiên quyết đấu tranh thống nhất Tổ quốc bằng đường lối hòa bình và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ… Cuộc đấu tranh chống chế độ dã man ấy là quyền thiêng liêng của đồng bào chúng tôi ở miền Nam Việt Nam. Không có bạo lực hay vu cáo nào có thể làm cản trở mục đích đó đi tới thắng lợi”110.
Ngày 21-7-1969, Bác gửi thư cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An căn dặn phải chú ý thực hiện dân chủ, khôi phục và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, phấn đấu xây dựng Nghệ An giàu mạnh xứng đáng với truyền thống quê hương Xôviết. Thư có đoạn viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”111. Đây cũng là những lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với quê hương.
Ngày 22 -7
“Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta”.
Ngày 22-7-1926, từ Quảng Châu (Trung Quốc) Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ủy ban Trung ương Thiếu nhi trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin đặt vấn đề: “Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu nhi An Nam. Các em đều từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức... Nhiều em có cha mẹ bị người Pháp bắt giam vì các em đã bỏ gia đình đi ra nước ngoài, như những người cách mạng!”112. Bức thư đề nghị Ủy ban tiếp nhận một số bạn nhỏ An Nam để sau này sẽ trở thành những chiến sĩ Lêninnít chân chính nhỏ tuổi và trong thư gửi tới Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên Cộng sản, Bác đề nghị ủng hộ ý định này để các em được tiếp thu một nền giáo dục cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp.
Tháng 7-1929, Nguyễn Ái Quốc xuất hiện tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) bên bờ sông Mê Kông giáp giới với Đông Dương. Từ đây nhà cách mạng Việt Nam đã xây dựng cơ sở trong cộng đồng Việt kiều tại nhiều địa phương trên đất Thái Lan. Sau này, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có viết: “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân đảng”113.
Ngày 22-7-1946, tiếp tục những nỗ lực ngoại giao tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, chính khách và gửi thư tới Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Mariút Mutờ (Marius Moutet) thông báo có thể sẽ về nước vào đầu tháng 8 và tỏ ý tiếc rằng: “Nếu nước Pháp không thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, đó sẽ là một thiệt hại cho nước Pháp và cho cả nước Việt Nam nữa. Song đối với nước Pháp, sự thiệt thòi sẽ là vĩnh viễn, còn đối với Việt Nam, thất bại đau đớn của sự hợp tác mà Việt Nam mong muốn sẽ buộc chúng tôi chỉ còn biết trông vào sức của mình mà thôi, để tìm cách thỏa mãn những nguyện vọng của nhân dân mình”114.
Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to... Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc và gửi lời an ủi anh em thương binh, bệnh binh”115. Lời kêu gọi cũng khẳng định “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng. Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt... Tôi thiết tha kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào, chúng ta hãy thật thà cộng tác, vì dân vì nước mà phấn đấu để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”116.
Ngày 22-7-1968, Bác gửi thư khen quân và dân Nghệ An đã bắn rơi 400 máy bay Mỹ và biểu dương: “… Đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An hãy nêu cao truyền thống anh dũng của Xôviết Nghệ Tĩnh… giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”117.
Ngày 23-7
“Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”.
Cuối tháng 7-1939, trong bản báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (ký tên là P.C Lin), Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc điểm lại tình hình Đông Dương trong thời kỳ 1936 - 1939, tức là thời kỳ diễn ra phong trào Dân chủ trong bối cảnh Chính phủ của Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp (1935 -1938). Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc cũng bộc bạch tâm trạng của mình trước những biến cố đang dồn dập: “Tôi ra đi đã 9 tháng nay và đã tới nơi được 7 tháng. Nhưng tôi lấy làm khổ tâm mà báo cáo rằng tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đúng là tôi đã rơi vào cơn lốc lớn đang làm biến đổi số mệnh của hàng trăm triệu con người và trên con đường di chuyển của nó, nó đã ngẫu nhiên làm đảo lộn tất cả kế hoạch của tôi”118.
Ngày 23-7-1946, tại Pari Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tiếp xúc với báo chí, các chính khách và đi thăm “Bảo tàng tượng sáp” ở Pari, nơi lưu giữ các tượng bằng sáp các nhân vật nổi tiếng thế giới.
Ngày 23-7-1956, nói chuyện với Lớp nghiên cứu chính trị khóa I Trường Đại học Nhân dân Hà Nội, Bác phân tích: Ngoài công, nông “cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức (chúng ta quen gọi là lao động trí óc)... Vì lẽ đó, trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang”119. Nhấn mạnh đến hai chữ “chính tâm”, Bác diễn giải: “Phải kinh qua cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới trong bản thân mình: Một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ và liên tục. Nhưng ta kiên quyết thì cái mới nhất định thắng cái cũ và chính tâm nhất định thành công”120. Về tự do tư tưởng, Bác xác định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người.
Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý.
Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý... Đảng và Chính phủ ta rất quý trọng những người trí thức của nhân dân, vì nhân dân”121.
Ngày 23-7-1959, tiếp tục chuyến thăm hữu nghị Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam rời Arevan, thủ đô Ácmênia đến thành phố Bacu, thủ đô nước Cộng hòa Agiécbaigian và thăm quan khu mỏ khai thác dầu nổi tiếng ở phía Bắc thành phố.
Ngày 23-7-1961, Bác tham dự cuộc mít tinh của 25 vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình, nhân kỷ niệm 7 năm ký kết Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương. Phát biểu tại đây, Bác căn dặn: “Đoàn kết là sức mạnh, đồng bào cả nước đoàn kết, chúng ta đoàn kết với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, với nhân dân Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ latinh và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất định chúng ta sẽ thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai”122, sau đó, Bác bắt nhịp để mọi người hát bài ca “Kết đoàn”.
Ngày 24-7
“Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng”.
Ngày 24-7-1922, Nguyễn Ái Quốc họp Chi bộ quận 17 Đảng Cộng sản Pháp tại số nhà 100 phố Cácđinê (Cardine), Pari. Cũng vào thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu chuyển về cư ngụ tại số 9 ngõ Côngpoanh.
Ngày 24-7-1946, trong lúc cuộc thảo luận chính thức Pháp - Việt đang diễn ra tại Phôngtennơblô (Fontainebleau) đi vào bế tắc thì Chủ tịch Hồ Chí Minh càng ráo riết vận động “ngoại giao hành lang”. Trong ngày, Bác thăm Bộ trưởng Pie Cốt (Pierre Cot), Chủ tịch Quốc hội Vanhxăng Ôriôn (Vincent Auriol), Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời cũng là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp Giắc Đuyclô (Jacques Duclos)... và dành thời gian làm việc với phái đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của các báo Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Nước Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và cùng chúng tôi gây mối quan hệ mới trên cái nền tin cậy và tự do thì nước Pháp sẽ thấy danh dự của mình, tinh thần của mình và hấp lực của mình ở Việt Nam thêm nhiều lắm. Mà như thế thì vững vàng, chắc chắn hơn là lấy chiến tranh hoặc sức mạnh hoặc tham mưu để ép chúng tôi ký điều ước này, điều ước nọ”123.
Ngày 24-7-1953, báo Cứu Quốc đăng bài “Xây dựng Đảng Lao động Việt Nam” của Bác, trong đó nêu rõ: “Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng... Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng... Về đường lối chính trị, Đảng chống khuynh hướng “tả” và khuynh hướng “hữu”124.
Ngày 24-7-1962, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước về “Cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, Bác nhấn mạnh: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu... Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”125.
Ngày 24-7-1967, tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch vào thời điểm máy bay Mỹ đang bắn phá ác liệt, Bác thân mật tiếp ông Raymông Ôbơrắc (Raymond Aubrac) một người bạn tốt mà Bác đã từng quen biết và đến ở tại nhà ông trong thời gian thăm Pháp năm 1946. Đi cùng ông Ôbơrắc là nhà sinh vật học Hơcbe Máccôvích (Herbert Marcovic) đến Việt Nam công khai là làm việc với Viện Vệ sinh Dịch tễ nước ta nhưng thực chất cả hai người mang sứ mệnh thiện chí nhằm “hòa giải” mối quan hệ giữa Oasinhtơn và Hà Nội chấm dứt chiến tranh. Tại cuộc gặp, Bác đã phân tích lịch sử dân tộc để thấy bản chất cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam và đưa ra thông điệp là chỉ khi nào Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc đánh phá miền Bắc thì mới có thể có đàm phán. Cuối buổi tiếp, Bác không quên thăm hỏi và tặng quà cho con gái của ông Ôbơrắc mà Bác đã nhận lời đỡ đầu cách đó 21 năm (1946).
Thanh Huyền (tổng hợp)
Chú thích:
103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 233.
104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 470.
105. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 205-208.
106, 107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 373, 479.
108, 109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 291, 292.
110. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2008, t. 8, tr. 105.
111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 482-483.
112. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 225.113. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 12.
114. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 3, tr. 289.
115, 116. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 321, 322-323.
117. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2009, t. 10, tr. 236.
118 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 140.
119,120,121. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 8, tr. 214, 215-216, 216.
122. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2008, t. 8, tr. 107.
123. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 383.
124 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 233-234.
125. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.10, tr. 578.