Ngày 25-7
“Tự hào có người bạn chiến đấu là nhân dân Cuba anh hùng”.
Ngày 25-7-1922, “Bức thư ngỏ” của Nguyễn Ái Quốc gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Anbe Xarô (Albert Sarraut) được công bố trên báo L’Humanité(Nhân Đạo). Bằng một lối văn hài hước, bức thư đả kích những chính sách của thực dân Pháp cùng sự kiểm soát hà khắc đối với những người Việt Nam sống tại Pháp, chế giễu những biện pháp theo dõi của mật thám Pháp bằng lời thách thức: “Nếu ngài nhất thiết cần biết hằng ngày chúng tôi làm gì thì rất dễ thôi... thời khóa biểu của chúng tôi rất giản đơn và hầu như cố định.
Sáng: Từ 8 đến 12 giờ ở xưởng máy.
Chiều: Ở phòng báo chí (dĩ nhiên là báo của phái tả), hoặc ở thư viện.
Tối: Ở nhà riêng, hoặc dự những buổi nói chuyện bổ ích.
Chủ nhật và ngày lễ: Thăm nhà bảo tàng hay những nơi bổ ích khác”126.
Ngày 25-7-1945, từ Chiến khu Việt Bắc, thông qua viên chỉ huy đơn vị Tình báo Chiến lược Mỹ OSS E. Thômát, lãnh tụ Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp đối với Chính phủ Pháp về nền độc lập của nhân dân Việt Nam sau khi đánh đổ phát xít Nhật ở Đông Dương, gồm 5 điểm: Xây dựng một nghị viện hỗn hợp Pháp - Việt trong quá trình hướng đến một nền độc lập hoàn toàn; quá trình đó xác định khoảng 5 năm và tối đa 10 năm; các nguồn lợi thiên nhiên phải được trả lại cho nhân dân; Việt Nam được hưởng mọi quyền tự do mà Liên hợp quốc đã ban bố; cấm chỉ việc bán thuốc phiện.
Ngày 25-7-1949, kết thúc phiên họp của Chính phủ, khi đề cập nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, Bác nhận định: “Cũng như chim muốn bay cần phải có hai cánh, một cuộc chiến tranh muốn thắng lợi cần phải có hai lực lượng chính: Quân sự và chính trị. Ông Tôn Tử là một người thao lược giỏi nhất trong lịch sử và trong thế giới, có nói: “Biết địch, biết ta, trăm trận, trăm thắng”... Vậy ta cần phải biết Pháp, biết ta”... “Giặc Pháp mù quáng về chính trị, thóai bộ về quân sự. Cả hai cánh của họ đã yếu và chỉ có thể đưa nó đến thất bại. Bên ta: Chính trị rõ ràng, quân sự tiến bộ mãi. Hai cánh của ta rất mạnh, ngày càng mạnh thêm, cho nên ta nhất định thắng lợi. Thêm vào đó, tình hình thế giới rất có lợi cho ta. Cánh ta đã vững, giờ lại thuận chiều, quân và dân ta hãy cố gắng lên. Thắng lợi vẻ vang đã gần trước mắt”127.
Ngày 25-7-1956, nói chuyện tại Liên hoan Thanh niên tích cực ngành Đường sắt, Bác khuyên: “Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”128.
Ngày 25-7-1963, kỷ niệm 10 năm ngày Khởi nghĩa Môncađa (Moncada), Bác gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Cuba khẳng định: “Nhân dân Việt Nam rất tự hào có người bạn chiến đấu là nhân dân Cuba anh hùng và coi những thắng lợi của nhân dân Cuba cũng như những thắng lợi của bản thân mình”129.
Ngày 26-7
“Phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà”.
Ngày 26-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Phôngtennơblô nơi đang diễn ra cuộc đàm phán Việt - Pháp. Cùng ngày, tờ La Liberta (Tự do) đăng bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch, trong đó bày tỏ:
“… Mong muốn xây dựng mối quan hệ Việt - Pháp thật thà bình đẳng”, bởi vì “nước Pháp cần đến chúng tôi. Chúng tôi cũng cần đến nước Pháp. Vấn đề chính là nước Pháp làm thế nào mua được tấm lòng của 20 triệu dân Việt Nam tự do. Muốn như vậy thì không nên tìm cách “lừa gạt” chúng tôi, không nên sinh chuyện lôi thôi vô ích”130.
Ngày 26-7-1947, Bác chủ trì phiên họp của Chính phủ có sự tham gia của các vị đại diện Quốc hội thảo luận về chủ trương cải tổ Chính phủ do Chủ tịch đề xuất nhằm mục đích mở rộng cho nhiều người được tham gia, để tránh sự chia rẽ của Pháp và để lấy ảnh hưởng với quốc tế... Sự thay đổi này có tính cách rộng rãi, các vị thân hào có tiếng tăm được tham gia để tiêu biểu sự đoàn kết của các tầng lớp dân chúng.
Ngày 26-7-1951, Bác gửi thư cho Bộ trưởng Thương binh, Cựu binh đặt vấn đề: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Họ đã làm trọn nhiệm vụ, họ không đòi hỏi gì cả.
Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng?”131. Và Bác đề xuất “giúp lâu dài, chứ không phải chỉ giúp trong một thời gian. Không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh”132 mà bằng phương thức lấy từ quỹ đất công của làng xã, của những người hảo tâm hay khai hoang để cấp cho thương binh và giúp họ sản xuất “như thế thì đồng bào mỗi xã đó được thỏa mãn lòng ước ao báo đáp anh em thương binh; mà anh em thuơng binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và vẫn có dịp tham gia sự hoạt động ích lợi cho xã hội”133.
Cùng ngày 26-7-1951, báo Nhân Dân đăng bài “Phụ nữ kiểu mẫu” của Bác biểu dương một số tấm gương phụ nữ đã đóng góp cho kháng chiến qua “vài mẩu chuyện rất bình thường, mà rất vĩ đại” để đi đến kết luận: “Phải chăng vì danh, vì lợi, vì địa vị mà họ làm như vậy? Không phải. Đó là vì lòng nồng nàn yêu nước. Đó là lòng chí công vô tư mà chúng ta đều phải học theo”134.
Ngày 26-7-1953, Bác gửi điện cho Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh: “Nhân dịp Ngày Thương binh, tôi xin gửi một tháng lương của tôi và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ cụ chuyển cho anh em thương binh với lời chào thân ái của tôi”135.
Ngày 26-7-1962, đến tỉnh Hải Dương tham gia chống úng cùng dân, Bác căn dặn: “Mọi người công dân - già trẻ gái trai - đều phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà... Đó là công tác tư tưởng cực kỳ quan trọng mà mỗi đảng viên, đoàn viên thanh niên và các cấp uỷ Đảng, trước hết là chi bộ phải làm cho tốt”136.
Ngày 26-7-1964, kết thúc bài báo “Đế quốc Mỹ rúc xuống hầm” đăng trên báo Nhân Dân viết về những thất bại trên chiến trường Việt Nam của quân đội Mỹ, Bác bình bằng hai câu thơ:
“Lại thêm chứng cớ rõ ràng,
Đồng bào miền Nam càng đánh càng mạnh và càng thắng to”137.
Ngày 27-7
“Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch”.
Ngày 27-7-1922, mật thám Pháp ghi nhận Nguyễn Ái Quốc tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Ngoại ô (Club du Faubourg) và đến khuya về nghỉ tại số nhà 9 ngõ Côngpoanh.
Ngày 27-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm anh em “lính thợ” là những người Việt Nam sang Châu Âu làm trong các công binh xưởng thời Thế chiến II, trong ngày, còn tiếp xúc với Thủ tướng Pháp Biđôn (Bidault) và một số kiều bào đến chào.
Ngày 27-7-1947, Bác viết thư khen ngợi tấm gương bà Bá Huy hăng hái lập một trại an dưỡng cho thương binh. Thư có đoạn: “Như thế là bà đã giúp sức vào công việc giữ gìn Tổ quốc. Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hành cái khẩu hiệu:
Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức
Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công”138.
Ngày 27-7-1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp tướng Trần Canh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc trước khi bước vào Chiến dịch Biên giới.
Ngày 27-7-1952, Bác gửi điện tới Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhờ chuyển một tháng lương ủng hộ, nhắc nhở việc giúp đỡ thương binh “là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc “làm phúc”. Đồng thời cũng khuyên anh em thương binh “phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật”...”139.
Ngày 27-7-1953, trên báo Cứu Quốc đăng bài “Tự phê bình và phê bình" (với bút danh Đ.X) Bác kết luận: “Một đảng có chủ nghĩa Mác - Lênin, có kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; một đảng đúng đắn về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức như Đảng Lao động Việt Nam, đó là đảm bảo chắc chắn cho kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”140.
Tháng 7-1955, đến thăm Phân hiệu II Trường Nguyễn Ái Quốc, Bác xác định: "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài... Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch. Lấy đồng hồ làm thí dụ: Bộ máy đồng hồ phải chạy đều, muốn chạy đều phải sạch sẽ. Đảng muốn trong sạch, mạnh mẽ thì mỗi bộ phận, mỗi đảng viên phải trong sạch, mạnh mẽ...”141.
Ngày 27-7-1963, dự Hội nghị phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ba xây, ba chống”, Bác phân tích ba tệ nạn phải chống: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội... Lãng phí… làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân... Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí... Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”142.
Ngày 27-7-1965, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và là phái viên của Tổng thống nước Cộng hoà Gana, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Chúng tôi muốn hòa bình nhưng đồng thời phải có độc lập… Chúng tôi không muốn làm nhục Mỹ, nếu Mỹ cũng trọng danh dự chính đáng của họ, nếu Mỹ tôn trọng ý nguyện của nhân dan Việt Nam, nếu Mỹ thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ thì chúng ta có hòa bình...”143.
Thanh Huyền (tổng hợp)
126. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 92.
127. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 4, tr. 332.
128. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdđd, t. 8, tr. 221.
129. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2008, t. 8, tr. 419.
130. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, SĐd, 2006, t. 3, tr. 292.
131, 132, 133, 134. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 261, 261, 262, 260.
135. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 99.
136. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 583.
137. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 297.
138. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 177.
139. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 532-533.
140. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 235.
141. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2008, t. 6, tr. 129.
142. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 110-111.
143. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sđd, 2008, t. 9, tr. 274.