Chỉ mục bài viết

 Ngày 15-7

“Do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin”.

Ngày 15-7-1911, từ cảng Mácxây, theo tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin Nguyễn Tất Thành kết thúc hải trình đầu tiên khi cập bến cảng Lơ Havơrơ (Le Havrre) ở miền Bắc nước Pháp.

Ngày 15-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về quê thăm văn sĩ Poldes, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngoại ô năm xưa. Trên đường về, khi ghé qua làng quê của người phát minh ra nghề nhiếp ảnh Daguèrre, một ngôi làng có khắc tấm bia tưởng niệm “74.000 người cộng sản chết vì Tổ quốc”79, Bác được dân làng mời làm danh dự hội trưởng cho dịp kỷ niệm nhà sáng chế này. Buổi trưa, Bác dự cuộc gặp mặt với 2.000 kiều bào tại trụ sở Hội Tương tế Việt Nam chào mừng Đoàn và chúc mừng những thay đổi của đất nước.

Ngày 15-7-1948, Bác gửi thư đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai họp tại Phú Thọ, nêu rõ: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng... Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế ”80.

Ngày 15-7-1950, báo Sự Thật đăng bài “Phải chữa cái bệnh cấp bậc” của Bác (ký tên X.Y.Z) trong đó nêu rõ căn bệnh này có nguyên nhân “Vì cán bộ chưa gột sạch óc quan liêu, ngôi thứ.

Vì còn mang nặng chứng “quan cách mạng”.

Vì không hiểu rằng: Trong công việc cách mạng, công việc kháng chiến kiến quốc, không có việc sang, việc hèn, mọi việc đều quan trọng... Thang thuốc hay nhất là:

1. Dùng cách phê bình và tự phê bình để rửa sạch đầu óc ngôi thứ, địa vị, và chủ nghĩa cá nhân.

2. Đặt công việc chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết”81.

Ngày 15-7-1960, Bác tham dự kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II và được toàn thể Quốc hội tín nhiệm tái giữ chức Chủ tịch nước. Trong lời phát biểu kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đày tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải:

Thực hành cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư.

Gương mẫu về mọi mặt: Đoàn kết, công tác, học tập, lao động.

Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối”82.

Ngày 15-7-1969, tiếp và trả lời phỏng vấn của nhà báo Sáclơ Phuốcniô (Charles Fourniau), đại diện thường trú của Đảng Cộng sản Pháp tại Hà Nội, Bác bày tỏ: “Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin. Rồi, từng bước một, tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới... Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết...”83. Đây cũng là cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp cuối cùng của Bác.

Ngày 16-7

“Quyết noi theo lịch sử vẻ vang của tổ tiên”.

Ngày 16-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ngôi nhà cũ ở số 7 ngõ Côngpoanh (Compoint) và thăm người bạn cũ là Luật sư M.C.Blôngcua (M.C Bloncourt), trả lời phỏng vấn của tờ L’Action (Hành động) và chiêu đãi những người tham gia bảo vệ và phục vụ Chủ tịch trong thời gian ở Pháp.

Ngày 16-7-1947, Bác viết “Thư gửi các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể đồng bào tỉnh Phúc Yên” cảm ơn các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã hăng hái ủng hộ kháng chiến. Thư viết: “Đời xưa, nhờ sự kêu gọi của phụ lão, sự cố gắng của thân hào, lòng nhiệt thành của quốc dân, mà tổ tiên ta: Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Quang Trung đã dẹp nạn ngoại xâm, giữ vững đất nước... Chúng ta kiên quyết noi theo lịch sử vẻ vang của tổ tiên, tranh lại thống nhất và độc lập cho dân tộc và xây dựng nền tự do và hạnh phúc cho con cháu muôn đời”84.

Cùng ngày, Bác còn viết thư “gửi đồng bào trong những vùng địch tạm chiếm đóng” bày tỏ: "Trong lúc viết thư này, một mặt tôi rất đau lòng vì tôi tài hèn đức mọn, chưa đuổi được giặc ngay để đồng bào chịu khổ cực. Song một mặt tôi rất phấn phát, vì tôi chắc rằng trải qua bước cực khổ, thì chúng ta nhất định thành công, cũng như qua khỏi mùa Đông, thì chắc chắn mùa Xuân sẽ đến”85.

Cũng trong ngày 16-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời một nhà báo nước ngoài, nhấn mạnh rằng: “Quốc hội Việt Nam là do toàn dân đầu phiếu cử ra... Trưởng ban Thường trực Quốc hội là một vị nho học lão thành, trước đó làm quan đến bậc đại thần; Phó Trưởng ban là một vị linh mục và một vị đảng viên của Đảng Dân chủ… Chúng tôi không chủ trương giai cấp tranh đấu... Trái lại chúng tôi chủ trương làm cho tư bản Việt Nam phát triển. Mà chỉ có thống nhất và độc lập thì tư bản Việt Nam mới có thể phát triển. Đồng thời chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước khác thật thà cộng tác với chúng tôi... Bao giờ Pháp thật thà thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất thì chiến tranh sẽ lập tức kết liễu... Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn...”86.

Ngày 16-7-1953, Bác viết bài “Ra sức giữ đê phòng lụt” (dưới bút danh C.B) đăng trên báo “Nhân Dân” chỉ rõ: “Giặc lụt là tiên phong của giặc ĐÓI. Nó là đồng minh của giặc NGOẠI XÂM. Nó mong làm dân ta đói kém, để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta”. Vì vậy, việc “đắp đê giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch”87.

Ngày 16-7-1960, Bác cùng một số đại biểu Quốc hội đến thăm Trại thí nghiệm trồng lúa của Sở Nông lâm Hà Nội, xem vận hành loại máy cấy do Bộ Nông nghiệp chế tạo. Bác tự thân lội bùn thử máy, khen ngợi Bộ Nông nghiệp và nhắc nhở các đại biểu Quốc hội năng về địa phương đi sâu đi sát người lao động.

Ngày 17-7

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Ngày 17-7-1920, toàn văn tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin được đăng trên tờ L’Humanito (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp. Chính nhờ được đọc văn kiện này, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định lựa chọn con đường đi theo Quốc tế III của Lênin để góp phần sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

 Chiều ngày 17-7-1945, một đơn vị vũ trang mang biệt danh “Con Nai” (The Deer) của Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS) do Thiếu tá E.Thômát chỉ huy, theo sự thỏa thuận của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhảy dù xuống Tân Trào và được Việt Minh đón tiếp. Theo kế hoạch đơn vị này sẽ tham gia huấn luyện để cùng các chiến sĩ Việt Minh thành lập một “Đại đội Việt Mỹ” chống phát xít Nhật.

Ngày 17-7-1947, Bác gửi thư cho Ban thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc 27-7” nêu rõ: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc... Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”88. Thư nhấn mạnh: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”89 và đưa ra một số sáng kiến thiết thực, đồng thời “tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lát lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ)”90.

Ngày 17-7-1962, Bác gửi điện chúc mừng “Đại hội thế giới đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình” trong đó nhấn mạnh: “Chỉ có sự đoàn kết chặt chẽ của các lực lượng hòa bình trên toàn thế giới với những hành động cương quyết đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình mới có thể đập tan âm mưu thâm độc và đầy tội ác của những kẻ gây chiến”91.

Ngày 17-7-1966, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi “Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước nêu rõ quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hòan toàn bất chấp mọi thủ đoạn leo thang chiến tranh và chiêu bài thương lượng hòa bình của Mỹ. Lời kêu gọi thể hiện ý chí: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa... Chúng có thể dựng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn?”92.

Ngày 18-7

“Phải cho oanh liệt mới là thanh niên”.

Tháng 7-1941, để động viên quần chúng tham gia cách mạng, Nguyễn Ái Quốc viết bài thơ “Hoan nghênh thanh niên học quân sự” gồm 44 câu theo thể lục bát. Thơ có đoạn:

“Nước ta mất đã lâu rồi

Đồng bào cực khổ, suốt đời gian nan

Suốt đời chịu kiếp lầm than

Sưu cao thuế nặng, cơ hàn xót xa

Vì ai tan cửa nát nhà

Chồng lìa vợ, con lìa cha tơi bời?

Vì ai non nước rã rời

Giống nòi sỉ nhục chơi vơi thế này?

Vì giặc Nhật, vì giặc Tây!”93.

Để đi đến kết luận:

 “... Vì giặc Nhật, vì giặc Tây

Thanh niên ta phải ra đây học hành

Một là học việc nhà binh

Hai là học biết tình hình nước ta

Thanh niên là chủ nước nhà

Phải cho oanh liệt mới là thanh niên”94.

Ngày 18-7-1946, tiếp tục lưu lại thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các tầng lớp nhân dân ở nhiều địa phương, tìm hiểu đời sống và công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh của Chính phủ và nhân dân Pháp. Cùng trong ngày, Bác tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Môrixơ Tôrê (Maurice Thorez).

Ngày 17-7-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc chuyến đi thăm hữu nghị chính thức Liên Xô đầu tiên. Phát biểu tại sân bay Mátxcơva, Bác cảm ơn sự giúp đỡ của Liên Xô đối với sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ và đánh giá: “Sự giúp đỡ vô tư ấy làm cho nhân dân Việt Nam thêm tin tưởng và thêm sức mạnh đấu tranh và đồng thời còn làm cho chúng tôi thấy rõ trách nhiệm to lớn của mình trong việc mau chóng khôi phục lại nền kinh tế, cải thiện đời sống và bồi dưỡng lực lượng của nhân dân”95.

Ngày 19-7

“Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh”.

Ngày 19-7-1925, bản “Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được công bố trên báo Thanh niên xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc). Bản tuyên ngôn xác định mục tiêu “cần phải đoàn kết các dân tộc bị áp bức và toàn thể công nhân trên thế giới lại để làm cách mạng”96 và kêu gọi: “Hỡi hết thảy những người bị áp bức, anh em! Nếu bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết! Nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm..., chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta!... Các bạn thân yêu! Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc. Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng ta chỉ có thể cậy vào sức của mình mà thôi..., hãy kết đoàn với chúng tôi làm cuộc cách mạng tối thượng”97 .

Ngày 19-7-1945, Hồ Chí Minh đại diện cho Việt Minh và Thiếu tá Thômát (Thomas) chỉ huy đơn vị OSS thảo luận về phương hướng và chương trình hành động hợp tác chống phát xít Nhật. Hai bên quan tâm đến tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng và Việt Minh sẵn sàng tiếp nhận nhiều thành viên OSS.

Ngày 19-7-1946, tại Pari, Bác tiếp nhiều trí thức và chính khách Pháp trong đó có nữ văn sĩ Ximuni Tery (Simone Tery) và Bộ trưởng Bộ Quân giới Pháp Sáclơ Tilông (Charles Tillon).

 Ngày 19-7-1951, báo Nhân Dân đăng bài “Dân Mỹ chống chiến tranh” của Bác (bút danh C.B) với kết luận: “Ý dân là ý trời. Đế quốc Mỹ làm trái ý dân, ý trời, cho nên chúng sẽ thất bại”98. Cũng trên số báo này đăng bài viết của Bác có nhan đề “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành” với lời chú dẫn: “Trong tháng 7-1937, đồng chí Mao Trạch Đông viết tập “Thực tiễn luận”, bàn về lý luận và thực hành, biết và làm.

Sau đây là tóm tắt nội dung tập “Thực tiễn luận” nói theo cách Việt Nam cho dễ hiểu”99.

Ngày 19-7-1960, đến dự và phát biểu tại Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa, Bác nhấn mạnh vai trò của giai cấp công nhân với việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước và phê phán các hiện tượng: “Bác có đi mấy nơi, thấy cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp thường ăn riêng, ở riêng. Thành ra nhà ăn, nhà ở của công nhân sạch, bẩn, xấu, tốt thế nào cũng không biết. Cán bộ không cùng lao động với công nhân,… nên càng đẻ ra nạn giấy tờ... Vì sáng kiến làm rầy các ông lãnh đạo nên không được áp dụng...”100.

Ngày 19-7-1961, Bác dự Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương bàn về phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm 1961-1965. Riêng về công tác thu mua lương thực, Bác nhận xét: “Việc mua lương thực còn ì ạch. Nút ở đâu? Đời xưa Khổng Tử nói: “Dân không tin, không làm được”. Bây giờ xã nói huyện ép, huyện nói tỉnh ép, tỉnh nói trung ương ép! Vì vậy, để làm kế hoạch này, vấn đề rất quan trọng có lẽ là vấn đề dưới chưa tin trên và trên chưa tin dưới”101.

Ngày 19-7-1965, trả lời phỏng vấn của phóng viên Cuba, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Miền Nam Việt Nam nhất định sẽ được giải phóng”, “Hai miền Bắc và Nam sẽ tiến từng bước thống nhất đất nước của mình”102.

Khánh Linh (tổng hợp)

Chú thích:

79. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 372.
80. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 464.
81. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 68.
82. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 175.
83. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 474-476.
84,85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 167, 174.
86. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 169-172.
87. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2007, t. 5, tr. 343-344.
88. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 175.
89,90. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 175, 176.
91. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 568.
92. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 108.
93,94. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2006, t. 2, tr. 143.
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 8, tr. 24.
96,97. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 437, 438-439.
98, 99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 246, 247.
100. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 179-180.
101. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2008, t. 8, tr. 104.
102. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Sdd, 2008, t. 9, tr. 266.

Bài viết khác: